-
CHƯƠNG 7
Ta cố gắng tìm cách báo với hoàng đế rằng ta muốn gặp ngài.
Ngài đồng ý gặp nhưng từ chối thỉnh cầu của ta.
"Đừng làm khó trẫm."
Nhiều năm rồi không gặp lại hoàng đế, ngài già đi nhiều.
"Đó là đệ đệ của A Yến đấy! Nhiều thế hệ Vệ gia đã hi sinh vì đất nước, ngài nỡ lòng nào nhìn nhà họ rơi vào cảnh đoạn tử tuyệt tôn."
"Đừng nói nữa!"
"Ta phải nói! Bệ hạ, A Yến chết thực sự ngài không áy náy chút nào sao?"
"Hoa thị, ngươi thôi ngay."
"Thần phụ không mong ngài đặc xá cho cả nhà họ, thần phụ chỉ cầu xin ngài tha cho hai đứa bé."
50.
Lời qua tiếng lại phải đến một hồi lâu.
Không ngờ ngày này cuối cùng cũng đến. Không còn Vệ Yến và hoàng hậu làm cầu nối, sớm muộn ta và hoàng đế chẳng còn liên quan gì đến nhau.
Ta biết vậy. Nhưng mấy ngày gần đây hoàng đế liên tục ban chỉ, ta lo lắng không yên. Ta thực sự hi vọng ngài có thể tha cho Vệ gia, dù cho là vì ngài hổ thẹn với Vệ Yến cũng được, giống như hồi đầu khi ngài mới đăng cơ. Chẳng trông mong ngài tha cho toàn Vệ gia, chỉ mong ngài tha cho hai đứa trẻ con. Chúng nó mới có 2 tuổi, 5 tuổi.
Cuối cùng ngài bỏ qua cho Vệ gia. Đến Vệ An cũng chỉ bị lưu đày, còn cả nhà bị giáng xuống làm thường dân. Như thế đã rất rốt rồi, ít nhất là tốt hơn ta nghĩ nhiều.
Vệ Thanh nói đệ ấy chuẩn bị về Thường Tầm, đó là nơi chôn rau cắt rốn nhà họ Vệ. Năm xưa, Thái Tổ hoàng đế khởi binh, Vệ Gia ở Thường Tầm đầu quân dưới trướng ngài. Nhờ đó, Vệ gia mới gầy dựng được sự nghiệp. Bây giờ trở lại đó cũng coi như là lá rụng về cội.
Đệ ấy hỏi ta có muốn đi cùng không. Ta suy nghĩ, sau đó từ chối. Ta đi rồi vậy ai sẽ nhận thư của Phương Kí.
51.
Lại hai năm trôi qua, Phương Kí trở về, dẫn theo một cô nương, bảo là ý trung nhân của nó. Cô nương kia tên Lương Chiêu Chiêu. Đôi mắt con bé trong và sáng, cảm giác trong trẻo như làn nước, hơi giống Huệ An.
Hai đứa ở nhà với ta hơn hai tháng rồi lại định lên đường. Chuyến này có cả ta đi cùng. Đầu tiên ta đến Thường Tầm, sau đó tìm một nơi yên tĩnh dưỡng già.
Trước khi đi, ta bán mấy mảnh đất và cửa tiệm. Ngoài căn nhà này ra, ta chỉ giữ lại một mảnh đất nhỏ ở vùng ngoại ô kinh thành. Nơi ấy đầy những cây hoa hạnh hoa đào. Rất lâu về trước, chính tại nơi ấy, Vệ yến nói đợi chàng quay trở về sẽ cưới ta.
Nơi ấy có hồi ức của hai ta, ta không nỡ bán.
Ta sắp xếp đồ đạc cẩn thận, nhưng cũng chẳng mang theo bao nhiêu. Quan trọng nhất là phải mang theo bài vị của phụ mẫu và A Yến, cùng với đó là hộp đồ nữ trang của ta. Trong ấy, có nhiều món trang sức Vệ Yến tặng ta. Có mấy cây trâm khắc bằng gỗ hoa đào, cây thì thô ráp, cây thì tinh xảo. Có cả những cây trâm bạc chế tác vô cùng tỉ mỉ, cũng có cả trâm ngọc quý giá. Tất cả đều bị mài mòn, nhẵn bóng theo thời gian.
Ta chỉ dẫn theo mấy người hầu. Mấy năm trước ma ma ốm yếu qua đời, còn đại a đầu thiếp thân đã đổi đến mấy lần. Bây giờ, ai muốn ở lại thì ta sẽ trả khế ước bán thân cho ở lại, còn ai muốn đi cùng thì ta sẽ dẫn theo.
52.
Ta gặp lại Vệ Thanh. Đệ ấy sao già nhanh quá, tựa như còn già hơn cả ta. Năm xưa, Vệ Thanh bị cách chức, nhưng tiền bạc vẫn còn đó, bồi bổ vào thì cũng đâu đến nỗi. Có lẽ là do trong lòng canh cánh nỗi hổ thẹn. Nhưng mà, hà cớ phải vậy, đời này đệ ấy đâu làm sai điều gì, còn đời người khác mình lo thế nào được.
Còn về Lý thị, cách đây không lâu nàng ấy bệnh nặng không qua khỏi. Giờ cả nhà sống dựa vào Vệ Bình và Trương thị. Trông hai đứa cháu nhỏ quần áo tươm tất, có lẽ cuộc sống cũng không tệ.
"Tẩu tẩu, những chuyện năm xưa rốt cuộc là lỗi của ai?"
Ta không biết. Nếu như năm xưa Vệ Thanh không theo nghiệp văn, không biết tương lai Vệ gia thế nào. Nhưng đó vốn không phải quyết định của đệ ấy, khi đó, đệ ấy vẫn còn là trẻ con.
"Không ai sai hết, đệ đừng nghĩ nhiều, là phúc là họa thì đều là do trời định đoạt."
"Nếu như huynh trưởng còn sống, mọi chuyện sẽ chẳng đến nỗi này."
"Cũng không nói trước được."
Tuổi trẻ kẻ sĩ sẵn sàng hi sinh vì tri kỷ. Tuổi già, lòng nhiều hoài nghi, không ai biết được lòng ai thế nào. Tuy vậy, nếu Vệ Yến còn, ít nhất ta sẽ sống vui vẻ hơn.
Dù có thế nào thì đời ta, từ ngày thiếu nữ cho đến tuổi xế chiều, không phải vò võ một mình.
53.
Ta lại lên đường nhưng không đi xa. Ta chọn một trấn nhỏ gần đó sống nốt những ngày cuối đời. Cũng ổn. Ta không giữ đôi phu thê Phương Kí lại, cứ để cho đôi trẻ tiếp tục con đường phiêu bạt góc bể chân trời đi! Ta dặn nếu có thời gian nhớ về thăm ta, vậy là được.
Sau này ta sẽ yên nghỉ tại nơi đây, đời này sống như vậy là đủ rồi.
54.
Năm Thủy Nguyên thứ 38, ngày 21 tháng 3, hoàng đế băng hà.
Một thời đại nữa đã kết thúc, Vệ Yến đã xa ta 41 năm.
Đông chí năm ngoái, ta tiễn đưa Vệ Thanh về nơi an nghỉ. Đệ đệ thuở bé gọi ta là A Chước tỷ tỷ, sau này gọi ta là tẩu tẩu, bây giờ đã nằm yên dưới nắm đất.
Thực sự không ngờ ta lại là người sống lâu nhất trong thế hệ mình. Ta tận mắt chứng kiến người thân, bạn bè lần lượt rời đi. Nhưng thương tiếc nhất là những đứa trẻ sinh mệnh quá ngắn ngủi. Lẽ ra các con phải được sống cuộc đời hạnh phúc.
Phụ thân, mẫu thân, Vệ Yến, Vệ Thanh, hoàng hậu, thái tử, Huệ An, hoàng đế... từng người rời bỏ ta. Nhưng chính họ là những mảnh ghép tạo nên cuộc đời ta.
55.
Năm mới vừa sang. Pháo hoa nở rực trên nền trời, ai ai cũng háo hức. Nhưng ta lại thấy hơi mệt, bèn mò lên giường nghỉ sớm.
Ta mơ. Trong mơ, ta vẫn đang là thiếu nữ. Ta khóc lóc không cho Vệ Yến ra trận, lôi chuyện hôn sự ra để ép chàng ở lại, thậm chí còn tuyệt thực. Vì là mơ, nên ta chẳng ngại giở đủ điều vô lý. Ai bảo chàng yêu ta! Cuối cùng chàng cũng chịu thua.
Bởi vậy nên ngày thành hôn vẫn diễn ra đúng như dự định. Hôm ấy, biết bao nhiêu của hồi môn cuối cùng cũng đợi được ngày rước quanh kinh thành, bù đắp cho nỗi tiếc nuối suốt nửa đời người. Hôn lễ của hai ta cực kì náo nhiệt.
Sau khi thành hôn, cuộc sống phu thê hòa hợp, hạnh phúc. Bọn ta có một con trai, một con gái. Con trai giống Vệ Yến, còn con gái giống ta. Tướng quân phu nhân sống thọ hơn. Vệ Thanh được sống những ngày tháng vô lo vô nghĩ vì phủ đã có Vệ Yến chống đỡ. Phụ thân mẫu thân ta chẳng còn âu sầu vì ta nữa. Ta hay dẫn các con về thăm phụ mẫu. Con cháu đều mạnh khỏe nên phụ thân, mẫu thân cũng vui lây, khỏe lây. Mẫu thân còn đợi được đến lúc đón chắt trai chào đời, còn phụ thân sống được đến lúc cháu gái đi lấy chồng.
Chỉ có con đường đạt được ngôi vị của hoàng đế là trắc trở hơn, nhưng vẫn thành công. Vệ Thanh thi đỗ thám hoa vào năm đầu tiên sau khi tân hoàng đế đăng cơ. Đệ ấy thành gia lập thất, phu thê hòa hợp, con cái ngoan ngoãn.
Trong mơ, thái tử không bị mưu hại. Hoàng đế đã sớm dẹp yên dã tâm của các hoàng tử. Lục gia không xứng với Huệ An. Huệ An lấy được tấm chồng như ý. Còn hoàng hậu mặc dù vẫn một thân bệnh tật, nhưng trong thế giới này nàng có con cái ở bên, không phải trải qua cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.
Hoàng đế và Vệ Yến phối hợp ăn ý diệt trừ loạn thần tặc tử ngay những năm đầu. Phương gia được sống an yên, Phương Kí không phải lâm vào cảnh cù bất cù bơ. Mà tên của thằng bé là Ký Viễn.
Cơ mà thằng bé vẫn vậy, khác hẳn mấy người nhà nó. Học hành tấn tới song lại chỉ thích võ nên nó tìm đủ mọi cách bái Vệ Yến làm sư phụ.
Sau này, hai ta già rồi, Vệ Yến từ quan, con cái lớn khôn, ta và chàng sắp sửa lên chức tổ phụ tổ mẫu. Hai ta âm thầm rời khỏi kinh thành du sơn ngoạn thủy, hưởng thụ nốt quãng đời còn lại. Trong mơ, hai ta bên nhau đến khi đầu bạc răng long. Trong mơ, hai ta nắm tay nhau cùng sang thế giới bên kia. Không phải chịu cảnh một người lẻ loi giữa đời.
Tốt biết bao!
(Kiếp này đã tận)