Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Phần 3
Vạn Dặm Thương Nhớ
Phần 3
Lần đầu tiên thấy cậu Đăng ra mặt che chở cho người khác, cả nhà ai nấy cũng đều kinh ngạc.
Bà cả lúc này tiến lại gần lo lắng nói:
– Thầy bu cũng chỉ là muốn tốt cho con thôi, dù sao nó cũng chịu 2 roi rồi, còn 7 roi nữa con để đạo sĩ làm phép nốt, rồi sau muốn làm gì đều con quyết hết.
– Thầy đã không tỉnh táo rồi mà bu lại còn như vậy nữa. Bệnh của con không khỏi là vì chữa không đúng cách, dùng chưa phải thuốc, không liên quan gì đến Diệp cả. Mọi người làm cái việc ghê rợ này thật sự cũng khiến con kinh sợ, đã vậy còn loan tin kéo cả làng đến xem, nếu để họ loan tin xấu, nói nhà ông phú hộ mê tín làm trò man rợ có phải tai tiếng cả họ mình không?
– Nhưng đạo sĩ nói….
Cậu Đăng không để bà nói hết liền cắt ngang:
– Không nhưng gì cả, sen, mau lại dìu mợ tư về phòng cậu.
Con sen nghe vậy liền chạy lại đỡ lấy mợ Diệp, vị đạo sĩ thấy vậy lại lên tiếng:
– Nếu cậu không để ta giải trừ hết tà khí trên người ả thì số mệnh của cậu….
– IM MIỆNG!
Cậu Đăng dùng sức quát, ánh mắt giận dữ nhìn vị đạo sĩ, hơi thở có phần gấp mà nói:
– Ở đây chưa đến lượt ông lên tiếng đâu. Số mệnh của tôi tự tôi quản, không liên quan đến ai hết. Nếu sau mà ông còn nói mấy lời dị đoan, đừng trách tôi không cho ông chỗ để dung thân kiếm cơm.
Vị đạo sĩ nghe vậy mặt mày liền khó coi, nhưng ông lại không nói gì, để ý kỹ mới thấy bàn tay còn cầm chiếc roi da đã siết chặt đến nổi những đường gân xanh.
Ông Huấn lúc này thấy tình hình căng thẳng vội nói:
– Bình tĩnh đã nào, thầy bu cũng chỉ là lo cho con, còn đạo sĩ cũng là làm phước diệt trừ yêu ma giúp người.
Cậu Đăng nãy giờ dùng sức bước ra ngoài lại còn đỡ lấy mợ Diệp nên lúc này cảm thấy mệt nhọc hơn, hơi thở mạnh:
– Hôm nay dừng cả ở đây đi, mong thầy bu sau này đừng làm khó Diệp nữa. Cô ấy cũng là do thầy bu hỏi cưới về, cứ cho là xung hỷ thì cũng nên đối tốt với người ta. Xem cô ấy như mợ cả, mợ hai và mợ ba không được hay sao?
Sau câu nói đấy, cậu Đăng lại ho 1 tràng, bà cả thấy vậy vội vàng nói:
– Được rồi, được rồi, thì dù sao cũng cưới về rồi, nó cũng là mợ tư của nhà này, có ai nói gì đâu. Thôi, không lễ thì không lễ nữa, con mau về phòng nghỉ ngơi đi, đã bảo phải kiêng ra ngoài rồi sao cứ làm bướng. Cuội, đỡ cậu về phòng.
Thằng Cuội nghe vậy vội chạy lại đỡ, nhưng cậu Đăng lại gạt tay ra rồi tự mình chống đỡ mà đi về phòng.
Cho đến khi cậu đi khuất, ông Huấn mới quay sang nói với vị đạo sĩ:
– Haizzz, chuyện hôm nay…mong đạo sĩ bỏ quá cho, con trai tôi thường ngày nó nghe lời lắm, không hiểu sao nay lại ương bướng như vậy. Thôi thì buổi lễ này không làm nữa, tiền con vẫn sẽ trả đủ cho ngài.
Vị đạo sĩ nãy giờ vẫn đang trừng trừng mắt nhìn theo cậu Đăng, lúc này mới quay sang ông Huấn nói:
– Con yêu ma này đã dùng tà thuật để quyến rũ con trai ông bà, sau đấy dần dàn thao túng cậu ấy, nếu như ông bà còn không chịu diệt trừ nó thì hậu quả không lường được đâu.
– Hay là đạo sĩ xem còn cách nào không? Chứ này thì con nghĩ không làm lễ được nữa rồi.
Vị đạo sĩ toan tính 1 hồi rồi nói:
– Như này nhé, người nhà tìm cách lấy 7 sợi tóc của cậu chủ và 9 sợi tóc của cô ta trong lúc ngủ, để riêng ra rồi sai người đem đến cho ta, ta sẽ làm phép vào đấy, 1 là hoá giải cho con trai ông bà, sau là diệt trừ con yêu ma kia. Nhưng nhớ là phải nhổ từ trên đầu xuống, như vậy phép mới hiệu nghiệm được.
– Vâng, vâng, con sẽ cố gắng cho người đem sớm đến cho đạo sĩ.
Nói rồi, ông quay sang nhìn bà cả:
– Bà mau đưa nốt tiền rồi tiễn đạo sĩ về đi.
Nghe vậy, bà Tú Liên cũng vội vàng đếm tiền trong túi đưa cho vị đạo sĩ, sau đấy còn đùm đồ lễ gửi ông ta.
Lúc này, cậu Đăng trở về phòng, thấy mợ Diệp đang ngồi run rẩy ở trên giường, cậu đi lại hộc tủ lấy hộp thuốc nhỏ rồi tiến gần mợ ngồi xuống.
Nhìn quần áo trên người đã rách nát, để lộ da thịt với nhưng vết roi tứa máu, cậu quay ra nói:
– Sen, lấy cho mợ tư 1 bộ quần áo lại đây.
Con sen nghe vậy, vội vàng chạy đi, cậu lúc này cũng mở hộp lấy chút bông băng thấm thuốc rồi xoa lên những vết thương của mợ.
Diệp bây giờ vẫn cảm thấy kinh hãi, nước mắt chưa ngừng lại nhìn cậu nức nở nói:
– Sao….cậu….lại cứu tôi?….cậu không sợ….tôi khắc cậu sao?
Cậu Đăng nghe vậy khẽ cười gượng 1 cái:
– Nói vậy là em cũng nghĩ mình là yêu ma sao?
Mợ vội vàng lắc đầu nguầy nguậy:
– Tôi không biết….nhưng tôi….thật sự….không muốn làm hại ai.
– Là tôi làm liên luỵ đến em. Nếu không phải thầy bu tôi mê tín đi tin lời gã đạo sĩ vô danh kia thì em cũng không phải chịu cảnh này.
– Gả cho cậu là tôi tự nguyện, thầy bu tôi nợ nhà cậu nhiều quá không trả được, ông nói chỉ cần gả cho cậu là ông sẽ xoá nợ cho nhà tôi. Tôi chỉ nghĩ có vậy thôi. Hơn nữa, nếu gả về đây tôi cũng tận tâm hầu hạ cậu và ông bà, không bao giờ nghĩ đến sẽ làm hại mọi người.
– Mấy lời của vị đạo sĩ đó tôi không có tin, không hiểu sao thầy bu tôi lại 1 mực nghe theo ông ta. Cưới vợ xung hỷ cũng là ý của gã đấy, còn tôi sức khoẻ mấy năm nay yếu đi, tôi không muốn làm lỡ giở ai cả, chỉ là thầy bu ép quá nên cũng phải nghe theo.
Nói chuyện với cậu 1 lúc, nỗi sợ của Diệp dường như cũng được xoa dịu, mợ nhìn cậu đang ân cần lau viết thương cho mình trong lòng thấy cảm động:
– Cậu giúp tôi như vậy…không sợ ông bà trách mắng sao?
– Em gả về đây làm mợ tư, dù cái chuyện xung hỷ này ban đầu tôi không muốn xảy ra, nhưng giờ dù sao cũng là vợ tôi, tôi phải có trách nhiệm với em.
Nghe câu nói đấy, Diệp bỗng nhiên lại mếu máo nức nở, mợ không nghĩ cậu chủ lại là người ấm áp và ôn hoà như vậy.
Cậu Đăng thấy mợ khóc nấc lên lại không hiểu chuyện gì liền lúng túng nói:
– Sao bỗng nhiên lại khóc lớn lên thế? Tôi làm em đau chỗ nào sao?
Mợ nghe vậy lắc đầu mà nói:
– Em cứ nghĩ….cậu chủ là người khó tính…. không dễ hầu hạ…..nhưng mà…..huhu…. cảm ơn cậu….!
Cậu Đăng thấy mợ mặt mũi nhem nhuốc lại còn mếu máo trông thật khó nhìn, khiến cậu bật cười:
– Sao em lại nghĩ tôi như vậy?
– Trong làng ai cũng nói vậy hết trơn. Bảo cậu khó tính nên cả 3 mợ trước đều không được lòng cậu.
– Họ được gả về đây là theo ý của thầy bu tôi, tôi cũng có bao giờ làm khó họ, hơn nữa nhà tôi đối xử với cả 3 cũng đâu có tệ. Sao người làng lại đồn thổi tôi khó nghe như vậy?
– Em không biết, chắc tại ông khó tính nên nghĩ cậu cũng vậy.
– Thầy tôi cũng không phải khó tính đâu, ông là người hay mê tín nên đôi khi gắt gao vậy thôi.
Cùng lúc đấy, con sen từ ngoài chạy vào, trên tay cầm bộ quần áo mới tinh:
– Cậu chủ, quần áo của mợ tư đây!
Cậu Đăng nghe vậy mới đứng lên:
– Sắp xếp cho mợ tư 1 phòng, đưa mợ về tắm rửa, rồi đem chút gì đó cho mợ ăn. Ngày hôm nay cứ để mợ nghỉ ngơi, không có việc gì đừng làm phiền.
– Dạ!
Nói rồi, cậu quay sang nhìn mợ:
– Đi theo cái sen, nó đưa em về phòng. Nếu cần gì thì cứ bảo nó là được.
Mợ nghe vậy gật chỉ gật đầu 1 cái, sau đó cũng đứng dậy theo cái sen ra ngoài.
Lúc bước qua cửa, mợ còn ngoái đầu lại nhìn cậu, trong lòng bỗng loé lên 1 cảm xúc khó tả.
Thằng Cuội đi ngang qua, thấy con sen đang dẫn mợ về phòng, lại nghĩ mợ được cậu chủ ưu ái nên liền chạy vội lại lấy lòng:
– Mợ tư, mợ không sao chứ? Nãy con thấy mợ bị như vậy con cũng lo lắm mà không dám cãi lại ông bà chủ.
Diệp nhìn thằng Cuội có phần dè chừng, lúc sớm nó còn kéo mợ lôi xồng xộc, cũng chính nó trói mợ lại, giờ lại ra vẻ quan tâm, khiến mợ cảm thấy gượng gạo.
– Tôi không sao, cảm ơn cậu!
– Ây, mợ không cần phải khách sáo như vậy làm gì, giờ mợ là người 1 nhà với cậu Đăng, cũng là chủ nhân của con, mợ có việc gì thì cứ sai bảo.
Nghe vậy Diệp chỉ gật đầu 1 cái lấy lệ, lúc đó, ông Huấn đứng cách đấy không xa gọi lớn:
– Cuội, lại đây tao bảo.
Thằng Cuội nghe vậy dạ 1 tiếng, sau đó hớn hở nói với mợ tư:
– Con chạy lại ông chủ đã, mợ nghỉ ngơi đi, cần gì cứ nói con.
Nói rồi, nó cũng chạy về phía ông Huấn, Diệp thấy vậy cũng không nhiều lời thêm, đi về phòng của mình.
Ông Huấn lúc này thấy thằng Cuội đi lại liền gắt:
– Mày nói gì với nó thế?
– Ông nói mợ tư ạ? À, con bảo mợ giờ là người 1 nhà với cậu chủ, cần gì cứ nói con hầu hạ.
Vừa nghe vậy, ông Huấn đánh vào đầu nó 1 cái:
– Ai là người nhà với nó?
Thằng Cuội không hiểu mô tê gì ngơ ngác nói:
– Ơ, thì nãy cậu Đăng nói mợ Diệp là mợ tư của cậu, phải coi mợ giống mợ cả, mợ hai và mợ ba mà.
Ông Huấn lấy ngón tay dí đầu nó:
– Sao mày ngu thế? Nãy đạo sĩ đã nói rồi, cậu chủ chỉ nhất thời bị nó mê hoặc thôi. Đợi đạo sĩ làm phép hoá giải xong, tao sẽ kiếm cớ đuổi nó ra khỏi nhà. Chứ để nó ở đây khéo rước hoạ.
– Vậy sao lúc đầu ông bà còn muốn cưới mợ tư cho cậu chủ.
Ông Huấn lại vỗ đầu thằng Cuội 1 cái:
– Mày lại ngu, lúc đấy tao có biết nó có tướng khắc con tao không? Tao cứ nghĩ cưới về xung hỷ cho cậu mày, ai ngờ đưa ma về nhà. Đợi cậu chủ không còn bị nó mê hoặc, sẽ đuổi nó đi ngay.
Thằng Cuội nghe vậy biết mợ tư sớm muộn lại cũng bị đuổi khỏi đây liền trở mặt:
– Dạ, con nhìn cũng thấy mợ tư tướng xấu, khắc cậu chủ.
– Mày biết xem tướng từ khi nào thế?
– À dạ….con nghe đạo sĩ nói thôi.
– Thôi, ba hoa ít thôi, ông có việc cần mày làm đây.
– Việc gì thế ông?
– Giờ mày tìm cách nhổ 9 sợi tóc trên đầu nó cho ông, nhưng phải vào lúc nó đang ngủ, nhớ là phải nhổ từ trên đầu xuống, tóc rơi tóc rụng là không được.
Thằng Cuội nhăn mặt hỏi:
– Nhổ tóc lúc ngủ thế lỡ đau quá mợ tư dậy thì sao?
– Thế nên tao mới bảo mình tìm cách. Đang nhổ mà nó dậy thì thôi, đợi khi nào nó ngủ lại nhổ tiếp.
– Nhưng mợ tư đang ngủ thì con làm sao vào phòng được.
Ông Huấn bực bội đánh đầu nó:
– Tao bảo mày tìm cách chứ không phải bảo mày hỏi tao. Đi đi nhanh lên, không tao lại cho mày ra cọ chuồng lợn bây giờ.
– Dạ, dạ!
Lúc này, ở 1 căn nhà nhỏ khác cách đấy không xa, dáng người phụ nữ lén lút nhìn trước ngó sau, cẩn thận không có ai rồi mới đẩy cửa bước vào.
Khi đó, 1 người đàn ông tướng mạo cũng còn khá trẻ, ăn bận bóng bẩy đi ra:
– Có ai nhìn thấy không thế?
Bà ta sau đó liền sà vào người đàn ông kia, ra vẻ nũng nịu:
– Làm gì có ai đâu.
– Giờ đang vào thời điểm quan trọng, ít gặp nhau 1 chút.
– Đã 1 tuần nay có gặp nhau đâu, mà sao bảo nó sắp chết rồi, giờ thấy nó vẫn còn khoẻ mạnh thế, thế thì bao giờ chúng ta mới được ở cạnh nhau?
Nghe vậy ông ta liền đưa tay bịt miệng bà lại:
– Suỵt, be bé cái miệng thôi, đã bảo rồi, chuyện này không được nói bên ngoài.
Bà ta thấy vậy bày ra vẻ giận dỗi đẩy ông ta ra:
– Gặp cũng không được, nói cũng không được. Hay giờ anh chán tôi rồi, có ít tiền lại muốn phủi tay?
Thấy điệu bộ người tình như vậy, ông ta lại xuống giọng:
– Em nói gì thế? Chán thế nào mà chán, anh chỉ không muốn chuyện sắp thành lại đổ bể ra. Em yên tâm đi, không lâu sau bệnh của nó trở nặng rồi dần dần sẽ chết nhanh thôi. Khi đấy, anh sẽ nghĩ cách khiến lão già đó giao khế ước nhà đất, rồi tài sản sẽ là của chúng ta.
– Đã chờ suốt mấy năm nay rồi, còn phải chờ bao lâu nữa. Em chán nhìn mặt lão già đấy với con mụ vợ ông ta lắm rồi, lại còn thêm cả thằng con ốm yếu lúc nào cũng ra vẻ.
– Chịu khó thêm 1 chút nữa, sắp rồi, vội vàng dễ hỏng việc lắm. Nha, giờ em về đi không lão lại nghi ngờ.
Bà ta thấy thế lại còn tỏ vẻ nũng nịu không chịu đi.
Gã tình nhân kia thấy vậy phải chiều lòng hôn lên má bà 1 cái rồi hạ giọng nói:
– Nào, ngoan nào, tất cả vì cuộc sống giàu sang của chúng ta sau này.
Phải như thế bà mới chịu, khẽ cười 1 cái rồi nói:
– Nhớ đấy, đừng để người ta đợi lâu nữa, sắp già rồi đây này.
– Già nào mà già, em vẫn còn trẻ đẹp như gái trăng rằm ấy.
– Hừm….cái miệng ngọt lắm. Thôi, em về đã, hôm khác lại gặp.
– Ừh, đi đi!
Nghe vậy, bà cũng quay người rời khỏi căn nhà đó, gã tình nhân cũng vội vàng đóng cửa lại mà đi vào nhà.
Phủ nhà họ Trịnh lúc này vẫn còn xôn xao bàn tán chuyện cô con dâu thứ 4 của ông Huấn.
Phần lớn người ở làng này còn cổ hủ hay tin vào mấy câu chuyện dị đoan, thế nên đối với 1 người mợ tư này bọn họ có phần kiêng dè không dám đến gần.
– Mợ cả, em nghe nói cậu chủ sai con sen đưa mợ tư về phòng nghỉ, còn không cho phép ai đến làm phiền mợ ta.
Con Mướt – người hầu của mợ Hiền đi nghe ngóng thông tin rồi chạy về báo cho mợ cả. Nó ở đợ nhà thầy bu mợ cả từ nhỏ nên khi mợ ta gả vào đây, nó cũng được đi theo hầu hạ.
Mợ cả ở trong phòng đang ngồi trước gương chải chuốt nghe vậy cũng lạnh nhạt nói:
– Cậu chủ xưa nay đều đối tốt với mọi người, lên tiếng bảo vệ cô ta cũng dễ hiểu thôi. Ngươi quên lúc mợ hai được gả về đây, cậu Đăng không ra lễ bái nên ông chủ đánh mợ hai, cuối cùng cậu Đăng cũng ra mặt để bảo vệ, nhưng rồi sau này có thèm để mắt tới mợ ta đâu.
– Nhưng sao em thấy lần này, cậu chủ có vẻ thích mợ tư thì phải.
Vừa nghe thế, mợ cả liền đặt mạnh chiếc lược xuống bàn rồi quay sang lườm con Mướt, nó thấy thế có phần sợ mà rụt rè nói:
– Thì nãy em chạy đi ngó, thấy cậu chủ còn lau vết thương cho mợ tư, xong còn cười với mợ ấy. Từ lúc mợ gả về đây đến giờ, em chưa thấy cậu chủ như vậy với mợ.
Mợ Hiền nghe thế gắt nhẹ:
– Mày biết gì mà nói, ở cái nhà này, cậu chủ chỉ nói chuyện với mợ là nhiều, cậu ấy vui vẻ thế nào mày sao mà thấy được.
Con Mướt thấy mợ chủ mình nổi giận cũng liền đổi giọng:
– Dạ, đúng như vậy đó. Em thấy ở đây cậu chủ chỉ nói chuyện với mợ là nhiều nhất, mợ hai cả mợ ba chả bao giờ cậu để mắt đến. Thế thì cái mợ tư này làm sao so bì được với mợ.
Nghe câu đó, mợ Hiền dường như có vẻ xuôi xuôi. Thấy thế con Mướt đi lại nói nhỏ:
– Nhưng mợ à, em thấy cậu chủ tốt với nó thế chướng mắt quá. Hay mình có cần làm gì cảnh cáo nó, để cho nó biết ai mới là chủ nhân của nhà này không?
Mợ Hiền đôi mắt sâu thẳm nhìn vào khoảng không, bàn tay siết chặt lấy chiếc lược, sau đó rồi đanh giọng nói:
– Loại nó chưa đủ tư cách để ta phải ra tay. Sớm muộn rồi cũng có người giải quyết hộ thôi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!