• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (2 Viewers)

  • Chương 64

VIII
VIỆC XÉT HỎI THÀNH CÔNG
Một tiếng đồng hồ sau. Lúc trời đã tối như mực, hai người lớn và một đứa trẻ đến số nhà 62 phố Pichpuýt. Người cao tuổi nhất giơ cái búa, gõ cửa.
Ba người ấy là Phôsơlơvăng, Giăng Vangiăng và Côdét.
Hai người vừa đến nhà bà hàng hoa quả ở phố Sơmanhve, xin đón Côdét về, con bé gửi ở đấy từ hôm qua. Suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, con bé chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, nó chỉ ngấm ngầm run sợ. Cứ chưa khóc được là còn run. Nó chẳng ăn uống gì mà cũng không chợp mắt lúc nào. Bà hàng hoa quả đáng mến hỏi hàng trăm câu, nó cũng không trả lời một tiếng, nó chỉ rầu rĩ nhìn, lần nào cũng thế. Nó chẳng hé răng để lộ một tí gì về những việc nó đã nghe thấy, trông thấy từ hai hôm nay. Nó đoán là đang gặp một nạn lớn, trong thâm tâm, nó cảm thấy rằng cần phải “ngoan”. Ai chẳng biết sức tác động vô cùng to lớn của mấy tiếng nói như dọa nạt bên lỗ tai đứa bé con nhỏ dại chỉ biết có run sợ: “Chớ nói gì hết”. Sợ thì câm. Vả lại, ai mà giữ bí mật giỏi hơn con trẻ!
Sau hai mươi bốn giờ đồng hồ bi đát, khi nó lại được trông thấy Giăng Vangiăng, nó reo lên một tiếng vui mừng. Những ai hay suy nghĩ, nghe tiếng reo vô cùng hớn hở ấy sẽ đoán thấy đó là tiếng reo của kẻ vừa thoát khỏi vực sâu.
Phôsơlơvăng là người của nhà tu nên hiểu hết các ám hiệu. Mọi cửa đều mở.
Thế là đã giải quyết được hai việc ghê gớm: ra và vào.
Bác gác, đã được dặn dò từ trước, mở cái cổng dành riêng cho người nhà, - cửa này thông thẳng vào trong vườn, cách đây hai mươi năm, ở ngoài phố cũng trông thấy, nó ở bức tường cuối sân, đối diện với cổng lớn. Người gác cổng đưa cả ba người ấy để vào buồng khách đặc biệt mà tối hôm qua Phôsơlơvăng nhận mệnh lệnh của mẹ nhất.
Mẹ nhất đợi họ, chuỗi hạt cầm trong tay. Một mẹ tư vấn, mặt phủ màn đứng bên cạnh. Một ngọn nến lờ mờ tỏa ánh sáng yếu ớt.
Mẹ nhất xem xét Giăng Vangiăng. Chả con mắt nào quan sát kỹ hơn con mắt nhìn xuống.
Xong bà hỏi Giăng Vangiăng:
- Bác là em à?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm vâng ạ.
- Tên bác là gì?
- Bẩm Uyntim Phôsơlơvăng.
Ông ta quả có một người em tên là Uyntim nay chết rồi.
- Bác ở đâu?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm ở Pichkinhi, gần Amiêng.
- Bao nhiêu tuổi?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm năm mươi ạ.
- Sinh sống nghề gì?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm làm vườn.
- Có ngoan đạo không?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm trong họ con, ai cũng ngoan đạo cả.
- Đứa bé này là người nhà bác?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm mẹ, vâng.
- Con bác à?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm cháu nội.
Mẹ tư vấn khe khẽ bảo mẹ nhất:
- Bác ấy ăn nói khá đấy ạ.
Giăng Vangiăng chưa hề nói một lời.
Mẹ nhất chăm chú nhìn Côdét rồi khẽ bảo bà mẹ bên cạnh:
- Ngày sau, con bé này sẽ xấu xí.
Hai mẹ thì thầm với nhau mấy phút trong góc phòng rồi mẹ nhất quay lại nói:
- Lão Phôsơlơvăng ạ, kiếm một cái đai nhạc đầu gối nữa. Bây giờ cần hai cái.
Thế là ngày hôm sau, người ta nghe thấy tiếng hai chiếc nhạc trong vườn. Các nữ tu sĩ không thể không hé một góc tấm màn che mặt. Ở cuối vườn, dưới lùm cây, hai người đàn ông đứng cạnh nhau đương đào đào xới xới; lão Phôsơlơvăng và một người lạ. Một việc trọng đại. Không khí im bỗng xào xào những tiếng khẽ bảo nhau: một người phụ việc làm vườn.
Các mẹ tư vấn nói thêm: em trai lão Phôvăng.
Giăng Vangiăng quả đã chính thức thụ chức: ông đeo một cái đai đầu gối bằng da và một chiếc nhạc; ông đã là người của nhà tu. Tên ông là Uyntim Phôsơlơvăng.
Cái nguyên nhân quyết định việc ông được vào làm ở nhà tu là câu nhận xét về Côdét của mẹ nhất: con bé sẽ xấu xí.
Sau lời dự đoán ấy, mẹ nhất tỏ lòng quyến luyến ngay con bé; bà cho nó ở cùng với bọn trẻ làm phúc.
Việc ấy chẳng có gì là khó hiểu cả. Vốn dĩ trong nhà tu không có gương soi những đàn bà thì không cần gương cũng biết nét mặt mình. Những cô gái có nhan sắc thì khó lòng mà tu được. Vốn từ xưa, càng xấu xí hơn là các cô xinh đẹp. Do đó là có sự mến ưa đặc biệt những cô gái xấu xí.
Sau câu chuyện lạ lùng trên, uy tín Phôsơlơvăng tăng lên nhiều lắm. Thắng lợi bề ba mặt: Giăng Vangiăng cảm kích vì được lão cứu sống và cho nơi trú thân; Gơribê thì tự bảo mình: nhờ lão mà ta thoát khoản phạt; nhà tu thì chôn cất được xác mẹ Cơruyxiphixiông ở dưới bàn thờ, vừa trót lọt được vòng pháp luật vừa hợp ý Chúa.
Một áo quan có thi hài ở Pơti Pichpuýt, một áo quan rỗng ở nghĩa đại Vôriga. Trật tự xã hội đã bị đảo lộn ghê gớm, nhưng không hay biết gì. Còn tu viện thì biết ơn Phôsơlơvăng rất nhiều. Lão trở thành người phục vụ tốt nhất và người làm vườn quý nhất! Lần Đức Tổng giám mục đến thăm tu viện ngay sau đó mẹ nhất đã kể chuyện cho ngài nghe, thú tội thì ít mà khoe khoang thì nhiều. Đức Tổng giám mục ở tu viện đã nói nhỏ với ý tán dương với ngài Đơ Latin, linh mục của đức ông sau làm tổng giám mục Ranhxơ và giáo chủ. Sự khâm phục lão Phôsơlơvăng đi rất xa, đến cả La Mã. Chúng tôi đã được đọc một lá thư nhỏ của Giáo hoàng Lêông XII đương vị gửi cho một người bà con, sứ thần của Giáo hoàng ở Pari và cùng đội tên Đơlagiăngga như ngài. Trong thư viết: “Hình như ở trong một cái tu viện ở Pari có một lão làm vườn tuyệt tốt, một con người có thánh chất tên là Phôvăng”. Những cái vinh quang kia, lão Phôsơlơvăng ở trong túp lều của lão không hề hay biết gì. Lão vẫn ghép cây rẫy cỏ và che dưa, không biết gì về cái tuyệt diệu và cái thánh chất của lão. Lão không biết gì về cái vinh dự của lão cũng như con bò giống Đuyram hay Xuyray không hình dung được in trên tờ họa báo “Tin tức Luân đôn” với lời chú thích: “Con bò đã được giải thưởng cuộc thi các súc vật có sừng”.
IX
NƠI CẤM ĐỊA
Ở nhà tu, Côdét vẫn im lặng không nói hở điều gì.
Côdét một cách tự nhiên tưởng mình là con gái Giăng Vangiăng. Nó chả biết gì hơn mà nói: vả lại ví dụ nó có biết gì thì đố ai cạy răng nó ra được. Côdét cực khổ quá nên cái gì nó cũng sợ, sợ cả nói, sợ cả thở. Nó đã từng thấy một lời nói cũng đủ làm cả một trận sấm sét lôi đình đổ vào đầu nó. Từ ngày ở với Giăng Vangiăng, nó mới bắt đầu hơi yên dạ. Nó cũng chóng quen với đời sống nhà tu. Nó chỉ tiếc con Catơrin, nhưng không dám nói. Một hôm nó bảo Giăng Vangiăng: - Giá biết thế này thì con đã mang nó theo.
Được ăn ở trong nhà tu, Côdét phải mặc quần áo như các học sinh khác. Giăng Vangiăng xin được phép mang bộ quần áo cũ của Côdét về nhà. Bộ ấy là bộ đồ tang đen nó mặc hôm rời bỏ quán ăn Tênácđiê ra đi. Chưa cũ lắm. Giăng Vangiăng tìm ở đâu được một cái vali, cốt để đựng bộ quần áo, đôi tất len với đôi giày. Ông bỏ trong vali rất nhiều băng phiến và các thứ lá cây thơm chẳng thiếu gì ở các tu viện. Ông để vali trên một cái ghế bên cạnh giường nằm, chìa khóa lúc nào cũng đeo trên người.
Một hôm Côdét hỏi ông:
- Bố ơi cái hộp gì mà thơm thế?
Ông già Phôsơlơvăng, ngoài cái tiếng tốt với mọi người như đã kể trên, mà chính ông cũng không biết, còn được nhiều cái lợi khác: trước hết, lão thấy sung sướng trong lòng; sau là nhờ có Giăng Vangiăng đỡ tay nên công việc nhẹ hẳn đi; sau cùng, vốn nghiện thuốc lá, ngày nay lão hút gấp ba lần trước kia, mà khoái chá hơn vô kể, vì tiền đã có ông Mađơlen trả.
Các bà không thừa nhận cái tên Uyntim và gọi Giăng Vangiăng là lão Phôvăng kia.
Nếu các bà có con mắt như con mắt của Giave, hẳn các bà rồi cũng nhận thấy rằng cứ khi nào có việc hay ra phố mua thức gì dùng vào việc vườn tược thì bao giờ cũng lão Phôsơlơvăng anh đi, lão Phôsơlơvăng già, lão Phôsơlơvăng có tật, lão què chân ấy. Nhưng hoặc vì các bà mải nhìn lên Thượng đế, nên không có con mắt của người thám tử, hoặc vì các bà thích rình mò nhau hơn, nên chẳng ai để ý đến việc ấy cả.
Thực ra Giăng Vangiăng cứ việc im tiếng, không động đậy thế mà tốt. Giave đã rình ở khu ấy hơn một tháng trường.
Bây giờ, cái nhà tu đối với Giăng Vangiăng như một hòn đảo, xung quanh là vực thẳm. Từ nay, bốn bức tường là cả một thế giới. Trên đầu khoảng trời xanh khá rộng nên lòng ông trong sáng; bên mình có Côdét nên ông thấy sung sướng.
Đời ông lại bắt đầu êm ả.
Ông ở chung với Phôsơlơvăng trong túp lều ở cuối vườn. Lều xây bằng vôi gạch vụn, năm 1845 hãy còn, gồm ba buồng, buồng nào cũng trống trơ chỉ có bốn bức vách. Phôsơlơvăng nhất định nhường gian buồng to nhất cho Giăng Vangiăng, Vangiăng từ chối thế nào cũng không được.
Trên tường gian phòng ấy, ngoài hai cái đinh để treo cái dây buộc nhạc và cái sọt, còn có một vật trang trí: đó là tờ tín phiếu của phe bảo hoàng hồi 1793, đóng vào tường bên trên lò sưởi, nguyên văn ghi như sau:
Quân đội công giáo hoàng gia
Theo chỉ dụ hoàng thượng
Tín phiếu mười đồng
Về quân nhu cung cấp cho bộ đội
Thanh toán ngày hòa bình
Đợt 3 STOFFET số 10390
Các tín phiếu của quân Văngđêăng này đã được đóng trên tường do tay người làm vườn trước, nguyên là lính suăng, hắn đã chết trong tu viện và Phôsơlơvăng đã thay chân hắn.
Suốt ngày Giăng Vangiăng cặm cụi ở ngoài vườn, làm được vô khối việc có ích. Xưa ông làm nghề xén cây nên bây giờ làm vườn cũng thích. Ta còn nhớ, ông biết nhiều phương pháp và những bí mật nhà nghề của việc trồng trọt. Hầu hết các cây quả trong vườn trước mọc như cây dại. Bây giờ, ông xén, ông ghép nên cây nào cũng kết quả ngon lành.
Côdét hàng ngày được về chơi với ông một tiếng đồng hồ. Các bà thì buồn rười rượi còn ông thì tốt, nên con bé cứ so sánh, lại càng thương yêu ông hơn. Đến giờ là nó chạy ngay về nhà. Con bé vừa bước chân vào nhà, căn nhà như rạng rỡ cảnh thiên đường. Giăng Vangiăng lòng tươi như hoa nở, ông càng cảm thấy đời sống đầy hạnh phúc vì Côdét cũng thấy được sung sướng đó bên ông. Nỗi vui sướng của người ta có cái quý là nó không như ánh sáng phản xạ bao giờ cũng mờ nhạt đi; Vangiăng nhìn Côdét chơi đùa, chạy nhảy; cứ nghe nó cười là ông nhận ra ngay.
Bởi vì bây giờ Côdét đã cười rồi.
Nét mặt nó cũng đổi khác, nó không ủ ê như trước nữa. Tiếng cười cũng như mặt trời đuổi tan giá lạnh trên nét mặt con người.
Côdét không đẹp nhưng dễ thương biết mấy. Nó nói những điều dễ nghe, giọng nó dịu dàng thơ ngây. Hết giờ chơi, Côdét về trường, Giăng Vangiăng nhìn cửa sổ lớp học; và ban đêm thì ông trở dậy nhìn cửa sổ buồng ngủ.
Và Chúa cũng có đường lối của Chúa. Tu viện cũng như Côdét duy trì và bổ sung trong lòng Giăng Vangiăng tác dụng của giám mục Mirien. Có một điều chắc chắn là con đường của đạo đức có một lối dẫn tới kiêu ngạo. Ở đây có sẵn một chiếc cầu do quỷ dữ bắc. Giăng Vangiăng, vô tình, có lẽ đang ở khá gần cái lối này và cái cầu này khi trời xui khiến ông rơi vào tu viện Pơti Pichpuýt. Khi trước, tự so sánh mình với người thường và lòng kiêu ngạo nảy nở. Biết đâu đấy ông sẽ không dần dà trở về với lòng hằn thù.
Tu viện đã giữ ông lại trên cái dốc ấy. Đây là nơi cấm cố thứ hai mà ông thấy. Hồi tuổi thơ, trong cái thời gian ông bước vào đời và về sau mới gần đây ông đã biết một nơi cấm cố khác, kinh khủng, dễ sợ, với những kỷ luật khắc nghiệt mà ông vẫn coi là những bất công của công lý và tội lỗi của luật pháp. Sau nhà tù khổ sai, bây giờ ông gặp nhà tu kín. Nghĩ rằng ông đã trở thành một thành viên của nhà tù khổ sai và bây giờ đang chứng kiến cảnh nhà tu kín, ông đối chiếu hai nơi đó trong trí ông một cách tư lự hãi hùng.
Nhiều khi ông tựa vào cán mai, chìm đắm trong những uẩn khúc của mơ mộng và không cùng.
Ông nhớ lại những người bạn tù ngày xưa. Họ khốn khổ quá chừng: vừa mới tinh mơ đã dậy, làm đến tối mịt mới về. Người ta có để cho họ chợp mắt được mấy chốc; ngủ thì ngủ trên mấy tấm phản, đệm lót mỏng dính, kê trong những gian buồng trống trải, suốt năm chỉ đốt củi vài tháng rét nhất. Áo thì áo choàng màu đỏ trông gớm ghiếc. Nhờ ân trên, những ngày nóng nực, họ được mặc quần vải thô và những ngày đông tháng giá, họ được khoác một cái áo kiểu áo phu xe bằng len. Chỉ những ngày đi bệnh viện mới được hớp rượu, miếng thịt vào miệng. Họ không có tên nữa, cứ số mà gọi, họ hầu như chỉ còn là những con số. Họ sống, mắt nhìn xuống, tiếng nói se sẽ, đầu trọc lốc, sống trong tủi thẹn, dưới đòn roi.
Thế rồi Giăng Vangiăng nghĩ đến những người hiện đang sống ở nhà tu, ngay trước mặt ông.
Những con người ấy cũng đầu trọc, mắt cúi gầm, tiếng nói se sẽ. Họ không sống trong tủi thẹn, nhưng sống giữa những lời nhạo báng của người đời; lưng họ không lằn vết gậy đòn, nhưng vai họ chín rạn vì những kỷ luật nặng nề. Đối với mọi người, tên tuổi của họ cũng không còn nữa, chỉ còn những tên gọi khắc khổ. Họ không uống rượu ăn thịt bao giờ; họ thường nhịn đói suốt từ sáng tinh mơ đến chiều. Họ không mặc áo đỏ nhưng khoác cái khăn liệm bằng len màu đen, mùa hè thì loại nặng, mùa đông thì loại nhẹ; họ không có quyền thay đổi áo quần gì hết. Sáu tháng ròng, họ phải mặc cái áo trong bằng xécgiơ đến chết ngốt. Họ không ở những gian buồng đốt lửa mấy tháng buốt lạnh nhất; buồng họ không bao giờ có lửa. Giường họ không trải nệm mỏng manh mà trải rơm. Ngủ cũng không được ngủ; đêm đêm, sau một ngày mệt nhọc, vừa đặt mình, chưa ấm chỗ, vừa chập chờn thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề, thì đã phải dậy, rồi vào nhà nguyện lạnh lẽo, âm u cầu kinh hai chân quỳ trên nền đá. Có những ngày lần lượt mỗi người phải quỳ mười hai giờ liền trên nền đá hay phủ phục xuống đất, hai tay gấp hình chữ nhật.
Hạng người trên toàn là đàn ông; hạng dưới toàn đàn bà.
Bọn đàn ông đã làm gì? Họ cướp bóc, gian lận, đầu độc, đốt nhà, giết người, giết bố. Còn bọn đàn bà? Họ không làm gì hết.
Một bên giết người cướp của, gian lận, xảo trá, hung bạo, dâm dục, nghĩa là tất cả những tội ác, tất cả những hành động hại người; một bên là trong trắng chỉ có trong trắng mà thôi.
Vô tội hoàn toàn, như được nhấc bổng lên trong một cuộc thăng thiên huyền bí, phần đạo đức thì còn dính với đời, mà phần thiêng liêng thì đã vượt lên trời.
Một bên thì thầm với nhau những mưu mô, tội lỗi, một bên mạnh dạn thú nhận những lầm lạc. Tội lỗi thì ghê gớm, lầm lạc thì chẳng có gì! Một bên là uế khí ghê tởm, một bên là mùi hương tuyệt vời. Một bên là dịch họa tinh thần, giam giữ, canh gác dưới những mũi súng đại bác, gặm tiêu dần những kẻ mắc bệnh; một bên là những linh hồn cùng cháy bùng thanh khiết trong một lò lửa. Kia là đêm tối dày đặc; đây là một bóng tối, nhưng một bóng tối đầy ánh sáng, những ánh sáng chói lọi hào quang.
Hai thế giới nô lệ. Một bên còn có cơ hội giải phóng: pháp luật còn có tháng ngày hạn định, lại còn có khả năng vượt ngục. Một bên là cả một cuộc đời vô cùng tận, trong tương lai xa vời, chỉ còn một chút ánh sáng le lói của niềm hy vọng về tự do là cái chết.
Những người thứ nhất chỉ còn xiềng xích trói buộc. Những người sau, có lòng tín ngưỡng trói buộc.
Trong nhà tù, bốc lên cái gì? Một lời nguyền rủa tràn trề, tiếng răng nghiến lại, lòng căm thù, lòng hiểm độc tuyệt vọng, một tiếng kêu phẫn nộ chống lại xã hội loài người, một tiếng cười chua chát đắng cay hướng lên trời.
Còn ở nhà tu? Chỉ có lời khấn nguyện và tấm lòng yêu Chúa.
Hai nơi ấy thật giống nhau mà cũng thật khác nhau; hai hạng người khác nhau một vực một trời lại cùng chung một nhiệm vụ là chuộc tội.
Giăng Vangiăng hiểu vì sao những tù nhân phải chuộc tội, họ chuộc tội cho họ. Nhưng ông không hiểu vì sao những nữ tu sĩ phải chuộc tội; những con người ấy không tội tình gì, không một vết nhơ. Ông run sợ tự hỏi: chuộc tội gì? Chuộc tội nào?
Ông như nghe thấy lương tâm ông trả lời lòng nhân đạo thiêng liêng nhất, sự đền tội cho người.
Chúng tôi gạt bỏ ở đây mọi lý thuyết của riêng mình. Chúng tôi chỉ là người kể chuyện. Chúng tôi đứng ở quan điểm của Giăng Vangiăng và nói lên cảm tưởng của ông.
Ông được nhìn thấy cái đỉnh cao cả của nhẫn nhục, cái đỉnh cao nhất mà đạo đức có thể vươn tới được. Vô tội tha thứ tội lỗi cho người và đền tội thay cho người; sự chịu đựng, sự thừa nhận tra khảo, sự đòi hỏi hình phạt của những tâm hồn không hề sa ngã để cho những tâm hồn sa ngã thoát khỏi những đau khổ ấy. Lòng yêu người hòa vào lòng kính Chúa, những vẫn đứng riêng và khẩn cầu. Những con người yếu ớt mang cái khổ đau của kẻ bị trừng phạt và cái nụ cười của những người được ban thưởng. Và ông nhớ rằng đã có lúc ông dám kêu ca.
Có khi giữa đêm ông thức dậy để lắng nghe lời cầu nguyện tạ ơn Chúa của những con người vô tội và bị đè nặng dưới bao nhiêu khắc khổ ấy và thấy lạnh toát trong mạch máu khi nghĩ rằng những kẻ bị trừng phạt một cách chính đáng chỉ cất tiếng nói lên để nguyền rủa trời và ông, một thằng khốn nạn, đã giơ nắm tay căm thù lên cho Chúa.
Điều nổi bật làm cho ông suy nghĩ sâu sắc như là một sự cảnh báo thầm của trời: trèo tường, vượt rào, liều chết, bám, leo kinh khủng, ghê sợ, tất cả những cố gắng ấy để khỏi cái nơi đền tội kia, ông cũng đã phải làm để vào cái nơi đền tội này. Phải chăng là một biểu tượng của số mệnh?
Nhà tu này cũng là một nhà tù, cũng thê thảm như cái nhà tù ông trốn khỏi, nhưng ông không hề nghĩ rằng có sự giống nhau.
Giăng Vangiăng như trông thấy lại những bức rào, những cái khóa, những chấn song sắt để cầm giữ ai? Những thiên thần.
Những bức tường cao vót trước kia ông thấy giam cầm hùm beo; nay nó bao bọc đàn cừu vô tội.
Nơi đây, người ta chuộc tội, chứ không bị trị tội. Thế nhưng nó khắc khổ hơn, ảo não hơn, cay nghiệt hơn. Những cô trinh nữ còn bị đè nén nặng nề hơn bọn tù khổ sai. Trước kia, một cơn gió lạnh buốt xương đã làm tê cóng tuổi thanh niên của Giăng Vangiăng, cơn gió thổi qua cái hầm nuôi diều hâu căng lưới sắt, khóa xích sắt; bây giờ, một cơn gió bấc tàn nhẫn hơn, đau đớn hơn, thổi qua chuồng chim bồ câu.
Tại sao?
Nghĩ đến tất cả những việc trên, toàn bộ tâm trí Giăng Vangiăng như chìm vào một nơi cao siêu huyền bí. Lòng kiêu ngạo tan đi trong những suy nghĩ ấy. Ông tìm mọi cách tự kiểm điểm mình; ông tự thấy yếu hèn và nhiều lần ông đã khóc. Tất cả những gì đi và ở cuộc đời của ông từ sáu tháng nay đưa ông trở lại những lời khuyên nhủ thiết tha của giám mục: Côdét dẫn dắt ông bằng tình người, tu viện bằng đức nhún nhường.
Đôi khi buổi chiều, lúc hoàng hôn, khi khu vườn vắng lặng, người ta thấy ông quỳ giữa lối đi, bên cạnh nhà nguyện, trước cái cửa sổ mà ông nhòm qua đêm ông mới vào đây. Ông quay mặt về phía bà đền tội đang phủ phục cầu nguyện và quỳ gối trước bà ấy mà cầu nguyện.
Hình như ông không dám quỳ hẳn trước mặt Chúa.
Tất cả cảnh vật xung quanh, từ khu vườn yên tĩnh đến những bông hoa thơm ngát, những đứa trẻ reo vui, những người đàn bà trang nghiêm, giản dị, nhà tu lặng lẽ, tất cả thấm dần vào người ông. Tâm hồn ông cũng lặng lẽ như nhà tu này, cũng thơm tho như những đóa hoa kia, cũng yên tình như khu vườn, giản dị như các người đàn bà, vui tươi như đàn trẻ.
Vả ông nghĩ là hai cái nhà của Chúa đã liên tiếp đón ông ở hai giai đoạn gay go của đời ông, giai đoạn đầu khi tất cả mọi cửa đóng chặt và xã hội loài người xua đuổi ông, giai đoạn thứ hai khi xã hội loài người lùng bắt ông và nhà tù khổ sai chờ ông. Không có cái nhà trước, ông sẽ lại rơi vào tội lỗi, không có cái nhà sau, ông lại rơi vào hình phạt. Cả trái tim ông dạt dào lòng biết ơn càng yêu người thêm hơn nữa.
Năm tháng cứ thế trôi qua. Côdét lớn dần.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom