• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Ván bài lật ngửa (3 Viewers)

  • Ván bài lật ngửa - Phần II - Chương 06 - 07

P 2 - Chương 6


- Bần đạo muốn biết đang hân hạnh tiếp ai?


- Thưa Giáo chủ, Ngài cứ xem tôi như là một người quan tâm đến việc chung, nếu mối quan hệ giữa cá nhân tôi và Thủ tướng Ngô Đình Diệm không làm Ngài vui.


- Không phải, không phải! – Phạm Công Tắc rối rít – Trái lại, bần đạo rất vui nếu buổi gặp mặt nầy là giữa chủ tịch Mặt trận Toàn lực với đại diện chính thức của Thủ tướng.


- Thú thật, thưa giáo chủ, tôi không được một ủy quyền như vậy...


- Nếu ông thấy bất tiện khi bần đạo dùng danh nghĩa Chủ tịch Mặt trận, bần đạo sẵn sàng trao đổi với đại diện của Thủ tướng trong tư cách người đứng đầu Giáo hội Đại đạo Tam kì phổ độ...


- Về phần tôi không thấy chi trở ngại dù Giáo chủ đứng trên danh nghĩa nào. Tôi lên Tây Ninh lần này là lần thứ hai và chỉ với tư cách hoàn toàn cá nhân...


- Hề chi! Lần trước, bần đạo thất lễ không gặp ông. Thật ra, bần đạo không hay trong đoàn của Cụ Ngô có ông... Bây giờ, bần đạo hỏi riêng ông một câu: Cụ Ngô nhận định về bần đạo thế nào?


Trên đây là mẩu đối thoại giữa Hộ pháp Phạm Công Tắc và Kĩ sư Nguyễn Thành Luân, sau buổi họp báo, trong gian phòng rộng gọi là Trí Huệ Cung với những trần thiết phần nào giống sân khấu hát bội. Nhiều người xin gặp riêng ông Tắc, nhưng ông mời Luân trước tiên, mặc dù Luân chỉ đưa cho văn phòng ông một danh thiếp ghi vỏn vẹn: Kĩ sư Nguyễn Thành Luân, 5 đường Miche Sài Gòn, điện thoại: 20.461.


Trước khi bước vào văn phòng riêng của Hộ pháp, Luân chạm mặt Ly Kai. Gã toan lẩn tránh song không kịp, đành phải cúi chào Luân, rất khúm núm:


- Ông kĩ sư mạnh giỏi?


- Cám ơn! Ông cũng mạnh?


Luân chưa nắm đủ các tài liệu về gã Hoa kiều láu cá nầy, tuy anh biết chắc gã là người của Nhu – Tuyến cấy vào Bình Xuyên.


- Tôi định lên vùng chợ Long Hoa xem có thể gây dựng một kiểu giống giống Đại Thế Giới, nhưng mà coi bộ khó... – Ly Kai đưa đẩy.


- Chúc ông may mắn! – Luân chào gã.


Fanfani đón Luân ngay cửa phòng của Tắc.


- Ông trở thành vedette(1) của cái kịch bản nhiều góc cạnh nầy rồi! Ông gặp giáo chủ, nói giúp, tôi muốn làm cuộc phỏng vấn riêng giáo chủ...


(1) Ngôi sao màn bạc.


- Tôi sẽ chuyển lời, còn ông ấy có chịu gặp cô hay không là do ông ấy.


- Cám ơn ông kĩ sư... Khi nào về Sài Gòn, tôi mong được gặp ông. Địa chỉ của tôi đây, – Fanfani đưa cho Luân danh thiếp – Khách sạn Majestic.


Rồi cô ta phụng phịu:


- Mà ông không đến hay gọi điện thoại cho tôi, tôi sẽ đến tận nhà ông đấy!


Luân cười nhẹ, Helen hiểu cái cười của Luân:


- Vì sao tôi biết địa chỉ của ông hả? Muốn tìm, đâu có khó!


Fanfani nói láo. Song, mặt cô đỏ nhừ. Không phải cô không thạo nghề nói láo. Luân bỗng vui vui khi cô kí giả quốc tịch Mỹ biết ngượng vì phải nói láo với anh. Dĩ nhiên, Fanfani đỏ mặt, cô trở lên hồn nhiên và hết sức dễ thương. Do vậy, Luân cầm tay cô hơi lâu hơn thường lệ một chút.


Qua vai Fanfani, Luân thấy Ly Kai đứng cạnh xe của anh, đang bắt chuyện với cả Lục lẫn Thạch.


*


Phạm Công Tắc mời Luân điếu thuốc Camel. Không rõ giáo chủ có hút không, song cái gạt tàn đầy ắp đuôi thuốc.


- Tôi không được biết nhận xét của Thủ tướng đối với giáo chủ - Luân nói, nhìn Tắc đầy ý nhị, - Vả lại, theo tôi, Giáo chủ cần gì đến nhận xét của ông Diệm khi Giáo chủ, trong yêu sách thứ mười, long trọng tuyên bố đòi ông ấy từ chức nếu không thỏa mãn nguyện vọng của Mặt trận mà Giáo chủ đã đoán trước không thể nào có một nhượng bộ tới mức đó.


Giọng Phạm Công Tắc bỗng trở nên xuôi xị:


- Tuyên bố thì tuyên bố vậy thôi!


Phạm Công Tắc khó nghe kịp tiếng thở dài nhè nhẹ của Luân:


- Ngài định làm gì nếu ông Diệm bác bỏ các yêu sách?


Phạm Công Tắc ngơ ngác:


- Làm gì à? Bần đạo đâu có định làm gì!


Đến lượt Nguyễn Thành Luân ngơ ngác:


- Vậy tại sao giáo chủ họp báo?


- Ậy! Anh em họ đốc mình, mình phải làm, không làm thì họ cười chết! Tôi ghét thằng Thế quá...


Luân phát hiện một Phạm Công Tắc thịt xương, rất thành thật, dù ông vận bộ áo đạo.


- Theo ông, Cụ Ngô có tính gấp các giáo phái không?


Vị trí giữa Luân và giáo chủ thay đổi, người đặt câu hỏi lại là Giáo chủ.


- Thưa Giáo chủ, Ngài cứ giả định là ông Diệm tính gấp đi...


Mặt của Tắc tái dần, tái dần:


- Việc gì phải gấp? – Ông ta hỏi mà lời giống như từ chốn xa xôi nào vọng về.


Luân thấy không cần thiết phải trả lời. Trong thâm tâm, Luân thương hại ông ta, một con người leo lên ghế tuyệt đối của một tôn giáo hoàn toàn nhờ thời cuộc đẩy đưa. Có lẽ suốt ngày nghe mãi cái trật tự trên thiên đường mà ông bị ám ảnh. Và cuối cùng, ông mường tượng cuộc sống diễn ra như ông phác thảo trong các câu kinh – dù gọi là của Quan Âm, của Quan Vân Trường, của Thượng Đế, đều là của viên thư kí riêng có khiếu thơ lục bát và tứ tuyệt. Ông trả lương khá cao cho viên thư kí, cho “thập nhị thời quân” - những người mà không có họ, ông không làm sao mang ý của thiên đình phổ biến giữa thế gian.


Tuy nhiên, ông cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng không phải bao giờ lời phán của Đức Chí Tôn đều có hiệu lực cả. Ngô Đình Diệm chẳng hạn, ông ta chỉ biết có Chúa Trời. Còn Ngọc Hoàng theo khái niệm của đạo Cao Đài thì chẳng ăn nhằm gì với ông ta.


Giáo chủ Phạm Công Tắc ngó đăm đăm tấm bản đồ Đông Dương. Vạch đỏ đậm của quốc lộ 1 cho thấy từ Tây Ninh lên Nam Vang không lấy gì làm xa xôi.


- Vạn bất đắc dĩ nếu Thủ tướng không nghĩ tình người quốc gia với nhau, bần đạo sẽ lên Nam Vang. Ở đó, bần đạo có nhiều tín đồ. Một thánh thất lớn đang xây gần cầu bắc qua sông Bassac... Ngài Sihanouk vốn kính trọng bần đạo.


- Thưa giáo chủ, thiếu tá Kossem, trưởng phòng tình báo Chính phủ hoàng gia Cambốt có khi nào thư từ cho Giáo chủ? – Luân hỏi hơi đường đột.


- Ông cũng quen thiếu tá Kossem?


- Thưa, đúng là tôi biết ông ta, chớ chưa quen… – Luân trả lời, hồ hởi.


- Tôi cũng vậy, - Tắc nói liền và quên phát hai tiếng bần đạo rất quen miệng - Tôi biết ông ta qua một đại úy, tên Thạch Chanh, phụ trách tình báo biên giới... Thiếu tá muốn quy y theo đạo Cao Đài!


- Phải, ông Kassem kiêm chỉ huy phó biên phòng, đồng thời là Tư lệnh quân nhảy dù và chỉ huy phó lực lượng phòng thủ thủ đô Nam Vang. Thiếu tá Kossem là người Chàm sao lại vô đạo Cao Đài? – Luân nói câu sau với cái cười nhẹ.


- Chà! Ông kĩ sư rành hơn tôi nhiều... Thiếu tá Kossem tán thành đạo Cao Đài. Đạo Cao Đài có nhiều tín đồ người Pháp, người Ấn Độ, Nhựt Bổn... – Tắc khoe khoang một hồi – Tôi trở lại chuyện giữa tôi và Cụ Ngô. Tôi chỉ xin Cụ Ngô một điều – có điều nầy thì mười điều trong tuyên cáo xử như thế nào tùy Chính phủ. Tôi xin kí một thỏa hiệp công nhận chu vi Tòa Thánh Tây Ninh rộng 40 cây số vuông và công nhận quyền tự trị của chúng tôi trong chu vi đó. Cả giang sơn đã thuộc về Cụ Ngô thì ke re cắc rắc làm chi 40 cây số vuông nhỏ mọn, ông kĩ sư nghĩ coi tôi nói có đúng không?


- Đó là đòi hỏi quan trọng nhất của Ngài?


- Phải!...


Cả lời, cả cử chỉ của Giáo chủ đều toát lên niềm thèm muốn thiết tha, Luân có cảm giác đang ngồi trước một tay trọc phú vỡ nợ, tình nguyện bỏ hết tài sản, chỉ xin ngôi nhà và ngôi mả xây, cam lây lất sống hết đời.


- Ông có thể đạo đạt lên Cụ Ngô thỉnh cầu của tôi không? Tôi sẽ chẳng bao giờ quên ơn ông kĩ sư!


Ông Tắc gần như phều phào


- Nói lại với ông Ngô Đình Diệm yêu cầu của Ngài, không có gì khó. Tôi xin hứa, nội ngày nay hoặc sáng mai, yêu cầu của Ngài sẽ đến Thủ tướng. Song, tôi nghĩ là ông Diệm sẽ từ chối!


- Tại sao vậy? Chuyện nhỏ mọn mà!


- Đúng, chuyện nhỏ mọn. Song ông Diệm từ chối vì ông ấy sợ mất cái lớn hơn và khi biết chắc sẽ không thể mất cái lớn hơn thì ông ấy nhất quyết không để mất cái nhỏ nhất!


- Vậy, ông kĩ sư thấy bần đạo phải làm gì?


- Hình như giáo chủ chưa sẵn sàng đương đầu với ông Diệm?


- Bần đạo là kẻ tu hành!


Giáo chủ Phạm Công Tắc trả lời xụi lơ và bây giờ thì Luân không kềm nổi tiếng thở dài.


- Có bao giờ Giáo chủ tính đến khả năng liên minh với những người kháng chiến cũ không? Họ rất đông, ở Tây Ninh...


Luân cố vớt vát. Nghe có bấy nhiêu, Tắc xua tay lia lịa:


- Đâu được, đâu được!... Ông kĩ sư đừng nói chơi... Nếu Cụ Ngô thể tất cho bần đạo thì bần đạo sẽ cùng đạo hữu đi tiên phong trong cuộc Bắc phạt.


Luân đứng lên:


- Cám ơn Ngài... Tôi xin kiếu.


Phạm Công Tắc cũng đứng lên, tiễn Luân ra phòng ngoài:


- Nhờ ông kĩ sư đạo đạt lên Cụ Ngô về chu vi Tòa Thánh.


Giáo chủ cố van vỉ, mặt đầy đau khổ trước khi trở lại cái vẻ đường bệ để gặp một nhân vật nào đó, theo thứ tự mà văn phòng đã xếp đặt.


Tiếng đồng nhi đọc một đoạn kinh bay theo Luân. Anh bước gần như thất thểu. Không phải vì anh xúc động trước một giáo chủ lẩm cẩm – mọi toan tính của ông ta sắc lại chỉ còn là sự tiếc của đời rất trần tục và có thể, rất thô tục nữa – anh xót xa cay đắng vì một con người như thế vẫn ngự trị linh hồn hàng trăm nghìn người và tùy ý dẫn dắt họ phiêu lưu vào các ngõ cụt.


Fanfani chạy vội khi xe Luân đã lăn bánh. Anh vẫy tay chào cô mặc dù quên giới thiệu cô với giáo chủ.


Có thể Fanfani yên trí là Luân giúp cô xong xuôi, nên đặt tay lên môi gửi theo cái hôn...


P 2 - Chương 7


Chiếc máy bay vận tải bốn cánh quạt nặng nề đáp xuống đường băng Tân Sơn Nhất. Hàng trăm người rời máy bay.


Đây là một trong những chuyến bay đặc biệt chở dân di cư miền Bắc vào Nam. So với những người đi đường thủy, họ tươi tỉnh hơn, ăn mặc sạch sẽ hơn. Họ vởi vội áo choàng trước ánh nắng chói chang của Sài Gòn – Khi họ lên máy bay, hàn thử biểu chỉ 15 độ và sau năm giờ bay, con số đó là 36 độ trong mát.


Thân nhân đón họ đứng chật phòng đợi.


Một cô gái, sách chiếc vali con, áo len vắt tay, nổi bật trong đám hành khách: cô rất đẹp, tuổi chắc không thể hơn hai mươi lăm, là người phụ nữ duy nhất mặc quần tây, áo sơ mi, đi xăng đan.


- Cô! – Cô gái gọi to và ôm ghì một bà áo lụa, vấn khăn, dáng đài các, đang tìm kiếm ai đó.


- Dung đây sao con? – Bà ngắm nghía cô gái rồi vụt khóc òa, - Nó lớn nhanh quá... Năm kia, nó vào thăm tôi, còn bé lắm... Sao bố không vào? Cô sẵn chỗ cho bố con, hễ vào là nhận chức chủ sự Bộ Tài chính ngay... Còn con nữa, con phải học tiếp để lấy bằng cử nhân chứ?


Bà bô lô ba la, vẫn giữ cô gái – tên Dung – trong vòng tay.


- Ối chà! Cháu tôi đẹp như tiên... Con gái Hà Nội có khác... Nào, cái vết sẹo ở cánh tay to không?


Dung đỏ mặt, rúc đầu vào vai bà:


- Cô... cô...


Bà phân trần với số người đứng gần – họ chú ý cô gái có nước da trắng, vẻ mặt thanh tú, thân hình cân đối:


- Nó tồng ngồng nhưng nghịch ngợm lắm... Đâu như là lúc nó bắt đầu năm thứ nhất trường Luật, nó vào thăm tôi... Tôi là cô ruột nó... Nó lên đồn điền chè của tôi, chạy nhảy thế nào mà ngã kềnh ra, bị cây nhọn đâm vào tay...


- Chú đâu không ra đón con? – Dung đánh trống lảng.


- Chú con hôm nay hẹn ăn cơm với Trung tá Trần Vĩnh Đắt, có gửi lời xin lỗi con


- Ta về thôi, cô!


Một người lễ phép chào Dung:


- Xin cô đưa vali cho em...


- Ừ, anh xách hộ... Con không nhớ anh Khai, lái xe của cô chú sao?


- Ồ... chào anh Khai! – Dung reo lên – chị Khai sinh thêm cháu nào nữa không? Cháu Tiến đi học chưa?


Ba người ra sân, chiếc Peugeot 203 nước sơn còn ánh.


- Con nhà giàu, sướng thế! Bà cô chắc không có con, cô ta tha hồ được nuông chiều...


Một người nhận xét về Dung với bạn – nhóm ba người mặc thường phục nhưng lưng cồm cộm súng ngắn.


Còn Dung ngồi sát vào cô trên xe và biết là cô muốn hỏi một người nhưng không tiện – Cả cái khóc của cô nữa: cô khóc không vì lâu ngày gặp lại cháu gái mình.


*


Tháng 8-1945, Dung nghỉ hè để sửa soạn vào năm thứ hai trung học thì Cách mạng bùng nổ. Với tuổi mười tám, Dung say sưa dự các sinh hoạt văn hóa, thiếu niên như mọi bạn bè của Dung. Cũng từ sau ngày Cách mạng, Dung mới có dịp gần gũi người chú ruột – ông là chính trị phạm bị đày lên Sơn La, vượt ngục năm 1943, chỉ huy một đội du kích vùng Bắc Sơn. Cha Dung, công chức hạng trung Sở Tài chính Hà Nội, ở vậy nuôi con – mẹ Dung mất khi Dung lên sáu tuổi – tính hiền lành, ít nói. Chính người chú đã dạy cho cô bé hiểu nhiều điều mới lạ. Chú Dung sống độc thân – thực ra, ông chẳng có thời giờ đâu mà nghĩ đến vợ con, bởi ông hoạt động cách mạng lúc còn đi học và thoát li luôn, rồi bị tù – chiều nào rỗi thì về nhà Dung. Người cùng phố chỉ biết chú Dung là Vệ quốc đoàn, còn Dung mãi sau này, do tình cờ, biết chú làm việc ở Nha Công an. Điều đó không có gì quan trọng đối với Dung mặc dù chú dặn Dung giữ kín và Dung đã giữ kín, ngay với cha.


Năm học 1945–1946 không bình thường – học sinh bận rộn với nhiều thứ bên ngoài trường lớp. Chú Dung không bằng lòng. Ông buộc Dung phải học và chính ông kèm Dung thêm những môn học mà Dung không thích mấy, như Toán, tiếng Pháp. Không thích thì không thích, Dung vẫn cố học - cô rất thương chú.


Bấy giờ, Hà Nội vừa đói vừa lộn xộn. Tàu Tưởng kéo sang, đóng chật các công viên. Thỉnh thoảng, Dung nghe vài vụ giết người, chú Dung bảo là do bọn Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần gây rối. Chú Dung gầy rạc.


Rồi Dung cũng bước vào năm học thứ ba sau kì nghỉ hè. Tàu Tưởng rút hết lên biên giới, nhưng quân Pháp đã có mặt ở Hà Nội. Những trận xung đột giữa quân Pháp và tự vệ ta, tuy lẻ tẻ, song không ngày nào là không xảy ra. Bạn trai của Dung bỏ học, theo các lớp quân chính. Bạn gái cũng có đứa vào các lớp cứu thương. Dung ngỏ ý xin đi học y tá. Cha cô, từ khi chú cô về nhà, ít quyết định những vấn đề như thế. Chú cô lắc đầu. Thực tế, trường gần như đóng cửa. Tin tức trong Nam kích động dữ dội lớp trẻ, cộng với tình thế đánh nhau ngay tại Hà Nội chắc chắn là khó tránh khỏi.


Đêm 19-12, súng nổ rộ. Cha Dung chẳng biết phải xoay xở làm sao. Chú Dung về nhà và hối thúc cả nhà tản cư. Một ô tô bộ đội chở cha con Dung ra Hà Đông. Sở Tài chính của cha Dung cũng di chuyển về đó. Truờng của Dung nghe đâu vượt sông Hồng, lên vùng Bắc Ninh.


Dung dứt khoát ghi tên vào lớp đào tạo y tá cấp tốc mở ở xã Dương Hội. Học được hơn tuần lễ - Dung rất phấn khởi theo học và nóng lòng chờ lớp kết thúc sớm để cô còn trở lại phục vụ các chiến sĩ bảo vệ thủ đô mà sự đồn đãi về thành tích đánh Tây của họ giữa lòng Hà Nội đã làm cô say mê – thì chú cô đến. Ông thầm thì với cha cô trong ngôi nhà ở tạm bên ngoài thị xã Hà Đông... Sáng hôm sau, chính chú Dung đến trường y tá xin rút tên cô và ông đưa Dung cùng đi với ông lên Ba Vì. Ban đầu, Dung ngơ ngác. Nhưng, vài hôm, cô hiểu. Lưng chừng núi Ba Vì, Dung miệt mài học một lớp học đặc biệt – rất ít học sinh và người giảng không ai khác hơn là chú cô. Ngoài chính trị và nghề nghiệp, Dung còn được học bắn súng – cái mà cô khoái nhất. Giữa năm 1947, cha cô và Dung hồi cư về Hà Nội. Thật là bẽ mặt với người cùng phố. Cha Dung lầm lì đến Nha Tài chính trình diện. Cũng không có điều gì phiền phức lắm: tên chủ Tây bảo ông làm tờ khai. Ông khai đúng sự thật: Ông tản cư với Sở Tài chính, vẫn làm công việc chuyên môn của ông, nay quân Pháp kiểm soát rộng, ông chịu cực không nổi nên thay vì rút lên căn cứ, ông về thành. Ông được nhanh chóng thu nhận trở lại và ngày ngày vác ô đến chỗ làm. Năm 1948, Dung đỗ bằng thành chung. Cha cô tậu ngôi nhà khác – tiền ở đâu thì cô không rõ. Ngôi nhà mới nằm ở khu sang trọng phố Gambetta. Một hôm, khách đến nhà. Đó là chú cô. Chú cô chỉ đến mỗi tuần ba lần và ngày giờ luôn thay đổi. Hễ đến, hai chú cháu lại bàn bạc. Cứ thế, Dung tốt nghiệp tú tài toàn phần năm 1951 và học ngành luật. Hè năm 1952, Dung vào Sài Gòn bằng máy bay. Theo bố trí của chú, Dung đến nhà “bà cô ruột” - một người Bắc lập nghiệp trong Nam từ lâu, có đồn điền trà nhỏ ở gần Blao. Dung làm quen với Sài Gòn và Nam Bộ trong dịp đó. Lần hôi, Dung biết sự thật. “Bà cô ruột” ngày xưa là người yêu của chú, nhưng chú thoát li sớm, vả lại gia đình bà giàu có - ở Hà Nội, ai mà không biết gia đình Cự Doanh – duyên nợ bất thành. Bà lấy chồng, một bác sĩ. Hai vợ chồng dời nhà vào Sài Gòn, chồng mở phòng mạch, vợ mua đất trồng trà... Hai vợ chồng không con. Tại sao và bằng cách nào đó, Dung không rõ, mà chú Dung liên hệ được với bà. Dung chỉ biết là chính chú Dung đã vào Sài Gòn – cũng đi máy bay – và đã ở nhà hai vợ chồng ông bác sĩ. Bà nói tường tận với ông bác sĩ chuyện thời con gái của bà, ông bác sĩ vốn khoáng đạt, lại có phần kính phục chú Dung, nên đã tiếp chú Dung thật đầm ấm, thân tình.


Sau Điện Biên Phủ, Dung đang học dở chứng chỉ ba khoa luật. Trường đại học Hà Nội dời vào Sài Gòn. Bấy giờ chú Dung không có mặt ở Hà Nội, Dung tự quyết định không theo trường – điều mà sau đó Dung bị chú “sạc” một trận dữ dội chưa từng có. Nhưng rồi chú thu xếp cho Dung đâu vào đấy. Dung bí mật lên Thái nguyên dự một lớp bồi dưỡng chính trị và nghiệp vụ ba tháng. Trở về Hà Nội, Dung sửa soạn vào Nam như một người di cư, trước khi quân ta tiếp quản thủ đô. Lúc đầu, chú Dung định cả cha Dung cùng vào Nam, song cha Dung không ưng, dù thương con, ông không thích sống mãi trong cái không khí ngột ngạt. Vả lại, ông hiểu con ông – nó thông minh hơn ông nhiều, chưa chắc ông đã có thể giúp nêu không nói là gây bận bịu cho nó. Theo hướng dẫn của chú Dung, ông vẫn đăng kí vào Nam, đến thời hạn, ông lại khai là bệnh bất ngờ, không đi được. Chuyện rất bình thường.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom