• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Hot Truyện ngôn tình thầy trò (2 Viewers)

  • Ký ức độc quyền - Chương 07 - Phần 3

6


Do nghề nghiệp của mẹ hơi đặc biệt nên từ nhỏ tôi đã có thể nghe được từ mẹ một số chuyện của những nữ phạm nhân trong tù. Nghe nói phụ nữ phạm tội, phần lớn đều là vì gia đình hoặc tình yêu.


Mẹ tôi thường dùng một danh ngôn để hình dung về họ: “Thương họ gặp bất hạnh, giận họ không có chí.”


Tôi không biết khi Triệu Hiểu Đường tát Tống Kỳ Kỳ, trong đầu cô ấy có phải cũng đang nghĩ đến câu này hay không. Lâu nay cô ấy luôn làm theo ý mình, trong phòng có bốn người, chỉ riêng cô ấy luôn khiến chúng tôi có cảm giác cô ấy không thích chơi chung với ba chúng tôi, do đó cũng có chút xa lạ. Nhưng ngay sau khi cô ấy đánh Tống Kỳ Kỳ và cùng chúng tôi ôm lấy nhau, tôi mới ngộ ra, hóa ra trên đời này có nhiều người thích che giấu tình cảm của mình như vậy.


Chuyện của ngày hôm đó, rất nhiều người đều trông thấy, do đó sự việc càng ngày càng lớn, mồm năm miệng mười, một truyền mười, mười truyền trăm, lời đồn lan khắp trường.


Vợ của Tiêu Chính nhất quyết bắt nhà trường phải kỷ luật Tống Kỳ Kỳ, nếu không sẽ đưa chuyện của Đại học A lên báo. Nghe người ta thuật lại thì nguyên văn lời của cô ta là: “Để các giới trong xã hội nhìn xem thế nào là trường điểm, thế nào là tài nữ, toàn là thứ dơ bẩn.”


Khoa cũng không tỏ thái độ gì, chỉ bảo Tống Kỳ Kỳ nghỉ học vài ngày, tự kiểm điểm trong khi chờ đợi ý kiến xử lý.


Những ngày đó, Tống Kỳ Kỳ không hề bước ra khỏi cửa, suốt ngày không nằm trên giường thì ngồi thẫn thờ trên ghế. Mẹ của Kỳ Kỳ cũng từ dưới quê đi tàu lên thành phố A.


Giáo viên hướng dẫn sợ Kỳ Kỳ nghĩ quẩn, nên bảo chúng tôi trông chừng cô ấy trước khi mẹ cô ấy đến.


Ở sau lưng Kỳ Kỳ, Bạch Lâm hỏi: “Lỡ như trường thật sự kỷ luật Kỳ Kỳ thì sao?”


“Không đâu.” Tôi an ủi cô ấy mà không chắc chắn.


“Trong quy định của trường có điều lệ này không?” Bạch Lâm lại hỏi.


“Không biết nữa, trước đây chẳng để ý.” Tôi thở dài.


Bạch Lâm nói: “Chúng ta nghĩ cách gì đi. Nhưng nếu thật sự bị kỷ luật, chắc chẳng còn trông mong gì vào tương lai nữa.”


Người đầu tiên tôi nghĩ tới là người mà ngày thường rất quan tâm đến tôi, tính tình lại hòa đồng - thư ký Ngô. Nhưng từ lúc khai giảng đến nay, giáo sư luôn đi họp ở tỉnh ngoài, chẳng thể lo được chuyện ở đây.


Người thứ hai là Trần Đình.


Trần Đình nói: “Tôi cũng chỉ có thể thử xem sao thôi, nói thế nào thì ảnh hưởng lần này thật sự quá xấu.”


Tôi cảm ơn thầy, vừa định rời khỏi thì thầy gọi quay lại.


Thầy nói: “Tiết Đồng, em nói với Tống Kỳ Kỳ, hy vọng em ấy có thể nghĩ lại. Tình cảm như thế vốn không phải tình yêu. Người đàn ông đó cũng không có tư cách nhắc đến chữ yêu ở trước mặt Tống Kỳ Kỳ. Cũng may là hắn đã chuyển nghề từ mấy năm trước, nếu không, hắn cũng không xứng đáng làm giáo viên.”


“Cảm ơn thầy, thầy Trần. Chúng em vẫn khuyên bạn ấy.” Trần Đình đúng là một người tốt.


Thầy lại nói: “Thiện cảm mà em ấy dành cho người đàn ông đó trong thời trung học, chỉ là một kiểu nương tựa vào một người đàn ông đã trưởng thành, chỉ là khao khát tình yêu của bố mà thôi. Về bản chất, đó không phải là tình yêu.”


Thầy nói xong rồi nhìn tôi với ánh mắt sâu xa.


Những ngày ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều.


Bố mẹ của Tống Kỳ Kỳ đều là công nhân. Mẹ của Kỳ Kỳ rất xinh đẹp, hát rất hay. Khi còn trẻ, bác ấy là người đẹp nổi tiếng trong xưởng. Bố của Kỳ Kỳ là đồng nghiệp làm cùng xưởng, vẻ ngoài bình thường. Nhưng mẹ Kỳ Kỳ cảm thấy bố Kỳ Kỳ là người tốt, trung thực, làm đúng bổn phận. Chỉ không ngờ rằng, người trung thực này luôn sợ hãi vợ mình đi ngoại tình, do đó sau khi kết hôn, chỉ cần bác gái mà nói chuyện với người đàn ông nào thì về đến nhà chắc hẳn sẽ bị bố Kỳ Kỳ đánh đập.


Sau khi Tống Kỳ Kỳ ra đời, tính tình của bác Tống càng ngày càng tệ. Có lần một người thân vô tình nói, Tống Kỳ Kỳ không giống ông ấy nên ông nghi ngờ đây không phải con ruột của mình, từ đó hễ có chuyện gì không vừa lòng, ông lại lấy Tống Kỳ Kỳ ra trút giận. Nhiều năm qua đi, tình cảm của hai cha con cơ hồ là con số không. Do đó, Trần Đình kết luận tình yêu mà Kỳ Kỳ dành cho Tiêu Chính thực chất chỉ là sự khát khao đối với tình yêu của bố, nói như thế cũng không phải là vô lý.


Vậy còn tôi?


Tôi và Tống Kỳ Kỳ giống nhau biết bao.


Về sau, trải qua quá trình thương lượng từ ba phía, nhà trường xử phạt Tống Kỳ Kỳ vì phạm một lỗi sai. Do mức độ ảnh hưởng của sự việc, trường để mẹ Kỳ Kỳ đưa cô ấy về nhà, đình chỉ học ba tháng, cắt học bổng và toàn bộ những khen thưởng cá nhân đang được xét của Tống Kỳ Kỳ.


Mỗi khi nhìn chiếc giường trống trải của Kỳ Kỳ, không hiểu tại sao, tôi luôn có cảm giác nhói đau cho người cùng cảnh ngộ.


Sau hơn một tuần bình tĩnh suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng quyết tâm hẹn Mộ Thừa Hòa đến quán cà phê Starbucks, nơi mà mấy tháng trước, tôi đã bắt gặp Tiêu Chính và Tống Kỳ Kỳ.


Lần này, tôi đến rất sớm, ngồi tại vị trí mà Tống Kỳ Kỳ từng ngồi, nhìn dòng người và xe cộ đi lại ngoài đường.


Trong bữa cơm cùng thầy và Trần Đình lần trước, đa phần là Trần Đình bắt chuyện với tôi.


Lâu nay tôi vẫn luôn cho rằng Mộ Thừa Hòa không phải là một người trầm lặng, ít nói.


Nhưng hôm đó, thầy nói rất ít, lúc thì nhìn tôi, lúc lại nhìn Trần Đình, giống như người ngoài cuộc vậy, thỉnh thoảng mới chen vào cuộc đối thoại của chúng tôi.


Hôm ấy, chúng tôi có nói đến chuyện giáo viên nạp tiền vào thẻ cơm ở nhà ăn số ba của khu Tây.


Tôi bực tức nói: “Ông thầy mập ú ấy, nếu đưa một trăm đồng, bảo trả lại tiền, thầy sẽ vứt số tiền phải trả lại ra, còn rất hung dữ nói không có tiền lẻ. Còn nếu như đưa cho thầy hai mươi đồng loại mệnh giá năm đồng nhờ thầy nạp vào thẻ, thầy sẽ rất bực bội mà đẩy tiền trả lại, bảo đi đổi tiền chẵn. Thầy nói xem, rốt cuộc là thầy mập ú muốn sao chứ?”


Trần Đình cười ha ha: “Vậy sao? Cũng may lần nào tôi cũng mang tờ một trăm và nạp một trăm.”


Tôi quay qua hỏi: “Thầy Mộ, thầy gặp người đó chưa?”


Thầy không trả lời, chỉ cười cười. Dù chỉ là một câu hỏi rất nhỏ, rất bình thường, thầy cũng không chịu dùng lời nói để gần gũi với tôi.


Cho đến khi Trần Đình đứng ra xoa dịu tình hình.


Trái lại, khi ở MSN, tôi và thầy nói chuyện thoải mái hơn. Cho nên tôi cứ luôn cảm thấy thầy chắc là biết được điều gì đó, nên cố tình né tránh tôi.


Đúng giờ hẹn, Mộ Thừa Hòa xuất hiện.


Tôi nhanh chóng đứng dậy hỏi: “Thầy uống gì, em mua?”


Trước khi tới đây tôi đã được Bạch Lâm phụ đạo, cô ấy nói đến Starbucks là phải tới quầy thu ngân trả tiền trước, sau đó tự mình mang đồ uống đến chỗ ngồi, giống như McDonald’s vậy. Cô ấy nhắc nhở tôi nhất định phải ghi nhớ điều này, để khỏi bị biến thành một đứa nhà quê khiến người ta chê cười.


Phải chăng động tác của tôi có phần mạnh mẽ nên khiến Mộ Thừa Hòa hơi khựng lại.


Thầy nói: “Để tôi mua.”


“Không được! Hôm nay em mời. Thầy uống gì?”


Thấy tôi kiên trì như vậy, thầy cũng không tranh giành nữa, bèn nói: “Tùy em, đừng quá đắng là được.”


Tôi đến quầy thu ngân, ngước đầu nhìn bảng giá rất lâu, hoa cả mắt, cuối cùng mới nói với nhân viên phục vụ: “Tôi muốn một ly cà phê không đắng.” Nói xong, chính tôi cũng cảm thấy mình nói câu này ngốc thật.


Nhân viên phục vụ cười hiền nói: “Gần đây chúng tôi vừa mở thêm một loại đồ uống mới, Black Cherry Mocha, khá ngọt.”


“Vậy tôi lấy hai cốc.”


“Xin hỏi, muốn dùng cỡ nào, lớn, vừa hay nhỏ?”


Tôi lại hỏi một câu rất mất mặt: “Giá cả có giống nhau không?”


“Không giống.”


“Vậy tôi lấy cốc nhỏ.”


“Hai cốc Black Cherry Mocha nhỏ, tổng cộng sáu mươi đồng. Xin hỏi còn dùng gì không?”


“Không cần...” Tôi lấy tiền ra khỏi ví một cách khó khăn, cầm hai cốc cà phê trở về chỗ, chỉ cảm thấy máu trong tim mình đang nhỏ giọt. Sớm biết vậy thì tôi đã không giả vờ thanh cao rồi.


7


Mộ Thừa Hòa hỏi tôi: “Tìm việc đến đâu rồi?”


“Thật ra...” Thật ra sáng nay tôi chỉ mượn cớ này để hẹn thầy thôi, nhưng dù sao lời đối đáp tôi cũng đã chuẩn bị xong rồi. “Thật ra em rất phân vân cho công việc sau này.”


“Không biết phải lựa chọn như thế nào à?”


“Vâng ạ! Chẳng phải tháng Mười một này trường chúng ta có một buổi tuyển dụng sao? Em cũng muốn đi thử lắm. Nhưng hôm trước, giáo viên hướng dẫn nói với em trong khoa định tiến cử em ở lại trường.”


Mộ Thừa Hòa trầm ngâm một lúc: “Đã bàn bạc với người nhà chưa?”


“Mẹ em đi công tác ở nơi khác rồi, em có nhắc chuyện này với mẹ qua điện thoại, mẹ nói em muốn chọn thế nào cũng được.” Tôi nói.


“Vậy em nghĩ sao?” Thầy hỏi.


“Không biết nữa...” Tôi nói một cách rầu rĩ.


Dường như thầy đã sớm đoán biết trước câu trả lời của tôi, do đó không hề tỏ ra bất ngờ, chỉ phân tích: “Em đã từng nghĩ đến việc sẽ làm phiên dịch chưa?”


“Lúc nằm mơ em có nghĩ đến. Tiếc là với trình độ ngoại ngữ còn kém cỏi của em, làm phiên dịch viên chuyên nghiệp thì khó quá.” Ai bảo trước đây không chịu ngoan ngoãn học tập, giờ thì hối hận rồi.


“Có muốn làm viên chức trong một cơ quan nhà nước không?”


“Chuyên ngành của người ta, em không biết, chuyên ngành của em thì người ta đều biết, em vào đấy thì làm được gì chứ, chỉ có thể làm một nhân viên văn phòng, đánh máy, photo. Bạch Lâm nói nếu muốn giỏi thì đi làm sales, nhưng em lại dốt, không làm được.”


“Vậy hay là suy nghĩ kỹ về việc ở lại trường?”


“Làm giáo viên ư?”


“Sao? Lại có ý kiến gì à?” Mộ Thừa Hòa lắc đầu cười.


“Thầy nói thật?”


“...” Thầy không trả lời, chắc là cảm thấy có chút buồn bực vì câu hỏi này của tôi.


Tôi đành thành thật nói: “Em cảm thấy làm giáo viên thật nhàm chán, năm nào cũng nhìn quyển sách đó, giảng những bài đó, lặp đi lặp lại. Cuối cùng biến thành người máy, không chỉ lải nhải suốt ngày mà giọng nói cũng to hơn.”


Thầy cười.


“Em không có ý nói thầy đâu.” Tôi vội vàng giải thích.


Lát sau, tôi lại không kìm được hỏi: “Thầy Mộ, sao thầy lại làm giáo viên vậy?”


“Ngoài Vật lý, tôi không biết gì nữa cả, không có sự lựa chọn nào khác, chỉ có thể làm giáo viên thôi.” Thầy nói.


“Thầy nói dối, một số sinh viên của thầy nói, thầy sắp giành được giải thưởng gì đó nữa rồi.”


“Sinh viên nào mà thích quảng cáo về tôi thế này?” Thầy nói với giọng điệu không mấy thiện cảm.


Tôi le lưỡi, không dám bán đứng Lý sư huynh, vội giả vờ uống cà phê, uống một ngụm rất lớn, quả đúng thật là ngọt đến phát ngán, hối hận thật. Nhưng nghĩ lại, dù gì cũng ba mươi đồng một cốc, còn hơn uống vào mà đắng ngắt.


Đột nhiên thầy nói: “Cá nhân tôi cảm thấy em khá thích hợp làm giáo viên.”


“Tại sao?” Tôi nghiêng đầu hỏi.


“Tính cách của em hòa đồng, dễ gần gũi với mọi người, từ sáng đến chiều đều vui vẻ, không có nhiều tâm tư, môi trường lớp học rất thích hợp với em. Nhưng...”


“Nhưng gì ạ?”


“Nếu em muốn ở lại trường, là cử nhân thôi thì không thể đứng vững được, sớm muộn cũng phải thi tiếp nghiên cứu sinh, đấy cũng là điều mà em cần cân nhắc.”


Sau đó, Mộ Thừa Hòa lại phân tích lợi và hại.


Tôi nhìn gương mặt thầy, trong đầu xuất hiện rất nhiều ý nghĩ.


Trước đây, tôi đọc sách thấy viết rằng, tình yêu không chỉ là những rung động thoáng qua trong tim mà phải là điều bạn cảm thấy, bạn và đối phương có thể sống cùng nhau suốt năm mươi năm, bất kể cay đắng, ngọt bùi, bất kể ốm đau, bệnh tật, đều có thể bình thản, ung dung mà chăm sóc cho nhau.


Tôi chưa từng nghĩ, nếu như tôi cùng Mộ Thừa Hòa thật sự chung sống với nhau, cùng nhau già đi, thậm chí còn cùng nhau đối diện với cái chết thì sẽ như thế nào?!


Điều này thật lòng tôi chưa từng nghĩ.


Tôi chỉ nghĩ, nếu thầy tốt với tôi, mãi quan tâm tới tôi như thế, nếu như thầy nói thầy thích tôi, nếu như thầy có thể ôm tôi vào lòng, trái tim tôi nhất định sẽ sung sướng và xúc động biết bao.


Những gì tôi muốn chỉ đều là nhận về mình, cũng giống như tôi nhận mọi thứ từ bố tôi vậy.


Mỗi lần gặp khó khăn, người đầu tiên tôi tìm đến sự giúp đỡ đều là Mộ Thừa Hòa. Khi lạc lõng, người đầu tiên tôi nghĩ tới cũng là Mộ Thừa Hòa.


Bởi vì thầy an ủi tôi, khích lệ tôi, quan tâm đến tôi.


Hôm ấy các giáo viên nói chuyện với nhau trong văn phòng: “Chỉ ở những tình huống đặc biệt mới có một tình cảm sùng bái đặc biệt đối với một người đặc biệt.”


Lúc này, tôi bất giác bật cười.


Dù nụ cười mang theo vị chát đắng nhưng tôi vẫn đã cười.


Thầy hỏi: “Tôi nói sai sao?”


Tôi mỉm cười nói: “Dạ không.”


Thầy ngơ ngác một chút rồi lại hỏi: “Suy nghĩ kỹ chọn làm gì chưa?”


Tôi gật đầu: “Nghĩ kỹ rồi.”


Nếu như đó vẫn chưa phải là yêu, mà mới chỉ là thích. Nếu như việc thích này không nhận được sự hồi đáp của thầy, vậy thì nhân lúc nó còn chưa quấy nhiễu đến thầy, hãy khiến nó đóng băng, cất giữ trong ký ức của mình.


Sau đó, chúng tôi cùng nhau nói thêm về một vài chuyện khác.


Mặt trời đã gần lặn, tôi còn phải về nhà lấy đồ nên xin phép về trước. Thầy nói thầy không vội, dù sao giờ này đường phố cũng đông đúc nên nán lại, ngồi thêm lúc nữa.


Ra khỏi Starbucks, tôi đi tới trạm bắt xe buýt, đứng một lúc vẫn chưa có xe. Nhìn những chiếc xe dịch chuyển chầm chậm trên đường, tôi không kìm được, quay đầu lại nhìn, một cái nhìn từ xa, rất xa.


Thầy vẫn ngồi đó, hơi nghiêng người quay lưng lại phía tôi. Vì khoảng cách quá xa, tôi không nhìn rõ được gương mặt ấy, chỉ biết thầy đang tiếp tục nhâm nhi cốc Mocha. Tay cầm cốc cà phê là bàn tay trái, đó là bàn tay đã từng mang đến cho tôi rất nhiều hơi ấm và ảo tưởng.


Tôi ngừng lại một lát, rồi đột nhiên vội vàng chạy trở lại, đẩy cửa kính ra.


Chiếc chuông treo trên cửa vang lên leng keng.


Người nhân viên đón tiếp tôi lúc nãy đang dọn dẹp ở chiếc bàn gần cửa nhất thấy tôi bước vào, liền nói rất nhã nhặn: “Hoan nghênh quý khách!”


Mộ Thừa Hòa nghe tiếng, khẽ quay đầu lại nhìn. Liền đó, ánh mắt chúng tôi giao nhau.


Tôi đi từ từ tiến về phía thầy.


Thầy đứng lên.


“Lúc nãy em quên nói.” Tôi nói rất chân thành: “Thầy Mộ, cám ơn thầy. Thầy là một thầy giáo tốt, có thể là sinh viên của thầy, đó là điều may mắn nhất của em trong bốn năm đại học.”


Đôi mắt sáng trong veo của Mộ Thừa Hòa nhìn tôi, rất lâu, rất lâu sau vẫn không nói lời nào.


Cuối cùng, tôi nói: “Tạm biệt thầy.”


Thầy đáp: “Tạm biệt.”


Chính giây phút tôi quay lưng rời khỏi, Mộ Thừa Hòa đột nhiên túm lấy tay tôi. Đang là đầu thu, tôi mặc áo dài tay mỏng, năm ngón tay thầy ôm lấy cổ tay tôi, cách nhau một lớp vải mềm, tôi nhận thấy một làn hơi ấm truyền đến từ lòng bàn tay ấy. Thầy không dùng lực, nhưng đã rất nhanh chóng và dễ dàng ngăn cản bước chân rời khỏi của tôi.


Tôi kinh ngạc quay đầu lại.


Thầy dừng lại một chút, sau đó bình tĩnh nói: “Giờ này không dễ bắt xe, tôi tiễn em.”


“Không sao, nhà em gần đây, đi hai trạm là tới, em đi bộ về đó cũng nhanh mà.”


Thầy gật đầu, buông tay ra: “Vậy em nhớ cẩn thận, đừng về trường muộn quá.”


Tôi đi ra con phố tấp nập, cứ đi thẳng, băng qua đèn giao thông, tiếp tục bước đi, không dám quay đầu lại.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom