• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Lê Vân - Yêu và sống (1 Viewer)

  • Lê Vân - Yêu và sống - Chương 08 phần 1

8


… chỉ tại ông Trương Nghệ Mưu.


Năm 1979, làm phim Những Con Đường với cụ Nông Ích Đạt về, xem nháp thấy mình ngớ ngẩn quá, bù lại, tôi có một niềm vui lớn: được hai cụ nhận làm con gái nuôi. Vì không con, lại thấy tôi hiền lành nên hai cụ đem lòng quí mến. Các cụ lên nhà, gặp bố mẹ nói: “Chúng tôi muốn nhận nó làm con nuôi, gọi là con thế thôi, chứ chúng tôi nuôi gì được nó”.


Dù cụ bà bị bệnh tim nặng, cụ ông cũng chẳng khỏe khoắn gì, lại chẳng biết nấu nướng, nhưng thỉnh thoảng, đích thân các cụ vẫn nấu món ăn đặc sản quê hương của hai cụ cho cô con nuôi ăn, đó là món phở chua Cao Bằng. Để nấu được món này, các cụ phải lích kích chuẩn bị từ hôm trước. Đi đâu các cụ cũng kể, tôi là người duy nhất được hưởng cái đặc ân ấy.


Thương hai cụ không con, lại thương hơn khi nghe chuyện trước đấy, vì bất mãn, hai cụ rủ nhau quyên sinh, nhưng không chết. Tối hôm trước khi quyên sinh, các cụ đi chào hỏi suốt lượt hàng xóm, rồi về uống thuốc. Sáng hôm sau, cụ bà mê mệt như sắp đi, cụ ông thở rất to đến nỗi hàng xóm cũng nghe thấy. Họ như linh cảm thấy điều chẳng lành, bèn đạp cửa xông vào, đưa hai cụ đi cấp cứu.


Nghe chuyện thương quá, các cụ cũng yêu quí tôi, hai bên đi lại chăm sóc nhau. Thỉnh thoảng tôi xuống thăm các cụ. Đôi khi, cụ ông được cụ bà sai đi chợ, lại đạp xe vòng lên thăm tôi. Rất tự nhiên, một sợi dây tình cảm nối liền chúng tôi và ngày càng bền chặt. Đi nước ngoài về, bao giờ tôi cũng cố gắng có chút quà nhỏ tặng hai cụ. Lần đầu tiên đi Pháp, dành dụm mua được hai chỉ vàng, tôi giữ cho mình một chỉ, một chỉ biếu hai cụ. Vì trước đó, tôi có hứa, bao giờ con được đi nước tư bản, nhất định con sẽ biếu bố mẹ một chỉ vàng. Các cụ rất nghèo, cả tài sản chỉ có một cái sổ tiết kiệm lấy lãi hàng tháng, phụ thêm vào lương chứ chả biết buôn bán gì. Sau này, một chỉ vàng chẳng là gì giá trị, nhưng lúc bấy giờ thì quí lắm, hai cụ cứ khoe mãi với mọi người ở cùng khu tập thể là con gái nuôi biết giữ đúng lời hứa, biết chia sẻ. Lần khác, đi Đức về, tôi chỉ mua được một chiếc khăn len màu đen choàng vừa ấm vừa đẹp. Tôi mê màu đen nhưng cụ bà cũng thích, thế là tôi mang lên tặng mẹ nuôi. Tôi muốn mang lại chút niềm vui ấm áp cho cuộc đời quá nhiều giá lạnh của hai người.


Cụ Đạt là người hiền lành, sống chân thành, thật thà cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Xuất thân từ dòng dõi con nhà quyền quí, lại được đào tạo với chuyên gia nước ngoài từ lớp đạo diễn đầu tiên, cụ Đạt đã có những thành công nhất định với bộ phim Kim Đồng làm về quê hương rừng núi của cụ. Bộ phim cũng được ghi nhận bằng một giải thưởng gì đó, nhưng khi xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú thì cụ lại không được. Dường như người ta đã phủi hết công lao đóng góp cho ngành điện ảnh của cụ. Có lẽ vì chán cảnh không con, đồng lương không đủ sống, lại không được ghi nhận… hai cụ còn sống làm gì? Thế mà lại không chết được mới khổ chứ!


Một lần trên xe cùng đoàn phim, tôi hóng hớt nghe thấy ông quay phim và cụ Đạt nói chuyện với nhau. Cụ Đạt hỏi: “Theo mày, con Vân còn có thể tiếp nối con đường điện ảnh không?”. Ông quay phim gật gù: “Được, em cho là nó còn đóng được dăm bảy phim nữa”. Nghe hai người nhận định thế, tôi chỉ thấy buồn cười, bỏ ngoài tai, nghĩ bụng: “Đóng tiếp hay không là do mình nữa chứ, mà mình thì đã thề là không muốn đóng nữa rồi, làm gì có chuyện dăm, bảy phim nữa”.


Hồi đó, thỉnh thoảng được về Hà Nội xem nháp, tuy không phải dân điện ảnh, nhưng tôi cũng biết mình ngớ ngẩn lắm, thấy ngượng, tự thề sẽ không bao giờ nhận lời đóng phim nữa. Sau này, ông quay phim còn nhắc mãi về lời tiên đoán của ông cho nghiệp diễn của tôi. Chắc lúc nói thế, ông cũng chỉ muốn làm đẹp lòng cụ Đạt thôi, vì cụ Đạt vẫn tự hào nói: “Con Vân là do tôi phát hiện ra, tôi đưa nó vào điện ảnh”. Hôm cụ Đạt mất, tôi đi công tác xa, nhưng khi cụ bà ốm, tôi may mắn còn được chăm sóc cụ trước lúc cụ ra đi. Ngày thay áo các cụ, tôi đều có mặt. Người con nuôi, hai cụ mang từ Việt Bắc về Hà Nội sống cùng, đã làm được một việc rất ý nghĩa. Khi cụ ông mất, anh chị mua ngay một chỗ để hòm tiểu tại nghĩa trang Văn Điến, lại còn mua sẵn luôn một chỗ nữa dành cho cụ bà. Sau khi thay áo, cụ bà được đưa lên nằm cạnh cụ ông trên cái kệ xi măng xám ngoét lạnh lẽo tận tầng thứ năm…


Tôi đau xót nghĩ, nằm lại đây nhé hai nắm xương tàn. Thế là hết một đời người! Hai bộ hài cốt có hạnh phúc như đã từng mơ ước, hay vẫn còn ấm ức khôn nguôi cho cõi đời lận đận cô đơn?


***


Còn chưa hết ngượng với vai diễn đầu tiên của bộ phim đang duyệt nháp, đạo diễn Phạm Kỳ Nam lại đã mời tôi thử vai cho một phim khác, phim Tự thú trước bình minh.


Ấn tượng của ôngNamvề tôi: “Trời ơi, trông sao mà quê thế?”. Là dân Tây học ở Pháp về, ôngNamcó phong cách hào hoa chau chuốt cả ngoài đời lẫn trên phim ảnh. Ông chê tôi quê là muốn nói đến cái khía cạnh hấp dẫn quyến rũ của một cô gái. Thế mà rồi ông vẫn mời. Ngoặt một cái, tôi phải vào vai một cô tiểu thư con nhà tư sản, khác hẳn chất cô thanh niên xung phong ngờ nghệch của phim trước.


Hôm đi thử vai, tôi nghĩ “Đã không thích đóng nữa rồi, mà cứ phải thử”. Nhưng mọi người ở nhà cứ thúc: “Thôi thì bác ấy đã mời, cứ chịu khó đi thử đi chứ có mất gì đâu. Được thì được mà chẳng được thì thôi”. Một cách uể oải, tôi đến nhà riêng của ông Namở phố Cao Bá Quát để chụp ảnh thử vai. Sau này, con trai ông Nam, bằng tuổi tôi, kể lại: “Gớm, sao hồi ấy bà đến nhà tôi trông bà ngờ nghệch buồn cười thế”. Tôi 21 tuổi, tóc dài, quần lụa đen, nom quê thật. Thế mà lại được vào vai cô tiểu thư miềnNamđài các, một vai không định mà lại thành. Lại phải dấn thân tiếp.


Ba tháng quay ở Nha Trang là ba tháng khắc khoải lo lắng và mòn mỏi mong ngày về Hà Nội. Lúc đó, tôi vừa mới nhận lời yêu, nhưng cứ thấy im ắng vì mất liên lạc, ngỡ mình bị bỏ rơi. Nghe nói chưa được về là òa lên khóc. Trong tiếng khóc ấy còn có cả nỗi hoảng sợ vì bị đạo diễn Phạm KỳNam“mê”. Chỉ thấy lo lắng chứ chẳng thích thú gì. Không hiểu sao ông lại lãng mạn thế?


Một lần, tôi được đi theo ông vào Sài Gòn xem nháp. Đoàn đi gồm chủ nhiệm, đạo diễn, quay phim và tôi. Những người khác ở lại Nha Trang. Trên đường đi, ông bỗng nhiên đổi cách xưng hô, nói năng kiểu à ơi, ỡm ờ. Trong khi tôi gọi ông Nam bằng bác thì ông lại cứ hồn nhiên gọi tôi bằng em và xưng trống không làm tôi thấy vừa ngại, vừa sợ. Trên xe ô tô có những híc ông cứ làm như vô tình nắm vào tay tôi, chú Dân quay phim thấy như thế hình như là quá lố nên chuyển chỗ cho tôi lên ngồi phía trước.


Ở Pháp về, ông lấy vợ toàn là những người đẹp, diễn viên nổi tiếng. Người vợ đầu của ông từng là hoa khôi Hà Nội. Bà thứ hai là diễn viên nổi tiếng cũng đẹp lộng lẫy không kém. Tôi chả là cái gì, có mà xách dép cho mấy bà ấy không đáng, cho nên, làm gì ông đạo diễn lừng lẫy chả tự tin! Nếu không đủ tự tin, làm sao ông dám nghĩ đến chuyện tỏ tình cảm với tôi. Có lẽ ông nghĩ, đạo diễn rất dễ lấy diễn viên chính chăng? Chắc là như thế? Hồi ấy đạo diễn điện ảnh là một nghề rất danh giá. Và quan trọng là thời điểm đó, ông đạo diễn đang độc thân.


Trong khi quay phim, ông ra sức chiều chuộng tôi. Quay xong, về Hà Nội, ông liên tục đến nhà, đến một cách không bình thường, và nói thẳng với bố mẹ tôi: “Tôi đến xin làm rể đây”. Với tôi, ông tuyên bố: “Tôi trồng cây si đấy!”.


Bố mẹ phải biến chuyện ấy thành chuyện đùa. Vì người ta là đàn anh nên chẳng thể phản ứng một cách phũ phàng. Thế đấy, ông Namcứ hồn nhiên chẳng một chút e ngại thất bại, có lẽ vì ông từng thành công với toàn những người đẹp vai chính rồi chăng?


Chẳng được học hành gì về điện ảnh. tôi hoàn toàn phải dựa vào bản năng của mình để đối phó với các tình huống trên trường quay. Trong hoàn cảnh ấy, với lời thoại ấy, tôi phải nhập vào nhân vật để hóa thân. Không còn cảm giác bị “đẩy xe bò” nữa. Với những diễn viên không nhạy cảm, đạo diễn rất vất vả để đẩy cảm xúc của họ lên. Rất may, tôi lại sẵn có sự nhạy cảm đó. Với lại, sau khi xem phim thứ nhất tôi đã thấy tiết tấu của mình là quá chậm, quá ngờ nghệch. Đến phim này, đã có kinh nghiệm rồi, tôi tự làm là chủ yếu.


Tôi luôn nhận được sự khích lệ từ đạo diễn ngay từ lúc đóng thử. Ông tỏ ra hài lòng hơn cái mức mà tôi chờ đợi. Ông nhận xét, ở tôi có một nét gì đó giống Natasa trong phim Chiến tranh và Hòa bình. Vì vai đầu tiên trên màn ảnh của tôi là vai một cô diễn viên múa chẳng phải nói gì, chỉ múa một chút thôi. Cô hóa trang đã cột mái tóc của tôi lên để lộ cái cổ balet trông rất quí tộc, cái miệng lại hơi dầy dầy, thế là tôi thành giống cô diễn viên Nga. Đến phim này, ông lại bảo tôi giống cô diễn viên đóng trong phim Doctor Zhivago. Ông cứ liên tưởng như thế, có lẽ là “cảm” mình rồi hay sao nên cứ lãng mạn hóa tất cả.


Sau này, nghe tin đạo diễn Phạm KỳNamchết cô độc ở Đồn Đất, một cơ sở của Hãng phim truyện ở miềnNam. Ông chết hồi đêm mà không ai hay biết. Nghe đồn, lúc đó, ông đang trong mối tình với một cô ca sĩ Sài Gòn và người ta tìm thấy những vỏ thuốc lăn lóc còn lại quanh chỗ ông nằm…


Giờ chỉ còn là kỷ niệm. Người đạo diễn thứ hai của tôi đã ra đi, cầu cho linh hồn ông được thanh thản.


***


Khi được mời làm vai chị Dậu của đạo diễn Phạm Văn Khoa, tôi cũng rất “khủng khỉnh”. Chẳng phải tôi kiêu kỳ cao giá gì, đơn giản vì kế hoạch của đoàn làm phim có mâu thuẫn với kế hoạch riêng của tôi. Tôi đề nghị lùi ngày quay lại cho trùng với đợt nghỉ phép. Cả một đoàn phim phải lùi lại chờ thì rất sốt ruột, họ quyết định không chờ nữa. Tôi cũng bảo: “Không chờ được thì cháu cũng đành thôi vậy”. Nhưng mà nào có thôi được đâu?


Cụ Khoa trả lời báo chí, cụ đã ấp ủ làm phim Chị Dậu từ lâu nhưng vì không tìm được diễn viên chính, nên thôi. Bẵng đi, mãi đến mười năm sau, cụ lại nhớ đến, vẫn muốn làm, và cụ lại đi tìm chị Dậu. Tìm cả trong ngành, ngoài ngành, nhưng vẫn không tìm ra một gương mặt thật ViệtNam.


Lúc ấy, sau bộ phim Những con đường mà tôi phát ngượng, hóa ra lại được một điều, nó lưu lại một gương mặt mộc mạc hiền hậu, rất ViệtNam. Sau mấy phim, giới trong nghề nhận xét, ở tôi toát ra một nét đẹp tiềm ẩn của người đàn bà ViệtNam, đặc biệt là người phụ nữ nông thôn vùng Bắc bộ.


Tìm mãi không được, họa sĩ Đào Đức, người đã đi với tôi phim Đất Mẹ của đạo diễn Hải Ninh; nam diễn viên Anh Thái, người từng làm thư ký phim Những con đường và sẽ đóng vai chồng chị Dậu và cô hóa trang Anh Thư, người đã hóa trang cho tôi một hai phim nào đó…, cả ba người ấy xúm lại nói: “Sao anh không thử con Vân nhà ông Tiến nhỉ?”. Cụ Phạm Văn Khoa gạt phăng đi: “Nó trẻ thế, đẻ ra giữa Hà Nội thì chị Dậu cái gì”. Mọi người bảo: “Anh nhầm rồi, nó Hà Nội 100% nhưng trên phim trông nó rất nông thôn ViệtNam, nó làm được đấy. Anh cứ thử đi, có mất gì nào”.


Cuối cùng, tôi được mời thử vai chị Dậu. Thử thì thử, nhưng trong lòng tôi nghĩ: “Làm sao mình có thể vào được cái vai ấy, một người đàn bà nông thôn nhếch nhác, bất hạnh như thế, mình có vận dụng hết bản năng ra chắc cũng khó”.


Riêng vai chị Dậu phải quay thử chứ không chỉ chụp ảnh hay phỏng vấn. Tôi phải diễn thử cảnh Chị Dậu đi bán con mà không có con, cũng không có Nghị Quế để tạo cảm xúc, chỉ có máy quay trước mặt.


Hoá trang mặt xong, nhìn trong gương, tôi chẳng thấy mình giống chị Dậu tí nào, chẳng thấy “động đậy” một tí chị Dậu nào ở trong người cả, cũng thấy run. Rồi chị phục trang mang ra nào váy đụp váy xòe, áo nâu vá chằng vá chịt, rách như tổ đỉa. Rồi họ bắt đầu độn người mình lên, với ba tầng mút, tôi thoắt cái có một bộ ngực đồ sộ xộc xệch ngất ngưởng, cái mông cũng phải độn bằng một cái quần bồng lồng mút, (sau mỗi lần nghỉ quay, tôi thường ngồi phệt xuống đất, cảm giác êm ái như ngồi salon). Cuối cùng, trùm cái váy tổ đỉa ra ngoài, cắp cái thúng, tôi đi bộ từ phòng hóa trang trên con đường đá rẽ trái vào phòng quay thử của xưởng phim…


Chỉ qua một đoạn đường ngắn ngủi đó thôi, tôi đã tự biến mình thành chị Dậu từ trong ra ngoài lúc nào không hay, đến nỗi cụ Khoa bảo tắt máy, tôi vẫn không ngừng lại được. Cứ như là bị một thứ bùa mê gì đó không thoát ra được. Cả đoàn thở phào: “Chị Dậu đây rồi, không phải tìm nữa!”. Trước tôi, họ cũng thử nhiều người rồi nhưng đều thất bại. Tôi biết, tôi được một lợi thế là nhập vai hóa thân rất nhanh.


Lúc đó, cũng có ý kiến phản đối: “Sao lại chọn một cô trẻ thế vào vai chị Dậu”. Cụ Khoa, vì được thuyết phục rồi, bèn ra sức bảo vệ: “Tôi đưa sách của cụ Ngô Tất Tố ra cho các ông các bà xem nhé. Đây này, Phạm Thị Đào, sinh năm Ất Dậu, 24 tuổi, đúng bằng tuổi con Vân bây giờ. Đúng như cụ Tố tả,, Thế là chả ai còn thắc mắc gì nữa.


Khi quay thật cảnh bán con bán chó ở làng Đồng Kỵ, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với dân làng. Chiều ảm đạm, chị Dậu một tay dắt con Tí, tay kia dắt chó, đi qua cánh đồng để đến nhà Nghị Quế. Chưa đến cảnh quay, mới chỉ từ nhà dân, chỗ ở của đoàn phim đi sang hiện trường, dân làng đi theo đã ngậm ngùi nước mắt. Họ nói: “Đời chúng tôi đã khổ mà trông cô còn khổ hơn”. Cứ cảnh quay nào có chị Dậu, dân làng lại khóc Sau phim Chị Dậu, tôi thực sự rút ra được một bài học lớn về nghề diễn. Có một sự ân hận không thể sửa được vì phim đã xong. Tôi bị cảm xúc thật chi phối đến mức bị “chìm nghỉm” luôn, không biết kiềm chế. Tôi đã đẩy nhân vật đến chỗ dấn quá sâu vào mảng bi lụy. Lúc đó cứ ngỡ, người diễn viên càng say sưa hoá thân vào đời nhân vật càng tốt. Cứ chỗ nào thương cảm là rơi nước mắt, thậm chí máy dừng rồi vẫn cứ khóc, không thoát ra được. Dường như là tôi khóc thương chị Dậu chứ không phải chị Dậu khóc thương chồng thương con. Đến khi xem phim, thấy nó bị luỵ quá, triền miên quá, hễ buồn là nức nở đầm đìa. Đáng lẽ ra phải biết, có rất nhiều cấp độ và cách biểu hiện sự đau buồn, ngay cả khi khóc cũng có cái khóc ra ngoài, có cả cái khóc vào trong.


Tiếc là cụ Khoa cũng quá say sưa, thấy mọi thứ diễn ra thật quá, cứ để cho tôi nhập vai không cần điều chỉnh, không dừng diễn viên lại. Giá mà lúc dựng phim, đạo diễn tỉnh táo hơn, cắt bớt những đoạn khóc lóc thê thảm đi, bộ phim sẽ đỡ “cải lương” hơn. Chị Dậu, cũng giống như phần lớn phim của cụ Khoa, vẫn chưa đạt được sự sâu sắc về tư tưởng hay đổi mới về nghệ thuật, mặc dù cụ là một đạo diễn đầy kinh nghiệm.


Tuy nhiên, vai diễn của tôi vẫn được báo chí ưu ái khen ngợi, chỉ có tôi âm thầm và nghiêm khắc nhận những cái rất dở trong diễn xuất của mình.


***


Nếu cụ Phạm Kỳ Nam quá lãng mạn, cụ Nông Ích Đạt quá thật thà, cụ Phạm Văn Khoa quá cảm tính… thì cụ Hải Ninh lại quá lý trí. Cụ là một đạo diễn có nghề, kỹ tính nên đôi khi khó làm việc. Cụ dành nhiều thời gian chăm chút tỉa tót khuôn hình, góc máy cho đẹp mà quên mất rằng, quan trọng hơn, người diễn viên phải cảm thấy thoải mái thì mới diễn được. Nhanh nhậy trong việc bắt lấy những đề tài nóng bỏng mang tính thời sự, đạo diễn Hải Ninh có nhiều cơ hội để mang phim ra nước ngoài, đến với các Liên hoan phim thế giới.


Điều đáng quí ở đạo diễn Hải Ninh là cụ luôn đề cao vai trò của nữ diễn viên, đặc biệt trân trọng diễn viên nữ chính. Cụ có thể dữ dằn với ai thì dữ, mắng ai thì mắng, từ phó đạo diễn, quay phim đến thư ký trường quay, ánh sáng… nhưng cụ chưa bao giờ mắng diễn viên nữ chính. Cụ hiểu, nhân vật nữ luôn là trung tâm của bộ phim, nếu họ làm dở có nghĩa là phim thất bại, nên cụ luôn rất nhẹ nhàng. Lần ấy, tôi biết mình có lỗi, đáng tội bị mắng hẳn hoi, nhưng cụ không mắng tôi. Người bị mắng lại là thư ký trường quay. Cụ bảo: “Diễn viên quên nhưng đấy là lỗi tại mình, phải nhắc người ta chứ, tại sao lại để người ta quên”. Lúc đó đang ở trên núi, tôi quên mang đèn pin để quay cảnh trong hang, làm sao mả về lấy được. Tôi biết, cụ đã quá ưu ái tôi, vì tôi luôn có trách nhiệm với công việc, khác hẳn kiểu ưu ái của cụ Phạm Kỳ Nam, đằng sau đó là một tình cảm riêng tư.


Nghĩ đến cụ Hải Ninh, trong tôi lại trở về một kỷ niệm khó quên xảy ra trên một chuyến tàu, “chuyến tàu không mang tên dục vọng”.


Đó là thời điểm diễn ra tuần lễ phim ViệtNamtại Nga. Tôi là nữ duy nhất trong đoàn, ngoài ra còn có đạo diễn Hải Ninh, hoạ sĩ Đào Đức. Có một chương trình hai ngày đi từ Thủ đô Maxcơva đến thành phố Lêningrát. Lên tàu hoả ngủ một đêm thì đến nơi. Đoàn có hai nam, thêm một anh bạn phiên dịch dẫn đoàn nữa là ba. Cứ hai người một phòng.


Tất nhiên, không thể xếp tôi với ông phiên dịch ấy được. Họ xếp ông người Nga với ông Đào Đức một phòng, còn lại tôi và đạo diễn Hải Ninh một phòng. Vừa nghe nói thế, tôi giãy nảy lên, một cách rất bản năng con gái, một mực đòi người ta đổi chỗ, không muốn ở cùng phòng với cụ Hải Ninh. Tôi quên cả giữ ý, rằng làm như thế rõ ràng như thể mình không tin tưởng cụ Hải Ninh. Và tôi cứ nằng nặc đòi đổi buồng khác nhưng đó là điều không thể.


Vẫn biết lên tàu ngủ một giấc đến sáng là tới nơi. Nhưng cứ nghĩ sao mình lại rơi vào hoàn cảnh oái oăm buồn cười thế nhỉ, một người đàn ông và một người đàn bà, ngủ trong một cái phòng bé tí bé tẹo. Đó là một ý nghĩ rất con gái, rất dở dở ương ương. Không phải là tôi lo sợ gì cụ Hải Ninh.


Rung rinh chuyện trò một lúc, chờ cho cụ Hải Ninh ngủ, tôi mới hé cửa lẻn ra ngoài hành lang. Trong đêm tối, lật cái ghế xuống, tôi ngồi đó, chờ trời sáng. Tất nhiên là tôi buồn ngủ rũ rượi. Để khỏi buồn ngủ, tôi ghi nhật ký vào cái quyển sổ bé tí. Trời lạnh, ánh đèn lờ mờ, tàu rung rinh chạy, thế mà tôi cố viết, nét chữ cứ loằng ngoằng. Đêm sao mà thật dài…


Không biết là mấy giờ sáng, đột nhiên, cụ Hải Ninh lù lù xuất hiện, quát: “Đi vào ngay! Định làm pha lê hả”. Cụ quát tôi cứ như là quát con cái vậy. Chắc cụ không thể hiểu tại sao tôi lại phải giữ kẽ đến thế! Đành phải đi vào. Chờ một lúc, thấy cụ có vẻ lại nối tiếp giấc ngủ ban nãy, “pha lê tôi” lại đi ra hành lang ngồi. Mãi rồi trời cũng sáng…


***


Phim Thằng Bờm, sản xuất năm 1986, của đạo diễn Lê Đức Tiến là một bộ phim khai thác chất liệu dân gian, đã có hơi hướng của không khí đổi mới… Đó là một phim hài với ẩn ý sâu cay tự cười, tự giễu mình một cách rất dễ thương. Trong phim này, ba bố con Bờm là trung tâm, có thêm vợ Bờm (vai của tôi) để làm cho phim mát đi, dịu đi, và phim thêm duyên dáng.


Đây cũng là thời kỳ tôi được chủ động hơn trong việc chọn đạo diễn, chọn kịch bản. Vì vừa phải làm phim liên tục, vừa phải thu xếp khéo thời gian xen kẽ về tập vở với nhà hát. Thời gian này, bên điện ảnh luôn mở rộng cánh cửa mời sang hẳn. Lúc đó, qua báo chí, tôi biết ông Lê Đức Tiến tốt nghiệp khoa đạo diễn ở nước ngoài và đã có phim Tiếng bom hoà bình được chú ý nên cũng yên tâm nhận lời. Tôi thích cái chất dân gian thâm thuý của phim này.


Suốt thời gian làm phim, tuy không có một ấn tượng nào về ông đạo diễn nhưng tôi lại có những kỷ niệm nhớ đời với Hoàng Hiệp, người đóng vai Bờm. Hiệp rất lành, nhưng cũng rất “điên”. Đóng phim như nhập đồng. Nhớ lần đóng cảnh tôi phải cõng Bờm mấy chục mét mà ngượng ơi là ngượng, đã thế, đi đến đoạn mương lại phải nhảy qua, rồi ngã đến nỗi rơi mất cả chồng. Hiện trường là một bờ ruộng thật, người ta đào một cái rãnh có nước rất trơn. Tôi nghĩ mình chỉ có 44 cân, làm sao mình cõng nổi cái ông Bờm kia, tôi bảo Hiệp: “Cậu phải giả vờ bám vào vai tớ, cố gồng người lên. đu lên nhé chứ làm sao tớ cõng nổi cậu”. Mà có phải quay luôn đâu, phải kéo lê ông Hiệp “điên” ấy tập chán chê. Xung quanh người xem tha hồ cười. Nhảy một cái, cả hai lăn quay, ông Hiệp ngã theo chồm lên lưng mình. Cả đoàn phim nghiêng ngả cười. Đoạn ấy trên phim cũng làm khán giả cười rũ ra.


Rồi một cảnh nữa, đi chân đất trên đường đá dăm, càng gọi “thằng Bờm” nó càng chạy. Máy đặt nguyên một chỗ. Đạo diễn đã hô “dừng” rồi thế mà hai anh chị nhà Bờm không nghe thấy gì cứ thật thà chạy mải miết. Về đến nhà mới thấy đau khủng khiếp.


Sau phim này, từ thằng Bờm trên phim, Hoàng Hiệp trở thành một “ông Bờm” thật ngoài đời. Nghe nói, Hiệp cũng chẳng gặp may trong cả đời sống riêng lẫn sự nghiệp của một diễn viên kịch nói.


***


Sau phim Đất Mẹ, tôi được khẳng định là một gương mặt điển hình cho phụ nữ ViệtNam, đúng hơn là phụ nữ nông thôn thuần chất Việt dịu dàng đằm thắm. Phá được cái mặc cảm con gái Hà Nội, cứ vai nào đặc chất Việt là tôi được mời. Vai chính trong Bao giờ cho đến tháng Mười là một vai như thế.


Tôi vào vai Duyên rất ngọt. Thời gian quay phim trùng với lịch tập vở balet Spartacus do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn mà tôi là vai chính, không thể bỏ được. Quay phim xong thường đã quá đêm, 5 giờ sáng hôm sau, tôi phải đi đánh thức lái xe dậy đưa về Nhà hát vì lo ông ấy ngủ quên.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom