-
CHƯƠNG 4
29.
Thoáng cái lại đến giao thừa, lại kết thúc một năm. Ta chối không đến nhà Vệ Thanh. Nên có lẽ năm nay là năm ta đón giao thừa với ít người thân nhất.
Trước khi xuất giá, ta vẫn còn phụ mẫu ở bên.
Xuất giá rồi, hồi đầu còn quây quần bên tướng quân phu nhân và Vệ Thanh.
Sau đó, tướng quân phu nhân đi xa. Mặc dù chỉ còn lại ta và Vệ Thanh, nhưng phủ hãy còn nhiều người của thế hệ trước, trong đó có một số người có quan hệ xa.
Bây giờ chỉ còn ta và Vệ Kí.
Hai năm trước, phụ thân đã theo gió mây về trời. Người ra đi không đau không đớn, tất cả chỉ tựa như chìm vào một giấc mơ.
Vệ Kí nắm tay ta đi bắn pháo hoa. Vì không mua nhiều pháo lắm nên chỉ chơi một lúc pháo đã vãn. Vệ Kí kéo áo ta chỉ lên bầu trời phía xa, nơi ấy pháo hoa đang rực sáng: "Mẫu thân ơi đẹp quá."
Ta ngước nhìn, thật đẹp! Nơi ấy là phía hoàng cung. Mỗi năm hoàng cung đều bắn pháo sáng rực cả nền trời.
Rất lâu về trước, khi ấy phụ thân thăng quan tiến chức, người vào cung, ta cũng được đi cùng. Đó là lần đầu tiên ta đặt chân vào hoàng cung. Ta nhớ khi ấy mình 7 tuổi và đó cũng là đêm giao thừa. Trẻ con thì hay ham vui, thích nghịch ngợm, nên mới ngồi còn chưa nóng chỗ ta đã nhấp nhổm muốn đi chơi. Vệ Yến bảo sẽ dẫn ta đi xem nhiều thứ mới lạ. Chàng vỗ vỗ ngực hứa với phụ thân rằng nhất định sẽ trông ta cẩn thận.
Chàng dẫn ta lên trên đài bắn pháo hoa, nhưng lúc ấy chưa bắt đầu nên người đến hãy còn ít. Cũng trong lần ấy, ta gặp thất hoàng tử. Đó là lần đầu tiên ta gặp ngài ấy, còn Vệ Yến làm cầu nối giữa cả hai.
Trẻ con hay lắm, dù vừa mới gặp nhưng chỉ một lát thôi là đã thân rồi. Pháo hoa trong cung đẹp cực kì! Ta khép mắt chìm vào trong dòng suy nghĩ, tựa như chuyện mới chỉ xảy ra trong ngày hôm qua. Nhưng thời gian chẳng chờ đợi một ai. Đó đã là chuyện của hơn 30 năm về trước. Vệ Yến xa ta đã 23 năm rồi.
30.
Qua tháng giêng, ta đưa Vệ Kí đến học đường bắt đầu hành trình theo đuổi con chữ.
Nhưng chẳng bao lâu đã thấy phu tử tìm đến nhà, rõ là có chuyện nhưng lại ngập ngừng mãi không nói. Ta mới gặng hỏi, chuyện là Vệ Kí tuy thông minh nhưng nghịch liền chân liền tay. Thằng bé rất hay gây rối, còn hay đầu têu oánh lộn.
Bữa tối cơm nước xong xuôi, ta bèn hỏi Vệ Kí tại sao lại làm như vậy. Thằng bé chu mỏ nói: "Con không thích đi học."
"Không đi học thì sau này con định làm gì?"
"Con sẽ làm đại anh hùng bảo vệ đất nước, giống như phụ thân ấy."
Mặc dù gia phả không ghi Vệ Kí là con ta và Vệ Yến, nhưng thằng bé gọi ta là mẫu thân, vậy cũng nên gọi Vệ Yến một tiếng phụ thân. Vẫn biết võ tướng buổi loạn thế, văn thần thời hưng thịnh, còn nay thiên hạ thái bình đã lâu! Ta chỉ mong con bình an khôn lớn.
"Đại anh hùng cũng phải học chữ, nếu không sau này sao đọc được binh pháp?"
"Nhưng mà phu tử không dạy binh pháp, suốt ngày chỉ toàn chi hồ giả dã [1]."
[1] Chi, hồ, giả, dã: là trợ từ thông dụng trong Hán cổ, sau này được dùng với ý nghĩa chỉ học không đi đôi với hành, hoặc thói tầm chương trích cú.
"Học hành không thể vội, con phải nhẫn nại."
"Hay là mẫu thân mời một vị sư phụ dạy võ cho con!"
Ta nhướng mày: "Đợi con học hành cho tử tế đi đã rồi hay."
Thằng bé mếu máo kéo áo ta, nũng nịu: "Mẫu thân, cho con học đi mà."
Cuối cùng, hai ta lập một lời hứa, nếu Vệ Kí chăm chỉ đi học, học cho thật tốt thì sẽ được học võ.
Đúng là trẻ con, dễ khóc dễ cười! Tập võ rèn luyện thân thể cũng tốt.
Tuy vậy, ta vẫn mong A Kí sẽ không đắm chìm trong võ.
31.
Ta thuật lại chuyện ấy cho hoàng đế, ngài cười nói: "Rõ là Phương gia mấy đời văn nhân, bây giờ ngươi lại vun ra được một mầm võ! A Chước, được đấy!"
"Có lẽ hoàn cảnh sống tạo nên con người. Nếu như không phải vì bệ hạ, bây giờ thằng bé vẫn đang là tiểu công tử quyền quý."
Nụ cười trên khuôn mặt hoàng đế vụt tắt. Ừ, câu ấy quả thật chọc trúng nỗi đau của ngài.
Phương gia là gia tộc trung thần, nhưng hoàng đế cũng có nỗi khổ tâm, bất đắc dĩ phải chịu “làm khác”, phải thỏa hiệp diệt cả gia môn nhà họ. Tại vị đã nhiều năm, nhưng ngài vẫn bị thế lực khác chèn ép, sống như thế sao mà không lo cho được?
Sau khi Phương gia gặp họa, ngài tìm đến ta nhờ ta chăm sóc cho đứa bé kia. Ta nhận lời.
Ta không biết phải nói gì. Thực ra theo ý ta, khi ấy có lẽ ngài vẫn nên đào tận gốc, trốc tận rễ. Sau này khi ngài đã diệt được gian thần thì trả lại sự trong sạch cho Phương gia, rồi cố gắng vun đắp cho một nhánh nào nhà họ Phương, kéo dài hương hỏa. Như vậy sẽ tránh được hậu họa về sau.
Còn như bây giờ, ngài mềm lòng giữ lại một mầm non bé bỏng. Sau này, nếu có ngày thằng bé biết chuyện, không biết nó sẽ nghĩ thế nào?
32.
Ta mời một cựu binh đến dạy võ cho Vệ Kí. Người ấy xuất thân từ đội quân Vệ gia, vả lại cũng chỉ là dạy cho một đứa bé thôi, nên ta cũng không quá lo lắng.
Luyện võ không dễ như ta tưởng. Chỉ riêng đứng tấn đã rất mệt rồi. Biểu cảm trên gương mặt non nớt của Vệ Kí đã đủ nói lên tất cả. Trông vậy ta không khỏi bần thần. Có phải hồi nhỏ Vệ Yến cũng khổ luyện võ công như vậy? Chắc là còn vất vả hơn, dẫu sao chàng cũng là người thừa kế Vệ gia, không giống như Vệ Kí.
Luyện võ được mấy ngày, Vệ Kí gầy đi trông thấy. Ta khuyên con đừng học nữa, nhưng thằng bé không chịu. Mình mẩy đầy vết bầm xanh xanh tím tím, thế mà khi ta xức dầu cho thằng bé, nó cắn răng không khóc.
"Con phải luyện thành tài sau này còn bảo vệ mẫu thân."
Ta xót con, quyết định xin Vương sư phụ cho thằng bé nghỉ ngơi mấy buổi. Hơn nữa, cũng phải nhớ đến học cả Lý phu tử.
33.
Thấm thoắt, Vệ Kí đã lớn rồi, bao lâu nghiêm túc theo đuổi con chữ nay đã nhận được kết quả xứng đáng. Tổ tiên của A Kí đều là người có học, đều theo đường quan văn, ta nghĩ lẽ ra A Kí cũng nên như vậy.
Nhưng ta không ngờ, thằng bé quyết chí làm anh hùng hành hiệp trượng nghĩa: "Mẫu thân, con không muốn làm quan. Con học võ cũng được lắm, không sợ chết đói đâu."
Thôi vậy, đến đâu hay đến đó.
34.
Ta vào cung trò chuyện với hoàng hậu về chuyện hôn sự của Huệ An. Huệ An là nàng công chúa duy nhất của hoàng hậu và hoàng đế, vừa mới cập kê. Con bé hoạt bát đáng yêu lắm.
Hoàng hậu có ý cho Huệ An về bên Lục gia, cũng chính là phía thân mẫu của hoàng hậu: "Năm ấy Sùng Nhi chọn thê tử, bổn cung đã để ý một đứa cháu, là con gái của đại ca ta. Nhưng hoàng đế không đồng ý."
"Vậy bây giờ ý bệ hạ thế nào?"
Nàng lắc đầu: "A Chước, bổn cung chỉ muốn Lục gia có lấy một chỗ dựa."
Ta hiểu lòng nàng. Có ai lại không muốn nâng đỡ nhà mình chứ? Song, có lẽ như vậy lại phật lòng hoàng đế.
"Có trách bổn cung tham lam thì cũng đành vậy. A Chước, càng ngày bổn cung càng thấy thân mình đau nhức, bổn cung thực sự thấy lo."
"Nương nương sẽ mau khỏe thôi."
"Ta khỏe mà Sùng Nhi, Huệ An và Lục gia nữa không được yên ấm thì cũng có ích gì. Lo cho con cái ổn thỏa, ta có chết cũng yên lòng. Hay ngươi thử nói với bệ hạ xem sao, biết đâu ngài lại suy nghĩ lại?"
Ta cười khổ, lắc đầu: "Đã bao nhiêu năm thần không gặp bệ hạ rồi."
"A Chước, ngươi nghĩ tại sao con người lại thay đổi?"
35.
Ta phải khuyên giải mãi hoàng hậu mới tạm nguôi lòng. Nhưng thực ra, chính ta cũng thấy buồn. Bởi lẽ trong lời của nàng có lời là thật tâm.
Vừa rời khỏi cung của nàng, ta bắt gặp mấy tên thái giám đang bắt nạt một đứa bé. Ta mới quát bọn họ dừng tay, rồi bèn hỏi rõ ngọn ngành. Hóa ra đó là bát hoàng tử, con của phế phi Ngô thị.
Ta bảo cung nhân bẩm báo chuyện này cho hoàng hậu biết. Thực ra ta cũng chỉ giúp được thế, cũng chẳng muốn lo chuyện bao đồng.
Hôn sự của Huệ An tựa như một ván cờ của bậc đế hậu, liên tục thay đổi.
Huệ An từng tâm sự riêng với ta rằng con bé không thích biểu ca, cũng không thích phò mà mà hoàng đế chọn. Huệ An hỏi ta: "Tại sao con gái nhất định phải xuất giá?"
"Bởi vì xưa nay vẫn làm như vậy."
Con bé đáp: "Nhưng mà, chuyện hôn nhân đáng sợ lắm."
"Sao lại vậy?"
"Phụ hoàng với mẫu hậu ngày nào cũng cãi vã. Ta không muốn sau này cũng sống cuộc đời như vậy."
Nhưng con bé không biết, ban đầu phụ mẫu nó cũng từng là một đôi phu thê hòa hợp.