• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Lê Vân - Yêu và sống (6 Viewers)

  • Lê Vân - Yêu và sống - Chương 11 phần 5

11 (C)


Sau gần chục năm trời sống với nhau, tương lai xa thì không thể biết được, nhưng hiện tại, tôi tạm thời bằng lòng và mãn nguyện với những gì đã có. Đôi lúc, chỉ có một nỗi sợ mơ hồ, nhỡ một ngày nào đó, anh không còn làm cho tôi muốn yêu anh nữa. Khi tình yêu đã đạt được rồi, con cũng đã có rồi, hoàn cảnh gia đình tạm ổn rồi, thì cái khó nhất, cái lo lắng nhất là làm sao để giữ được tình yêu. Giành giật được tình yêu đã khó khăn rồi, thì không được để tình yêu mất đi.


Nhiều gia đình, sau khi lấy nhau và sinh con, cuộc sống chỉ còn lại là góp gạo thổi cơm chung. Họ quên bẵng mất việc phải nuôi dưỡng và gìn giữ tình yêu. Họ quá ảo tưởng về những gì họ có trong tay: con cái, sự nghiệp, nhà cửa thế là yên tâm rồi, chẳng thể nào mất đi đâu được. Chẳng cần chăm sóc nữa. Đến lúc nào đó, chính họ cũng không ngờ, tình yêu đã một đi không trở lại. Với tôi, trong sự chống trọi đơn thương độc mã với cuộc đời khi không có anh cận kề, thì thời gian và cả không gian xa cách nữa, lại làm chúng tôi có thể nuôi dưỡng tình yêu. Lúc nào cũng thấy khao khát, thấy đói, thấy mong muốn hồi hộp gặp lại nhau, rồi chưa kịp thỏa mãn tình yêu, anh đã lại phải lên đường.


Khi gặp bất hạnh, tôi thấy tâm hồn mình bay bổng lãng mạn giàu có vô cùng. Sống trong đau khổ mới thấy cái khoảnh khắc hạnh phúc nó thật quí giá làm sao? Hiện nay, khi mọi thứ với tôi dường như là an bài, mọi khao khát đã đạt được rồi, không phải suy nghĩ nữa, bỗng nhiên lại sợ tâm hồn mình sẽ nghèo nàn đi, sẽ mai một dần. Cho nên, tôi luôn phải nhắc nhở anh, nhắc nhở mình, sau này, khi được sống với nhau rồi, lại càng phải chăm sóc tình yêu. Nếu anh để tình yêu bào mòn anh đi thì tôi cũng sẽ bị bào mòn theo. Đừng để sống với nhau lâu, rồi trở nên xuề xòa, rồi chính tự mình thiêu cháy, làm chết đi cái tình yêu mình đã có. Như thế thì không lấy lại được nữa. Sống với nhau chỉ để mà sống vì đã mất hết cả phần hồn rồi, không có sự bay bổng lãng mạn của tình yêu nữa thì sợ lắm! Không yêu nữa mà cứ phải sống cùng thì kinh hãi lắm. Không yêu nữa thì phải nói với nhau, đừng sống bằng sự chịu đựng. Đừng giả dối. Và quan trọng nhất là phải tuyệt đối tin tưởng nhau.


Rất nhiều lần, tôi nói với anh rằng: “Từ khi có hai đứa con, em không thể làm được điều gì sai cả. Mình sinh ra chúng nó là do mình. Chúng có quyền được cả bố lẫn mẹ chăm sóc. Khi đã sinh con ra, mình có bổn phận mang lại hạnh phúc cho con, còn việc nó đón nhận được đến đâu lại là do nó. Không có lý do gì để em lại làm điều sai trái, lỡ em và anh xảy ra điều gì thì các con phải khổ. Và thực lòng em không bao giờ muốn điều đó. Em rất hài lòng với cuộc sống hiện nay. Không phải quá giàu sang nhưng với em thế là quá đủ, quá mãn nguyện rồi. Anh đừng bao giờ lo ngại trong khi chúng ta chưa được sống bên nhau, em lại thay lòng đổi dạ”.


Vì sao mà tôi phải nhắc nhở anh thường xuyên như vậy, bởi vì hoàn cảnh sống xa nhau, đôi khi cũng không tránh được sự hiểu lầm. Hình như anh cũng lo, trong khi anh một thân một mình xa xôi cặm cụi kiếm tiền nuôi gia đình, liệu người vợ ở nhà có chịu nổi cái cảnh chia ly xa cách đấy không, có chung thủy hay không? Vẫn còn một chút nghi ngại nào đó từ phía anh, hình như, vì chưa nắm giữ được tôi ở bên, anh chưa an tâm. Thì ra, người đàn ông, dù có yêu mình đến đâu, trong một ngóc ngách “tinh vi” nào đấy, họ vẫn không hết được sự ích kỷ. Ngay cả đàn ông phương Tây cũng vậy. Cũng có thể sự lo lắng của anh bắt nguồn từ cái sự thật thà, nhẹ dạ của tôi. Đàn bà, khi yêu, luôn muốn chứng minh sự chân thành của mình bằng cách thổ lộ hết chuyện ngày xưa từng yêu ai, yêu như thế nào. Đàn ông nghe xong, không nói gì nhưng lại để bụng và không bao giờ quên…


Tôi có một người bạn là một họa sĩ nghèo. Gã tự đặt cho mình biệt danh là “Điên”, Tùng điên. Chúng tôi quen nhau đã mấy chục năm, từ thủa hàn vi nghèo đói. Tôi thương gã không chỉ vì gã quá nghèo mà còn vì gã thân cô thế cô khi bước chân về học đại học ở Hà Nội. Tôi không có kiến thức gì về hội họa, về màu sắc vậy mà khi xem tranh của gã, tôi thấy tâm đầu ý hợp.


Nhiều người không hiểu nổi tại sao tôi lại chơi với cái gã điên ấy. Đôi lúc rượu vào, gã nói ba lăng nhăng về tình cảm đơn phương của gã với tôi. Có lúc gã cục cằn, bất cần, chửi đời, thậm chí không coi ai ra cái gì. Vậy mà tôi lại nhận ra trong tận cùng con người gã là một thằng người cô đơn, thèm khát biết bao tình thương yêu của đồng loại. Tạo ra tính cách điên khùng như vậy chẳng qua chỉ muốn ngụy trang, tự vệ cho một thân phận nghèo giữa chốn đô thị “lắm người nhiều ma”. Đối với tôi, gã luôn tôn trọng và có phần vì nể và chắc chắn gã là một người bạn tốt. Sau mấy chục năm quen biết, khi cả hai đã thành gia thất, có một lần duy nhất gã bộc lộ vì không thể giữ lâu hơn được nữa: “Em đã giết chết nửa đời tôi”.


Với một người bạn như vậy, tôi không bao giờ ngại họ không tốt với mình. Thỉnh thoảng buồn đời, buồn gia cảnh, hoặc đơn giản chỉ muốn có ít phút giây thư thả, gã gọi điện mời tôi đi ăn sáng phở gia truyền phố Bát Đàn. Sau đó, bên li cà phê đen đá số 5 của Trung Nguyên, gã thong thả trò chuyện với người hiểu mình. Tình bạn giữa chúng tôi là vô hại. Chính vì thế, tôi tự cho phép mình đôi lần nhận lời.


Vì vô hại nên tôi cũng thật thà kể chuyện với Abraham là đã đi uống cà phê với gã. Không ngờ, anh im lặng có vẻ nghĩ ngợi rồi bất ngờ hỏi: “Có lẽ anh không hiểu nhiều lắm về con người và phong tục Việt Nam. Nhưng đàn bà ở Hà Lan, nếu chồng đi công tác xa mà lại nhận lời, dù chỉ là đi uống cà phê, với một người đàn ông khác, họ coi như là “có chuyện” không ổn. Đàn bà Việt Nam khác chăng?”


Nghe anh nói, tôi chợt ngộ: Vô hình chung, tôi đã khơi dậy bản tính ích kỷ nơi gã đàn ông trong anh. Cái bản chất ích kỷ ngặt nghèo ấy như con rắn nằm chờ sẵn trong mỗi một người đàn ông. Và tôi ân hận vì mình đã quá thật thà, ngây thơ khi trải lòng mình với người mình yêu. Ân hận vì đã tưởng rằng tình yêu không có chỗ cho lòng ích kỷ hẹp hòi. Với tôi, đã yêu là tin tưởng tuyệt đối. Đã yêu là không giấu nhau điều gì.


Lại lầm nữa rồi phải không Vân ơi? Đời mà đơn giản như Vân nghĩ thì đời đã không là bể khổ. Tôi nhẫn nhịn thuyết phục anh: Chúng ta thường xuyên sống xa nhau. Không còn cách nào khác là anh phải tin em như em đã tin anh. Có như vậy tình yêu mới tồn tại được.


Tuy nhiên, qua chuyện này, tôi hiểu anh hơn. Hiểu anh để mà biết cách sống cùng nhau. Tuy sống ở châu Âu nhưng anh lại cũng phong kiến như đàn ông châu Á. Tất nhiên, lo xa cũng là cải tâm lý thông thường của đàn ông thôi. Anh giải thích: “Anh sống cô đơn trong hoàn cảnh khắc nghiệt, dễ nảy sinh lo lắng, tưởng tượng. Anh có tiền cũng chẳng có gì để giải trí ở cái nước Bắc Triều Tiên này. Chỉ thỉnh thoảng cuối tuần, mấy ông đàn ông đi ăn tối với nhau, vào Casino, đi chơi golf hoặc tenis. Chỉ thế thôi. Em còn có con cái, có gia đình, có bạn bè”. Anh nói vậy tôi chỉ biết im lặng lắng nghe, chia sẻ, nhưng trong lòng nghĩ. Tôi cũng có những “hoàn cảnh” của tôi, chỉ có điều, tôi tuyệt đối tin vào cái bến bờ mà mình đã tìm thấy. Quan trọng hơn, tôi tin vào bản thân mình.


Nhắc lại chuyện này, anh phân trần: Anh tin tôi nhưng không tin “cái bọn đàn ông” ở quanh tôi. Là người từng trải, biết hết những mánh khóe đàn ông, anh cho rằng hiếm có người đàn ông nào đến với đàn bà mà lại hoàn toàn chỉ có sự vô tư trong sáng. Anh còn lấy chính anh ra để chứng mình, anh cũng đã phải làm như “vô tư” ra sao để tiếp cận tôi, chinh phục tôi. Rồi anh hùng hồn tuyên bố: “Tất cả bọn đàn ông đều chó hết. Cả anh cũng thế”. Tất nhiên, nếu quả thực tất cả bọn đàn ông đều là bọn “chó” đi nữa, thì người đàn bà cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và không ngừng hoàn thiện mình để nhận ra, ngoài phần bản năng đó, những phẩm chất gì của “bọn đàn ông” là đáng trân trọng.


Qua cách đối xử của anh với vợ con, với người thân trong gia đình, tôi nhận ra nhiều phẩm chất đáng quí và bản lĩnh đàn ông mạnh mẽ ở anh. Nhưng đôi khi, vì ngôn ngữ bất đồng, văn hóa khác nhau, không phải dễ dàng gì để chia sẻ được tất cả. Anh chỉ biết đời tôi từ đây trở đi, từ cái ngọn trở đi thôi, Tôi cũng thế. Chúng tôi biết nhau theo cảm nhận của mỗi người chứ cũng chẳng cần phải gặng hỏi, tìm hiểu hay chủ động nói cho nhau hiểu làm gì. Tự tìm hiểu nhau qua cách hành xử hàng ngày để nhận biết người của mình là loại người nào. Quá khứ là cái đã qua hãy để cho nó qua đi, còn sống với nhau là sống bằng hiện tại của mỗi người…


Tôi biết, số tôi đứng chữ Mậu, trắc trở trong đường tình cảm, nên trong thâm tâm tôi muốn dừng ở đây, với anh. Tôi không lo hai bên có gì thay lòng đổi dạ mà chỉ lo cuộc sống bị nhàm chán, không còn tình cảm nồng nàn say đắm như buổi ban đầu. Sống có tình nghĩa vợ chồng là đúng, là tốt, nhưng giá như vẫn giữ được cái say mê, lung linh như thủa đang yêu có phải là tốt hơn không! Làm sao để luôn luôn có ý thức giữ nhau, chăm nhau, đừng để điều gì sơ suất xảy ra. Mỗi lần anh về, tôi vẫn háo hức dọn nhà dọn phòng như chờ đón tình nhân. Không phải chỉ ra sân bay đón cho xong nghĩa vụ, không có tâm trạng xao xuyến gì cả thì rất chán.


Đừng bao giờ quên, tình yêu là một cái cây cần phải được chăm sóc hàng ngày. Nếu mình không chăm bón tưới tắm, nó sẽ bị thui chột đi, không gì cứu vãn được. Giống như, khi không còn tình yêu ở trong ta nữa, tự ta thấy nguội lạnh chứ chẳng ai bắt cả. Cứ hình dung sống với nhau, chỉ tối tăm mặt mũi kiếm tiền với lo cho con cái thì kinh khủng lắm.


Nhiều gia đình tan vỡ chỉ vì mải làm giàu, quên mất cái việc phải làm giàu cả tình yêu nữa. Vợ chồng mà sống như những người máy, tình cảm trơ ra, không còn cái xúc động bồi hổi bồi hồi khi nhìn thấy nhau, khi chờ đợi nhau, thì phỏng có ý nghĩa gì? Khi cái thi vị lãng mạn của tình yêu mất đi, đời sống lứa đôi còn lại gì? Phải ý thức rất rõ điều đó mà đề phòng trước. Nếu hàng ngày, cả hai chịu khó tưới tắm cho cái cây tình yêu chút nước, tỉa lá tỉa cành, bắt sâu cho nó… thì nhất định nó sẽ lớn nhanh hơn, mơn mởn hơn cái cây không được chăm sóc. Ví von như vậy để thấy, hạnh phúc là một quá trình nuôi dưỡng không ngừng nghỉ. Trải qua rất nhiều đau đớn, đổ vỡ, tự làm thui chột cây tình yêu của mình, đến tận bây giờ, tôi mới vỡ lẽ ra những điều quá đỗi giản dị như vậy…


***


Khi chúng tôi quen nhau, hai con anh còn ở cái tuổi dở dở ương ương, chúng sẽ đón nhận cú sốc gia đình tan vỡ ra sao? Về phần cậu con trai lớn, anh không lo lắm, nhưng còn cô con gái sắp thành thiếu nữ? Anh không nỡ lòng nào mang món quà tặng vào đời cho cô bé là tờ giấy li hôn của bố mẹ được. Vì thế, anh bảo: “Để cho cô bé lớn thêm chút nữa, anh hứa sẽ nói chuyện ấy với con gái rồi chính thức li hôn”.


Đến bây giờ, dù đã có hai mặt con với nhau, cô con gái đã vào đại học rồi, nhưng chưa bao giờ tôi hỏi, thế anh đã li hôn chưa?


Không biết người vợ chính thức của anh đã biết mối tình của chúng tôi chưa hay đã biết đến đâu? Chỉ biết rằng, khi bắt đầu quan hệ với tôi, anh cũng đã có một cuộc nói chuyện với chị ấy. Anh loáng thoáng kể và tôi cũng tạm tin là thế. Chị là một họa sĩ, khi nghe chuyện, chị đã xử sự rất có văn hóa: “Anh phải chọn lựa. em hoặc cô ấy”. Anh đã chọn tôi. Như vậy, sau khi nói thật tất cả với vợ và lựa chọn bên này thì dứt khoát là không thể chọn lại bên kia được nữa. Khi họ cưới nhau, chị đã có một đời chồng với một cô con gái riêng. Họ có thêm hai người con chung nữa. Khi con gái riêng của chị ấy lấy chồng sinh con, anh cũng về Hà Lan để làm cha đỡ đầu cho cháu bé. Khi con gái anh đã qua tuổi nhậy cảm, có thể nói chuyện hệ trọng được rồi, thì vợ anh lại bị rơi vào những cú sốc tình cảm lớn. Người con gái của chị ấy đi ra ở riêng, chị đã như bị mất đi một chỗ dựa tình cảm, tiếp đến, bố mẹ đẻ của chị cũng đến tuổi về trời. Thế là suốt mấy năm liền, chị sống trong hoàn cảnh mất mát đau buồn, bị chênh vênh như không còn ai bấu víu. Nếu anh đưa ra lời đề nghị li dị lúc đó liệu có quá nhẫn tâm? Thế là cứ lùi lại mãi, không biết thời điểm nào mới nói cho phù hợp…


Những chuyện rất “nhậy cảm” đó, anh thông tin với tôi một cách như tình cờ như cố ý để giải thích cho sự chậm trễ, tôi chỉ biết chăm chú lắng nghe và im lặng chia sẻ. Tuy nhiên không phải là không có lúc lòng tôi cũng bất ngờ nổi sóng…


Một lần khi chúng tôi đang ở Ý, anh hỏi: “Em ạ, sắp tới ngày sinh nhật con gái anh tròn mười ba sang mười bốn tuổi, đó là cái mốc rất quan trọng. Gia đình sẽ làm một bữa tiệc lớn để công nhận cô bé bước vào giai đoạn trở thành thiếu nữ. Cô bé rất ao ước có mặt bố ở nhà. Theo em, anh có nên về dự lễ sinh nhật con bé không?”. Bay từ Ý về Hà Lan chỉ để dự một lễ sinh nhật ư? Câu hỏi của anh làm tôi sững người, thật là quá sức tưởng tượng! Cho đến tận bây giờ, đã bốn mươi chín tuổi, tôi chưa bao giờ biết cái lễ sinh nhật là gì. Khi ấy, tôi đang nuôi con mọn, đang ngơ ngác trên đất khách quê người. Vậy mà anh nỡ để hai mẹ con lại, không biết một câu tiếng Ý nào ư? Dường như anh hỏi là để hỏi vậy thôi, vì anh đã sắp đặt kế hoạch, mua vé máy bay rồi. Tôi ngạc nhiên rồi cũng phải lặng thinh ngậm bồ hòn làm ngọt, để xem xem người ta hỏi vậy nhưng có thực sự là cần sự đồng ý của mình không? Cuối cùng, anh vẫn đi mà không cần tôi đồng ý, mà không biết có một cái gì đó cứa vào tim người ở lại. Suốt mấy ngày đó, không một lần trong đầu tôi dám tưởng tượng rằng khi anh về với cái “my house”, nhà của anh thì anh làm gì, ăn ở đâu, ngủ ở đâu? Anh sống với ai, anh ly thân chưa, tôi không hề biết. Biết làm gì cho đau lòng thêm.


Như ngày xưa, cái mối tình đầu làm cho mình khổ quá, hành hạ mình cả chục năm trời, vì căn bệnh tưởng tượng. Cứ chỉ cần nghe thấy tiếng kẹt mở tủ, gấp quần áo, đóng tủ của người vợ bên buồng trong, cái tiếng kẹt ấy nó như cứa vào da thịt tim gan mình. Bởi vì nghe sao mà nó ấm cúng, nó gia đình đến thế! Chỉ cần nhìn cái bếp dầu, với cái que sắt nhỏ bọc một đầu vải người chồng làm cho người vợ dễ nhóm bếp là thấy thèm khát rồi. Lúc nào cũng thấy đau, thấy tủi, đang sống trong tình yêu, đang có người mình yêu mà cứ như là sống không gia đình. Cô đơn chính giữa những người ruột thịt, bơ vơ lạc lõng giữa đời không biết bấu víu vào đâu. Đến giai đoạn này, biết sợ rồi, không dám tưởng tượng nữa.


Tự nhủ như vậy nhưng đâu có dễ dàng quên đi. Cái đêm anh quay về, anh tỏ ra muốn âu yếm nhưng tôi đã dứt khoát quay đi, ôm lấy con trai. Anh cũng cảm thấy có điều gì đó không bình thường, nhưng không dám hỏi. Anh biết là tôi giận. Tôi quay sang con mà nước mắt đầm đìa suốt đêm.


Thấy sao mà tủi thân tủi phận thế. Mấy ngày trước ông quay về nhà ông thì ông ở đâu? Không dám hỏi cũng không dám hình dung. Chỉ biết âm thầm khóc. Khóc rồi lại nghĩ cố nghĩ ra cái gì đó để tự an ủi mình, tại sao mình ngu xuẩn thế cứ đào sâu vào cái nỗi bất hạnh ấy làm gì, tại sao mình không biết bằng lòng với những thứ mà mình đang có. Mình đang có hẳn một đứa con do mình sinh ra. Vậy thì đừng khoét sâu vào những điều kia nữa cho được thanh thản. Tại sao mình phải thế, rõ ràng là phải yêu mình nhiều như thế nào đấy thì anh mởi chung sống với mình như thế này.


Nếu anh chưa thể đi đến một cuộc sống chính thức với mình thì anh cũng đã nói rõ ràng hoàn cảnh rồi. Thôi, hãy nhắm mắt, bằng lòng với hiện tại đi.


Thế là sau cơn xúc động, sau bao nhiêu là tức tưởi, nghẹn ngào, gần sáng bình tĩnh lại, cũng nghĩ được theo chiều hướng tốt đẹp, để cho nó nguôi ngoai đi, và vẫn giữ được cuộc sống bình thường. Nhưng cũng vẫn biết từ sâu thẳm đâu đấy trong tim vẫn rất đau đớn…


Để tôi yên tâm về tương lai của các cọn, anh đã làm một việc rất đàng hoàng là đưa tôi và hai con đến đại sứ quan Hà Lan hỏi: “Hai đứa bé này là con của tôi, do chúng tôi sinh ra, hiện bây giờ các cháu vẫn ở Việt Nam với mẹ, sớm hay muộn gì các cháu cũng về Hà Lan, vậy có cần phải làm thủ tục cho các cháu thành công dân Hà Lan từ bây giờ không và phải làm những thủ tục gì?” Câu trả lời chúng tôi nhận được cực kỳ đơn giản: “Chỉ cần anh nhận chúng là con đẻ của anh thì bất cứ khi nào anh đưa chúng về Hà Lan, chúng sẽ thành công dân Hà Lan”. Họ cũng không cần hỏi liệu anh đã có giấy kết hôn chưa? Họ tin và tôn trọng công dân của họ như thế.


Cơ quan của anh cũng không bao giờ hỏi thế ông đã li dị bà vợ Hà Lan chưa? Đã cưới cô vợ Việt Nam chưa? Chỉ cần anh bảo đấy là con anh, họ sẽ chu cấp cho tất cả, tiền ăn học và khám bệnh hàng năm. Đôi khi, tôi đã lo lắng vô ích về thực tại “một gia đình không chính thức” của mình, nhưng trên thực tế, chẳng có gì phải lo cả, khi anh công nhận chúng là con anh, nghĩa là chúng được hưởng mọi quyền lợi như bất cứ đứa trẻ nào. Họ cũng chẳng cần biết ai là mẹ của chúng.


Tuy tôi và các con tôi chưa một lần về Hà Lan nhưng cách đây vài năm, anh có cho tôi nói chuyện qua điện thoại với con trai anh. Cậu bé đã tốt nghiệp đại học, đã có người yêu và được bố cho biết: “Con còn có hai người em nữa ở Việt Nam, một lúc nào đấy, bố rất mong con gặp hai em, nhưng chưa phải bây giờ”. Với con gái, anh dè dặt hơn, vì sự nhạy cảm của cô bé. Anh sợ làm con buồn. Anh cưng cô côn gái lắm, có bốn con mà chỉ một mụn con gái mà. Cô bé cũng rất gần gũi bố. Chắc một lúc nào đó anh sẽ nói thôi, vì tất cả gia đình anh, bố mẹ các anh chị em đều biết “nhánh Việt Nam” của anh rồi. Từ khi tôi sinh cháu đầu và đang ở Ý, họ đã sang thăm, rồi lại đến Việt Nam mấy lần, ở ngay tại nhà tôi chơi với các cháu nội.


Hồi mới có nhau, bàn về nỗi niềm bên này hay bên kia, tôi từng giằn dỗi với anh: “Thôi anh về nhà anh đi, em ở lại đây để không ai gây tội lỗi cho ai, không ai gây bất hạnh cho những người thân”. Nghe tôi nói vậy, anh đã khóc, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh khóc: “Không thể thế được. Chắc chắn là anh phải có em. Vợ anh đã chấp nhận chia tay không chính thức và cô ấy cũng có bồ rồi. Anh đã quyết định như thế rồi thì làm sao em lại bảo anh đi về nhà anh, em về nhà em được”. Qua thái độ của anh, tôi cũng hiểu, có lẽ chưa đến thời điểm thích hợp để hợp pháp hóa mọi chuyện nên không bao giờ nhắc nhở đến lời hứa ấy nữa.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom