Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 43
QUYỂN II: CHIẾC TÀU ÔRIÔNG
I
SỐ 24.601 TRỞ THÀNH SỐ 9.430
Giăng Vangiăng đã lại bị bắt.
Bạn đọc sẽ lấy làm hài lòng khi thấy chúng tôi lướt qua các chi tiết đau thương. Chúng tôi chỉ xin chép ra đây hai mẩu thời sự đăng trên các báo ngày ấy, mấy tháng sau khi xảy ra những việc lạ lùng ở Môngtơrơi Xuya Me.
Những bài báo ấy hơi sơ lược. Chúng ta nhớ rằng thời ấy chưa có Tư pháp nhật báo.
Chúng tôi lấy bài thứ nhất ở tờ Lá cờ trắng, số ra ngày 25 tháng 7 năm 1823.
“Ở một quận thuộc tỉnh Pa-đơ-Cale vừa xảy ra một việc lạ thường. Một người không phải nguyên quán ở đấy tên là ông Mađơlen, mấy năm nay nhờ những phương pháp mới đã chấn hưng một nền công nghiệp vốn có sẵn ở địa phương, là nghề làm đồ huyền và đồ thủy tinh đen. Nhờ thế hắn đã làm giàu và phải nói cũng làm giàu cho cả quận. Để tưởng lệ công lao, người ta đã cử hắn làm thị trưởng. Gần đây sở cảnh sát phát hiện cái ông Mađơlen ấy chính là một tên tù khổ sai trốn quản thúc, tên là Giăng Vangiăng hiện đã bị tống lao lại. Hình như trước khi bị bắt, hắn đã kịp đến ngân hàng Laphit rút ra số tiền hơn năm mươi vạn gửi tại đó; nói cho đúng thì số tiền ấy hắn kiếm được rất chính đáng trong kinh doanh, người ta bảo thế. Không ai biết khi bị bắt giam lại vào ngục Tulông, Giăng Vangiăng đã giấu số tiền ấy ở đâu”.
Bài báo thứ hai, nhiều chi tiết hơn một chút, trích ở tờ Pari nhật báo, cũng ngày ấy:
“Một tên tội phạm đã được phóng thích tên là Giăng Vangiăng vừa mới phải ra trước tòa đại hình hạt Va trong những trường hợp khá ly kỳ. Tên đại bợm này đã lừa bịp được cả con mắt tinh tế của sở cảnh sát; hắn đổi tên và tìm cách xoay được chân thị trưởng ở một thành phố nhỏ miền Bắc. Hắn lại đặt được một cơ sở kinh doanh khá lớn ở thành phố ấy. Nhưng cuối cùng, nhờ sự mẫn cán không mệt mỏi của công tố viên, hắn đã bị lột mặt nạ và bị bắt. Hắn có một con vợ không cưới xin, nguyên là một gái giang hồ; lúc chồng bị bắt thì con vợ sợ quá mà chết! Tên khốn kiếp ấy, khỏe như vâm, đã tìm cách trốn thoát nhà giam nhưng chỉ ba, bốn hôm sau, cảnh sát lại bắt được hắn, ở ngay Pari, giữa lúc nó sắp sửa đáp một chiếc xe nhỏ chạy con đường từ thủ đô đến làng Môngphécmây (tỉnh Xen-ê-Oađơ). Người ta đồn rằng hắn lợi dụng ba, bốn ngày được tự do ấy để rút một số tiền to gửi ở một nhà ngân hàng lớn tại thủ đô. Số tiền ấy ước có đến sáu, bảy mươi vạn phơrăng. Theo bản cáo trạng thì hắn đã chôn số tiền ấy ở một nơi chỉ mình hắn biết, vì thế, chưa lọt vào tay cảnh sát. Dù sao, tên Giăng Vangiăng cũng vừa bị truy tố trước tòa đại hình hạt Va; hắn bị khép vào tội cướp đường có vũ khí, xảy ra khoảng tám năm về trước; nạn nhân là một đứa trẻ lương thiện trong đám thiếu niên đã được “Lão trượng Phécnê”[90] diễn tả trong bài thơ bất hủ:
[90] Mệnh danh của nhà văn và nhà triết học tiến bộ Pháp Vônte thế kỷ XVIII, Phécnê một thị trấn ở sát Thụy Sĩ, nơi Vônte cư trú 20 năm lúc về già.
Các em từ đất Xavoa
Hàng năm trở lại, đi qua vùng này
Các em đưa nhẹ bàn tay
Chùi lau ống khói bám đầy muội đen.
Tên tướng cướp ấy đành cam không chối cãi. Viện công tố đã khôn khéo và hùng hồn chứng tỏ rằng Giăng Vangiăng ăn cướp có tùng đảng và hắn có chân trong một ổ trộm cướp ở miền Nam. Do đó, tòa tuyên bố Giăng Vangiăng là tội phạm và khép án tử hình. Tên tội phạm ấy không xin chống án lên tòa phá án. Hoàng thượng đã lấy lượng khoan hồng như trời bể mà ban đặc ân cho được đổi thành án khổ sai chung thân. Lập tức Giăng Vangiăng bị giải ra nhà lao Tulông”.
Người ta không quên rằng khi ở Môngtơrơi Xuya Me, Giăng Vangiăng đã tỏ ra mộ đạo. Cho nên một vài tờ báo, trong đó có tờ Lập hiến trình bày việc chuyển giảm tội hình này như một thắng lợi của phái công giáo.
Vào nhà lao, Giăng Vangiăng đổi số hiệu. Bây giờ tên hắn là 9.430.
Cũng nên nói ngay điều này để khỏi phải trở lại: Mất ông Mađơlen, thị trấn Môngtơrơi Xuya Me cũng mất cảnh phồn vinh. Tất cả những điều ông ta dự đoán trong đêm thao thức và lên cơn sốt đã xảy đến. Mất ông, thị trấn đã mất cái linh hồn. Ông sụp đổ thì ở thị trấn cũng xảy ra việc chia của ích kỷ, việc xâu xé thầm lặng những phồn vinh sau khi các cuộc đời lớn sụp đổ. Đó là điều tất nhiên trong cộng đồng nhân loại, tuy lịch sử chỉ nói đến có một lần vì nó diễn ra sau khi Alêcxăng chết.[91]Tướng lĩnh xưng vương sau khi hoàng đế băng hà, đốc công cũng tự tôn làm nhà sản xuất sau khi ông chủ qua đời. Sự cạnh tranh đố kỵ diễn ra. Các xưởng thợ rộng lớn đóng cửa, các tòa nhà đổ nát. Thợ thuyền phân tán, người bỏ xứ, kẻ bỏ nghề. Từ đấy chỉ có sản xuất nhỏ, không còn nền công nghiệp quy mô ngày trước. Người ta sản xuất vụ lợi chứ không vì lợi ích công cộng. Không có trung tâm, đâu đâu cũng chỉ có cạnh tranh, cạnh tranh khốc liệt. Ngày xưa ông Mađơlen ở trên tất và điều khiển tất. Ông đổ xuống, mỗi người đều cố kéo mối lợi về mình. Óc đấu đá chiếm chỗ của óc tổ chức, lòng hám lợi thay lòng nhân ái. Ngày xưa ông chủ sáng lập ân cần sốt sắng với tất cả mọi người, ngày nay mọi người thù hằn nhau. Những chỉ buộc của ông Mađơlen ngày xưa bây giờ rối mù và đứt tung. Người ta làm gian dối trong sản xuất, làm mất phẩm chất của sản phẩm, do đó không được khách hàng tín nhiệm nữa. Người mua ít đi, đơn đặt hàng giảm sút. Tiền công bớt. Các xưởng hết việc. Rồi phá sản. Không còn phúc lợi gì cho kẻ khó nữa. Tất cả đã tan như mây khói.
[91] Alexandre, vua xứ Maxêđoan, sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Là nhà quân sự thiên tài, ông đã chinh phục một đế quốc rộng lớn bao gồm Hy Lạp, Tây Á, Ba Tư, một phần Ấn Độ. Các tướng lĩnh của ông đánh nhau dữ dội để giành đất đai ngay sau khi ông chết.
Nhà nước cũng nhận thấy có ai bị đè chết ở đâu đây. Không đầy bốn năm sau khi tòa đại hình thẩm định ông Mađơlen và tên tù khổ sai Giăng Vangiăng chỉ là một và tống người ấy vào nhà lao, thì ở quận Môngtơrơi Xuya Me, phí tổn như thuế cũng tăng lên gấp đôi. Ông Đơ Vilen đã nhận xét điều đó trên diễn đàn nghị viên vào hồi tháng 2 năm 1827.
II
NƠI CÓ HAI CÂU THƠ CÓ LẼ LÀ CỦA QUỶ SỨ
Trước khi kể tiếp, cũng nên nhắc lại có chi tiết một chuyện lạ lùng xảy ra ở Môngphécmây cũng dạo ấy; câu chuyện này có lẽ không phải là không ăn khớp với mấy điều phỏng đoán của viện công tố.
Ở vùng Môngphécmây có một điều mê tín từ lâu đời, kỳ thú và quý báu bởi vì một điều mê tín dân gian tồn tại ở gần Pari cũng hiếm có như cây cúc mốc ở Tây-bá-lợi-á. Chúng tôi thuộc hạng người quý trọng tất cả những gì như loại cây hiếm có. Cho nên cái điều mê tín ở Môngphécmây là thế này: người ta cho là từ đời hồng hoang, quỷ sứ đã chọn rừng để giấu của. Những bà cả tin nói quyết rằng nhiều lần người ta bắt gặp lúc hoàng hôn, ở những quãng vắng trong rừng, một người đen đủi, có vẻ là một anh đánh xe tải hay một anh đốt than, đi guốc, mặc quần áo vải, rất dễ nhận diện vì đầu chẳng có mũ nón gì, chỉ có hai cái sừng dài. Đúng là dấu hiệu đó dễ nhận ra thật. Người ấy thường mải đào lỗ. Gặp vậy, có ba lối thoát. Cách thứ nhất là đến hỏi han người ấy. Bấy giờ sẽ nhận thấy đó chỉ là một nông dân, đen đủi vì lúc ấy trời nhá nhem; y không đào lỗ mà chỉ cắt cỏ cho bò; cái tưởng là sừng thì chỉ là một cái chĩa hai để xới phân đeo ở sau lưng; hai cái răng sắt như từ đầu mọc lên vì nhìn trong bóng tối. Thế là khi về nhà, người ta chết nội trong tuần lễ. Cách thứ hai là cứ quan sát, chờ cho nó đào lỗ xong, lấp lại và đi khỏi. Bấy giờ hãy chạy nhanh đến lỗ, bới đất lên và cuỗm ngay cái kho của mà con người đen đủi tất phải chôn. Trường hợp này, người gặp sẽ chết trong tháng. Cách thứ ba là đừng nói năng gì với nó hết, đừng nhìn nó, cứ việc vắt chân lên cổ mà chạy tránh. Như thế thì sẽ chết trong năm.
Vì ba phương pháp đều lưu hại cả nên người ta thường chọn cách thứ hai vì ít ra nó cũng mang đến cho vài cái lợi, đặc biệt là cái lợi có một kho của, dù chỉ có tạm trong vòng một tháng. Vì thế, những người bạo gan chỉ thích thử thời vận, nghe nói họ thường bới cái hố của người đen đủi ra và thử đánh cắp quỷ sứ. Hình như kết quả cũng tầm thường thôi. Ít ra, đó cũng là điều mà truyền thuyết khẳng định. Đặc biệt người ta thấy ý nghĩa đó trong hai câu thơ bí ẩn bằng tiếng Latinh cổ lỗ do một tu sĩ hổ mang kiêm phù thủy xứ Noócmăngđi tên là Tơriphông để lại. Mộ tên Tơriphông ấy ở tu viện Xanh Gioócgiơ Bôsécvin, gần thành Ruăng. Cóc sinh sôi trên mộ ấy.
Người ta hì hục - những hố quỷ chôn của ấy thường sâu lắm - người ta đổ mồ hôi, người ta đào bới, người ta vất vả trọn một đêm - công việc ấy làm vào đêm thôi - người ta làm, ướt cả sơ-mi, hết cả nến, mẻ cả cuốc. Cuối cùng, khi đào đến đáy hố, khi với tới “kho của”, thì người ta tìm thấy gì? “Kho của” quỷ sứ là gì? Một đồng xu, đôi khi một đồng êquy hoặc một hòn đá, một bộ xương người, một xác chết còn chảy máu; có khi đó là một con ma gấp tư như một tờ giấy gấp để trong ví da, cũng có khi không có gì cả. Đó là những cái mà mấy câu thơ của Tơriphông có vẻ báo cho bọn hiếu kỳ tò mò biết.
Nó đào lên và ở dưới hố tối đen, nó giữ những kho tàng
Tiền đồng, tiền bạc, đá, xác chết, tượng và mọi thứ linh tinh.[92]
[92] Nguyên văn: Fodit, et in fossa thesaures condit opaca, As, nummos, lapides, cadaver, simulacra, nibilque.
Ngày nay, hình như cũng có khi người ta tìm thấy hoặc một bọc thuốc súng và đạn, hoặc một cỗ bài cũ vàng ố và nhầy mỡ, chắc chắn là của lũ quỷ dùng để chơi với nhau. Tơriphông không ghi hai vật này, vì lẽ dễ hiểu là Tơriphông sinh sống ở thế kỷ XII và không có vẻ gì là quỷ sứ đã tài tình phát minh ra thuốc súng trước Rôgie Bacon, bài Tây trước Sáclơ VI.
Cần phải nói thêm là ai đem bài đó ra đánh thì thua tất cả gia tài, còn thuốc súng trong bọc đó, nếu đem bắn thì y như rằng nó làm nổ toác súng vào mặt anh.
Ít lâu sau cái ngày viện công tố tưởng rằng tên phạm nhân Giăng Vangiăng trong mấy ngày trốn thoát ra ngoài đã lảng vảng ở quanh Môngphécmây, thì người ta để ý đến, ở ngay làng đó, những hành tung bí mật trong rừng của một người phu lục lộ già tên là Bulatơruyen. Dân chúng có nghe nói tên này trước cũng phải tù, bây giờ vẫn bị cảnh sát theo dõi, nhưng vì hắn không tìm ra việc làm, nên nhà nước phải mượn hắn làm phu lục lộ với đồng lương rẻ mạt để hắn trông nom con đường tắt từ Ganhi sang Lanhi.
Cái lão Bulatơruyen ấy không được người địa phương đánh giá tốt. Lão lễ phép quá, khiêm nhường quá, gặp ai cũng giở mũ, đứng trước cảnh sát thì vừa run sợ vừa cười nhăn nhở. Người ta nói lão có chân trong các đảng trộm cướp và nghi lão thường núp rình xó rừng vào lúc nhá nhem. Điều duy nhất có thể thanh minh cho lão là lão nghiện rượu.
Đây là những điều người ta cho là đã nhận thấy:
Ít lâu nay, Bulatơruyen nghỉ việc hàng ngày rất sớm và vác cuốc đi vào rừng. Người ta gặp lão vào đêm ở những quãng rừng thưa vắng nhất hoặc rậm rạp nhất, dáng bận tìm kiếm một cái gì, một đôi khi đang đào lỗ. Gặp hắn, lúc đầu các bà tưởng là Bendêbuýt, sau khi nhận ra là Bulatơruyen thì cũng chả yên tâm hơn chút nào. Những cuộc gặp gỡ ấy có vẻ làm cho hắn ta rất khó chịu. Rõ ràng là lão muốn trốn con mắt thiên hạ và trong hành động của lão có cái gì bí ẩn đây.
Dân làng kháo nhau: “Rõ ràng là quỷ đã hiện. Bulatơruyen đã trông thấy quỷ cho nên hắn sục sạo. Hiển nhiên là hắn mà ôm được cái kho của Chúa quỷ thì, coi như mệnh hắn đi đứt”. Bọn hoài nghi nói thêm: “Chẳng biết ai lừa ai, Bulatơruyen lừa quỷ hay quỷ lừa Bulatơruyen?” Các bà già thì luôn tay làm dấu thánh giá.
Nhưng rồi Bulatơruyen cũng thôi không vào ra sục sạo trong rừng nữa và lại làm việc đều đặn. Người ta cũng không bàn tán về việc ấy nữa.
Tuy nhiên cũng còn có mấy kẻ tò mò. Họ nghĩ rằng trong chuyện này có lẽ không có những kho của dị thường nói trong truyền thuyết, mà hẳn là một món bở gì thiết thực hơn và đáng giá hơn những giấy bạc của quỷ sứ. Chắc là lão phu chữa đường đã khám phá được một phần điều bí mật đó. Ông hương sư và anh chủ quán Tênácđiê là những người “băn khoăn” nhất, Tênácđiê thân với tất cả mọi người, kể cả Bulatơruyen. Hắn nói:
- Bulatơruyen đã làm khổ sai trên tàu biển ư? Ối dào! Biết ai đã ở đó, biết ai sẽ đến đó!
Một buổi tối, ông hương sư nói rằng giá ngày trước thì tòa án đã điều tra xem Bulatơruyen đi vào làm gì trong rừng ấy và chắc là hắn ta phải khai ra. Nếu cần thì người ta tra khảo và hẳn là Bulatơruyen không chịu nổi ngón đòn tàu lặn.
- Thôi thì ta dùng đòn rượu đi - Tênácđiê nói.
Thế là họ cố chạy vạy để mời rượu lão phu lục lộ già. Bulatơruyen uống rất nhiều mà nói rất ít. Với một nghệ thuật đáng khâm phục, lão điều hòa sự đói khát của một đứa phàm phu với tính kín đáo của một quan tòa, theo một tỉ lệ khoa học. Tuy nhiên, nhờ tấn công ráo riết và đối chiếu, vắt nắn những lời lẽ mập mờ lão buột miệng nói ra, Tênácđiê và ông giáo cũng đoán được những điều sau đây:
Một hôm, sáng tinh mơ, Bulatơruyen đi làm như thường lệ, chợt thấy ở một xó rừng, trong bụi rậm, một cái xẻng và một cái cuốc, hình như có ai giấu ở đấy. Song, hắn nghĩ là có lẽ cái xẻng, cái cuốc ấy là của lão gánh nước thuê Xíchphua, nên cũng chẳng để ý làm gì. Nhưng chiều tối hôm ấy, hắn thấy “một người lạ, không phải là người làng, mà hắn thì hắn biết rõ lắm”: người ấy rẽ từ đường đi sâu vào trong rừng nơi rậm nhất; chắc chắn là người kia không trông thấy hắn, bởi vì có một gốc cây che khuất. Người lạ mặt mang một gói gì vuông vuông hình như là một cái hộp lớn hay một cái hòm nhỏ. Bulatơruyen ngạc nhiên hết sức; mãi bảy, tám phút sau hắn mới nảy ra ý nghĩ theo dõi “kẻ lạ”. Nhưng chậm quá rồi; kẻ lạ đã ở trong rừng sâu mà trời lại sập tối, nên theo không kịp. Thế là hắn đành đứng rình ở bìa rừng. Trăng sáng. Hai ba tiếng đồng hồ sau, Bulatơruyen mới thấy kẻ lạ kia từ rừng sâu đi ra, tay xách một xẻng và một cái cuốc chứ không phải cái hòm nhỏ như lúc nãy. Hắn để mặc người kia đi chứ không dám gọi lại hỏi; hắn nghĩ là người ấy khỏe gấp ba hắn, lại có cuốc trong tay, người kia mà nhận ra được hắn và biết mình đã bị lộ mặt thì thế nào hắn cũng bị đánh chết. Nhưng cái xẻng và cái cuốc đã soi cho hắn một tia ánh sáng; hắn chạy đến chỗ bụi rậm ban sáng thì chẳng thấy cuốc với xẻng đâu cả. Hắn kết luận rằng kẻ lạ vào rừng chỉ là để lấy cuốc đào hố chôn cái hòm và lấy xẻng lấp đi. Cái hòm nhỏ quá, không bỏ vừa một xác chết, vậy chỉ là hòm đựng tiền. Thế là hắn ra công dò tìm. Bulatơruyen sục sạo, thăm dò, chui rúc khắp cả khu rừng, chỗ nào đất có vẻ mới đào lên là hắn xục tới. Nhưng không ăn thua gì.
Hắn chẳng “kiếm” được gì hết. Ở Môngphécmây, không ai nghĩ đến cái chuyện ấy nữa. Chỉ có vài mụ lắm mồm miệng có gan nói: “Hãy cứ tin rằng cái lão phu lục lộ Ganhi ấy chẳng dại hành thân hoại thể như vậy để mà chơi. Chắc chắn là có quỷ sứ hiện”.
I
SỐ 24.601 TRỞ THÀNH SỐ 9.430
Giăng Vangiăng đã lại bị bắt.
Bạn đọc sẽ lấy làm hài lòng khi thấy chúng tôi lướt qua các chi tiết đau thương. Chúng tôi chỉ xin chép ra đây hai mẩu thời sự đăng trên các báo ngày ấy, mấy tháng sau khi xảy ra những việc lạ lùng ở Môngtơrơi Xuya Me.
Những bài báo ấy hơi sơ lược. Chúng ta nhớ rằng thời ấy chưa có Tư pháp nhật báo.
Chúng tôi lấy bài thứ nhất ở tờ Lá cờ trắng, số ra ngày 25 tháng 7 năm 1823.
“Ở một quận thuộc tỉnh Pa-đơ-Cale vừa xảy ra một việc lạ thường. Một người không phải nguyên quán ở đấy tên là ông Mađơlen, mấy năm nay nhờ những phương pháp mới đã chấn hưng một nền công nghiệp vốn có sẵn ở địa phương, là nghề làm đồ huyền và đồ thủy tinh đen. Nhờ thế hắn đã làm giàu và phải nói cũng làm giàu cho cả quận. Để tưởng lệ công lao, người ta đã cử hắn làm thị trưởng. Gần đây sở cảnh sát phát hiện cái ông Mađơlen ấy chính là một tên tù khổ sai trốn quản thúc, tên là Giăng Vangiăng hiện đã bị tống lao lại. Hình như trước khi bị bắt, hắn đã kịp đến ngân hàng Laphit rút ra số tiền hơn năm mươi vạn gửi tại đó; nói cho đúng thì số tiền ấy hắn kiếm được rất chính đáng trong kinh doanh, người ta bảo thế. Không ai biết khi bị bắt giam lại vào ngục Tulông, Giăng Vangiăng đã giấu số tiền ấy ở đâu”.
Bài báo thứ hai, nhiều chi tiết hơn một chút, trích ở tờ Pari nhật báo, cũng ngày ấy:
“Một tên tội phạm đã được phóng thích tên là Giăng Vangiăng vừa mới phải ra trước tòa đại hình hạt Va trong những trường hợp khá ly kỳ. Tên đại bợm này đã lừa bịp được cả con mắt tinh tế của sở cảnh sát; hắn đổi tên và tìm cách xoay được chân thị trưởng ở một thành phố nhỏ miền Bắc. Hắn lại đặt được một cơ sở kinh doanh khá lớn ở thành phố ấy. Nhưng cuối cùng, nhờ sự mẫn cán không mệt mỏi của công tố viên, hắn đã bị lột mặt nạ và bị bắt. Hắn có một con vợ không cưới xin, nguyên là một gái giang hồ; lúc chồng bị bắt thì con vợ sợ quá mà chết! Tên khốn kiếp ấy, khỏe như vâm, đã tìm cách trốn thoát nhà giam nhưng chỉ ba, bốn hôm sau, cảnh sát lại bắt được hắn, ở ngay Pari, giữa lúc nó sắp sửa đáp một chiếc xe nhỏ chạy con đường từ thủ đô đến làng Môngphécmây (tỉnh Xen-ê-Oađơ). Người ta đồn rằng hắn lợi dụng ba, bốn ngày được tự do ấy để rút một số tiền to gửi ở một nhà ngân hàng lớn tại thủ đô. Số tiền ấy ước có đến sáu, bảy mươi vạn phơrăng. Theo bản cáo trạng thì hắn đã chôn số tiền ấy ở một nơi chỉ mình hắn biết, vì thế, chưa lọt vào tay cảnh sát. Dù sao, tên Giăng Vangiăng cũng vừa bị truy tố trước tòa đại hình hạt Va; hắn bị khép vào tội cướp đường có vũ khí, xảy ra khoảng tám năm về trước; nạn nhân là một đứa trẻ lương thiện trong đám thiếu niên đã được “Lão trượng Phécnê”[90] diễn tả trong bài thơ bất hủ:
[90] Mệnh danh của nhà văn và nhà triết học tiến bộ Pháp Vônte thế kỷ XVIII, Phécnê một thị trấn ở sát Thụy Sĩ, nơi Vônte cư trú 20 năm lúc về già.
Các em từ đất Xavoa
Hàng năm trở lại, đi qua vùng này
Các em đưa nhẹ bàn tay
Chùi lau ống khói bám đầy muội đen.
Tên tướng cướp ấy đành cam không chối cãi. Viện công tố đã khôn khéo và hùng hồn chứng tỏ rằng Giăng Vangiăng ăn cướp có tùng đảng và hắn có chân trong một ổ trộm cướp ở miền Nam. Do đó, tòa tuyên bố Giăng Vangiăng là tội phạm và khép án tử hình. Tên tội phạm ấy không xin chống án lên tòa phá án. Hoàng thượng đã lấy lượng khoan hồng như trời bể mà ban đặc ân cho được đổi thành án khổ sai chung thân. Lập tức Giăng Vangiăng bị giải ra nhà lao Tulông”.
Người ta không quên rằng khi ở Môngtơrơi Xuya Me, Giăng Vangiăng đã tỏ ra mộ đạo. Cho nên một vài tờ báo, trong đó có tờ Lập hiến trình bày việc chuyển giảm tội hình này như một thắng lợi của phái công giáo.
Vào nhà lao, Giăng Vangiăng đổi số hiệu. Bây giờ tên hắn là 9.430.
Cũng nên nói ngay điều này để khỏi phải trở lại: Mất ông Mađơlen, thị trấn Môngtơrơi Xuya Me cũng mất cảnh phồn vinh. Tất cả những điều ông ta dự đoán trong đêm thao thức và lên cơn sốt đã xảy đến. Mất ông, thị trấn đã mất cái linh hồn. Ông sụp đổ thì ở thị trấn cũng xảy ra việc chia của ích kỷ, việc xâu xé thầm lặng những phồn vinh sau khi các cuộc đời lớn sụp đổ. Đó là điều tất nhiên trong cộng đồng nhân loại, tuy lịch sử chỉ nói đến có một lần vì nó diễn ra sau khi Alêcxăng chết.[91]Tướng lĩnh xưng vương sau khi hoàng đế băng hà, đốc công cũng tự tôn làm nhà sản xuất sau khi ông chủ qua đời. Sự cạnh tranh đố kỵ diễn ra. Các xưởng thợ rộng lớn đóng cửa, các tòa nhà đổ nát. Thợ thuyền phân tán, người bỏ xứ, kẻ bỏ nghề. Từ đấy chỉ có sản xuất nhỏ, không còn nền công nghiệp quy mô ngày trước. Người ta sản xuất vụ lợi chứ không vì lợi ích công cộng. Không có trung tâm, đâu đâu cũng chỉ có cạnh tranh, cạnh tranh khốc liệt. Ngày xưa ông Mađơlen ở trên tất và điều khiển tất. Ông đổ xuống, mỗi người đều cố kéo mối lợi về mình. Óc đấu đá chiếm chỗ của óc tổ chức, lòng hám lợi thay lòng nhân ái. Ngày xưa ông chủ sáng lập ân cần sốt sắng với tất cả mọi người, ngày nay mọi người thù hằn nhau. Những chỉ buộc của ông Mađơlen ngày xưa bây giờ rối mù và đứt tung. Người ta làm gian dối trong sản xuất, làm mất phẩm chất của sản phẩm, do đó không được khách hàng tín nhiệm nữa. Người mua ít đi, đơn đặt hàng giảm sút. Tiền công bớt. Các xưởng hết việc. Rồi phá sản. Không còn phúc lợi gì cho kẻ khó nữa. Tất cả đã tan như mây khói.
[91] Alexandre, vua xứ Maxêđoan, sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Là nhà quân sự thiên tài, ông đã chinh phục một đế quốc rộng lớn bao gồm Hy Lạp, Tây Á, Ba Tư, một phần Ấn Độ. Các tướng lĩnh của ông đánh nhau dữ dội để giành đất đai ngay sau khi ông chết.
Nhà nước cũng nhận thấy có ai bị đè chết ở đâu đây. Không đầy bốn năm sau khi tòa đại hình thẩm định ông Mađơlen và tên tù khổ sai Giăng Vangiăng chỉ là một và tống người ấy vào nhà lao, thì ở quận Môngtơrơi Xuya Me, phí tổn như thuế cũng tăng lên gấp đôi. Ông Đơ Vilen đã nhận xét điều đó trên diễn đàn nghị viên vào hồi tháng 2 năm 1827.
II
NƠI CÓ HAI CÂU THƠ CÓ LẼ LÀ CỦA QUỶ SỨ
Trước khi kể tiếp, cũng nên nhắc lại có chi tiết một chuyện lạ lùng xảy ra ở Môngphécmây cũng dạo ấy; câu chuyện này có lẽ không phải là không ăn khớp với mấy điều phỏng đoán của viện công tố.
Ở vùng Môngphécmây có một điều mê tín từ lâu đời, kỳ thú và quý báu bởi vì một điều mê tín dân gian tồn tại ở gần Pari cũng hiếm có như cây cúc mốc ở Tây-bá-lợi-á. Chúng tôi thuộc hạng người quý trọng tất cả những gì như loại cây hiếm có. Cho nên cái điều mê tín ở Môngphécmây là thế này: người ta cho là từ đời hồng hoang, quỷ sứ đã chọn rừng để giấu của. Những bà cả tin nói quyết rằng nhiều lần người ta bắt gặp lúc hoàng hôn, ở những quãng vắng trong rừng, một người đen đủi, có vẻ là một anh đánh xe tải hay một anh đốt than, đi guốc, mặc quần áo vải, rất dễ nhận diện vì đầu chẳng có mũ nón gì, chỉ có hai cái sừng dài. Đúng là dấu hiệu đó dễ nhận ra thật. Người ấy thường mải đào lỗ. Gặp vậy, có ba lối thoát. Cách thứ nhất là đến hỏi han người ấy. Bấy giờ sẽ nhận thấy đó chỉ là một nông dân, đen đủi vì lúc ấy trời nhá nhem; y không đào lỗ mà chỉ cắt cỏ cho bò; cái tưởng là sừng thì chỉ là một cái chĩa hai để xới phân đeo ở sau lưng; hai cái răng sắt như từ đầu mọc lên vì nhìn trong bóng tối. Thế là khi về nhà, người ta chết nội trong tuần lễ. Cách thứ hai là cứ quan sát, chờ cho nó đào lỗ xong, lấp lại và đi khỏi. Bấy giờ hãy chạy nhanh đến lỗ, bới đất lên và cuỗm ngay cái kho của mà con người đen đủi tất phải chôn. Trường hợp này, người gặp sẽ chết trong tháng. Cách thứ ba là đừng nói năng gì với nó hết, đừng nhìn nó, cứ việc vắt chân lên cổ mà chạy tránh. Như thế thì sẽ chết trong năm.
Vì ba phương pháp đều lưu hại cả nên người ta thường chọn cách thứ hai vì ít ra nó cũng mang đến cho vài cái lợi, đặc biệt là cái lợi có một kho của, dù chỉ có tạm trong vòng một tháng. Vì thế, những người bạo gan chỉ thích thử thời vận, nghe nói họ thường bới cái hố của người đen đủi ra và thử đánh cắp quỷ sứ. Hình như kết quả cũng tầm thường thôi. Ít ra, đó cũng là điều mà truyền thuyết khẳng định. Đặc biệt người ta thấy ý nghĩa đó trong hai câu thơ bí ẩn bằng tiếng Latinh cổ lỗ do một tu sĩ hổ mang kiêm phù thủy xứ Noócmăngđi tên là Tơriphông để lại. Mộ tên Tơriphông ấy ở tu viện Xanh Gioócgiơ Bôsécvin, gần thành Ruăng. Cóc sinh sôi trên mộ ấy.
Người ta hì hục - những hố quỷ chôn của ấy thường sâu lắm - người ta đổ mồ hôi, người ta đào bới, người ta vất vả trọn một đêm - công việc ấy làm vào đêm thôi - người ta làm, ướt cả sơ-mi, hết cả nến, mẻ cả cuốc. Cuối cùng, khi đào đến đáy hố, khi với tới “kho của”, thì người ta tìm thấy gì? “Kho của” quỷ sứ là gì? Một đồng xu, đôi khi một đồng êquy hoặc một hòn đá, một bộ xương người, một xác chết còn chảy máu; có khi đó là một con ma gấp tư như một tờ giấy gấp để trong ví da, cũng có khi không có gì cả. Đó là những cái mà mấy câu thơ của Tơriphông có vẻ báo cho bọn hiếu kỳ tò mò biết.
Nó đào lên và ở dưới hố tối đen, nó giữ những kho tàng
Tiền đồng, tiền bạc, đá, xác chết, tượng và mọi thứ linh tinh.[92]
[92] Nguyên văn: Fodit, et in fossa thesaures condit opaca, As, nummos, lapides, cadaver, simulacra, nibilque.
Ngày nay, hình như cũng có khi người ta tìm thấy hoặc một bọc thuốc súng và đạn, hoặc một cỗ bài cũ vàng ố và nhầy mỡ, chắc chắn là của lũ quỷ dùng để chơi với nhau. Tơriphông không ghi hai vật này, vì lẽ dễ hiểu là Tơriphông sinh sống ở thế kỷ XII và không có vẻ gì là quỷ sứ đã tài tình phát minh ra thuốc súng trước Rôgie Bacon, bài Tây trước Sáclơ VI.
Cần phải nói thêm là ai đem bài đó ra đánh thì thua tất cả gia tài, còn thuốc súng trong bọc đó, nếu đem bắn thì y như rằng nó làm nổ toác súng vào mặt anh.
Ít lâu sau cái ngày viện công tố tưởng rằng tên phạm nhân Giăng Vangiăng trong mấy ngày trốn thoát ra ngoài đã lảng vảng ở quanh Môngphécmây, thì người ta để ý đến, ở ngay làng đó, những hành tung bí mật trong rừng của một người phu lục lộ già tên là Bulatơruyen. Dân chúng có nghe nói tên này trước cũng phải tù, bây giờ vẫn bị cảnh sát theo dõi, nhưng vì hắn không tìm ra việc làm, nên nhà nước phải mượn hắn làm phu lục lộ với đồng lương rẻ mạt để hắn trông nom con đường tắt từ Ganhi sang Lanhi.
Cái lão Bulatơruyen ấy không được người địa phương đánh giá tốt. Lão lễ phép quá, khiêm nhường quá, gặp ai cũng giở mũ, đứng trước cảnh sát thì vừa run sợ vừa cười nhăn nhở. Người ta nói lão có chân trong các đảng trộm cướp và nghi lão thường núp rình xó rừng vào lúc nhá nhem. Điều duy nhất có thể thanh minh cho lão là lão nghiện rượu.
Đây là những điều người ta cho là đã nhận thấy:
Ít lâu nay, Bulatơruyen nghỉ việc hàng ngày rất sớm và vác cuốc đi vào rừng. Người ta gặp lão vào đêm ở những quãng rừng thưa vắng nhất hoặc rậm rạp nhất, dáng bận tìm kiếm một cái gì, một đôi khi đang đào lỗ. Gặp hắn, lúc đầu các bà tưởng là Bendêbuýt, sau khi nhận ra là Bulatơruyen thì cũng chả yên tâm hơn chút nào. Những cuộc gặp gỡ ấy có vẻ làm cho hắn ta rất khó chịu. Rõ ràng là lão muốn trốn con mắt thiên hạ và trong hành động của lão có cái gì bí ẩn đây.
Dân làng kháo nhau: “Rõ ràng là quỷ đã hiện. Bulatơruyen đã trông thấy quỷ cho nên hắn sục sạo. Hiển nhiên là hắn mà ôm được cái kho của Chúa quỷ thì, coi như mệnh hắn đi đứt”. Bọn hoài nghi nói thêm: “Chẳng biết ai lừa ai, Bulatơruyen lừa quỷ hay quỷ lừa Bulatơruyen?” Các bà già thì luôn tay làm dấu thánh giá.
Nhưng rồi Bulatơruyen cũng thôi không vào ra sục sạo trong rừng nữa và lại làm việc đều đặn. Người ta cũng không bàn tán về việc ấy nữa.
Tuy nhiên cũng còn có mấy kẻ tò mò. Họ nghĩ rằng trong chuyện này có lẽ không có những kho của dị thường nói trong truyền thuyết, mà hẳn là một món bở gì thiết thực hơn và đáng giá hơn những giấy bạc của quỷ sứ. Chắc là lão phu chữa đường đã khám phá được một phần điều bí mật đó. Ông hương sư và anh chủ quán Tênácđiê là những người “băn khoăn” nhất, Tênácđiê thân với tất cả mọi người, kể cả Bulatơruyen. Hắn nói:
- Bulatơruyen đã làm khổ sai trên tàu biển ư? Ối dào! Biết ai đã ở đó, biết ai sẽ đến đó!
Một buổi tối, ông hương sư nói rằng giá ngày trước thì tòa án đã điều tra xem Bulatơruyen đi vào làm gì trong rừng ấy và chắc là hắn ta phải khai ra. Nếu cần thì người ta tra khảo và hẳn là Bulatơruyen không chịu nổi ngón đòn tàu lặn.
- Thôi thì ta dùng đòn rượu đi - Tênácđiê nói.
Thế là họ cố chạy vạy để mời rượu lão phu lục lộ già. Bulatơruyen uống rất nhiều mà nói rất ít. Với một nghệ thuật đáng khâm phục, lão điều hòa sự đói khát của một đứa phàm phu với tính kín đáo của một quan tòa, theo một tỉ lệ khoa học. Tuy nhiên, nhờ tấn công ráo riết và đối chiếu, vắt nắn những lời lẽ mập mờ lão buột miệng nói ra, Tênácđiê và ông giáo cũng đoán được những điều sau đây:
Một hôm, sáng tinh mơ, Bulatơruyen đi làm như thường lệ, chợt thấy ở một xó rừng, trong bụi rậm, một cái xẻng và một cái cuốc, hình như có ai giấu ở đấy. Song, hắn nghĩ là có lẽ cái xẻng, cái cuốc ấy là của lão gánh nước thuê Xíchphua, nên cũng chẳng để ý làm gì. Nhưng chiều tối hôm ấy, hắn thấy “một người lạ, không phải là người làng, mà hắn thì hắn biết rõ lắm”: người ấy rẽ từ đường đi sâu vào trong rừng nơi rậm nhất; chắc chắn là người kia không trông thấy hắn, bởi vì có một gốc cây che khuất. Người lạ mặt mang một gói gì vuông vuông hình như là một cái hộp lớn hay một cái hòm nhỏ. Bulatơruyen ngạc nhiên hết sức; mãi bảy, tám phút sau hắn mới nảy ra ý nghĩ theo dõi “kẻ lạ”. Nhưng chậm quá rồi; kẻ lạ đã ở trong rừng sâu mà trời lại sập tối, nên theo không kịp. Thế là hắn đành đứng rình ở bìa rừng. Trăng sáng. Hai ba tiếng đồng hồ sau, Bulatơruyen mới thấy kẻ lạ kia từ rừng sâu đi ra, tay xách một xẻng và một cái cuốc chứ không phải cái hòm nhỏ như lúc nãy. Hắn để mặc người kia đi chứ không dám gọi lại hỏi; hắn nghĩ là người ấy khỏe gấp ba hắn, lại có cuốc trong tay, người kia mà nhận ra được hắn và biết mình đã bị lộ mặt thì thế nào hắn cũng bị đánh chết. Nhưng cái xẻng và cái cuốc đã soi cho hắn một tia ánh sáng; hắn chạy đến chỗ bụi rậm ban sáng thì chẳng thấy cuốc với xẻng đâu cả. Hắn kết luận rằng kẻ lạ vào rừng chỉ là để lấy cuốc đào hố chôn cái hòm và lấy xẻng lấp đi. Cái hòm nhỏ quá, không bỏ vừa một xác chết, vậy chỉ là hòm đựng tiền. Thế là hắn ra công dò tìm. Bulatơruyen sục sạo, thăm dò, chui rúc khắp cả khu rừng, chỗ nào đất có vẻ mới đào lên là hắn xục tới. Nhưng không ăn thua gì.
Hắn chẳng “kiếm” được gì hết. Ở Môngphécmây, không ai nghĩ đến cái chuyện ấy nữa. Chỉ có vài mụ lắm mồm miệng có gan nói: “Hãy cứ tin rằng cái lão phu lục lộ Ganhi ấy chẳng dại hành thân hoại thể như vậy để mà chơi. Chắc chắn là có quỷ sứ hiện”.