Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Ván bài lật ngửa - Phần VI - Chương 11
P6 - Chương 11
Năm 1962 bắt đầu với thông cáo chung Việt – Mỹ, gồm mười một mục tiêu mà hai bên quyết tâm đạt cho kì được, trong đó, nổi bật là huấn luyện cán bộ hành chính xã ấp, mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội nông thôn, xây dựng mạng lưới thông tin đến tận các xóm hẻo lánh đã quy Ấp chiến lược, kể cả miền thượng du… Thông cáo bộc lộ rõ ý định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn: bằng mọi giá, phải nắm cho được đơn vị hạ tầng.
Một khía cạnh khác, thông cáo chứng minh sức ép của Mỹ đối với Chính phủ của ông Diệm: số phận của ông Diệm tùy thuộc ở chỗ có đủ khả năng đáp ứng chỉ tiêu của tướng Mỹ Taylor hay không – khôi phục trong vòng mười tám tháng toàn bộ đất đai bị mất từ cuối năm 1959. Gần như một sự phân công: Mỹ sẽ làm hết sức mình tăng cường quân chủ lực Nam Việt và trang bị, huấn luyện Bảo an, Dân vệ, các lực lượng an ninh khác để ngăn chận và đánh bại quân chủ lực Việt Cộng; với sự giúp đỡ cố vấn, phương tiện chiến tranh… của Mỹ, ông Diệm phải cáng đáng khối việc to lớn, phức tạp còn lại. Cẩn thận hơn, Mỹ cho phép Anh – dù là đồng chủ tịch hội nghị Genève về Đông Dương năm 1954 – thành lập phái đoàn viện trợ an ninh và chống du kích do Thiếu tướng Thompson đứng đầu. Mỹ tạo khá đủ điều kiện; người ta đã đọc trước ý định trong thâm tâm của họ: với những điều kiện tốt lành, dồi dào như vậy mà ông Diệm không trị nổi Việt Cộng thì cái cần phải đánh giá không phải là Việt Cộng mà là tài cán, uy tín của chính ông Diệm.
Nhu không khờ khạo đến nỗi không hiểu ý của Mỹ. Bởi vậy, anh ta hối thúc ngày đêm thuộc hạ các cấp ráo riết gom dân vào Ấp chiến lược – cố gắng chứng minh lần nữa “vai trò không thể thay thế” của Tổng thống Diệm trong sự nghiệp chống Cộng ở Nam Việt…
*
Luân gặp các Thiếu tá Nguyễn Thành Động, Lê Khánh Nghĩa, và Trương Tấn Phụng tại câu lạc bộ quân nhân, sau phiên họp kéo dài bàn về kế hoạch bình định nông thôn do Thiếu tướng Mai Hữu Xuân trình bày. Cuộc họp bắt đầu từ bảy giờ rưỡi sáng, kết thúc vào bốn giờ chiều, chỉ nghỉ ăn trưa có nửa giờ. Hầu hết chỉ huy trưởng Bảo an tỉnh, quận trưởng khắp Nam Việt đều có mặt. Họ ngồi chen chúc trong gian phòng rộng – hội trường của Bộ tổng tham mưu. Bài thuyết trình khô khan và lê thê của tướng Xuân, các bản đồ vằn vện bít kín tường, khói thuốc mù mịt khiến mọi người mệt nhoài. Tuy ai cũng có trước mình quyển sổ và cây bút, nhưng ít người ghi chép, hoặc chỉ ghi chép qua loa. Vả lại, cũng chẳng có gì để ghi chép. Tiếp lời tướng Xuân, thiếu tướng Anh – Thompson – báo cáo kinh nghiệm đánh bại du kích Mã Lai của ông ta. Không có phiên dịch – tướng Trần Văn Đôn, chủ tọa buổi họp, nói rõ: từ cấp thiếu tá trở lên, sĩ quan Nam Việt bắt buộc phải thạo tiếng Anh, mặc dù, chính tướng Đôn – tất nhiên, khi nói riêng với người thân – bĩu môi chê cái thứ tiếng “quê mùa,” còn cái giọng thì y như nhai kẹo cao su.
Bởi vậy, khi tướng Đôn kết luận rằng phiên họp rất có kết quả, cám ơn Thiếu tướng Mai Hữu Xuân và Thompson, tất cả vỗ tay nồng nhiệt rồi cùng đứng lên, xô ghế ầm ĩ, chen nhau chạy bay đến câu lạc bộ, kẻ ngồi tại quầy, kẻ đâu bàn thành từng nhóm, quanh các thức uống…
Luân mời ba thiếu tá vây quanh chiếc bàn con kê sát cửa sổ. Họ gọi những cốc bia sủi bọt.
Thiếu tá Trương Tấn Phụng, quận trưởng Tuyên Nhơn thuộc tỉnh Kiến Tường, đăm chiêu. Có lẽ, anh ta là sĩ quan duy nhất ghi chép khá kĩ. Ngồi vào bàn, anh ta vẫn còn lật sổ, ý chừng băn khoăn với những điều thu nhận. Nguyễn Thành Động nháy mắt ra hiệu với Luân, muốn bảo: thằng học trò này ngây thơ quá. Đúng, vẻ mặt của Phụng còn ngờ nghệch – nó tương phản bộ quân phục rằn ri. Lê Khánh Nghĩa, trái lại, nhìn Luân bằng đôi mắt nôn nả - chực thổ lộ một cái gì đó.
- Thế nào? – Luân hỏi Động – Công việc ở Kiến Hòa?
- Trung tá đọc báo cáo hằng ngày rồi – Động cười.
- Anh muốn tôi đổi ngược báo cáo của tỉnh trưởng Trần Ngọc và của anh để hiểu sự thật của Kiến Hòa? – Luân hóm hỉnh.
- Trung tá nói không xa sự thật bao nhiêu. Tôi nói với Trần Ngọc: mày đừng sợ, Trung tá Nguyễn Thành Luân sẽ sửa lỗi cho báo cáo của Kiến Hòa. Trung tá đi rồi, Việt Cộng đánh tụi này tối tăm mặt mày. Khu trù mật rã sạch. Ấp chiến lược mới nhú lên quanh thị xã, coi mòi khó thọ vì xúc cả dân lẫn Việt Cộng vào cùng chỗ. Vậy mà, ông Xuân nói ngon ơ! Cả cái lão Thompson nữa, lão lên mặt dạy đời phát ghét…
Động hậm hực:
- Hết chuyện làm rồi nên rước thằng Ănglê về làm thầy. Mã Lai với Nam Việt khác nhau như hai thế giới. Mã Lai lộn xộn đủ thứ - du kích gồm người Mã Lai, Ấn Độ, người Thái Lan, người Tàu, nhất là người Tàu. Dân trong nước họ không thuần, chia năm xẻ bảy. Còn ta… Hừ!
Thiếu tá Trương Tấn Phụng chú ý nghe Động, đôi mắt mở thật to.
- Tại sao Chính phủ không coi quan trọng hàng đầu là giành nhân tâm? – Phụng ngập ngừng đặt câu hỏi – Tôi nhớ nhiều bài của trung tá Luân viết về vấn đề này hay quá mà!
Luân đỏ mặt. Anh toan đính chính giữa lúc Lê Khánh Nghĩa cười mỉm rất khó hiểu, thiếu tá Động nhún vai:
- Bao giờ trung tá làm bộ trưởng thì họa may mới có thể áp dụng hết điều viết trên báo vào thực tế. Làm bộ trưởng cũng không ăn thua, cả làm Tổng tham mưu trưởng cũng vậy. Nói thiệt – Động nâng cốc bia – tôi ủng hộ trung tá làm Tổng thống. Làm Tổng thống dễ ợt mà… chớ sĩ quan cấp tá, ở Bến Tre, trung tá trực tiếp nhúng tay mà còn trậm trầy… Một người làm một trăm người phá, tài bằng trời cũng chào thua. Quốc sách Ấp chiến lược nguy hiểm đủ phía. Ông Nhu cay cú, nhưng ông đâu dè tự mình nạp mạng cho Mỹ…
Lê Khánh Nghĩa ngó quanh.
- Sợ mẹ gì! – Động vẫn không hãm giọng – Thiên hạ nói rùm, mật vụ nghe đầy tai, báo cáo chắc chất đống ở Phủ Tổng thống… Phải không trung tá?
Luân mỉm cười mà không trả lời.
- Mỹ lõi đời, xúi ông Diệm, ông Nhu lùa dân vô Ấp chiến lược, phá nhà, phá vườn người ta. Dân oán. Không phải vài người oán mà cả nước oán. Tới lúc nào đó, nó bật đèn xanh, các phái chống ông Diệm ông Nhu, hạ bệ hai ông. Mỹ được tiếng là làm ơn xóa chế độ độc tài, xả xú-páp an toàn, Mỹ ngồi thêm vững ở cái xứ “Giao Chỉ” toàn bọn tướng lãnh, bộ trưởng chuyên buôn lậu, phá trinh con gái, tán dóc… - Động dường bị kích động, nói cả dây.
- Vậy, mình phải làm sao? – Trương Tấn Phụng hỏi, lo lắng.
- Làm như Nasser(1), dám không? – Câu trả lời đột ngột, đại tá Lâm bỗng xuất hiện sau lưng Động.
(1) Gamal Abdel Nasser (1918–1970), người thực hiện cuộc đảo chính quân sự năm 1956, Tổng thống Ai CẬp 1956-1970
Luân kéo ghế mời đại tá.
- Ừ, ngồi với mấy cha coi bộ vui hơn… - Lâm ngồi xuống ghế. Luân ra hiệu cô chiêu đãi mang đến một cốc vại bia.
- Tụi nó thách, tôi làm một hơi bốn cốc Cognac sec, bây giờ thêm bia, mấy cha nhớ chở tôi về giùm. – Đại tá Lâm nốc ừng ực hết cốc bia, chính anh búng tay gọi thêm cốc khác.
- Tôi bắt đầu giống thằng cha Dương Văn Đức. Nổi khùng rồi… Sống với bọn ngu riết, mình không ngu được, nên phát khùng… mấy bàn kia toàn nhảm nhí: chuyện cờ bạc, chuyện ăn cắp, chuyện đùi các cô ca sĩ… Thèm làm Nasser quá! Quất mẹ nó một cái, sao thì sao… Quất luôn lũ sĩ quan mất dạy này!
- Làm Nasser hay làm Kong Lee? – Thiếu tá Động hỏi, cười cười.
- Chú thiếu tá hỉ mũi chưa sạch ở đâu mà tấp vô đám này? Không ghê Trung tá Tham mưu biệt bộ Nguyễn Thành Luân sao? Không ngán P.42 sao? Nói cho mấy chú thiếu tá nhóc biết mà giữ miệng – Đại tá Lâm trỏ Phụng và Động – Trung tá Luân dụ khị mấy chú uống, rượu vào lời ra, phun ráo ruột gan để ông ta làm rắp-po(2) lập công đó…
(2) Rapport: báo cáo
Luân phì cười:
- Vậy thì người đầu tiên phải trả lời trước tòa án quân sự đặc biệt của đại tá Thọ là đại tá Lâm!
- Tôi được bác sĩ Tuyến ân cần theo dõi lâu rồi. Có lẽ vì tôi là thằng không có lính trong tay, nên ông bác sĩ chưa chịu bắt, cũng có thể ông ta chờ tôi lọt sâu hơn vào trận đồ của ông ta, để ra tòa chỉ lãnh mỗi một án tử hình… Nasser hay Kong Lee đều được. Park Chung Hee cũng được. Phipul cũng được. Trừ Fidel Castro. Trừ là vì trong tụi mình, chẳng ai giống ông ta, có điều kiện như ông ta. Ông ta là Cộng sản! Nếu có thì, xin lỗi trung tá Luân đây! Rất tiếc, trung tá quá lậm với chủ thuyết Cần lao, hết còn quay về đường cũ nổi. Không làm thì chết chìm cả đám, không sót mống nào. Cộng sản cám ơn ông Diệm, ông ta mở đường cho họ đến chiến thắng ít tốn sức…
Đại tá Lâm hết tự chủ. Lưỡi anh ta líu.
- Nè… thằng gì sư trưởng sư 13? Có con vợ lái bò đó… Bạn của thằng Động. À, thằng Cao Tòng, lùn tịt mà Cao Tòng! Hôm nọ, tôi lên Tây Ninh, rủ tụi nó đảo chính một cái thử thời vận, nó tái mặt tái mũi, đang cầm li rượu mà để rơi, bể li. Đồ giặt quần áo lót cho vợ! Tôi mà nắm một sư đoàn, phải biết…
Lê Khánh Nghĩa sa sầm mặt. Chỉ có Luân hiểu được sự phản ứng này.
- Đại tá quá chén rồi, ta đưa đại tá về! – Luân bảo. Động và Phụng xốc đại tá Lâm, bây giờ như không có xương sống, đưa ra xe.
- Ăn bậy nói bạ quá! – Lê Khánh Nghĩa lầu bầu.
- Sở nghiên cứu chính trị của bác sĩ Tuyến nhận xét ông lâm nói tung lung vì rượu, không có gì nguy hiểm. – Luân bảo Lê Khánh Nghĩa, hai người bước song song ra khỏi câu lạc bộ.
- Có một người quen nhắn thăm trung tá! – Lê Khánh Nghĩa chợt nói.
- Ai? – Luân cảm giác anh sắp nghe một tin quan trọng.
- Trung tá Lưu Khánh!
- Ồ! – Trong thảng thốt, Luân ôm vai Lê Khánh Nghĩa…
- Trở vô rồi? – Giọng Luân run run.
- Vô rồi!
Vậy là đúng như Luân phỏng đoán trước đây – khi Luân lên Tây Ninh cùng Diệm, năm 1955 – Lê Khánh Nghĩa, con của đồng chí Liên trung đoàn trưởng Lưu Khánh, người chỉ huy cũ của Luân.
- Chào trung tá! – Lê Khánh Nghĩa chập gót chân, siết tay Luân thật chặt, trước khi lên xe. Luân nghĩ liền đến sư đoàn 13 – vợ của tay sư trưởng là em họ của Lưu Khánh Nghĩa. Phía đó – phía căn cứ Tây Ninh – có một cái gì hứa hẹn đối với công việc sắp tới của Luân.
“Các đồng chí lần lượt trở về” - Luân nôn nao – “Biết đâu, cả Vũ Thượng, cả tiểu đoàn 402, cả trung đoàn... đang có mặt ở chiến trường.”
Từ hơn năm nay, nghiên cứu chiếu lệ các trận đánh, Luân phát hiện ra một đặc điểm: quân giải phóng đánh “bàn bản” hơn, không hoàn toàn trong dạng du kích đơn thuần, nó chứng tỏ chỉ huy quân giải phóng được đào tạo chính quy. Tỉ như trận đánh Phước Vĩnh – trình độ bố trí binh hỏa lực và trình độ chiến – kĩ thuật khác hẳn trận Trảng Sụp, càng cách biệt với trận Dầu Tiếng.
“Chiến tranh!”
Luân kêu thầm. Chiến tranh đã thành việc hiển nhiên ở miền Nam, song vấn đề là khống chế cuộc xung đột vũ trang đó tới mức mà Cách mạng giành được thắng lợi với độ hi sinh thấp nhất. Luân đọc rất kĩ các tài liệu, sách báo nói cuộc chiến tranh Triều Tiên: trong vòng ba năm, hàng mấy triệu người chết, đất nước bị tàn phá nặng nề. Chiến tranh ở miền Nam phát triển một lúc nữa chắc chắn sẽ thành chiến tranh của Mỹ với cả nước Việt Nam. Ở Việt Nam, không thể có “Chí nguyện quân Trung Quốc,” do đó tình thế có phức tạp hơn Triều Tiên. Nhiều dấu hiệu ở Sài Gòn cho thấy Trung Quốc của ông Mao đang ráo riết sửa soạn quay ngoắt 180 độ trên bình diện chính sách đối ngoại… Tốt hơn hết là kết thúc giữa lúc Mỹ ở vào giai đoạn còn thận trọng – đối với bộ chỉ huy của Paul Harkins, Mỹ hi vọng sự dính líu về thực binh ở Nam Việt ngang một sư đoàn, tức là vài vạn lính. Kết thúc được như vậy là lí tưởng. Nhưng bằng cách nào?
Luân cảm thấy khả năng đó vượt tầm với của anh. Trong chế độ Sài Gòn, anh giữ một địa vị quá thấp, xét theo nghĩa quyền lực; như một thứ sai vặt. Anh có thể ảnh hưởng chừng nào đó đến đường lối của gia đình Ngô Đình Diệm nhưng anh không nắm trong tay các đơn vị quân đội. Ngay khi anh được giao tư lệnh chiến dịch Bình Dương hay tỉnh trưởng Kiến Hòa, binh mã dưới quyền chỉ là các sắc lính địa phương, khó lòng thi thố một cái gì vang động, áp đảo. Đại tá Lâm, người có thể phiêu lưu bạt mạng, ngoài lính hầu và lái xe, vẫn tay trắng. Thiếu tá Phụng ở giữa Đồng Tháp Mười với vài đại đội Bảo an. Thiếu tá Động, khá hơn, cũng chỉ vài tiểu đoàn. Chỉ có Lê Khánh Nghĩa và sư đoàn 13, song Tây Ninh xa thủ đô tới hàng trăm cây số…
*
Bộ tư lệnh Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam, kí hiệu là MACV chính thức công bố hoạt động ngày 8-2-1962, mồng bốn Tết Nhâm Dần. Trụ sở tạm thời đóng tại góc đường Trần Hưng Đạo và Pétrus Ký, nơi phái đoàn MAAG đóng trước đây, nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Năm ngày sau, tướng Harkins chính thức nhận chức chỉ huy trưởng thay cho tướng Lionel C. Mac Gaar.
Paul Donal Harkins, sinh năm 1904 tại bang Massachusett. Sự nghiệp binh bị không có gì đặc sắc, ngoài những bằng cấp. Vị trí của ông ta khiêm tốn hơn nhiều so với Taylor, Collins và cả Mac Gaar. Dư luân nói đùa: Kennedy chọn Harkins vì ông ngụ tại thành phố San Francisco gần Việt Nam, chỉ cách có mỗi Thái Bình Dương. Vả lại Harkins, dù đã năm mươi tám tuổi, vẫn sống độc thân – tha hồ mà đùa bỡn với “Đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa” Trần Lệ Xuân!
Nhận nhiệm vụ chính thức hôm trước, hôm sau tướng Paul Harkins đến xem triển lãm mĩ thuật. Báo chí bình luận: viên tư lệnh Mỹ không chỉ biết kế hoạch hành quân mà còn biết thưởng thức các bức tranh như Ngựa của Lâm Triết – huy chương vàng. Sự thật khác hẳn, Harkins chẳng quan tâm gì đến nghệ thuật, sở dĩ ông ghé vào triển lãm là để mua một số tranh làm quà tặng các tướng lĩnh Mỹ mà ông sắp gặp. Ngày 19-2, hội nghị quân sự Honolulu, gồm chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Felt, tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Paul Harkins, tướng Lê Văn Tỵ… nhất trí ưu tiên tăng viện cho Nam Việt một số lượng trực thăng lớn, nhằm chuyển vận hành quân thay cho binh chủng dù nay đã lỗi thời.
Harkins trở lại Sài Gòn, bỗng nhiên dấy lên tin đồn: sắp đảo chính.
Hằng ngày, Nhu bù đầu với các nguồn tin như vậy. Cơ quan bác sĩ Tuyến, Tổng nha cảnh sát, An ninh quân đội, Trung ương tình báo được lệnh bám sát các đối tượng mà Phủ Tổng thống “vô sổ bìa đen” từ lâu. Luân phải túc trực gần như 24/24 giờ tại Tham mưu biệt độ - bây giờ, người đứng đầu là Đại tá Đặng Văn Quang. Trong mớ tài liệu hỗn tạp và mâu thuẫn, Luân chưa tìm ra được manh mối. Đại tá Lâm nằm trong danh sách “phải bám sát” và nhân viên mật vụ đã ghi lại lời của đại tá như sau: “Tao khoái đảo chính, song tao có cái khỉ gì trong tay để đảo chính… Tao đâu có ngu mà đưa đầu bằng xương, bằng thịt cho tụi nó thử đạn chì.”
Đại úy Nguyễn Cao Kỳ, một “nhân vật khả nghi” khác, tài liệu vỏn vẹn: Kỳ suốt ngày cùng bọn lưu manh Nguyễn Ngọc Loan, Lưu Kim Cương hú hí “hội đồng” các cô chiêu đãi hàng không, khoác lác một tấc tới trời, song chỉ là khoác lác.
Các “chính khách” thuộc nhóm Caravelle và nhóm 11-11 – dự vào cuộc đảo chính năm 1960 – đóng cửa im ỉm, chẳng chơi bời giao du với ai.
Vũ Liệu – sau khi Trúc Đào bị tạt axít, sống với một vũ nữ khác. Trần Thiện Khiêm ở Cần Thơ, không có dấu hiệu gì đáng để ý. Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, sư trưởng sư 5 đóng vùng Tây Bắc Sài Gòn, cố gắng lấy lòng Nhu bằng cách báo cáo mật về đại tá Đỗ Cao Trí “có những dấu hiệu không bình thường,” tố luôn Nguyễn Hữu Có. Sư đoàn 13 lọt ngoài mọi tin tức cập nhật.
Mai Hữu Xuân báo cáo khá dài về Nguyễn Văn Y và Nguyễn Khắc Bình – Trung ương tình báo – với nhiều triệu chứng lạ. Nguyễn Văn Y và Nguyễn Khắc Bình báo cáo không kém tình tiết về Mai Hữu Xuân.
“Tóm lại, tình hình không có gì rõ rệt. Đảo chính, nếu xảy ra, chỉ có thể do Mỹ chủ trương. Ta cứ hỏi thẳng đại sứ Nolting.” Diệm bảo Nhu. Từ sau chuyến đi nghỉ mát cuối tuần ở Đà Lạt năm trước, Lệ Xuân không chịu gặp đại sứ Mỹ mặc dù Nolting nhiều lần yêu cầu với đủ lí do. Đến khi vợ Nolting sang Việt Nam, Lệ Xuân bằng lòng đi tắm biển Long Hải chung với hai vợ chồng đại sứ. Tại bãi biển, dưới chiếc dù màu sặc sỡ, Nolting nhìn Lệ Xuân như điên dại – mụ phơi mình trên bãi cát, cố tình bẹo Nolting.
Bây giờ thì phải tìm cái cớ để mời Nolting. Sáng kiến, dĩ nhiên, do Lệ Xuân. Mụ tự nguyện gọi điện thoại cho Nolting trước khi văn phòng Phủ Tổng thống gửi thư chính thức.
- Ly Kai vừa báo riêng với tôi một cuộc họp mặt tại nhà Bá Thượng Đài – Nhu bảo Luân – Dự họp có John Hing, người mà anh nhắc tôi đề phòng, Bá Thượng Đài, đại sứ Đài Loan, Lâm Sử, đại diện Trung Cộng. Tất nhiên, John Hing chủ tọa. Gã cho cả bọn biết: sắp có biến cố. Gã không trả lời rõ biến cố đó là gì, song cam đoan là biến cố sẽ xảy ra gần đây. Gã trù liệu những khả năng tiếp theo biến cố, đặc biệt phân tích khía cạnh Việt Cộng nhân cơ hội đó mà phá Ấp chiến lược, chiếm đất chiếm dân ở nông thôn và biểu tình đình công ở đô thị. Lâm Sử cam đoan rằng Việt Cộng chưa thể làm gì được trong thủ đô, trừ các trận đánh mìn. Ở nông thôn, Trung Cộng không tán thành Việt Cộng thành lập các đơn vị chủ lực cao hơn cấp đại đội, nhưng vì Việt Cộng đã có đến cấp tiểu đoàn cho nên Trung Cộng sẽ kềm chế quân chủ lực Việt Cộng ở mức tiểu đoàn riêng lẻ. John Hing nhận xét rằng Trung Cộng mất ảnh hưởng đối với Việt Cộng và chế nhạo Lâm Sử: ngay với người Hoa ở Sài Gòn, thế lực của nhóm Nghị Lực vẫn mạnh hơn nhóm của Lâm Sử nhiều.
- Ly Kai báo cáo có bấy nhiêu? – Luân hỏi.
- Vài chi tiết nữa, song nội dung chủ yếu có bấy nhiêu.
Luân ngả người lên tựa ghế, bóp trán
- Tại sao Ly Kai báo cáo với anh?
- Va vẫn làm như vậy… Về cuộc họp mặt này, tôi có một nguồn tin khác – nguồn tin cho biết ngày giờ, địa điểm, số người na ná như báo cáo của Ly Kai, song không nắm được nội dung.
- Chắc chắn người của anh để lộ, bọn chúng chủ động cho Ly Kai báo cáo… Tại sao anh không bắt quách John Hing, Lâm Sử?
- Về Lâm Sử, tôi không muốn bắt. Anh ta là người của Bắc Kinh. Chưa phải lúc gây căng thẳng với Bắc Kinh. Anh không thấy Bắc Kinh lần lần giúp ích cho chúng ta hay sao? Tôi cho theo Lâm Sử và nhóm của anh ta để bắt nhóm Nghị Lực. Nghị Lực nguy hiểm hơn, đó là nhóm thân Việt Cộng. Tiếc rằng chúng nó khôn ngoan quá, một lần Ly Kai đến tận ổ chúng, song mất dấu luôn. Còn John Hing, ông Fishel yêu cầu chúng ta không được đụng tới. Cả đại sứ Nolting, cũng nhiều lần nhắc như vậy. Hắn ta quốc tịch Mỹ, danh nghĩa là đại diện thương mại của Hãng hàng không Pan America và nhiều hãng buôn khác.
- Ông ta thật sự là người của hãng sản xuất vũ khí “Con ngựa bay” Colt… Nhưng, ta hãy trở lại vụ Ly Kai báo cáo. Tại sao? Ly Kai là agent double(3), nguồn tin của va không thể chỉ có lợi cho một phía. Hay là John Hing muốn nhờ Ly Kai đánh động với anh về một cú nào đó sắp xảy ra? Gã Ly Kai… Ái chà!
(3) Điệp viên hai mang
Luân trở đi trở lại tên Ly Kai khiến Nhu phát nhột. Cách đây không bao lâu, sau vụ Mai Hữu Xuân bắt cóc những người liên quan đến Luân, Nhu hầm hừ đòi bắn bỏ Ly Kai, thế mà bây giờ lại có vẻ tin cậy hắn ta.
- Tôi cho theo Ly Kai khá chặt, anh tin tôi… Đúng như anh khuyên tôi, qua Ly Kai, tôi biết được nhiều việc trong khối người Hoa... Tôi sẽ khử va khi va không còn có ích nữa. Còn việc này, có thể là một thứ tín hiệu… Một cú? Cứ cho như là sẽ có, song cú đó là cú gì? – Nhu cũng bóp trán. Trong khoảnh khắc, Luân nhớ tới Mai. “Đúng rồi, chỉ có hướng đó thôi… Có mối liên hệ gì giữa Đại Việt và John Hing?”
- Tôi cho rà kĩ, bộ binh, thiết giáp, dù… tất cả đều bình thuờng. Tôi e rằng cái “cú” mà dư luận đồn đãi là thứ ballon(4) thăm dò…
(4) Quả bóng
“Anh ta chưa rà kĩ đâu!” – Luân nghĩ thầm – “Anh ta để sót cả một quân chủng mà vai trò mỗi ngày mỗi quan trọng trong cuộc chiến.”
- Chúng ta sẽ hỏi Nolting… Cám ơn anh đã tốn nhiều công sức mấy hôm nay.
Nhu bắt tay Luân, có vẻ nhẹ nhõm.
*
Luân tìm Mai. Không khó khăn gì, cơ quan hàng không cho địa chỉ của cô – một phòng trong khu chung cư đường Tự Do.
- Ông kĩ sư gặp tôi có việc gì? – Mai mời Luân ngồi, giọng không được tự nhiên.
Một cái liếc nhanh trần thiết trong nhà cho Luân nhận xét: cô sống đơn giản, cơ hồ xập xệ, gần như tạm bợ; điều đó chứng tỏ Mai không có ý định ở vĩnh viễn một nơi mà hằng ngày cô rất bận rộn.
- Tôi muốn hỏi cô về người bạn phi công của cô…
Mắt Mai chớp lia lịa.
- Thật bất tiện khi phải từ chối đề nghị của ông kĩ sư, người mà tôi rất mến. Tôi mong ông kĩ sư hiểu…
- Cám ơn cô. Thế là đủ. Tôi chỉ cần biết có bấy nhiêu. Chúng ta, không ai không bận tâm với tình thế. Tất nhiên, giá điều kiện cho phép, chúng ta cho nhau biết nhiều hơn thì công việc chung nhất định có lợi… Dầu vậy, tôi vẫn khuyên cô: Mỹ nắm kế hoạch hành động của người bạn của cô. Người bạn của cô – xin lỗi cô, do nghề nghiệp thôi – tôi biết cả tên, tuổi. Như cô cho tôi biết, anh ta là một Đại Việt, đúng hơn, cha anh ta là lãnh tụ Đại Việt. Đại Việt chưa bao giờ là đảng yêu nước. Tôi không phản đối cô, trái lại. Song, tôi mong cô hiểu cô đang tiếp cận với ma quỷ. Dùng ma quỷ trị ma quỷ, hoàn toàn chính xác, cần thiết… miễn ta đừng lầm ma quỷ với con người.
Mai cắn môi, đôi mắt nhìn Luân soi mói.
- Để cô tin rằng tôi không ba hoa, tôi viết tắt tên của người bạn phi công của cô…
Luân chấm tay vào nước trà, viết lên bàn ba chữ cái: N.V.C.
Mai thay đổi trông thấy: mặt cô tái.
- Cô yên tâm. Trừ tôi, không ai biết. Tôi biết cũng nhờ cô. Qua vài thông tin rời rạc của cô hôm cô đến nhà tôi. Tìm một nhân vật như vậy đâu có khó đối với tôi. Tôi tốn vài mươi phút tra sổ của Bộ chỉ huy không quân. Dầu sao, tôi đề nghị cô xem vụ này vừa tầm của nó. Tôi không cho rằng vụ này không cần thiết, song đừng trông mong từ nó dẫn đến những đổi thay lớn lao ngay lập tức. Cô nên nhớ: Mỹ cho phép – có nghĩa là Mỹ phải có lợi trước tiên và nhiều hơn các phe khác…
- Tức là Mỹ bật đèn xanh… - Mai ấp úng.
- Không… Đúng hơn, chưa. Mỹ bật đèn vàng!
- Ta sẽ biến đèn vàng thành đèn xanh! – Mai rắn rỏi.
- Ý nghĩ hay, nhưng e rằng hơi vội. Chuyển màu không đơn giản. Và, đừng lấy nguyện vọng của mình thay cho những điều kiện thực tế. Nếu thuần túy là nguyện vọng – Luân cười – chưa biết cô hay tôi là người sốt ruột hơn… Nếu cô giữ trách nhiệm nào đó, có một lực lượng nhất định thì tôi khuyên cô: đừng vội phơi lưng. Biết đâu Đại Việt và Mỹ không mong nhân cơ hội này phát hiện lực lượng của đối phương. Tốn vài phi công, chịu một vài sụp đổ nhỏ mà tiêu diệt lực lượng của đối phương – lực lượng chúng sợ thật sự. Đâu phải là giá mắc?
Mai cắn mãi móng tay, thẫn thờ chào Luân, không tiễn khách về.
“Không biết cô ấy thông báo kịp cho cơ sở không?”
Năm 1962 bắt đầu với thông cáo chung Việt – Mỹ, gồm mười một mục tiêu mà hai bên quyết tâm đạt cho kì được, trong đó, nổi bật là huấn luyện cán bộ hành chính xã ấp, mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội nông thôn, xây dựng mạng lưới thông tin đến tận các xóm hẻo lánh đã quy Ấp chiến lược, kể cả miền thượng du… Thông cáo bộc lộ rõ ý định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn: bằng mọi giá, phải nắm cho được đơn vị hạ tầng.
Một khía cạnh khác, thông cáo chứng minh sức ép của Mỹ đối với Chính phủ của ông Diệm: số phận của ông Diệm tùy thuộc ở chỗ có đủ khả năng đáp ứng chỉ tiêu của tướng Mỹ Taylor hay không – khôi phục trong vòng mười tám tháng toàn bộ đất đai bị mất từ cuối năm 1959. Gần như một sự phân công: Mỹ sẽ làm hết sức mình tăng cường quân chủ lực Nam Việt và trang bị, huấn luyện Bảo an, Dân vệ, các lực lượng an ninh khác để ngăn chận và đánh bại quân chủ lực Việt Cộng; với sự giúp đỡ cố vấn, phương tiện chiến tranh… của Mỹ, ông Diệm phải cáng đáng khối việc to lớn, phức tạp còn lại. Cẩn thận hơn, Mỹ cho phép Anh – dù là đồng chủ tịch hội nghị Genève về Đông Dương năm 1954 – thành lập phái đoàn viện trợ an ninh và chống du kích do Thiếu tướng Thompson đứng đầu. Mỹ tạo khá đủ điều kiện; người ta đã đọc trước ý định trong thâm tâm của họ: với những điều kiện tốt lành, dồi dào như vậy mà ông Diệm không trị nổi Việt Cộng thì cái cần phải đánh giá không phải là Việt Cộng mà là tài cán, uy tín của chính ông Diệm.
Nhu không khờ khạo đến nỗi không hiểu ý của Mỹ. Bởi vậy, anh ta hối thúc ngày đêm thuộc hạ các cấp ráo riết gom dân vào Ấp chiến lược – cố gắng chứng minh lần nữa “vai trò không thể thay thế” của Tổng thống Diệm trong sự nghiệp chống Cộng ở Nam Việt…
*
Luân gặp các Thiếu tá Nguyễn Thành Động, Lê Khánh Nghĩa, và Trương Tấn Phụng tại câu lạc bộ quân nhân, sau phiên họp kéo dài bàn về kế hoạch bình định nông thôn do Thiếu tướng Mai Hữu Xuân trình bày. Cuộc họp bắt đầu từ bảy giờ rưỡi sáng, kết thúc vào bốn giờ chiều, chỉ nghỉ ăn trưa có nửa giờ. Hầu hết chỉ huy trưởng Bảo an tỉnh, quận trưởng khắp Nam Việt đều có mặt. Họ ngồi chen chúc trong gian phòng rộng – hội trường của Bộ tổng tham mưu. Bài thuyết trình khô khan và lê thê của tướng Xuân, các bản đồ vằn vện bít kín tường, khói thuốc mù mịt khiến mọi người mệt nhoài. Tuy ai cũng có trước mình quyển sổ và cây bút, nhưng ít người ghi chép, hoặc chỉ ghi chép qua loa. Vả lại, cũng chẳng có gì để ghi chép. Tiếp lời tướng Xuân, thiếu tướng Anh – Thompson – báo cáo kinh nghiệm đánh bại du kích Mã Lai của ông ta. Không có phiên dịch – tướng Trần Văn Đôn, chủ tọa buổi họp, nói rõ: từ cấp thiếu tá trở lên, sĩ quan Nam Việt bắt buộc phải thạo tiếng Anh, mặc dù, chính tướng Đôn – tất nhiên, khi nói riêng với người thân – bĩu môi chê cái thứ tiếng “quê mùa,” còn cái giọng thì y như nhai kẹo cao su.
Bởi vậy, khi tướng Đôn kết luận rằng phiên họp rất có kết quả, cám ơn Thiếu tướng Mai Hữu Xuân và Thompson, tất cả vỗ tay nồng nhiệt rồi cùng đứng lên, xô ghế ầm ĩ, chen nhau chạy bay đến câu lạc bộ, kẻ ngồi tại quầy, kẻ đâu bàn thành từng nhóm, quanh các thức uống…
Luân mời ba thiếu tá vây quanh chiếc bàn con kê sát cửa sổ. Họ gọi những cốc bia sủi bọt.
Thiếu tá Trương Tấn Phụng, quận trưởng Tuyên Nhơn thuộc tỉnh Kiến Tường, đăm chiêu. Có lẽ, anh ta là sĩ quan duy nhất ghi chép khá kĩ. Ngồi vào bàn, anh ta vẫn còn lật sổ, ý chừng băn khoăn với những điều thu nhận. Nguyễn Thành Động nháy mắt ra hiệu với Luân, muốn bảo: thằng học trò này ngây thơ quá. Đúng, vẻ mặt của Phụng còn ngờ nghệch – nó tương phản bộ quân phục rằn ri. Lê Khánh Nghĩa, trái lại, nhìn Luân bằng đôi mắt nôn nả - chực thổ lộ một cái gì đó.
- Thế nào? – Luân hỏi Động – Công việc ở Kiến Hòa?
- Trung tá đọc báo cáo hằng ngày rồi – Động cười.
- Anh muốn tôi đổi ngược báo cáo của tỉnh trưởng Trần Ngọc và của anh để hiểu sự thật của Kiến Hòa? – Luân hóm hỉnh.
- Trung tá nói không xa sự thật bao nhiêu. Tôi nói với Trần Ngọc: mày đừng sợ, Trung tá Nguyễn Thành Luân sẽ sửa lỗi cho báo cáo của Kiến Hòa. Trung tá đi rồi, Việt Cộng đánh tụi này tối tăm mặt mày. Khu trù mật rã sạch. Ấp chiến lược mới nhú lên quanh thị xã, coi mòi khó thọ vì xúc cả dân lẫn Việt Cộng vào cùng chỗ. Vậy mà, ông Xuân nói ngon ơ! Cả cái lão Thompson nữa, lão lên mặt dạy đời phát ghét…
Động hậm hực:
- Hết chuyện làm rồi nên rước thằng Ănglê về làm thầy. Mã Lai với Nam Việt khác nhau như hai thế giới. Mã Lai lộn xộn đủ thứ - du kích gồm người Mã Lai, Ấn Độ, người Thái Lan, người Tàu, nhất là người Tàu. Dân trong nước họ không thuần, chia năm xẻ bảy. Còn ta… Hừ!
Thiếu tá Trương Tấn Phụng chú ý nghe Động, đôi mắt mở thật to.
- Tại sao Chính phủ không coi quan trọng hàng đầu là giành nhân tâm? – Phụng ngập ngừng đặt câu hỏi – Tôi nhớ nhiều bài của trung tá Luân viết về vấn đề này hay quá mà!
Luân đỏ mặt. Anh toan đính chính giữa lúc Lê Khánh Nghĩa cười mỉm rất khó hiểu, thiếu tá Động nhún vai:
- Bao giờ trung tá làm bộ trưởng thì họa may mới có thể áp dụng hết điều viết trên báo vào thực tế. Làm bộ trưởng cũng không ăn thua, cả làm Tổng tham mưu trưởng cũng vậy. Nói thiệt – Động nâng cốc bia – tôi ủng hộ trung tá làm Tổng thống. Làm Tổng thống dễ ợt mà… chớ sĩ quan cấp tá, ở Bến Tre, trung tá trực tiếp nhúng tay mà còn trậm trầy… Một người làm một trăm người phá, tài bằng trời cũng chào thua. Quốc sách Ấp chiến lược nguy hiểm đủ phía. Ông Nhu cay cú, nhưng ông đâu dè tự mình nạp mạng cho Mỹ…
Lê Khánh Nghĩa ngó quanh.
- Sợ mẹ gì! – Động vẫn không hãm giọng – Thiên hạ nói rùm, mật vụ nghe đầy tai, báo cáo chắc chất đống ở Phủ Tổng thống… Phải không trung tá?
Luân mỉm cười mà không trả lời.
- Mỹ lõi đời, xúi ông Diệm, ông Nhu lùa dân vô Ấp chiến lược, phá nhà, phá vườn người ta. Dân oán. Không phải vài người oán mà cả nước oán. Tới lúc nào đó, nó bật đèn xanh, các phái chống ông Diệm ông Nhu, hạ bệ hai ông. Mỹ được tiếng là làm ơn xóa chế độ độc tài, xả xú-páp an toàn, Mỹ ngồi thêm vững ở cái xứ “Giao Chỉ” toàn bọn tướng lãnh, bộ trưởng chuyên buôn lậu, phá trinh con gái, tán dóc… - Động dường bị kích động, nói cả dây.
- Vậy, mình phải làm sao? – Trương Tấn Phụng hỏi, lo lắng.
- Làm như Nasser(1), dám không? – Câu trả lời đột ngột, đại tá Lâm bỗng xuất hiện sau lưng Động.
(1) Gamal Abdel Nasser (1918–1970), người thực hiện cuộc đảo chính quân sự năm 1956, Tổng thống Ai CẬp 1956-1970
Luân kéo ghế mời đại tá.
- Ừ, ngồi với mấy cha coi bộ vui hơn… - Lâm ngồi xuống ghế. Luân ra hiệu cô chiêu đãi mang đến một cốc vại bia.
- Tụi nó thách, tôi làm một hơi bốn cốc Cognac sec, bây giờ thêm bia, mấy cha nhớ chở tôi về giùm. – Đại tá Lâm nốc ừng ực hết cốc bia, chính anh búng tay gọi thêm cốc khác.
- Tôi bắt đầu giống thằng cha Dương Văn Đức. Nổi khùng rồi… Sống với bọn ngu riết, mình không ngu được, nên phát khùng… mấy bàn kia toàn nhảm nhí: chuyện cờ bạc, chuyện ăn cắp, chuyện đùi các cô ca sĩ… Thèm làm Nasser quá! Quất mẹ nó một cái, sao thì sao… Quất luôn lũ sĩ quan mất dạy này!
- Làm Nasser hay làm Kong Lee? – Thiếu tá Động hỏi, cười cười.
- Chú thiếu tá hỉ mũi chưa sạch ở đâu mà tấp vô đám này? Không ghê Trung tá Tham mưu biệt bộ Nguyễn Thành Luân sao? Không ngán P.42 sao? Nói cho mấy chú thiếu tá nhóc biết mà giữ miệng – Đại tá Lâm trỏ Phụng và Động – Trung tá Luân dụ khị mấy chú uống, rượu vào lời ra, phun ráo ruột gan để ông ta làm rắp-po(2) lập công đó…
(2) Rapport: báo cáo
Luân phì cười:
- Vậy thì người đầu tiên phải trả lời trước tòa án quân sự đặc biệt của đại tá Thọ là đại tá Lâm!
- Tôi được bác sĩ Tuyến ân cần theo dõi lâu rồi. Có lẽ vì tôi là thằng không có lính trong tay, nên ông bác sĩ chưa chịu bắt, cũng có thể ông ta chờ tôi lọt sâu hơn vào trận đồ của ông ta, để ra tòa chỉ lãnh mỗi một án tử hình… Nasser hay Kong Lee đều được. Park Chung Hee cũng được. Phipul cũng được. Trừ Fidel Castro. Trừ là vì trong tụi mình, chẳng ai giống ông ta, có điều kiện như ông ta. Ông ta là Cộng sản! Nếu có thì, xin lỗi trung tá Luân đây! Rất tiếc, trung tá quá lậm với chủ thuyết Cần lao, hết còn quay về đường cũ nổi. Không làm thì chết chìm cả đám, không sót mống nào. Cộng sản cám ơn ông Diệm, ông ta mở đường cho họ đến chiến thắng ít tốn sức…
Đại tá Lâm hết tự chủ. Lưỡi anh ta líu.
- Nè… thằng gì sư trưởng sư 13? Có con vợ lái bò đó… Bạn của thằng Động. À, thằng Cao Tòng, lùn tịt mà Cao Tòng! Hôm nọ, tôi lên Tây Ninh, rủ tụi nó đảo chính một cái thử thời vận, nó tái mặt tái mũi, đang cầm li rượu mà để rơi, bể li. Đồ giặt quần áo lót cho vợ! Tôi mà nắm một sư đoàn, phải biết…
Lê Khánh Nghĩa sa sầm mặt. Chỉ có Luân hiểu được sự phản ứng này.
- Đại tá quá chén rồi, ta đưa đại tá về! – Luân bảo. Động và Phụng xốc đại tá Lâm, bây giờ như không có xương sống, đưa ra xe.
- Ăn bậy nói bạ quá! – Lê Khánh Nghĩa lầu bầu.
- Sở nghiên cứu chính trị của bác sĩ Tuyến nhận xét ông lâm nói tung lung vì rượu, không có gì nguy hiểm. – Luân bảo Lê Khánh Nghĩa, hai người bước song song ra khỏi câu lạc bộ.
- Có một người quen nhắn thăm trung tá! – Lê Khánh Nghĩa chợt nói.
- Ai? – Luân cảm giác anh sắp nghe một tin quan trọng.
- Trung tá Lưu Khánh!
- Ồ! – Trong thảng thốt, Luân ôm vai Lê Khánh Nghĩa…
- Trở vô rồi? – Giọng Luân run run.
- Vô rồi!
Vậy là đúng như Luân phỏng đoán trước đây – khi Luân lên Tây Ninh cùng Diệm, năm 1955 – Lê Khánh Nghĩa, con của đồng chí Liên trung đoàn trưởng Lưu Khánh, người chỉ huy cũ của Luân.
- Chào trung tá! – Lê Khánh Nghĩa chập gót chân, siết tay Luân thật chặt, trước khi lên xe. Luân nghĩ liền đến sư đoàn 13 – vợ của tay sư trưởng là em họ của Lưu Khánh Nghĩa. Phía đó – phía căn cứ Tây Ninh – có một cái gì hứa hẹn đối với công việc sắp tới của Luân.
“Các đồng chí lần lượt trở về” - Luân nôn nao – “Biết đâu, cả Vũ Thượng, cả tiểu đoàn 402, cả trung đoàn... đang có mặt ở chiến trường.”
Từ hơn năm nay, nghiên cứu chiếu lệ các trận đánh, Luân phát hiện ra một đặc điểm: quân giải phóng đánh “bàn bản” hơn, không hoàn toàn trong dạng du kích đơn thuần, nó chứng tỏ chỉ huy quân giải phóng được đào tạo chính quy. Tỉ như trận đánh Phước Vĩnh – trình độ bố trí binh hỏa lực và trình độ chiến – kĩ thuật khác hẳn trận Trảng Sụp, càng cách biệt với trận Dầu Tiếng.
“Chiến tranh!”
Luân kêu thầm. Chiến tranh đã thành việc hiển nhiên ở miền Nam, song vấn đề là khống chế cuộc xung đột vũ trang đó tới mức mà Cách mạng giành được thắng lợi với độ hi sinh thấp nhất. Luân đọc rất kĩ các tài liệu, sách báo nói cuộc chiến tranh Triều Tiên: trong vòng ba năm, hàng mấy triệu người chết, đất nước bị tàn phá nặng nề. Chiến tranh ở miền Nam phát triển một lúc nữa chắc chắn sẽ thành chiến tranh của Mỹ với cả nước Việt Nam. Ở Việt Nam, không thể có “Chí nguyện quân Trung Quốc,” do đó tình thế có phức tạp hơn Triều Tiên. Nhiều dấu hiệu ở Sài Gòn cho thấy Trung Quốc của ông Mao đang ráo riết sửa soạn quay ngoắt 180 độ trên bình diện chính sách đối ngoại… Tốt hơn hết là kết thúc giữa lúc Mỹ ở vào giai đoạn còn thận trọng – đối với bộ chỉ huy của Paul Harkins, Mỹ hi vọng sự dính líu về thực binh ở Nam Việt ngang một sư đoàn, tức là vài vạn lính. Kết thúc được như vậy là lí tưởng. Nhưng bằng cách nào?
Luân cảm thấy khả năng đó vượt tầm với của anh. Trong chế độ Sài Gòn, anh giữ một địa vị quá thấp, xét theo nghĩa quyền lực; như một thứ sai vặt. Anh có thể ảnh hưởng chừng nào đó đến đường lối của gia đình Ngô Đình Diệm nhưng anh không nắm trong tay các đơn vị quân đội. Ngay khi anh được giao tư lệnh chiến dịch Bình Dương hay tỉnh trưởng Kiến Hòa, binh mã dưới quyền chỉ là các sắc lính địa phương, khó lòng thi thố một cái gì vang động, áp đảo. Đại tá Lâm, người có thể phiêu lưu bạt mạng, ngoài lính hầu và lái xe, vẫn tay trắng. Thiếu tá Phụng ở giữa Đồng Tháp Mười với vài đại đội Bảo an. Thiếu tá Động, khá hơn, cũng chỉ vài tiểu đoàn. Chỉ có Lê Khánh Nghĩa và sư đoàn 13, song Tây Ninh xa thủ đô tới hàng trăm cây số…
*
Bộ tư lệnh Viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam, kí hiệu là MACV chính thức công bố hoạt động ngày 8-2-1962, mồng bốn Tết Nhâm Dần. Trụ sở tạm thời đóng tại góc đường Trần Hưng Đạo và Pétrus Ký, nơi phái đoàn MAAG đóng trước đây, nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Năm ngày sau, tướng Harkins chính thức nhận chức chỉ huy trưởng thay cho tướng Lionel C. Mac Gaar.
Paul Donal Harkins, sinh năm 1904 tại bang Massachusett. Sự nghiệp binh bị không có gì đặc sắc, ngoài những bằng cấp. Vị trí của ông ta khiêm tốn hơn nhiều so với Taylor, Collins và cả Mac Gaar. Dư luân nói đùa: Kennedy chọn Harkins vì ông ngụ tại thành phố San Francisco gần Việt Nam, chỉ cách có mỗi Thái Bình Dương. Vả lại Harkins, dù đã năm mươi tám tuổi, vẫn sống độc thân – tha hồ mà đùa bỡn với “Đệ nhất phu nhân Việt Nam Cộng hòa” Trần Lệ Xuân!
Nhận nhiệm vụ chính thức hôm trước, hôm sau tướng Paul Harkins đến xem triển lãm mĩ thuật. Báo chí bình luận: viên tư lệnh Mỹ không chỉ biết kế hoạch hành quân mà còn biết thưởng thức các bức tranh như Ngựa của Lâm Triết – huy chương vàng. Sự thật khác hẳn, Harkins chẳng quan tâm gì đến nghệ thuật, sở dĩ ông ghé vào triển lãm là để mua một số tranh làm quà tặng các tướng lĩnh Mỹ mà ông sắp gặp. Ngày 19-2, hội nghị quân sự Honolulu, gồm chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đô đốc Felt, tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, tướng Paul Harkins, tướng Lê Văn Tỵ… nhất trí ưu tiên tăng viện cho Nam Việt một số lượng trực thăng lớn, nhằm chuyển vận hành quân thay cho binh chủng dù nay đã lỗi thời.
Harkins trở lại Sài Gòn, bỗng nhiên dấy lên tin đồn: sắp đảo chính.
Hằng ngày, Nhu bù đầu với các nguồn tin như vậy. Cơ quan bác sĩ Tuyến, Tổng nha cảnh sát, An ninh quân đội, Trung ương tình báo được lệnh bám sát các đối tượng mà Phủ Tổng thống “vô sổ bìa đen” từ lâu. Luân phải túc trực gần như 24/24 giờ tại Tham mưu biệt độ - bây giờ, người đứng đầu là Đại tá Đặng Văn Quang. Trong mớ tài liệu hỗn tạp và mâu thuẫn, Luân chưa tìm ra được manh mối. Đại tá Lâm nằm trong danh sách “phải bám sát” và nhân viên mật vụ đã ghi lại lời của đại tá như sau: “Tao khoái đảo chính, song tao có cái khỉ gì trong tay để đảo chính… Tao đâu có ngu mà đưa đầu bằng xương, bằng thịt cho tụi nó thử đạn chì.”
Đại úy Nguyễn Cao Kỳ, một “nhân vật khả nghi” khác, tài liệu vỏn vẹn: Kỳ suốt ngày cùng bọn lưu manh Nguyễn Ngọc Loan, Lưu Kim Cương hú hí “hội đồng” các cô chiêu đãi hàng không, khoác lác một tấc tới trời, song chỉ là khoác lác.
Các “chính khách” thuộc nhóm Caravelle và nhóm 11-11 – dự vào cuộc đảo chính năm 1960 – đóng cửa im ỉm, chẳng chơi bời giao du với ai.
Vũ Liệu – sau khi Trúc Đào bị tạt axít, sống với một vũ nữ khác. Trần Thiện Khiêm ở Cần Thơ, không có dấu hiệu gì đáng để ý. Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, sư trưởng sư 5 đóng vùng Tây Bắc Sài Gòn, cố gắng lấy lòng Nhu bằng cách báo cáo mật về đại tá Đỗ Cao Trí “có những dấu hiệu không bình thường,” tố luôn Nguyễn Hữu Có. Sư đoàn 13 lọt ngoài mọi tin tức cập nhật.
Mai Hữu Xuân báo cáo khá dài về Nguyễn Văn Y và Nguyễn Khắc Bình – Trung ương tình báo – với nhiều triệu chứng lạ. Nguyễn Văn Y và Nguyễn Khắc Bình báo cáo không kém tình tiết về Mai Hữu Xuân.
“Tóm lại, tình hình không có gì rõ rệt. Đảo chính, nếu xảy ra, chỉ có thể do Mỹ chủ trương. Ta cứ hỏi thẳng đại sứ Nolting.” Diệm bảo Nhu. Từ sau chuyến đi nghỉ mát cuối tuần ở Đà Lạt năm trước, Lệ Xuân không chịu gặp đại sứ Mỹ mặc dù Nolting nhiều lần yêu cầu với đủ lí do. Đến khi vợ Nolting sang Việt Nam, Lệ Xuân bằng lòng đi tắm biển Long Hải chung với hai vợ chồng đại sứ. Tại bãi biển, dưới chiếc dù màu sặc sỡ, Nolting nhìn Lệ Xuân như điên dại – mụ phơi mình trên bãi cát, cố tình bẹo Nolting.
Bây giờ thì phải tìm cái cớ để mời Nolting. Sáng kiến, dĩ nhiên, do Lệ Xuân. Mụ tự nguyện gọi điện thoại cho Nolting trước khi văn phòng Phủ Tổng thống gửi thư chính thức.
- Ly Kai vừa báo riêng với tôi một cuộc họp mặt tại nhà Bá Thượng Đài – Nhu bảo Luân – Dự họp có John Hing, người mà anh nhắc tôi đề phòng, Bá Thượng Đài, đại sứ Đài Loan, Lâm Sử, đại diện Trung Cộng. Tất nhiên, John Hing chủ tọa. Gã cho cả bọn biết: sắp có biến cố. Gã không trả lời rõ biến cố đó là gì, song cam đoan là biến cố sẽ xảy ra gần đây. Gã trù liệu những khả năng tiếp theo biến cố, đặc biệt phân tích khía cạnh Việt Cộng nhân cơ hội đó mà phá Ấp chiến lược, chiếm đất chiếm dân ở nông thôn và biểu tình đình công ở đô thị. Lâm Sử cam đoan rằng Việt Cộng chưa thể làm gì được trong thủ đô, trừ các trận đánh mìn. Ở nông thôn, Trung Cộng không tán thành Việt Cộng thành lập các đơn vị chủ lực cao hơn cấp đại đội, nhưng vì Việt Cộng đã có đến cấp tiểu đoàn cho nên Trung Cộng sẽ kềm chế quân chủ lực Việt Cộng ở mức tiểu đoàn riêng lẻ. John Hing nhận xét rằng Trung Cộng mất ảnh hưởng đối với Việt Cộng và chế nhạo Lâm Sử: ngay với người Hoa ở Sài Gòn, thế lực của nhóm Nghị Lực vẫn mạnh hơn nhóm của Lâm Sử nhiều.
- Ly Kai báo cáo có bấy nhiêu? – Luân hỏi.
- Vài chi tiết nữa, song nội dung chủ yếu có bấy nhiêu.
Luân ngả người lên tựa ghế, bóp trán
- Tại sao Ly Kai báo cáo với anh?
- Va vẫn làm như vậy… Về cuộc họp mặt này, tôi có một nguồn tin khác – nguồn tin cho biết ngày giờ, địa điểm, số người na ná như báo cáo của Ly Kai, song không nắm được nội dung.
- Chắc chắn người của anh để lộ, bọn chúng chủ động cho Ly Kai báo cáo… Tại sao anh không bắt quách John Hing, Lâm Sử?
- Về Lâm Sử, tôi không muốn bắt. Anh ta là người của Bắc Kinh. Chưa phải lúc gây căng thẳng với Bắc Kinh. Anh không thấy Bắc Kinh lần lần giúp ích cho chúng ta hay sao? Tôi cho theo Lâm Sử và nhóm của anh ta để bắt nhóm Nghị Lực. Nghị Lực nguy hiểm hơn, đó là nhóm thân Việt Cộng. Tiếc rằng chúng nó khôn ngoan quá, một lần Ly Kai đến tận ổ chúng, song mất dấu luôn. Còn John Hing, ông Fishel yêu cầu chúng ta không được đụng tới. Cả đại sứ Nolting, cũng nhiều lần nhắc như vậy. Hắn ta quốc tịch Mỹ, danh nghĩa là đại diện thương mại của Hãng hàng không Pan America và nhiều hãng buôn khác.
- Ông ta thật sự là người của hãng sản xuất vũ khí “Con ngựa bay” Colt… Nhưng, ta hãy trở lại vụ Ly Kai báo cáo. Tại sao? Ly Kai là agent double(3), nguồn tin của va không thể chỉ có lợi cho một phía. Hay là John Hing muốn nhờ Ly Kai đánh động với anh về một cú nào đó sắp xảy ra? Gã Ly Kai… Ái chà!
(3) Điệp viên hai mang
Luân trở đi trở lại tên Ly Kai khiến Nhu phát nhột. Cách đây không bao lâu, sau vụ Mai Hữu Xuân bắt cóc những người liên quan đến Luân, Nhu hầm hừ đòi bắn bỏ Ly Kai, thế mà bây giờ lại có vẻ tin cậy hắn ta.
- Tôi cho theo Ly Kai khá chặt, anh tin tôi… Đúng như anh khuyên tôi, qua Ly Kai, tôi biết được nhiều việc trong khối người Hoa... Tôi sẽ khử va khi va không còn có ích nữa. Còn việc này, có thể là một thứ tín hiệu… Một cú? Cứ cho như là sẽ có, song cú đó là cú gì? – Nhu cũng bóp trán. Trong khoảnh khắc, Luân nhớ tới Mai. “Đúng rồi, chỉ có hướng đó thôi… Có mối liên hệ gì giữa Đại Việt và John Hing?”
- Tôi cho rà kĩ, bộ binh, thiết giáp, dù… tất cả đều bình thuờng. Tôi e rằng cái “cú” mà dư luận đồn đãi là thứ ballon(4) thăm dò…
(4) Quả bóng
“Anh ta chưa rà kĩ đâu!” – Luân nghĩ thầm – “Anh ta để sót cả một quân chủng mà vai trò mỗi ngày mỗi quan trọng trong cuộc chiến.”
- Chúng ta sẽ hỏi Nolting… Cám ơn anh đã tốn nhiều công sức mấy hôm nay.
Nhu bắt tay Luân, có vẻ nhẹ nhõm.
*
Luân tìm Mai. Không khó khăn gì, cơ quan hàng không cho địa chỉ của cô – một phòng trong khu chung cư đường Tự Do.
- Ông kĩ sư gặp tôi có việc gì? – Mai mời Luân ngồi, giọng không được tự nhiên.
Một cái liếc nhanh trần thiết trong nhà cho Luân nhận xét: cô sống đơn giản, cơ hồ xập xệ, gần như tạm bợ; điều đó chứng tỏ Mai không có ý định ở vĩnh viễn một nơi mà hằng ngày cô rất bận rộn.
- Tôi muốn hỏi cô về người bạn phi công của cô…
Mắt Mai chớp lia lịa.
- Thật bất tiện khi phải từ chối đề nghị của ông kĩ sư, người mà tôi rất mến. Tôi mong ông kĩ sư hiểu…
- Cám ơn cô. Thế là đủ. Tôi chỉ cần biết có bấy nhiêu. Chúng ta, không ai không bận tâm với tình thế. Tất nhiên, giá điều kiện cho phép, chúng ta cho nhau biết nhiều hơn thì công việc chung nhất định có lợi… Dầu vậy, tôi vẫn khuyên cô: Mỹ nắm kế hoạch hành động của người bạn của cô. Người bạn của cô – xin lỗi cô, do nghề nghiệp thôi – tôi biết cả tên, tuổi. Như cô cho tôi biết, anh ta là một Đại Việt, đúng hơn, cha anh ta là lãnh tụ Đại Việt. Đại Việt chưa bao giờ là đảng yêu nước. Tôi không phản đối cô, trái lại. Song, tôi mong cô hiểu cô đang tiếp cận với ma quỷ. Dùng ma quỷ trị ma quỷ, hoàn toàn chính xác, cần thiết… miễn ta đừng lầm ma quỷ với con người.
Mai cắn môi, đôi mắt nhìn Luân soi mói.
- Để cô tin rằng tôi không ba hoa, tôi viết tắt tên của người bạn phi công của cô…
Luân chấm tay vào nước trà, viết lên bàn ba chữ cái: N.V.C.
Mai thay đổi trông thấy: mặt cô tái.
- Cô yên tâm. Trừ tôi, không ai biết. Tôi biết cũng nhờ cô. Qua vài thông tin rời rạc của cô hôm cô đến nhà tôi. Tìm một nhân vật như vậy đâu có khó đối với tôi. Tôi tốn vài mươi phút tra sổ của Bộ chỉ huy không quân. Dầu sao, tôi đề nghị cô xem vụ này vừa tầm của nó. Tôi không cho rằng vụ này không cần thiết, song đừng trông mong từ nó dẫn đến những đổi thay lớn lao ngay lập tức. Cô nên nhớ: Mỹ cho phép – có nghĩa là Mỹ phải có lợi trước tiên và nhiều hơn các phe khác…
- Tức là Mỹ bật đèn xanh… - Mai ấp úng.
- Không… Đúng hơn, chưa. Mỹ bật đèn vàng!
- Ta sẽ biến đèn vàng thành đèn xanh! – Mai rắn rỏi.
- Ý nghĩ hay, nhưng e rằng hơi vội. Chuyển màu không đơn giản. Và, đừng lấy nguyện vọng của mình thay cho những điều kiện thực tế. Nếu thuần túy là nguyện vọng – Luân cười – chưa biết cô hay tôi là người sốt ruột hơn… Nếu cô giữ trách nhiệm nào đó, có một lực lượng nhất định thì tôi khuyên cô: đừng vội phơi lưng. Biết đâu Đại Việt và Mỹ không mong nhân cơ hội này phát hiện lực lượng của đối phương. Tốn vài phi công, chịu một vài sụp đổ nhỏ mà tiêu diệt lực lượng của đối phương – lực lượng chúng sợ thật sự. Đâu phải là giá mắc?
Mai cắn mãi móng tay, thẫn thờ chào Luân, không tiễn khách về.
“Không biết cô ấy thông báo kịp cho cơ sở không?”
Bình luận facebook