• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Cảnh Thịnh Đế tân truyện (1 Viewer)

  • Chương 56: Thành phố Sài Gòn

"Hoàng thượng lâm triều".

Một ngày sau Đại lễ Đăng cơ, Toản thượng triều lần đầu tại thành Gia Định. Trên bệ rồng được đặt hai chiếc ngai vàng, một đanh cho Toản, một dành cho Nhân nghĩa Thái thượng hoàng Gia Long. Sau khi được quần thần triều bái, Toản nói:

- Các vị Khanh gia bình thân. Người đâu, ban tọa.

Nghe lời này, các thần tử trước đây phụng sự nhà Tây Sơn không có gì ngạc nhiên. Ngược lại, mấy vị quan theo phò Nguyễn Ánh ngày trước lai hết sức vỡ ngỡ. Trong tư tưởng của họ, chỉ những người đức cao vọng trọng hay có công lao hãng mã mới được ngồi trong buổi chầu triều. Vả lại, buổi chầu hôm nay cũng không phải bắt đầu từ sáng sớm như thường lệ mà phải đến tám giờ. Hiểu ý bá quan, Toản nói:

- Các vị Khanh gia chớ ngạc nhiên. Trẫm là người thượng tôn sự công bằng. Tất cả chúng ta đây trước mặt trời đất, tổ tiên và thần dân trăm họ, ngoài chức vị, ai cũng là con người. Vậy thì về cơ bản, chúng ta như nhau. Bởi vậy, hà cớ gì mà chỉ có Trẫm và nghĩa phụ được ngồi? Từ rày về sau, trong các buổi triều sớm, sau khi mọi người đã an vị, tất cả chúng ta đều ngồi.

- Nhưng bẩm Bệ hạ - Hoàng Minh Khánh nói - tục lệ tổ truyền đã là như vậy, chúng thần không dám trái.

- Bệ hạ cho ngồi thì ông cứ ngồi, mắc chi phải thắc mắc? - Người lên tiếng là Võ Tánh. Ông là một vị võ tướng nổi tiếng bộc trực và trung thành. Bởi thế, ông không ngại gì phản bác Khánh. Nói thật, ngày trước, nếu như không phải chính Gia Long nhường ngôi thì dù cho có bị kề đao lên cổ, ông cũng không theo về với Toản.

- Nhưng đó là tục lệ tổ truyền, chúng ta phải giữ - Khánh đáp trả.

Ở trên bệ rồng nhìn xuống, Toản mỉm cười rồi nhẹ nhàng nói:

- Hai vị Khanh gia không cần tranh cãi. Trẫm cám ơn Võ Tánh tướng quân. Còn Khánh đại nhân. Ngài nói phải, tục lệ tổ truyền là phải giữ. Nhưng tục lệ này là ai truyền? Không phải là người Trung Hoa sao? Trẫm không muốn chúng ta mãi cứ phải lệ thuộc vào họ. Việt Nam là của người Việt, chúng ta cũng có phong tục tập quán riêng, cớ gì phải theo họ. Trẫm muốn từ nay phải xoá bỏ toàn bộ.

Phải nói bá quan, kể cả Nguyễn Ánh ở trên cao cũng lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Họ quay nhìn nhau mà tranh luận. Một lát sau, chính Nguyễn Ánh lên tiếng:

- Các vị Khanh gia không cần phải nghị luận nữa. Trẫm thấy Hoàng thượng nói phải lắm. Ngày Trẫm còn tại vị, Trẫm vẫn luôn canh cánh điều này. Ngày xưa ta phải theo tục lệ như họ bởi vì chúng ta yếu hơn họ. Ngày nay đã khác, Trẫm không nói ta đã mạnh hơn họ nhưng nếu song phương giao chiến, chưa chắc hươu chết về tay ai.

- Thần nhi cảm ơn nghĩa phụ hiểu thấu lòng con.

Toản chắp tay thi lễ với Ánh. Cả triều thần lúc này cũng đã bình tâm. Lời nói của Ánh đã đánh thức lòng tự tôn dân tộc, hình tâm trong tâm khảm của họ. Lê Quang Định là người đầu tiên ứng lời:

- Nhị hoàng nói phải. Quả thật chúng thần bao năm bị ăn sâu tư tưởng của người phương Bắc mà quên đi điều này. Từ rày nhẫn sau, chúng thần một lòng nghe theo lời của hai vị. Quả thật, Bệ hạ và Thái thượng hoàng Bệ hạ là những người anh hùng, thấu tình đạt lý.

- Khanh gia không cần tự hạ mình. Nhân đây, Trẫm lặp lại câu nói ngày trước ở Phú Xuân. Không phải Trẫm hay nghĩa phụ là anh hùng. Mỗi người các vị đều là anh hùng. Vận mệnh Giang sơn nằm trong tay các Khanh.

Nghe lời này, những thần tử Tây Sơn ngày trước bồi hồi xúc động. Họ nhớ lại cảm xúc của mình ngày nào. Họ lại ngẫm nghĩ về mấy năm vừa qua. Quả thật, Toản chỉ đóng vai người chỉ đường, mọi sự thay đổi, không, phải nói sự lột xác của đất nước đều nằm trong tay họ. Có được vị vua anh minh như Toản mà có lẽ là cả Ánh nữa chính là phúc ấm tổ tiên ban cho. Mà suy cho cùng, nếu không phải Toản nắm quyền thì Ánh cũng đáng để mọi người ngưỡng vọng. Cái khác biệt lớn nhất giữa hai người chính là phương pháp và Toản lại là người dám chia sẻ quyền lực của mình cho bá quan. Nguyễn Văn Tuyết lúc này đã vào Gia Định bỗng nhiên tiến lên. Ông trước tiên chắp tay thi lễ với Ánh rồi mới nói:

- Thái thượng hoàng Bệ hạ. Bao nhiêu năm chúng ta ở hai đầu chiến tuyến. Thần thật cho tới trước giờ phút này vẫn không phục ngài nếu không muốn nói là khinh thường. Thái thượng hoàng Bệ hạ xin đừng vội trách. Đây là tâm tư chung của những thần tử nhà Tây Sơn trước nay. Nghe những lời ngài nói, thần chợt hiểu ra. Ngài cũng như Bệ hạ, là vị vua anh minh và biết lo nghĩ cho dân tộc. Thần và tin chắc những người khác nữa đã không còn nghi ngờ quyết định của Bệ hạ nữa và cũng thật lòng tâm phục Thái thượng hoàng Bệ hạ. Xin ngài vui lòng nhận lấy một lễ này của thần.

Nghe lời này, Phan Huy Ích cũng ứng tiếng đồng tình. Đoạn, tất cả thần tử Tây Sơn cùng bước ra. Họ cùng chắp tay hành lễ với Ánh.

Lúc này, tâm tư Ánh cảm thấy xúc động vô cùng. Ông nghĩ: "Có những bề tôi hiểu chuyện và tài giỏi thế này hỏi sao miền Bắc không phát triển rực rỡ. Non sông từ nay cũng sẽ hùng cường thịnh trị. Quang Trung ơi! Ta phục ông rồi. Ông đã sinh ra những người con quá ưu tú. Ta thật không bằng ông". Đoạn, Ánh nói:

- Ngài bộ trưởng cùng các vị Khanh gia không cần đa lễ. Trẫm hiểu được lòng các vị cũng là đủ rồi. Có điều, Trẫm mong các vị và những vị khác nữa. Mọi người hãy dẹp bỏ suy nghĩ mình là người của triều này hay triều kia đi. Chúng ta, tất cả đều là người một nhà, đều là công bộc của thần dân trăm họ. Chúng ta hãy cùng nắm tay nhau mà xây dựng non sông. Trẫm muốn mọi người hãy ôm nhau, thể hiện thành ý hoà giải thật sự và xoá bỏ mọi hiềm khích.

Nói đoạn, ông bước xuống mà ôm chầm lấy Tuyết, rồi đến Ích. Mọi người cứ thế mà làm theo. Những giọt nước mắt hạnh phúc chợt tuôn rơi. Cả những binh sĩ đứng gác bên ngoài chính điện cũng không thể cầm lòng. Có người còn chợt khóc tống lên. Cũng có người hô vang: "Tương lai của dân tộc đây rồi. Mắt ta đã sáng lên rồi. Tạ ơn trời đất, tạ ơn tổ tiên".

Chờ mọi người bình tâm, Toản lên tiếng:

- Các vị Khanh gia xin bình tâm lại. Hôm nay bờ cõi đã định nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Trẫm sẽ nêu từng việc ra đây để chúng ta cùng bàn. Có bốn việc cần kíp. Thứ nhất, về chế độ làm việc. Chúng ta sẽ không phải chầu triều mỗi ngày, tốn thời gian. Thay vào đó, tuỳ vào năng lực mỗi người mà các Khanh được phân vào mỗi bộ khác nhau. Mỗi ngày, các Khanh chỉ đến làm việc tại nhiệm sở, chúng ta sẽ chầu triều một ngày duy nhất trong tháng. Ý các Khanh thế nào?

- Khởi bẩm bệ hạ - Trịnh Hoài Đức nói. - Cả tháng vừa rồi, những người trong Nam chúng thần đã được đại nhân Phan Huy Ích phổ biến cách làm ở miền Bắc. Thần thấy cách này rất hay, nhưng có vài điều cần bổ sung thêm.

- Khanh nói xem. Thứ nhất, chúng ta nên tổ chức hai lần chầu triều mỗi tháng, một đầu tháng và một giữa tháng. Nhân sự cũng không cần nhiều, chỉ cần bộ trưởng và thứ trưởng là đủ. Thứ hai, chúng ta cần phân lại các bộ hiện tại.

- Ý ông là cần bỏ bớt hay thêm vào một số bộ? - Phan Huy Ích hỏi.

- Thêm vào và cả tách ra. Này nhé, bộ văn hoá và giáo dục tách làm hai. Bộ tài chính tách làm hai thành bộ tài chính và ngân hàng. Cải tổ lại bộ y tế, tách thành hai ngành là Đông y và Tây y. Ngoài ra, lập thêm bộ khoa học. Sự phát triển của miền Bắc cho thấy chúng ta cần có một cơ quan chuyên nghiên cứu khoa học để chủ động phát triển những kỹ nghệ mới. Ngoài ra, chúng ta lập thêm bộ tư pháp để xét xử các vụ khiếu kiện và các vụ án. Và mỗi địa phương đều có một cơ quan cấp dưới của bộ. Làm như vậy, áp lực của các quan chưởng quản cũng giảm đi. Vì thế, sự nhũng nhiễu dân lành cũng sẽ giảm bớt.

Sau khi nghe ý kiến của Đức, các quan bắt đầu tranh luận. Không khí lúc này sôi động hẳn lên. Đa phần ý kiến mọi người đều đồng ý. Cuối cùng, mọi người nhất trí với mười bốn bộ bao gồm: Chính trị nay nâng tổng thành viên lên hai mươi lăm người, Quân sự, An ninh, Tư pháp, Văn hoá, Giáo dục, Khoa học, Ngoại giao, Tài chính, Ngân hàng, Y tế, Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương nghiệp. Riêng bộ chính trị, Toản quyết định sẽ khai tử sau mười năm nữa. Thay vào đó là Quốc hội gồm hai viện: Thượng viện chính là bộ chính trị hiện tại, còn lại là Hạ viện gồm những quan chức do chính người dân bầu lên.

Lúc này, Toản lại nói:

- Việc thứ nhất đã xong. Việc thứ hai vô cùng cần kíp. Đó là tổ chức lại quân đội. Ý các Khanh ra sao?

Nguyễn Quang Huy lúc này đang là bộ trưởng bộ Quốc phòng tiến lên nói:

- Khởi bẩm. Sau trận nội chiến vừa rồi, ba quân đoàn chúng ta bị tổn thất khá nhiều, quân đội miền Nam lại theo cơ chế cũ với phần đông là quân nhân trên hai mươi bảy tuổi. Theo ý thần, chúng ta hãy nhanh chính sát nhập cả hai bộ phận quân đội lại. Sau đó, ta tái cơ cấu thành bốn quân đoàn ứng với ba miền và Tây Nguyên. Những người trên hai mươi bảy tuổi sẽ có bốn hướng cho họ lựa chọn. Một là giải ngũ cùng một số vốn để làm ăn; Hai là cho họ đi học nghề và phân vào các đơn vị của Nhà nước làm việc; Ba là những ai muốn gắn bó với binh nghiệp sẽ được học tập để trở thành sĩ quan; Bốn là những người có nhiều kinh nghiệm được điều về làm công tác huấn luyện tại các quân trường.

- Về cách an trí quân đội, thần không đồng ý lắm thưa Bệ hạ - Võ Tánh nói.

- Khanh thử phân tích xem.

- Thần đồng ý với bốn quân đoàn. Nhưng muốn bổ sung thêm. Mỗi hành tỉnh, chúng ta nên lập một đội quân địa phương. Đây là đội quân phản ứng nhanh và dự bị cho quân chủ lực. Thành phần chính sẽ là những ai vừa đậu Tú tài hai và chuẩn bị vào Cao đẳng. Họ buộc phải vào đội quân này để rèn luyện một năm. Sau đó, họ được về địa phương để tiếp tục học hành. Người chỉ huy của họ chính là lấy từ nhóm quân nhân thứ tư như đại tướng bộ trưởng Nguyễn Quang Huy nói.

- Thần cũng đồng ý với tướng quân Võ Tánh - Nguyễn Văn Tuyết nói - nhưng cũng xin góp ý thêm. Những tướng quân như Võ Tánh tướng quân cũng sẽ như thần. Tức là sẽ làm việc ở ban Tổng tham mưu mà không trực tiếp cầm quân. Các vị có tầm nhìn. Thế nên việc đứng ở một bên chỉ đạo, tạo điều kiện cho các sĩ quan trẻ để họ ra sức cống hiến sẽ hay hơn. Không biết, ý của Võ Tánh tướng quân thế nào?

- Ý kiến này rất hay. Thần nghĩ, điều này sẽ phù hợp với chúng thần. Ngoài ra, phần của thần, khẩn mong Bệ hạ cho thần đảm nhiệm công việc đào tạo sĩ quan. Thần muốn truyền kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ.

- Thế còn hải quân? - Người hỏi Nguyễn Văn Thành.

Nguyễn Văn Thành cũng giống Vũ Văn Dũng ngày trước. Ông là tướng quân nhưng lại có chiều hướng thích và gắn bó với hải quân. Bởi vậy, ông không quan tâm sao được khi mà còn đó cả trăm chiến thuyền và lính thủy.

- Tôi cũng tính cả rồi. Đoàn thuyền đang neo đậu ở Cam Ranh đáp ứng được nhu cầu cho thời cuộc chỉ là một phần hai, tức là khoảng ba trăm chiếc. Điều này vừa khéo lập thành một hạm đội. Cái cần làm là bổ sung thêm ba chiếc Định Quốc nữa là đủ, việc này cũng không lo, năm sau chúng ta sẽ hoàn thành. Như vậy, chúng ta sẽ có bốn hạm đội. Trong đó, sẽ có sự luân phiên trú đóng ở ba miền và một hạm đội viễn dương tuần duyên. Cứ hai năm sẽ có một đợt luân chuyển.

- Vậy số còn lại thì sao? - Thành hỏi tiếp.

- Một nửa trong số đó, ta sẽ cải biến chúng thành thuyền buôn và bán cho thương nhân. Việc này sẽ được giới thương buôn ủng hộ. Bởi lẽ, có vài chiếc chiến thuyền trong thương đội sẽ giúp họ có thể chủ động đối phó cướp biển. Số còn lại, ta sẽ bán cho các nước khác. Dù gì thì chiến thuyền của chúng ta cũng là số một ở châu Á.

Nói như Huy, xem ra vấn đề thứ hai đã được giải quyết. Mà quả vậy, mọi người hết sức ủng hộ. Nhất là đối với hải quân, giải pháp này vừa giúp nước nhà có thêm tiền để xây dựng, lại không lãng phí. Lúc này, Toản mới nêu vấn đề thứ ba.

- Các Khanh, vấn đề thứ ba, Trẫm đã có ý riêng của mình. Chỉ cần các Khanh tiến cử cho Trẫm một người thôi. Đó là an bài cho thành phố mới Sài Gòn. Trẫm sẽ đặc phái hai người là Phan Huy Chú và Phạm Thái quy hoạch thành phố và tiến hành xây dựng nó. Họ là hai người chọn đúng ngành này để học ở trời Tây. Kinh phí ban đầu sẽ do triều đình cung cấp. Các năm sau đó, Sài Gòn chỉ cần nộp lại một phần ba tiền thuế, còn lại sẽ được dùng cho xây dựng. Chưa hết, số tiền xây dựng rất lớn. Do đó, cần huy động thêm tiền trong dân. Và gánh nặng này cần một người đứng ra gánh vác, đồng thời cũng là người đứng đầu thành phố. Các Khanh hãy đề cử người này cho Trẫm.

Bá quan lúc này đều nhất trí đề cử một người. Vị này bản thân là một tướng quân, lại từng giữ chức Tổng trấn Gia Định và được bá tính yêu thương. Không ai khác, đó là Tả quân Lê Văn Duyệt. Nói thật, không ai hiểu rõ người dân ở đây bằng ông. Bởi thế, Toản ưng thuận, giao lại trọng trách cho ông với chức vụ mới, Thị trưởng thành phố. Phụ tá cho Duyệt là Hoàng Minh Khánh.

- Việc thứ tư, Trẫm sẽ bàn riêng với bộ Quốc phòng và bộ Chính trị. Kết quả thế nào, các Khanh sẽ được biết sau. Giờ thì, trừ hai bộ Trẫm vừa nói, tất cả hãy nghỉ ngơi.

Lúc này, buổi chầu triều kết thúc. Vấn đề thứ tư, các quan dù vô cùng thắc mắc vẫn không tài nào biết được. Phải đến năm năm sau, bí mật mới được hé lộ. Và cũng chính nó đã làm nên tên tuổi của nước Việt Nam.

...............

Từ sau ngày lễ Đăng cơ của nhà vua trẻ, thành Gia Định đã khoác lên mình một diện mạo mới. À, phải nói là thành phố Sài Gòn mới đúng chứ. Như lời đã hứa, Toản giao cho Phạm Thái và Phan Huy Chú quy hoạch lại toàn bộ đường sá, nhà cửa của thành phố mới. Đây là hai người nổi bật nhất trong nhóm du học sinh đầu tiên sang Anh Cát Lợi. Cũng không hiểu đây là do có sự sắp đặt giữa họ hay vô tình mà hai người lại theo học hai ngành riêng biệt nhưng bổ trợ nhau. Đó là quy hoạch đường sá và quy hoạch nhà cửa. Sau mấy ngày cùng nhau nghiên cứu, bàn bạc, cả hai cùng quyết định bắt tay từ Gia Định. Đây là khu vực chính của thành Phụng hay thành Bát Quái ngày trước. Các con đường đan xen với nhau theo đường thẳng thành hình bàn cờ. Vả lại, bề rộng của các con đường đều tương đương nhau, cho phép bốn chiếc xe ngựa lớn cùng di chuyển theo hàng ngang.

Trước tiên, Phan Huy Chú với ngành học quy hoạch đường sá đã làm liền hai bản vẽ. Bản thứ nhất rất đơn giản, nó chính là sự phân bố của các con đường hiện hữu. Điều khác biệt so với hệ thống đường sá cũ đó là một con đường sẽ bao gồm lòng đường rộng lớn để xe cộ qua lại và hai vỉa hè ở hai bên dành cho người đi bộ. Bản thứ hai, anh cho xây dựng hệ thống đường thoát nước. Phải biết, thời điểm này, các thành phố lớn ở châu Âu đều có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh bên dưới các con đường. Phan Huy Chú quyết định khu vực này sẽ có một đường thoát nước chính, đặt sâu bên dưới, cách mặt đường bốn mét. Anh gọi đây là đường thoát nước cấp một. Đã có cấp một thì đương nhiên sẽ có cấp hai. Đó là những đường thoát nước nằm cắt ngang đường cấp một và được đặt cách mặt đất ba mét rưỡi. Và cuối cùng là đường thoát nước cấp ba, chạy song song với đường cấp một, nằm cách mặt đường ba mét. Theo bản vẽ, nước thoát từ mỗi căn nhà sẽ theo những đường ống nhỏ hơn đổ vào một chiếc hố sâu gọi là cống. Từ đây, nước thải sẽ đổ vào các đường cấp ba rồi chảy vào cống của đường cấp hai. Nước thải của những nhà nằm trên đường cấp hai sẽ đổ vào cống của đường cấp hai và cũng tương tự với những nhà nằm trên đường cấp một. Như vậy, nếu nhìn tổng thể thì nước thải sẽ theo đường cấp ba đổ vào cấp hai rồi đến cấp một. Các miệng cống đều có nắp đậy với những lỗ nhỏ cho nước mưa chảy xuống và cứ bốn căn nhà sẽ có một cống đặt bên vệ đường. Cuối đường thoát nước cấp một sẽ là một trung tâm nước thải với ba miệng cống lớn hình tròn, đường kính năm mét, sâu tám mét đặt nối tiếp nhau và sau đó là đường ống đổ ra sông Đồng Nai. Để tạo nên các đường thoát nước này, Chú đã huy động các thợ gốm sứ làm ra những đường ống hình tròn từ đất sét như các vật dụng họ thường làm nhưng có thêm bột đá vôi và cát. Đây chính là một loại chất liệu kết dính để xây dựng mà anh học được ở Anh Cát Lợi. Các đường ống có hình trụ tròn, đường kính lần lượt là hai mét, một mét rưỡi và một mét tương ứng với ba loại đường ống cấp một, hai và ba. Thành ống cũng khá dày, khoảng một tấc rưỡi.

Tương tự như Phan Huy Chú, Phạm Thái cũng dùng cùng một loại chất liệu kết dính những viên gạch đất nung để xây nên những căn nhà. Anh quy định, khu vực Gia Định này chính là trung tâm chính trị và tài chính của thành phố. Đây chính là nơi tọa lạc nội cung cũ, được xây dựng lại thành một tòa nhà lớn và hiện đại, anh gọi đó là Tòa Thị chính. Ngoài ra, khu vực này còn có tòa nhà chi nhánh của Ngân hàng trung ương, các ngân hàng tư nhân, văn phòng làm việc của các ban ngành và nhà ở của các quan.

Như vậy, theo như sự phân định của hai người, khu vực Gia Định là trung tâm chính trị, tài chính. Kế đến, khu vực Sài Gòn là nơi người Việt sinh sống và kinh doanh. Khu vực Chợ Lớn là nơi người gốc Hoa sinh sống. Riêng người phương Tây, họ có thể sinh sống và làm việc ở Sài Gòn hay Chợ Lớn đều được. Tuy nhiên, những người châu Âu này lại thích và chọn Sài Gòn làm nơi ở và làm việc. Khu vực Chợ Lớn vì thế mà gần như trở thành khu vực riêng của người Hoa, tuy nhiên, nơi đây cũng chính là địa điểm tập kết của các mặt hàng nông sản từ vùng đồng bằng trù phú đổ về. Ngoài ra, khu vực Tây Bắc của thành phố là một vùng đất mới. Nơi đây, hai người phân định sẽ là nơi đặt các nhà xưởng với các nhà máy dệt, nhà máy sắt thép, nhà máy gạo và nông sản, những làng nghề thủ công, tách biệt với phần còn lại của thành phố chuyên dùng cho dân chúng cư ngụ, buôn bán.

Theo lệnh của Toản, Chú và Thái phải hoàn tất việc xây dựng cơ bản cho thành phố mới trong năm năm. Đây là một việc xem ra rất khó nếu nhìn từ lăng kính của người thế kỷ hai mươi mốt. Thế nhưng, đây là giai đoạn đầu của thế kỷ mười chín. Đất đai lúc này rất thoáng và rộng rãi. Một căn nhà cao nhất cũng chỉ có hai tầng, bề ngang là tám mét. Vả lại, khi xây dựng đường sá cũng là lúc dân cư sinh sống ở đây đồng thời cho xây lại nhà mình. Vì thế, thời gian năm năm là khả thi. Hai anh quyết định, trong năm đầu tiên, họ sẽ hoàn thành khu vực Gia Định cùng khu nhà xưởng vùng Tây Bắc. À, cũng phải nói thêm, đường đất cũng không còn tồn tại nữa. Sau khi lắp đặt các đường ống thoát nước, lấp đất đá, trên bề mặt sẽ là một lớp phủ của hỗn hợp chất kết dính và cát, đá dày một tấc. Hai vỉa hè cũng được lát đá.

Ba năm thấm thoát trôi mau. Thành phố Sài Gòn nay đã thành hình trước thời hạn. Nó đã bắt đầu mang dáng dấp của một trung tâm kinh tế, tài chính với bốn quận. Theo đó, các quận được đánh số từ một đến bốn tương ứng với các khu vực Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tây Bắc. Các con đường cũng đặt tên bằng hai số đại diện cho quận và số thứ tự của nó trong quận, giữa hai số lại được ngăn cách bở một dấu gạch ngang. Trên mỗi quận đều có hai bệnh viện lớn, một của Đông Y và một của Tây Y. Lại nữa, trừ quận một, ba quận còn lại đều có ba trường tiểu học, hai trường sơ trung và một trường cao trung phục vụ cho việc giáo dục. Trước mắt, trong năm năm này, tất cả các trường dù là sơ trung hay cao trung đều được dùng để dạy học cấp một, đến năm thứ sáu, tức là năm hiện tại, 1807, các trường sơ trung sẽ chính thức hoạt động và sau đó sẽ tương tự với trường cao trung.

Có câu "dùng người thì không nghi", từ ngày đăng cơ, Quang Toản tỏ ra vô cùng tin tưởng khi đặt thành phố Sài Gòn vào tay vị tổng trấn năm xưa của thành Gia Định, Lê Văn Duyệt. Phải nói, trong số quan lại, binh tướng triều Nguyễn, không ai hiểu rõ nơi đây bằng ông. Giờ đây, ở triều đại mới, Duyệt càng chứng tỏ được bản lĩnh của mình. Nhờ ông mà Phan Huy Chú và Phạm Thái luôn có đầy đủ tiền mà kiến tạo thành phố.

Lại có câu "phi thương bất phú", Lê Văn Duyệt liên tục đưa ra những chiến lược phát triển thương nghiệp vô cùng hiệu quả. Thành phố Sài Gòn dù vừa phải lo xây dựng, vừa phải đảm bảo cho cuộc sống của mấy trăm nghìn người vẫn nộp về cho ngân khố một lượng tiền rất lớn. Có được điều này nhờ vào đâu nếu không phải do chính sự điều hành thông minh và khéo léo của ông?

Cảng Bến Nghé từ sau ngày bị tàn phá bởi sự tấn công của người Phú Lang Sa nay đã trở thành cảng dành cho các loại tàu thuyền chuyên chở hành khách. Mọi hoạt động giao thương đường thủy với nước ngoài giờ đây chuyển hẳn sang cảng mới, cảng Sài Gòn. Các thương thuyền với nhiều quốc tịch cập bến ngày càng nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hàng hoá luân chuyển qua đây.

Có thể nói, phát triển thành phố Sài Gòn là một quyết định vô cùng đúng đắn. Người dân thành phố hiểu rất rõ vị thế mới của nơi mà mình đang sinh sống. Bởi thế, khi ngài thị trưởng vận động một thì họ đóng góp tới gấp hai, ba lần. Họ lại còn đóng góp sức lao động để xây dựng nữa. Thường thì mỗi gia đình đóng góp hai người thanh niên trai tráng vào đội ngũ thợ xây dựng.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mà việc xây dựng chỉ mất có ba năm là đã hoàn thành. Không những thế, dù rằng Toản đã cho phép giữ lại một phần tiền thuế để xây dựng nhưng Sài Gòn vẫn nộp vào ngân sách một số tiền khổng lồ. Nhân sự thành công của Sài Gòn, Toản cũng hạ lệnh cho tất cả các thành phố lớn nhỏ trong cả nước tiến hành quá trình lột xác của mình. Ngay cả Thăng Long và Kinh thành Phú Xuân cũng có nhiều nét đổi mới. Quá trình đô thị hóa ở đây phát triển vô cùng mạnh mẽ. Tuy vậy, cả hai nơi đều không mang kiến trúc đậm nét châu Âu như Sài Gòn. Thăng Long được bao phủ bởi lối kiến trúc ấm áp tình người của nền văn hóa Việt từ nghìn xưa với các căn nhà mái ngói đỏ tươi cùng những họa tiết rồng phụng. Kinh thành Phú Xuân lại mang tính chất giao hòa giữa cổ kính và hiện đại.

Cũng từ sau khi Sài Gòn thành hình, một bộ mới trong thể chế chính trị mới cũng được lập nên, bộ Xây dựng. Chức năng của nó đúng như tên gọi, đảm nhiệm việc xét duyệt các công trình mới từ đường xá, nhà cửa đến việc bảo trì. Kể cả việc điều hành các bến cảng, các trạm xe ngựa cũng được bộ quán xuyến. Bộ trưởng của nó chính là Phạm Thái. Ngay cả người thợ già Vũ Huy Cẩn nổi tiếng với các công trình kiến trúc, người chế tác các loại vũ khí cùng tàu thuyền cũng được điều về làm việc tại đây.

Cả nước sục sôi trong không khí xây dựng. Nếu lúc trước, mọi kinh khí đều dồn cho Sài Gòn thì nay, chính Sài Gòn lại cấp kinh phí cho cả nước. Mọi vấn đề giao thương đều đưa về cảng Sài Gòn. Sau khi mọi việc hoàn thành thì trật tự sẽ quay về như cũ. Và đây cũng chính là lúc mà thời điểm năm năm như Toản đã nói cũng đến gần. Và, diện mạo của cả đất nước cũng biến đổi mạnh mẽ. Từng bước phát triển vững chắc đã đặt vào tay mỗi người dân Việt một nền móng vững chắc cho cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Đó cũng chính là thời điểm công bố vấn đề thứ tư mà Toản hứa lúc trước đã đến gần, hứa hẹn một tương lai sán lạn cho sự chuyển mình bay lên của con rồng Việt Nam.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom