• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Hot Truyện ngôn tình thầy trò (1 Viewer)

  • Ký ức độc quyền - Chương 03 - Phần 1

Chương 3


Trăng sáng với cống rãnh


1


Tôi đắn đo rất lâu vẫn không đưa ra được quyết định, quay sang nhìn Bạch Lâm lần nữa, rồi lại nhìn những chú công an nghiêm nghị trước mặt. Cuối cùng, tôi nhìn chằm chằm vào số điện thoại trên màn hình, ngón tay cái đã đặt vào nút gọi, nhưng mãi vẫn không hạ được quyết tâm.


Lúc trước học Lý luận quân sự, thầy giáo nói trên trái đất này có rất nhiều quốc gia và chính quyền quái lạ, trong quá trình phát triển của mình, họ thích lấy những nước mạnh lân cận làm kẻ địch giả tưởng. Cho nên, bắt đầu từ cuối học kỳ trước, tôi đã xem Mộ Thừa Hòa là kẻ địch của mình, có điều kẻ địch này không chỉ đơn thuần là do tôi tự tưởng tượng ra, mà tất cả hành vi của lão ta cũng đều cố gắng tiếp cận đến nhận định này.


Nhưng ngoài lão ta ra, tôi còn có thể tìm ai đây?


Các anh chị họ của tôi, bảo họ giả làm giảng viên đại học là không thể, lỡ như mẹ tôi biết được, nói không chừng tôi còn bị lột da. Nhóm bạn bè trên mạng của Triệu Hiểu Đường thì càng khỏi trông mong, người sau quái lạ hơn người trước, dung tục không thể nào chịu nổi, lôi họ đến đóng thế, không nói đến việc đóng không đạt, mà quan trọng hơn là làm hoen ố hình tượng của giảng viên trường chúng tôi.


Tôi bóp bóp trán.


Ngộ nhỡ Mộ Thừa Hòa dứt khoát không thèm đoái hoài đến tôi thì phải làm sao? Lão báo cáo lên trường thì biết làm thế nào?


Chú công an lại hỏi: “Tìm được số chưa?”


Tôi cười ngây ngô: “Cháu đang cố nhớ ạ!”


Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi cắn răng, nhắm mắt, đánh liều gọi cho Mộ Thừa Hòa. Sau khi chuông reo mười mấy tiếng, trong lúc tôi tuyệt vọng nhất thì lão đã bắt máy: “A lô...”


Giọng nói thường ngày trên lớp vốn làm cho người khác giận sôi gan, tức lộn ruột là thế, vậy mà giờ đây, cũng giọng điệu ấy nhưng pha chút ngái ngủ, mơ mơ màng màng khiến tôi nghe lại đột nhiên thấy uyển chuyển, mềm mại.


“Thầy Mộ.” Tôi run rẩy vì lo sợ. “Em là Tiết Đồng.”


Tôi không dám chắc là lão có nhớ cái tên này không, bởi vì lão thường gọi tôi bằng cái tên “học trò”, hoặc “học trò lớp trưởng” đáng chịu ngàn dao ấy, liền giải thích thêm: “Em là sinh viên năm ba, khoa tiếng Anh, học môn Ngoại ngữ 2 của thầy, tiếng Nga, lớp trưởng Tiết Đồng.” Tôi thêm đến năm cái định ngữ ở trước tên mình, chỉ hy vọng gợi lại thần trí đang nửa tỉnh nửa mê của lão.


Mộ Thừa Hòa hỏi: “Có chuyện gì thế?” Giọng lão ở đầu máy bên kia nhỏ dần rồi lại to, hình như là từ trên giường ngồi dậy, và đang chuyển máy từ tai này sang tai kia.


Chỉ mấy chữ đơn giản ấy cũng đủ khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp giống như người thân trong đêm khuya giá rét này.


“Thầy ơi...” Tôi nói vào điện thoại, suýt khóc vì quá vui mừng.


“Sao vậy?” Lão lại hỏi.


Thầy ơi, thầy là người tốt, hơn nữa còn là người tốt nhất trên thế gian này!


Tôi cảm động nói: “Thầy ơi, chúng em phạm lỗi rồi, thầy đến đón chúng em nhé!”


Chỉ nửa tiếng sau, Mộ Thừa Hòa không quản đường xa, gió rét lái xe xuất hiện trước mặt tôi, còn mang theo giấy tờ tùy thân: chứng minh thư nhân dân, thẻ công tác, thậm chí mang cả giấy chứng nhận giảng viên.


Một trong hai vị công an kia xem các giấy tờ của lão xong thì lập tức thay đổi sắc mặt, nói: “Ồ, thầy chính là Mộ Thừa Hòa ư? Tôi từng trông thấy thầy trên báo.” Mặt người đó lộ rõ vẻ vinh hạnh vì gặp được Mộ Thừa Hòa.


Thế là thầy đã giải quyết mọi việc thuận lợi, bế Bạch Lâm, dẫn chúng tôi ra ngoài như dẫn hai chú cún sống lang thang lưu lạc ngoài đường, đặt Bạch Lâm nằm ở ghế sau.


Tôi tự giác ngồi vào ghế lái phụ, thắt dây an toàn, không đợi lão mở lời trước, tôi đã chủ động nhận tội: “Thưa thầy, chúng em sai rồi, sau này sẽ không dám nữa. Qua lần này, em nhất định sẽ hối cải, tuân thủ kỷ luật của nhà trường. Em xin thề, thật đấy!” Tôi giành cơ hội hối lỗi trước khi lão kịp giáo huấn, hy vọng khơi dậy lòng nhân từ của lão, đừng tố cáo tôi và Bạch Lâm với khoa.


Mộ Thừa Hòa quay sang nhìn tôi nói chuyện một mình với vẻ mặt đầy hứng thú, rất lâu mà chẳng nói lời nào.


Tôi không dám nhìn vào mắt lão ta, cảm thấy thiếu tự tin nên cứ vặn vặn mấy ngón tay mình: “Thưa thầy, chúng em sai thật rồi, thầy mắng em đi!” Chỉ cần thầy đừng giao em cho nhà trường, thầy mắng em thế nào cũng được.


Lão ta bật cười: “Trước đây tôi từng nói, tôi chưa bao giờ nổi nóng với bất kỳ sinh viên nào.”


Tôi ngẩng lên nhìn lão, đột nhiên cảm thấy nụ cười của người này có chút gian gian, giả tạo vô cùng. Dù những từ ngữ này dùng cho Mộ Thừa Hòa - ân nhân cứu mạng của chúng tôi - thì thực là không có chút đạo nghĩa.


“Trốn ra ngoài bằng cách nào vậy?”


“Trèo tường.” Tôi thành thật báo cáo.


“Uống bao nhiêu rồi?”


“Bạn ấy ba, bốn chai, em sáu, bảy chai.”


“Hả...? Tửu lượng của em khá nhỉ?” Lão nhướn mày.


Tôi tự hào: “Đương nhiên rồi, từ nhỏ mẹ đã chú trọng huấn luyện em, mẹ nói con gái phải ngàn ly không say thì khi ra ngoài mới không sợ bị người khác bắt nạt.”


“Vậy sao?” Lão hỏi lại.


Thấy ánh mắt như cười như không của lão, nét mặt đắc ý đến quên mình của tôi thoáng chốc âm u. Tôi đang là tội nhân, không thể tự kiêu được.


Thế là, đề tài này đến đây kết thúc.


“Bây giờ hai em định thế nào? Tôi đưa hai em về ký túc xá nhé?” Lão vừa khởi động xe, vừa hỏi.


“Không được! Như vậy sẽ bị nhà trường phát hiện ạ!” Lão mà đưa chúng tôi về, chắc chắn sẽ không cho chúng tôi vượt tường vào trong nữa, mà sẽ gõ cửa ký túc xá, rồi để chúng tôi đi vào dưới ánh mắt dò xét nóng bỏng của người quản lý.


“Vậy thì sao?”


“Ừm...” Lần này thì khó thật rồi, đúng lúc này xe đi ngang qua cửa Nam của Đại học A, tôi vội nói: “Thầy thả bọn em ở đây được rồi ạ, bọn em chờ trời sáng.”


“Em định để người bạn này của em ở đâu?” Mộ Thừa Hòa nhìn vào gương chiếu hậu ra dấu cho tôi nhìn Bạch Lâm say khướt đang nằm phía sau.


Tôi cắn môi ngẫm nghĩ một lúc: “Ở cửa bên này có quán net, bọn em vào đó ngồi được rồi.”


Mộ Thừa Hòa lắc đầu, hiển nhiên là lão không đồng ý với ý kiến chẳng hay ho gì của tôi.


Lát sau, lão ta nói: “Đêm hôm khuya khoắt thế này thả hai em xuống đây, tôi cũng không yên tâm. Thôi đến nhà tôi vậy.”


2


“Nhà thầy ở đâu?”


“Đông Nhị Hoàn.”


“Ôi xa quá!” Tôi thực không muốn đi.


“Sao lúc nãy khi gọi tôi đến bảo lãnh, em không nghĩ là tôi ở xa?” Lão đành chịu.


“Nhưng mà, sáng mai chúng em còn có tiết đọc hiểu.” Tôi chần chừ.


“Sáng mai tôi đưa hai em về trường, được chưa?” Lão nhẫn nhịn hỏi lại.


“Vậy thì được ạ!”


Lần này thì tôi không còn gì phải lo rồi.


Tiết trời đầu đông, gió đêm thổi lạnh đến thấu xương. Trong xe bật điều hòa nên không khí nóng hừng hực, lão hạ kính cửa sổ xe xuống một chút, đủ để cảm nhận làn không khí trong lành từ bên ngoài tràn vào, khiến người trong xe có cảm giác thật khoan khoái.


Suốt chặng đường, lão chỉ chăm chú lái xe. Không biết lão có đang thầm hối hận vì mình đã xui xẻo gặp phải đứa sinh viên như chúng tôi hay không?


Vào giờ này, một số cụm đèn giao thông đã ngừng hoạt động, chuyển thành màu vàng nhấp nháy.


Khi đến ngã tư chuẩn bị tiến vào khu Tam Hoàn, đèn đỏ lại bật lên, Mộ Thừa Hòa kiên nhẫn dừng xe. Tay phải đặt trên vô lăng, khuỷu tay trái đặt bên cạnh cửa sổ xe, chống cằm, mắt hướng ra ngoài nhìn những chiếc xe chạy qua trước mặt.


Nhân lúc lão đang nhìn đi nơi khác, tôi lén lút liếc sang quan sát gương mặt lão.


Lúc nãy không để ý, bây giờ tôi mới phát hiện lão đeo cặp kính gọng đen. Không ngờ lão lại bị cận, chắc là nhận được điện thoại của tôi, đi vội quá nên đã không kịp đeo kính sát tròng. Hai mắt của lão đều là mí lót[10], nên nhìn không to lắm, nhưng lại rất sâu. Mẹ tôi thường nói mắt to thu hút, mắt nhỏ hớp hồn, chẳng biết lão này sinh ra là muốn hớp hồn ai. Đồng tử màu nâu nhạt. Sống mũi rất cao.


[10] Mắt mí lót: đôi mắt dài, nhỏ, đuôi mắt hơi xếch, đặc trưng của người Á Đông.


Nếu buộc phải tìm một điểm đặc biệt thú vị trong năm ngũ quan trên gương mặt lão thì chắc chắn là đôi môi rồi. Môi của lão dường như sinh ra đã hơi cong lên như thế, nếu khẽ mím môi thì cho dù nét mặt đang không có cảm xúc gì cũng sẽ khiến người ta cảm thấy lão như đang cười.


Nếu nói theo con mắt thẩm mỹ của đồng hương Tiểu Bạch thì Mộ Thừa Hòa có thể được xem là một gã trai đẹp rồi chăng? Nhưng tận đáy lòng mình, tôi vẫn cảm thấy bố tôi đẹp hơn lão.


Đèn xanh bật sáng.


Xe lại lăn bánh, lão không chú ý đến bên ngoài nữa mà đưa mắt đảo một vòng.


Ánh mắt của tôi và lão trong giây phút ngắn ngủi đã gặp nhau qua gương chiếu hậu. Trong khoảnh khắc ấy, lão thì quang minh chính đại, còn tôi - một đứa lén lút quan sát tướng mạo của người ta nãy giờ - bỗng cảm thấy ngượng nghịu nên lúng túng nhìn ra ngoài.


“Đang nghĩ gì vậy?” Lão hỏi.


“Thì ra lúc đêm khuya, một vài cụm đèn giao thông sẽ biến thành đèn vàng nhấp nháy, thật là thú vị.” Tôi nói đại. “Em sống ở thành phố A lâu rồi, vậy mà trước đây không hề nhận ra điều này.”


Lão cười cười, không tiếp lời.


Tôi lại nói: “Nhưng tại sao lúc nãy lại có đèn đỏ nhỉ?”


“Em không cảm thấy những ngã tư có đèn đỏ đông hơn những chỗ đèn vàng sao?”


Lão nói thế, tôi mới ngẫm lại kỹ càng, hình như đúng là vậy: “Thì ra là thế ạ!”


“Xem ra khả năng quan sát của em kém thật đấy.” Lão nói đùa. “Rodin[11] nói: vẻ đẹp đâu đâu cũng có, đối với đôi mắt của chúng ta, cái đẹp không hề thiếu, mà chỉ thiếu sự phát hiện.”


[11] Auguste Rodin: tên đầy đủ là François-Auguste-René Rodin (1840 – 1917) họa sĩ người Pháp, thường được biết đến là một nhà điêu khắc. Ông là điêu khắc gia hàng đầu của Pháp thời bấy giờ và đến nay, tên tuổi của ông được nhắc đến khắp trong và ngoài giới nghệ thuật.


Mẹ tôi có những phép tắc rất nghiêm, tuyệt đối không cho tôi lang thang ngoài đường muộn hơn giờ xe buýt ngừng hoạt động. Do đó, mặc dù đã sống ở đây rất nhiều năm nhưng tôi rất ít khi có mặt ở ngoài đường vào lúc hai, ba giờ khuya.


Bây giờ nghe lão nói vậy, tôi liền chăm chú quan sát cảnh đêm trên phố.


Những đoạn đường tấp nập người qua lại vào buổi sáng giờ đây lại yên tĩnh đến lạ kỳ. Ngoài một vài người bảo vệ trực đêm đang đi đi lại lại, dường như không còn ai khác. Trên vỉa hè lác đác vài người sống lang thang đang nằm ngủ.


Giờ này, xe cộ lưu thông trên đường rất ít, chỉ có mấy chiếc xe tải ban ngày không được lưu thông trong đường nội thị nên giờ chẳng chút e dè mà phóng như bay, chớp mắt đã lướt qua. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng động cơ ầm ầm như chọc thủng cả màng nhĩ.


Trên một vài con phố, những người lao công đã bắt đầu công việc quét đường. Dưới ánh sáng màu vàng cam của những ngọn đèn đường chiếu rọi, bóng họ như bị kéo dài ra, thấp thoáng một hình ảnh lam lũ, cực nhọc.


Ở quảng trường trước mặt, một vài người công nhân đang thay những chậu hoa màu xanh.


Khi xe chạy ngang qua ngã tư Đại học Bắc Kinh, nhìn thấy bảng hiệu “Quán nướng Lôi Thị” to đùng, tôi bất giác bật cười, chỉ về phía ấy, nói với Mộ Thừa Hòa: “Khi em học tiểu học, quán thịt nướng đó chỉ là một quán nhỏ bên đường thôi, cánh gà nướng mà bà lão trong đó làm ngon lắm. Khi ấy, mỗi ngày đi học về em đều ghé vào mua, nhưng nếu em chậm quá sẽ bị mẹ mắng, cho nên lần nào em cũng giục bà ấy làm nhanh. Kết quả là, lần nào bà lão cũng giận dỗi quát em: “Con nít mà vội vàng gì chứ, cái này phải nướng từ từ mới ngon!”.”


Lão tủm tỉm cười: “Hình như em là người gốc ở đây?”


Tôi gật đầu: “Phải ạ!” Nói xong, tôi thấy có chút do dự, lại chỉnh sửa: “Nhưng cũng không phải.”


“Sao phải rồi lại không phải?”


“Năm mười một tuổi gia đình em mới chuyển đến thành phố A, lúc ấy em nói tiếng địa phương nhưng giọng không giống lắm. Người vùng khác tưởng em là người gốc ở đây, còn người gốc ở đây thì lại tưởng em là người vùng khác.” Tôi nói, đột nhiên trong lòng có chút thương cảm.


Nhưng lão lại cười: “Em còn trẻ như vậy mà đã không có cảm giác thuộc về một nơi nào đó hay sao?” Trong giọng nói của lão có chút xem thường.


Đúng là nói chuyện không hợp thì nói nửa câu cũng thấy nhiều!


Tôi chau mày, quay mặt qua hướng khác không nói chuyện với lão ta nữa.


Lát sau, lão chợt nói: “Tôi từng sống ở rất nhiều nơi. Đến bây giờ ngay cả bản thân tôi cũng không biết rõ đâu mới là quê hương mình, nhưng lại chưa từng có cảm giác như em.”


Tôi vẫn còn tức tối, nhưng không kìm được, quay qua hỏi: “Tại sao?”


“Tôi từ nhỏ đến lớn, trong mắt người khác đã luôn bị xem là khác loài nên quen rồi.”


“Khác loài? Khác loài thế nào?” Tôi bối rối vẻ khó hiểu.


Lão hơi nhướn mày, không trả lời.


Lần này thì tôi tò mò thật rồi. Tôi thận trọng quan sát lão từ đầu xuống chân rồi lại từ chân lên đầu. Tứ chi đầy đủ, ngũ quan bình thường, dung nhan không bị hủy hoại, ngũ cảm đầy đủ, hơn nữa, sự nhanh nhạy linh hoạt của lão khi quan sát đèn đường cho thấy lão cũng không phải là kẻ mù màu.


Không phát hiện có điểm nào kỳ lạ.


Tôi suy đi nghĩ lại hồi lâu, rồi hỏi lão kiểu thăm dò: “Không phải là... não bộ của thầy có vấn đề đó chứ?”


Mộ Thừa Hòa nhìn tôi một cái thật sâu, híp mắt lại, cười theo kiểu có cũng như không rồi nói: “Thật không hổ danh là lớp trưởng do tôi đào tạo.”


Trong lời nói lộ rõ ý châm chọc.


Thật ra, điều mà tôi muốn hỏi nhất không phải là chuyện đầu óc có vấn đề hay không, nhưng tôi ngại nói ra, đồng thời cũng sợ làm tổn thương lòng tự trọng của lão. Tôi nhân từ, cảm thông đến thế mà chỉ đổi lại được một câu châm chọc của lão thôi sao?


Điều này bất giác làm tôi nhớ đến một câu nói bi thương: “Tôi đem tâm tư gửi trăng sáng, nào ngờ trăng sáng soi mương máng.”


Đúng là bi kịch!


3


Khi xe chạy đến nhà Mộ Thừa Hòa thì Bạch Lâm cũng đã tỉnh lại phân nửa. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê như thế, cô ấy vẫn có thể chào Mộ Thừa Hòa, bản lĩnh xu nịnh của con bé này đúng là không tệ. Lần này, tôi không dám nhờ Mộ Thừa Hòa ra tay nữa, vội vàng dìu Bạch Lâm vào nhà lão.


Nhà của Mộ Thừa Hòa không quá rộng. Tuy không quá rộng nhưng các phòng đều đủ lớn để sử dụng, phòng khách và phòng ngủ đều nhìn ra sông, có thể nói ngôi nhà nằm ở vị trí tuyệt vời, có một không hai trong thành phố A này.


“Nhà này... đắt lắm nhỉ? Bao nhiêu tiền một mét vuông vậy thầy?” Tôi hỏi với giọng của kẻ đầu cơ.


Không ngờ lão này cũng có gia cơ hoành tráng ghê.


Lão bỏ chìa khóa xuống, vừa đi rửa tay vừa nói: “Nhà này của thầy Trần các em, thầy ấy đi vắng nên bảo tôi qua trông nhà.”


“Ồ!” Hóa ra...


Không ngờ họ là bạn thân thật, chẳng trách lại chịu dạy thay Trần Đình lâu như vậy.


Tôi và Bạch Lâm ngủ trong phòng, Mộ Thừa Hòa ôm chăn gối ra sofa.


Bạch Lâm vẫn say, vừa nằm xuống giường là ngáy khò khò. Còn tôi, trải qua trận lúc nãy, dường như đồng hồ sinh học của tôi đã quá giờ rồi, không ngủ được nữa. Một kẻ vốn quen nằm ngửa như tôi giờ đây lại trằn trọc, lật người qua một bên, nằm nghiêng, mặt áp vào vỏ gối trắng tinh.


Cái gối tôi đang nằm vừa hay là gối của Mộ Thừa Hòa.


Chắc là lão nhận được điện thoại của tôi là đi luôn nên ngay cả giường cũng không kịp thu dọn. Do đó, khi chúng tôi vào phòng, màn vẫn y như lúc mới thức dậy, một cái gối nằm ở một bên, một cái khác thì nhăn nhúm, nhìn là biết có người mới gối đầu lên đó.


Bỗng dưng, tôi ngửi được một mùi hương nhàn nhạt, thoang thoảng, là mùi hương của Mộ Thừa Hòa.


Lần đó, trong lúc lão đứng thật gần để dạy tôi cách phát âm, tôi đã ngửi được mùi này trên người lão.


Là mùi gì nhỉ?


Tôi tập trung tinh thần hít một hơi, ngẫm nghĩ.


Hình như là mùi gỗ thông hoặc mùi tùng hương.


Khi tôi còn rất nhỏ, bố tôi từng là thợ mộc, làm đồ dùng gia đình, những dụng cụ bằng gỗ chưa được sơn đều có mùi hương này. Có điều, có nhiều người không thích mùi này, nhưng tôi luôn cảm thấy nó thật thơm.


Lúc trước, khi Trần Đình đứng lớp, thầy từng nói người Nga rất thích cây bạch dương. Nhưng trong khu rừng Siberia[12] rộng lớn, loại cây thường thấy nhất và hữu dụng nhất lại là thông: thông long não, thông rủ lá, thông trắng, thông kiều, thông bạc, thông linh sam...


[12] Siberia: nằm ở phía đông nước Nga, trải dài từ dãy núi Oural tới Thái Bình Dương, có thời tiết rất khắc nghiệt và rừng thông Taiga nổi tiếng.


Nghĩ thế, tôi tự nhiên cảm thấy Mộ Thừa Hòa giống như một cây thông ở Nga.


Giảng viên lên lớp thường sẽ chống tay lên bàn, còn lão thì không. Lão thích một tay cầm sách, một tay để trong túi quần, đứng trước bảng đen, người khác nhìn vào sẽ cảm thấy như rất nhàn hạ. Nhưng sống lưng lão lại rất thẳng, trông giống như một cây thông giữa mảnh đất đầy tuyết trắng, biếc xanh mơn mởn.


Cứ nghĩ ngợi vẩn vơ như vậy, bầu bạn cùng với chiếc đồng hồ treo tường, tích tắc tích tắc, giống như đếm cừu, có tác dụng thôi miên.


Không biết đã qua bao lâu, Bạch Lâm lật người lại, đột nhiên đè cánh tay lên bụng tôi, làm tôi giật mình tỉnh giấc. Ngỡ rằng trời đã sáng, nhưng khi tôi nhìn lên tường, chỉ mới có một tiếng trôi qua.


Tôi chợt nhớ ra điện thoại của tôi và Bạch Lâm đều để trong túi áo khoác, mà áo khoác đang treo ở chỗ cửa chính. Nếu không đặt chuông báo thức, e là tôi chẳng thể nào ngủ yên giấc.


Đắn đo một lúc, tôi vẫn quyết định đi ra lấy điện thoại. Thế là tôi bò dậy, nhón chân khẽ khàng đi ra mở cửa. Những tưởng phòng khách bên ngoài sẽ tối mịt, nhưng hoàn toàn không như tôi nghĩ, Mộ Thừa Hòa chưa ngủ. Lão ngồi trên sofa, laptop đặt trên gối.


Ánh sáng màu lam nhạt phát ra từ màn hình rọi lên khuôn mặt lão, khiến các đường nét trên khuôn mặt hiện ra rất rõ ràng.


Mộ Thừa Hòa vẫn đeo cặp kính gọng đen, đang tập trung vào máy tính, ngón tay lướt nhanh trên bàn phím, phát ra những tiếng tạch tạch rất nhỏ, tiết tấu đều đặn.


Lão hơi chau mày, vẻ mặt trầm tư, đây là biểu hiện ngày thường không dễ gì nhìn thấy, Mộ Thừa Hòa của bây giờ và Mộ Thừa Hòa thần thái hưng phấn trên bục giảng hay trong phòng làm việc dường như không phải là một.


Lát sau, lão nhấc một bàn tay ra khỏi bàn phím, cầm bút viết viết lên tờ giấy bên cạnh, rồi dừng lại, bàn tay còn lại gõ gõ trên bàn phím. Lão thực hiện những động tác này rất tự nhiên, thành thạo, nhưng tôi nhìn lại cảm thấy có gì đó kỳ lạ.


Nhưng rốt cuộc kỳ lạ ở chỗ nào, tôi lại không nói rõ ra được.


Tôi định rón rén đến gần để xem lão đang làm gì, ai ngờ chỉ mới đi vài bước thì đã bị lão phát hiện.


Lão quay đầu lại, nhìn tôi: “Dậy rồi à? Hay là vẫn chưa ngủ?”


Nhìn chính diện thế này lại cảm thấy Mộ Thừa Hòa đeo cặp kính trên sống mũi nhìn trẻ con và dễ gần hơn ngày thường.


“Em ra lấy điện thoại đặt chuông báo thức vì sợ ngủ quên ạ!” Tôi ngoan ngoãn giải thích.


Lão lại nhìn tôi một cái, đặt laptop lên bàn trà rồi bật đèn bên cạnh tay vịn sofa, không biết có phải là sợ tôi bị vấp hay không.


Tôi nhanh chóng lấy điện thoại trong túi áo khoác, đi ngang qua lão, vừa đúng lúc lão bỏ kính xuống, xoa xoa sống mũi. Bên cạnh lão là một chồng sách, toàn sách ngoại ngữ. Tôi nhìn lướt qua bìa của những cuốn sách đặt phía trên, tất cả đều có những từ đơn “Аэродинамик”. Tôi chỉ biết đó là tiếng Nga, chúng tôi chỉ được học từ vựng thông dụng, nên những chữ kia có ý nghĩa gì, tôi không biết.


“Thầy không ngủ được sao?” Tôi hỏi.


“Tôi quen ngủ trên giường, hơn nữa, rất dễ tỉnh giấc.”


Nghe lão ta nói thế, tôi cảm thấy áy náy vô cùng: “Em xin lỗi thầy, chúng em làm phiền thầy quá!”


“Không liên quan đến hai em, tôi vốn hay mất ngủ.”


“Còn trẻ thế, sao lại mất ngủ được?” Tôi còn tưởng mất ngủ là triệu chứng của những người ở độ tuổi như mẹ tôi cơ, đó là dấu hiệu biến chứng từ những bệnh tổng hợp của thời kỳ tiền mãn kinh.


Lão lại đeo kính, nói: “Bệnh cũ rồi.”


Nhớ lại khi nãy trên xe, hình như lão có nói lấp lửng lão bị bệnh gì đó, làm tôi muốn quan tâm, dù gì thì lão cũng đã giúp tôi và Bạch Lâm một lần. Tôi vòng ra trước sofa, ngồi xuống cạnh lão: “Thầy, em nói cho thầy biết điều này, mẹ em có một phương thuốc trị bệnh mất ngủ hay lắm. Nghe nói giầm nát củ hành tây, bỏ nó vào một cái lọ rồi bọc kín lại, mỗi đêm trước khi đi ngủ đặt bên gối ngửi một chút sẽ rất hiệu nghiệm.” Tôi vừa nói còn vừa làm động tác hít sâu vào. “Đảm bảo thầy sẽ hết bệnh!”


Lão nhìn tôi, đột nhiên lắc đầu khẽ cười, nói: “Tiết Đồng à, em thật thú vị!”


Tôi sững người.


Ngoại trừ lần lão đặt cho tôi cái biệt danh A Đồng Mộc đáng ghét kia, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy lão gọi tôi như thế.


Hai chữ “Tiết Đồng” bất chợt được Mộ Thừa Hòa nói ra tròn vành rõ chữ, êm dịu, ấm áp. Lão phát âm cũng giống những người khác, nhưng dường như lại có gì không giống, không giống với Bạch Lâm hay Tống Kỳ Kỳ, cũng không giống với bất kỳ giảng viên nào, lại càng không giống mẹ tôi. Tóm lại là rất đặc biệt.


Tôi cố tình ho một cái, quay mặt đi chỗ khác.


“Nếu như thầy còn chỗ nào...” Tôi chần chừ. “Còn chỗ nào cảm thấy không khỏe, thầy có thể nói với em, mẹ em có nhiều phương thuốc dân gian hay lắm.”


Thế mà lão lại rất nghiêm chỉnh trả lời tôi: “Được, đợi khi nghĩ ra tôi sẽ nói với em.”


Tôi nhíu mày, đang định xem xét lại một lần nữa người đàn ông có ngoại hình khác xa với thẩm mỹ quan của tôi, thì đột nhiên lại nghe lão nói: “À phải, có việc này, cứ quên không nói với em.”


“Chuyện gì ạ?” Trái tim nhỏ bé của tôi run lên, theo như nhận xét của tôi về nhân phẩm của người này, chắc chắn đó chẳng phải việc gì tốt lành.


“Phát âm bật hơi tôi nghe thử xem.”


Haizz, chỉ thế thôi chứ gì? Lòng tôi nhẹ nhõm trở lại.


“Không phải em đã đọc cho thầy nghe rồi sao?” Tôi hỏi.


“Đọc thêm lần nữa.” Lão ta nói.


Giờ việc này đối với tôi giống như gà con tập ăn thóc thôi, quá dễ mà. Thế là tôi làm theo lời lão nói.


Lão lại căn dặn: “Thêm vào từ đơn, đọc thử xem.”


“Từ đơn gì thầy?”


“Từ có âm bật hơi là được.”


Tôi chọn chữ “Nga” quen thuộc nhất, vừa đọc xong “Россия”, tôi liền thấy trên nét mặt lão hiện rõ vẻ “biết ngay sẽ thế mà”.


Khóe môi Mộ Thừa Hòa hiện ra một nụ cười đã lâu không thấy, ngay cả kính cũng không che lấp được vẻ mặt thiếu cái bĩu môi của lão.


Lão nói: “Vấn đề chính là ở chỗ này. Em không thể vì biết bật hơi mà cố tình ghép nó vào với từ đơn rồi đọc ra, trái lại, em phải làm nhẹ âm đó.”


Tôi chóng mặt rồi.


Lúc tôi không biết phát âm thì bắt tôi cố phát âm cho bằng được, bây giờ tôi biết rồi thì lại bắt tôi đọc nhẹ, rốt cuộc muốn tôi thế nào đây?


Lão tiếp tục: “Do đó, bất luận là ngôn ngữ của nước nào, đều phải biết điều hòa. Ví dụ nhé, trong tiếng Hán chúng ta có âm uốn lưỡi, nếu một người nói chuyện mà âm uốn lưỡi quá rõ ràng, chúng ta sẽ gọi họ là gì?”


“Lưỡi to.” Tôi trả lời không hề do dự.


“Đúng vậy, nghe khẩu ngữ tiếng Nga của em hiện giờ chính là có cảm giác này.”


“...” Tôi lưỡi to sao?


Mộ Thừa Hòa tình ý thâm sâu nói: “Kiêu ngạo là kẻ địch của sự tiến bộ, học trò à, đoạn đường đắc đạo của em còn dài, cố gắng đi.”


Chính trong giây phút ấy, tôi đã hiểu ra vì sao lúc nãy lại có cảm giác khi lão gọi tên tôi khác với mọi người, bởi vì trên trái đất này còn có thể tìm ra một sinh vật khác có thù với tôi như Mộ Thừa Hòa sao?


Tôi đang không cam tâm, lão lại nói: “Mau đi ngủ đi, trời sắp sáng rồi, đến giờ tôi sẽ gọi hai em dậy.”
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom