• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (1 Viewer)

  • Chương 46

V
MỘT MÌNH CON BÉ
Quán Tênácđiê ở phía đầu làng, khu xóm nhà thờ, nên con Côdét phải đi lấy nước ở mãi tận cái suối trong rừng về phía Senlơ.
Nó đi thẳng, không nhìn đến cửa hàng nào nữa. Lúc còn ở ngõ Hàng Bánh và trong khu vực nhà thờ thì còn đèn nến sáng trưng trong các cửa hiệu soi rõ lối đi; nhưng chẳng bao lâu, ánh đèn cửa hiệu cuối cùng mờ hẳn. Con bé con ở trong bóng tối. Nó cứ đi sâu vào bóng tối. Trong bụng đã thấy sờ sợ, nó vừa đi vừa hết sức vung vẩy cái quai thùng cho kêu lên; tiếng khua động như là một người bạn cùng đi với nó.
Càng đi bóng tối càng dày đặc. Ngoài đường, không còn lấy một bóng người. Thế nhưng nó cũng gặp một bà thấy nó thì đứng lại nhìn theo, miệng lẩm bẩm: “Đứa bé nào đi đâu thế này?Hay là ma quỷ gì đây?” Bà nhận ra Côdét: “À! Ra con Sơn ca!”
Cứ thế, Côdét lần mò qua những phường phố khúc khuỷu, quanh co và vắng lặng ở cuối làng Môngphécmây về phía Senlơ. Còn thấy có bóng nhà hay chỉ những bức tường hai bên vệ đường, con bé còn mạnh dạn mà đi. Chốc chốc còn được thấy ánh đèn le lói lọt qua khe cửa; ánh sáng đấy, sự sống đấy, còn có người đấy, nó còn được vững dạ. Nhưng càng đi, bước chân nó tự nhiên chầm chậm lại. Lúc nó vừa qua cái góc nhà cuối cùng, nó dừng lại. Đi quá cái cửa hàng cuối cùng đã là khó rồi; đi quá cái nhà cuối cùng này thì không thể được nữa. Nó đặt cái thùng xuống đất, thò tay lên đầu gãi gãi; đó là cử chỉ đặc biệt của con trẻ lúc kinh sợ và ngần ngừ. Không còn là làng Môngphécmây nữa; chỉ còn đồng không mông quạnh. Trước mắt nó, không gian đen ngòm, vắng lặng. Nó nhìn bóng tối tuyệt vọng; không còn lấy một bóng người, chắc có thú dữ, có cả ma nữa cũng nên. Nó cố nhìn, nó nghe thấy tiếng những con vật đi trong cỏ, nó thấy rõ ràng những con ma ngó ngoáy trong lùm cây. Thế là sợ quá hóa liều, nó vớ lấy cái thùng, miệng nói: “Chà! Cứ bảo là hết nước rồi!” Rồi nó quả quyết quay trở về Môngphécmây.
Song, được độ trăm bước, nó lại đứng lại và gãi đầu. Bây giờ thì hình ảnh mụ Tênácđiê hiện ra; mụ Tênácđiê với cái mõm sói cầy, con mắt giận dữ nảy lửa. Con bé nhìn trước nhìn sau thảm hại. Làm thế nào bây giờ? Rồi sẽ ra sao? Biết đi đâu? Đằng trước, bóng con quỷ cái Tênácđiê. Đằng sau, tất cả những ma quái của đêm tối và rừng rậm. Nhưng mà trước mặt đã có mụ Tênácđiê thì phải lùi. Thế là nó lộn trở lại con đường ra suối và đâm đầu chạy. Nó chạy khỏi làng, nó chạy vào rừng, chẳng còn nhìn gì, chẳng còn nghe thấy gì hết. Mãi đến lúc đứt cả hơi thở nó mới thôi chạy, nhưng cứ đi mãi. Nó cứ tiến đi, hết cả hồn cả vía.
Nó vừa chạy vừa muốn òa lên khóc.
Cảnh rừng rậm ban đêm rì rào vây bọc lấy nó. Nó không nghĩ gì nữa mà cũng chẳng nhìn thấy gì. Một đứa bé nhỏ xíu trước đêm tối bao la. Một bên là tất cả bóng tối; một bên là một hạt bụi li ti.
Từ cửa rừng vào đến suối, đi chỉ mất bảy, tám phút. Côdét ban ngày vẫn thường đi nên thuộc đường. Có điều lạ là đêm tối như thế, hãi hùng như thế mà nó vẫn không lạc. Hãy còn chút bản năng đưa đường cho nó. Nó có dám đưa mắt nhìn sang hai bên đâu, sợ nhỡ trông thấy cái gì ở trên cành cây hay ở bụi rậm. Cứ thế mà nó đến được suối.
Đây là một cái lòng chảo thiên nhiên nhỏ, do nước xói mãi vào đất sét; vũng sâu chừng sáu mươi phân, chung quanh, rêu và cỏ mọc, thứ cỏ cao, hoa tròn, thường gọi là “cỏ cổ áo vua Hăngri IV”. Giữa mấy viên đá tảng, một dòng suối róc rách chảy lặng lờ.
Côdét không kịp thở nữa. Trời tối đen như mực, nhưng nó đã quen con suối này rồi. Tay trái nó quờ quạng trong bóng tối tìm cây sồi nhỏ mọc ngả xuống suối, thường ngày nó vẫn vịn vào đấy mà múc nước; nó nắm được một cành, bám chặt lấy, cúi xuống và vục thùng xuống múc. Lúc ấy nó hăng hết sức nên khỏe gấp ba mọi ngày. Lúc cúi xuống, nó không để ý đến cái túi tạp dề đang dốc ngược. Đồng mười lăm xu rơi xuống nước, Côdét không trông thấy và cũng không nghe thấy tiếng rơi. Nó kéo cái thùng nước gần đầy lên rồi đặt xuống bãi cỏ.
Xong xuôi, nó mới thấy đã kiệt hơi. Nó cũng muốn về ngay nhưng nó đã dùng hết sức lực để múc nước nên lê không nổi nước. Nó đành phải ngồi nghỉ. Nó gieo phịch người xuống rồi ngồi xổm luôn trên bãi cỏ.
Nó nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, không hiểu tại sao, mà cũng chẳng làm khác được.
Bên cạnh, nước trong thùng sóng sánh vẽ thành những vòng tròn trông như những con rắn bạc long lanh.
Trên đầu, bầu trời phủ đầy mây đen bát ngát, trông như từng mảng khói. Cái khuôn mặt thê thảm của bóng tối như nghiêng xuống đứa trẻ này.
Sao Mộc đang lặn ở phương xa thăm thẳm.
Con bé kinh hoàng nhìn ngôi sao to, lạ lùng kia. Ngôi sao lúc ấy đang đến sát chân trời, xuyên qua làn sương đêm dày đặc, trông đỏ đòng đọc. Sương mù nhuốm một màu đỏ ghê rợn làm cho ngôi sao to thêm ra. Giống như một vết loét ngời sáng.
Gió lạnh từ đồng thổi vào. Rừng tối om! Không một tiếng lá sột soạt, không một gợn sóng, thứ ánh sáng mờ mờ, mát mẻ những đêm mùa hạ. Các cành cây to dựng đứng trông gớm chết. Mấy bụi cây gầy guộc, hình thù kỳ quặc đang rít gió ở ven rừng. Đám cỏ cao vút nhung nhúc dưới làn gió thổi, như một đàn lươn. Những cây gai vặn vẹo như những cánh tay dài nghêu có vuốt đang giơ ra bắt mồi; mấy cành khô gió thổi cuốn nhanh qua như kinh hãi chạy trốn cái gì sắp tới. Tứ bề toàn là cảnh mênh mông kinh khủng.
Bóng tối làm cho choáng váng. Con người cần có ánh sáng. Kẻ nào đi vào chỗ không phải là ánh sáng sẽ thấy lòng hồi hộp. Hễ mắt thấy mù mịt trí óc cũng thấy bàng hoàng. Trong nguyệt thực, trong đêm đen, trong cảnh u ám khói muội, người bạo nhất cũng có phần ngại ngùng. Không ai đi trong rừng đêm mà không run rẩy. Bóng đêm và cây cối là những khối đáng sợ. Một hiện thực kỳ ảo mọc ra từ cõi mập mờ sâu thẳm. Cái không tưởng tượng được sẽ hình thành cách anh mấy bước rõ ràng như bóng ma. Anh sẽ thấy lung linh trong không gian hay trong đầu óc, một cái gì mập mờ vô định như những đóa hoa nhìn thấy trong mơ. Phía chân trời có những bóng dáng dữ tợn. Anh hít thở từng luồng gió từ khoảng không đen tối. Anh thấy sợ và muốn nhìn ra phía sau. Những hốc đêm, những đồ vật trở nên bơ phờ, những hình bóng lặng lẽ tan biến khi anh bước tới, những dáng điệu rũ rượi lờ mờ, những bụi bờ giận dữ, những đầm vũng nhờ nhờ, hình ảnh ảm đạm phản chiếu trong cảnh tang ma, cảnh vắng lặng mênh mông của hầm mộ, những sinh linh bí ẩn, những cành lá huyền bí nghiêng mình, những thân cây dễ sợ, những bụi cỏ rùng mình mãi không thôi. Trước tất cả những cái ấy, anh không có gì che chở, gan lì mấy cũng không tránh khỏi giật mình, cũng thấy mình sắp hoảng loạn. Anh cảm thấy có cái gì gớm ghiếc như thể linh hồn anh nhập vào bóng tối. Trạng thái nhập vào bóng tối đó rất thảm hại đối với trẻ con.
Cảnh rừng là cảnh tận thế. Và cái đập cánh của một linh hồn bé bỏng dội lên như một tiếng hấp hối dưới vòm cây lá bao la.
Côdét không hiểu được cái cảm giác của mình lúc ấy, nhưng nó cảm thấy cả cái khối to lớn, đen ngòm của vũ trụ đang túm chặt lấy nó. Không phải nó chỉ thấy khủng khiếp, nó thấy cái gì khủng khiếp hơn cả sự khủng khiếp. Nó rùng mình. Một cái rùng mình lạ lùng lạnh thấu tâm can, không chữ nào tả xiết. Con mắt nó hãi hùng. Nó như cảm thấy cũng đến giờ này ngày hôm sau nó không thể nào không trở lại chỗ này được.
Bấy giờ, như một thứ bản năng xui khiến để thoát khỏi cái trạng thái dị kỳ, khó hiểu mà nó khiếp sợ đó, nó bèn cất tiếng rõ to đếm một, hai, ba, bốn đến mười; đếm xong, nó lại đếm nữa. Lúc ấy nó mới hoàn hồn, nhận rõ sự vật quanh mình. Nó thấy tay nó lúc múc nước bị ướt nên rét cóng. Nó đứng dậy. Nó lại thấy sợ, cái sợ tự nhiên, không sao tránh được. Nó chỉ có một ý nghĩ là chạy trốn; ba chân bốn cẳng mà chạy, chạy qua rừng, qua cánh đồng, một mạch đến tận nơi có nhà, có cửa sổ, có đèn thắp sáng. Nó chợt nhìn thấy, cái thùng nước trước mặt. Nghĩ đến mụ Tênácđiê, nó lại sợ hơn, không dám bỏ thùng nước đấy mà chạy. Nó phải lấy cả hai tay mà nắm quai thùng. Thùng nước nặng, ì ạch mãi mới xách nổi.
Đi được hơn chục bước, nó lại phải đành lòng đặt thùng nước xuống đất; thùng đầy nước, nặng quá. Nó đứng thở một lát, rồi lại nhấc thùng lên, lại đi: lần này thì được một thôi dài hơn. Nhưng rồi lại phải dừng lại nữa. Nghĩ vài giây, lại đi. Trông nó như một bà già, đi thì còng về đằng trước, đầu cúi xuống. Thùng nước nặng quá, cánh tay gầy gò cứ thẳng căng và cứng đờ ra. Cái quai sắt làm cóng nốt hai bàn tay nhỏ bé ướt đẫm nước. Chốc chốc nó lại phải đứng lại; mỗi lần đứng lại thì nước lạnh trong thùng lại sóng ra, chảy vào hai chân giẫm đất. Giữa rừng thẳm, giữa đêm tối, mùa rét, xa con mắt của mọi người và đứa bé mới lên tám tuổi đầu. Lúc ấy, họa chăng có trời mới nhìn thấy cái cảnh bi thảm ấy.
Và, than ôi! Có lẽ cả vong hồn mẹ nó nữa.
Vì ở đời có những cảnh ngộ làm cho người chết ở dưới mồ cũng phải mở mắt ra mà nhìn.
Nó thở như rên siết, nghe đau đớn lắm. Tiếng khóc dâng lên nghẹn cổ; nhưng nghĩ đến mụ Tênácđiê, nó không dám khóc to, dù không có mụ ở đấy. Lúc nào nó cũng tưởng như mụ Tênácđiê ở ngay trước mặt.
Cứ thế, nó không đi được bao đường đất; nó đi chậm lắm. Lúc nghỉ thì rõ ít, mà đi thì rõ lâu; nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Có lẽ phải hơn tiếng đồng hồ mới đến Môngphécmây rồi thế nào mụ Tênácđiê cũng đánh đòn; nghĩ thế, nó càng khiếp. Đã khiếp lại thêm hoảng sợ, một thân trơ trọi ban đêm giữa rừng sâu. Nó đã mệt lử người mà vẫn chưa ra khỏi rừng. Đến gần một gốc cây dẻ cổ thụ nó quen lắm, nó dừng lại lâu hơn mọi lần để nghỉ một làn cuối cùng cho thật khỏe, rồi nó thu hết sức lực, xách lấy thùng nước, lại can đảm bước đi. Tuy vậy, con người bé bỏng tuyệt vọng ấy không khỏi buột miệng kêu: “Trời ơi là trời!”
Đúng lúc ấy, nó thấy thùng nước tự nhiên nhẹ bỗng đi. Một bàn tay có lẽ to lớn lắm vừa nắm lấy quai thùng và nhấc lên rất mạnh. Nó ngẩng đầu lên. Một bóng đen to lớn, đứng thẳng, đang đi bên nó, trong bóng tối. Người ấy là một người đàn ông, đi sau nó, đến gần nó lúc nào nó không biết. Người ấy chẳng nói chẳng rằng, nắm lấy quai thùng nó đương xách.
Trên đời, mỗi lần gặp gỡ, vẫn có cái linh tính nó báo trước dữ lành. Con bé không thấy sợ.
VI
CÓ LẼ BULATƠRUYEN CŨNG THÔNG MINH THẬT
Xế chiều ngày lễ Giáng sinh năm 1823, có một người tha thẩn rất lâu ở quãng đường vắng vẻ đại lộ Nhà thương ở Pari. Người ấy như muốn tìm một chỗ ở thuê và hình như có ý chọn những nhà nào tầm thường nhất ở xóm ngoài vùng ngoại ô Xanh Mácxô.
Đọan sau ta sẽ biết, người ấy đã thuê được một căn buồng ở cái xóm hẻo lánh này.
Trông cách ăn mặc và bộ điệu, có thể thấy người ấy là hình ảnh của hạng ăn mày tử tế, nghèo xác xơ nhưng vẫn cố giữ được hết sức tinh tươm. Người ấy là một người rất nghèo khổ, lại là người biết giữ tư cách, hai điều đó khiến cho những kẻ thông minh đĩnh ngộ phải thêm phần kính trọng. Người ấy đội một cái mũ tròn rất cũ và chải rất kỹ, mặc một cái áo khoác bằng da thô đã sờn đến tận lần trong, màu vàng gạch, là màu quen mắt thủa ấy; một cái gi-lê rộng, túi may kiểu rất xưa; cái quần đen, hai đầu gối đã bạc phếch, đôi bít tất len màu đen và đôi giày thô cài khuy đồng. Nom như một gia sư cũ ở nhà quý phái mới hồi cư. Cứ nhìn mái tóc bạc phơ, cái trán nhăn nheo, hai môi tái ngắt, khuôn mặt nhọc nhằn, chán nản sự đời, người ta đoán có lẽ lão đã ngoài sáu mươi. Song nhìn cái dáng đi tuy chậm chạp nhưng chắc chắn, những điệu bộ mạnh mẽ lạ thường, thì người ta đồ chừng lão ta chỉ mới độ năm mươi. Mấy nếp nhăn trên trán thật đúng chỗ, khiến ai nhận xét kỹ lão cũng phải nể. Môi thì mím lại thành một nếp kỳ lạ, vừa nghiêm nghị vừa khiêm nhường. Con mắt nhìn thì trong suốt mà não nùng. Người ấy tay trái xách một gói nhỏ buộc trong chiếc khăn mùi xoa, tay phải chống một cái gậy chặt ở một hàng cây làm rào. Cái gậy gọt đẽo cẩn thận, trông không đến nỗi tồi lắm; các đốt đều được sửa cho đẹp thêm, chỗ nắm tay thì bằng xi đỏ giả san hô; chính ra là cái dùi cui, nhưng ra vẻ một cái gậy.
Con đường này vốn vắng người qua lại, nhất là về mùa rét. Người ấy hình như còn cố tránh mọi người chứ không muốn gần một ai.
Thuở ấy, vua Lui XVIII ngày nào cũng xa giá tới Soadilơroa; ngài lại ưa đi con đường này. Cứ vào hai giờ chiều, ít khi sai, thì xa giá và đoàn kỵ mã phóng nhanh trên đường phố Nhà thương.
Các chị dân nghèo trong khu phố, nhờ thế mà biết giờ khắc. Các chị bảo nhau:
- Hai giờ rồi đấy, người ta đi về điện Tuylơri kia.
Người này chạy đến, kẻ kia tránh đi. Một nhà vua đi qua chẳng bao giờ chẳng gây một sự náo động. Vả lại vua Lui XVIII hiện ra hay biến đi cũng có ảnh hưởng phần nào đối với đường phố Pari. Đoàn xa giá đi rất nhanh, nhưng uy nghi đường bệ. Ông vua bại liệt ấy lại thích phi nước đại. Không bước được, ngài chỉ muốn chạy. Tuy què liệt, ngài muốn đằng vân. Hiền hòa, nghiêm trang, ngài lướt qua cùng với một rừng gươm tuốt vỏ. Cỗ loan xa nặng thiếp vàng, điểm hoa huệ, lăn đi rầm rộ. Người ta chỉ kịp nhìn thoáng qua một cái. Trong góc xe bên phải, một người ngồi tựa chồng gối bọc xa-tanh trắng, mặt to, chắc, hồng hào, trán tươi mát điểm phấn, con mắt tự phụ, tinh vi mà vô tình, nụ cười học giả, hai vai có hai ngù lớn tỏa tua xuống bộ quần áo không lòe loẹt, trên ngực có đủ huân chương và bội tinh cao cấp, một cái bụng phệ có băng choàng xanh vắt ngang. Vua đấy. Ra khỏi Pari thì ngài lấy mũ xuống để trên đầu gối, mũ ngài cắm lông vũ trắng, chân ngài mang giầy ghệt Anh cao. Vào thành thì ngài đội mũ, nhưng ít khi chào. Ngài nhìn dân chúng lạnh lùng, lạnh lùng dân chúng nhìn lại ngài. Khi ngài xuất hiện ở khu phố Xanh Mắcxô lần đầu, uy tín của ngài tóm tắt trong câu của anh dân ngoại ô này nói với bạn: “Cái ông béo phị ấy là cả triều đình đó”.
Xa giá nhà vua cứ đúng giờ ấy đi qua phố Nhà thương, ngày nào dân phố cũng quen lệ ấy.
Người đi dạo mặc áo vàng hẳn không phải là người khu này và có lẽ không phải là người Pari, nên không biết việc trên. Lúc hai giờ, khi xa giá có đoàn thị vệ cưỡi ngựa vây quanh, từ Xanhpêtơrie rẽ vào đường này thì người ấy có vẻ ngạc nhiên và gần như sợ hãi. Bên lề đường chỉ độc có lão; lão vội núp sau một bức tường, nhưng công tước Đavrê cũng kịp trông thấy. Vì là chỉ huy trưởng trực ban của đội cấm quân, công tước ngồi đối diện nhà vua. Ông nói: “Tên kia khả nghi”. Những viên cảnh sát đi dẹp đường cũng để ý đến lão; một người được lệnh theo dõi. Nhưng người lạ mặt đã lẩn vào những phố vắng vẻ trong khu; lúc ấy trời bắt đầu tối nên người cảnh sát đành để mất hút.
Ngay tối hôm đó người ta gửi báo cáo lên bá tước Ănggletx, bộ trưởng bộ an ninh về việc ấy.
Khi người mặc áo vàng đánh lạc đường viên cảnh sát rồi, lão bèn rảo cẳng đi, chốc chốc lại ngoái cổ nhìn lại xem có ai theo mình không. Đến bốn giờ mười lăm, tức là lúc trời đã tối hẳn, lão đi qua rạp hát của ô Xanh Máctanh hôm ấy diễn kịch Hai tên tù khổ sai. Tờ quảng cáo để ngay dưới ngọn đèn rạp hát làm lão phải chú ý; tuy đang vội đi, lão cũng dừng lại để đọc. Một lát sau, lão đi vào cái ngõ cụt Lapơlăngsét, tìm đến quán “Cái đĩa thiếc” là nơi bấy giờ đặt buồng giấy của hãng xe chạy Lanhi. Đến bốn rưỡi thì xe chạy. Ngựa đã đóng cương đâu đấy; nghe tiếng người đánh xe gọi, hành khách hấp tấp leo lên chiếc thang cao bằng sắt.
Người ấy hỏi:
- Còn chỗ không bác?
Người đánh xe đáp:
- Chỉ còn một chỗ thôi, cạnh tôi đây này.
- Được, để cho tôi.
- Lên ngay đi.
Nhưng, trước khi xe chạy, người đánh xe đưa mắt nhìn bộ quần áo tồi tàn của khách và cái gói nhỏ xíu rồi đòi tiền. Anh ta hỏi:
- Ông đi tận Lanhi chứ?
- Phải.
Khách trả lời rồi trả tiền xe đến Lanhi.
Xe chạy. Qua cửa ô rồi, người đánh xe thử bắt chuyện, nhưng khách chỉ trả lời gióng một. Anh ta đành huýt sáo miệng và cứ quát ngựa chạy.
Người đánh xe trùm kín áo tơi. Trời lạnh. Khách hình như không lưu ý tới. Cứ thế, xe chạy qua Guôcnay và Nơiyxuya Mác.
Độ sáu giờ tối thì đến Senlơ. Người đánh xe cho xe dừng lại để ngựa nghỉ ngơi, xe đỗ trước cửa quán ăn của phu xe tải, nguyên trước kia là nhà tu kín. Người lạ mặt bảo:
- Tôi xuống đây.
Rồi cầm lấy cái gói và cái gậy, nhảy xuống đất!
Chỉ một lát là lão biến mất!
Lão không vào hàng ăn.
Mấy phút sau, xe lại chạy trên con đường đi Lanhi, nhưng cũng không thấy lão ở phố chính thành Senlơ.
Người đánh xe quay lại nói với hành khách ngồi trong xe:
- Lão ấy không phải người vùng này, nếu phải tôi đã biết. Coi bộ không có một xu thế mà chả thiết gì đến tiền. Trả thì trả đến tận Lanhi, mà đến Senlơ đã xuống. Khuya rồi, nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm thế mà lại không vào hàng trọ và cũng chẳng thấy đâu cả. Thế thì chẳng độn thổ thì còn đi đâu.
Khách không độn thổ mà lại vội vã đi qua phố chính thành Senlơ, trong đêm tối; rồi chưa đến nhà thờ đã rẽ sang trái, tạt vào con đường hẻm đi Môngphécmây, y như một người đã quen vùng này lắm và đã đến đây nhiều lần rồi.
Khách đi rất nhanh. Lúc đến chỗ ngã tư, nơi con đường hẻm gặp con đường cũ đi từ Ganhi đến Lanhi, hai bên có cây, lão nghe có tiếng người đang đi lại. Lão vội vàng núp xuống cái rãnh, đợi cho bọn kia đi khuất. Kể cẩn thận như thế cũng là thừa vì đêm nay là đêm tháng chạp, trời đen như mực. Trên trời thấp thoáng chỉ hai ba ông sao.
Chỗ ấy bắt đầu lên cái dốc khu đồi. Lão không rẽ vào con đường đi Môngphécmây; lão quặt sang tay phải, đi tắt qua quãng đồng và vội vã vào khu rừng.
Vào đến rừng, lão đi chậm lại; lão nhìn kỹ từng gốc cây, đi từng bước một như tìm kiếm và đi theo một con đường bí mật chỉ một mình lão biết. Có lúc hình như lão lạc mất hướng nên đứng lại, tần ngần. Sau cùng, lần mò mãi mới tới một khu rừng thưa có một đống đá lớn trăng trắng. Lão vội vàng đến gần đống đá, xem xét kỹ lưỡng qua làn sương đêm, như để điểm qua từng hòn một. Cách đống đá chừng mấy bước, có một gốc cây lớn vỏ xù xì những mấu. Lão đến gần gốc cây, lấy tay lần trên vỏ như để nhận ra và đếm từng mấu sứt trên thân cây.
Cây ấy là cây tần; trước mặt, có một cây dẻ có chỗ bong vỏ nên người ta lấy miếng kẽm đóng vào để băng bó. Lão kiễng chân lên rồi lấy tay sờ miếng kẽm.
Lão lấy chân giậm khoảng đất giữa gốc cây và đống đá một lúc như là để xem xét có ai mới đào bới gì chỗ ấy lên không.
Xong xuôi, lão định lại phương hướng rồi lại xuyên rừng mà đi.
Người ấy là người vừa gặp con Côdét.
Thì ra lúc người ấy len lỏi qua rừng đi về phía Môngphécmây, chợt trông thấy một cái bóng bé nhỏ vừa nhúc nhích đi vừa rên rỉ rồi đặt cái gì nặng xuống đất, lại xách lấy, lại đi. Người ấy tiến đến gần, nhận ra là một đứa bé tí tẹo mà lại xách một cái thùng to tướng. Người ấy bèn đến gần đứa bé, lẳng lặng xách lấy quai thùng nước.
VII
CÔDÉT ĐI CẠNH NGƯỜI LẠ TRONG BÓNG TỐI
Như trên đã nói, Côdét không sợ.
Người ấy bắt chuyện với nó; ông nói khẽ, hầu như thầm thì:
- Này cháu, cháu xách cái này chắc nặng lắm nhỉ?
Côdét ngẩng đầu lên đáp:
- Thưa ông, vâng.
Người ấy lại tiếp:
- Đưa đây, ông mang đỡ cho.
Côdét buông tay ra. Người kia đi từ từ bên cạnh, nói khe khẽ:
- Nặng thật.
Rồi người ấy bảo:
- Cháu lên mấy?
- Thưa ông, lên tám.
- Cháu đi từ đâu, có xa không?
- Cháu ở suối về, trong rừng kia.
- Nhà cháu còn xa nữa không?
- Đi độ mười lăm phút nữa thì đến.
Người lạ mặt im lặng một lúc rồi đột nhiên hỏi:
- Thế cháu không còn mẹ ư?
Đứa bé trả lời:
- Cháu không biết.
Không đợi người kia kịp nói, nó tiếp luôn:
- Hình như không có. Đứa nào cũng có mẹ, mà cháu thì không có.
Một lát sau, nó lại nói:
- Hình như trước kia cũng không có.
Người lạ dừng lại, đặt thùng nước xuống đất, cúi xuống đất, cúi xuống rồi đặt hai tay lên vai con bé: người ấy cố nhìn kỹ nó, nhìn tận mặt nó trong bóng tối.
Khuôn mặt gầy gò, quắt queo của Côdét mờ mờ dưới ánh sáng nhợt nhạt của bầu trời. Người kia hỏi:
- Tên cháu là gì?
- Côdét.
Người ấy như bị điện giật; lão nhìn kỹ nó lượt nữa rồi tay buông vai con bé, lại xách thùng nước, cất bước đi.
Một lúc sau lão hỏi:
- Bé này, nhà cháu đâu?
- Ở Môngphécmây, ông có biết không?
- Bây giờ cháu về đấy phải không?
- Thưa ông, vâng.
Ngừng một lát, lão lại hỏi:
- Ai sai cháu vào rừng lấy nước khuya thế này?
- Bà Tênácđiê ạ.
Người lạ cố hết sức lấy giọng tự nhiên mà hỏi, song nghe như có vẻ run run khác thường:
- Bà Tênácđiê nhà cháu làm gì?
Con bé đáp:
- Bà ấy là bà chủ cháu. Nhà bán quán.
- Quán à? Thế thì ta lại đấy trọ đêm nay. Cháu dẫn ta lại nhé.
- Đi đường này đấy ạ.
Người lạ đi khá nhanh. Côdét nhanh nhẹn theo sau. Nó không thấy mệt nữa. Thỉnh thoảng nó lại ngước mắt nhìn người ấy, ra vẻ bình tĩnh và tin cậy vô cùng. Chưa ai dạy nó ngước lên Chúa và cầu nguyện bao giờ. Thế mà lúc này nó cảm thấy có cái gì giống như niềm hy vọng và nỗi sung sướng được hướng về Thượng đế.
Mấy phút trôi qua. Người kia lại hỏi:
- Nhà bà Tênácđiê không mượn người ở à?
- Thưa không ạ.
- Chỉ có một mình cháu thôi ư?
- Vâng ạ.
Lại im lặng. Côdét lên tiếng:
- Cũng còn hai đứa con gái nữa.
- Hai đứa nào?
- Con Pônin với con Denma.
Côdét gọi gọn như vậy hai cái tên đặc tiểu thuyết mà mụ Tênácđiê đặt cho con:
- Pônin với Denma là ai?
- Là hai cô nhà bà Tênácđiê. Con gái bà chủ đấy.
- Hai cô ấy làm gì?
- Ấy, các cô có những con búp bê đẹp ghê, cả những vật có vàng nữa, bao nhiêu thứ. Các cô ấy được chơi, được nô đùa.
- Cả ngày à?
- Vâng ạ.
- Thế cháu?
- Cháu thì bận, cháu làm việc.
- Suốt ngày à?
Con bé ngước đôi mắt to, long lanh giọt nước mắt, tối quá không trông thấy. Nó dịu dàng đáp:
- Vâng ạ.
Lặng im một lát, nó lại tiếp:
- Cũng có khi làm lụng xong xuôi đâu đó mà được phép thì cháu cũng chơi.
- Cháu chơi gì?
- Chơi gì thì chơi. Người ta mặc cháu. Nhưng làm gì có lắm đồ mà chơi. Con Pônin với con Denma không cho cháu chơi chung búp bê. Cháu chỉ có một thanh gươm bằng chì, dài bằng này.
Con bé xòe ngón tay út ra.
- Thế không cắt được chứ?
- Có ông ạ… cắt được lá rau và đầu ruồi.
Đã đến đầu làng. Côdét dẫn người kia qua các phố. Qua cửa hàng bánh nhưng Côdét quên bẵng phải mua bánh về cho mụ chủ. Người lạ không hỏi chuyện nó nữa, cứ lầm lì đi. Vừa đi khỏi nhà thờ, người ấy thấy tất cả những quán dựng ngoài trời, liền hỏi Côdét:
- Ở đây mở chợ phiên đấy à?
- Không ạ. Lễ Giáng sinh đấy ạ.
Gần đến quán ăn, Côdét khẽ sờ tay người kia:
- Thưa ông…
- Gì thế cháu?
- Gần đến nhà rồi.
- Thế thì làm sao?
- Bây giờ ông cho cháu xin lại cái thùng nước.
- Sao thế?
- Cháu chỉ sợ bà chủ trông thấy có người xách hộ, cháu lại phải đòn.
Người kia đưa thùng cho nó. Chỉ một lát sau đã đến cửa hàng ăn.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom