Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Ván bài lật ngửa - Phần IV - Chương 03
P4 - Chương 3
Luân được Nhu phái lên Dầu Tiếng. Với tư cách là người của tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống, anh có nhiệm vụ quan sát khu vực vừa xảy ra trận đánh lớn nhất từ sau khi các giáo phái tan rã. Cái nghiêm trọng của sự việc không phải vì một trận đánh, dù cho chỉ là tấn công một tỉnh lị và cũng không dính dấp nhiều đến những con số lực lượng phiến loạn - Phủ Tổng thống nhận các báo cáo kê con số sai biệt hẳn: theo quận trưởng, đến hai nghìn, tỉnh trưởng hạ con số còn trên một nghìn, tổng ủy tình báo ước lượng ba trăm. Chủ đồn điền Mechelin thay con số bằng một khái niệm hết sức dè dặt: nhiều toán vũ trang. Nghiêm trọng vì toán người nổ súng là Việt Cộng. Mở đầu giai đoạn mới rồi chăng? Đó là câu hỏi to tướng đặt ra với Tổng thống Diệm.
Luân chưa nhận được chỉ thị của A.07. Bản thân anh cũng không rõ trận tấn công nhằm yêu cầu gì. Trong cuộc họp gồm Tổng thống, cố vấn Nhu, đại tướng tổng tham mưu trưởng, tổng ủy trưởng tình báo, thiếu tướng tổng giám đốc cảnh sát quốc gia. Luân được phép tham dự như một thư kí – anh chọn lời lẽ để giảm nhẹ tầm quan trọng của trận Dầu Tiếng. Đó cũng là cách mà anh vừa trao đổi với đại sứ Mỹ Durbrow – ông này tán thành. Đồng minh của Luân trong cuộc họp - một cuộc họp na ná Hội nghị Hội đồng An ninh Quốc gia – là đại tá tổng ủy trưởng tình báo. Ông ta có lí do riêng: nếu trận Dầu Tiếng nghiêm trọng như vậy thì người phải chịu trách nhiệm trước tiên là ông ta: không nắm đủ tin tức. Với ba trăm Việt Cộng, con mắt của ông ta có thể bỏ sót, và ai có thể không bỏ sót nhóm người cỡ đó giữa vùng rừng bát ngát?
Cơn nóng giận của Diệm dịu dần. Luân được phái lên Dầu Tiếng.
Anh mượn cớ cần nghiên cứu kĩ cả khu vực, trì hoãn ngày đi. Từ sáng tới tối, anh đọc báo cáo, gặp gỡ các sĩ quan tình báo, sĩ quan tham mưu. Mãi tới khi tờ Dân Đen đăng tin mừng sau đây: “Chúng tôi được tin ngày Chủ nhật 9 tháng 3 năm 1958, nhằm 20 tháng giêng âm lịch Mậu Tuất, ông bà Lê Văn Tư, nghiệp chủ tại Lấp Vò, gả thứ nữ Lê Thị Bình cho cậu Trần Viết Thoại, trưởng nam ông bà Trần Viết Liêm, nghiệp chủ tại Chợ Lớn…” Luân mới lên đường.
Luân có mặt ở Dầu Tiếng chiều ngày mùng tám. Sáng nay, anh cùng trung tá tỉnh trưởng, đại úy quận trưởng, dẫn một đại đội bảo an đi thị sát làng 5 Dầu Tiếng nằm giáp ranh làng Thanh An, cửa ngõ dẫn vào chiến khu Long Nguyên nổi tiếng xưa kia. Cuộc thị sát bình thường song trung tá tỉnh trưởng lẫn đại úy quận trưởng đều rợn tóc gáy. Xe đổ xuống làng 5, hai người súng lục lăm lăm, bước dò từng bước trước khu nhà gạch của công nhân, chung quanh là lính tay tì trên cò súng, lom khom, dáo dác. Giờ này người lớn trong khu nhà đang đi lấy mủ ở các lô, còn toàn trẻ em, ông bà già. Họ đứng bên trong cửa, nhìn qua khe hở, theo dõi.
Luân vận quân phục, đeo hàm thiếu tá, đủng đỉnh theo sau, giống một người dạo xem phong cảnh. Thạch không đến nỗi mất tinh thần như các sĩ quan địa phương song tay luôn đặt lên báng khẩu súng ngắn bám sát Luân. Lính lục soát từng nhà. Chẳng mất nhiều thì giờ cho lắm, nhà trống trơn, ngay cả khạp gạo cũng lưng. Sau mỗi nhà chỉ có mấy luống rau. Còn lại là những hàng cao su thẳng tắp đứng đây trông thông thống tận đường 14.
Trước giờ hành quân, đại úy Tình khúm núm thưa với Luân, là theo anh ta, Việt Cộng nhứt định tụ tập tại làng 5 trước khi tấn công.
- Đại úy lấy gì làm bằng chứng chính Việt Cộng đánh Dầu Tiếng? – Luân hỏi, mắt anh cười cười.
- Dạ, tụi nó dán thông báo… - Đại úy Tình quả quyết
- Kí tên dưới các thông cáo đâu phải là bằng chứng… Ai chẳng làm được!
Trung tá tỉnh trưởng Vũ Thành Khuynh, người cao ráo, da ngăm, răng đen cạo chưa hết vết nhuộm cũ - lặng lẽ nghe. Theo ông, rất có thể là đám cướp. Ông chợt nhớ đến báo cáo kết luận của đại úy Tình: vùng Dầu Tiếng an toàn một trăm phần trăm. Và ông hối hận về con số một nghìn tên mà ông gán cho đám cướp.
- Nếu đại úy nói đúng thì Việt Cộng từ đâu tới? Trên trời đổ bộ xuống sao? - Luân hỏi châm biếm
- Cả trung tá nữa, các ông không bình tĩnh. Tổng thống rất lạ khi đọc báo cáo của các ông. Cách nhau mấy ngày, Việt Cộng từ là cái bóng mờ vụn biến thành hàng ngàn con người đủ súng ống. Cơ quan tình báo cười các ông, tôi mắc cỡ lây... Tại sao các ông không nghĩ đến đảng Rừng Xanh của Phạm Văn Bời?
Vũ Thành Khuynh buột miệng:
- Không phải đâu…
Luân vẫn cười nhẹ hỏi:
- Thiếu tướng Mai Hữu Xuân đảm bảo với trung tá?
Vũ Thành Khuynh lúng túng. Đảng Rừng Xanh đã được tướng Xuân thu dụng hồi ông ta chỉ huy chiến dịch Trương Tấn Bửu, đang hoạt động theo lối Commandos cũ – bây giờ kêu là biệt kích. Đó là chuyện bí mật.
- Tôi… tôi… – Vũ Thành Khuynh ấp úng mãi.
Đến làng 5, cảnh đìu hiu của ngôi làng gồm vài chục mái nhà lại ám ảnh Vũ Thành Khuynh. Biết đâu không phải là Việt Cộng?
Nhưng cuộc lùng sục đến trưa không mang lại tí kết quả nào. Phu đã lần lượt về, quần áo bê bết mủ cao su. Làm sao những người này là Việt Cộng cho được?
- Cạnh làng 3 là xóm gì? – Luân hỏi đại úy Tình
- Dạ, xóm Đất Ung, làng Thanh An
- Không thuộc sở Dầu Tiếng?
- Dạ, không.
- Đại úy đến đó chưa?
Đại úy đỏ mặt.
- Dạ, em mắc công chuyện… Vả lại, xóm Đất Ung có bốn nhà ở cách xa xa… Em cho lính ngày nào cũng đóng chốt ở đó.
- Tôi muốn đến xóm Đất Ung! - Luân nói gãy gọn.
Mặt đại úy vụt xanh.
- Dạ…
- Đại úy cho một tiểu đội theo tôi… Tới đó mấy cây số?
- Dạ…
Một trung úy đỡ lời quận trưởng:
- Đâu có mấy cây số. Chừng bảy, tám trăm thước. Chó sủa ở đây nghe rõ…
- Anh biết xóm Đất Ung? – Luân hỏi.
- Dạ, ngày nào em cũng qua lại đó…
- Vậy anh đi với tôi. Đại úy ở đây với trung tá. – Luân quay sang quận trưởng. Anh ta không giấu vẻ mừng.
Vũ Thành Khuynh hơi lưỡng lự:
- Hay tôi đi cùng với thiếu tá…
Luân đã thấy đại úy Tình thích nhẹ tay vào lưng tỉnh trưởng.
- Chắc không cần! - Luân bảo – Tôi ăn trưa ở đó.
- Em lo bữa ăn cho thiếu tá! – Viên trung úy reo lên.
Tiểu đội rẽ vào đường xe bò. Luân vừa khuất, quận trưởng nói nhỏ với tỉnh trưởng:
- Chỗ đó ghê lắm! Mấy bà già ở đó dữ tợn, nghe nói họ mài dao bén lắm, hăm chém lính…
Một lều vải căng ngay giữa vườn cao su. Trung tá tỉnh trưởng và đại úy quận trưởng ngồi xếp bằng quanh mâm, hai con gà quay láng mỡ, chai Whisky óng ánh. Gió từ sông Sài Gòn lao xao thổi tới.
Đúng là xómg Đất Ung vỏn vẹn có bốn nhà, mỗi nhà cách nhau chừng vài trăm thước, tất cả nằm cập lộ xe bò. Từ làng 5 ra lộ 14, giữa một khu rừng chồi được đánh lõm từng gốc trồng đậu phộng. Nhà lợp tranh lụp xụp. Luân đến thẳng ngôi nhà cuối cùng. Cũng như những nhà khác, cổng ngôi nhà có hai tấm bảng, ghi hai khẩu hiệu: “Ngô Tổng thống muôn năm!” và “Tiêu diệt giặc Cộng!” - hẳn Công dân vụ buộc chủ nhà phải mua. Trên cổng lủng lẳng một tấm thiếc vẽ cờ Quốc gia bằng sơn. Và, cả bốn nhà đều mang kí hiệu C và D.
Luân vào cổng, đúng có bụi hướng dương to. Ngay cổng, mấy cây đào lộn hộn trĩu quả. Một con bò gầy nhom đang nhai rơm.
Ngôi nhà cất theo lối chữ “đinh,” xiêu về một phía, tựa lên mấy cây chống cong queo. Bước lên, thềm đất, Luân thấy liền ảnh Ngô Đình Diệm treo giữa nhà cùng vô số áp phích chống Cộng treo trên vách.
Ngoài tiếng dao xắt chuối đều đều ở gian nhà ngang, tất cả đều im phăng phắc.
Luân xuống nhà ngang. Một bà, tuổi có lẽ trên sáu mươi, không nhìn khách lạ, miết con dao to bản lên thân cây chuối - đường dao ngọt xớt, từng khoanh chuối mỏng lật vào chiếc thúng đã bung vành. Cạnh bà, con heo nái nằm sâu dưới nền, thở nặng nề.
Vừa nhìn qua, Luân đã biết bà già thuộc hạng người nào. Trong kháng chiến, anh quen đến hàng trăm bà má như vậy - những sợi tóc trắng, những nếp nhăn, đôi mắt hiền từ. Anh thầm nghĩ, một má chiến sĩ.
- Thưa má… – Luân đánh tiếng, tiểu đội đã tỏa quanh nhà.
Bà già không ừ hử. Viên trung úy sừng sộ:
- Ê, bà già!
Bà già ngó lên:
- Nè, thiếu tá hỏi bà, bà trả lời cho đoàng hoàng. - Viên trung úy tiếp tục hầm hè.
- Đừng la lối! – Luân rầy viên trung úy - Để tôi hỏi má…
- Ai mà dám làm má mấy ông! – Bà già phọt một miếng cổ trầu, liếc qua Luân và dừng lại viên trung úy – Ông kia, tiền con gà mái đẻ của tôi ông hứa trả mà sao mấy tháng không thấy…
Viên trung úy chết bộ, mặt anh đỏ lừ:
- Ối! Chuyện nhỏ nhặt… - Anh ta nói liều.
- Sao kêu bằng nhỏ nhặt? Các ông có tiền, con voi cũng thành nhỏ, chớ tôi nghèo…
Rồi bà khoát tay đuổi một con gà giò:
- Hù, đi ra, đồ ôn hoàng dịch lệ.
- Bà đuổi tụi mình đó! - Thạch nói với viên trung uý.
- Má ơi tại sao nhà ta mang biển đen? – Luân hỏi từ tốn ngồi lên thành chiếc cối giã gạo.
- Ông là quan quyền, đừng kêu tui là má, mất thể diện lắm…
- Mất thể diện cho bà hay thiếu tá? – Viên trung úy gỡ gạc.
Bà già không trả lời, đưa con dao xắt chuối rào rạo.
- Con hỏi thiệt. – Luân dằn xúc động – Má nói cho con biết tại sao nhà ta bị biển đen?
- Nếu không biết thiệt, sao ông không hỏi ông quận? – Bà già liếc con dao lên cục đá đã khuyết một vòng cung nơi chính giữa, trả lời Luân. Có lẽ giọng thiết tha của Luân khiến bà già ít nhiều để ý anh.
- Còn vụ đánh Dầu Tiếng không có thằng nhỏ nhà tui dính vô đâu? Chừng nào ông nhà tui với tui phải lên ngủ trên nhà làng? Cho hay trước để tui gửi con gà, con heo… Cặp bò, ôn dịch bắt hết một con năm ngoái, con gà thì… - Bà tìm viên trung úy, anh ta lủi ra ngoài từ hồi nãy - ... Cái ông gì đó bắt trên ổ lúc nó đẻ… Con chó cũng lãnh một phát mút…
Cánh tay bà già nổi gân cuồn cuộn. Luân biết, bà đang nghĩ tới làng lính – trong đó có anh – khi bà thoăn thoắt lia thân cây chuối từng nhát chắc nịch.
- Bộ anh Hai ở nhà trước kia đi kháng chiến hả má? – Luân hỏi tiếp.
- Phải dè tình hình như vậy thì tui xúi nó đi kháng chiến cho rồi, tập kết cũng yên thân mà vô rừng cũng khỏe! - Bà già mím môi.
- Vậy anh Hai không đi kháng chiến… Vậy sao người ta treo bảng đen ở nhà má?
- Ngộ hôn? Tôi biểu ông đi hỏi ông quận… Hoặc ra chợ Thanh An hỏi vợ bé của ổng. Bà vợ vựa củi chớ không phải bà vợ chủ tiệm vàng…
- Con hiểu rồi! Chắc bà vợ bé của ông quận muốn giật vuông rừng sau nhà do anh Hai khai phá. - Luân gật gật đầu.
- Ông nói trúng đó! - Bà già cũng gật gật đầu – Nào phải riêng nhà tui, cả xóm Đất Ung, tụi tui là Cộng sản thì quan quyền mới cất nhà phong tô được chớ! Mới vợ bảy, vợ mười được chớ!
- Xin lỗi má, má thứ mấy? Con muốn biết để xưng hô cho tiện. Con thứ Bảy… - Luân hỏi đột ngột.
- Tôi thứ Hai, thứ của ổng. Còn bên tôi, tôi thứ Chín…
Luân bước ra sân, không phải rồi. Nhưng cả xóm Đất Ung chỉ có nhà này trồng bụi hướng dương mà thôi.
Suy nghĩ một lúc, Luân gọi viên trung úy:
- Anh cầm ít tiền ra chợ Thanh An mua cái gì về ăn. Tôi cho phép anh em uống rượu. Anh hỏi anh em thích loại rượu nào, anh cứ mua. Nhớ mua, chớ đừng giật.
Nhận tiền của Luân – Luân đưa khá hào phóng – viên trung úy mừng rơn, ngoắc một thượng sĩ:
- Theo tao, bữa nay làm một trận cho đã!
Hai người chưa ra tới cổng thì gặp một chiếc xe đạp quẹo vào, xe dừng. Một ông già tóc bạc, dáng cao lớn, đèo sau một giỏ gùi(1) xuống xe:
(1) Một loại trái cây vị ngọt hơi chua, thân dây, mọc ở rừng.
- Chuyện gì vậy, mấy ông?
Ông già sững sờ trước số lính lố nhố. Ông lột nón lá. Luân suýt reo to khi nhìn thấy một lọn tóc nhỏ của ông cài lông nhím bự xộn. Cả bộ bà ba đen, áo nâu nữa.
- Chuyện gì, lát nữa sẽ biết. Còn bây giờ lão đưa chiếc xe và cái giỏ đây!
Viên trung úy giật xe, trút giỏ gùi. Anh ta và tay thượng sĩ mất hút.
- Xin lỗi bác… Anh em mượn xe lỗ mãng quá, nhưng cháu cam đoan xe không mất. - Luân giúp ông già lượm gùi tung tóe trên đất.
- Ông là quan, ông để lính làm ngang như vậy, bảo dân tin vào chính nghĩa quốc gia sao được?
Ông già lầm bầm
- Cháu sẽ phạt họ… Tụi cháu đi tuần tra, ghé đụt nắng nhà này. Bác là chủ nhà, phải không?
Ông già không trả lời Luân, gọi vọng vào nhà:
- Bà ở đâu, không coi chừng coi đồ, mất con bò bây giờ!
- Tui ở đây chứ đâu… Mạng mình còn lo giữ không nổi, lo tới con bò! – Bà già đã xắt xong chuối, đang quét, trả lời.
- Xin bác cho phép tụi cháu đụt nắng… - Luân nhắc lại.
- Nhà tôi chật chội lắm… - Ông già nhìn Luân - Nếu ở thì một mình ông thôi…
- Dạ, cám ơn… Anh em ở ngoài rào, ăn uống xong thì đi...
Luân chưa vào nhà. Ông già đem gùi xuống nhà ngang, rồi quét bộ ván ở nhà trên.
- Ông quan ơi, ông vô nghỉ lưng một chút…
Luân ngồi lên ván… Nắng trưa hắt nóng ngôi nhà.
Anh bảo Thạch xin phép chủ nhà bỏ tấm liếp xuống.
Lát sau viên trung úy về, mua cả giỏ bánh mì, thịt quay và đến ba chai rượu Quảng An Thành. Luân mời chủ nhà ăn bánh mì với anh. Bà già hứ anh, ông già cầm một khúc bánh mì vừa nhai vừa quan sát đám lính ngồi bẹp cạnh rào, quanh bữa ăn. Ông mang ra cho họ mượn chén, đũa…
Khi đám lính ngà ngà, hầu hết cởi áo, cười nói ầm ĩ, Luân hỏi ông già:
- Xin lỗi bác thứ mấy? Cháu thứ Năm…
Ông già cười cười:
- Tôi thứ Sáu! Đúng chưa?
Rồi ông hạ thấp giọng:
- Thấy chú tôi biết liền. Quan tư, quan năm quốc gia mà một dạ hai thưa, hiếm lắm! Mà, bà nhà tôi không rành vụ này, chú đừng nói gì hết…
- Thì giờ ít quá, cháu muốn gặp người quen…
- Ậy, đợi tụi nó ngủ đã… Một tay đi vô nhà kìa!
Ông già chỉ Thạch, mặt đỏ gay, đang lảo đảo bước
- Chú ra chơi với anh em rồi nghỉ một chút, tôi ở lại với bác đây được rồi! – Luân bảo Thạch.
- Gặp người quen xa không bác? – Luân nóng ruột, hỏi tiếp.
- Xa cũng xa mà gần cũng gần. Như vầy, chú vô buồng, ở đó kín đáo. Nhớ nói nhỏ nhỏ. Tôi coi chừng cho. Hễ nghe tôi tằng hắng, chú nhảy lẹ ra ngoài.
Ông đưa Luân vào buồng, gian buồng hẹp, tối bưng. Ông giẫm chân lên nền, ba tiếng liền đệm một ngắn đoạn.
- Thôi, chú làm việc. Nhớ nói nhỏ…
Ông quay lưng ra, Luân bỡ ngỡ. Làm việc với ai?
Liền lúc đó, Luân nghe động dưới gầm giường. Luân rạp người, cố nhướng mắt tìm kiếm. Mặt nền nhà bằng phẳng bỗng nhô lên một khối vuông nhỏ! A, hầm bí mật! Luân nghe nói đến hầm bí mật nhưng chưa thấy lần nào. Ai dè hầm bí mật ngay đây. Vậy thì người đến gặp anh đã nằm dưới hầm bí mật khá lâu.
Thư hẹn không nói anh sẽ gặp ai, chỉ ghi “người quen.” Từ vụ điện đài Núi Cậu bị đột kích, anh đứt liên lạc với lãnh đạo, tới nay, hơn một năm. Vừa rồi, Sa báo tin, sau đó nó trao cho anh thơ của anh Sáu Đăng – nó trao thư ngay trong phòng khám của bác sĩ Tạ Trung Quân. Thư đặt trong ống aspirine. Cái thằng giỏi thiệt, có vẻ đang học nha. Cả anh và nó muốn nói chuyện nhưng không dám. Sa trổ mã, đúng là một thanh niên! Bản tin mừng trên báo là mật hiệu cho biết mọi việc sẽ được tiến hành như đã hẹn, thời gian như trong bản tin, tức ngày 9-3.
Trong ánh sáng mờ mờ, Luân thấy hai cánh tay đưa khỏi miệng hầm. Kế tới cái đầu, người trong hầm đu lên nhưng vướng cái giường. Anh phải kéo giúp.
- Khỏe không? – “Người quen” siết tay anh.
Anh không thể tưởng tượng nổi, “người quen” chính là anh Sáu Đăng, phụ trách công tác tình báo chiến lược của Xứ ủy.
Trong khoảnh khắc, Luân rơi nước mắt
- Các anh vất vả quá! – Luân nghẹn ngào. Một cái gì vừa kiêu hãnh vừa xót xa chợt đến trong anh. Đảng phái người có cương vị quan trọng, không nề hà nguy hiểm gặp anh. Phần anh, việc làm được chưa đâu ra đâu cả.
- Anh ở dưới hầm lâu chưa?
Anh Sáu Đăng kéo Luân ngồi lên giường:
- Từ sáng, xuống hầm mà chưa đậy nắp. Đến khi nghe các anh chộn rộn, mới đậy nắp…
- Các anh đằng mình khỏe hết không anh?
- Có người khỏe, có người hi sinh. Hi sinh khá nhiều. Thôi, bây giờ ta làm việc.
Luân ra ngoài quan sát, tốp lính ngủ lăn dưới gốc cây. Ông già ngồi chuốt nan bên thềm. Bà già bận bịu với nồi cám heo.
- Các anh khen anh. Tôi được ủy nhiệm chuyển lời khen của Xứ đến anh. - Anh Sáu Đăng bắt đầu - Tất nhiên Xứ cũng phê bình anh đã sơ hở một số trường hợp không cần thiết. A.07 nhận xét thống nhất với Xứ. Tôi sẽ nói rõ những trường hợp nào để anh rút kinh nghiệm. Còn việc chính hôm nay là tôi được chỉ thị phổ biến với anh chủ trương mới của Xứ. Tài liệu mà tôi sắp tóm tắt tên là “Đường lối cách mạng miền Nam” do anh Hai viết.
- Anh Hai khỏe không, anh? – Luân ngắt lời anh Sáu Đăng.
- Khỏe, mà gian nan lắm… Anh ráng nhớ, cái gì cần trao đổi thì ta trao đổi luôn.
Anh Sáu Đăng thì thầm trót tiếng đồng hồ. Luân chăm chú nghe. Quan điểm mới của Đảng soi sáng anh thật nhiều. Đúng ra, Luân từng băn khoăn về con đường đấu tranh chính trị để hòa bình thống nhất nước nhà; anh ở trong ruột chế độ miền Nam nên biết là không bao giờ điều đó xảy ra. Thực tế, trận Dầu Tiếng báo hiệu đã đến lúc thay đổi phương thức hoạt động, Luân đặc biết thích thú với những phân tích của anh Hai về các khả năng khác nhau đưa đến hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trong những khả năng đó, anh Hai nhắc đến Cách mạng tháng Tám. Luân hiểu rằng lịch sử không tái hiện hoàn toàn: hồi 1945, chiến khu Việt Bắc nhỏ bé quá, còn bây giờ căn cứ là cả nửa nước giải phóng. Hơn nữa nhân dân miền Nam đã kinh qua đấu tranh vũ trang chín năm. Anh Hai nhắc đến Cách mạng tháng Tám như là một gợi ý, còn trình độ vận dụng thì nhất định cao hơn nhiều. Thế là yên tâm: có đấu tranh chính trị, có đấu tranh vũ trang. Hẳn cuộc đánh vào Dầu Tiếng là hồi âm của đường lối mới đó.
Càng nghe Luân càng phấn khởi. Dù cho lát nữa anh Sáu Đăng sẽ “cạo” anh một trận rát da anh vẫn vui. Bức ảnh bọn biệt kích dùng đầu lâu đồng chí bí thư xã Tân Hòa – Vinh Lộc làm quả bóng, các tin tức ở khu Hải Yến, Khu trù mật Vị Thanh, cái chết của bạn thân của anh – anh Ngọc và cảnh ông giáo Đầy mà anh chứng kiến tận mắt…
- Trên cơ sở đường lối chung đó, anh suy tính phần việc của mình, – Anh Sáu Đăng phổ biến xong chủ trương nói thêm - Phần việc của anh là một mặt trận như mặt trận đấu tranh chính trị và vũ trang – anh sẽ thừa hưởng khí thế của phong trào quần chúng, đồng thời anh sẽ hỗ trợ cho phong trào quần chúng. Điều cần nhớ là Diệm sẽ không còn. Hắn ta sẽ bị khử như kiểu ở Buôn Mê Thuột hay bị chủ Mỹ cho ra rìa. Cho nên anh sẵn sàng tư thế nhập thân vào các thế lực thân Mỹ khác. Anh chú ý tạo quan hệ tốt với Mỹ, kể cả CIA. Cô nhà báo Mỹ có thể giúp anh, với điều kiện anh cư xử sao cho phải chăng. Gì thì gì, cuộc đấu tranh của chúng ta nhất thiết phải lâu dài, gian khổ, phức tạp. Chưa ai biết trước nó sẽ qua giai đoạn nào. Song chắc chắn Mỹ không dễ dàng buông miền Nam chừng nào chúng chưa tuyệt vọng. Anh thừa biết, với một đế quốc hùng mạnh như Mỹ, muốn làm cho chúng tuyệt vọng nhân dân ta phải qua biết bao hi sinh. Hoàn cảnh quốc tế lại phức tạp. Tiện thể tôi báo với anh, Lâm Sử cầm đầu nhóm Giải Liên nay thuộc Bắc Kinh, hẳn là anh quen, không còn chung quan điểm với ta. Một gã người Hoa khác tên là Dương Tái Hưng theo dõi anh, muốn qua anh để biết chủ trương của Đảng ta và không loại trừ ý định khống chế anh. Hắn không thuộc Bắc Kinh, cũng không thuộc Đài Loan, một tình báo viên đẳng cấp cao, có thể làm thuê cho CIA, có thể bản thân liên quan đến giới tài phiệt Mỹ, đặc biệt là giới sản xuất dụng cụ chiến tranh. Chúng tôi tạm thời mới biết hắn bấy nhiêu nên anh đề phòng. Có tin thêm về gã, sẽ cung cấp cho anh.
Anh Sáu Đăng chuyển sang phần nhận xét hoạt động của Luân. Thật ra anh Sáu cũng chỉ dặn dò Luân dè dặt hơn, nhớ vai trò chiến lược của mình.
- Sau vụ Buôn Mê Thuột, chúng tôi lo cho anh. May mà Phúc vững vàng. Giả tỉ Phúc chao đảo thì sao? Chúng tôi thông cảm với anh, song trong công tác của anh, không kềm chế đến mức lạnh lùng thì khó mà bảo toàn. Chẳng hạn nay mai tôi rơi vào tay chúng nó, chúng nó buộc anh phải bắn tôi. Anh từ chối được không?
Cách đặt vấn đề của anh Sáu Đăng khiến Luân rịn mồ hôi.
- Hình thức chiến đấu sắp tới rất nhiều vẻ, - Anh Sáu Đăng không muốn nghe Luân biện luận nói tiếp. - Mỹ đang cho thám báo ra miền Bắc bằng đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không. A.07 đồng ý đề nghị của anh về anh Lục. Lối đánh đó hiệu quả cao. Sau này, một số đồng chí lãnh đạo của khu ủy Sài Gòn khi cần, sẽ liên lạc với anh. Anh nhớ anh Kiệt chứ?
- Nhớ! Anh Kiệt có lúc làm bí thư Bạc Liêu… Chúng nó biết hiện nay anh Kiệt thay anh Trần Quốc Thảo, làm bí thư khu ủy Sài Gòn – Gia Định.
- Đúng. Ngoài ra còn anh Mai Chí Thọ…
- Tôi cũng biết…
- Anh liên lạc với chúng tôi qua Sa. Còn chúng tôi liên lạc với anh bằng nhiều cách. Qua cô Dung, chẳng hạn. Anh thấy cần có người bảo vệ không? Tay bảo vệ của anh thế nào?
- Tạm thời, chưa cần… Còn tay bảo vệ của tôi tất nhiên là người của Nhu. Nếu được…
Luân đề nghị với anh Sáu Đăng tác động với gia đình của Thạch ở Chợ Gạo.
- Tôi hứa với anh. Song, chính anh tác động tới anh ta mới là chính… Anh có tin tức gì của anh Năm không?
- Qua đài phát thanh, biết anh đang làm đại sứ.
- Phải, anh khỏe... Còn trung đoàn 510 hiện đang luyện quân ở Thanh Hóa. Anh Lưu Khánh trực tiếp làm trung đoàn trưởng. Anh Vũ Thượng chuyển sang làm tùy viên quân sự cho Bác Hồ!
- Sướng quá! – Luân buột miệng reo lên.
- Anh Vũ Thượng thèm được như anh… - Anh Sáu cười.
- Tôi muốn hỏi anh một chuyện: anh Lưu Khánh có một đứa con…
Anh Sáu Đăng ngắt lời Luân.
- Anh không cần biết. Chuyện sau chót, anh và cô Dung định như thế nào?
Luân im lặng
- Tổ chức không có ý kiến. Tất cả tùy anh và cô Dung…
- Nhưng, ý riêng của anh thế nào?
Anh Sáu Đăng trầm ngâm khá lâu. Thái độ đắn đo của cấp trên kéo dài. Với Luân, giống như thời gian của người ra tòa chờ tuyên án.
- Anh cũng rõ, công việc của anh hiện nay khác mọi công việc mà anh từng đảm đương. Nó rất đặc biệt… Anh đã xem người dạy sư tử. Anh chẳng khác người dạy sư tử bao nhiêu. Càng gọn, càng dễ xoay sở. Tại sao không có tình huống kẻ thù dùng người này để uy hiếp người kia. Anh chịu đựng vụ anh Ngọc như thế nào, chúng tôi biết. Song phải nói là nếu tấm thảm kịch đó xảy ra với cô Dung, anh chịu đựng nổi không? Và ngược lại, cô Dung chịu đựng được nổi không? Tôi hoàn toàn tin ở các đồng chí, các anh lãnh đạo cũng vậy. Song làm sao anh hay cô Dung không cảm thấy sự thể sâu xa khi sự thể trở nên xấu? Đấy là tôi chưa nói hai người sẽ có con. Tất nhiên, tôi từng nghĩ đến mặt khác sẽ an toàn hơn khi anh và cô Dung thành vợ thành chồng. Ở đây có tình cảm và có lí trí. Ai đủ sức quyết định nếu không phải chính là người trong cuộc? Tôi nói với tư cách riêng. Dù vậy, anh có thể tin là khi nghe anh chị thành hôn, tôi là một trong những người vui nhất. Tóm lại, anh và cô Dung nên trao đổi, suy tính. Không lấy nhau là hi sinh, lấy nhau cũng là hi sinh…
Luân lắng nghe, thở dài. Anh cũng từng hiểu như vậy. Anh Sáu nắm chặt tay Luân:
- Anh và cô Dung đều là Đảng viên. Quyết định của hai người nhất định sáng suốt… À, còn Quyến, cố mà tạo cho cậu ta một chỗ đứng thật tốt, leo thật cao. Khéo léo vận động để cậu ta đi học ở Mỹ…
- Tôi linh cảm Nhu sắp giao cho tôi công việc bình định chiến khu Đ…
- Tốt! Nó không giao chính anh cũng nên xin. Rất cần. Vùng rừng Đông Nam Bộ sẽ là căn cứ lớn của ta, nhưng chưa có nhiều súng. Trận Dầu Tiếng góp nhóp gần như hết cả số súng cũ…
- Tôi sẽ cố gắng…
- Hết rồi. Tôi với anh không nên gặp nhau lâu.
Anh Sáu Đăng và Luân ôm hôn nhau. Tới giờ phút này, hai người mới thả lỏng tình cảm. Mắt hai người ướt đẫm.
- Anh đừng trở lại đây nữa. Ông bà già sẽ đến nơi an toàn, cốt bảo vệ anh.
Anh Sáu xuống hầm. Luân ra cửa.
Luân chào từ biệt ông bà già. Ông già nắm tay Luân, mắt hấp háy. Tốp lính của anh về làng 5 vào ba giờ chiều. Đại úy quận trưởng và trung tá tỉnh trưởng chưa tỉnh rượu.
Luân được Nhu phái lên Dầu Tiếng. Với tư cách là người của tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống, anh có nhiệm vụ quan sát khu vực vừa xảy ra trận đánh lớn nhất từ sau khi các giáo phái tan rã. Cái nghiêm trọng của sự việc không phải vì một trận đánh, dù cho chỉ là tấn công một tỉnh lị và cũng không dính dấp nhiều đến những con số lực lượng phiến loạn - Phủ Tổng thống nhận các báo cáo kê con số sai biệt hẳn: theo quận trưởng, đến hai nghìn, tỉnh trưởng hạ con số còn trên một nghìn, tổng ủy tình báo ước lượng ba trăm. Chủ đồn điền Mechelin thay con số bằng một khái niệm hết sức dè dặt: nhiều toán vũ trang. Nghiêm trọng vì toán người nổ súng là Việt Cộng. Mở đầu giai đoạn mới rồi chăng? Đó là câu hỏi to tướng đặt ra với Tổng thống Diệm.
Luân chưa nhận được chỉ thị của A.07. Bản thân anh cũng không rõ trận tấn công nhằm yêu cầu gì. Trong cuộc họp gồm Tổng thống, cố vấn Nhu, đại tướng tổng tham mưu trưởng, tổng ủy trưởng tình báo, thiếu tướng tổng giám đốc cảnh sát quốc gia. Luân được phép tham dự như một thư kí – anh chọn lời lẽ để giảm nhẹ tầm quan trọng của trận Dầu Tiếng. Đó cũng là cách mà anh vừa trao đổi với đại sứ Mỹ Durbrow – ông này tán thành. Đồng minh của Luân trong cuộc họp - một cuộc họp na ná Hội nghị Hội đồng An ninh Quốc gia – là đại tá tổng ủy trưởng tình báo. Ông ta có lí do riêng: nếu trận Dầu Tiếng nghiêm trọng như vậy thì người phải chịu trách nhiệm trước tiên là ông ta: không nắm đủ tin tức. Với ba trăm Việt Cộng, con mắt của ông ta có thể bỏ sót, và ai có thể không bỏ sót nhóm người cỡ đó giữa vùng rừng bát ngát?
Cơn nóng giận của Diệm dịu dần. Luân được phái lên Dầu Tiếng.
Anh mượn cớ cần nghiên cứu kĩ cả khu vực, trì hoãn ngày đi. Từ sáng tới tối, anh đọc báo cáo, gặp gỡ các sĩ quan tình báo, sĩ quan tham mưu. Mãi tới khi tờ Dân Đen đăng tin mừng sau đây: “Chúng tôi được tin ngày Chủ nhật 9 tháng 3 năm 1958, nhằm 20 tháng giêng âm lịch Mậu Tuất, ông bà Lê Văn Tư, nghiệp chủ tại Lấp Vò, gả thứ nữ Lê Thị Bình cho cậu Trần Viết Thoại, trưởng nam ông bà Trần Viết Liêm, nghiệp chủ tại Chợ Lớn…” Luân mới lên đường.
Luân có mặt ở Dầu Tiếng chiều ngày mùng tám. Sáng nay, anh cùng trung tá tỉnh trưởng, đại úy quận trưởng, dẫn một đại đội bảo an đi thị sát làng 5 Dầu Tiếng nằm giáp ranh làng Thanh An, cửa ngõ dẫn vào chiến khu Long Nguyên nổi tiếng xưa kia. Cuộc thị sát bình thường song trung tá tỉnh trưởng lẫn đại úy quận trưởng đều rợn tóc gáy. Xe đổ xuống làng 5, hai người súng lục lăm lăm, bước dò từng bước trước khu nhà gạch của công nhân, chung quanh là lính tay tì trên cò súng, lom khom, dáo dác. Giờ này người lớn trong khu nhà đang đi lấy mủ ở các lô, còn toàn trẻ em, ông bà già. Họ đứng bên trong cửa, nhìn qua khe hở, theo dõi.
Luân vận quân phục, đeo hàm thiếu tá, đủng đỉnh theo sau, giống một người dạo xem phong cảnh. Thạch không đến nỗi mất tinh thần như các sĩ quan địa phương song tay luôn đặt lên báng khẩu súng ngắn bám sát Luân. Lính lục soát từng nhà. Chẳng mất nhiều thì giờ cho lắm, nhà trống trơn, ngay cả khạp gạo cũng lưng. Sau mỗi nhà chỉ có mấy luống rau. Còn lại là những hàng cao su thẳng tắp đứng đây trông thông thống tận đường 14.
Trước giờ hành quân, đại úy Tình khúm núm thưa với Luân, là theo anh ta, Việt Cộng nhứt định tụ tập tại làng 5 trước khi tấn công.
- Đại úy lấy gì làm bằng chứng chính Việt Cộng đánh Dầu Tiếng? – Luân hỏi, mắt anh cười cười.
- Dạ, tụi nó dán thông báo… - Đại úy Tình quả quyết
- Kí tên dưới các thông cáo đâu phải là bằng chứng… Ai chẳng làm được!
Trung tá tỉnh trưởng Vũ Thành Khuynh, người cao ráo, da ngăm, răng đen cạo chưa hết vết nhuộm cũ - lặng lẽ nghe. Theo ông, rất có thể là đám cướp. Ông chợt nhớ đến báo cáo kết luận của đại úy Tình: vùng Dầu Tiếng an toàn một trăm phần trăm. Và ông hối hận về con số một nghìn tên mà ông gán cho đám cướp.
- Nếu đại úy nói đúng thì Việt Cộng từ đâu tới? Trên trời đổ bộ xuống sao? - Luân hỏi châm biếm
- Cả trung tá nữa, các ông không bình tĩnh. Tổng thống rất lạ khi đọc báo cáo của các ông. Cách nhau mấy ngày, Việt Cộng từ là cái bóng mờ vụn biến thành hàng ngàn con người đủ súng ống. Cơ quan tình báo cười các ông, tôi mắc cỡ lây... Tại sao các ông không nghĩ đến đảng Rừng Xanh của Phạm Văn Bời?
Vũ Thành Khuynh buột miệng:
- Không phải đâu…
Luân vẫn cười nhẹ hỏi:
- Thiếu tướng Mai Hữu Xuân đảm bảo với trung tá?
Vũ Thành Khuynh lúng túng. Đảng Rừng Xanh đã được tướng Xuân thu dụng hồi ông ta chỉ huy chiến dịch Trương Tấn Bửu, đang hoạt động theo lối Commandos cũ – bây giờ kêu là biệt kích. Đó là chuyện bí mật.
- Tôi… tôi… – Vũ Thành Khuynh ấp úng mãi.
Đến làng 5, cảnh đìu hiu của ngôi làng gồm vài chục mái nhà lại ám ảnh Vũ Thành Khuynh. Biết đâu không phải là Việt Cộng?
Nhưng cuộc lùng sục đến trưa không mang lại tí kết quả nào. Phu đã lần lượt về, quần áo bê bết mủ cao su. Làm sao những người này là Việt Cộng cho được?
- Cạnh làng 3 là xóm gì? – Luân hỏi đại úy Tình
- Dạ, xóm Đất Ung, làng Thanh An
- Không thuộc sở Dầu Tiếng?
- Dạ, không.
- Đại úy đến đó chưa?
Đại úy đỏ mặt.
- Dạ, em mắc công chuyện… Vả lại, xóm Đất Ung có bốn nhà ở cách xa xa… Em cho lính ngày nào cũng đóng chốt ở đó.
- Tôi muốn đến xóm Đất Ung! - Luân nói gãy gọn.
Mặt đại úy vụt xanh.
- Dạ…
- Đại úy cho một tiểu đội theo tôi… Tới đó mấy cây số?
- Dạ…
Một trung úy đỡ lời quận trưởng:
- Đâu có mấy cây số. Chừng bảy, tám trăm thước. Chó sủa ở đây nghe rõ…
- Anh biết xóm Đất Ung? – Luân hỏi.
- Dạ, ngày nào em cũng qua lại đó…
- Vậy anh đi với tôi. Đại úy ở đây với trung tá. – Luân quay sang quận trưởng. Anh ta không giấu vẻ mừng.
Vũ Thành Khuynh hơi lưỡng lự:
- Hay tôi đi cùng với thiếu tá…
Luân đã thấy đại úy Tình thích nhẹ tay vào lưng tỉnh trưởng.
- Chắc không cần! - Luân bảo – Tôi ăn trưa ở đó.
- Em lo bữa ăn cho thiếu tá! – Viên trung úy reo lên.
Tiểu đội rẽ vào đường xe bò. Luân vừa khuất, quận trưởng nói nhỏ với tỉnh trưởng:
- Chỗ đó ghê lắm! Mấy bà già ở đó dữ tợn, nghe nói họ mài dao bén lắm, hăm chém lính…
Một lều vải căng ngay giữa vườn cao su. Trung tá tỉnh trưởng và đại úy quận trưởng ngồi xếp bằng quanh mâm, hai con gà quay láng mỡ, chai Whisky óng ánh. Gió từ sông Sài Gòn lao xao thổi tới.
Đúng là xómg Đất Ung vỏn vẹn có bốn nhà, mỗi nhà cách nhau chừng vài trăm thước, tất cả nằm cập lộ xe bò. Từ làng 5 ra lộ 14, giữa một khu rừng chồi được đánh lõm từng gốc trồng đậu phộng. Nhà lợp tranh lụp xụp. Luân đến thẳng ngôi nhà cuối cùng. Cũng như những nhà khác, cổng ngôi nhà có hai tấm bảng, ghi hai khẩu hiệu: “Ngô Tổng thống muôn năm!” và “Tiêu diệt giặc Cộng!” - hẳn Công dân vụ buộc chủ nhà phải mua. Trên cổng lủng lẳng một tấm thiếc vẽ cờ Quốc gia bằng sơn. Và, cả bốn nhà đều mang kí hiệu C và D.
Luân vào cổng, đúng có bụi hướng dương to. Ngay cổng, mấy cây đào lộn hộn trĩu quả. Một con bò gầy nhom đang nhai rơm.
Ngôi nhà cất theo lối chữ “đinh,” xiêu về một phía, tựa lên mấy cây chống cong queo. Bước lên, thềm đất, Luân thấy liền ảnh Ngô Đình Diệm treo giữa nhà cùng vô số áp phích chống Cộng treo trên vách.
Ngoài tiếng dao xắt chuối đều đều ở gian nhà ngang, tất cả đều im phăng phắc.
Luân xuống nhà ngang. Một bà, tuổi có lẽ trên sáu mươi, không nhìn khách lạ, miết con dao to bản lên thân cây chuối - đường dao ngọt xớt, từng khoanh chuối mỏng lật vào chiếc thúng đã bung vành. Cạnh bà, con heo nái nằm sâu dưới nền, thở nặng nề.
Vừa nhìn qua, Luân đã biết bà già thuộc hạng người nào. Trong kháng chiến, anh quen đến hàng trăm bà má như vậy - những sợi tóc trắng, những nếp nhăn, đôi mắt hiền từ. Anh thầm nghĩ, một má chiến sĩ.
- Thưa má… – Luân đánh tiếng, tiểu đội đã tỏa quanh nhà.
Bà già không ừ hử. Viên trung úy sừng sộ:
- Ê, bà già!
Bà già ngó lên:
- Nè, thiếu tá hỏi bà, bà trả lời cho đoàng hoàng. - Viên trung úy tiếp tục hầm hè.
- Đừng la lối! – Luân rầy viên trung úy - Để tôi hỏi má…
- Ai mà dám làm má mấy ông! – Bà già phọt một miếng cổ trầu, liếc qua Luân và dừng lại viên trung úy – Ông kia, tiền con gà mái đẻ của tôi ông hứa trả mà sao mấy tháng không thấy…
Viên trung úy chết bộ, mặt anh đỏ lừ:
- Ối! Chuyện nhỏ nhặt… - Anh ta nói liều.
- Sao kêu bằng nhỏ nhặt? Các ông có tiền, con voi cũng thành nhỏ, chớ tôi nghèo…
Rồi bà khoát tay đuổi một con gà giò:
- Hù, đi ra, đồ ôn hoàng dịch lệ.
- Bà đuổi tụi mình đó! - Thạch nói với viên trung uý.
- Má ơi tại sao nhà ta mang biển đen? – Luân hỏi từ tốn ngồi lên thành chiếc cối giã gạo.
- Ông là quan quyền, đừng kêu tui là má, mất thể diện lắm…
- Mất thể diện cho bà hay thiếu tá? – Viên trung úy gỡ gạc.
Bà già không trả lời, đưa con dao xắt chuối rào rạo.
- Con hỏi thiệt. – Luân dằn xúc động – Má nói cho con biết tại sao nhà ta bị biển đen?
- Nếu không biết thiệt, sao ông không hỏi ông quận? – Bà già liếc con dao lên cục đá đã khuyết một vòng cung nơi chính giữa, trả lời Luân. Có lẽ giọng thiết tha của Luân khiến bà già ít nhiều để ý anh.
- Còn vụ đánh Dầu Tiếng không có thằng nhỏ nhà tui dính vô đâu? Chừng nào ông nhà tui với tui phải lên ngủ trên nhà làng? Cho hay trước để tui gửi con gà, con heo… Cặp bò, ôn dịch bắt hết một con năm ngoái, con gà thì… - Bà tìm viên trung úy, anh ta lủi ra ngoài từ hồi nãy - ... Cái ông gì đó bắt trên ổ lúc nó đẻ… Con chó cũng lãnh một phát mút…
Cánh tay bà già nổi gân cuồn cuộn. Luân biết, bà đang nghĩ tới làng lính – trong đó có anh – khi bà thoăn thoắt lia thân cây chuối từng nhát chắc nịch.
- Bộ anh Hai ở nhà trước kia đi kháng chiến hả má? – Luân hỏi tiếp.
- Phải dè tình hình như vậy thì tui xúi nó đi kháng chiến cho rồi, tập kết cũng yên thân mà vô rừng cũng khỏe! - Bà già mím môi.
- Vậy anh Hai không đi kháng chiến… Vậy sao người ta treo bảng đen ở nhà má?
- Ngộ hôn? Tôi biểu ông đi hỏi ông quận… Hoặc ra chợ Thanh An hỏi vợ bé của ổng. Bà vợ vựa củi chớ không phải bà vợ chủ tiệm vàng…
- Con hiểu rồi! Chắc bà vợ bé của ông quận muốn giật vuông rừng sau nhà do anh Hai khai phá. - Luân gật gật đầu.
- Ông nói trúng đó! - Bà già cũng gật gật đầu – Nào phải riêng nhà tui, cả xóm Đất Ung, tụi tui là Cộng sản thì quan quyền mới cất nhà phong tô được chớ! Mới vợ bảy, vợ mười được chớ!
- Xin lỗi má, má thứ mấy? Con muốn biết để xưng hô cho tiện. Con thứ Bảy… - Luân hỏi đột ngột.
- Tôi thứ Hai, thứ của ổng. Còn bên tôi, tôi thứ Chín…
Luân bước ra sân, không phải rồi. Nhưng cả xóm Đất Ung chỉ có nhà này trồng bụi hướng dương mà thôi.
Suy nghĩ một lúc, Luân gọi viên trung úy:
- Anh cầm ít tiền ra chợ Thanh An mua cái gì về ăn. Tôi cho phép anh em uống rượu. Anh hỏi anh em thích loại rượu nào, anh cứ mua. Nhớ mua, chớ đừng giật.
Nhận tiền của Luân – Luân đưa khá hào phóng – viên trung úy mừng rơn, ngoắc một thượng sĩ:
- Theo tao, bữa nay làm một trận cho đã!
Hai người chưa ra tới cổng thì gặp một chiếc xe đạp quẹo vào, xe dừng. Một ông già tóc bạc, dáng cao lớn, đèo sau một giỏ gùi(1) xuống xe:
(1) Một loại trái cây vị ngọt hơi chua, thân dây, mọc ở rừng.
- Chuyện gì vậy, mấy ông?
Ông già sững sờ trước số lính lố nhố. Ông lột nón lá. Luân suýt reo to khi nhìn thấy một lọn tóc nhỏ của ông cài lông nhím bự xộn. Cả bộ bà ba đen, áo nâu nữa.
- Chuyện gì, lát nữa sẽ biết. Còn bây giờ lão đưa chiếc xe và cái giỏ đây!
Viên trung úy giật xe, trút giỏ gùi. Anh ta và tay thượng sĩ mất hút.
- Xin lỗi bác… Anh em mượn xe lỗ mãng quá, nhưng cháu cam đoan xe không mất. - Luân giúp ông già lượm gùi tung tóe trên đất.
- Ông là quan, ông để lính làm ngang như vậy, bảo dân tin vào chính nghĩa quốc gia sao được?
Ông già lầm bầm
- Cháu sẽ phạt họ… Tụi cháu đi tuần tra, ghé đụt nắng nhà này. Bác là chủ nhà, phải không?
Ông già không trả lời Luân, gọi vọng vào nhà:
- Bà ở đâu, không coi chừng coi đồ, mất con bò bây giờ!
- Tui ở đây chứ đâu… Mạng mình còn lo giữ không nổi, lo tới con bò! – Bà già đã xắt xong chuối, đang quét, trả lời.
- Xin bác cho phép tụi cháu đụt nắng… - Luân nhắc lại.
- Nhà tôi chật chội lắm… - Ông già nhìn Luân - Nếu ở thì một mình ông thôi…
- Dạ, cám ơn… Anh em ở ngoài rào, ăn uống xong thì đi...
Luân chưa vào nhà. Ông già đem gùi xuống nhà ngang, rồi quét bộ ván ở nhà trên.
- Ông quan ơi, ông vô nghỉ lưng một chút…
Luân ngồi lên ván… Nắng trưa hắt nóng ngôi nhà.
Anh bảo Thạch xin phép chủ nhà bỏ tấm liếp xuống.
Lát sau viên trung úy về, mua cả giỏ bánh mì, thịt quay và đến ba chai rượu Quảng An Thành. Luân mời chủ nhà ăn bánh mì với anh. Bà già hứ anh, ông già cầm một khúc bánh mì vừa nhai vừa quan sát đám lính ngồi bẹp cạnh rào, quanh bữa ăn. Ông mang ra cho họ mượn chén, đũa…
Khi đám lính ngà ngà, hầu hết cởi áo, cười nói ầm ĩ, Luân hỏi ông già:
- Xin lỗi bác thứ mấy? Cháu thứ Năm…
Ông già cười cười:
- Tôi thứ Sáu! Đúng chưa?
Rồi ông hạ thấp giọng:
- Thấy chú tôi biết liền. Quan tư, quan năm quốc gia mà một dạ hai thưa, hiếm lắm! Mà, bà nhà tôi không rành vụ này, chú đừng nói gì hết…
- Thì giờ ít quá, cháu muốn gặp người quen…
- Ậy, đợi tụi nó ngủ đã… Một tay đi vô nhà kìa!
Ông già chỉ Thạch, mặt đỏ gay, đang lảo đảo bước
- Chú ra chơi với anh em rồi nghỉ một chút, tôi ở lại với bác đây được rồi! – Luân bảo Thạch.
- Gặp người quen xa không bác? – Luân nóng ruột, hỏi tiếp.
- Xa cũng xa mà gần cũng gần. Như vầy, chú vô buồng, ở đó kín đáo. Nhớ nói nhỏ nhỏ. Tôi coi chừng cho. Hễ nghe tôi tằng hắng, chú nhảy lẹ ra ngoài.
Ông đưa Luân vào buồng, gian buồng hẹp, tối bưng. Ông giẫm chân lên nền, ba tiếng liền đệm một ngắn đoạn.
- Thôi, chú làm việc. Nhớ nói nhỏ…
Ông quay lưng ra, Luân bỡ ngỡ. Làm việc với ai?
Liền lúc đó, Luân nghe động dưới gầm giường. Luân rạp người, cố nhướng mắt tìm kiếm. Mặt nền nhà bằng phẳng bỗng nhô lên một khối vuông nhỏ! A, hầm bí mật! Luân nghe nói đến hầm bí mật nhưng chưa thấy lần nào. Ai dè hầm bí mật ngay đây. Vậy thì người đến gặp anh đã nằm dưới hầm bí mật khá lâu.
Thư hẹn không nói anh sẽ gặp ai, chỉ ghi “người quen.” Từ vụ điện đài Núi Cậu bị đột kích, anh đứt liên lạc với lãnh đạo, tới nay, hơn một năm. Vừa rồi, Sa báo tin, sau đó nó trao cho anh thơ của anh Sáu Đăng – nó trao thư ngay trong phòng khám của bác sĩ Tạ Trung Quân. Thư đặt trong ống aspirine. Cái thằng giỏi thiệt, có vẻ đang học nha. Cả anh và nó muốn nói chuyện nhưng không dám. Sa trổ mã, đúng là một thanh niên! Bản tin mừng trên báo là mật hiệu cho biết mọi việc sẽ được tiến hành như đã hẹn, thời gian như trong bản tin, tức ngày 9-3.
Trong ánh sáng mờ mờ, Luân thấy hai cánh tay đưa khỏi miệng hầm. Kế tới cái đầu, người trong hầm đu lên nhưng vướng cái giường. Anh phải kéo giúp.
- Khỏe không? – “Người quen” siết tay anh.
Anh không thể tưởng tượng nổi, “người quen” chính là anh Sáu Đăng, phụ trách công tác tình báo chiến lược của Xứ ủy.
Trong khoảnh khắc, Luân rơi nước mắt
- Các anh vất vả quá! – Luân nghẹn ngào. Một cái gì vừa kiêu hãnh vừa xót xa chợt đến trong anh. Đảng phái người có cương vị quan trọng, không nề hà nguy hiểm gặp anh. Phần anh, việc làm được chưa đâu ra đâu cả.
- Anh ở dưới hầm lâu chưa?
Anh Sáu Đăng kéo Luân ngồi lên giường:
- Từ sáng, xuống hầm mà chưa đậy nắp. Đến khi nghe các anh chộn rộn, mới đậy nắp…
- Các anh đằng mình khỏe hết không anh?
- Có người khỏe, có người hi sinh. Hi sinh khá nhiều. Thôi, bây giờ ta làm việc.
Luân ra ngoài quan sát, tốp lính ngủ lăn dưới gốc cây. Ông già ngồi chuốt nan bên thềm. Bà già bận bịu với nồi cám heo.
- Các anh khen anh. Tôi được ủy nhiệm chuyển lời khen của Xứ đến anh. - Anh Sáu Đăng bắt đầu - Tất nhiên Xứ cũng phê bình anh đã sơ hở một số trường hợp không cần thiết. A.07 nhận xét thống nhất với Xứ. Tôi sẽ nói rõ những trường hợp nào để anh rút kinh nghiệm. Còn việc chính hôm nay là tôi được chỉ thị phổ biến với anh chủ trương mới của Xứ. Tài liệu mà tôi sắp tóm tắt tên là “Đường lối cách mạng miền Nam” do anh Hai viết.
- Anh Hai khỏe không, anh? – Luân ngắt lời anh Sáu Đăng.
- Khỏe, mà gian nan lắm… Anh ráng nhớ, cái gì cần trao đổi thì ta trao đổi luôn.
Anh Sáu Đăng thì thầm trót tiếng đồng hồ. Luân chăm chú nghe. Quan điểm mới của Đảng soi sáng anh thật nhiều. Đúng ra, Luân từng băn khoăn về con đường đấu tranh chính trị để hòa bình thống nhất nước nhà; anh ở trong ruột chế độ miền Nam nên biết là không bao giờ điều đó xảy ra. Thực tế, trận Dầu Tiếng báo hiệu đã đến lúc thay đổi phương thức hoạt động, Luân đặc biết thích thú với những phân tích của anh Hai về các khả năng khác nhau đưa đến hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trong những khả năng đó, anh Hai nhắc đến Cách mạng tháng Tám. Luân hiểu rằng lịch sử không tái hiện hoàn toàn: hồi 1945, chiến khu Việt Bắc nhỏ bé quá, còn bây giờ căn cứ là cả nửa nước giải phóng. Hơn nữa nhân dân miền Nam đã kinh qua đấu tranh vũ trang chín năm. Anh Hai nhắc đến Cách mạng tháng Tám như là một gợi ý, còn trình độ vận dụng thì nhất định cao hơn nhiều. Thế là yên tâm: có đấu tranh chính trị, có đấu tranh vũ trang. Hẳn cuộc đánh vào Dầu Tiếng là hồi âm của đường lối mới đó.
Càng nghe Luân càng phấn khởi. Dù cho lát nữa anh Sáu Đăng sẽ “cạo” anh một trận rát da anh vẫn vui. Bức ảnh bọn biệt kích dùng đầu lâu đồng chí bí thư xã Tân Hòa – Vinh Lộc làm quả bóng, các tin tức ở khu Hải Yến, Khu trù mật Vị Thanh, cái chết của bạn thân của anh – anh Ngọc và cảnh ông giáo Đầy mà anh chứng kiến tận mắt…
- Trên cơ sở đường lối chung đó, anh suy tính phần việc của mình, – Anh Sáu Đăng phổ biến xong chủ trương nói thêm - Phần việc của anh là một mặt trận như mặt trận đấu tranh chính trị và vũ trang – anh sẽ thừa hưởng khí thế của phong trào quần chúng, đồng thời anh sẽ hỗ trợ cho phong trào quần chúng. Điều cần nhớ là Diệm sẽ không còn. Hắn ta sẽ bị khử như kiểu ở Buôn Mê Thuột hay bị chủ Mỹ cho ra rìa. Cho nên anh sẵn sàng tư thế nhập thân vào các thế lực thân Mỹ khác. Anh chú ý tạo quan hệ tốt với Mỹ, kể cả CIA. Cô nhà báo Mỹ có thể giúp anh, với điều kiện anh cư xử sao cho phải chăng. Gì thì gì, cuộc đấu tranh của chúng ta nhất thiết phải lâu dài, gian khổ, phức tạp. Chưa ai biết trước nó sẽ qua giai đoạn nào. Song chắc chắn Mỹ không dễ dàng buông miền Nam chừng nào chúng chưa tuyệt vọng. Anh thừa biết, với một đế quốc hùng mạnh như Mỹ, muốn làm cho chúng tuyệt vọng nhân dân ta phải qua biết bao hi sinh. Hoàn cảnh quốc tế lại phức tạp. Tiện thể tôi báo với anh, Lâm Sử cầm đầu nhóm Giải Liên nay thuộc Bắc Kinh, hẳn là anh quen, không còn chung quan điểm với ta. Một gã người Hoa khác tên là Dương Tái Hưng theo dõi anh, muốn qua anh để biết chủ trương của Đảng ta và không loại trừ ý định khống chế anh. Hắn không thuộc Bắc Kinh, cũng không thuộc Đài Loan, một tình báo viên đẳng cấp cao, có thể làm thuê cho CIA, có thể bản thân liên quan đến giới tài phiệt Mỹ, đặc biệt là giới sản xuất dụng cụ chiến tranh. Chúng tôi tạm thời mới biết hắn bấy nhiêu nên anh đề phòng. Có tin thêm về gã, sẽ cung cấp cho anh.
Anh Sáu Đăng chuyển sang phần nhận xét hoạt động của Luân. Thật ra anh Sáu cũng chỉ dặn dò Luân dè dặt hơn, nhớ vai trò chiến lược của mình.
- Sau vụ Buôn Mê Thuột, chúng tôi lo cho anh. May mà Phúc vững vàng. Giả tỉ Phúc chao đảo thì sao? Chúng tôi thông cảm với anh, song trong công tác của anh, không kềm chế đến mức lạnh lùng thì khó mà bảo toàn. Chẳng hạn nay mai tôi rơi vào tay chúng nó, chúng nó buộc anh phải bắn tôi. Anh từ chối được không?
Cách đặt vấn đề của anh Sáu Đăng khiến Luân rịn mồ hôi.
- Hình thức chiến đấu sắp tới rất nhiều vẻ, - Anh Sáu Đăng không muốn nghe Luân biện luận nói tiếp. - Mỹ đang cho thám báo ra miền Bắc bằng đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không. A.07 đồng ý đề nghị của anh về anh Lục. Lối đánh đó hiệu quả cao. Sau này, một số đồng chí lãnh đạo của khu ủy Sài Gòn khi cần, sẽ liên lạc với anh. Anh nhớ anh Kiệt chứ?
- Nhớ! Anh Kiệt có lúc làm bí thư Bạc Liêu… Chúng nó biết hiện nay anh Kiệt thay anh Trần Quốc Thảo, làm bí thư khu ủy Sài Gòn – Gia Định.
- Đúng. Ngoài ra còn anh Mai Chí Thọ…
- Tôi cũng biết…
- Anh liên lạc với chúng tôi qua Sa. Còn chúng tôi liên lạc với anh bằng nhiều cách. Qua cô Dung, chẳng hạn. Anh thấy cần có người bảo vệ không? Tay bảo vệ của anh thế nào?
- Tạm thời, chưa cần… Còn tay bảo vệ của tôi tất nhiên là người của Nhu. Nếu được…
Luân đề nghị với anh Sáu Đăng tác động với gia đình của Thạch ở Chợ Gạo.
- Tôi hứa với anh. Song, chính anh tác động tới anh ta mới là chính… Anh có tin tức gì của anh Năm không?
- Qua đài phát thanh, biết anh đang làm đại sứ.
- Phải, anh khỏe... Còn trung đoàn 510 hiện đang luyện quân ở Thanh Hóa. Anh Lưu Khánh trực tiếp làm trung đoàn trưởng. Anh Vũ Thượng chuyển sang làm tùy viên quân sự cho Bác Hồ!
- Sướng quá! – Luân buột miệng reo lên.
- Anh Vũ Thượng thèm được như anh… - Anh Sáu cười.
- Tôi muốn hỏi anh một chuyện: anh Lưu Khánh có một đứa con…
Anh Sáu Đăng ngắt lời Luân.
- Anh không cần biết. Chuyện sau chót, anh và cô Dung định như thế nào?
Luân im lặng
- Tổ chức không có ý kiến. Tất cả tùy anh và cô Dung…
- Nhưng, ý riêng của anh thế nào?
Anh Sáu Đăng trầm ngâm khá lâu. Thái độ đắn đo của cấp trên kéo dài. Với Luân, giống như thời gian của người ra tòa chờ tuyên án.
- Anh cũng rõ, công việc của anh hiện nay khác mọi công việc mà anh từng đảm đương. Nó rất đặc biệt… Anh đã xem người dạy sư tử. Anh chẳng khác người dạy sư tử bao nhiêu. Càng gọn, càng dễ xoay sở. Tại sao không có tình huống kẻ thù dùng người này để uy hiếp người kia. Anh chịu đựng vụ anh Ngọc như thế nào, chúng tôi biết. Song phải nói là nếu tấm thảm kịch đó xảy ra với cô Dung, anh chịu đựng nổi không? Và ngược lại, cô Dung chịu đựng được nổi không? Tôi hoàn toàn tin ở các đồng chí, các anh lãnh đạo cũng vậy. Song làm sao anh hay cô Dung không cảm thấy sự thể sâu xa khi sự thể trở nên xấu? Đấy là tôi chưa nói hai người sẽ có con. Tất nhiên, tôi từng nghĩ đến mặt khác sẽ an toàn hơn khi anh và cô Dung thành vợ thành chồng. Ở đây có tình cảm và có lí trí. Ai đủ sức quyết định nếu không phải chính là người trong cuộc? Tôi nói với tư cách riêng. Dù vậy, anh có thể tin là khi nghe anh chị thành hôn, tôi là một trong những người vui nhất. Tóm lại, anh và cô Dung nên trao đổi, suy tính. Không lấy nhau là hi sinh, lấy nhau cũng là hi sinh…
Luân lắng nghe, thở dài. Anh cũng từng hiểu như vậy. Anh Sáu nắm chặt tay Luân:
- Anh và cô Dung đều là Đảng viên. Quyết định của hai người nhất định sáng suốt… À, còn Quyến, cố mà tạo cho cậu ta một chỗ đứng thật tốt, leo thật cao. Khéo léo vận động để cậu ta đi học ở Mỹ…
- Tôi linh cảm Nhu sắp giao cho tôi công việc bình định chiến khu Đ…
- Tốt! Nó không giao chính anh cũng nên xin. Rất cần. Vùng rừng Đông Nam Bộ sẽ là căn cứ lớn của ta, nhưng chưa có nhiều súng. Trận Dầu Tiếng góp nhóp gần như hết cả số súng cũ…
- Tôi sẽ cố gắng…
- Hết rồi. Tôi với anh không nên gặp nhau lâu.
Anh Sáu Đăng và Luân ôm hôn nhau. Tới giờ phút này, hai người mới thả lỏng tình cảm. Mắt hai người ướt đẫm.
- Anh đừng trở lại đây nữa. Ông bà già sẽ đến nơi an toàn, cốt bảo vệ anh.
Anh Sáu xuống hầm. Luân ra cửa.
Luân chào từ biệt ông bà già. Ông già nắm tay Luân, mắt hấp háy. Tốp lính của anh về làng 5 vào ba giờ chiều. Đại úy quận trưởng và trung tá tỉnh trưởng chưa tỉnh rượu.
Bình luận facebook