• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

New [Tuyết Bạc Đầu] Chàng thiếu niên có hôn ước với ta tử trận ngoài sa trường rồi (1 Viewer)

  • CHƯƠNG 3

21.
Mùa đông năm Thủy Nguyên thứ 11.

Bệnh tật giày vò mẫu thân, cuối cùng cũng đến ngày người được giải thoát. Phụ thân cũng ốm đi nhiều. Ta bèn rời Vệ phủ, về nhà chăm sóc cho phụ thân.

Chuyện ấy không bị ai đồn thổi đi xa, nên cũng đỡ lời ra tiếng vào.

Thấm thoắt ta về nhà đã được một thời gian. Hình như vì hay ở trong nhà nên nhiều khi ta cảm thấy hình như mình sống lại ngày trước. Như thể mình mới 14, 15 mà thôi! Cứ sáng sớm, mẫu thân lại gọi ta dậy, rồi ta với Vệ Yến, Từ vương dạo chơi khắp phố phường, chẳng còn nhớ nhung gì đến nữ công thêu thùa may vá.

Khoảng trời ngày ấy sao mà xanh đến thế!

Chớp mắt đã bao năm trôi qua.

Từng người, từng người bên cạnh ta rời bỏ ta mà đi.

Đầu xuân, phụ thân từ quan, ngày ngày chăm hoa chăm cỏ, sống quãng đời thảnh thơi.

Lắm lúc người cũng kể với ta về những chuyện năm xưa khi người còn là thiếu niên trai tráng. Trong ấy, có chuyện vui, cũng có cả chuyện buồn.

Nhưng lần nào cũng vậy, câu chuyện kể mãi lại tụ về một điểm - phụ thân nói với ta, vì người nên ta mới phải khổ.

Có lẽ trong lòng phụ thân vẫn canh cánh mãi về chuyện hôn sự của ta. Người nghĩ nếu hồi ấy người không quen biết Vệ tướng quân, ắt nhà ta cũng chẳng có giao hảo gì với phủ tướng quân. Nếu như vậy, ta và Vệ Yến không phải là thanh mai trúc mã.

Như thế, ta sẽ tìm được một chốn tốt để gửi gắm cả cuộc đời, êm ấm bên chồng bên con giống như bao cô nương khác. Nhưng, với ta, Vệ Yến là chàng lang quân ta ưng nhất.

22.
Cuộc sống cứ thế trôi. Vệ Thanh nay đã đón đứa con đầu lòng. Nhìn cái mắt cái miệng kia có vẻ hao hao Vệ Yến!

Cũng phải, Vệ Yến Vệ Thanh là hai anh em mà, giống cũng phải.

Vừa đón đứa con đầu lòng, Vệ Thanh nói muốn để đứa bé nhận ta và Vệ Yến làm nghĩa phụ nghĩa mẫu. Lý thị biết chuyện, phu thê bất đồng, cuối cùng chuyện này cũng chẳng đi đến đâu.

Đón đứa con thứ hai, Vệ Thanh vẫn quyết tâm cho con nhận nghĩa phụ nghĩa mẫu. Lý thị khi ấy vẫn đang ở cữ đã đến cầu xin ta. Tất nhiên ta trả lại đứa bé cho phụ mẫu nó. Nói thực, vò võ một mình bấy năm nay, ta thấy nhà cửa cũng hơi trống vắng, nhưng ta cũng không quen nuôi con trẻ.

Mà thế gian này có mẫu thân nào lại muốn mang con mình cho người khác nuôi. Kể cả khi Vệ Thanh nhượng bộ, chỉ định cho con thừa tự trên danh nghĩa, còn vẫn để Lý thị nuôi, song nàng ấy vẫn không chịu.

Ta khuyên Vệ Thanh không cần phải làm thế. Vệ Thanh đã có con rồi, là người lớn cả rồi, vậy mà lúc này hai mắt đỏ hoe: "Đệ không muốn trăm năm sau không ai thờ cúng ca ca, tẩu tẩu."

"Đấy là chuyện trăm năm sau cơ mà."

Lúc ấy, chúng ta đều đã sang thế giới bên kia, ai quên, ai nhớ thì có làm sao. Kể cả là có con có cái, ai dám chắc rằng người đời sau sẽ nhớ giữ gìn hương hỏa?

Bởi vậy việc gì phải bắt ép nhau.

Ta còn, đến ngày giỗ Vệ Yến, ta sẽ hóa vàng, thắp cho chàng nén nhang. Ta mất, có lẽ chàng càng sớm được đầu thai.

23.
Khoảng nửa năm sau, không biết Lý thị làm sao, hình như bỗng ngộ ra điều gì mà đột nhiên lại đồng ý cho con nhận nghĩa phụ, nghĩa mẫu. Nàng nói với ta, trước đây nàng không biết suy nghĩ.

Ta hơi ngờ vực, cuối cùng vẫn khéo léo từ chối.

Không lâu sau, nghe nói nàng đồng ý là vì liên quan đến tước vị của Vệ Yến.

Mặc dù Vệ Yến không còn, nhưng hoàng đế vẫn truy phong tước vị, vậy nên con cái cũng sẽ được hưởng.

Cũng không biết nói sao. Lý thị làm vậy cũng vì nàng thương con thôi. Dẫu sao nếu được truyền lại tước vị, sau này con cái sẽ chẳng phải lo cái ăn cái mặc. Ta hiểu, nhưng ta không đồng thuận.

24.
Năm Thủy Nguyên thứ 14.

Ta bồng về nhà một đứa bé, là bé trai. Vệ Thanh hỏi ta tẩu định nhận đứa bé này làm con sao?

Ta lắc đầu: "Vô tình nhặt được đành nuôi thôi."

Ta đang đi trên đường bỗng nghe thấy tiếng khóc đâu đây, nghe như tiếng mèo ré lên, lần tìm thì thấy một đứa bé được quấn trong bọc vải đã nát bươm.

Ta không biết sau này đứa bé ấy sẽ ra sao, nhưng ta biết một sinh linh bé nhỏ như thế không nên bị tước mất quyền sống.

25.
Ta hay nghĩ, có phải chúng ta ai cũng có những nỗi khổ tâm, những chuyện bất đắc dĩ. Dù là bậc đế vương thì cũng vậy. Lời nói đế vương đáng giá ngàn vàng, một khi ban ra không thể làm khác. Nhưng đôi lúc, vì một vài nguyên nhân, mà chính đế vương vẫn phải chịu “làm khác”.

Chỉ tiếc cho những vị trung thần kia!

Ta đặt tên cho đứa bé là Vệ Kí, lấy ý nghĩa từ "hy kí", tức là mong mỏi, hi vọng. Ta hy vọng con sẽ lớn khôn khỏe mạnh, còn những thứ khác ta cũng không quá trông mong.

Ngày trước, trông mấy đứa con nhà Vệ Thanh đứa nào đứa nấy lớn nhanh như thổi. Bây giờ chính mình chăm bẵm trẻ con mới biết, muốn được như thế chẳng phải điều dễ.

Trẻ con như búp trên cành, vừa non nớt, vừa bé bỏng.

26.
Không biết có phải nhờ ơn lành từ cái tên kia không mà trộm vía Vệ Kí nay đã được 3 tuổi nhưng họa hoằn lắm mới biết thế nào là ốm. Thằng bé mập mạp, kháu khỉnh lắm, hệt như em bé trên bức tranh "Phú quý" vậy.

Đôi khi nhìn con nghịch ngợm ở góc sân, ta chợt bần thần cả người. Nếu như Vệ Yến còn sống, hai ta cũng được mấy mụn con, có lẽ cũng sẽ giống như bây giờ.

Vệ Yến hiền lắm, chàng chẳng cãi vã với ta bao giờ. Có lúc ta giở chứng, chàng lại dỗ dành.

Chàng biết ta thích ăn bánh quế hoa trên đường Vạn Phúc, nên vừa sớm tinh mơ đã đi xếp hàng mua cho ta. Chàng biết ta thích ăn vịt quay của lầu Trạng Nguyên nên hay vỗ vỗ cái túi tiền beo béo, mời ta đi ăn.

Nếu như có con, nhất định chàng sẽ là một người cha tuyệt vời. Đôi ta sẽ cùng nhau nuôi con khôn lớn. Mà cũng có khi một mình chàng chăm lo cho cả ta và con ấy chứ. Vì bình thường chàng hay bảo ta tính cứ như trẻ con cơ mà.

Hôm trước, theo thói quen, ta đi chép kinh Phật, đột nhiên lòng lại lặng đi. Liệu trên đời này có thực sự tồn tại vòng luân hồi hay không? Con người chết rồi sẽ xuống âm phủ, qua cầu nại hà, uống canh Mạnh Bà, điểm lại một đời rồi đầu thai sang kiếp khác như người ta vẫn hay nói sao?

Nếu thật như thế, Vệ Yến, liệu chàng có đang đợi ta? Nếu chàng đợi ta, đến khi gặp rồi liệu chàng có thất vọng không? Bởi lẽ chàng vẫn là chàng thiếu niên anh tuấn ngày trước, còn ta bây giờ đầu đã điểm hoa râm.

Nếu chàng không đợi ta, vậy có lẽ chàng đã đầu thai rồi. Không biết chàng đầu thai vào nhà nào? Người tốt như chàng chắc là sẽ được đầu thai vào một gia đình ấm no, hạnh phúc mà thôi. Ta chẳng mong gia đình ấy có quyền cao chức trọng, có vinh hoa phú quý để đời, ta chỉ mong chàng được sống một đời bình an, hạnh phúc. Từ buổi thơ ấu đến thời niên thiếu, từ tuổi xuân cho đến tuổi già, chàng đều sống và tận hưởng từng khoảnh khắc.

Tiếc là, ta chẳng thể ở bên chàng.

27.
Ta bỏ tiền mua một căn nhà nhỏ, nhỏ nhắn nhưng thế là đủ cho ta, Vệ Kí và mấy gia nhân trong nhà ở rồi.

Ta muốn chuyển nhà.

Vệ Thanh không hiểu tại sao ta lại làm như vậy. Đã mấy bận đệ ấy đến khuyên ta cứ ở lại. Anh em nhà họ Vệ có lúc giống nhau lắm, giống nhất là đôi lúc không biết ý gì cả.

Đối với đệ ấy, ta là tẩu tẩu, là người đã chăm sóc, nuôi nấng đệ ấy nên người. Hồi ấy, ta và đệ ấy quả thực là sống nương tựa lẫn nhau. Nhưng đối với thê tử của đệ ấy, thì ta chỉ là người xa lạ.

Lại nhắc chuyện con nuôi lần trước nữa, bây giờ ta và Lý thị chỉ là cố dĩ hòa vi quý mà thôi. Song, ta vẫn không hối hận khi tác hợp mối duyên giữa Vệ Thanh và Lý thị. Vì Lý thị làm như vậy, nghĩa là nàng biết nghĩ cho phu quân, cho con cái.

Con trẻ càng lớn, ta ngày càng cảm thấy mình giống như họ hàng nhiều đời trước.

Nếu vậy chi bằng dứt khoát chuyển đi.

"Xa thì thơm" mà, có lẽ vậy.

28.
Ta chuyển nhà cũng khá suôn sẻ. Ấy nhưng cũng tốn cả một ngày trời. Nha hoàn, ma ma ai nấy đều mệt lả hết, nên bữa tối ấy ta bảo họ làm ba bốn món đơn giản thôi.

Vệ Kí hỏi ta: "Mẫu thân, sau này chỉ có chúng ta sống ở đây thôi ạ?"

Ta gật đầu ra ý đúng vậy.

Thằng bé có vẻ vui lắm, ta cũng không hỏi thêm. Đi từ đây chẳng mấy bước là tới học đường, sang năm là A Kí nhà ta 6 tuổi rồi, ta định cho thằng bé vào đó học. Không biết sau này con muốn làm gì, nhưng đọc sách, biết chữ chẳng thừa.

Kể cả không được làm quan triều đình, thì có học cũng có nghề kiếm cơm. Càng nghĩ ta càng thấy đau đầu! Dù gì ta cũng đã nuôi con bao giờ, đây là lần đầu ta làm mẫu thân mà!

Ta nhớ ra con thứ nhà Vệ Thanh không thích học, mỗi lần đi học là lại khóc lóc ỉ ôi, nên hay “được nếm” mấy đòn gia pháp. Nếu mà Vệ Kí không thích học, ta nghĩ mình cũng chẳng nỡ lòng đánh con. Đến nước ấy đành phải nhờ Vệ Thanh đóng vai ác thôi, dù gì đệ ấy cũng có kinh nghiệm.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom