• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Hot Truyện ngôn tình thầy trò (4 Viewers)

  • Ký ức độc quyền - Chương 04 - Phần 1

Chương 4


Thuận tay trái và thuận tay phải


1


Lúc mới vào trường, giảng viên đã nhắc nhở chúng tôi, có lẽ so với những ngành xã hội khác, học ngoại ngữ tương đối vất vả hơn. Năm nhất và năm hai, tuy không phải sáng nào cũng có giờ học vào tiết đầu tiên, nhưng đúng bảy rưỡi chúng tôi phải có mặt ở giảng đường để tự học.


Ngày nào cũng vậy, khi trời còn chưa sáng hẳn đã thấy sinh viên Học viện Ngoại ngữ tay cầm sữa đậu nành, đeo tai nghe, vừa đi vừa nghe máy thu âm trên con đường rợp bóng trong khuôn viên trường.


Đoạn đường từ ký túc xá đến khu giảng đường số bốn đi qua một rừng quế. Lúc chúng tôi nhập học cũng chính là lúc mùa thu vàng ruộm. Khi đó, mỗi sáng đi ngang qua rừng quế này, trong lòng chúng tôi đều ấp ủ bao hoài bão tươi đẹp về cuộc sống thời đại học, và cả ước mơ cho tương lai tươi sáng. Lúc ấy thật sự cảm thấy đây là cuộc sống đáng để mình nếm trải.


Tôi đã từng là một thanh niên có nhiều hoài bão, nhưng trải qua một thời gian học tập ở đây, từ tân sinh viên, chúng tôi đã biến thành những kẻ lọc lõi, ngày càng lười biếng, hoài bão dần lụi tàn.


Có lúc tôi cảm thấy nếu bốn chúng tôi mà dở chứng lười biếng thì đúng là đến cả thần tiên cũng phải phẫn nộ. Nếu như cuối tuần hay sáng thứ Hai, thứ Ba không có tiết, chúng tôi không ai muốn ra khỏi phòng, khi đói đến không chịu được sẽ chơi trò đoán số[15] để bắt một người xuống nhà ăn mua đồ. Nếu đến tận trưa mà vẫn chưa muốn ra khỏi cửa thì sao? Thì chúng tôi lại tiếp tục đoán số...


[15] Đoán số: một trò chơi truyền thống của Trung Quốc, một người đưa mấy ngón tay biểu thị con số, người khác đồng thời cũng đưa tay ra so giống khác nhau để phân định thắng thua.


Chỗ chúng tôi ở gần nhà ăn số ba nhất, do đó chúng tôi thường chỉ hoạt động ở xung quanh khu vực này. Ngay gần cửa ra vào là chỗ bán sữa đậu nành, có đặt một cái thùng lớn, một người nhận thẻ, một người múc sữa đậu nành. Người múc sữa đậu nành đó rất kỳ quặc, bắt chúng tôi phải tự mang cốc đến, và cho dù cốc có to đến mấy, họ cũng chỉ múc cho hai phần ba cốc, chưa hề thay đổi.


Thế là, chúng tôi mang loại cốc một lít rưỡi đến, chỉ cần mang một cốc thôi đã đủ cho cả bốn người uống.


Tiết trời ngày càng lạnh, mọi người đều quấn mình trong chăn, trốn trong phòng đọc tiểu thuyết, xem ti vi, ngồi máy vi tính, học từ vựng, đến cơm trưa cũng lười đi mua. Phải làm sao đây? Tiếp tục chơi đoán số vậy.


Thông thường mỗi lần chơi trò này, Bạch Lâm là người xui xẻo nhất.


Hôm nay, vẫn lại là cô ấy.


Cô ấy kéo tay tôi, làm ra vẻ đáng thương: “Tiểu Đồng, đi cùng tớ đi mà.”


Thấy cô ấy một mình cầm bốn hộp cơm, cũng thê thảm thật, nên tôi đành đi cùng.


Chúng tôi mỗi người cầm hai hộp đứng xếp hàng mua cơm ở hai dãy.


May mà chưa đến mười hai giờ, người đến xếp hàng mua cơm vẫn chưa nhiều. Đến lượt tôi, nhìn chú bán cơm khom lưng múc một muôi cơm thật to, sau đó lắc lắc tay một cái. Chú ấy nhìn nhìn, dường như vẫn chưa vừa ý, thế là lại lắc thêm mấy cái nữa, cứ như muốn lắc đến khi chẳng còn bao nhiêu cơm trong cái muôi đó nữa mới chịu cho vào hộp của tôi.


Tôi lại quẹt thẻ một lần nữa, rồi đưa vào một cái hộp khác. Chú đó lặp lại động tác lúc nãy, lần này cơm trong muôi còn ít hơn nữa.


Tôi nhìn tay trái của mình, rồi quay qua nhìn tay phải, mếu máo nói: “Chú ơi, cháu đã gầy còm như vậy rồi mà chú cho cháu có chút cơm, chú nhẫn tâm vậy sao?”


Chú bán cơm nhìn tôi, rồi cho thêm mấy hạt cơm với vẻ mặt không mấy vui vẻ, sau đó liền xua tay nói lớn với hàng người đứng phía sau tôi: “Mau lên, người tiếp theo.” Miệng vẫn không quên lầm bầm: “Mua có bốn xu mà còn muốn thêm bao nhiêu chứ?”


Tôi nghe thấy nam sinh xếp hàng sau lưng tôi bật cười thành tiếng, liền quay đầu lại, liếc cậu ta một cái.


Thế nhưng, cũng trong một lần đi mua cơm như vậy, tôi đã làm mất thẻ cơm của Bạch Lâm. Tôi vắt óc nghĩ đi nghĩ lại, chỉ nhớ là lúc mua cơm, tôi dùng thẻ của tôi trước, tiếp đó là thẻ của Bạch Lâm, sau đó thì không thấy cái thẻ ấy đâu nữa. Bạch Lâm có rất nhiều tiền trong đó, tôi làm sao có thể đền nổi chứ?


Bạch Lâm không mấy để tâm: “Không sao, mất rồi thì thôi.”


Nhưng tôi vẫn vội vàng kéo cô ấy đến phòng Hậu cần báo cáo mất thẻ.


Người quản lý ở đó nói: “Bạch Lâm năm ba khoa tiếng Anh hả? Lúc nãy có người đến hỏi đấy, nói là nhặt được thẻ của em, người đó hỏi thông tin lớp học của em xong, đi tìm em rồi.”


Hai chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, may quá, có thể gặp được Lôi Phong[16] rồi.


[16] Lôi Phong: là người lính tham gia Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 1960, là biểu tượng anh hùng của Trung Quốc, một tấm gương tận tụy, xả thân, quên mình vì Tổ quốc.


Buổi tối lại là tiết học tiếng Nga của Mộ Thừa Hòa.


Trong phòng học bật máy điều hòa, sinh viên thì đông, cửa sổ lại đóng kín. Lão giảng bài một hồi, có lẽ lão cảm thấy nóng, nên xắn tay áo lên. Sau khi thực hiện xong các động tác của mình, lão cầm phấn lên viết.


Nhưng không ngờ, lão lại dùng tay trái.


Lão quay lưng lại với chúng tôi, viết xong một chữ, có lẽ tự lão ta cũng đã nhận ra được vấn đề, thế là lão ngưng lại vài giây, sau đó tiếp tục viết các chữ còn lại.


Tôi biết, nếu như lão lập tức đổi tay, sẽ càng khiến mọi người chú ý.


Lão viết xong một câu, quay lại nhìn xuống lớp học, lúc này mới chuyển viên phấn qua tay phải. Mọi người đều đang cúi đầu ghi chép, chỉ có vài người còn ngồi ngơ ngẩn, và tôi chính là một trong số đó.


Hình như không có ai nhận ra chi tiết nhỏ nhặt lúc nãy, nếu như không phải tôi biết trước thói quen này của lão, e là cũng không nhận ra điều đó.


Thật ra, tôi cảm thấy Mộ Thừa Hòa không cần phải che giấu, để mọi người biết được thì người ta cũng chỉ bàn ra tán vào một hồi, sau đó còn cộng thêm cho lão ta một điểm vào sức quyến rũ ấy chứ.


Giảng viên càng đặc biệt, sinh viên càng tò mò.


Mộ Thừa Hòa dường như cảm nhận được tôi đang nhìn mình, nên lão liền nhìn về phía tôi, khẽ mỉm cười.


Tôi khựng người, cúi thấp đầu, lúng túng cầm bút viết bài, nhưng đáng tiếc là viết được một hồi thì tâm trí lại bay bổng. Tôi nhớ đến bài toán của Mộ Thừa Hòa: 3999 x 6888 = ?


Lúc nhỏ tôi có học bảng cửu chương. Sau này lớn lên lại học thêm bảng bình phương, dạng như đọc theo phản xạ đáp án của 11 x 11, 12 x 12, 13 x 13... Nhưng đó đơn thuần là vì giáo viên dạy toán yêu cầu chúng tôi học thuộc lòng để nâng cao khả năng tính nhẩm.


“Có ai cố tình học thuộc lòng đáp án của bảng tính nhân không?” Thừa lúc Mộ Thừa Hòa viết ví dụ trên bảng, tôi lén hỏi Bạch Lâm.


“Bảng cửu chương á?” Bạch Lâm hỏi lại.


“Không phải, loại mấy nghìn nhân mấy nghìn ấy.” Tôi nói.


“Học để làm gì?”


“À... để chơi, ví dụ như để rèn luyện trí não chẳng hạn.” Không phải giáo viên hay nói đầu óc lâu quá không sử dụng thì sẽ bị gỉ sao?


Bạch Lâm lườm tôi một cái. “Luyện trí não? Não tàn[17] à?”


[17] “Não tàn” là một cách nói rất phổ biến của người Trung Quốc, đặc biệt là dân mạng, dùng để chỉ những người làm những chuyện quái lạ, những chuyện trên Sao Hỏa.


Ờ... Đích thực là không mấy phù hợp với quy luật tự nhiên.


2


Môn tiếng Nga học hai tiết liền, cho dù là Trần Đình hay những giảng viên khác, nếu tiết học được xếp liền nhau trong một buổi tối thì họ đều chủ động cho học thông tiết, không nghỉ giữa giờ, nếu giữa giờ, ai muốn đi vệ sinh, chỉ cần lẳng lặng đi ra là được. Như thế mọi người đều vui vẻ, thoải mái, học liền tù tì thì sẽ được nghỉ sớm, về ký túc muốn làm gì thì làm.


Nhưng Mộ Thừa Hòa lại không như vậy.


Ngày thường lão là một người khá dân chủ, nhưng trong việc này, bất kể mọi người có phản đối thế nào, lão cũng nhất quyết phải nghỉ giải lao mười phút giữa giờ.


Lão nói: “Chúng ta nghỉ ngơi là để có sức lực nghênh đón bốn mươi lăm phút tiếp theo.” Khi nói những lời này, khóe môi lão khẽ cong lên, nở nụ cười khiến mọi người điêu đứng, đương nhiên cũng chẳng còn ai có ý kiến gì nữa.


Sau tiết học thứ nhất, tôi cảm thấy phòng học hơi ngột ngạt vì có quá nhiều người nên đi ra hành lang hóng gió.


Trong lúc đang dựa vào lan can lén lút hít hà chút không khí thoáng đãng bên ngoài thì tôi nhìn thấy Mộ Thừa Hòa cũng đang đứng ở lan can bên cạnh, hình như đang nghĩ gì đó. Không biết lão ta đang nghĩ gì nhỉ?


Đêm rất lạnh, nhưng ánh trăng lại sáng vô cùng. Màu sáng bạc ấy từ trời cao rọi xuống, in bóng hình của lão lên mặt đất, trải dài, dường như là dài đến tận chỗ tôi đứng.


Tôi tiện chân giẫm giẫm vài cái lên đó, rồi mới ra vẻ yểu điệu thục nữ bước tới bên lão.


“Thầy đứng ở đây không lạnh sao? Thầy đang nhìn gì vậy ạ?” Tôi vịn vào lan can, đứng cạnh lão.


Tôi theo ánh mắt của lão nhìn ra xa, thì ra ở bên cạnh dãy giảng đường số sáu đối diện có một hồ sen. Mùa hè, khung cảnh ở đó vô cùng tươi đẹp, màu xanh non của lá, màu hồng phấn của hoa, tất cả tạo nên cảnh tượng đẹp nhất ở trường chúng tôi. Nhưng thật tiếc, giờ đang là mùa đông, các cành cây đều khô cằn, héo úa, cả hồ sen trông thật tiêu điều, vắng lặng.


Lão chẳng thèm quay lại, hất cằm về phía hồ sen đối diện: “Trước đây ở trước cửa thư viện của trường tại cơ sở chính cũng có một cái hồ, giống y hệt thế, đều là hình bán nguyệt, nhưng khi tu sửa lại thư viện, mọi người đã lấp nó rồi.”


“Tu sửa lại thư viện ở cơ sở chính của trường ư? Hình như là lâu lắm rồi mà?” Tôi nhớ hình như đó là việc đã diễn ra từ rất lâu rồi.


“Ừm.” Lão đáp.


Lát sau lão lại nói: “Tôi không thường xuyên đến khu Tây, nhưng nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến cái hồ ở trụ sở chính. Cũng có lúc tôi thường đến đó bắt cá.” Gương mặt lão chan hòa ánh trăng, thoảng một nụ cười nhẹ. “Tôi cầm một cái giỏ xách, bỏ vào đó vài mẩu bánh bao, rồi thả xuống nước. Đầu còn lại tôi buộc bằng một sợi dây, sau khi ngồi yên chờ khoảng mười phút, thoắt một cái tôi giật nó lên, làm như vậy bắt được rất nhiều cá. Có lần tôi đã ngã xuống hồ, suýt chút đã không thể bò được lên bờ.”


Tôi kinh ngạc: “Lúc thầy còn nhỏ á?”


“Bố tôi là giảng viên của Đại học A, tôi sống cùng với bố trong ký túc xá, em không biết điều này đúng không?”


Thì ra bố của lão cũng là giáo viên, có lẽ nào lão đến đây dạy thay cũng là nhờ mối quan hệ của bố mình?


“Bố thầy dạy môn gì?” Tôi hỏi.


“Toán học.” Lão đáp.


“Toán học?” Nhắc đến toán học, tôi có một câu hỏi. “Thầy thật thần kỳ, bài toán lần trước, thầy tính bằng cách nào vậy?”


Lão cười vui: “Có bí quyết đấy.”


“Bí quyết gì?”


“Thật ra, hai con số em hỏi rất đặc biệt, có thể thêm bớt cho nhau, nên tôi mới trả lời nhanh như vậy. Tôi từng học châu tâm toán.”


“Trư[18]... tâm toán?” Heo mà cũng biết tính nhẩm?


[18] “Trư” và “châu” trong tiếng Trung phát âm giống nhau.


“...”


Chân mày của lão hơi giật giật.


“Chẳng lẽ không phải?” Tôi nghi hoặc.


“Đó là một phương pháp tính nhẩm, dùng nguyên lý bàn tính hạt châu, do đó gọi là châu tâm toán.”


“Tính bằng bàn tính ấy ạ? Khi học tiểu học, em cũng có học qua, sau đó còn cầm bàn tính, theo dì em tính sổ sách nữa. Em vẫn còn nhớ khẩu quyết đấy: một lên một, một xuống năm trừ bốn, một trừ chín tăng một; hai lên hai, hai xuống năm trừ ba, hai trừ tám tăng một.”


“Người sử dụng thuần thục bàn tính, hay những người chuyên nghiệp từng được huấn luyện thì tính toán nhanh hơn máy là chuyện thường thấy.”


“Đúng, đúng, đúng, dì em làm kế toán đó, thật sự là tính còn nhanh hơn máy.”


“Châu tâm toán có thể nói là giống y như thế, có điều khi tính nhẩm, phải tưởng tượng bàn tính thật sự ở trong đầu mình.”


“Nhưng chắc khó lắm.”


“Khi mới học thì rất khó, vì vừa phải nhanh chóng ghi nhớ số, vừa phải tưởng tượng bàn tính, đồng thời phải hình dung quá trình đẩy bàn tính trong đầu, cuối cùng số học hóa những hạt châu đó.”


“Chỉ nghĩ thôi cũng thấy nhức đầu.”


Lão cười: “Đây là kết quả vận dụng tổng hợp tư duy logic, tư duy hình tượng và tư duy linh cảm, do đó sau này nó đã được xem là một phương pháp kích thích trí tuệ của trẻ em. Khi đã thuần thục rồi, tốc độ tính hoàn toàn có thể nhanh hơn máy tính thông thường, đề vừa được đọc, đáp án lập tức xuất hiện ngay.” Lão ngừng một lúc. “Cho nên mới nói, không có bất kỳ máy móc nào có thể chiến thắng trí tuệ của nhân loại.”


Tính nhanh hơn cả máy tính? Nghe khá hấp dẫn đấy.


Tôi có chút hứng khởi: “Bây giờ em học có được không?” Nếu học thành thạo rồi, sau này còn có thể mang ra khoe nữa.


“E là muộn rồi, thường thì trẻ em bốn, năm tuổi sẽ thích hợp hơn.”


Lão nở nụ cười tươi rói như mặt trời, trong tích tắc, thiêu rụi niềm hy vọng duy nhất muốn trở thành thiên tài trong đời tôi.


Một lúc sau, lão chợt hỏi tôi: “Em dạy thêm cho bao nhiêu học sinh?”


“Chỉ một nhóc con đó thôi.”


“Một tuần mấy buổi?”


“Nghỉ hè sẽ dạy nhiều hơn, còn bây giờ thì một tuần một buổi.”


“Có vất vả không?”


“Đâu vất vả gì, em còn có cảm giác là có chút thành tích nữa.”


“Em...” Lão nhìn tôi.


“Sao ạ?” Tôi nghi hoặc.


“Không có gì. Cố gắng học tập là được, có khó khăn gì em có thể nói với tôi.” Lão nói.


Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, có một nam sinh lạ mặt đi tới cửa phòng học, ló đầu vào trong nhìn nhìn gì đó. Cũng không có gì kỳ lạ, vốn dĩ nam sinh đến Học viện Ngoại ngữ thăm bạn gái rất nhiều, mọi người vừa nhìn đã biết ngay.


Nhưng lạ ở chỗ người đó kéo tay một người hỏi: “Xin hỏi, đây có phải khoa Anh năm ba không?”


“Phải, sao?”


“Lớp bạn có ai tên Bạch Lâm không?”


Nghe thấy hai tiếng “Bạch Lâm”, tôi lập tức đề cao cảnh giác, dỏng tai nghe.


“Bạch Lâm!” Người được hỏi ngóng cao cổ lớn tiếng gọi: “Có bạn nam nào tìm kìa.”


Tôi thấy Bạch Lâm đi tới trước mặt người đó, hỏi: “Tìm tôi có chuyện gì?”


Người đó nhìn nhìn Bạch Lâm, rồi lại nhìn nhìn thêm lần nữa: “Cậu tên Bạch Lâm?”


“Đúng thế.”


“Không phải cậu.” Nam sinh lắc đầu.


“Sao lại không phải tôi?” Bạch Lâm bực mình hỏi lại.


“Lớp cậu còn ai tên Bạch Lâm không?” Cậu ta hỏi.


“Tên đẹp lại hiếm có như vậy, còn có thể trùng với ai chứ? Cả Học viện Ngoại ngữ này chỉ có một mình tôi có tên này thôi, không còn ai khác!” Bạch Lâm dùng khí thế mạnh mẽ quen thuộc của cô ấy để áp đảo đối phương.


Thấy cô ấy như thế, cậu ta ngượng ngùng, lẩm bẩm: “Bạch Lâm mà tôi tìm là một cô gái không cao lắm, mắt to tròn, buộc tóc đuôi gà, lúc cười hai bên trái phải đều có răng khểnh...”


Mộ Thừa Hòa đột nhiên nhìn tôi.


“Gì vậy?” Tôi xoa xoa mặt mình, bất giác hỏi.


“Răng khểnh.” Lão nói.


“Thầy có răng khểnh sao? Em cũng có.” Tôi nói.


Lão mỉm cười: “Tôi không có, nhưng tôi biết em có.”


Cùng lúc đó, Bạch Lâm ở cách chỗ tôi không xa cũng chỉ về phía tôi, nói với nam sinh đó: “Bạn à, người bạn muốn tìm là bạn kia kìa!”


3


Hóa ra, nam sinh đó tên Lưu Khải, khoa Công nghệ thông tin.


Cậu ta chính là người đứng xếp hàng mua cơm phía sau tôi lúc sáng, còn cùng chú đầu bếp cười nhạo tôi, bị tôi giận dữ lườm cho một cái sắc lẹm.


Sau đó, tôi cố chen ra khỏi dòng người, vì thế mà làm rơi mất thẻ ăn cơm, vừa khéo cậu ta lại nhặt được, muốn gọi tôi nhưng không ngờ tôi lại chạy nhanh như gió, thoắt cái đã biến mất khỏi nhà ăn.


Cậu ta không còn cách nào khác, đành cầm thẻ đến phòng Hậu cần hỏi thông tin chủ thẻ, sau đó đã tìm đến đây, trả lại cho tôi. Thẻ đó là của Bạch Lâm nên cậu ta tưởng tôi tên Bạch Lâm.


Sau giờ học, trên đường về phòng, tôi và Bạch Lâm đều hạ quyết tâm phải trả ơn Lưu Khải, có cơ hội nhất định mời cậu ta ăn một bữa.


Thứ Bảy tuần này, tôi không phải đến nhà Bành Vũ để dạy học, ngày nghỉ của mẹ và tôi cuối cùng cũng trùng nhau. Mẹ đi làm ở một trại giam nữ cách thành phố A ba mươi kilômét, trường tôi và nhà giam đó nằm ở hai đầu đông - tây của thành phố A, cách nhau những tám chín mươi cây số, đi đi lại lại không thuận tiện. Do đó, tuy sống trong cùng một thành phố nhưng mẹ con tôi ít có cơ hội gặp nhau.


Rất nhiều người nghĩ rằng cảnh sát chính là công an, công an chính là cảnh sát. Thật ra, công an chỉ là một bộ phận trong ngành Cảnh sát. Cảnh sát còn có quản ngục và cảnh sát tư pháp... Mẹ tôi chính là một quản ngục, khi đi làm phải mặc cảnh phục, trên vai đeo huy chương thêu đậm hai chữ “Tư Pháp”.


Bạch Lâm thường ngưỡng mộ nói với tôi: “Tiểu Đồng à, mẹ cậu mặc cảnh phục trông phong độ oai hùng thật đó.”


Nhưng rõ ràng mẹ tôi mang thân hình trái lê, bụng có tận ba ngấn, hình dung kiểu gì tôi cũng không thể tìm ra được điểm tương đồng giữa mẹ với bốn chữ “phong độ oai hùng” đó. Cũng chính vì thế mà tôi luôn ngẫm nghĩ và tự kiểm điểm, không biết trình độ thưởng thức của tôi có vấn đề hay là họ có vấn đề.


Ngày thường mẹ vốn đã bận, công việc quản ngục này lại hơi đặc thù, chỉ có thể thay ca nhau chứ không được nghỉ, ngoài ra, còn phải thường xuyên trực đêm, kể cả lễ tết, do đó mẹ thường xuyên không về nhà. Tôi cũng ở luôn trong ký túc xá của trường, thỉnh thoảng đi thăm ông bà nội.


Trên đường về, tôi ghé qua chợ mua rau và cá, chuẩn bị làm một bữa trưa thịnh soạn chờ mẹ. Thông thường, nếu hôm trước trực ca đêm thì chín giờ sáng hôm sau mẹ sẽ được về, thu xếp xong, về đến nhà cũng mười một giờ.


Lúc mẹ về đến nhà thì tôi đang làm cá. Thấy mẹ không thay đồng phục, tôi hỏi: “Mẹ phải đi ngay à?” Bởi vì thông thường mẹ tôi sẽ không được mặc cảnh phục ra về.


“Ừ.” Mẹ rửa mặt rồi nói: “Cô Vương vừa đưa một nữ phạm nhân vào thành phố khám bệnh, có vẻ sẽ phải nhập viện mấy hôm. Mẹ ăn xong, phải qua bệnh viện trông coi thay họ.”


“Dạ...” Tôi đáp lại một tiếng ỉu xìu.


Lúc ăn cơm, mẹ con chúng tôi ngồi đối diện nhau, chỉ nghe thấy tiếng nhai nuốt thức ăn.


Mẹ nói: “Lát nữa, mẹ tiện thể rẽ qua gửi tiền cho bà nội, còn thừa bốn trăm mẹ đã để trên bàn, tiền sinh hoạt của con tháng sau.”


“Không cần đâu, mẹ cứ giữ đi, tiền con làm thêm vẫn đủ dùng.”


“Cứ cầm lấy đi, con không dùng thì để dành cũng được. Không thì lát nữa mua ít hoa quả đến thăm ông nội.”


Tôi cúi đầu ăn cơm, không nói gì.


Mẹ lại hỏi: “Gần đây trong trường có chuyện gì không?”


“Dạ không, cũng khá ổn.”


Sau đó, cả hai chẳng nói với nhau lời nào nữa.


Ăn cơm xong, mẹ vội vội vàng vàng ra khỏi nhà.


Tôi nhìn bốn tờ nhân dân tệ trên bàn rất lâu, cuối cùng cầm nó lên, đi gửi ngân hàng, sau đó mua ít hoa quả đến bệnh viện.


Lúc tôi vào phòng bệnh thì bà nội không có ở đấy, ông nội vẫn nằm đó, mười năm vẫn vậy, chưa hề có dấu hiệu tỉnh lại. Tôi đặt túi hoa quả xuống, đến ngồi bên cạnh giường bệnh, khẽ vuốt nhẹ những sợi tóc mai bạc phơ của ông.


Có lúc đến cả lần trò chuyện gần nhất giữa ông nội và tôi diễn ra như thế nào, tôi cũng không còn nhớ rõ nữa.


Máy thở đặt ở bên cạnh nhưng không sử dụng.


Hai năm trước, do bị thiếu oxy lên não trong khoảng mười phút nên từ đó ông trở thành người sống thực vật. Giờ đây tình trạng của ông đã tốt hơn nhiều, máy hỗ trợ hô hấp phần lớn đều không dùng đến, bác sĩ bảo làm như vậy để tập cho ông khả năng tự thở. Mỗi ngày vẫn phải dùng ống để đưa các loại thức ăn lỏng và sữa vào trong thực quản cho ông.


Cho dù là bà nội hay y tá thì mọi người đều chăm sóc ông tôi rất chu đáo, ông chưa từng bị lở loét, hoại tử. Bác sĩ nói ngoại trừ không thể tỉnh lại, còn sức khỏe của ông tôi về cơ bản là bình thường.


Nhưng mức viện phí khổng lồ này hoàn toàn do gia đình tôi và nhà bác cả gánh vác.


“Cạch” một tiếng, cửa phòng mở ra. Bà nội cầm phích nước đi vào.


“Bà nội!” Tôi đứng dậy chào bà.


“Cháu đến rồi à?” Bà liếc nhanh tôi một cái.


“Để cháu xách giúp bà.” Tôi chạy tới, cầm phích nước.


“Lúc nãy mẹ cháu mới đến. Hai mẹ con cháu cũng thật là, lúc thì chẳng thấy người nào, lúc thì hẹn nhau mà tới.” Bà nói.


Bà nội và mẹ tôi không hợp nhau, vì tôi là con gái của mẹ nên từ nhỏ bà cũng đã không mấy thích tôi, giờ thì mỗi lần gặp tôi là mỗi lần bà thấy phiền phức.


Tôi nói: “Có một phạm nhân nhập viện, mẹ cháu qua xem thế nào.”


Bà nội lạnh lùng “hứ” một tiếng: “Tôi biết, ở ngay trên tầng ba này, tay vẫn phải đeo còng. Lúc nãy người ta vây quanh nhìn ngó như thấy thứ gì kỳ quái vậy. Nghe nói chồng của phạm nhân đó bỏ đi theo người đàn bà khác, còn đem đứa con cho người khác, nữ phạm nhân đó hay tin nhất thời nghĩ quẩn nên đã lấy tấm chăn trong nhà giam treo cổ.”


“Ồ!” Thì ra...


“Người này cũng thật là, sớm biết như thế thì lúc trước hà tất...”


Tôi thật sự không thích nghe bà huyên thuyên kể chuyện của người khác nên đứng dậy nói: “Cháu lên tầng ba một chút ạ.”


Trước cửa căn phòng ở cuối hành lang tầng ba, tôi nhìn thấy hai cảnh sát đang ngồi đó, tôi biết một trong hai người, đó là cô Vương.


“Là Đồng Đồng sao?” Cô Vương tinh mắt nhìn thấy tôi.


Tôi bước tới chào cô rồi hiếu kỳ ngó vào trong phòng, qua khe cửa rất hẹp, tôi chỉ có thể nhìn thấy chân của người phụ nữ đó, cô ta mặc quần màu xanh nhạt, tôi đã từng thấy quần áo phạm nhân của họ trên ti vi, cả bộ đều là màu xanh nhạt, lưng áo và vai áo có sọc màu trắng, chân phải của cô ta bị còng vào thanh sắt của giường bệnh, người đứng bên cạnh chính là mẹ tôi.


“Sao con tới đây?” Mẹ nhìn thấy tôi.


“Bà nội nói mẹ ở đây nên con lên xem một chút.” Mẹ đi ra, cô Vương vào trong thay.


“Không phải khoa của con bảy giờ tối sẽ điểm danh sao? Còn không về trường sớm đi?” Mẹ vừa hỏi tôi vừa quay qua cảnh giác đóng cửa phòng lại để tôi không thể nhìn thấy bên trong.


Mẹ lúc nào cũng vậy, luôn có ý giữ khoảng cách giữa tôi và công việc của mẹ, không cho tôi tiếp xúc với những người đang trong thời kỳ chịu án phạt.


Tôi nói: “Khoa của con không còn điểm danh nửa năm nay rồi.”


Nhưng câu nói này e là mẹ không nghe thấy, bởi vì ngay lúc đó, một y tá gọi lớn: “Cảnh sát Đồng! Bác sĩ Chu mời bà qua gặp một lúc.”


Tôi nhìn mẹ một cái, quay lưng đi xuống tầng dưới.


4


Gia đình rất khó khăn, tôi biết.


Ông nội phải nằm điều trị trong phòng đặc biệt, viện phí mỗi tháng không phải là con số nhỏ. Công việc của mẹ nói ra thì rất hay, nhưng thu nhập cũng chỉ có vậy.


Trước đây, mẹ cho tôi ba trăm một tháng, mỗi ngày mười đồng. Sau này, vật giá leo thang, mẹ cho tôi thêm một trăm. Thật ra, số tiền đó phần lớn tôi đều gửi tiết kiệm, rất ít dùng đến, trừ phi tháng đó tôi không đi dạy thêm nên không có thu nhập gì, tôi mới lấy một ít ra xoay xở.


Tôi về trường, ăn tối xong thì cùng Bạch Lâm đến phòng tự học, chín giờ ra khỏi phòng học, thấy hơi đói nên đến căng tin nhỏ trong nhà ăn xem còn có gì lót bụng.


Trong sảnh nhà ăn có lắp mấy chiếc ti vi.


Sau bảy giờ rưỡi, tín hiệu ti vi trong phòng bị ngắt, do đó, một số người sẽ đến nhà ăn để xem ti vi.


Thật ra ti vi ở đây chỉ có thể xem đài truyền hình của tỉnh, nhưng mọi người vẫn ngẩng đầu xem rất hứng thú. Vào lúc này, đài truyền hình tỉnh đang phát chương trình quy chế pháp luật hằng tuần.


Tôi nhìn lướt qua.


Trong đó đang chiếu cảnh bức tường cao, các phạm nhân nữ xếp hàng trên bãi đất trống thực hiện những động tác thể dục dưỡng sinh kiểu “Lòng biết ơn”[19], sau đó ống kính chuyển qua bên cạnh, một nữ cảnh sát đang được phỏng vấn.


[19] Bài tập dưỡng sinh “Lòng biết ơn” là một trong những bài tập thể dục buổi sáng của ngành Cảnh sát Trung Quốc.


Nữ cảnh sát ấy đội mũ cảnh sát, mặc cảnh phục màu xanh đậm chỉnh tề, trông rất chuyên nghiệp và nhanh nhẹn.


Phóng viên hỏi: “Trưởng khu trại giam Đồng, năm ngoái bà được Bộ Tư pháp bình chọn là “Cảnh sát nhân dân trại giam mười tốt toàn quốc”, sau khi được nhận giải thưởng hạng nhì, bà có cảm thấy bị áp lực không?”


Nữ cảnh sát giám ngục mỉm cười: “Áp lực chắc chắn là có, nhưng áp lực và động lực luôn tồn tại. Huống chi những vinh dự này không phải chỉ thuộc về một mình tôi, mà là thành quả nỗ lực của tất cả các đồng nghiệp trong trại giam.”


Bạch Lâm kinh ngạc há to miệng, nhìn vào màn hình, dừng lại, rồi mới nói: “Tiểu Đồng, kia có phải là mẹ cậu không? Lại lên ti vi nữa rồi.”


Giọng cô ấy không lớn lắm nhưng trong cái căng tin đã qua giờ ăn cao điểm này lại trở nên thánh thót vô cùng.


Lời vừa dứt, những người đang xem ti vi đều quay sang nhìn tôi.


Tôi lập tức kéo Bạch Lâm đi ra.


Đúng vậy, nữ cảnh sát đó là mẹ tôi.


Lúc mẹ lên ti vi lần đầu tiên, tôi và bố ngồi trước màn hình từ sớm để canh chừng, lúc ấy trên thị trường vẫn chưa phổ biến thiết bị thu hình, chỉ có thể dùng máy thu âm thu tiếng lại, cứ đến dịp lễ tết lại lấy ra nghe.


Sau đó, chương trình như thế càng ngày càng nhiều, nhiều đến mức tôi cũng lười hỏi mẹ.


Mẹ là một cảnh sát xuất sắc, đó là sự thật.


Mẹ dùng tấm lòng chân thành và tinh thần trách nhiệm rất cao của mình để cảm hóa nhiều phạm nhân. Mẹ xem trọng họ và công việc của mình, duy chỉ không đặt tôi vào trong trái tim mẹ.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom