-
Thế chỗ
Như nhiều bạn đọc đã biết, bố tôi vốn là một bác sĩ quân y, đã từng ra vào chiến trường để cứu mạng nhiều người. Hay có thể nói rằng, cho người khác một cơ hội sống. Trước kia bố tôi làm bác sĩ phẫu thuật, nhưng rồi được viện điều đi học kĩ thuật mổ lazer và dần dần chuyển qua phẫu thuật thẩm mỹ. Nhiều lần tôi hỏi bố tôi là vì sao lại đổi ngành như vậy, ông chỉ cười và bảo là kiếm được hơn, tuy nhiên bố tôi không ngờ là mẹ tôi đã kể cho tôi nghe một phần lí do mà ông đổi ngành. Trên đời này, sống chết có số, chả trách mà người xưa có câu “Diêm Vương bắt người đi canh ba, ai dám dữ đến canh năm”. Vì thế đối với những bác sĩ chuyên ngành mổ cứu người bệnh khỏi những ca thập tử nhất sinh có thể coi là làm trái ý trời. Hồi đó, bố tôi còn là đại tá, phải trực đêm thường xuyên cho những ca cấp cứu muộn. Đang ngồi ở phòng trực giao ban sắp xếp giấy tờ. Đang ngồi thì bỗng có một cô gái bước vô, bố tôi thấy thế liền cất tiếng hỏi:
- Chị vào đây có việc gì thế?
Cô gái đứng đó, nhìn bố tôi và đáp:
- Em có chuyện muốn thưa với bác sĩ.
Bố tôi mời cô gái ngồi, nhưng cô gái vẫn đứng tại chỗ và nói:
- Em không dám quấy rầy bác sĩ, chỉ muốn nói cho bác sĩ một điều. Lát nữa sẽ có một ca cấp cứu. Nạn nhân là một thanh niên, tên … tuổi từ 20 đến 25. Nó đua xe, đến khúc cua, bị ngã đập đầu xuống đất, mong bác sĩ đừng cứu nó, vì số nó đã tận. Nếu bác sĩ cứu nó thì coi như là chuốc vạ vào thân đó.
Bố tôi bực mình, đập bàn và nói:
- Cô nói linh tinh cái gì thế? Bệnh nhân vào cấp cứu mà lại bỏ mặc là sao, mời cô ra ngoài ngay cho?
Cô gái quay đầu đi ra, vừa đi vừa nói:
- Em đã dặn bác sĩ rồi đó, mong bác sĩ đừng làm em phải thất vọng.
Bố tôi định chạy theo ra, mắng vốn cho một trận. Nhưng lạ thay ra đến cửa, thì không thấy một ai, bốn bề đều vắng lặng. Bỗng thấy chú Nghị, cấp dưới của bố tôi đi tới, bố tôi hỏi:
- Nghị, lúc nãy có thấy cô nào đi ra không?
Chú Nghị nhìn bố tôi:
- Làm gì có ai hả sếp, mà giờ này đâu có cho người nhà bệnh nhân ra vào tự do đâu.
Bố tôi bấy giờ mới thấy kì lạ, rõ ràng là có người. Đầu tiên bố tối nghĩ là ma trêu quỷ ghẹo, nhưng phải nói thật là bố tôi không có tin vào ba cái chuyện nhảm nhí đó. Quay lại phòng trực giao ban, được độ hơn một tiếng sau thì có y tá vào kêu đi mổ cấp cứu. Trên đường đến phòng cấp cứu, coi qua tờ khai lý lịch mà người đưa bệnh nhân đến khai thì tất cả đều trùng khớp với lời cô gái kia nói. Bố tôi lúc này thì trong lòng đầy nghi hoặc nhưng cũng không kém phần rờn rợn. Sau ca cấp cứu đó, chàng thanh niên kia cũng tai qua nạn khỏi. Bố tôi sau đó cũng quên dần đi cái sự việc kìa lạ đó.
Hồi đó tôi còn học cấp một, mọi khi chiều về mẹ tôi hay đón. Nhưng hôm đó, bố tôi ra sớm nên nhận nhiệm vụ đón cậu con trai. Tôi đợi mãi, đầu tiên là 15 phút, rồi nửa tiếng, rồi hai tiếng. Cứ thế thời gian trôi qua, lúc đầu tôi bực mình lắm, vì không hiểu lí do gì mà bố tôi đến muộn thế này. Mãi đến hơn 7 giờ, anh Hà, học trò của bố tôi đến đón. Tôi thấy lạ lắm, hỏi anh Hà là bố tôi đâu, anh bảo là bố tôi đang đi đón tôi thì bị chúng nó đâm phải, đang nằm trong viện, bao nhiêu bực dọc trong người tôi bỗng đổi chỗ cho sự lo lắng điên cuồng, tôi mắt rơm rớm. Hỏi anh Hà coi bố có sao không, anh bảo là không sao, chỉ khâu mấy mũi trên đầu thôi. Sau đó anh Hà đưa tôi vào viện, mẹ tôi cũng đã ở đó. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra bố mình vẫn bình an vô sự. Mãi sau này bố tôi mới kể cho mẹ tôi nghe rằng, trước cái hôm bị tai nạn đó, bố tôi có nằm mơ và thấy cô gái hôm nào hiện về, cô ta nói rằng:
- Em đã khuyên can bác sĩ, mà bác sĩ không nghe. Thằng đó mấy năm trước đua xe, rồi nó đâm phải em đang đi xe đạp. Nó là người đã cướp đi mạng sống của em, hôm đó là cái ngày mà em kéo nó về cõi khác, vậy mà bác sĩ vẫn cứu nó. Vậy thì bác sĩ sẽ phải thế chỗ nó đó.
Nếu đúng như lời bố tôi kể, thì có lẽ giờ này ông đã chả còn ở đây nữa rồi. Nhưng theo tôi cũng có thể vì bố tôi đã cứu nhiều người, tuy mang tiếng là trái ý trời, nhưng ít ra cũng được trời Phật phù hộ cho cái tấm lòng nhân đức của ông.