• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes (2 Viewers)

  • Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes - Chương 11 - Phần 1

Chương 11. Ba người cùng họ


Vào buổi sáng sớm một ngày cuối tháng 6 năm 1902, Sherlock Holmes nói với tôi, đôi mắt xám tro ánh lên vẻ tinh nghịch:


- Anh Watson, hiện có một cơ hội để anh phát tài đây. Anh đã nghe thấy cái họ “Garrideb” chưa? Nếu tìm được một người mang họ này, anh sẽ kiếm được khoản tiền lớn đấy.


- Tại sao vậy?


- Nói ra thì hơi dài dòng. Tôi cho rằng, trong những vấn đề mà chúng ta đã nghiên cứu, chưa từng có việc nào kỳ lạ như vậy! Gã này sẽ mau chóng đến gặp chúng ta ngay thôi, cho nên bây giờ tôi cũng chẳng muốn nói nhiều. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta cần tìm ngay một người mang cái họ Garrideb kỳ lạ đó.


Cuốn danh bạ điện thoại để trên bàn, tôi lật giở ra xem, trong lòng chẳng mấy hy vọng, nhưng không ngờ là quả thật có cái họ kỳ lạ đó nằm ở đúng vị trí trong cuốn danh bạ.


- Đây rồi, Holmes! - Tôi đắc ý reo lên.


Anh ấy cầm lấy quyển danh bạ đọc to:


- N. Garrideb, số 136 đường Little Ryder. Đây chính là người viết thư, nhưng chúng ta còn phải tìm một người mang họ Garrideb nữa.


Đúng lúc đó, bà Hudson bê cái khay nhỏ, trên có đặt một tấm danh thiếp vào. Tôi cầm lấy tấm danh thiếp, lướt nhìn qua rồi reo lên:


- Có rồi, đây này. John Garrideb, luật sư, ở bang Kansas.


Holmes nhìn tấm danh thiếp cười:


- Tôi nghĩ, anh còn phải tìm thêm một người nữa đấy! Vị này đã nằm trong dự liệu, có điều, tôi không ngờ sáng nay ông ta lại tới. Nhưng dù sao ông ta cũng sẽ cung cấp cho ta vài thông tin hữu ích.


Vị luật sư người không cao lắm, khỏe mạnh, khuôn mặt bầu bĩnh, nhẵn nhụi, sáng sủa, theo phong cách đặc trưng của các quý ông trong giới kinh doanh Mỹ. Đôi mắt rực sáng của anh ta khiến ai cũng phải chú ý. Vừa sáng vừa cảnh giác, đôi mắt ấy luôn phản ánh rất nhiều xung đột nội tâm và cũng rất nhạy cảm với từng ý nghĩ thay đổi của người tiếp xúc, thật là hiếm có. Anh ta nói giọng Mỹ khá chuẩn:


- Xin hỏi trong hai vị, ai là ngài Holmes? - Anh ta nói - Thứ lỗi cho sự mạo muội của tôi. Theo tôi được biết, có người cùng họ với tôi viết thư cho ngài phải không?


- Mời ngài ngồi xuống rồi hãy nói! - Holmes cầm tập tài liệu lên - Ngài chính là John Garrideb được nhắc tới trong này ư? Nhưng ngài đã ở Anh một thời gian rồi.


- Thưa ngài, ngài có ý gì vậy? - Mắt ông ta nhìn chúng tôi ánh lên sự nghi ngờ.


- Ngài mặc toàn đồ Anh quốc.


Ông ta miễn cưỡng mỉm cười:


- Tôi đã biết về tài năng quan sát của ngài qua sách báo. Nhưng thật không ngờ mình lại là đối tượng nghiên cứu của ngài. Làm sao mà ngài nhìn ra được như vậy?


- Không cần phải vội, thưa ngài! Bạn tôi nói rằng, đôi khi những chi tiết nhỏ nhặt lại có thể giải quyết được vấn đề. Nhưng sao ngài Nathan Garrideb lại không cùng đi với ngài nhỉ?


- Tôi không rõ ông ta lôi kéo ngài vào chuyện gì. - Vị khách đột nhiên phát cáu - Việc này đâu có liên quan tới ngài? Vốn chỉ là một sự vụ nhỏ giữa hai người đàn ông đàng hoàng, vậy mà một người đột nhiên lại đi gặp thám tử! Sáng nay khi tôi gặp ông ta, ông ta nói mình đã làm cái việc ngu xuẩn đó, vì vậy tôi mới tới đây. Nhưng tôi vẫn cho rằng, chơi như thế là không đẹp.


- Việc này đâu có làm ngài mất mặt. Chỉ đơn thuần là ông ấy quá nhiệt tình muốn đạt được mục đích. Mà theo tôi hiểu, mục đích này đều rất quan trọng đối với quan hệ giữa hai người.


Ông ta dần dần dịu bớt cơn tức giận, bộ mặt cau có giãn ra:


- Sáng nay tôi gặp ông ta, ông ta bảo tôi đi gặp thám tử; tôi xin địa chỉ, rồi tới đây ngay. Nếu ngài chỉ là muốn giúp chúng tôi tìm ra người thứ ba thì cũng chẳng phương hại gì.


- Chính là vậy đó. - Holmes đáp - Nay ngài đã đến đây, tốt nhất là chính ngài hãy nói ra tất cả cho rõ ràng. Ông bạn Watson của tôi vẫn chưa biết gì về vụ này.


- Được thôi! Tôi sẽ cố gắng nói thật ngắn gọn cho các ngài nghe. Nếu ngài là người Kansas, thì chả cần nói ngài cũng biết Alexander Hamilton Garrideb là người thế nào. Ông ấy phát tài nhờ kinh doanh địa ốc, đầu cơ chứng khoán và tích trữ lúa mì ở Chicago. Có tiền, ông ấy dồn vào mua đất để lập những điền trang rộng lớn. Cả phía tây lưu vực sông Arkansas, các khu chăn thả, rừng, ruộng đồng, hầm mỏ… đều của ông ấy. Đó chính là nơi mang lại tiền bạc cho ông ấy.


“Ông ấy không có người nối dõi cũng như họ hàng thân thích - ít nhất là tôi chưa nghe nói bao giờ. Nhưng ông rất tự hào về cái tên họ hiếm hoi của mình, và đó là lý do tôi quen biết ông ấy. Tôi làm luật sư ở một văn phòng trong bang. Ông ấy kinh ngạc khi có một người thứ hai mang cái họ kỳ dị này. Thế là lập tức ông ấy có một ý muốn lạ lùng, muốn tìm trên khắp thế giới xem còn có ai mang họ Garrideb nữa không.


- Hãy tìm cho tôi thêm một người mang họ này! - Ông ấy bảo vậy.


“Tôi trả lời rằng tôi rất bận, không thể đi khắp nơi để tìm được. Nhưng ông ấy lại nói:


- Dù thế nào đi chăng nữa, nếu tình hình phát triển theo ý đồ của tôi, thì ngài có không muốn tìm cũng chẳng trốn tránh được.


“Tôi nghĩ ông ấy đùa, nào ngờ sau đó tôi phát hiện ra rằng tiếng nói của ông ấy rất có trọng lượng.


“Bởi chưa đầy một năm sau thì ông ấy chết và để lại bản di chúc, một bản di chúc cổ quái nhất kể từ khi thành lập bang Kansas cho đến nay. Ông ấy yêu cầu chia tài sản làm ba phần, tôi có thể được một phần với điều kiện là phải tìm được hai người mang họ Garrideb để cho họ hưởng hai phần kia. Mỗi phần tài sản không dưới năm triệu đôla. Nhưng chúng tôi chỉ có quyền hưởng gia tài khi đã trình diện đủ ba người tại văn phòng luật sư, nếu không thì chớ có đụng vào, dù chỉ một xu. Số tiền này hấp dẫn tôi đến mức tôi bỏ cả nghề luật sư để đi tìm… Tôi đi khắp nước Mỹ mà chẳng tìm thấy một ai cả. Sau đó, tôi quay về Anh thử vận may. Tôi phát hiện trong danh bạ điện thoại ở London có một người là Nathan Garrideb. Hai hôm trước tôi đến tìm ông ấy, nói rõ câu chuyện. Nhưng cũng như tôi, ông ấy là người độc thân, chẳng có vợ con gì, chỉ có vài người thân, mà đều là nữ cả!


“Di chúc của ông Alexander yêu cầu cả ba người đều phải là nam giới, vì vậy, nếu ngài tìm giúp được người thứ ba thì chúng tôi sẽ có thù lao thật hậu.”


- Nhưng, thưa ngài! - Holmes vừa cười vừa đề nghị - Tôi thấy cách tốt nhất là đăng tin lên báo để tìm thêm một quý ngài Garrideb nữa.


- Tôi đã đăng rồi, nhưng cũng chẳng tìm được ai cả.


- Ồ! Đây quả là một vấn đề rất thú vị. Đúng rồi, ngài đến từ Topeka phải không? Trước đây, tôi có một người bạn tên là Lysander Starr, tiến sĩ, thị trưởng của Topeka năm 1890, nhưng đã mất.


- Vâng, tên tuổi của ông ấy đến giờ vẫn được mọi người kính trọng. Thưa ngài, việc chúng tôi có thể làm là sẽ thông báo mọi tình hình để ngài biết. Trong vòng một, hai ngày tới, tôi sẽ viết thư báo lại. - Rồi vị khách nhanh chóng đi ra, cũng đột ngột như khi xuất hiện.


Holmes lại châm tẩu thuốc và ngồi im lặng mỉm cười bí hiểm.


- Thật là kỳ lạ, quá kỳ lạ Watson ạ!


- Cái gì lạ chứ?


- Tôi không hiểu con người này nói dối chúng ta từ đầu đến cuối nhằm mục đích gì nhỉ? Ông ta cho rằng mình lừa được chúng ta ư? Tự tới đây, trên người mặc bộ comlê cũ kiểu Anh đã sờn tay và một cái quần cũng cũ không kém. Đồ cũ cả năm rồi vậy mà lại nói là người Mỹ vừa mới sang. Trong mục tìm người trên báo chưa từng đăng tin của ông ta. Anh biết là tôi chưa từng bỏ qua bất cứ thứ gì trên mặt báo chứ? Từ trước tới nay, tôi chẳng quen một ông tiến sĩ nào ở Topeka cả. Tôi thấy ông ta đúng là người Mỹ thực sự, chẳng qua đã sống lâu ở London nên giọng nói mềm đi chút ít mà thôi. Vậy ông ta định làm trò gì nhỉ, giả vờ đi tìm Garrideb nhằm mục đích gì? Chúng ta phải làm rõ điều này. Còn người kia cũng là giả sao? Watson, hãy thử gọi điện cho ông ta đi!


Tôi quay máy, đầu dây đằng kia cất lên giọng nói yếu ớt run rẩy:


- Đúng, tôi là Nathan Garrideb đây. Có phải ngài là Sherlock Holmes đó không?


Holmes cầm ống nghe, nói ngắn gọn theo thói quen thường lệ của anh:


- Vâng. Ông ấy có tới chỗ tôi. Tôi biết ngài không quen ông ta… Bao lâu rồi nhỉ?… Mới hai ngày thôi à? Tối nay ngài có ở nhà không? Người cùng họ với ngài tối nay chắc không ở nhà ngài chứ?… Vậy chúng tôi sẽ tới. Tôi cần nói chuyện với ngài, nhưng hy vọng sẽ không phải nói chuyện trước mặt ông ta… Tôi nghe nói… vâng. 6 giờ chúng tôi sẽ tới. Đừng nói gì với ông bạn luật sư Mỹ kia… Vâng. Tạm biệt.


Khi con phố Little Ryder chìm trong ánh hoàng hôn vàng, nó chỉ là một ngõ nhỏ của phố lớn, chúng tôi bước vào một ngôi nhà xây theo kiểu kiến trúc thời vua George, rất rộng rãi. Mặt tiền tầng trệt lát gạch màu xanh, với hai cửa sổ lớn. Chủ nhà ở phòng lớn tầng trệt có cửa sổ lớn. Chỉ cái biển đồng phai màu có khắc họ Garrideb lạ lùng, Holmes thận trọng nhận xét:


- Tấm biển này đã có từ lâu rồi, ít nhất cũng là họ thật của ông chủ, điều này đáng chú ý!


Ngôi nhà có một cầu thang chung, phía trên cửa chính có biển ghi tên của văn phòng và căn hộ cho thuê. Khách hàng của chúng tôi đích thân ra mở cửa, ông xin lỗi vì người giúp việc đã về từ lúc 4 giờ rồi. Ông ta rất cao, lưng hơi còng, gầy và hói, khoảng hơn sáu mươi tuổi, nước da trắng nhợt như không có máu, nhưng ấn tượng chung là khá dễ chịu, mặc dù hơi kỳ lạ.


Ngôi nhà cũng lạ lùng như chủ của nó, giống như một bảo tàng nhỏ, phòng sâu mà rộng, xung quanh kê các loại tủ khác nhau, trong đó bày đủ các loại tiêu bản địa chất và mẫu sinh vật. Hai bên lối đi treo đầy những bộ sưu tập bươm bướm ép khô. Giữa nhà kê một cái bàn rộng, trên để đầy các thứ linh tinh, một chiếc kính hiển vi to tướng làm bằng đồng để ngay chính giữa. Nhìn xung quanh, tôi cảm thấy kinh ngạc trước những sở thích rất rộng của ông chủ. Đây là một hòm tiền cổ, kia là một bộ sưu tập bằng đá. Sau chiếc bàn là một cái giá đựng những hóa thạch cổ, phía trên bày những chiếc sọ người bằng thạch cao có ghi dòng chữ “Người Neanderthan”, “Người Heidelberg”… Rõ ràng đây là người say mê nghiên cứu nhiều môn khoa học.


- Đây là đồng tiền cổ Syracuse. - Ông ta cầm một đồng tiền cổ lên, giải thích - Tôi cho đây là đồng tiền cổ nhất, mặc dù có người mê đồng tiền thời Alexandria hơn. Ở đây còn có một chiếc ghế và một bình hoa cổ của Nhật nữa… Các ngài xem, chúng đều là niềm say mê của tôi. Bác sĩ của tôi thường nói, tôi không nên ra ngoài hoạt động. Ở đây có bao thứ hấp dẫn thế này thì tôi cần ra ngoài làm gì nữa? Tôi dám nói rằng, làm được xong danh mục các đồ cổ trong một cái tủ thôi cũng phải mất vài ba tháng trời.


Holmes ngắm nghía khắp nơi có vẻ như rất tò mò, rồi hỏi:


- Ngài không bao giờ ra ngoài ư?


- Rất ít khi, sức khỏe tôi không tốt, với lại việc nghiên cứu đã chiếm hết cả thời gian rồi. Nhưng ngài có thể hình dung, khi tôi nghe được thông tin may mắn đó, tôi thấy vô cùng kinh ngạc! Chỉ cần một người họ Garrideb nữa là xong! Chúng tôi tin chắc là có thể tìm được, thế giới này hẳn sẽ có một người như thế nữa! Tôi nghe nói ngài chuyên điều tra các vụ kỳ án nên đã mời ngài tới. Đương nhiên ông người Mỹ kia nói cũng đúng, nhưng tôi cần tranh thủ ý kiến của ngài trước đã.


- Tôi cho rằng ngài làm vậy là rất sáng suốt. - Holmes tán đồng - Nhưng lẽ nào ngài thực sự muốn thừa kế cái trang viên ở Mỹ đó ư?


- Đương nhiên là không rồi. Chẳng gì có thể làm tôi xa rời những bộ sưu tập của mình được. Nhưng ông người Mỹ kia nói, một khi xong xuôi, ông ta sẽ mua lại toàn bộ phần của tôi, ông ta ra giá là năm triệu đôla. Hiện nay, trên thị trường đã có hơn chục mẫu vật mà bộ sưu tập của tôi còn thiếu, mà tôi chỉ có vài trăm bảng nên không thể mua được. Ngài thử nghĩ xem, nếu tôi có được mấy triệu đôla đó thì sẽ có tiềm lực lớn biết bao! Nói thật, nếu sở hữu một bộ sưu tập cỡ bảo tàng quốc gia, tôi có thể trở thành nhà sưu tập đồ cổ đương đại lớn nhất đấy.


Mắt ông lấp lánh sau cặp kính, xem ra ông có thể bất chấp tất cả để đi tìm được một người cùng họ nữa.


- Chúng tôi chỉ đến thăm ngài chứ không dám quấy rầy ngài. - Holmes nói - Tôi không có gì nhiều để hỏi cả, vì ngài đã nói rõ cả trong thư gửi cho tôi rồi. Ông khách Mỹ đến cũng bổ sung thêm ít nhiều. Tôi đoán rằng cho đến tận tuần trước, ngài chưa hề quen biết với anh chàng người Mỹ này.


- Đúng vậy. Thứ ba tuần trước ông ấy mới đến tìm tôi.


- Ông ta có nhắc tới chuyện ông ta tới chỗ tôi không?


- Có! Ông ấy về ngay chỗ tôi và tỏ ra rất tức giận.


- Vì sao lại tức giận?


- Ông ấy cho rằng mình bị xúc phạm. Nhưng sau đó lại rất vui.


- Ông ta có đưa ra kế hoạch hành động gì không?


- Không!


- Ông ta có hỏi hoặc mượn tiền của ngài không?


- Không! Chưa hề.


- Ngài không cho rằng, có thể ông ta có mục đích khác chứ?


- Không, ngoại trừ việc mà ông ta nói ra.


- Ngài có cho ông ta biết về cuộc gặp gỡ này của chúng ta không?


- Ồ, có. Tôi có nói.


Holmes bỗng im lặng suy nghĩ. Tôi biết anh đang nghi ngờ:


- Trong bộ sưu tập của ngài, có thứ gì giá trị lớn không?


- Không. Tuy là bộ sưu tập quý, nhưng không có gì đắt tiền lắm.


- Ngài không sợ bị mất cắp ư?


- Không sợ gì cả


- Ngài sống ở đây được bao lâu rồi?


- Gần năm năm.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom