• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Hot Tên Anh Là Thời Gian Full (3 Viewers)

  • Chương 92 - Chương 92

Chương 92 THẬT LÒNG KHUYÊN EM NÊN DỊU DÀNG

Quyện Cần Trai, đừng nói là Thịnh Đường hay Thẩm Dao, đến cả một người thường xuyên chạy ra chạy vào Cố Cung như Tiêu Dã cũng chưa bao giờ đặt chân đến.



Khi thầy Hứa dẫn họ vào trong, một bộ phận các gian đang được sửa chữa, nhưng các vật dụng có liên quan đều được bày biện rất gọn gàng, không hề ảnh hưởng đến mỹ quan của toàn bộ Quyện Cần Trai.



Nhìn khắp Tử Cấm Thành, dù xem xét về quy cách kiến trúc hay trình độ xây dựng và trang trí thì Quyện Cần Trai cũng thuộc đẳng cấp cao nhất và xa hoa nhất, thế nên trong lúc giới thiệu có thể thấy được vẻ đắc ý của thầy Hứa.



Khoảnh khắc đi theo bước chân của thầy giáo tiến vào Quyện Cần Trai, Thịnh Đường có phần sửng sốt, nơi đây có phần giống một nhà triển lãm trong rừng trúc hơn. Những gì đập vào tầm mắt đều được làm bằng chất liệu trúc, từ sập giường cho tới đồ trang trí rồi tới bậu cửa sổ.



Quả thực rất đồ sộ.



Mấy người nhóm Giang Chấp đều xuất thân trong ngành khôi phục văn vật, khi bước vào Quyện Cần Trai, nhìn thấy trước mắt chỉ rặt những đồ vật được đan bằng trúc, phản xạ có điều kiện của họ sẽ là làm sao mới có thể khôi phục được.



Tiêu Dã chắp tay sau lưng, chép miệng, lắc đầu: “Càn Long gia đúng là chỉ mải để ý tới sự thoải mái của bản thân. Cả phòng toàn trúc là trúc thế này, lúc khôi phục sẽ phiền phức lắm.” Anh ấy quay đầu ngó Giang Chấp một cái, hỏi anh: “Phải không?”



Giang Chấp đứng bên cạnh cửa sổ, nhàn nhã đút hai tay vào túi quần, ngắm hoa văn trên khung cửa và nói: “Là nghệ thuật khắc trúc Phiên Hoàng(*), quả thật rất tốn công sức, hơn nữa bây giờ số người dám động tay vào khôi phục nghệ thuật khắc trúc Phiên Hoàng đã ít lại còn hiếm.”




(*) Nghệ thuật thủ công truyền thống của vùng Hoàng Nham, Triết Giang.



Nghe xong câu này, thầy Hứa luôn miệng khen ngợi sự chuyên nghiệp của Giang Chấp. Phiên Hoàng là một nghệ thuật thủ công xuất phát từ dân gian, bắt đầu thịnh hành hơn từ thời Càn Long và lưu truyền tới tận bây giờ, số lượng am hiểu nghệ thuật này đồng thời có được tay nghề tinh xảo chỉ lác đác vài ba người. Giang Chấp chủ công về khôi phục bích họa, vậy mà trong một khoảng thời gian ngắn có thể nói ra đây là nghệ thuật thủ công Phiên Hoàng, quả thực khiến người ta phải kinh ngạc.

Thịnh Đường thính tai, vừa nghe thấy danh từ mới này lập tức đứng sát vào bên cạnh Giang Chấp, trên gương mặt là một nụ cười nịnh nọt, dáng vẻ ấy nhìn kiểu gì cũng giống như trong tay Giang Chấp đang cầm một hộp thức ăn cho chó vậy…



“Nghệ thuật thủ công Phiên Hoàng khôi phục lại cũng rất khó khăn ha.”



Giang Chấp liếc nhìn cô: “Còn tùy người, đối với cô mà nói không phải là ‘rất khó khăn’ mà là còn khó hơn lên trời.”



Một màn ném đá vừa thực tế vừa không chút nể tình, với tính cách của Thịnh Đường, bắt đầu từ giây phút nghe thấy câu nói này, cô đã lên một kế hoạch có thù ắt báo rồi. Nhưng Thịnh Đường vẫn còn một bản lĩnh, đó chính là mặt dày vô sỉ.



Đương nhiên, Thịnh Đường đã định nghĩa lại phẩm chất này bằng cụm từ: Không ngại học hỏi.



“Tôi chỉ là một kẻ tay ngang, đến bích họa còn không có khả năng phục hồi, huống hồ là kiểu nghệ thuật thủ công truyền thống như thế này? Nhưng đối với sư phụ mà nói thì chắc chắn là chuyện vặt.”



Văn vật được bảo vệ cấp quốc gia, không thể chạm tay vào sờ. Giang Chấp chỉ tỉ mỉ quan sát nghệ thuật thủ công này rồi nhạt nhòa đáp lại một câu: “Tôi cũng không có bản lĩnh này.”



Thịnh Đường còn chưa kịp nịnh hót, ngược lại đã bị anh cho đạp chân thẳng vào tấm thép.



Cũng may Giang Chấp cũng không tiếp tục châm chọc cô nữa: “Phiên Hoàng thông thường đều là thủ nghệ được truyền từ đời này qua đời khác, xưa kia nó chỉ được truyền lại cho người trong một gia đình, không truyền cho người ngoài, có những người có tư chất tốt cũng phải chính thức cúi đầu bái sư mới được. Trúc trở thành công cụ tuyệt vời, Phiên Hoàng như một truyền kỳ mộng ảo, đến nay ở Phụng Hóa, Ninh Ba vẫn có thể tìm được loại hình nghệ thuật thủ công này. Các nghệ nhân đời trước vào ngày mùng bảy tháng Năm âm lịch hằng năm đều làm lễ bái tổ sư phụ, có thể đoán ra được là ai không?”



Đầu óc Thịnh Đường xoay chuyển linh hoạt, nếu đã là nghệ thuật thủ công…



“Lỗ Ban!”(*)




(*) Lỗ Ban, tên thật Công Du Ban, họ Công Du, tên Ban, hiệu Công Du Tử, thợ thủ công người nước Lỗ đầu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.



Giang Chấp nở một nụ cười hài lòng: “Vào giữa thời kỳ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, ở Phụng Hóa vẫn còn một ngôi điện thờ Lỗ Ban rộng hơn ba trăm mét vuông. Đến ngày thờ cúng Lỗ Ban, sư phụ ở đủ các ngành nghề trong thành phố sẽ dẫn học trò của mình tới điện thắp hương khấn bái. Trong số các ngành nghề ấy, những người theo học nghề thủ công Phiên Hoàng là vinh hạnh nhất.”



Chỉ tưởng tượng ra khung cảnh ấy thôi, Thịnh Đường cũng đã cảm thấy thật là ngầu.



Tiêu Dã và Thẩm Dao đứng chếch đối diện quan sát, tán thưởng, thảo luận, phân tích, còn bên này Giang Chấp lại mang tới cho Thịnh Đường một đãi ngộ đặc biệt hơn.



“Ninh Ba sản xuất trúc, chất lượng của trúc cũng thuộc hàng thượng đẳng, thế nên nghề thủ công này mới được truyền thừa tại Phụng Hóa.” Anh chỉ vào tơ trúc trên khung cửa: “Trúc dùng trong nghệ thuật thủ công Phiên Hoàng rất được chú ý. Tuổi đời của trúc không thể quá già cũng không thể quá

non, giòn cũng không được, nhất định phải là một cây trúc từ ba đến năm năm. Hơn nữa bắt buộc còn phải là loại trúc trồng trên đất vàng (đất bazan) hướng về phía Nam.”



Ông trời ơi…



Thịnh Đường cảm thán một tiếng: “Thi thoảng cũng có đôi ba cây vàng thau lẫn lộn chứ hả…”



“Ngành nào có quy tắc của ngành ấy.” Giang Chấp khẽ giải thích: “Cũng giống như màu vẽ chúng ta dùng trong khôi phục bích họa vậy, có loại là màu vẽ khoáng vật, lại có loại là khoáng vật thêm thực vật… Thực vật…”



Anh ngập ngừng.



Thịnh Đường đang nghe hứng khởi thì thấy anh đột ngột khựng lại, cô cực kỳ không hiểu.



Nhưng Giang Chấp cũng trở lại bình thường rất nhanh, tiếp tục nói: “Màu vẽ khoáng vật chú trọng tới nơi sản sinh ra thành phần, màu vẽ thực vật tuy dùng rất ít nhưng lại yêu cầu phức tạp, ví dụ như thổ nhưỡng, khí hậu và điều kiện ánh nắng. Có loại thậm chí còn phân biệt giống đực hay giống cái và tình trạng hút mật của ong đối với nhụy hoa nữa.”

Vietwriter.vn

Thịnh Đường vẫn luôn hiểu phương diện màu vẽ khoáng vật đối với bích họa cần tỉ mỉ tới mức nào. Có những bức bích họa lâu năm không được khôi phục có thể không phải vì cần tới tay nghề cao, đơn thuần chỉ vì thiếu thuốc màu. Rất nhiều lúc, các nhà khôi phục bích họa cũng phải liên tục khai thác, đào bới thêm các loại thuốc màu mới để làm thử nghiệm, xem xem có khả năng thay thế các loại khoáng liệu đã thất truyền hay không.



Giang Chấp quay trở lại nói về Phiên Hoàng.



“Lấy trúc, tước đi phần vỏ xanh, phân lớp, xắt lát, chỉ dùng trúc hoàng có độ dày khoảng 2 mm ở lớp bên trong, đun sôi trong hai tiếng. Sau khi trúc hoàng mềm đi, đặt vật nặng lên cố định vài ngày rồi dán trúc hoàng đã được ép bằng lên bán thành phẩm bằng trúc, làm cho các khớp nối không còn dấu vết, mài nhẵn đánh bóng tổng thể, sau đó điêu khắc hoặc vẽ trang trí, cuối cùng nhỏ sáp phun sơn. Đây chính là quá trình trọn vẹn của nghệ thuật thủ công này.”



Anh lại dẫn Thịnh Đường đi tới trước bàn, ra hiệu cho cô quan sát: “Giống như chỗ trên khung cửa ban nãy và vị trí góc răng bây giờ cô nhìn thấy đây, bên trên đều là nghệ thuật thủ công Phiên Hoàng. Có lẽ đều đã được khôi phục qua, tay nghề khôi phục quả thực không tệ.”



Thịnh Đường “á” lên một tiếng.



Giang Chấp cười hỏi cô nghĩ ra chuyện gì.



Thịnh Đường nói một cách nghiêm chỉnh: “Trước kia ăn cơm tôi thích dùng đũa trúc. Nhưng trúc là một thứ dùng mãi dùng mãi rất dễ nứt, có một lần chỗ nứt cắm thẳng vào miệng tôi. Nhưng tôi thấy tình trạng của các sản phẩm bằng trúc trong Quyện Cần Trai đều không có dấu hiệu này, có lẽ chính là vì nghệ thuật thủ công Phiên Hoàng chăng.”



Giang Chấp khẽ gật đầu: “Đúng vậy.” Anh nghiêng đầu nhìn cô, rồi lại mỉm cười, giơ tay lên xoa đầu cô: “Sao cô tham ăn quá vậy?”



Thịnh Đường nghẹn lời.

Có tham ăn được bằng anh không?



Một người đàn ông thích ăn đồ ngọt đến vậy…



Tiêu Dã đứng gần họ nhất, tiến sát tới cười với Giang Chấp: “Lợi hại đấy, đến cả nghệ thuật thủ công Phiên Hoàng mà cũng trình bày được đâu ra đấy như thế.”



“Gặp nhiều tự nhiên kiến thức sẽ phong phú hơn.” Giang Chấp cười khẩy.



Tiêu Dã bĩu môi, đúng là giỏi thể hiện.



Nhưng trong lòng anh ấy cũng quả thực phải khâm phục, đúng là hiểu biết nhiều thật.



Giang Chấp chẳng buồn đoái hoài tới anh ấy, anh đi qua cánh cửa bên cạnh để bước vào gian phòng bên trong.



Tiêu Dã hất hàm về phía bóng lưng của Giang Chấp, rồi nói với Thịnh Đường: “Kẹo dẻo, sau này có vấn đề gì không hiểu em hỏi anh cũng được, em không nên tạo cho ‘Lão ngoan đồng’ quá nhiều cảm giác hơn người.”



“Anh gọi ai là Kẹo dẻo đấy?”



“Em đó, vừa ngọt vừa dính răng, khiến người ta yêu quý.”



Thịnh Đường giơ ngón trỏ ra, chọc thật mạnh lên ngực Tiêu Dã: “Anh nói em ngọt, nói em được người ta yêu quý thì được. Nhưng không được nói em dính răng, em dính răng của ai hả? Em đầy kiêu hãnh thế này cơ mà!”



Thôi được rồi…



Tiêu Dã ôm lấy ngực, đầu ngón tay cô cũng mảnh quá đi, chọc vào khiến anh ấy đau đớn.



“Kẹo dẻo, anh thật lòng khuyên em nên sống dịu dàng.”



Thịnh Đường dứ dứ nắm đấm vào mặt anh ấy, ra hiệu cho anh ấy im miệng.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom