• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (2 Viewers)

  • Chương 42

XVIII
QUÂN QUYỀN THẦN THÁNH LẠI ĐƯỢC ĐỀ CAO
Độc tài chấm dứt. Cả một hệ thống châu Âu sụp đổ.
Đế chế tan tành, thiên hạ rơi vào một thời kỳ tăm tối như hồi đế quốc La Mã suy tàn. Cuộc đời lại đầy hang sâu vực thẳm như thời các bộ lạc dã man. Có điều, cái dã man của năm 1815, mà phải gọi bằng tên cúng cơm của nó là phản cách mạng, vì ít hơi sức, nên mau thở dốc và chẳng làm gì được nữa. Phải nói thật là đế chế chết đi có nhiều người thương tiếc và toàn là những người anh dũng. Nó đã đi từ một lưỡi gươm đến ngai vàng và nếu như thế là vinh quang thì đế chế đích là vinh quang đấy. Nó đã gieo rắc trên đời tất cả ánh sáng mà một chế độ bạo tàn có thể ban phát ra. Đành rằng là thứ ánh sáng âm u, có thể nói thêm, là sáng nhưng mà tối. So với ban ngày rực rỡ, nó là đêm tối, nhưng cái đêm tối ấy mất đi thì cũng như đêm trăng bỗng dưng có nguyệt thực.
Louis XVIII trở lại Pari. Bao nhiêu nhiệt tình phấn khởi ngày 20 tháng 3 bị những cuộc nhảy múa trên vỉa hè xóa sạch. Trong ngôn ngữ, anh Coócxơ bị đem ra đối lập với chàng Bêacne.[84]Ngọn cờ trên vòm mái điện Tuylơri bây giờ màu trắng. Những kẻ trốn ra nước ngoài hồi Cách mạng nay trở về trị vì. Cái bàn gỗ bách của Hacoen đặt trước chiếc ghế trổ hoa huệ của Lui XIV. Câu chuyện Buvin, Phôngtơsoa[85] thuở nào mà cứ nói như mới xảy ra hôm qua, còn Auxtéclít thì đã thành cũ rích. Ngôi vua và nhà thờ bắt tay nhau một cách oai vệ. Một trong những hình thức tổ chức xã hội được công nhận ở thế kỷ mười chín được thiết lập ở Pháp và nhiều nước khác trên lục địa. Cả châu Âu dùng phù hiệu màu trắng. Tơrétxtaiông đâm nổi tiếng. Khẩu hiệu “Đệ nhất thiên hạ”[86] lại xuất hiện trên bức chạm đá khắc hình mặt trời tỏa sáng, đặt trước cửa doanh trại ở bờ Oócxê. Chỗ trước kia quân cận vệ đóng thì bây giờ là một đồn cảnh sát. Đài chiến thắng Caruxen, có lẽ mang nhiều chiến công quá mà sinh ra lạc lõng giữa bao nhiêu thứ mới mẻ. Hình như nó cũng hơi xấu hổ với cái vũ công Marănggô và Accôn, nên đã xoay xở với cái tượng của quận công Ănggulêm. Nghĩa địa Mađolen là cái hố chung ghê gớm hồi 93, bây giờ đều xây đá hoa, đá vân cả vì đây vốn có hài cốt của Lui XVI và Mari Ăngtoanét. Ở Vanhxen, một cái tháp được xây lên trên mồ quận công Ăngganh, nhắc lại rằng quận công bị giết ngay trong tháng Napôlêông làm lễ đăng quang. Giáo hoàng Pi VII đã cử hành lễ đăng quang gần với ngày công tước Ăngganh chết, thì bây giờ lặng lẽ cầu phúc về sự sụp đổ cũng như trước kia ông đã ban phúc cho bước đi lên. Ở Sônbơrơn có một em nhỏ bốn tuổi, mong manh như một cái bóng, ai gọi em là vua La Mã thì cũng như là phiến loạn. Ấy, cuộc đời cứ như thế, tất cả các vị vua chúa các nơi đều trở lại ngôi cũ, còn người làm bá chủ châu Âu thì nay đã ở trong tù. Chế độ cũ bây giờ trở thành chế độ mới, trên khắp mặt đất chỗ tối đã thành sáng và chỗ sáng đã thành tối. Tất cả đều chỉ vì, một buổi chiều mùa hè nọ, một chú chăn cừu đã nói ở trong rừng với một người Phổ: đi lối này chứ đừng đi lối kia!
[84] Napôlêông là người đảo Coócxơ; tổ tiên của Lui XVIII là người Bêacne.
[85] Những trận chiến thắng lớn thời quân chủ, trước chiến công Auxtéclít của Bônapác nhiều.
[86] Nguyên văn Latinh non pluribus impar.
Cái năm 1815 ấy quả như một đầu xuân ảm đạm. Những thực tế dơ bẩn, độc địa của một chế độ già nua bỗng khoác lên mình một chiếc áo mới. Lừa dối khoác áo cách mạng 1879. Quân quyền thiêng liêng đeo một cái mặt nạ là bản hiến chương. Những cái bịa đặt cũng vỗ ngực ta đây là hợp hiến. Bao nhiêu thành kiến, mê tín, mưu toan đều tâm tâm niệm niệm cái khoản 14 và phủ lên mình lớp sơn của chủ nghĩa tự do. Thật chẳng khác gì khác loài rắn thay da.
Napôlêông đã làm cho con người lớn lên nhưng đồng thời cũng bé nhỏ lại. Lý tưởng, ở vào cái thời vật chất huy hoàng làm chúa tể ấy, được tặng cái tên lạ lùng là hệ ý thức. Con người anh hùng đó đã dại dột chế nhạo tương lai. Nhưng nhân dân khắp nơi, dù có phải làm bia đỡ đạn, cũng cứ say mê con người cầm súng ấy và thâm tâm hằng mong đợi. Ông ấy đang ở đâu? Đang làm gì? Một người qua đường nói với một thương binh đã từng tham gia các trận Marănggô và Oatéclô: “Napôlêông chết rồi”. Người lính ấy liền cãi lại: “Người mà chết à! Anh biết Người rồi chứ!” Trong trí tưởng tượng của quần chúng, con người bị quật đổ ấy đã trở thành bất tử. Sau Oatéclô cảnh trời châu Âu như tối sầm lại. Napôlêông biến đi, để lại rất lâu một khoảng trống mênh mông.
Bọn vua chúa nhảy vào chỗ trống ấy. Các chế độ già cỗi của bọn châu Âu lợi dụng cơ hội vực nhau đứng dậy. Một liên minh thần thánh được hình thành. “Liên minh hẩu” thì đúng hơn. Cánh đồng Oatéclô tai ác đã báo trước điều đó bằng cái tên một quả đồi của mình.[87]
[87] Đồi Ben La Liăng, tên Pháp có nghĩa là “Liên minh hẩu”.
Châu Âu cổ đang hồi phục. Đứng trước tình hình đó, một nước Pháp mới được phác ra trên những nét lớn. Tương lai mà trước kia Napôlêông hay chế giễu, bắt đầu xuất hiện trên trán đeo một ngôi sao, sao Tự do. Các thế hệ trẻ đều nhiệt liệt hướng về ngôi sao ấy. Điều lạ là họ vừa mê tương lai, là Tự do, lại vừa tiếc cái quá khứ, là Napôlêông. Cuộc bại trận ai ngờ đã làm kẻ thua trận lớn lên. Bônapác ngã xuống lại có vẻ cao hơn Napôlêông đang đứng. Do đó những chiến thắng sinh lo ngay ngáy. Nước Anh cắt Hơtxơn Lô coi giữ, nước Pháp cho Môngsơnuy rình mò. Con người khoanh hai chúa. Alêcdăng coi ông ta là mối lo mất ngủ của mình. Thật ra tất cả sự hãi hùng kia sở dĩ có là do ông đã chất chứa trong mình một khối lượng cách mạng quá lớn. Điều đó cũng cắt nghĩa cái chủ nghĩa tự do Bônapác, vừa cắt nghĩa mà cũng vừa tha thứ. Cái bóng ma ấy vì thế cứ làm cho cả thế giới cũ run sợ. Còn cái mỏm đá Xanh Hêlen thấp thoáng ở chân trời thì vua chúa đều như nhấp nhỏm ngồi không yên trên các ngai vàng.
Napôlêông mòn mỏi dần ở Lôngut thì sáu vạn người ngã xuống ở chiến trường Oatéclô cũng yên lặng mà trở thành tro bụi. Chút ít yên tĩnh của họ đã lan tỏa vào cuộc đời. Hội nghị Viên tiếp thu cái yên tĩnh ấy làm thành cái hiệp định năm 1815. Cả châu Âu gọi đó là Phục hưng.
Đấy Oatéclô là như thế đấy.
Nhưng cái đó có nghĩa lý gì đối với vô biên vô tận? Đứng trước mênh mông một con bọ nhảy từ lá cỏ này sang lá cỏ kia, có khác gì con chim phượng hoàng bay từ tháp chuông này qua tháp chuông nọ cho đến các tháp cao của nhà thờ Đức Bà. Cho nên tất cả cá thứ bão tố, mây mù, chiến tranh, hòa bình, bóng tối kia cũng chẳng làm mờ nổi một phút ánh mắt của vô biên!
XIX
CHIẾN TRƯỜNG BAN ĐÊM
Cuốn sách này cần nên chúng ta hãy trở lại bãi chiến trường này một tí.
Đêm 18 tháng 6 năm 1815, trăng tròn vành vạnh. Trăng soi đường cho đoàn quân của Bơ-luyse truy kích và chém giết tàn bạo, trăng soi tỏ dấu vết người trốn chạy, trăng như nộp đám tàn quân ấy cho đoàn kỵ binh say máu kia và giúp một tay vào cuộc thảm sát. Ban đêm thường có những lúc tỏ ra đồng tình với tai họa một cách kinh khủng như vậy đó.
Phát đại bác cuối cùng im rồi, cánh đồng Mông Xanh Giăng lại mênh mông lặng ngắt.
Thói thường, đã thắng thì phải có gì tỏ là mình thắng, cho nên quân Anh chiếm lấy trại của quân Pháp, để ngủ ngay trên giường kẻ bại trận. Họ đi qua Rốtxôm một tí và đóng dã ngoại tại ấy. Quân Phổ bận đuổi theo tàn quân Pháp, còn đang tiến về phía trước. Oenlinhtơn bèn vào làng Oatéclô để viết báo cáo gửi về cho huân tước Bathơt.
Nếu câu “cú kêu ma ăn” mà dùng được thì áp dụng vào trường hợp làng Oatéclô này thật đúng quá. Làng Oatéclô chẳng có liên quan gì, còn cách chỗ đánh nhau đến nửa dặm. Mông Xanh Giăng bị pháo dập, Hugômông, Papơlốt, Pơlăngxơnoa đều bị đốt cháy, He Xanh thì xung phong mới chiếm được, còn Ben Laliăng thì mục kích hai đội quân chiến thắng ôm chầm lấy nhau. Thế mà các tên này người ta chỉ mang máng, còn Oatéclô chẳng có vai trò gì trong trận đánh này lại chiếm tất cả vinh dự.
Chúng tôi chẳng phải là người nói tốt cho chiến tranh. Có dịp, chúng tôi cũng nói lên những sự thật. Chiến tranh có những vẻ đẹp quá ư đau xót, điều đó chúng tôi không hề giấu; nhưng cũng xin công nhận là nó cũng có điều ghê tởm. Một điều lạ lùng nhất là chiến thắng xong thì quần áo đồ đạc trên người chết cũng bị lột xong và thông thường thì hôm sau mặt trời mọc lên trên những xác chết đã trần truồng như nhộng.
Ai làm cái trò đó? Kẻ nào đã trát dơ lên chiến thắng như vậy? Bàn tay bẩn thỉu nào đã lần vào túi người ta lanh lẹ vậy? Quân trộm cắp nào đã dám chơi cái mẻ ấp ngay sấp lưng chiến thắng? Một đôi triết gia, trong đó có Vônte khẳng định đó chính là những kẻ thắng trận. Họ nói rằng chính những kẻ còn đứng cướp người đã làm chứ còn ai vào đó, vì có ai đến thay họ đâu. Ban ngày họ là chiến sĩ anh hùng nhưng ban đêm họ là con yêu hút máu. Xét cho cùng, đã giết được người thì kể cũng có quyền tước lấy một ít đồ đạc chứ! Nhưng riêng phần chúng tôi, chúng tôi không nghĩ như thế. Ai lại cũng con người ấy mà khi dũng cảm xông lên thì hái hoa chiến thắng, khi lại đi lột giày móc túi những xác chết. Không thể được. Điều chắc chắn là đi theo sau đội quân chiến thắng thường là những kẻ trộm cướp. Nhưng ở đây cũng nên trừ người quân nhân, nhất là người quân nhân hiện đại ra, vì họ không liên quan gì.
Mỗi đạo quân đều kéo theo một cái đuôi, chính đó là chỗ đáng buộc tội. Thôi thì đủ loại: những quân ăn sương, nửa bồi hầu nửa trộm cướp, đủ loại dơi loại vạc ăn nhờ vào bóng tối của chiến tranh, những tên mặc quân phục mà chẳng đánh đấm gì, những tên giả ốm, giả đau, những tên đi thì chậm mà cướp giật thì nhanh, những tên bán căng-tin lậu chuyên ăn cắp rồi đem bán lại có khi cả vợ đi theo, lích kích trong những xe bò nho nhỏ, những kẻ hành khất tình nguyện dẫn đường cho các sĩ quan, những tên lưu manh, trộm cắp. Chúng tôi không nói đến quân đội thời nay; ngày xưa một đạo quân đi đường kéo theo tất cả các loại người ấy, đến nỗi trong thuật ngữ phải có cái tên riêng cho nó là “đoàn quân lếch thếch”. Chúng đi như vậy, nhưng chẳng đạo quân nào, chẳng nước nào chịu trách nhiệm về chúng cả. Có khi chúng nói tiếng Ý nhưng đi theo quân Đức, có khi chúng nói tiếng Pháp nhưng lại đi theo quân Anh. Chính hầu tước Đơ Phécvacơ đã bị một tên khốn nạn như thế, đi theo quân Tây Ban Nha, lừa phỉnh bằng mấy tiếng Pháp trời ơi, nên nhận nó là người bên ta, để bị nó giết chết và cướp ngay trên chiến trường, trong đêm tiếp liền chiến thắng Xơriđôn.
Trộm cắp đẻ ra bọn chuyên trộm cắp. Ai đã đặt ra câu tục ngữ đáng ghét: Bên địch phục kích bên ta? Chính câu ấy đã đẻ ra cái dịch trộm cắp mà chỉ có một kỷ luật thật vững mới có thể ngăn chặn nổi. Có những danh vọng không xứng đáng. Người ta không hiểu vì sao một số tướng lĩnh được lòng người đến thế. Thật ra họ cũng có tài, nhưng đó là chuyện khác. Tuyren chẳng hạn,[88] Tuyển được binh sĩ yêu mến vì ông ta cho phép họ tha hồ cướp bóc. Cho phép làm điều xằng bậy cũng là tốt bụng. Cho nên ông ta tốt đến nỗi cho quân lính của mình làm cỏ cả xứ Palatina. Nói cho đúng thì đi theo đạo quân có ít hay nhiều kẻ cắp là tùy người chỉ huy nghiêm hay không nghiêm. Đối với hai tướng quân Hôtsơ và Mácxô[89] thì không có “quân lếch thếch” nào đi theo cả. Còn Oenlinhtơn nói cho công bằng cũng không có bao nhiêu.
[88] Turene: danh tướng triều Lui XIV.
[89] Hoche, Marceau hai danh tướng thời Cách mạng Pháp, nổi tiếng về tài chỉ huy, ý chí cách mạng, tính liêm chính và lòng công minh; đều xuất thân bình dân và bắt đầu cuộc đời lính với cách mạng 1789.
Tuy vậy, đêm 18 rạng 19 tháng 6, người ta cứ cướp bóc đồ đạc của người chết. Oenlinhtơn thật ra rất cứng rắn. Ông đã ra lệnh kẻ bị bắt quả tang sẽ bị đem ra xử bắn. Nhưng thói trộm cướp vẫn lì lợm. Đằng kia có xử bắn cũng mặc kệ, ở đây cứ cuỗm cái đã.
Đêm ấy, mặt trăng trên cánh đồng trông thật ghê rợn. Khoảng giữa đêm, một người đàn ông lần mò, hay nói cho đúng bò về phía con đường trũng Ohanh. Chắc hẳn là một loại người như đã mô tả trên kia. Không phải là người Pháp, không phải là người Anh, không phải nông dân, không phải lính, hình như là ma chứ không phải người, đánh hơi thấy người chết, lấy trộm cắp làm chiến thắng, mò đến tước đoạt Oatéclô. Hắn mặc một cái áo ngoài giống như một cái áo khoác, dáng điệu vừa táo tợn vừa lo sợ; vừa tiến về phía trước, vừa nhìn lại phía sau. Hắn là ai? Có lẽ đêm tối biết lịch sử của hắn nhiều hơn là ban ngày. Hắn không mang cái bị nào nhưng bên trong cái áo khoác của hắn chắc có những cái túi rộng. Thỉnh thoảng hắn đứng lại, nhìn cánh đồng chung quanh như xem có ai theo dõi mình không; đột nhiên hắn cúi rạp xuống đất, lật lên một vật gì yên lặng không cử động, rồi lại nhổm dậy lẩn đi chỗ khác. Trông điệu bộ hắn, cái dáng vội vàng, bí mật của hắn tưởng như những bóng ma lúc hoàng hôn hiện lên ở các nơi cổ tích điêu tàn trong truyền thuyết ngày xưa. Những con cò, con vạc ăn đêm trên đầm, ruộng cũng có những hình bóng như vậy.
Trong đám sương mù người tinh mắt để ý sẽ thấy gần đấy có cái gì giống một toa xe của người bán ăn nhỏ, mái đan mây sơn hắc ín, đỗ đằng sau cái lều ở góc đường Niven và đường Mông Xanh Giăng đơ Bơrennơlalơ. Xe đóng một con lừa đói, có hàm thiếc, đang gặm cỏ. Trong xe có một người đàn bà ngồi trên một đống những hòm và bao bị. Cái toa xe này và tên ăn trộm kia chắc không xa lạ nhau.
Đêm quang, trời không có một gợn mây. Mặt đất thì đỏ lòm nhưng trăng vẫn bạc. Trời vẫn thường thờ ơ như vậy. Trên cánh đồng, những cành cây bị đạn bắn gãy, nhưng còn vướng trên thân cây, đu đưa nhè nhẹ theo ngọn gió đêm thanh. Hình như có một luồng hơi thở làm chuyển các bụi cây. Cỏ rùng mình như có những linh hồn bay đi. Xa xa nghe mơ hồ tiếng động của những toán quân tuần phòng chung quanh dinh trại quân Anh.
Xóm Hugômông và He Xanh vẫn còn bốc cháy, một ở phía đông, một ở phía tây; giữa hai cái ngọn lửa ấy những đốm lửa của dinh trại quân Anh giống như một chuỗi hồng ngọc nối liền hai bông hoa tai thành một đường bán kính mênh mông trên những ngọn đồi phía chân trời.
Chúng tôi nói đến cái tai họa ở chỗ con đường trũng Ohanh. Cái chết rùng rợn của bao nhiêu chiến sĩ dũng cảm, cứ nghĩ đến cũng thấy kinh khủng. Nếu có một cái gì đáng ghê sợ; một sự thật nào kinh khủng hơn ác mộng thì là điều này: đang sống dưới ánh trời chói lọi, đang sống cường tráng lành mạnh, tươi vui, nụ cười luôn luôn ngạo nghễ trên môi, đang tiến lên giành lấy quang vinh ngay trước mặt, đang thấy trong lồng ngực buồng phổi nở căng, trái tim đập mạnh, ý chí sáng suốt, đang nói, đang nghĩ, đang yêu, đang có một người mẹ, một người vợ, một đàn con, đang sống tràn trề ánh sáng, thế rồi bỗng nhiên, chỉ kịp kêu lên một tiếng, không đầy một phút lộn nhào xuống vực thẳm, chồng chất đè lẫn nhau; nhìn thấy bông lúa, thấy hoa thấy gươm của mình vô dụng, thấy trên mình là một đống người, dưới mình là một đống ngựa, cựa quậy vô ích, nghe thấy xương gãy dưới móng ngựa trong bóng tối, thấy như một gót giầy giẫm lòi mắt, cắn điên cuồng những móng sắt ngựa, ngạt thở, cố hét lên, quằn quại dưới cái đống kinh khủng và nghĩ rằng: vừa mới đây, ta là một người cường tráng.
Ở cái chỗ chết hại thảm khốc mới đây còn vang tiếng rên rỉ, bây giờ hoàn toàn yên lặng. Con đường trũng ngập đầy những người và ngựa, dằng dịt lấy nhau, hỗn độn, ghê gớm, không còn thấy hai bên bờ nữa, xác người và ngựa đã lấp phẳng con đường ngang với mặt cánh đồng như một đấu thóc gạt sát miệng, một núi thây ở phía trên, một sông máu ở phía dưới, đó là cảnh tượng con đường ấy trong đêm hôm 18 tháng 6 năm 1815. Máu chảy đến tận đường Niven, loang ra như một cái ao trước một đống cây chặn ngang đường mà bây giờ dân địa phương còn chỉ được. Mọi người còn nhớ, đoàn giáp binh đã sa hố ở chính chỗ đối diện với đống cây này, về phía con đường đi Giơnáp. Con đường trũng sâu bao nhiêu thì đống xác chết dày bấy nhiêu. Đến khúc giữa đường gần phẳng, chỗ sư đoàn Đơlo tiến lên, đống xác mỏng đi một chút.
Người ăn đêm kia đi về phía ấy. Hắn nhìn cái mồ kinh khủng, hắn nhìn chăm chăm như điểm một đoàn tử thi quân ghê rợn. Chân hắn bước trong vũng máu. Bỗng hắn đứng lại. Trước mặt hắn, cách vài bước, chỗ mép đống xác người và ngựa, có một bàn tay mở dưới ánh trăng. Chiếc nhẫn vàng óng ánh trên một ngón tay. Người ăn đêm cúi xuống, ngồi xổm một lát rồi nhổm dậy. Cái nhẫn vàng đã biến mất. Hắn không đứng dậy hẳn, hắn quỳ, hai đầu gối, hai ngón tay trỏ tì xuống đất, hắn lom khom như một con thú dữ rình mò, lưng quay về đống rác, đầu ngẩng nhìn phía trên bờ con đường trũng.
Rồi như đã cả quyết, hắn đứng dậy.
Bỗng nhiên hắn giật mình, hắn thấy như có ai giữ lấy hắn.
Hắn ngoảnh lại; cái bàn tay mở lúc nãy đã khép lại và nắm lấy vạt chiếc áo ngoài của hắn.
Một người lương thiện chắc phải hoảng sợ, nhưng hắn thì bật cười:
- A ra cái xác chết. Ma thì vẫn thích hơn là sen đầm.
Cái bàn tay đuối sức buông hắn ra. Người đã nằm dưới mồ thì còn mấy hơi sức!
Tên ăn đêm lại hỏi:
- Ái chà! Cái người chết này còn sống chăng? Xem thử nào.
Hắn lại cúi xuống, bới đống rác, gạt những cái gì vướng ở trên, nắm lấy cánh tay, bới được cái đầu lên, lôi được cái thân ra và một lát sau hắn kéo vào bóng tối con đường trũng một thân người không động đậy, đã chết ngất. Người ấy là một giáp binh, một sĩ quan, có lẽ một sĩ quan cao cấp; một chiếc ngù vàng lớn lòi ra dưới áo giáp, viên sĩ quan không còn mũ, một nhát gươm dữ dội chém ngang mặt người ấy, mặt chỉ thấy đầy máu. Chân tay hình như không bị gãy, có lẽ một sự ngẫu nhiên may mắn - ở đây mà cũng còn có thể gặp may mắn được thì cũng lạ! - Đã khiến những xác chết chồng chất lên người ấy không đè xuống mà lại chống đỡ cho người ấy. Hai mắt người này nhắm nghiền. Trên áo giáp có chiếc huân chương bắc đẩu bội tinh bạc.
Thằng ăn đêm rứt chiếc huân chương bạc đút thêm vào trong túi áo khoác của hắn. Rồi hắn lần túi viên sĩ quan, lấy một chiếc đồng hồ quả quít, móc túi áo gi-lê lấy được cái ví tiền hắn đút ngay vào túi hắn.
Khi hắn “cứu chữa” người hấp hối đến đoạn ấy thì người đó bỗng mở mắt và nói se sẽ:
- Cám ơn ông.
Người ấy vì bị lôi kéo, giật mạnh, vì được thở tự do, vì khí trời mắt lạnh ban đêm kích thích nên đã tỉnh lại.
Thằng ăn đêm không trả lời; hắn ngẩng đầu lên. Xa xa nghe thấy tiếng chân người đi, chắc là một đội tuần phòng đang tiến lại gần.
Viên sĩ quan nói thì thầm, giọng còn như là của người hấp hối:
- Ai thắng trận?
Thằng ăn đêm trả lời:
- Quân Anh.
Viên sĩ quan nói tiếp:
- Ông xem trong túi tôi có một chiếc đồng hồ và một cái ví tiền. Ông cầm lấy.
Việc này hắn đã làm xong. Nhưng hắn cũng làm trò theo lời viên sĩ quan bảo và nói:
- Chẳng có gì.
- Họ đã đánh cắp của tôi. Giận thật. Đáng lẽ để biếu ông.
Tiếng bước chân đội tuần tiễu nghe càng rõ.
- Họ đến đấy.
Tên ăn trộm vừa nói vừa sửa soạn chuồn đi. Viên sĩ quan cố nhấc cánh tay lên giữ hắn:
- Ông đã cứu sống tôi. Ông là ai?
Tên ăn đêm nói sẽ và vội vàng:
- Tôi cũng như ông ở trong quân đội Pháp. Thôi tôi phải đi đây, nếu chúng nó bắt được chúng nó sẽ bắn chết tôi. Tôi đã cứu sống ông rồi, bây giờ ông liệu đấy!
- Ông đóng lon gì?
- Đội trưởng.
- Tên ông là gì?
- Tênácđiê.
Viên sĩ quan nói:
- Tôi sẽ không bao giờ quên cái tên ấy. Ông cũng nhớ lấy tên tôi: Pôngmécxi.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom