• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (4 Viewers)

  • Chương 27

III
MỘT TRẬN BÃO TÁP TRONG ĐẦU
Chắc độc giả đã đoán ra ông Mađơlen chính là Giăng Vangiăng rồi. Chúng ta đã có lần nhìn sâu vào lương tâm ông; bây giờ lại nhìn vào đấy một lần nữa. Làm việc này khó mà bình thản, khó mà không run sợ. Vì có gì ghê rợn bằng cái việc quan chiêm đó!
Một con người, dù là con người không đáng kể đi nữa, đem tâm hồn họ mà viết thành bài ca, thì đó là thiên hùng ca hay nhất, trọn vẹn nhất đúc lại trên mọi thiên hùng ca. Ôi! Tâm hồn con người, bao nhiêu thứ mơ ước hão huyền, bao nhiêu thứ lòng tham, ý định, chất chồng ở đấy! Bao nhiêu giấc mơ nung nấu, bao nhiêu ý nghĩ sâu xa ẩn nấp ở đấy! Ngụy biện: thanh minh ngự trị ở đấy, dục vọng xô xát nhau cũng ở đấy. Vào lúc một con người đang suy nghĩ, thử bỏ qua vẻ mặt lạnh lùng mà nhìn vào trong bóng tối, vào tâm hồn của họ mà xem. Bên ngoài có vẻ yên tĩnh mà ở đấy chính là những tráng sĩ khổng lồ đang đánh nhau như trong thơ Hôme, những rồng những rắn quần nhau bên cạnh vô số bóng ma như trong sách Mintơn, những vòng nọ vòng kia chật ních những linh hồn như trong tưởng tượng của Đăngtơ. Lương tâm là một cõi vô biên ghê rợn. Con người ai cũng có và phải lấy đó để suy xét tất cả những ý muốn nảy ra trong óc và tất cả những hành vi trải qua trong cuộc đời!
Ngày xưa có kẻ đã đứng trước cửa một nơi kia nhưng vì cửa rùng rợn quá mà ngập ngừng. Nhưng thôi, cứ vào vậy. Từ khi Giăng Vangiăng gặp thằng bé Giecve, câu chuyện đã xảy ra như thế nào, độc giả biết cả rồi, không cần phải nói thêm nhiều. Chỉ biết từ hôm ấy trở đi, Vangiăng đã thành một con người khác. Ông giám mục muốn Vangiăng trở nên như thế nào, Vangiăng đã làm y như thế. Không phải là một sự thay đổi, mà thật tình là một sự lột xác.
Vangiăng tìm cách mai danh ẩn tích, bán món đồ đạc của ông giám mục đi, chỉ giữ có đôi chân đèn làm kỷ niệm. Vangiăng lén lút từ tỉnh này sang tỉnh khác, đi suốt nước Pháp đến cảng Môngtơrơi. Ở đây Vangiăng nảy ra sáng kiến đã nói trên kia và làm được những việc như đã biết, khiến cho mình thành người không ai bắt nổi và không ai dám ngờ tới. Vangiăng yên tâm ở Môngtơrơi, sung sướng thấy mình không quên bài học đau buồn của dĩ vãng và cuộc đời mình về sau đã rửa sạch được vết nhơ của nửa đời mình ngày trước. Đời Vangiăng từ nay yên ổn: ông vững lòng và hy vọng. Bây giờ ông chỉ lo có hai điều là giấu kỹ tên tuổi và sống một cuộc đời được thừa nhận, thoát bàn tay người đời và trở về với Chúa. Hai ý nghĩ ấy gắn liền với nhau thành một trong tâm trí Vangiăng. Cả hai quyết liệt chiếm hết tâm trí và chi phối tất cả hành động của Vangiăng. Thường thì hai ý nghĩ ấy thống nhất để định cho Vangiăng cách xử thế, làm cho Vangiăng ưa cảnh sống tối tăm, biến Vangiăng thành người trung hậu, giản dị và cũng khuyên Vangiăng những lời giống nhau. Nhưng đôi khi cũng có mâu thuẫn. Lúc đó con người mà tất cả vùng Môngtơrơi gọi là ông Mađơlen đã hy sinh ý nghĩ thứ nhất cho ý nghĩ thứ hai, hy sinh sự an toàn của mình cho đạo đức. Cho nên, mặc dầu phải hết sức đề phòng và giữ gìn. Vangiăng vẫn giữ đôi chân đèn của ông giám mục, để tang cho ông ấy, cho gọi và hỏi han tất cả những trẻ người xứ Xavoa đi ngang qua tỉnh, điều tra về các gia đình ở Phavơrôn và sứ cứu mạng cho lão Phôsơlơvăng, chẳng kể gì đến những lời bóng gió đáng lo ngại của Giave. Hình như Vangiăng đã theo gương những bậc hiền nhân quân tử và nghĩa vụ đầu tiên của ông không phải là vì mình.
Tuy vậy cũng phải nói rằng chưa bao giờ có việc như thế xảy ra. Chưa bao giờ hai ý nghĩ ấy, hiện ngự trị con người đáng thương mà ta đang kể lại cuộc đời đau khổ đây, lại xung đột nhau kịch liệt đến thế. Giave vào buồng giấy ông, vừa thoạt nói mấy lời, ông đã lờ mờ hiểu ngay câu chuyện và đã thấy nó sâu xa. Lúc đột nhiên nghe đọc đến cái tên đã chôn vùi mấy lớp, ông như sững sờ choáng váng, vì thấy số mệnh sao lại có điều kỳ dị kinh khủng đến thế. Qua phút sững sờ ông giật mình, cái giật mình báo hiệu những cuộc biến đổi lớn. Bỗng dưng ông cúi đầu như cây cối trước cơn giông, như người lính trước trận xung phong. Ông thấy như mây đen, sấm sét đang kéo trên đầu mình. Nghe Giave nói, ông liền nghĩ đến việc đi ngay, chạy ngay đi tự tố cáo để cứu lão SăngMáchiơ và ngồi tù thay cho lão. Lòng ông đau như dao cắt. Nhưng rồi ý nghĩ ấy qua đi, ông tự bảo mình: “Sao lại thế!” ông cố nén cái cử chỉ hào hiệp ban đầu ấy đi và lùi bước, không dám dũng cảm.
Tất nhiên, sau khi nghe những lời đáng tôn kính của ông giám mục, qua bao nhiêu năm hối cải và nhẫn nhục, giữa lúc đang bắt tay vào việc chuộc tội một cách hiệu quả đáng lẽ người ấy, mặc dầu đứng trước một nỗi băn khoăn ghê gớm như lần này, nhất định không chịu chùn chân chút nào, cứ thẳng bước đến chỗ vực thẳm mà dưới đáy thì lại là trời, được như thế thì hay biết bao nhiêu. Nhưng nào có được thế. Chỉ biết là phải kể ra đây tất cả những diễn biến trong tâm hồn con người ấy. Và cũng chỉ kể được cái gì đã xảy ra thôi. Ban đầu ông bị bản năng sống còn lôi cuốn ông vội tập trung mọi ý nghĩ lại, cố nén cơn xúc động, để ý đến sự có mặt của Giave, mối nguy cơ lớn cho ông, hoãn những điều đã quyết định với cái liều lĩnh của người đang sợ hãi, thận trọng đến mệt óc trong mọi việc sắp làm và lấy cái thái độ bình tĩnh như người võ sĩ cúi nhặt lá mộc đánh rơi vậy.
Cả buổi tối hôm ấy, tâm trạng ông cứ như thế. Trong lòng rối như tơ vò mà bề ngoài vẫn cứ điềm nhiên, bình thản. Ông chỉ thực hiện những “biện pháp bảo lưu” thôi.[67] Tất cả như mơ hồ và lộn xộn trong đầu óc ông. Lòng phân vân đến nỗi ông không thể có được một ý kiến gì cho rõ rệt. Ngay cả bản thân ông, ông cũng không hiểu như thế nào cả. Chỉ biết rằng mình vừa bị một vố nặng, ông vẫn đến thăm Phăngtin ở phòng bệnh như mọi khi và nấn ná ở lại lâu hơn. Lòng thương người khiến ông thấy cần phải làm như thế và ông ủy thác chị cho hai bà xơ một cách cặn kẽ phòng khi ông phải vắng mặt. Ông mơ hồ nghĩ rằng có lẽ cần phải đi Arát, nhưng chẳng có ý gì quả quyết cả. Ông lại tự bảo như mình thì còn sợ gì ai nghi ngờ nữa, có tới đó cũng không hại gì, lại được xem sự thể ra làm sao. Và ông đã đến thuê xe ngựa của lão Xcôphơle, cũng là cách chuẩn bị đề phòng mọi sự bất trắc, thế thôi.
[67] Danh từ chuyên môn về tư pháp
Tối hôm ấy, ông ăn cơm khá ngon miệng.
Vào phòng nghỉ, ông bình tâm suy nghĩ lại.
Ông nhận định lại tình hình và thấy thật là phi lý. Phi lý đến nỗi giữa lúc suy nghĩ vẩn vơ như thế mà cũng hình như có mối lo sợ gì khó tả, buộc ông phải đứng dậy ra đóng chặt cửa và cài then thật kỹ. Ông sợ còn có cái gì nó vào nữa. Ông chặn ngang cửa để chống lại với cái có thể đến.
Một lát sau, ông tắt nến đi. Ánh sáng làm ông khó chịu.
Hình như người ta có thể trông thấy ông được.
Người ta, là ai?
Khổ thay! Ông muốn đuổi nó ra ngoài thì nó đã vào, ông muốn che mắt nó thì nó đã nhìn ông, nó là lương tâm ông.
Mà lương tâm ông tức là Chúa.
Dù sao, lúc đầu ông vẫn còn ảo tưởng, cho mình thế là yên chí, chỉ có một mình mình thôi. Cửa đã cài then không ai còn làm gì nổi mình; đèn đã tắt đi rồi, còn ai trông thấy mình nữa. Bây giờ ông mới nhìn kỹ vào mình. Gian phòng tối om. Ông tỳ khuỷu tay xuống bàn. Đưa bàn tay đỡ trán, ngồi suy nghĩ.
“Ta nghĩ đến đâu rồi? - Ta không mơ ngủ chứ? - Họ đã nói gì với ta? Có thật ta đã gặp tên Giave và nó đã nói với ta như thế không? Tên SăngMáchiơ là thế nào? - Nó giống ta ư? - Có thể thế được không? Hôm qua ta còn được thảnh thơi và có ngờ đâu sự thể thế này! Hôm qua, giờ này ta đang làm gì nhỉ? - Việc này nó thế nào? - Kết cục rồi ra sao? - Làm thế nào bây giờ?”
Đấy, trong lòng ông xốn xang như thế đấy. Đầu óc không còn sức suy nghĩ minh bạch nữa, các ý nghĩ cứ xô đi như làn sóng, ông đưa hai tay ôm lấy đầu như để giữ lại. Tình trạng bời bời ấy làm cho tâm trí và nghị lực ông bị đảo lộn cả, ông muốn tìm một cái gì đích xác, muốn có một sự quyết định, nhưng chỉ thấy có lo sợ. Đầu nóng bừng bừng. Ông ra cửa sổ, mở toang cả hai cánh ra. Trên trời không một bóng sao. Ông lại vào bàn ngồi.
Một giờ đồng hồ trôi qua như thế. Dần dần một vài đầu mối bắt đầu hiện ra và cấu kết lại trong ý nghĩ, làm ông thấy hé ra một cách chính xác thực tế của cảnh ngộ mình tuy chưa được bao quát song đã chắc chắn được đôi ba điều.
Ông bắt đầu nhận ra rằng dù cảnh ngộ ấy có kỳ dị bấp bênh đến đâu đi nữa, ông cũng hoàn toàn làm chủ được tình thế.
Vì lẽ ấy, ông lại càng thấy thêm lo sợ…
Các việc ông làm đều nhằm mục đích sửa mình một cách nghiêm khắc, theo lời răn của Chúa. Nhưng đặt mục đích ấy qua một bên thì tất cả những điều ông làm, cầm bằng như ông đào một hố sâu để chôn chặt tên mình. Điều ông sợ nhất trong những lúc ông trầm ngâm tự vấn hoặc trong những đêm trằn trọc không ngủ, là có ai đọc đến tên ấy. Ông nghĩ rằng nếu việc ấy xảy ra thì mọi sự coi như hỏng hết: cái tên ấy mà hiện ra thì nó sẽ làm tiêu tan cuộc đời mới của ông, và biết đâu nó lại không làm tiêu tan cả tâm hồn mới của ông nữa? Chỉ mới nghĩ việc ấy có thể xảy ra là ông đã rùng mình.
Giả dụ những lúc ấy có người đến nói với ông như thế này: có lúc cái tên ấy sẽ vang đến bên tai, cái tên Giăng Vangiăng ghê tởm ấy sẽ từ trong bóng tối hiện ra sừng sững trước mặt, những luồng ánh sáng vĩ đại lâu nay đã xóa sạch cái màn bí mật chung quanh ông, bỗng dưng sáng rực hẳn lên, làm cho mọi người chói mờ không trông thấy gì. Cái tên vì thế không còn gì đáng sợ, cái màn bị xé lại tăng thêm sự bí mật, cái phút tưởng như trời sa đất sụt kia lại là phút làm cho nền móng ngôi nhà thêm vững. Và sự việc kỳ lạ kia chỉ đưa đến kết quả làm cho cuộc đời ông càng thêm sáng tỏ đồng thời càng thêm khó hiểu, cái bóng ma Giăng Vangiăng đem đặt bên ông tư sản Mađơlen đáng kính, chỉ làm cho ông càng thêm vinh dự, càng thêm được kính mến, được yên tĩnh hơn giờ hết. Giả sử có ai nói với ông như vậy, ông cũng sẽ lắc đầu và cho là vô lý. Thế mà tất cả những cái đó vừa xảy ra, tất cả những cái không thể có đã có và Chúa đã cho phép các thứ viển vông kia trở thành sự thật!
Suy nghĩ mãi cũng thấy sáng sủa dần ra. Mỗi lúc ông mỗi nhận rõ thêm cái thế của mình lúc này.
Ông thấy mình như vừa tỉnh một giấc mơ và đương trượt dần trên một con đường dốc trong đêm tối, đến bên bờ một cái vực sâu, cả người run lên mà không sao lui trở lại được. Ông nhìn thấy rõ ràng trong bóng tối ấy có một người lạ mặt mà số mệnh tưởng lầm là ông và đương đem xô xuống vực thay cho ông. Trong hai người, hoặc ông hoặc người kia phải có một người ngã xuống thì vực mới khép lại được.
Ông cứ để cho việc xảy đến ra sao thì ra là yên. Giờ thì rõ ràng lắm rồi. Ông tự thú điều này: - Chỗ của ông ở trong nhà lao vẫn còn bỏ trống. Dù ông có muốn làm thế nào đi nữa, nó vẫn cứ chờ ông. Tội cướp tiền của thằng bé Giecve đã đưa ông trở vào đó, cho nên cái chỗ bỏ trống ấy, nó cứ chờ ông, lôi kéo ông, cho đến khi ông phải vào mới nghe. Đó là việc không thể tránh được, thế nào cũng phải tới. Và ông lại nghĩ:
- Hiện giờ ông đã có một người thay thế. Nghe đâu tên SăngMáchiơ nào đó đã vô phúc gặp phải cái không may ấy. Còn ông thì từ nay trong nhà lao đã có tên SăngMáchiơ thế chân, ngoài xã hội thì ông là Mađơlen, ông không còn phải lo gì nữa, quý hồ ông cứ để cho người đời đem cái tấm bia chung thân ô nhục kia đè lên đầu ông SăngMáchiơ; cái tấm bia ấy giống như cái nắp mồ, đã sập xuống một lần thì thôi, không bao giờ còn nâng lên được nữa…
Tất cả những cái đó quá mãnh liệt, qua lạ đời. Trong người ông như có một chuyển động gì khó tả, ít khi thấy nảy ra trong một đời người. Hình như lương tâm đang vùng lên quằn quại, khuấy động tất cả những gì đáng nghi ngờ của trái tim. Hình như trong đáy sâu của cõi lòng có một tiếng cười phá đang vang lên, mà ý nghĩa gồm đủ mỉa mai vui mừng, lẫn thất vọng.
Bỗng ông thắp nến lên, tự bảo mình:
- Ơ hay, ta sợ cái gì chứ? Sao ta lại phải nghĩ ngợi phân vân như thế? Ta đã thoát nạn rồi. Xong cả rồi. Trước kia thì còn cái cửa bỏ ngỏ để dĩ vãng có thể lọt được vào cuộc sống hiện tại. Cái cửa ấy, giờ đã xây bịt lại rồi! Một cách vĩnh viễn! Cái thằng Giave ấy, lâu nay nó làm ta lo lắng, nó theo dõi ta khắp nơi, cái linh tính đáng sợ của nó hình như đã đoán được ra ta, mà đoán được ra rồi chứ còn gì nữa! Cái tên chó săn đáng tởm ấy nó rình ta từng bước, nay thì nó lạc hướng rồi, lo chạy theo con đường khác rồi, nó sẽ để cho ta yên, nó đã nắm được tên Giăng Vangiăng của nó rồi! Hình như nó lại muốn bỏ nơi đây mà đi! Và cái chuyện này xảy ra ta có biết đâu! Ta có can dự gì đến đó đâu! Nhưng mà này! Trong chuyện này có cái gì gọi là đáng trách được không! Những người gặp ta chắc sẽ tưởng ta gặp nạn lớn! Chung quy lại, nếu có ai gặp tai họa phen này thì chẳng phải lỗi ở ta chỗ nào cả. Thôi thì cũng là tại trời cả. Có lẽ trời muốn như thế thật. Ta có quyền gì xáo trộn việc trời đã xếp đặt? Ta cầu mong gì bây giờ? Tại sao ta cứ chực xen vào việc này? Can dự gì đến ta đâu. Ơ hay! Ta không bằng lòng hay sao? Mà ta đòi hỏi cái gì chứ? Cái mục đích lâu nay ta theo đuổi, cái điều hằng đếm ta mơ ước, điều mà ta đem cầu nguyện với trời là sự an toàn, thì ta đạt được rồi! Ý Chúa là như vậy. Ta còn làm gì trái nổi ý Chúa được. Mà tại sao ý Chúa lại muốn như thế? Chính là để ta tiếp tục cái việc ta mới bắt đầu, để ta làm điều thiện, để ta có thể một ngày kia nêu tấm gương sáng cho người khác, để người ta thấy rằng kẻ đã biết hối quá, đã biết tu tỉnh thì cũng sẽ được hưởng phần hạnh phúc! Thật lạ, ta không hiểu tại sao ban nãy ta không dám vào nói hết câu chuyện với ông cha xứ đáng kính ấy, như một người xưng tội. Chắc hỏi ý kiến ông, ông cũng sẽ trả lời như ta nghĩ thôi. Nhất định rồi, cứ mặc cho công việc tiếp diễn! Để yên cho Chúa định đoạt!
Đó là lời ông tự nhủ. Lời nói vang lên từ tận đáy lòng khi ông cúi nhìn xuống cái có thể gọi là vực thẳm của lòng ông. Sau đó ông đứng lên, đi bách bộ trong phòng - thôi, đừng nghĩ đến việc đó nữa. Quyết định rồi mà! Nhưng trong lòng vẫn không thấy vui.
Trái lại nữa.
Người ta không sao ngăn trí óc trở lại với một ý nghĩ, cũng như không sao ngăn sóng bể lui ra rồi lại xô trở vào bờ. Với người thủy thủ, đó là thủy triều. Với kẻ có tội, đó là lòng hối hận. Chúa khuấy động linh hồn con người cũng như làm cho đại dương nổi sóng vậy.
Chỉ một lát sau, dù đã cố sức quên đi, ông lại phải trở lại với cuộc đối thoại đau khổ lúc trước, mình nói rồi mình lại nghe. Nói lên những điều mình không muốn nói tới, rồi phải nghe những điều mình không muốn để vào tai. Đành để cho một sức gì huyền bí nó lôi cuốn và ra lệnh: “Nghĩ đi!” như nó đã ra lệnh cho một kẻ có tội trước đây khác trước đây hai nghìn năm! “Đi đi”.
Trước khi kể tiếp xin nhấn mạnh một nhận xét cần thiết để mọi người hiểu đầy đủ câu chuyện.
Loài người biết suy nghĩ, ai cùng từng trải qua những phút mình nói với mình. Ngôn ngữ thật không bao giờ huyền diệu tuyệt vời, bằng khi ở bên trong con người, nó như con thoi chuyển từ trí tuệ đến lương tâm rồi từ lương tâm quay về với trí tuệ. Những chữ “ông nói”, “ông kêu lên” thường gặp trong chương này, chính phải hiểu theo nghĩa ấy. Người ta tự nói với mình, tự bảo với mình, tự kêu lên với mình. Thật là ầm ĩ: cái gì trong ta cũng nói, chỉ miệng là không. Nhưng sự im lặng chung quanh không hề lúc nào bị ngắt quãng. Bao nhiêu hiện thực của tâm hồn, không trông thấy, không sờ mó được, nhưng vẫn là những hiện thực.
Ông hỏi mình suy tính đến đâu rồi. Ông tự vấn xem “quyết định như thế”, thì rồi ra sao? Ông tự thú, công việc xếp đặt như thế là bất nhân. Cái lối để mặc cho công việc xảy ra, phải để yên cho Chúa định đoạt là một lối rõ ràng ghê tởm. Cứ để mặc cho số mệnh và người đời nhầm lẫn, không ngăn cản nó lại, yên lặng để phụ họa với nó, không làm gì cả, tức là mình đã làm tất cả đấy! Đó là một việc gian giảo đốn mạt nhất! Đó là một tội ác khốn nạn, hèn hạ, hiểm độc, đáng khinh, đáng tởm!
Suốt tám năm, lần này là lần đầu con người đáng thương ấy mới lại thấy cái vị cay đắng của một ý nghĩ xấu và của một hành động xấu. Ông kinh tởm, khạc nhổ nó đi.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom