• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Cảnh Thịnh Đế tân truyện (1 Viewer)

  • Chương 66: Rúng động Thanh triều

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, Hải quân Hoàng gia Anh Cát Lợi lại tiếp tục phát động một cuộc tấn công mới vào xứ Cảng Thơm. Một điều làm đạo quân viễn chinh thấy khá bất ngờ là họ hầu như không gặp phải sự kháng cự nào đáng kể. Chỉ huy hải đội là viên đại tá Thomas Simon. Đó là một người đàn ông cao to với làn da đen sạm, đặc trưng của những người dành phần lớn thời gian của mình lênh đênh trên biển cả.

Càng ngạc nhiên hơn khi mà Simon và mấy viên sĩ quan lại được chào đón trên đảo này. Những người dân hiền lành nhìn họ với ánh mắt đầy thiện cảm. Hỏi ra mới biết, thì ra mặc dù Hồng Kông xưa nay vẫn thuộc Đại Thanh nhưng mấy khi được triều đình quan tâm tới. Đa số dân cư hành nghề đánh cá. Đất đai ở đây thuộc dạng đồi núi, khó có thể trồng được các loài cây lương thực. Ấy vậy mà cũng chẳng thấy triều đình chủ động trong việc tiếp tế bao giờ. Để lo cho cái ăn của mình, người dân chỉ còn hai cách. Một là họ cập cảng Quảng Châu để bán con cá, con tôm mình mới đánh bắt được và mua về mớ rau, nắm gạo. Thứ hai, khác với đại lục, các thương nhân thường xuyên ghé lại buôn bán, đó cũng chính là kế sinh nhai của người dân.

Cũng bởi như thế mà trong lòng mỗi người dân nơi đây, họ không muốn làm một phần của Đại Thanh nữa. Nhân người Anh Cát Lợi tiến chiếm, họ lại mở cửa chào đón. Sự kháng cự mấy ngày trước chẳng qua là của thủy quân Quảng Đông. Có thể nói, việc người Anh Cát Lợi chiếm Hồng Kông cũng chính là cứu cánh cho những người dân hiền lành nơi đây.

Đặt chân lên cảng, dạo bước trên những con đường, Simon đã định hình được tương lai của hòn đảo mang tên Hồng Kông này nếu nó nằm dưới sự quản lý của Vương quốc Anh Cát Lợi. Ông nhanh chóng tìm đến dinh thự vốn dùng làm trung tâm quản lý của cả vùng. Đó là một quần thể dinh thự mang đậm nét kiến trúc “Tứ hợp viện” đặc trưng của Trung Quốc.

Bước chân vào đây, Simon được tiếp đón bởi ba người đàn ông, hai người còn khá trẻ, người kia thì lớn tuổi hơn và lưng hơi bị gù. Người thanh niên trẻ mở lời:

- Xin chào, có lẽ ông là người chỉ huy cao nhất của hải đội nước Anh Cát Lợi. Chúng tôi chờ ông ở đây đã lâu rồi.

- Các ngài là… – Simon hỏi.

- Đây là An Định Vương Hạo Mân, còn đây là Lưu Dung, Lưu Đại học sĩ. Tôi là Đổng Các, người sẽ phiên dịch cho hai vị đại nhân.

- Xin chào, tôi là Đại tá Thomas Simon, chỉ huy phó Hải đội Hoàng gia số mười bảy, dưới quyền của Đô Đốc Mark Downing.

Thông qua người phiên dịch Đổng Các, Hạo Mân hỏi Simon:

- Vậy ông cho ta hỏi, Mã Đại nhân hiện thời có mặt ở đây hay không? Và ông có quyền định đoạt mọi sự thay ngài ấy hay không?

- Đô đốc hiện đang giữ vai trò Tổng Lãnh sự Hoàng gia tại Việt Nam. Ông ấy đang ở Phú Xuân. Tôi có thể định đoạt mọi sự. Tuy nhiên…

Simon trả lời, bỏ lại một câu nói lấp lửng làm cho mấy người đối diện cảm thấy ngạc nhiên. Hạo mân hỏi:

- Tuy nhiên thế nào? Xin ngài hãy nói rõ.

- Ý tôi là các ngài chờ tôi ở đây là vì mục đích gì?

- Giao dịch – Hạo Mân nói. – Ta muốn cùng ông làm một giao dịch.

- Giao dịch? Giữa chúng ta có gì mà giao dịch. Và cũng xin các ngài cũng đừng quên, đất này nay đã thuộc về quyền quản lý của Hoàng gia Anh. Các ngài nên hiểu và chú ý thái độ của mình.

Đổng Các bỗng nhiên thấy khó xử khi phiên dịch lại câu này. Cuối cùng, anh ta nói lại với Hạo Mân và Lưu Dong:

- Ngài ấy nói Vương gia muốn giao dịch gì với người Anh Cát Lợi.

Rõ ràng là Đổng Các sợ rằng Hạo Mân sẽ nổi giận khi dịch lại nguyên văn. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi mà Hạo Mân vẫn giữ thái độ cao cao tại thượng cố hữu:

- Ta muốn các ông từ bỏ An Nam và hợp tác với Đại Thanh triều.

Chưa đợi Đổng Các phiên dịch, Simon gằn giọng với vẻ giận dữ:

- Tôi nhắc lại, các ngài phải chú ý thái độ của mình. Đây không phải là tư thế của kẻ bại trận.

Thấy vẻ mặt cùng giọng nói hậm hực của người sĩ quan cao cấp Anh Cát Lợi, Hạo Mân tỏ vẻ không hiểu và khó chịu. Trong khi đó, Lưu Dong cảm thấy có gì đó không ổn, ông hỏi Đổng Các:

- Phải chăng ngươi phiên dịch có gì sai mà ngài ấy giận dữ thế này? Còn không mau nói lại cho đúng.

Đổng Các run rẩy rồi hướng Hạo Mân mà quỳ sụp xuống. Y bất đắc dĩ nói mình không dám dịch nguyên văn câu nói trước đó vì sợ hai người, nhất là Hạo Mân nổi giận. Đoạn, y ấp úng dịch lại nguyên văn câu nói trước đó sau khi Lưu Dong bảo.

Lúc này Hạo Mân muốn phát tác. Song, Lưu Dong đã kịp thời cản lại. Ông nói:

- Vương gia, xin bớt nóng giận mà hư đại sự. Để thần nói với y vài câu.

Nói rồi ông quay sang Simon:

- Xin ngài thứ lỗi. Chúng tôi ở đây là có thành ý cùng quý quốc bàn chuyện hợp tác.

- Nếu muốn nói hợp tác thì trước tiên, các ngài hãy bỏ thái độ đó đi. Chưa hết, hãy bước xuống, các ngài không có quyền ngồi trên cao mà nói chuyện với tôi. Nhắc lại, nơi đây không còn là đất của các ngài nữa. Nếu muốn, tôi có thể cho người bắt lấy các ngài mà không cần hỏi nguyên do.

Nghe lời phiên dịch, giữa ba người nhà Thanh lại nói chuyện xì xào. Cuối cùng, Hạo Mân đành nhượng bộ mà hạ thấp tư thế, bước xuống đứng ngang hàng với Simon. Lưu Dong lại hỏi:

- Chúng tôi như thế này đã được hay chưa? Chúng ta đã có thể bàn bạc với nhau hay chưa, Sài Đại nhân

Lưu Dong nói Thomas Simon là Sài Đại nhân do biết Simon là họ của ông ta và phát âm theo tiếng Hoa là Sài, phiên âm là Xĩmẽn. Lúc này, Simon đã dịu xuống đôi phần. Ông ta cũng đồng ý nghe thử những người trước mặt muốn nói gì. Đến khi biết được mục đích của họ, ông ta cười lớn:

- Ha… ha… Các ngài nói dễ nghe nhỉ. Bảo tôi đình chiến. Nên nhớ, tôi là một quân nhân, mệnh lệnh của cấp trên trực tiếp là tối thượng. Vả lại, tôi cũng không có đủ thảm quyền để nói chuyện từ bỏ bang giao với Việt Nam mà hợp tác với các ngài. Hơn nữa…

- Hơn nữa gì? – Hạo Mân có vẻ muốn phát tác.

- Hơn nữa, Trung Quốc các ông giờ chỉ là con rồng giấy còn Việt Nam mới thực là một con rồng. Nói thật với các ông. Nếu như Việt Nam muốn xâm chiếm Trung Hoa, thật không cần người Anh chúng tôi nhúng tay vào. Trong vòng chưa tới ba tháng, họ thừa khả năng càn quét đất nước các ông. Ngay cả người Anh chúng tôi cũng không dám chắc khả năng chiến thắng nếu đối đầu với họ.

- Nếu nói như đại nhân – Lưu Dong cướp lời của Hạo Mân và nói, – An Nam cũng là mối uy hiếp với quý quốc. Có câu “kẻ thù của kẻ thù chính là bạn”. Thế tại sao quý quốc lại không chấp nhận từ bỏ nước này mà kết đồng minh với chúng tôi?

- Ngài nói thế là sai rồi. Việt Nam tuy mạnh nhưng chưa phải là mối uy hiếp với chúng tôi. Nếu xảy ra chiến tranh mà nói, chúng tôi bất quá chỉ là ngang ngửa với nhau. Tuy nhiên, điều này là không thể vì chúng tôi không hề có mâu thuẫn về lợi ích và chiến tranh chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho cả hai phía. Chưa hết, các ngài có thể cho chúng tôi được những gì? Trong khi tất cả những gì các ngài có, chúng tôi có. Tất cả những gì chúng tôi cần, các ngài không có nhưng Việt Nam lại có. Họ còn có những gì chúng tôi cần trong tương lai nữa.

- Ngài có thể cho chúng tôi ví dụ không? – Lưu Dong lại hỏi.

- Các ngài có thứ này không? Chắc là có nhưng lại kém xa lắm.

Simon lấy ra một khẩu TSG02 và đưa đến trước mặt ba người. Họ lúc đầu bỉu môi, tỏ vẻ chúng tôi cũng có. Thế nhưng, khi cầm lấy khẩu súng, họ biết là mình đã sai lầm. Loại súng này nhà Thanh không thể nào làm được và cũng không thể nào chống lại được.

Mồ hôi Lưu Dong chợt vả ra như tắm. Ông hiểu, đừng nói là ba tháng, với loại vũ khí này cùng với tốc độ hành quân vốn đã làm nên thương hiệu của binh sĩ Việt Nam, chỉ cần chưa đến một tháng, đối phương đã có thể đánh chiếm Bắc Kinh, buộc Hoàng đế phải đầu hàng. Các địa phương khác tất cũng sụp đổ theo.

Trái ngược với Lưu Dong, Hạo Mân chỉ biết đây là một khẩu súng như bao khẩu súng khác. Nó chẳng giúp được gì nhiều. Chỉ là nó nhìn có vẻ đẹp hơn. Nhìn sang người thầy của mình, y cảm thấy ngạc nhiên khi mà ông ta đổ mồ hôi, gương mặt có vẻ bất an. Y hỏi:

- Lưu Đại nhân, thầy, thầy làm gì mà có vẻ thất thần thế? Đây chỉ là một khẩu súng tầm thường thôi mà.

- Vương gia. Ngài không thấy đây là một cây súng đặc biệt khác thường hay sao?

- Có gì mà đặc biệt? Đại nhân nói ta nghe thử.

- Vương gia không thấy nó không có bộ phận đánh lửa và không cần nhồi đạn hay sao? Những viên đạn nằm ở đây, lại có năm viên. Tức là khi ta bắn hai viên đạn, họ đã bắn được năm viên. Như vậy thì không cần phải hỏi cũng biết ưu thế trên chiến trường của nó.

Hạo Mân cuối cùng cũng không phải là người thiển cận. Y đã hiểu ra vấn đề và suy đoán:

- Như vậy, bọn An Nam có thể chỉ bằng quân số một phần năm chúng ta cũng có thể tiêu diệt sạch ta. Nói vậy… nói vậy… nói vậy…

Y nói liền ba chữ “nói vậy” xong thì im bặt. Lưu Dong gật đầu và nói:

- Đúng vậy, thần e là năm mươi vạn quân của ta đi Nam chinh lành ít dữ nhiều. Cũng có lẽ chúng ta đã đại bại và chúng đang hành quân sang đánh nước ta.

- Có lẽ vậy. Thôi chết… thế thì chúng ta phải tức tốc trở về hồi báo Phụ hoàng. Nếu không thì mọi việc sẽ vô cùng xấu.

Đoạn, lúc này y không còn tỏ ra ngạo mạn nữa. Y quay sang nói với Simon:

- Sài Đại nhân. Chúng ta đã hiểu ra nhiều vấn đề. Ta có việc, phải về Hoàng cung gấp. Xin thứ lỗi.

- Sao các ngài lại vội thế? Các ngài không hiểu tại sao tôi lại tỏ ra hào phóng khi cho các ngài xem khẩu súng này hay sao?

- Ý ngài là…

- Đúng vậy. Mời ba ngài vui lòng ở lại nơi đây. Sau khi xong việc, chúng tôi sẽ để cho các ngài đi đâu tùy thích.

Theo quan điểm Nho giáo, trong chiến tranh, hành động bức hại hai bắt giam sứ giả là điều đáng xấu hổ. Thế nhưng, đây lại là chiến tranh hiện đại, người Anh Cát Lợi cũng là những người thực dụng. Họ cần những cái cụ thể chứ không phải là lời hứa hão huyền. Và hơn hết, họ là một dân tộc cực kỳ trọng chữ tín.
Và theo sau lời của Simon, ba người nhà Thanh không còn có thể nói được gì hơn. Họ bị mấy người lính Anh Cát Lợi dẫn đi và giam lỏng ở ba căn phòng khá xa nhau ngay trong chính tòa dinh thự này. Ít ra, người Anh Cát Lợi không có xem họ như những tù phạm. Họ được xem là tù binh chiến tranh và đối xử không đến nỗi tệ.

……………

Trở lại với biên giới Việt – Trung, ngày 5 tháng 12, hai quân đoàn Việt Nam đồng loạt tiến quân qua đất nhà Thanh. Nếu như ngày trước hai lộ quân Thanh xuất phát từ đâu thì nay chúng cũng chính là hai mục tiêu đầu tiên. Có khác với lần bảo vệ đất nước vừa rồi chính là sự tham chiến của Quân đoàn hai và Quân đoàn ba. Lý do để chọn hai quân đoàn này cũng không bởi vì Toản muốn cả bốn quân đoàn dưới tay mình đều có quân công. Điều chính yếu đó là trong thời gian vừa qua, khi hai đơn vị bạn chiến đấu bảo vệ non sông, hai quân đoàn này đã cử người đi trinh sát để nắm được địa thế cũng như bố phòng của địch.

Với ưu thế về sức mạnh của vũ khí, Quân đoàn hai nhanh chóng chiếm được tỉnh Hồng Hà, thuộc hành tỉnh Vân Nam ngay trong ngày đầu xuất quân. Sau đó, lấy tốc độ nhanh nhất, trong vòng bảy ngày, họ đã chiếm được tỉnh Khúc Tĩnh, hành tỉnh Vân Nam, Bách Sách, Hà Trì, Lai Tân, Liễu Châu thuộc hành tỉnh Quảng Tây.

Cũng trong vòng năm ngày, Quân đoàn ba chia làm hai cánh quân. Cánh thứ nhất với một phần ba quân số, được hạm đội một yểm trợ, nhanh chóng chiếm Phòng Thành, Khâm Châu, Bắc Hải, Ngọc Lâm, Ngô Châu. Cánh thứ hai lại đánh lên hướng bắc, chiếm Sùng Tả, Nam Ninh, Quý Cảng rồi hội quân với cánh thứ nhất tại Ngô Châu. Hai ngày sau, họ chiếm được Hạ Châu và Quế Lâm.

Như vậy là trong vòng một tuần lễ, hai quân đoàn đã hoàn toàn chiếm được hành tỉnh Quảng Tây. Sở dĩ Việt Nam phải mất một tuần lễ để chiếm Quảng Tây vì đây là lệnh của Toản. Lẽ ra Việt Nam có thể chỉ một đường đánh đến tận Bắc Kinh, như vậy thì quả đúng như Lưu Dong đã đoán, chỉ cần chưa đến một tháng là đã đến được dưới chân thành Bắc Kinh. Anh ra lệnh cho hai quân đoàn như vậy là để đường đường chính chính nắm Quảng Tây và Quảng Đông trong tay sau này, không phải là chiếm được nhờ vào việc đàm phán sau chiến tranh.

Lại thêm bảy ngày tiếp theo, hai quân đoàn này hội họp với đoàn quân Anh Cát Lợi và chiếm được toàn bộ hành tỉnh Quảng Đông. Vậy là chỉ trong vòng mười bốn ngày, “đất cũ” của Việt Nam đã được thu hồi. Ngay hôm sau, hai đạo quân, một Việt, một Anh Cát Lợi lại tách ra. Theo đó, hai quân đoàn của Việt Nam theo đường bộ, một đường tiến thẳng về Bắc Kinh. Phần người Anh Cát Lợi, họ men theo đường biển mà đánh thốc lên.

Vậy là chỉ trong hai tuần lễ đầu của tháng mười hai, nhằm vào cuối tháng mười âm lịch, nhà Thanh đã mất hoàn toàn Lưỡng Quảng, vùng đất được xem là trù phú bậc nhất của mình. Không, phải nói là bị thu hồi mới đúng. Bởi lẽ, từ triều đại nhà Lý kéo dài về rất xa trước đó, vùng đất này chính là của người Việt. Sự tình này đã tạo nên một trận rúng động khủng khiếp cho vương triều Gia Khánh. Nó cũng châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của Thiên Địa hội trên toàn cõi Trung Quốc.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom