• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Thi Nhân Việt Nam (2 Viewers)

  • Thi Nhân Việt Nam - 30. Lưu Trọng Lư

30. Lưu Trọng Lư


Sinh năm 1912 ở Cao Lao Hạ, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Học trường Quốc học Huế đến năm thứ ba, ra Hà Nội học tư rồi bỏ đi làm báo, làm sách cho đến nay.


Chủ trương Ngân sơn tùng thư, Huế (1933- 1934).


Đã viết giúp: Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Tiến hoá, Hanoi báo, Tân thiếu niên, Tao đàn...


Đã xuất bản: Tiếng thu (1939).


Lư đang nằm trên giường xem quyển "Tiếng thu" bỗng ngồi dậy cười to:


- A ha! Thế mà mấy bữa ni cứ tưởng...


-?


- Hai câu:


Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh,


Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi.


mấy bữa ni tôi ngâm luôn mà cứ tưởng là của Thế Lữ...


Thì ra hai câu ấy của Lư!


Ở đời này, ít người lơ đãng hơn. Thi sĩ đời nay họ khôn lắm, có khi ranh nữa, Và yêu thơ, thường ta chả nên biết người: thiệt thòi cho họ và thiệt thòi ngay cho mình. Nhưng yêu thơ Lư mà quen Lư vô hại, thì đời Lư cũng như một bài thơ. Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết. Giá một ngày kia Lư có nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết ta cũng không nên ngạc nhiên tí nào.


Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta hãy tin rằng tiếng kia màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày xuống các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào.


Cảnh mộng có khi cũng có màu sắc như chiếc cánh diều lững thững trên sườn núi hay con nai vàng ngơ ngác trong rừng thu. Nhưng thường ta chỉ thấy những cảnh rất mơ hồ, không có ở thời nay mà cũng không có ở thời nào. Hãy đọc bài "Thơ sầu rụng": Bóng người con gái quay tơ trong đó ẩn sau một màn mây mờ. Ta biết có nàng nhưng ta không thấy nàng và ta cũng chớ nên tìm nàng làm chi... Cứ để lòng trôi theo cái âm hưởng đặc biệt của bài thơ, ngân nga, dằng dặc, buồn buồn, đều như tiếng guồng xa... Sau bài thơ bát ngát một trời đất ta không hiểu, thi nhân cũng không hiểu.


Nhưng dầu sao con người mơ mông ấy cũng đã rơi xuống giữa cõi trần, người đã sống một cuộc đời rất thực ở trần gian. Có điều mỗi khi kể lại những chuyện thực trong đời mình, người để xen vào rất nhiều chuyện trong mộng. Nhưng chuyện dầu chuyện mộng, tình bao giờ cũng thực. Và mối tình chan chứa trong bài thơ bắt ta phải bồi hồi.


Đặc sắc của Lư chính là ở chỗ này. Từ những kỷ niệm tươi sáng về người mẹ đã khuất, cho đến bao nhiêu buồn thương, bao nhiêu chán nản, bao nhiêu đâu khổ vì tình yêu, cả cái cảnh đời giá lạnh của đôi vợ chồng lúc "tình đà xế bòng", cùng cái thú ngây ngất của cuộc đời " giang hồ". Lư đều kể cho ta nghe một cách rất cảm động.


Một điều rõ ràng: Đọc thơ người khác ta có thể tìm thấy nhiều bài âm điệu tinh tế hơn, nhiều hình ảnh xinh đẹp hơn, nhưng ít bài cảm động như thơ Lư. Ấy, chỉ vì Lư thành thực hơn. Hãy xem: tuy chẳng phải n của gia đình lư đã không ngần ngại mà nói đến vợ đến con, một điều các thi nhân ta gần đây hình như kiêng lắm.


Tôi bỗng nhớ câu nói của Pascal: "Tưởng kẻ viết là một nhà văn, không ngờ lại gặp một người ".


Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt dũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy. Tình đã gửi trong lời thơ, Lư không còn đoái hoài đến nữa. Lư vứt chỗ này một bài, chỗ khác một bài, với cái phóng khoáng cả một kẻ khinh hết thảy những cái gì gọi là quý ở đời này. Sánh với những người yêu thơ Lư, Lư là người thuộc thơ mình ít nhất. Âu cũng là điều bất lợi. Một điều bất lợi nữa là trong khi thơ Việt Nam đương đi tìm nghệ thuật mới lạ, những tình cảm khuất khúc, những hình sắc phiền phức của thiên nhiên, thì Lư cũng chỉ có một ít khúc đàn bình dị, một ít khúc đàn xưa, dầu có đổi xoang đổi điệu cũng vẫn là những khúc đàn xưa.


Nhưng ngoài cái sở thích nhất thời còn những sở thích đời đời không thay đổi.


Bao giờ còn có những cặp vợ chồng nhớ tiếc buổi tân hôn thì những câu như:


Còn đâu ánh trăng vàng


Mơ trên làn tóc rối?...


Đêm ấy xuân vừa sang


Em vừa hai mươi tuổi.


vẫn khiến họ bâng khuâng.


Bao giờ còn có những kẻ say đắm tình yêu và đau khổ vì yêu thì những câu như:


Ta mơ trong đời hay trong mộng?


Vùng cúc bên ngoài động dưới sương.


hay:


Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau


Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau.


Chờ anh dưới gốc sim già nhé!


Em hái đưa anh đoá mộng đầu.


vẫn tìm thấy những tiếng dội trong lòng người.


Dầu chưa lăn lóc trong trường tình, đọc thơ Lư người ta cũn phải bồi hồi vì cảnh phong ba ngoài kia, nơi thi nhân đương trôi nổi. Qua khung cửa bài thơ, ngọn gió lạnh ngoài khơi đưa tới, người ta sẽ thấy xao động cho dầu đã khép chặt cõi lòng để sông một cuộc đời êm ấm.


Sao lại có người có thể đọc những câu như thế mà vẫn dửng dưng. Họ bảo những nỗi đau thưong ấy thường quá. Vâng thường, thường lắm thường như hầu hết những nỗi đau thương thành thực của loài ngườịTôi không muốn nói nhiều. Trước sự đau thương của người bạn, tôi muốn im lìm kính cẩn. Tôi chỉ biết, dầu có ưa thơ người này hay người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Có những bài thơ cứ vương vấn trong trí tôi hằng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức của lòng ta.


Tháng 3 - 1941
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom