Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Ván bài lật ngửa - Phần III - Chương 17 phần 2
Và, không đợi giám mục đồng ý hay không, cô hỏi luôn, bằng tiếng Anh:
- Có phải ngôi giám đường Phú Cam dựng lên do sáng kiến của Đức cha?
- All right(1)! – Giám mục trả lời bằng tiếng Anh, với vẻ tự hào – Đấy là nơi tôi chào đời. Tôi phải trả ơn Chúa!
- Thưa đức cha, có phải các thương gia Huế bỏ tiền ra xây nhà thờ, sau khi được đức cha gợi ý?
- No! It is one invecture(2) những tín hữu hảo tâm và họ tự nguyện – Giám mục từ hớn hở chuyển ngay sang thái độ bực mình.
(1) Đúng vậy!
(2) Không! Đó là một sự thóa mạ.
- Theo các tin tức, – Fanfani vẫn bám chặt - Giám mục phát thiệp mời khách dự một bữa tiệc, giá mỗi thiệp là 5.000 đồng…
- Tôi đã nói với bà đó là luận điệu của Cộng sản! – Thục toan bỏ đi.
- Xin đức giám mục cho một phút nữa. – Fanfani nằn nì – Người ta đồn đức cha vận động Vatican và sức ép của Chính phủ Việt Nam, để được làm tổng giám mục Sài Gòn…
Ngôi Đình Thục đỏ mặt. Ông chưa biết phải làm sao thoát nạn thì Luân đã giúp ông:
- Việc gì phải vận động? Cô nhà báo nên nhớ, đức cha thụ phong giám mục còn một năm nữa là hai mươi năm. Một trong ba giám mục Việt Nam có niên hạn cao nhất… Vả lại, hôm nay chúng tôi họp gia đình, việc chính trị và việc công mời cô dịp khác!
Fanfani mím môi. Giám mục cười giả lả:
- Xin kiếu cô. Tôi có chút việc.
Ông bỏ đi. Fanfani liếc xéo Luân, rồi chạy lại góc nhà nơi Diệm và Cẩn đang xăm xoi một chiếc xe kéo đặt trên bệ. Đây là loại xe dùng cho các quan. Nửa thế kỉ tồn tại, chiếc xe kỉ vật vẫn còn đẹp mã – những miếng đồng sáng loáng.
- Em chùi đó! – Cẩn khoe.
- Thấy xe, tôi nhớ thầy. Thầy ngồi xe vào Đại nội – lúc đó, tôi còn bé, nhưng sau nầy mụ vẫn nhắc. Anh Cả nhà ta từng dùng nó. Rồi đến tôi… Chú chăm sóc nó là phải!
Diệm vuốt ve càng xe. Một tiếng động nhỏ, ông nhìn ra: cô phóng viên đã chớp được cái ảnh lạ đó. Diệm đổi sắc mặt. Nhu vừa nhắc ông về cô nhà báo Mỹ nầy: những bức ảnh lúc bình thường coi như vô thưởng vô phạt, nhưng vào một thời điểm nào đó, chúng là những nhân chứng cay nghiệt.
- Thưa Tổng thống! – Fanfani xán gần – Xin phép Tổng thống…
Diệm xua tay:
- Mời cô, khi chúng ta vào Sài Gòn. Hôm nay, tôi về nhà, không với tư cách Tổng thống!
Fanfani chưa bỏ cuộc:
- Vậy, xin phép ông cố vấn chỉ đạo miền Trung..
Ngô Đình Cẩn phun một bãi cổ trầu:
- Tui không ưa nhà báo!
- Dù vậy, tôi muốn hỏi ông cố vấn một câu: Có phải ông thầu khoán Nguyễn Đắc Phương tự sát không? Bản tin của AFP đặt nghi ngờ về vai trò của ông Phan Quang Đông, mật vụ Trung phần và nói xa, nói gần về một vụ tranh giành đấu thầu giữa bà Cả Lễ với ông Phương… - Fanfani nói một thôi dài.
Cẩn hơi tái mặt. Fanfani mỉm cười.
- Nầy, tau bảo cho mi biết… Tau...
Sợ Cẩn hóa rồ, Diệm phải cứu em:
- Cô nghe chi bọn đưa tin nhảm. Tại sao AFP lại dám vu khống Việt Nam Cộng hòa? Cô là nhà báo Mỹ, cô thừa hiểu AFP chưa bao giờ đưa tin trung thực về chúng tôi…
Phan Quang Đông đứng gần đó, ném cho Fanfani một cái liếc sắc như dao. Đông cũng như tất cả quan chức ở miền Trung đều biết Tổng thống một mực bao che đứa em út của mình.
- Tội nghiệp chú Cẩn, nó dành cả đời hầu hạ mụ chúng tôi. Trong anh em chúng tôi, nó cơ cực hơn hết, ít học hành, không được đi đây đó. Tánh nó lại thật thà, bộc trực. Cho nên các ông phải hết lòng giúp nó. – Diệm nhiều lần dặn dò quan chức miền Trung như vậy. Ông phóng ra một cái khuôn đánh giá Cẩn và quan chức nào ở Huế gặp Diệm đều rạp theo đó mà xưng tụng cậu Út. Đôi lần Nhu bàn với Diệm đừng để Cẩn dính vào việc cai trị. Lần nào Nhu cũng bị Diệm rầy:
- Em nó ru rú với mẹ, không vợ không con. Thì cũng phải đền bù cho nó cái gì chứ?
Trong trường hợp nầy, Tổng thống Diệm suy nghĩ theo quán tính của một hoàng đế.
Khi Nhu nhắc đến các hoạt động kinh tài phi pháp của Cẩn và bà Cả Lễ - nói chung anh ta ít dám đả động mạnh khía cạnh nầy bởi chính Trần Lệ Xuân còn nổi tiếng hơn cả Thục, Cẩn và bà Cả Lễ cộng lại – thì Diệm gạt phắt:
- Chú Cẩn cần tiền để làm gì? Chẳng qua người ta ganh với chú ấy… Chị Cả Lễ cũng vậy. – Rồi, Diệm nói thẳng – Chú có nghe thì cũng lọc lựa sai đúng mà nghe. Đừng để việc trái ý giữa chị dâu em chồng dẫn chú tới chỗ đối xử thiếu công bình trong nhà…
Thường thường, những lần đó, Nhu chỉ thở dài hoặc than với Luân.
*
Ngày mai, họ rời Huế. Sau bữa ăn gia đình ở Phú Cam – trong bữa ăn, Luân hứa sẽ sớm làm đám cưới với Dung – hai người dành buổi tối đi dạo Huế. Họ từ nơi ngụ là tòa đại biểu Chính phủ, thả bộ men bờ sông, không lấy Thạch theo.
- Chẳng cần, công an gác đầy đường. – Luân bảo Thạch – Anh có thể tự do tới khuya. Vả lại, chúng tôi đi một lúc thôi.
Thạch cám ơn. Các bạn cùng nghề với anh từ Sài Gòn ra, rủ anh thưởng thức cái thú chơi thuyền trên sông Hương, nhất là đêm nay trăng rất sáng.
Luân và Dung sóng đôi.
- Ra tới Huế, em bỗng nhớ Napoléon Bonaparte. Sau khi đăng quang, một lô em ruột, em rể của ông ta đều được cắt đất phong vương cả… - Dung thủ thỉ với Luân.
- Nhưng mà cô phải thấy đế chế của Napoléon đủ rộng để chia chác. Còn ở Việt Nam Cộng hòa, sự chia chác kiểu đó đồng nghĩa với sự rút ngắn mạng sống của “chế độ.” Cho nên, cô so sánh với Napoléon là hơi quá đề cao Diệm. Ông ta chưa giống cả Vua Nguyễn, là những người có một thời làm chủ suốt ba miền. Ông ta sớm thỏa mãn và có lẽ vận của ông ta bắt đầu từ chỗ cao nhất tụt lần, tụt lần… Ông ta tụt trong ảo giác là ông ta đang lên, lên mãi… Mai kia, nếu Diệm đổ, thì một trong những nguyên nhân quan trọng quyết định chính là sự thành công của ông ta.
Họ đến dốc cầu Tràng Tiền thì gặp Fanfani.
- Chào ông kĩ sư! Chào cô Dung! – Fanfani nhanh nhảu – Tôi định đến chào ông và cô. Gặp tại đây tốt quá. Sáng mai, tôi vô Sài Gòn bằng chuyến bay đầu tiên, cất cánh trước sáu giờ... Hình như máy bay riêng của ông Diệm cất cánh vào bảy giờ. Phải không?
Luân mỉm cười. Fanfani, qua ánh đèn, thấy cái mỉm cười có ngụ ý đó.
- Ông Luân đúng là một nhà chính trị tế nhị. - Fanfani cười to – Chắc ông hỏi: vì sao một nhà báo Mỹ biết giờ cất cánh của máy bay chở Tổng thống?
- Không phải biết giờ, mà quan tâm đến giờ… - Luân đính chính một cách hóm hỉnh – Tất nhiên, với cô Fanfani, điều đó không chứa đựng bất kì một chút nguy hiểm nào!
- Cám ơn ông Luân nhận xét tốt về tôi, mặc dù có lẽ ông và cô Dung đã nghe bản tin mới nhất của đài Manila…
- Không, chúng tôi chưa nghe! – Dung trả lời, tò mò.
- Vậy thì ông và cô phải thưởng cho tôi: Tin đặc biệt. Trên đường kinh lí đảo Cébu trở về, máy bay chở Tổng thống Phillipin Macsaysay đâm vào núi, nổ tung!
- Ái chà! – Luân kêu thảng thốt.
- Ông Macsaysay lên đỉnh vinh quang gần đến mười năm và xuống vực chắc chừng mười giây! – Fanfani nhận xét.
Họ bước lên cầu. Luân đi giữa choàng vai hai cô gái. Fanfani bảo:
- Ông Luân có lí để lo ngại về sự tiết lộ giờ giấc của máy bay Tổng thống.
- Nhất là, – Luân bình thản trở lại – khi tôi và Dung đi trên chiếc máy bay đó!
- Biến động chính trị là loại biến động đột ngột hơn cả động đất nữa! - Fanfani thở ra.
- Đúng vậy. Và phải nói thêm: Phù thủy CIA nhúng tay vào thì sự thể còn trăm phần lắt léo…
Fanfani lần nầy không phản ứng nhận xét của Luân về CIA.
- Sau Buôn Mê Thuột, giờ tới Macsaysay, dấu hiệu cảnh cáo khá dồn dập – Fanfani nói tiếp – Tôi biết ông kĩ sư lo lắng nhiều. Điều đó chứng tỏ sự gắn bó của ông với gia đình ông Diệm… Nhưng, lo lắng sẽ không ích lợi bao nhiêu. Dẹp tan lo lắng mới cần. Ông có thể làm việc đó bằng những đề nghị cải tổ. Chẳng hạn…
Fanfani nói chưa hết câu thì, ngược chiều với họ - lúc bấy giờ họ đang ở giữa cầu – bốn người mặc thường phục kiểu mùa hè, giăng hàng ngang đón họ.
- Ê! – Một trong bốn người, rất to con, mặt đỏ gay trỏ Fanfani – Mầy là con viết nhật trình, phải không?
Fanfani lùi lại sau lưng Luân.
- Còn thằng nầy với con nầy, – Gã trỏ Luân và Dung – cùng cánh với con Mỹ lai, phải không? Nếu không phải thì xéo ngay. Còn nếu phải thì chúng ông cho chầu Hà Bá một thể!
Dưới chân họ, con sông Hương về đêm sâu thẳm.
- Tiên sư mày! Con nhật trình. Tao lột mầy trần truồng rồi vứt mấy xuống sông… Xuống sông mà viết nhật trình cho Hà Bá đọc!
Dung mở xắc. Luân hích nhẹ tay cô ngăn lại. Nhìn cả bốn cái mặt đần độn, anh suy tính.
- Các anh là người của Phan Quang Đông, tôi biết. Các anh định làm loạn hả? – Luân nói nghiêm khắc.
- Đ.M mầy! Chúng ông là ai mặc xác chúng ông… - Gã to con vung tay tát Luân. Luân né khỏi làm gã chới với.
- Tôi bảo: các anh cút! Tôi là Thiếu tá Nguyễn Thành Luân, trong tham mưu biệt bộ của Tổng thống. Hoặc các anh sẽ bị tống vào nhà giam liền bây giờ, cùng với xếp Đông của các anh, hoặc các anh cút!
Luân khoanh tay khinh khỉnh nhìn cả bốn đứa. Bốn đứa bỗng sựng lại, ngó Luân rồi ngó nhau. Dường như cuối cùng bọn chúng nhớ ra Luân là ai, không hẹn mà cùng bước thụt lùi, khi cách xa Luân, cả bốn ù té chạy về bờ bắc.
- Tôi tiếp ý bỏ dở nửa chừng của tôi. – Fanfani nói, khi ba người quay lại bờ nam – Chẳng hạn ông trao đổi với ông Diệm, ông Nhu sớm chấm dứt những trò lưu manh kiểu như ông chứng kiến. Dù sao, ông vẫn phải chia sẻ thành công hay thất bại của chế độ. Và, với tư cách của người đứng bên ngoài, tôi kết luận là ông có uy tín. Đêm nay, nếu một mình tôi, lời hăm dọa của bọn côn đồ chắc sẽ thành sự thật… - Fanfani chợt rùng mình.
Luân im lặng. Dự báo mỗi lúc một rõ ràng. Tin tức mật hằng ngày trình cho Nhu nhắc thường hơn các nhóm vũ trang mang danh Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên – nhưng hoạt động khác hẳn cái tên của mình – đang mở rộng lực lượng và địa bàn ở U Minh, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa và nhiều nơi khác.
- Tôi hỏi thật cô Dung: Cô có ghen không? – Fanfani hỏi, khi về đến cổng khách sạn.
Dung cười bẽn lẽn.
- Ông kĩ sư chỉ biết có mỗi cô. Dù vậy, tôi xin phép cô.
Fanfani vụt ghì cổ Luân, hôn thật mạnh môi anh, rồi chạy vào khách sạn không ngoảnh lại.
Luân quàng vai Dung, men sông về nơi nghỉ.
- Cô phiền Fanfani không? – Luân hỏi.
Dung cười:
- Em chỉ phiền nếu chính anh, chứ không phải Tiểu Phụng hay Fanfani. Đến bây giờ, em chưa thấy điều gì đáng phiền.
Dung nép sát vào người Luân. Ánh trăng trải mặt sông Hương màu sáng huyền hoặc. Trên một con thuyền lênh đênh nào đó, giọng Nam ai tê tái:
Biết ai nhắn gửi đôi lời, đôi lời tình tự
Câu tâm sự như ri, biết thấu cho không?
Trời kia rộng mênh mông, thu rồi lần lựa sang đông…
- Có phải ngôi giám đường Phú Cam dựng lên do sáng kiến của Đức cha?
- All right(1)! – Giám mục trả lời bằng tiếng Anh, với vẻ tự hào – Đấy là nơi tôi chào đời. Tôi phải trả ơn Chúa!
- Thưa đức cha, có phải các thương gia Huế bỏ tiền ra xây nhà thờ, sau khi được đức cha gợi ý?
- No! It is one invecture(2) những tín hữu hảo tâm và họ tự nguyện – Giám mục từ hớn hở chuyển ngay sang thái độ bực mình.
(1) Đúng vậy!
(2) Không! Đó là một sự thóa mạ.
- Theo các tin tức, – Fanfani vẫn bám chặt - Giám mục phát thiệp mời khách dự một bữa tiệc, giá mỗi thiệp là 5.000 đồng…
- Tôi đã nói với bà đó là luận điệu của Cộng sản! – Thục toan bỏ đi.
- Xin đức giám mục cho một phút nữa. – Fanfani nằn nì – Người ta đồn đức cha vận động Vatican và sức ép của Chính phủ Việt Nam, để được làm tổng giám mục Sài Gòn…
Ngôi Đình Thục đỏ mặt. Ông chưa biết phải làm sao thoát nạn thì Luân đã giúp ông:
- Việc gì phải vận động? Cô nhà báo nên nhớ, đức cha thụ phong giám mục còn một năm nữa là hai mươi năm. Một trong ba giám mục Việt Nam có niên hạn cao nhất… Vả lại, hôm nay chúng tôi họp gia đình, việc chính trị và việc công mời cô dịp khác!
Fanfani mím môi. Giám mục cười giả lả:
- Xin kiếu cô. Tôi có chút việc.
Ông bỏ đi. Fanfani liếc xéo Luân, rồi chạy lại góc nhà nơi Diệm và Cẩn đang xăm xoi một chiếc xe kéo đặt trên bệ. Đây là loại xe dùng cho các quan. Nửa thế kỉ tồn tại, chiếc xe kỉ vật vẫn còn đẹp mã – những miếng đồng sáng loáng.
- Em chùi đó! – Cẩn khoe.
- Thấy xe, tôi nhớ thầy. Thầy ngồi xe vào Đại nội – lúc đó, tôi còn bé, nhưng sau nầy mụ vẫn nhắc. Anh Cả nhà ta từng dùng nó. Rồi đến tôi… Chú chăm sóc nó là phải!
Diệm vuốt ve càng xe. Một tiếng động nhỏ, ông nhìn ra: cô phóng viên đã chớp được cái ảnh lạ đó. Diệm đổi sắc mặt. Nhu vừa nhắc ông về cô nhà báo Mỹ nầy: những bức ảnh lúc bình thường coi như vô thưởng vô phạt, nhưng vào một thời điểm nào đó, chúng là những nhân chứng cay nghiệt.
- Thưa Tổng thống! – Fanfani xán gần – Xin phép Tổng thống…
Diệm xua tay:
- Mời cô, khi chúng ta vào Sài Gòn. Hôm nay, tôi về nhà, không với tư cách Tổng thống!
Fanfani chưa bỏ cuộc:
- Vậy, xin phép ông cố vấn chỉ đạo miền Trung..
Ngô Đình Cẩn phun một bãi cổ trầu:
- Tui không ưa nhà báo!
- Dù vậy, tôi muốn hỏi ông cố vấn một câu: Có phải ông thầu khoán Nguyễn Đắc Phương tự sát không? Bản tin của AFP đặt nghi ngờ về vai trò của ông Phan Quang Đông, mật vụ Trung phần và nói xa, nói gần về một vụ tranh giành đấu thầu giữa bà Cả Lễ với ông Phương… - Fanfani nói một thôi dài.
Cẩn hơi tái mặt. Fanfani mỉm cười.
- Nầy, tau bảo cho mi biết… Tau...
Sợ Cẩn hóa rồ, Diệm phải cứu em:
- Cô nghe chi bọn đưa tin nhảm. Tại sao AFP lại dám vu khống Việt Nam Cộng hòa? Cô là nhà báo Mỹ, cô thừa hiểu AFP chưa bao giờ đưa tin trung thực về chúng tôi…
Phan Quang Đông đứng gần đó, ném cho Fanfani một cái liếc sắc như dao. Đông cũng như tất cả quan chức ở miền Trung đều biết Tổng thống một mực bao che đứa em út của mình.
- Tội nghiệp chú Cẩn, nó dành cả đời hầu hạ mụ chúng tôi. Trong anh em chúng tôi, nó cơ cực hơn hết, ít học hành, không được đi đây đó. Tánh nó lại thật thà, bộc trực. Cho nên các ông phải hết lòng giúp nó. – Diệm nhiều lần dặn dò quan chức miền Trung như vậy. Ông phóng ra một cái khuôn đánh giá Cẩn và quan chức nào ở Huế gặp Diệm đều rạp theo đó mà xưng tụng cậu Út. Đôi lần Nhu bàn với Diệm đừng để Cẩn dính vào việc cai trị. Lần nào Nhu cũng bị Diệm rầy:
- Em nó ru rú với mẹ, không vợ không con. Thì cũng phải đền bù cho nó cái gì chứ?
Trong trường hợp nầy, Tổng thống Diệm suy nghĩ theo quán tính của một hoàng đế.
Khi Nhu nhắc đến các hoạt động kinh tài phi pháp của Cẩn và bà Cả Lễ - nói chung anh ta ít dám đả động mạnh khía cạnh nầy bởi chính Trần Lệ Xuân còn nổi tiếng hơn cả Thục, Cẩn và bà Cả Lễ cộng lại – thì Diệm gạt phắt:
- Chú Cẩn cần tiền để làm gì? Chẳng qua người ta ganh với chú ấy… Chị Cả Lễ cũng vậy. – Rồi, Diệm nói thẳng – Chú có nghe thì cũng lọc lựa sai đúng mà nghe. Đừng để việc trái ý giữa chị dâu em chồng dẫn chú tới chỗ đối xử thiếu công bình trong nhà…
Thường thường, những lần đó, Nhu chỉ thở dài hoặc than với Luân.
*
Ngày mai, họ rời Huế. Sau bữa ăn gia đình ở Phú Cam – trong bữa ăn, Luân hứa sẽ sớm làm đám cưới với Dung – hai người dành buổi tối đi dạo Huế. Họ từ nơi ngụ là tòa đại biểu Chính phủ, thả bộ men bờ sông, không lấy Thạch theo.
- Chẳng cần, công an gác đầy đường. – Luân bảo Thạch – Anh có thể tự do tới khuya. Vả lại, chúng tôi đi một lúc thôi.
Thạch cám ơn. Các bạn cùng nghề với anh từ Sài Gòn ra, rủ anh thưởng thức cái thú chơi thuyền trên sông Hương, nhất là đêm nay trăng rất sáng.
Luân và Dung sóng đôi.
- Ra tới Huế, em bỗng nhớ Napoléon Bonaparte. Sau khi đăng quang, một lô em ruột, em rể của ông ta đều được cắt đất phong vương cả… - Dung thủ thỉ với Luân.
- Nhưng mà cô phải thấy đế chế của Napoléon đủ rộng để chia chác. Còn ở Việt Nam Cộng hòa, sự chia chác kiểu đó đồng nghĩa với sự rút ngắn mạng sống của “chế độ.” Cho nên, cô so sánh với Napoléon là hơi quá đề cao Diệm. Ông ta chưa giống cả Vua Nguyễn, là những người có một thời làm chủ suốt ba miền. Ông ta sớm thỏa mãn và có lẽ vận của ông ta bắt đầu từ chỗ cao nhất tụt lần, tụt lần… Ông ta tụt trong ảo giác là ông ta đang lên, lên mãi… Mai kia, nếu Diệm đổ, thì một trong những nguyên nhân quan trọng quyết định chính là sự thành công của ông ta.
Họ đến dốc cầu Tràng Tiền thì gặp Fanfani.
- Chào ông kĩ sư! Chào cô Dung! – Fanfani nhanh nhảu – Tôi định đến chào ông và cô. Gặp tại đây tốt quá. Sáng mai, tôi vô Sài Gòn bằng chuyến bay đầu tiên, cất cánh trước sáu giờ... Hình như máy bay riêng của ông Diệm cất cánh vào bảy giờ. Phải không?
Luân mỉm cười. Fanfani, qua ánh đèn, thấy cái mỉm cười có ngụ ý đó.
- Ông Luân đúng là một nhà chính trị tế nhị. - Fanfani cười to – Chắc ông hỏi: vì sao một nhà báo Mỹ biết giờ cất cánh của máy bay chở Tổng thống?
- Không phải biết giờ, mà quan tâm đến giờ… - Luân đính chính một cách hóm hỉnh – Tất nhiên, với cô Fanfani, điều đó không chứa đựng bất kì một chút nguy hiểm nào!
- Cám ơn ông Luân nhận xét tốt về tôi, mặc dù có lẽ ông và cô Dung đã nghe bản tin mới nhất của đài Manila…
- Không, chúng tôi chưa nghe! – Dung trả lời, tò mò.
- Vậy thì ông và cô phải thưởng cho tôi: Tin đặc biệt. Trên đường kinh lí đảo Cébu trở về, máy bay chở Tổng thống Phillipin Macsaysay đâm vào núi, nổ tung!
- Ái chà! – Luân kêu thảng thốt.
- Ông Macsaysay lên đỉnh vinh quang gần đến mười năm và xuống vực chắc chừng mười giây! – Fanfani nhận xét.
Họ bước lên cầu. Luân đi giữa choàng vai hai cô gái. Fanfani bảo:
- Ông Luân có lí để lo ngại về sự tiết lộ giờ giấc của máy bay Tổng thống.
- Nhất là, – Luân bình thản trở lại – khi tôi và Dung đi trên chiếc máy bay đó!
- Biến động chính trị là loại biến động đột ngột hơn cả động đất nữa! - Fanfani thở ra.
- Đúng vậy. Và phải nói thêm: Phù thủy CIA nhúng tay vào thì sự thể còn trăm phần lắt léo…
Fanfani lần nầy không phản ứng nhận xét của Luân về CIA.
- Sau Buôn Mê Thuột, giờ tới Macsaysay, dấu hiệu cảnh cáo khá dồn dập – Fanfani nói tiếp – Tôi biết ông kĩ sư lo lắng nhiều. Điều đó chứng tỏ sự gắn bó của ông với gia đình ông Diệm… Nhưng, lo lắng sẽ không ích lợi bao nhiêu. Dẹp tan lo lắng mới cần. Ông có thể làm việc đó bằng những đề nghị cải tổ. Chẳng hạn…
Fanfani nói chưa hết câu thì, ngược chiều với họ - lúc bấy giờ họ đang ở giữa cầu – bốn người mặc thường phục kiểu mùa hè, giăng hàng ngang đón họ.
- Ê! – Một trong bốn người, rất to con, mặt đỏ gay trỏ Fanfani – Mầy là con viết nhật trình, phải không?
Fanfani lùi lại sau lưng Luân.
- Còn thằng nầy với con nầy, – Gã trỏ Luân và Dung – cùng cánh với con Mỹ lai, phải không? Nếu không phải thì xéo ngay. Còn nếu phải thì chúng ông cho chầu Hà Bá một thể!
Dưới chân họ, con sông Hương về đêm sâu thẳm.
- Tiên sư mày! Con nhật trình. Tao lột mầy trần truồng rồi vứt mấy xuống sông… Xuống sông mà viết nhật trình cho Hà Bá đọc!
Dung mở xắc. Luân hích nhẹ tay cô ngăn lại. Nhìn cả bốn cái mặt đần độn, anh suy tính.
- Các anh là người của Phan Quang Đông, tôi biết. Các anh định làm loạn hả? – Luân nói nghiêm khắc.
- Đ.M mầy! Chúng ông là ai mặc xác chúng ông… - Gã to con vung tay tát Luân. Luân né khỏi làm gã chới với.
- Tôi bảo: các anh cút! Tôi là Thiếu tá Nguyễn Thành Luân, trong tham mưu biệt bộ của Tổng thống. Hoặc các anh sẽ bị tống vào nhà giam liền bây giờ, cùng với xếp Đông của các anh, hoặc các anh cút!
Luân khoanh tay khinh khỉnh nhìn cả bốn đứa. Bốn đứa bỗng sựng lại, ngó Luân rồi ngó nhau. Dường như cuối cùng bọn chúng nhớ ra Luân là ai, không hẹn mà cùng bước thụt lùi, khi cách xa Luân, cả bốn ù té chạy về bờ bắc.
- Tôi tiếp ý bỏ dở nửa chừng của tôi. – Fanfani nói, khi ba người quay lại bờ nam – Chẳng hạn ông trao đổi với ông Diệm, ông Nhu sớm chấm dứt những trò lưu manh kiểu như ông chứng kiến. Dù sao, ông vẫn phải chia sẻ thành công hay thất bại của chế độ. Và, với tư cách của người đứng bên ngoài, tôi kết luận là ông có uy tín. Đêm nay, nếu một mình tôi, lời hăm dọa của bọn côn đồ chắc sẽ thành sự thật… - Fanfani chợt rùng mình.
Luân im lặng. Dự báo mỗi lúc một rõ ràng. Tin tức mật hằng ngày trình cho Nhu nhắc thường hơn các nhóm vũ trang mang danh Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên – nhưng hoạt động khác hẳn cái tên của mình – đang mở rộng lực lượng và địa bàn ở U Minh, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa và nhiều nơi khác.
- Tôi hỏi thật cô Dung: Cô có ghen không? – Fanfani hỏi, khi về đến cổng khách sạn.
Dung cười bẽn lẽn.
- Ông kĩ sư chỉ biết có mỗi cô. Dù vậy, tôi xin phép cô.
Fanfani vụt ghì cổ Luân, hôn thật mạnh môi anh, rồi chạy vào khách sạn không ngoảnh lại.
Luân quàng vai Dung, men sông về nơi nghỉ.
- Cô phiền Fanfani không? – Luân hỏi.
Dung cười:
- Em chỉ phiền nếu chính anh, chứ không phải Tiểu Phụng hay Fanfani. Đến bây giờ, em chưa thấy điều gì đáng phiền.
Dung nép sát vào người Luân. Ánh trăng trải mặt sông Hương màu sáng huyền hoặc. Trên một con thuyền lênh đênh nào đó, giọng Nam ai tê tái:
Biết ai nhắn gửi đôi lời, đôi lời tình tự
Câu tâm sự như ri, biết thấu cho không?
Trời kia rộng mênh mông, thu rồi lần lựa sang đông…
Bình luận facebook