AnB.Hunnie
Be my Superman ~
-
Chương 4: Hòn đảo hoang.
Chương 4: Hòn đảo hoang.
Hồi bé, đối diện trước nhà cái Ly có một cái ngõ bé hơn cả ngõ xóm chúng tôi, trong đấy chỉ có vài ngôi nhà. Mà quan trọng là ở đấy là nơi tụ tập chính của lũ chúng tôi, bởi nơi đó có hòn đảo của chúng tôi.
Nói là hòn đảo nhưng thực tế nó chỉ là một mảnh đất trống, sau đó cây cỏ mọc lên um tùm. Nhưng muốn đi sang được bên mảnh đất ấy chúng tôi phải nhảy qua một cái rạch, nó không hẳn là rạch bởi nó toàn bùn là bùn. Cho nên thường thì chúng tôi đặt một cái ván ở đấy và xem nó như một cái cầu.
Đối với người lớn có lẽ đấy chỉ là một mảnh đất trống chưa có người mua, nhưng đối với chúng tôi nó lại là cả một thế giới tuyệt đẹp. Bởi lẽ, sau mỗi giờ tan nhà trẻ, chúng tôi lại ra đấy chơi. Lũ con trai thì chơi đánh trận, tôi với Ly thì bắt chuồn chuồn kim.
Ngày ấy, có trò không biết bơi thì cho chuồn chuồn cắn rốn, kiểu gì cũng biết bơi. Mà để bắt được con chuồn chuồn ‘cơm’ thì nó rất khó. Bởi nó to và bay rất nhanh, không như mấy con chuồn chuồn kim bé tí, chẳng thể phản ứng nhanh nhạy được.
Thế rồi có hôm cả lũ ngồi tác chiến, tôi và Ly cũng ngồi nghe ngóng các thứ, thấy thằng Cuội, thằng Tôm, thằng Cường, thằng Giang, thằng Nguyên lên kế hoạch bắt chuồn chuồn tỉ mỉ lắm, còn ăn trộm bìa của thùng mì tôm ai vứt đầu ngõ, rồi mỗi đứa một cái bút màu vẽ bản đồ như đánh trận thật.
“Giờ mà Cuội đứng ở đây nha, thì Tôm đứng chỗ ni nè, xong Nguyên qua đây đứng, Cường với Giang
cầm dây cho chắc nha, An với Ly đứng một chỗ ni nè, động đậy là hấn bay mất đó. Cuội sẽ từ từ tiến đến để úp sọt luôn.”
Vừa nói, thằng Cuội vừa vẽ tỉ mỉ lên cái bìa cứng, tô màu tượng trưng cho mỗi đứa. Thằng Cường với Giang vừa nhìn vừa buộc sợi dây diều vào dép tông. Sau khi đứa nào cũng gật gù ra vẻ hiểu rồi thì chúng tôi bắt đầu tiến hành kế hoạch. Kế hoạch như sau: Đợi con chuồn chuồn đậu trên cành cỏ, ném dép tông!
Tôi và Ly bị liệt kê vào team không thể chạy nhanh nên về cơ bản chúng tôi lấy dép và ngồi lên xem chúng nó tác chiến thôi. Đứa nào đứa nấy vào trận, đứng đúng chỗ như thằng Cuội chỉ lúc nãy, mà cứ đứng im như tượng cơ, tôi và Ly cũng nắm chặt tay nhau mà nín thở chờ đợi, chẳng đứa nào dám thở mạnh hay động đậy cả, vì sợ chuồn chuồn mà đến, nó biết chúng tôi không phải là một pho tượng thì nó lại bay đi.
Ấy thế mà lúc có một con chuồn chuồn cơm bay đến, dù đã tính toán kĩ lưỡng, ngay khi nó đậu trên nhành cỏ dại, mấy thằng con trai làm đúng như kế hoạch, nhưng rồi con chuồn chuồn nó khôn hơn chúng tôi tưởng, nó đã bay đi trước khi cái dép tông bay đến đè lên nó. Còn chúng tôi thì nhìn nó bay đi mà tiếc.
Cuối cùng, có lần anh Tèo, anh thằng Cuội đi học về, đúng lúc đi qua ngõ đấy, cứ thấy mấy đứa con nít xóm mình càm dép ném bồm bộp mà không biết là ném cái gì thì mới đi qua hỏi:
“Bây mần chi đó?”
“Tụi em bắt chuồn chuồn cơm, mà phải ném dép đè lên hấn thì mới bắt được hấn.”
“Bây kém quá, để đó anh bắt cho.”
Xong rồi chúng tôi đứng xếp hàng một bên, và nhìn anh Tèo ra tay bắt chuồn chuồn. Với chúng tôi lúc ấy, anh Tèo như một vị Thánh xuất hiện, chỉ vài chiêu cơ bản cùng với kĩ thuật bay xa tuyệt vời, anh Tèo đã bắt được cho chúng tôi một con chuồn chuồn cơm. Thằng Cuội thì nó tự hào lắm, mặt nó cứ vênh lên.
Lúc mấy đứa vén áo lên cho chuồn chuồn cắn thì tôi và cái Ly lại sợ đau nên đứng xa ra nhìn bọn nó. Đứa nào đứa nấy cắn răng chịu đựng, chúng nó bảo là đấng nam nhi anh hào thì có đau cũng phải chịu, không được hét. Thế nên nhìn mặt chúng nó kiểu như muốn khóc lắm mà không khóc được. Khi ‘được’ chuồn chuồn cắn xong thì cả bầy giải tán, còn hẹn nhau chiều mai đi bể bơi là biết liền. Hồi ấy, vé đi bể bơi cho trẻ em là năm ngàn một vé, nhưng chị tôi đi học suốt, bố mẹ lại bận nên chẳng ai đưa tôi đi, dì của cái Ly lại bán vé ở bể bơi, cái Ly mà thích thì cứ vào thoải mái, còn không mất tiền nữa chứ.
Một vài ngày sau, cả xóm lại tụ tập một bữa, để nghiệm chứng cái việc ‘chuồn chuồn cắn rốn là biết bơi’.
Thế mà mặt đứa nào, đứa nấy kiểu không buồn nói.
“Cuội thì mới xuống nước phát mà đã không thở được rồi.”
“Tôm thì chân may mà chạm đến nơi không có lẽ cũng thăng rồi.”
…
Và chúng tôi xác nhận được rằng: CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN là một trò lừa đảo, chỉ đau chứ chẳng được cái gì.
Ở đối diện ‘hòn đảo hoang’ là nhà bác Phúc, hồi bác ấy chưa xây lại nhà thì trước nhà bác ấy có một cái cây dừa, mà thân nó cứ cong cong xuống, chúng tôi thường níu một cành rồi cứ đạp vào tường cho nó bay ra, rồi lại đạp vào tường, cứ như thế mà hú như Tazan. Chính vì thế, có lần tôi đang đu thì bị ngã, do cái cành ấy lìa khỏi cây. Mà lần ấy ê mông đến nỗi mấy ngày sau vẫn không ngồi được. Còn mấy đứa trong xóm thì cứ nhìn tôi mà cười. Nỗi đau của người khác luôn là niềm vui của mình mà.
Trong xóm tôi có bác Thanh làm giáo viên của một trường tiểu học, thằng cháu bác ấy tên Dũng cũng bằng tuổi chúng tôi. Có bữa nó chạy ra ‘hòn đảo hoang’ chơi với chúng tôi. Vì chúng tôi đã quen với việc nhảy từ bờ đất qua ‘hòn đảo’ nên kể cả những lúc không có ‘cầu’ thì chúng tôi vẫn qua được bình thường, nhưng thằng Dũng lại khác. Nó không quen, mà nó thì lâu lâu qua nhà bác Thanh chơi ít bữa thì chơi với chúng tôi chứ không phải ngày nào cũng chơi với chúng tôi. Nên là hôm ấy, lúc tất cả đã nhảy qua hết, mỗi nó thì không, nó cứ đứng đấy hoài. Chúng tôi thấy vậy thì thi nhau hò hét.
“Nhảy qua đi, không can chi mô.”
“Thấy tụi này nhảy không, không sao đâu, An với cả Ly còn nhảy được mà.”
Sau khi nghe những lời động viên khích lệ ấy, thì thằng Dũng nó cũng bất chấp tất cả mà nhảy qua, không biết có phải do ‘nhắm mắt’ nhảy qua hay không mà ngay lúc ấy, chúng tôi thấy nó rơi tõm xuống vũng bùn. Hồi ấy còn bé dại, thấy nó ngã thì mình cười, chứ đâu có biết rằng bùn nó ‘nuốt’ người ghê lắm.
Thằng Dũng thì hoảng sợ, quẫy mạnh, càng quẫy thì càng bị dìm xuống sâu hơn.
“Cứu với, tụi bây cứu Dũng với.”
Chúng tôi thấy vậy thì cứ đứng ôm bụng cười, không phải vì vô tâm mà là do lúc ấy không hiểu được sự nguy hiểm đang cận kề thằng Dũng.
Sau ấy thì vợ bác Phúc đi chợ về nhìn thấy, liền quăng hết giỏ đồ sang một bên mà lôi thằng Dũng lên.
Chúng tôi lúc ấy mới hoảng sợ, cũng kéo nhau chạy xuống để kéo nó lên. Bùn dính vào nó quá nên rất khó kéo. Nhưng ngoài sức trẻ con chúng tôi ra còn có bác gái kéo giúp nên một lúc thì kéo nó lên được. Thằng Dũng thì khóc mà chúng tôi thì thấy có lỗi.
“May mà bác kịp thời kéo lên, các con không nên để bạn như thế, rơi xuống bùn lầy là rất nguy hiểm.”
“Vâng ạ.”
Bị bác gái quát nên đứa nào đứa nấy cũng sợ mà lí nhí. Rồi bác ấy đi dặn dò thằng Dũng một lúc xong đi vào nhà. Nhìn thằng Dũng lúc ấy vừa hôi, vừa tanh, lại còn như con ma lem. Chúng tôi liền chạy toán loạn cả lên để về nhà, mặc cho thằng Dũng đứng đấy khóc. Tất nhiên sau đấy thằng Dũng nó cũng tự về nhà bác Thanh để tắm rửa.
Sau này, khi gặp lại, mấy đứa ngồi cùng nhau lại cảm thấy có lỗi với thằng Dũng ghê gớm, nhưng ít ra thằng Dũng không có chuyện gì nếu không chúng tôi cũng ân hận suốt đời. Còn thằng Dũng, sau này lớn rồi nó cũng ít qua nhà bác Thanh chơi hơn, nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc và chơi với nhau rất vui.
Bình luận facebook