• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes (2 Viewers)

  • Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes - Chương 10 - Phần 1

Chương 10. Năm hạt cam


Khi xem lại những ghi chép của mình về các vụ án Sherlock Holmes tham gia từ năm 1882 đến 1890, tôi phát hiện ra vô số tình tiết ly kỳ, cuốn hút, khiến tôi không biết phải chọn lựa thế nào. Có nhiều vụ án được đăng tải trên báo chí, được đông đảo mọi người tìm đọc. Nhưng cũng có vài vụ đã làm rối óc suy luận tài tình của bạn tôi. Vài trường hợp khác thì vô hiệu hóa biệt tài phán đoán của anh ấy bởi đó giống như những câu chuyện có mở đầu mà không thể biết sẽ kết thúc ra sao. Có vụ án anh chỉ làm rõ được một phần. Lại có cả vụ mà sự giải thích chỉ đơn thuần dựa trên khả năng phán đoán và suy luận chủ quan của Holmes, dù anh đã phải bỏ ra nhiều công sức để quan sát, điều tra thực tế, bất chấp lối suy luận logic thông thường. Trong số các vụ án đó, cuối cùng thì cũng thấy có một vụ với nhiều tình tiết rất dị thường, kết cục rùng rợn, khiến tôi không thể không kể ra đây. Mặc dù thật ra, có một số chi tiết liên quan đến vụ án đó vẫn chưa được làm rõ, mà có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được chính xác.


Năm 1887, hai chúng tôi đã trải qua bao vụ án quan trọng, mà theo Holmes thì những vụ quan trọng sẽ không mấy khi có gì đặc biệt cũng như thú vị cả. Đương nhiên tôi đã cố ghi lại đầy đủ. Trong đề mục của tháng 12 năm đó, có ghi chép về cuộc phiêu lưu của Paradol Chamber, của hội Mendicant; hội này có cả một câu lạc bộ sang trọng và chúng sống rất hoang phí, xa hoa dưới tầng hầm kho chứa đồ. Các sự kiện liên quan đến vụ mất tích của Sophy Anderson, kỳ án Grice Patersons trên đảo Uffa, và sau cùng là vụ đầu độc Camberwell. Trong vụ án cuối cùng này, thông qua việc tìm hiểu, xem xét kỹ chiếc đồng hồ tìm thấy trong người nạn nhân, Holmes đã chứng minh chiếc đồng hồ đã được lên dây hai giờ trước đó, như vậy nạn nhân đã đi ngủ trong khoảng thời gian này. Đây là chi tiết vô cùng quan trọng để làm sáng tỏ vụ việc. Những vụ án như vậy, tôi sẽ viết lại trong thời gian tới, nhưng không có vụ án nào trong số đó lại ly kỳ, hồi hộp như câu chuyện tôi sắp kể dưới đây.


Hồi đó là vào cuối tháng 9, những cơn bão mùa thu đang hoành hành dữ dội. Gió thốc, mưa quật xối xả vào cửa sổ khiến cho bao cư dân thành phố London san sát nhà cửa này phải ngỡ ngàng vì khiếp sợ sự trả thù của thiên nhiên. Bão càng lúc càng dữ dội, như một con thú hoang không ngừng gào thét và đe dọa. Gió rít trong các ống khói cứ như tất cả con trẻ của thành London đang cùng khóc lóc, kêu gào trong đó. Holmes trầm tư ngồi cạnh lò sưởi sắp xếp lại tài liệu về các vụ án của mình, còn tôi thì ngồi một góc say sưa đọc những trang sách kể chuyện biển cả của Clark Russell. Bên ngoài gió thốc, mưa gào như đưa tôi vào không gian sống động của cuốn tiểu thuyết. Mấy ngày hôm nay vợ tôi về nhà mẹ đẻ, nên tôi lại đến nhà Holmes làm khách quen của con phố Baker này.


- Đó, anh không nghe thấy sao? - Tôi ngẩng đầu lên và bảo Holmes - Hình như có tiếng chuông cửa. Tối nay, liệu có ai đến được nhỉ? Chắc một vài người bạn của anh chăng?


- Ngoài anh ra thì tôi làm gì có người bạn nào. Mà tôi cũng không khích lệ khách khứa đến thăm thú.


- Thế thì là một thân chủ ư?


- Nếu đúng là như vậy thì vụ án hẳn phải nghiêm trọng lắm. Bởi vì có ai muốn ra ngoài giữa đêm hôm trong khi bão tố đang hoành hành thế kia? Nhưng biết đâu đó là bạn bè của bà chủ nhà cũng nên.


Nhưng Holmes đã đoán sai, vì tiếng bước chân lên cầu thang đã nói lên tất cả, tiếp đó có tiếng gõ cửa. Anh với cánh tay dài của mình để quay chiếc đèn chiếu ra phía ghế ngồi của khách, rồi nói:


- Mời vào !


Một chàng trai trẻ khoảng hai mươi hai tuổi, lịch lãm chải chuốt và có phần hơi kiểu cách, bước vào. Chiếc ô ướt sũng của anh ta cùng với chiếc áo mưa trùm người thanh niên mặc cho thấy thời tiết bên ngoài kinh khủng thế nào. Anh ta lo lắng nhìn Holmes. Tôi phát hiện mặt anh tái dại, hai mắt trĩu xuống, lộ rõ nỗi hoảng sợ cực độ mà anh ta đã trải qua. Người đó cất tiếng:


- Thành thật xin lỗi ngài. - Anh ta vừa nói vừa gài cặp kính gọng vàng lên mắt - Tôi hy vọng không làm phiền ngài quá mức. E là tôi đã mang cái bẩn ướt của cơn mưa bão ngoài kia vào căn phòng sạch sẽ và ấm cúng này.


- Hãy đưa áo mưa và ô cho tôi. - Holmes nói - Tôi treo nó lên móc, rồi nó sẽ khô ngay. Anh đến từ vùng Tây Nam phải không?


- Đúng, tôi từ Horsham đến.


- Tôi đã đoán ra khi nhìn thấy bùn đất bám trên giày của anh.


- Tôi đến đây để xin ngài một lời khuyên.


- Điều này thì rất dễ thôi.


- Và mong ngài sẽ giúp đỡ tôi nữa.


- Điều này thì không phải lúc nào cũng dễ dàng.


- Tôi đã nghe kể về ngài rất nhiều, thưa ngài Holmes. Đại úy Prendergast đã kể với tôi, ngài đã cứu ông ấy thoát khỏi vụ scandal ở câu lạc bộ Tankerville như thế nào.


- Vâng, tôi nhớ ra rồi. Ông ta bị bọn xấu cho vào tròng, vu ông ta đã chơi bài gian.


- Đại úy nói rằng ngài có thể giải quyết mọi vấn đề.


- Ông ta hơi quá lời rồi.


- Ông ấy còn nói ngài chưa bao giờ thất bại.


- Tôi đã thất bại bốn lần rồi, ba lần do đàn ông và một lần do đàn bà.


- Nhưng bấy nhiêu cũng không thể sánh được với những chiến tích mà ngài đã giành được. Và chắc chắn, việc của tôi ngài cũng sẽ giải quyết được.


- Mời anh kéo ghế lại gần lò sưởi và kể tỉ mỉ từng chi tiết câu chuyện của anh cho tôi.


- Đây là một câu chuyện không bình thường chút nào.


- Tất cả những vụ án với tôi đều không bình thường, tôi cứ như là đại diện cho pháp luật vậy.


- Nhưng tôi ngờ rằng, trong bao năm phá án, ngài chưa bao giờ gặp hay nghe những chuyện kỳ lạ, thần bí khác thường như những chuyện xảy ra trong gia tộc của tôi đâu!


- Những điều anh nói kích thích trí tò mò của tôi ghê gớm. Nào, hãy bắt đầu kể những sự việc chủ yếu nhất, sau đó tôi sẽ hỏi lại anh những chi tiết mà tôi cho là quan trọng nhất.


Người thanh niên kéo ghế về phía trước và huơ huơ đôi giày ướt mèm đang đi lại gần lò sưởi, chầm chậm kể:


- Tôi tên là John Openshaw, theo tôi thì tôi không liên quan nhiều lắm đến những chuyện đáng sợ này. Chúng có liên quan đến đời trước, nên tôi e rằng để ngài có thể hiểu được thì tôi phải nói từ đầu.


“Ông nội tôi có hai người con trai, bác Elias và cha tôi là Joseph. Cha tôi có một xưởng sản xuất ở Coventry. Trong thời kỳ phát minh ra xe đạp, ông đã mở rộng xưởng và được cấp bằng phát minh ra loại săm xe chống nổ Openshaw, do vậy việc kinh doanh khá phát đạt. Điều này khiến ông có thể chuyển nhượng xưởng rồi sống một cuộc sống sung túc lúc tuổi già.


“Còn bác tôi khi còn trẻ có đến Mỹ làm chủ một đồn điền ở Florida và công việc làm ăn cũng rất tốt. Khi cuộc nội chiến xảy ra, bác tham gia chiến đấu dưới quyền tướng Jackson, sau chuyển sang quân đoàn của tướng Hood và làm đến chức đại tá. Sau khi viên tướng miền Nam Robert Lee đầu hàng, bác cũng rời quân ngũ, rồi trở lại đồn điền của mình trong khoảng ba đến bốn năm. Khoảng năm 1869 hoặc 1870, bác trở về châu Âu và mua một miếng đất ở quận Sussex, gần Horsham. Lúc ở Mỹ, bác đã dành dụm được một khoản khá lớn. Sở dĩ bác ấy quay trở về là vì không ưa bọn người da đen và không đồng tình với chủ trương cho người da đen tham gia tuyển cử của Đảng Cộng hòa. Bác là một người sống độc thân, tính tình rất cổ quái, nóng tính, khi tức giận thì mắng chửi thậm tệ, rất khó nghe. Từ lúc về sống ở Horsham, bác rất ít khi ra ngoài, tôi cũng không chắc là bác đã đặt chân đến thị trấn chưa nữa. Bác có một khu vườn khá rộng và ba cánh đồng xung quanh nhà. Bác có thể ra ngoài kiểm tra công việc, nhân thể rèn luyện sức khỏe; nhưng bác ấy không bao giờ làm như vậy. Bác thường xuyên ở lì trong nhà hàng tuần liền; thích uống rượu brandy và nghiện thuốc nặng. Bác không cần kết bạn với ai, đến cả họ hàng thân thích cũng không bao giờ đi lại, thậm chí cũng chẳng thăm nom em trai mình, là bố tôi, bao giờ cả. Nhưng bác lại khá yêu quý tôi. Lần đầu tiên bác nhìn thấy tôi là lúc tôi mười hai, mười ba tuổi. Đó có thể là vào năm 1878, khi bác đã về Anh được khoảng tám, chín năm. Bác xin bố tôi cho tôi ở lại với bác và đối xử yêu thương với tôi theo cách của bác. Lúc không say rượu thì hai bác cháu thường chơi bài, đi câu với nhau. Bác còn để tôi thay mặt bác quản lý người làm và giao dịch với những bạn làm ăn. Vì thế khi mười sáu tuổi, tôi đã thực sự là người chủ trong nhà. Tôi được giữ các chìa khóa và đi bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì tôi muốn, miễn là không làm ảnh hưởng đến cuộc sống ẩn cư của bác. Tuy nhiên vẫn có một ngoại lệ là, bác có một căn phòng chứa đồ linh tinh trên tầng áp mái, nó luôn luôn được khóa kín và bác ấy không cho bất kỳ ai, kể cả tôi, được bén mảng tới. Cũng đã có lần tính tò mò trẻ con nổi dậy khiến tôi nhìn qua lỗ khóa, nhưng trong phòng chẳng có gì ngoài mấy cái rương, hòm, túi... chất đầy những đồ cũ kỹ.


“Một ngày kia, vào tháng 3 năm 1883, một bức thư đóng dấu bưu điện nước ngoài được đặt trên bàn ăn của bác. Đây quả là một điều kỳ lạ vì tất cả những hóa đơn đều được trả bằng tiền mặt, còn bạn bè thì chắc chắn là bác ấy không có.


“Đó là bức thư từ Ấn Độ. Bác vừa cầm thư lên bóc vừa nói:


- Dấu bưu điện ở Pondicherry, thế này là thế nào?


“Bác vội vã bóc thư thì đột nhiên có năm hạt cam rơi xuống bàn. Tôi định cười phá lên, nhưng những biểu hiện trên mặt bác khiến tôi phải kìm lại. Môi bác trễ xuống, mặt xám ngoét, hai mắt mở trừng trừng, nhìn trân trối vào chiếc phòng bì đang cầm trên tay.


- K. K. K! - Đột nhiên bác thét lên - Ôi lạy Chúa, lạy Chúa! Tội lỗi của con đã không buông tha cho con!


“Tôi cũng hoảng hốt hỏi:


- Thưa bác, có chuyện gì vậy?


- Cái chết! Cái chết đến rồi.


“Bác nói rồi đứng dậy, đi nhanh vào phòng, để mặc tôi chết lặng đi vì sợ hãi. Tôi cầm phong bì lên, nhìn những dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng mực đỏ phía bên trong, ngay gần mép, chỗ dán hồ, đó là ba chữ K liên tiếp. Và chẳng có gì khác nữa ngoài năm hạt cam khô nứt. Thế thì điều gì đã làm bác ấy sợ đến vậy? Tôi rời bàn ăn, định lên lầu thì gặp bác đang đi xuống, một tay cầm chiếc chìa khóa đã gỉ sét, chắc chắn là của căn phòng nọ, còn tay kia giữ một chiếc hộp nhỏ, như hộp đựng tiền, bằng đồng.


- Bọn chúng có thể làm điều gì chúng muốn, nhưng ta nhất định không chịu thua. - Bác gầm lên và nguyền rủa đầy căm tức - Nói với cô Mary đốt lò sưởi trong phòng ta lên, rồi cử người đi đón luật sư Fordham của Horsham tới ngay!


“Tôi nhất nhất làm theo lời của bác. Khi luật sư đến, tôi được yêu cầu vào trong phòng. Ngọn lửa trong lò cháy rực, bên cạnh là lớp tro của mớ giấy tờ vừa bị đốt. Chiếc hộp đồng nhỏ đặt ở bên cạnh, nắp mở tung, trống rỗng. Tôi liếc nhanh nhìn chiếc hộp và giật mình vì trên nắp hộp in ba chữ K như tôi đã thấy trên chiếc phong bì lúc sáng.


“Bác nghiêm mặt nói với tôi:


- John, ta muốn cháu là người làm chứng là ta để lại toàn bộ tài sản, kể cả những thứ có ích hay không có ích, cho cha cháu, chắc chắn sau này nó sẽ thuộc về cháu. Nếu cháu có thể bình yên vô sự mà hưởng được thì thật tốt. Còn nếu cảm thấy mình không thể, ta khuyên cháu hãy để lại mọi thứ cho những kẻ thù không đội trời chung với cháu. Ta rất xin lỗi khi phải để lại cho cháu những thứ như con dao hai lưỡi thế này. Nhưng chính ta cũng không thể nói trước được chuyện quái quỷ gì sẽ xảy ra. Tốt hơn hết là cháu hãy ký vào tờ giấy mà luật sư Fordham đưa cho cháu.


“Tôi lập tức ký vào tờ giấy, ngay sau đó luật sư Fordham mang bản di chúc ra đi. Ngài có thể thấy việc này để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi đến mức nào. Tôi đã nhiều lần suy nghĩ nát óc mà vẫn không tài nào hiểu được những bí ẩn trong đó. Nhưng những cảm giác hãi hùng khi nghe một điều ghê gớm đe dọa mạng sống của cả nhà thì tôi không thể quên đi được. Nhiều tuần đã trôi qua, cảm giác sợ hãi cũng nhạt dần, hơn nữa cũng chẳng có điều gì bất thường xảy ra với chúng tôi. Dù vậy, tôi thấy bác tôi đã thay đổi rất nhiều. Bác uống rượu nhiều hơn trước và càng sống khép kín hơn. Hầu hết thời gian bác ở lì trong phòng, khóa trái cửa lại. Nhưng cũng có lúc, do kích động của hơi men, bác lao ra khỏi phòng, tay cầm súng chạy trong vườn gào lên rằng bác chẳng sợ kẻ nào hết. Dù cho là người hay là quỷ thì cũng không thể nhốt bác trong nhà như nhốt một con cừu. Tuy nhiên, khi nỗi tức giận qua đi, bác lại chạy nhanh vào phòng, cài chặt then, khóa cửa kỹ càng như đang chạy trốn khỏi một nỗi sợ khủng khiếp. Tôi vẫn nhớ tới khuôn mặt bác lúc đó, mồ hôi túa ra như tắm dù đó là những ngày lạnh giá nhất, như thể bác vừa nhúng mặt vào bồn rửa mặt vậy.


“Ôi, thưa ngài Holmes, có lẽ tôi không nên lạm dụng sự nhẫn nại của ngài. Đã đến lúc nói đến kết cục của câu chuyện. Vào một đêm nọ, bác tôi cũng lên cơn say rượu và chạy ra ngoài vườn, nhưng lần này thì không bao giờ trở về nữa. Chúng tôi bổ đi tìm và phát hiện thấy ông nằm sấp mặt xuống một hồ nước nhỏ đầy rong rêu bẩn thỉu cuối vườn. Trên người không hề có một vết đánh nào, hồ nước cũng chỉ sâu khoảng chừng 60cm mà thôi. Căn cứ vào những hành động kỳ dị thường ngày của bác, cảnh sát đã kết luận bác tôi tự tử. Nhưng tôi, dù biết bác là một người rất sợ chết, cũng đành phải tự thuyết phục mình tin vào cái kết luận vô căn cứ đó. Nhưng dù thế nào đi nữa thì mọi sự cũng đã rồi. Cha tôi thừa kế gia sản của bác, cả khoản tiền trị giá mười bốn nghìn bảng trong ngân hàng.”


- Xin ngừng một chút. - Đột nhiên Holmes ngắt lời - Câu chuyện của anh quả thật kỳ lạ. Xin hãy cho tôi biết ngày bác anh nhận được bức thư và ngày ông ta bị coi là tự sát!


- Vâng, bác tôi nhận được bức thư vào ngày 10 tháng 3 năm 1883, còn ngày mất của bác là bảy tuần sau đó, vào đêm 2 tháng 5.


- Vâng, cám ơn anh! Mời anh hãy tiếp tục câu chuyện.


- Khi cha tôi đến tiếp quản Horsham, theo đề nghị của tôi, ông đã cho kiểm tra mọi đồ đạc trong căn phòng ở trên tầng áp mái, nơi mà từ trước đến nay vẫn bị khóa kín. Chúng tôi phát hiện ra chiếc hộp bằng đồng vẫn còn ở đó, mặc dù mọi thứ bên trong đã bị đốt hết. Nắp hộp vẫn có mác dán ba chữ K viết hoa. Phía dưới còn viết: “Thư từ, bản ghi chép, hóa đơn”. Tôi cho rằng đây chính là những thứ mà bác tôi đã hủy đi. Ngoài những tập ghi chép về quãng đời bác tôi ở bên Mỹ ra, những đồ trong phòng không có gì đặc biệt. Một số đề cập đến tình hình khi chiến tranh, về những chiến tích của bác tôi khi được phong anh hùng. Một số lại viết về việc tái thiết miền Nam sau chiến tranh, và đều liên quan đến chính trị. Rõ ràng bác tôi đã tích cực tham gia phản đối những nhà chính trị từ miền Bắc xuống.


“Đầu năm 1884, cha tôi chuyển hẳn đến Horsham. Cho đến tháng 1 năm 1885, mọi việc vẫn diễn ra tốt đẹp. Vào ngày mồng 4 tháng 1, khi cả nhà tôi đang quây quần bên bàn ăn sáng, đột nhiên cha tôi kêu lên kinh ngạc. Ông ngồi như bất động với một chiếc phong bì cầm trên tay như vừa mới bóc, tay kia cầm năm hạt cam khô. Bình thường, ông vẫn giễu cợt khi tôi kể về cái chết hoang đường của bác. Nhưng bây giờ, trông ông cũng vô cùng kinh ngạc và sợ hãi khi điều tương tự sắp xảy ra với mình.


- Thế này là thế nào, cái quái quỷ gì vậy hả John? - Cha tôi lắp bắp hỏi.


- Đó là “K. K. K”. - Tôi trả lời. Lúc ấy, tim tôi như ngừng đập.


“Cha tôi nhìn vào chiếc phong bì và nói:


- Này, bên trong còn viết cái gì đây này.


“Rồi ông lật bức thư ra, bên trong viết: “Hãy đặt tất cả giấy tờ lên đồng hồ mặt trời!”.


- Giấy tờ nào, đồng hồ mặt trời nào? - Cha tôi sợ hãi kêu lên.


- Trong vườn có một chiếc đồng hồ mặt trời, còn giấy tờ chắc chắn là những thứ mà bác đã đốt.


- Trời ơi! - Cha tôi cố vận hết can đảm - Chúng ta đang sống trong một đất nước văn minh, không cho phép những việc ngu xuẩn như thế này xảy ra. Những thứ này từ đâu ra vậy?


- Từ Dundee. - Tôi trả lời sau khi nhìn qua dấu bưu điện.


- Đúng là một trò đùa lố bịch, ta thì có liên quan gì đến đồng hồ mặt trời và đống giấy tờ? Ta không quan tâm đến mấy thứ ngớ ngẩn này nữa.


- Con nghĩ là ta nên báo cảnh sát. - Tôi đề nghị.


- Hừ, để mọi người mang ta ra làm trò đùa à? Không bao giờ!


- Thế thì để con tự làm vậy.


- Không, ta không muốn làm om sòm lên vì một chuyện hoang đường như thế này.


“Tranh cãi với ông thì cũng chẳng có ích gì, vì ông là người rất cố chấp. Tôi đành bỏ đi, trong khi cảm giác sợ hãi đang bao trùm toàn bộ ngôi nhà.


“Ba ngày sau khi nhận được lá thư, cha tôi đi thăm một người bạn cũ là ngài đại úy Freebody, người chỉ huy một trong các đồn ở đồi Portsdown. Nói thật là tôi rất mừng vì cha tôi rời khỏi nhà; như vậy ông có thể tránh được nguy hiểm. Nhưng tôi đã nhầm, ngày thứ hai sau khi ông đi, tôi nhận được bức điện của đại úy, yêu cầu tôi đến nhà ông ấy ngay. Cha tôi bị ngã xuống một mỏ đá, vốn rất nhiều ở vùng đó. Ông bị vỡ sọ và đã chết. Mặc dù tôi vội vã chạy đến bên ông nhưng đã quá muộn; ông ra đi mà không một lần hồi tỉnh sau cơn mê man. Cha tôi rời Fareham về lúc trời chạng vạng tối, lại không thông thạo đường đi lối lại ở đó, đường đèo chỗ ấy lại không có rào chắn, nên bồi thẩm đoàn đi đến kết luận rằng cha tôi chết do tai nạn. Tôi cũng đã cẩn thận xem xét tỉ mỉ xung quanh nơi cha tôi chết, nhưng cũng chẳng tìm thấy dấu vết gì. Hiện trường không có vết tích nào cho thấy đó là vụ mưu sát hay ẩu đả, cũng không có vết chân của người lạ. Nhưng, không nói chắc ngài cũng biết, trong lòng tôi thực sự cảm thấy lo lắng bất an như thế nào. Tôi gần như có thể chắc chắn rằng có một âm mưu thâm độc nào đó ẩn chứa sau cái chết của cha tôi.


“Trong tình cảnh đau buồn ấy, tôi thừa kế toàn bộ tài sản mà trong lòng lúc nào cũng canh cánh nỗi lo sợ quái gở. Chắc ngài sẽ hỏi tại sao tôi không bán chúng đi. Tôi xin trả lời là, bởi vì tôi tin chắc rằng những điều kinh hoàng xảy ra cho gia đình tôi có liên quan đến những việc làm trước đây của bác tôi. Vì thế, dù tôi có sống ở đâu thì nguy hiểm vẫn cứ luôn rình rập.


“Người cha tội nghiệp của tôi mất vào tháng 1 năm 1885, đến nay đã được hai năm tám tháng. Trong hai năm đó, cuộc sống của tôi khá hạnh phúc. Và tôi hy vọng rằng, những điều khủng khiếp ấy đã kết thúc sau cái chết thảm thương của bác và cha tôi.


“Nhưng tôi đã vui mừng quá sớm, vì lịch sử hình như đang lặp lại. Sáng hôm qua, tôi nhận được một lá thư hệt như mấy lá thư trước đây, và mọi chuyện diễn ra giống như với bác và cha tôi.”


Người thanh niên lấy trong chiếc túi áo ra một chiếc phong bì nhăn nhúm, anh tiến lại bàn và đổ ra năm hạt cam nhỏ khô khốc.


- Đây chính là bức thư đó. - Anh ta nói tiếp - Dấu bưu điện cho thấy nó được gửi từ khu Đông London. Trong thư vẫn là ba chữ cái “K. K. K” và sau đó là dòng chữ: “Đặt toàn bộ giấy tờ lên chiếc đồng hồ mặt trời!”.


- Vậy anh đã làm gì chưa? - Holmes hỏi.


- Tôi chưa làm gì cả. - Người thanh niên trả lời.


- Chưa làm gì? - Homes ngạc nhiên.


- Nói thật với ngài, - Anh gục mặt vào đôi tay nhỏ nhắn, trắng bệch - tôi cảm thấy thật vô vọng. Giờ tôi thấy mình hệt như một con thỏ khốn khổ chỉ còn biết đứng nhìn con rắn độc khổng lồ lao về phía mình. Tôi dường như đã sa vào một mê cung ma quỷ, không có cách nào thoát ra được.


- Thôi nào! - Holmes nói to - Chàng trai, anh phải làm một cái gì đó chứ. Đây không phải là lúc tuyệt vọng. Chẳng có gì cứu được anh, ngoài chính sức mạnh của anh. Nếu không, anh sẽ chết! Không có thời gian để đau buồn và thất vọng đâu.


- Tôi đã đi báo cảnh sát.


- Vậy hả, thế tình hình ra sao?


- Họ chỉ cười nhạo khi nghe chuyện của tôi. Họ bảo rằng đã điều tra bức thư và thấy đó chỉ là trò đùa. Có lẽ họ thật sự cho rằng cái chết của những người thân của tôi chỉ là do tai nạn. Vì thế, chúng không có liên quan gì tới những lời đe dọa, cảnh cáo mơ hồ này.


Holmes lắc đầu, vung tay đấm vào không trung.


- Thật là một sự ngu xuẩn không tưởng tượng nổi !


- Tuy nhiên, họ đã đồng ý cho một viên cảnh sát đến cùng sống với tôi.


- Đêm nay, anh ta có đi theo anh không?


- Không, ngày mai anh ta mới bắt đầu...


Một lần nữa, Holmes lại nổi giận, đấm tay vào không trung:


- Tại sao bây giờ anh lại đến tìm tôi? - Holmes hỏi - Quan trọng hơn là, tại sao anh không đến tìm tôi ngay từ đầu?


- Bởi vì tôi không biết. Chỉ đến ngày hôm nay, khi tôi kể về tình cảnh của mình với đại úy Prendergast, ông ấy mới khuyên tôi nên đến gặp ngài.


- Anh đã nhận được bức thư hai ngày rồi, có lẽ chúng ta nên có kế hoạch hành động ngay trước khi chuyện đó xảy ra. Ngoài những gì anh đã kể, không biết có còn chi tiết nào có thể giúp ích cho tôi hay không?


- Còn một vật nữa. - John nói, rồi lục trong túi áo và lấy ra một mẩu giấy xanh đã ngả màu. Anh đặt nó trên bàn. - Vào ngày bác tôi đốt hết giấy tờ, tôi thấy mẩu giấy này còn sót lại trong đám tro. Tôi tìm thấy nó trên sàn trong phòng bác tôi. Tôi nghĩ có lẽ nó rơi ra nên mới không bị cháy. Trên đó, ngoài vài dòng nhắc đến mấy hạt cam ra thì theo tôi, không có gì quan trọng. Có lẽ đây là một trang nhật ký và nét chữ thì chắc chắn là của bác tôi.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom