• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Suối Nguồn (The Fountainhead) (1 Viewer)

  • Suối Nguồn - Phần 2 - Chương 12 a

XII
Người ta công bố rằng lễ khai trương đền Stoddard sẽ được tổ chức vào chiều ngày đầu tiên của tháng Mười một.
Người đại diện báo chí đã làm việc rất hiệu quả. Tất cả mọi người đều bàn tán về sự kiện này, về Howard Roark, về kiệt tác kiến trúc của thành phố đang chờ đợi.
Sáng ngày 31 tháng Mười, Hopton Stoddard quay trở về sau chuyến đi vòng quanh thế giới. Ellsworth Toohey đón ông ta ở bến tàu.
Sáng ngày mùng Một tháng Mười một, Hopton Stoddard đưa ra một tuyên bố ngắn gọn; sẽ không có lễ khai trương nào cả. Ông ta không hề đưa ra lời giải thích.
Sáng ngày mùng Hai tháng Mười một, mục Một tiếng nói nhỏ của Ellsworth M. Toohey trên tờ Ngọn cờ New York có đăng tải một bài viết với tiêu đề Sự báng bổ thánh thần. Bài viết như sau:
“Đã đến lúc rồi, con hải mã nói
Phải nói về nhiều điều:
Về tàu – về giày – về Howard Roark
Cải bắp – nhà vua – Vì sao biển nóng
Có cánh hay không – ngày Howard Roark”[90]
“Chức năng của chúng tôi – xin mượn lời một triết gia mà chúng tôi không ưa – không phải là làm một cái vỉ ruồi. Tuy nhiên, khi một con ruồi mắc chứng hoang tưởng vĩ cuồng, thì những người ưu tú nhất mong chúng tôi buộc phải gác công việc để làm một việc nhỏ nhoi là tiêu diệt con ruồi đó.
“Gần đây có nhiều lời bàn tán về một người có tên là Howard Roark. Vì tự do ngôn luận là di sản thiêng liêng của chúng ta và nó bao gồm cả quyền tự do lãng phí thời gian, nên việc bàn tán như vậy cũng chẳng hại gì – ngoại trừ thực tế là có nhiều thứ có ích lợi hơn nhiều so với việc bàn luận về một người chưa làm được gì khác ngoài một toà nhà xây dở. Việc bàn tán quả thật chẳng có hại gì nếu như sự lố lăng không trở thành thảm kịch – và rồi biến thành sự lừa đảo.
“Howard Roark – như hầu hết chúng ta chưa từng nghe nói tới và chắc sẽ không phải nghe nói tới nữa – là một kiến trúc sư. Cách đây một năm, anh ta được tín nhiệm giao cho một công trình khác thường. Anh ta được ký hợp đồng xây dựng một tượng đài vĩ đại trong sự vắng mặt của người chủ vốn rất tin tưởng anh ta và cho anh ta toàn quyền hành động. Nếu thuật ngữ trong luật hình sự của chúng ta có thể áp dụng trong lĩnh vực nghệ thuật, thì chúng ta phải nói rằng công trình mà ông Roark xây cho người chủ kia đã cấu thành một thứ tương đương với tội biển thủ tinh thần.
“Ông Hopton Stoddard, một nhà từ thiện nổi tiếng, đã có dự định trao tặng cho thành phố New York một đền thờ chung, một thánh đường không bè phái làm biểu tượng cho đức tin của con người. Cái mà ông Roark đã xây cho ông ấy có thể là một nhà kho – mặc dù, nếu là nhà kho thì nó có vẻ như không hữu dụng. Nó cũng có thể là một nhà thổ – khả năng này có vẻ hợp lý hơn nếu chúng ta tính đến bức tượng trang trí của nó. Chắc chắn, nó không phải là một đền thờ.
Dường như một kẻ ác tâm đã chủ ý làm cho toà nhà này đi ngược lại mọi khái niệm thông thường về một kiến trúc tôn giáo. Thay vì sự khép kín nghiêm cẩn, ngôi đền này lại mở toang như một phòng trà phương tây. Thay vì không khí sùng kính thường có ở một nơi mà người ta tìm đến để suy ngẫm về sự vĩnh hằng và nhận ra sự tầm thường của con người, toà nhà này lại có vẻ hoan hỉ buông tuồng, trác táng. Thay vì những đường nét vươn lên cao, hướng tới thiên đường, vốn là đòi hỏi bắt buộc đối với một đền thờ, một biểu tượng cho sự tìm kiếm một thứ cao hơn cả bản ngã bé nhỏ của con người, toà nhà này lại nằm bè bè trên mặt đất, bụng ngậm trong bùn. Vì thế, nó khẳng định sự trung thành của nó với chốn thế tục; nó tôn vinh những thoả mãn thô tục của nhục dục bên trên những thoả mãn của tinh thần. Bức tượng một người đàn bà khoả thân ở một nơi người ta tìm đến để cảm thấy thăng hoa đã phơi bày bản chất ngôi đền này và không cần ai phải bình luận gì thêm về nó.
“Một người bước vào một đền thờ để tìm kiểm sự giải thoát khỏi bản thân mình. Anh ta muốn được thấy mình khiêm nhường, muốn thú nhận sự tầm thường của mình, muốn cầu xin sự tha thứ. Anh ta tìm thấy sự cứu rỗi khi hạ mình xuống. Tư thế phù hợp của con người trong một ngôi nhà của Chúa là tư thế quỳ gối. Không ai có trí khôn lại quỳ gối trong ngôi đền của ông Roark. Nơi này cấm người ta làm điều đó. Những cảm xúc mà nó tạo ra có tính chất hoàn toàn khác: kiêu ngạo, trơ tráo, thách thức, tự đại. Nó không phải là ngôi nhà của Chúa mà là nhà tù của một kẻ mắc chứng vĩ cuồng. Nó không phải là một đền thờ, mà là sự đối lập hoàn toàn với một đền thờ, một sự nhạo báng xấc xược đối với tất cả các tôn giáo. Lẽ ra chúng ta đã gọi nó là một kiến trúc báng bổ, có điều, những kẻ báng bổ lại nổi tiếng là những kiến trúc sư giỏi giang.
“Chuyên mục này không hậu thuẫn cho bất kỳ tín ngưỡng nào cụ thể, nhưng quy tắc ứng xử thông thường đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng niềm tin tôn giáo của những người xung quanh chúng ta. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi có nghĩa vụ phải giải thích cho công chúng về vụ tấn công có chủ ý vào tôn giáo này. Chúng tôi không thể bỏ qua một sự báng bổ thánh thần quá đáng như thế.
“Nếu chúng tôi có vẻ đã quên mất chức năng phê bình kiến trúc, thì chúng tôi chỉ có thể giải thích rằng trường hợp này không đòi hỏi điều đó. Một thứ tầm thường không bao giờ xứng đáng được phê bình một cách nghiêm túc – đó sẽ là một sai lầm. Theo chúng tôi nhớ, ông Howard Roark đã có vài công trình và chúng đều có đặc tính phi lý cùng với sự bừa bãi của một kẻ nghiệp dư quá tham vọng. Tất cả những con chiên của Chúa đều có cánh, nhưng thật không may điều này không đúng với tất cả những thiên tài của Chúa[91].
“Vậy đấy, các bạn đọc thân mến. Chúng tôi vui mừng vì đã làm xong công việc của ngày hôm nay. Chúng tôi thực sự không vui thú gì khi phải viết những lời cáo phó.”
*
* *
Ngày mùng Ba tháng Mười một, Hopton Stoddard nộp đơn kiện Howard Roark vì đã vi phạm hợp đồng và lạm dụng quyền hạn. Ông đòi bồi thường một khoản tiền đủ để trả cho một kiến trúc sư khác sửa chữa lại Ngôi đền.
*
* *
Thuyết phục Hopton Stoddard thật dễ dàng. Trở về sau chuyến đi, ông hết sức hoang mang với vô vàn quan điểm tôn giáo trên thế giới, và nhất là với những hình thức khác nhau của địa ngục trên mặt đất này. Ông đã đi đến kết luận rằng cuộc đời của ông khiến cho ông xứng đáng phải chịu thứ địa ngục kinh khủng nhất, dù nhìn theo bất cứ tôn giáo nào. Những hy vọng cuối cùng của ông đã sụp đổ. Trên chuyến tàu trở về, người phục vụ tàu cảm thấy chắc chắn rằng vị khách đáng kính của mình đang hấp hối.
Vào buổi chiều ngày ông trở về, Ellsworth Toohey đã đưa ông đến xem ngôi đền. Toohey không nói gì. Hopton Stoddard trăn trối nhìn ngôi đền và Toohey nghe thấy tiếng những chiếc răng giả của Stoddard nghiến kèn kẹt. Công trình này không giống bất kỳ cái gì mà Stoddard từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới; cũng không phải là cái mà ông đã trông chờ. Ông không biết phải nghĩ gì. Khi ông đưa cái nhìn cầu cứu tuyệt vọng sang phía Toohey, đôi mắt Stoddard trông như hai miếng thịt đông.[92] Ông ta chờ đợi. Vào thời điểm đó, Toohey có thể thuyết phục ông về bất kỳ cái gì. Toohey cất tiếng và nói những điều mà ông nhắc lại trong cột báo của mình.
“Nhưng anh đã nói với tôi rằng anh chàng Roark là một người giỏi cơ mà!” Stoddard rên rỉ một cách hoang mang.
“Tôi đã hy vọng là anh ta giỏi,” Toohey lạnh lùng trả lời.
“Nhưng thế thì – tại sao?”
“Tôi không biết,” Toohey nói và ánh mắt buộc tội của ông khiến cho Stoddard hiểu rằng có một tội lỗi xấu xa đằng sau tất cả điều này và rằng tội lỗi đó là của Stoddard.
Toohey chẳng nói gì trong xe Limousine trên đường họ quay trở lại căn hộ của Stoddard mặc dù Stoddard vào trạng thái kinh sợ. Trong căn họ, Toohey dẫn Stoddard đến một chiếc ghế bành và đứng trước mặt ông ta, u ám như một vị quan toà.
“Hopton, tôi biết tại sao chuyện đó xảy ra.”
“Tại sao?”
“Tôi có lý do nào để nói dối ông không?”
“Không, tất nhiên là không rồi, anh là chuyên gia nổi tiếng nhất và là người trung thực nhất. Tôi không hiểu, tôi hoàn toàn không hiểu nổi!”
“Tôi thì hiểu. Khi tôi giới thiệu Roark, tôi có mọi lý do để trong chờ - dựa trên những đánh giá trung thực nhất của tôi - rằng anh ta sẽ đem lại cho ông một kiệt tác. Nhưng anh ta không làm vậy. Hopton, ông có biết quyền năng gì có thể phá vỡ mọi toan tính của con người hay không?”
“Qu...quyền năng gì vậy?”
“Chúa đã chọn cách này để từ chối sự dâng tặng của ông. Chúa cho rằng ông không xứng đáng được dâng cho Ngài một đền thờ. Hopton, ông có thể đánh lừa tôi và tất cả mọi người, nhưng ông không thể đánh lừa Chúa. Ngài biết cuộc đời ông còn đen tối hơn những gì tôi tưởng tượng.”
Toohey tiếp tục nói một lúc lâu, bình thản, nghiêm túc. Hopton rúm ró vì sợ hãi. Cuối cùng, Toohey nói:
“Hopton, rõ ràng là ông không thể mua lấy sự tha thứ bằng cách bắt đầu từ trên đỉnh., Chỉ có sự trong sáng trong con tim mới có thể xây dựng nên một đền thờ. Ông phải trải qua nhiều bước chuộc tội nhỏ hơn trước khi ông tới được giai đoạn đó. Ông phải chuộc tội với đồng loại của ông trước khi ông có thể chuộc tội với Chúa. Toà nhà này không có duyên làm một đền thờ; nó phải trở thành một công trình nhân đạo. Chẳng hạn như một nhà tình thương cho những đứa trẻ tật nguyền.”
Hopton Stoddard không thể ép mình tin điều này. “Để sau đã, Ellsworth, để sau đã” ông ta rên rỉ. “Hãy cho tôi thời gian.” Ông ta đồng ý kiện Roark, như Toohey gợi ý, để bù đắp cho cái chi phí sửa đổi thiết kế. Ông sẽ quyết định sửa đổi nó thành cái gì sau.
“Đừng bị sốc bởi bất kỳ những gì tôi sẽ nói và viết về công trình này,” Toohey nói với ông ta khi ra về. “Tôi sẽ buộc phải dựng lên một vài điều không hoàn toàn có thật. Tôi phải bảo vệ danh tiếng của chính tôi trước một điều hổ thẹn vốn có lỗi của ông chứ không phải của tôi. Hãy nhớ rằng ông đã thề không bao giờ để lộ chuyện ai đã khuyên ông thuê Roark đấy.”
Vào ngày hôm sau, bài báo Sự báng bổ thánh thần đã xuất hiện trên tờ Ngọn cờ. Bài báo là một ngòi nổ ngầm. Tuyên bố về vụ kiện của Stoddard đã châm lửa vào ngòi nổ ấy.
Không ai cảm thấy buộc phải tham dự một cuộc chiến vì một công trình; nhưng ở đay tôn giáo đã bị tra tấn. Người đại diện báo chí đã lăng-xê quá mức và giờ đây công chúng cảm thấy bị tổn thương. Rất nhiều người cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng.
Làn sóng phản đối Howard Roark và ngôi đền của anh làm tất cả mọi người ngạc nhiên, trừ Ellsworth Toohey. Các mục sự nguyền rủa ngôi đền trong các bài truyền giảng. Các cậu lạc bộ phụ nữ thông qua các bản kháng nghị. Một uỷ ban các bà mẹ đã đăng trên trang tám các tờ báo một lá đơn đòi hỏi người ta làm gì đó để bảo vệ con cái họ. Một nữ diễn viên nổi tiếng đã viết một bài báo về sự thống nhất cơ bản trong tất cả các bộ môn nghệ thuật; bà ta diễn giải rằng Đền Stoddard không hề có giá trị kiến trúc, tiếp đó bà ta kể về thời gian bà ta diễn vai Mary Magdalene trong một vở kịch tái hiện Kinh Thánh. Một quý bà thượng lưu viết một bài báo về các đền thờ ở các vùng đất xa lạ mà bà ta đã viếng thăm trong những chuyến thám hiểm xuyên rừng rậm; bà ta ca ngợi niềm tin cao quý của những người nguyên thuỷ và chỉ trích thói hoài nghi của con người hiện đại; bà nói rằng Đền Stoddard là một biểu tượng của sự mềm yếu và suy đồi. Bức ảnh minh hoạ bài báo có một con sư tử đã chết. Một giáo sư đại học viết một bức thư cho người biên tập tờ Ngọn cờ về những kinh nghiệm như thể ở một nơi như Đền Stoddard. Kiki Holcombe viết một bức thư gửi toà soạn để trình bày quan điểm của bà về cuộc sống và cái chết.
Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố long trọng lên án Đền Stoddard là một sự lừa gạt về tinh thần và nghệ thuật. Những tuyên bố tương tự – ít tính long trọng và nhiều tiếng lóng hơn – cũng được Hội đồng các Nhà thầu Xây dựng Hoa Kỳ, Hội Nhà văn Hoa Kỳ và Hội Hoạ sĩ Hoa Kỳ công bố. Chưa ai từng nghe nói đến những tổ chức này nhưng đó lại là những Hội đồng nên tiếng nói của họ có trọng lượng. Mọi người sẽ nói với một người khác:”Anh có biết Hội đồng các Nhà thầu xây dựng Hoa Kỳ đã nói rằng ngôi đền này là một thứ giẻ rách về kiến trúc không?” – anh ta nói như thể anh ta có quan hệ thân thiết với những đại diện ưu tú nhất của thế giới nghệ thuật. Người kia sẽ không muốn đáp lại rằng anh ta chưa từng nghe nói về tổ chức này, vì thế anh ta trả lời: “Tôi cũng đã hy vọng họ sẽ nói vậy. Anh cũng thế chứ?”
Hopton Stoddard nhận được nhiều thư từ bày tỏ cảm thông đến nỗi ông ta bắt đầu cảm thấy hạnh phúc. Trước đây, ông chưa từng nổi tiếng như vậy. Ông nghĩ, Ellsworth đã đúng; những đồng loại của ông ta đã tha thứ cho ông; Ellsworth luôn luôn đúng.
Sau một thời gian, những tờ báo có uy tín thôi không đề cập đến chuyện này nữa. Nhưng tờ Ngọn cờ thì vẫn tiếp tục. Nó trở thành một mối lợi đối với tờ Ngọn cờ. Gail Wynand không có mặt ở toà soạn, ông đã dong thuyền buồn ra Ấn Độ dương, và Alvah Scarret thì đã luôn chờ đợi một cuộc thánh chiến. Vụ việc này thích hợp với ông Ellsworth Toohey không phải đưa ra bất kỳ để xuất nào; Scaret tự động chớp lấy thời cơ và hành động.
Scarret viết về sự suy đồi của nền văn minh và xót xa về sự mất mát đức tin đơn giản. Ông ta tài trợ cho một cuộc thi viết tiểu luận dành cho học sinh trung học với chủ đề “Tại sao tôi đi nhà thờ”. Ông ta đăng một loạt bài minh hoạ về “Các nhà thờ thời niên thiếu của chúng ta.” Ông đăng ảnh các biểu tượng tôn giáo qua nhiều thời đại – tượng Nhân sư, các tượng nửa người nửa thú, các cây cột cao khắc linh vật. Ông đặc biệt lưu ý đến những bức ảnh chụp tượng Dominique; ông đăng chúng kèm với những dòng chú thích đầy giận dữ nhưng bỏ qua tên người mẫu. Ông cho đăng những đoạn hình trong đó Roark được vẽ như một người nguyên thuỷ lông lá, tay cầm chuỳ. Ông ta viết nhiều bài báo ăn khách về chuyện tháp Babel[93] không thể chạm tới thiên đàng và về anh chàng Icatus bị rơi xuống đất vì đôi cánh bằng sáp của mình.
Ellsworth Toohey chỉ ngồi vắt chân chữ ngũ và theo dõi mọi chuyện. Ông đưa hai gợi ý nhỏ: ông tìm thấy trong phòng tư liệu của tờ Ngọn cờ bức ảnh Roark tại lễ khai trương Nhà Enright, bức ảnh khuôn mặt người đàn ông trong giây phút thăng hoa và ông cho đăng bức ảnh đó trên tờ Ngọn cờ với dòng chú thích: “Hài lòng rồi chứ, ngài Siêu nhân?” Ông buộc Stoddard mở cửa Ngôi đền cho công chúng đến xem trong khi chờ phiên toà. Người ta lũ lượt đến xem ngôi đền và họ khắc đầy những hình ảnh và câu nói tục tĩu trên bệ tượng Dominique.
Một số người đến xem và lặng lẽ thán phục công trình. Nhưng họ là dạng người không tham dự vào các cuộc tranh luận công khai. Austen Heller giận dữ viết một bài báo để bảo vệ Roark và Ngôi đền. Nhưng ông ta không phải là người có thẩm quyền về kiến trúc hoặc tôn giáo và bài báo chìm nghỉm trong cơn bão.
Howard Roark không hề phản ứng.
Người ta yêu cầu anh đưa ra một tuyên bố và anh tiếp một nhóm phóng viên trong văn phòng của mình. Anh nói một cách bình thản: “Tôi không thể nói với bất kỳ ai về công trình của mình. Nếu tôi chuẩn bị sẵn một mớ từ ngữ để nhồi nhét vào đầu người khác thì đó sẽ là sự xúc phạm đối với họ cũng như đối với tôi. Nhưng tôi rất vui vì các anh chị đã đến đây. Tôi thực sự muốn nói một điều. Tôi muốn yêu cầu tất cả những người quan tâm đến chuyện này hãy đến nhìn ngôi đền, hãy ngắm nó và sau đó dùng những từ ngữ của chính họ để nói, nếu như họ muốn nói gì đó.”
Tờ Ngọn cờ đăng bài phỏng vấn như sau: “Ông Roark, người có vẻ là một con chó săn tìm sự nổi tiếng , đã tiếp tục đón các phóng viên với vẻ huênh hoang, xấc xược và tuyên bố rằng đầu óc của công chúng là đồ bỏ. Ông ta không thèm nói chuyện nhưng dường như ông ta hoàn toàn ý thức được lợi ích lăng-xê bản thân của vụ việc này. Ông ta giải thích rằng tất cả những gì ông ta quan tâm là có càng nhiều người đến xem công trình của ông ta thì càng tốt.”
Roark từ chối thuê luật sư đại diện cho mình tại phiên toà sắp tới. Anh nói rằng anh sẽ tự đứng ra bào chữa và, bất chấp sự phản đối của Austen Heller, anh từ chối giải thích anh định bào chữa thế nào.
“Austen, có một số quy tắt mà tôi hoàn toàn sẵn sàng tuân thủ. Tôi sẵn lòng mặc loại quần áo mà mọi người mặc, ăn cùng một loại thức ăn và đi cùng một tuyến tàu điện ngầm. Nhưng có một số thứ khác tôi không thể làm theo cách của họ – và chuyện này là một trong số đó.”
“Anh biết gì về toà án và luật pháp nào? Lão ta sẽ thắng mất.”
“Thắng cái gì?”
“Vụ kiện của lão ấy chứ còn gì nữa.”
“Vụ kiện này có quan trọng không? Tôi chẳng thể làm gì để ngăn ông ta không động chạm đến ngôi đền. Ông ta sở hữu nó. Ông ta có thể phá huỷ nó hoặc biến nó thành nhà máy sản xuất keo. Ông ta có thể bất chấp việc tôi thắng hay thua kiện.”
“Nhưng ông ta sẽ lấy tiền của anh để làm thế.”
“Đúng vậy. Ông ta có thể lấy tiền của tôi.”
Steven Mallory không bình luận về bất kỳ chuyện gì. Nhưng khuôn mặt anh giống như buổi tối Roark gặp anh lần đầu tiên.
“Steve, cứ nói đi, nếu nó làm cho cậu thấy dễ chịu hơn,” – Roark bảo Mallory một buổi tối.
“Chẳng có gì để nói cả,” Mallory trả lời thờ ơ. “Tôi đã nói với anh rằng tôi không tin họ sẽ để anh sống sót.”
“Vớ vẩn. Cậu không có quyền lo sợ cho tôi.”
“Tôi không lo sợ cho anh. Lo sợ cho anh thì được tích sự gì? Tôi lo chuyện khác.”
Nhiều ngày sau, khi ngồi trên bậu cửa sổ phòng Roark và nhìn xuống đường phố bên dưới, Mallory chợt nói:
“Howard, anh có nhớ tôi đã nói với anh về con quỷ mà tôi kinh sợ? Tôi không biết gì về Ellsworth Toohey. Tôi chưa từng gặp lão ta trước khi tôi bắn lão. Tôi chỉ đọc những thứ mà lão ta viết. Howard này, tôi bắn lão vì tôi nghĩ lão ta biết rõ con quỷ đó.”
Dominique đến phòng Roark vào buổi tối Stoddard tuyên bố về vụ kiện. Cô không nói gì. Cô đặt cái túi của mình lên bàn và đứng cởi găng tay một cách chậm rãi như thế cô muốn kéo dài sự thân mật khi thực hiện một hành động thường ngày ở đây, trong phòng của anh; cô nhìn xuống những ngón tay của mình; rồi cô ngẩng đầu lên. Khuôn mặt cô như thể có biết điều đau đớn nhất mà anh phải chịu đựng và điều đau đớn đó là của cô và cô muốn chịu đựng nó như thế này, một cách lạnh lùng, không đòi hỏi những từ ngữ nhằm làm giảm nhẹ nó.
“Em sai rồi,” anh nói. Họ luôn có thể nói như vậy với nhau, như tiếp tục một cuộc đối thoại mà họ chưa từng bắt đầu. Giọng anh thật nhẹ nhàng. “Anh không cảm thấy điều đó.”
“Em không muốn biết.”
“Anh muốn em biết. Điều mà em đang nghĩ tồi tệ hơn sự thật rất nhiều. Việc họ đang phá huỷ nó không quan trọng với anh. Cũng có thể nó đau đớn đến nỗi anh thậm chí không biết là mình bị đau. Nhưng anh không nghĩ vậy. Nếu em muốn đau khổ thay cho anh, thì đừng đau khổ nhiều hơn anh. Anh không có khả năng đau khổ một cách hoàn toàn. Anh chưa bao giờ có khả năng đó. Nỗi đau chỉ xuống đến một điểm nào đó, rồi nó dừng lại. Miễn là còn có cái điểm không thể chạm tới đó, nó không thực sự là nỗi đau. Em đừng như thế.”
“Thế nó dừng lại ở đâu?”
“Ở nơi mà anh không thể nghĩ tới bất kỳ điều gì và không thể cảm thấy bất kỳ điều gì ngoài việc anh chính là người đã thiết kế ngôi đền đó. Anh đã xây nó. Tất cả những thứ khác đều không thực sự quan trọng.”
“Đáng lẽ anh không nên xây nó. Đáng lẽ anh không nên để nó phải đối mặt với những thứ họ đang làm.”
“Điều đó không quan trọng. Kể cả nếu như họ sẽ phá huỷ nó. Điều quan trọng là nó đã từng tồn tại.”
Cô lắc đầu. “Anh có thấy em cứu anh khỏi cái gì khi em lấy các hợp đồng khỏi tay anh không? … Để không cho họ có quyền làm chuyện này với anh… Không có quyền sống trong một công trình mà anh xây nên … Không có quyền động vào anh… bằng bất kỳ cách nào…”
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom