• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (2 Viewers)

  • Chương 16

III
TAY TƯ VÀ TAY TƯ
Trai sinh viên rủ gái lẳng lơ về đồng quê chơi như thế nào hồi bốn mươi lăm năm về trước, ngày nay khó mà hình dung được. Những vùng chung quanh Pari nào còn như xưa! Bộ mặt của cuộc sống ngoại thành đã hoàn toàn biến đổi từ nửa thế kỷ nay; nơi ngày xưa xe bò lóc cóc thì nay đã có xe lửa; chỗ ngày xưa thuyền gỗ qua lại thì nay đã có tàu thủy; ngày nay mà gọi Phêcăng thì cũng như xưa gọi Xanh Cơlu. Với Pari năm 1862, ngoại ô là cả nước Pháp.
Bốn cặp tình nhân rủ nhau tận hưởng mọi thú vui của đồng ruộng có thể có được hồi bấy giờ. Lúc ấy vừa vào dịp nghỉ hè, bữa đó là một ngày mùa ấm áp, trong sáng. Hôm trước, Phavurit, người độc nhất biết chữ, nhân danh cả bọn bốn chị em, viết cho Tôlômiet như sau: “Đi sớm thú nắm”. Vì thế mọi người đều dậy từ năm giờ sáng. Họ đáp xe ngựa đến Xanh Cơlu, nhìn dòng thác khô cạn và tặc lưỡi: “Chà, cái này mà có nước thì chắc đẹp lắm đây”. Họ ăn sáng ở hiệu Đầu đen, nơi này lúc ấy Catxtanh chưa đặt chân đến. Họ bỏ tiền chơi phi ngựa giật vòng, dưới các hàng cây xen kẽ chỗ bể nước. Rồi leo lên tầng tháp Điôgien. Rồi quay số ăn bánh ngọt đầu cầu Xevơrơ. Qua Puytô thì hái hoa từng bó. Đến Nơidi lại mua sáo thổi. Còn bánh kẹp thì đến đâu cũng chén. Thật là sung sướng nhất đời.
Các cô gái cười cười nói nói, ríu rít như một bầy chim sổ lồng. Thật như ngây như dại. Chốc chốc các cô lại tát yêu một cái vào má các cậu con trai. Chao ôi! Cái tuổi trẻ say mê! Những năm tháng vô vàn quý mến! Cánh chuồn rung động! Ôi! Anh bạn, dù anh là ai anh có nhớ chăng? Đã lần nào anh băng qua bụi rậm, vừa đi vừa rẽ cành để khỏi vướng vào mái tóc xinh của ai đang lần bước theo sau anh chưa? Đã lần nào anh vừa cười vừa trượt trên triền cỏ ướt đẫm nước mưa cùng với người anh yêu, mà nàng thì cầm tay anh giữ lại và kêu lên nũng nịu: “Trời ơi! Đôi giày mới toanh của em! Anh xem kìa, nó ra hình thù gì thế này!”.
Xin nói ngay là chuyện gặp mưa vừa thích vừa khó chịu như vậy không xảy ra với đám người hớn hở này, mặc dù lúc ra đi, Phavurit đã trịnh trọng và lấy giọng từ mẫu bảo mọi người: “Có sên bò ra lối đi, điềm trời mưa các con ạ”.
Cả bốn cô đều xinh một cách kỳ lạ. Một nhà thơ cổ điển dễ thương, có tiếng hồi bấy giờ là ông cụ Labut, trong tư thất của mình cũng đã có một Tây Thi, thế mà buổi sáng hôm ấy, thơ thẩn dưới rặng dẻ vườn Xanh Cơlu trông thấy bốn cô đi ngang qua lúc mười giờ, ông liền nhớ đến ba cô trong tranh “Ba mỹ miều” và kêu lên: Thừa mất một. Phavurit, người yêu của Blasơven, cô chị cả hai mươi ba tuổi, chạy lên trước. Nàng luồn cành nhảy, phóng bừa qua các bụi rậm, dẫn đầu cuộc vui, hăng như một cô tiên núi. Dêphin và Đalia lại không rời nhau nửa bước. Chẳng phải vì thân nhau mà chính vì cả hai đều hơi điệu như nhau. Điều tình cờ là hai nàng đều đẹp, nhưng người nọ phải đứng bên cạnh người kia, người này bổ sung cho người nọ thì sắc đẹp của mỗi người mới bật nổi thêm lên. Hai người kề vai nhau, dáng điệu mơ màng. Dạo ấy những tập ảnh kỷ niệm[45] đầu tiên mới ra đời cái buồn vô cớ đang nảy nở trong chị em, cũng như về sau cái sầu Bairơn[46] lan tràn trong nam giới, cho nên đầu tóc của phụ nữ cũng bắt đầu liễu rủ. Dêphin và Đalia thì đầu tóc đều uốn thành búp cuộn tròn. Lichtôliê và Phamơi đang cãi nhau về các giáo sư của mình thì giảng giải cho Phăngtin hiểu ông Đenvanhcua khác ông Blôngđô như thế nào.
[45] Nguyên văn tiếng Anh: keepsakes
[46] Byron: thi hào Anh, thơ sôi nổi, đau thương. Bairơn tình nguyện sang giúp sau cuộc khởi nghĩa của dân tộc Hy Lạp chống bọn thống trị Thổ và hy sinh 1788–1824.
Blasơven thì có vẻ sinh ra chỉ để nâng tấm khăn san quàng lệch cho Phavurit ngày chủ nhật.
Tôlômiet đi sau rốt, dáng người cao hơn hết thảy cả bọn. Chàng hết sức vui vẻ nhưng ai cũng cảm thấy ở chàng con người điều khiển; chàng vui tươi mà có cái gì độc đoán đấy: chỗ làm dáng chủ yếu của chàng là cái quần chân tượng vải Nam Kinh màu gạch non, có dây choàng từ bàn chân lên bằng đồng bện chéo: trên tay một chiếc ba toong bằng mây to bự giá đến hai trăm phơrăng và trên môi một vật khá kỳ lạ: một điếu xì gà. Chàng cho là chẳng có gì thiêng liêng sất và chàng chẳng từ một thứ gì, kể cá hút thuốc. Anh em bảo: “Cái thằng Tôlômiet này, đặc biệt thật. Coi cái quần nó có hắc không! Cừ khôi thật!”
Riêng Phăngtin nàng vui thật sự. Hàm răng tuyệt mỹ của nàng, chắc hẳn Trời giao cho cái chức năng là cười. Chiếc mũ rơm nhỏ đính quai dài và trắng, nàng thích cầm tay hơn là đội. Mớ tóc dày vàng óng rất dễ sổ, nàng phải luôn luôn cặp lại, cái mớ tóc thường xuyên như muốn bồng bồng, tung bay ấy, hình như đặt trên đầu nàng tiên Galatê để cho nàng chạy dưới cánh liễu thì mới phải. Đôi môi hồng thỏ thẻ như giọng oanh. Khóe miệng xếch lên, dáng say sưa, giống như các mặc giả thời cổ, nhìn vào có vẻ gì như khêu gợi những ý nghĩ sỗ sàng; nhưng hàng mi dài đen thẫm lại rủ cái bóng e ấp thùy mị xuống làn môi khóe miệng và cự tuyệt mọi cái ồn ào ở những chỗ này. Cách ăn mặc của nàng như có cái gì bừng bừng và thánh thót. Nàng mặc cái áo len màu hoa cà, chân đi đôi giày đế cao màu nâu đậm có ánh sáng, mấy dây buộc đan thành những chữ X trên mặt bít tất trắng, mỏng và thưa. Nàng khoác thêm một chiếc áo đuôi én bằng len mút, kiểu này là sáng kiến của dân Mácxây, họ đặt tên là áo “hé thử”, theo cách xuyên tạc ở ngoài phố của chữ “hè thu”,[47] có nghĩa là thời gian trời tối, ấm áp, đang trưa. Ba cô kia, như chúng tôi đã nói, ít rụt rè hơn, thì đều mạnh dạn mặc áo hở vai, trên mũ lại đầy hoa: mùa hè, cách ăn mặc như vậy trông có duyên thật nhưng cũng nhiều khiêu khích. Bên cạnh lối trang điểm táo bạo ấy, chiếc áo hè thu trong suốt của Phăngtin tóc vàng vừa kín đáo vừa e ấp, mở cũng như có mà khép cũng có, thật đáng coi như một sáng tạo có ý nghĩa thách thức của khoa lịch sự. Và cái câu lạc bộ tình yêu có bà chủ tịch là nữ tử tước đất Xét, có cặp mắt xanh màu nước biển, chắc hẳn sẽ tặng giải thưởng làm đỏm cho cái áo hè thu ấy vì nó đóng góp nhiều cho sự tiết hạnh. Té ra ở đời có khi thế: ngây thơ lại là thành thạo nhất.
[47] Nguyên văn canezou, đọc xuyên tạc những chữ quinze aout
Nhìn Phăngtin đằng trước thì lộng lẫy, nhìn một bên thì thanh tao. Cặp mắt xanh thăm thẳm, mi trên đầy đặn. Đôi chân thon và chắc, cổ tay cổ chân uyển chuyển. Nước da trắng mịn, đây đó thoáng lộ những mạch máu màu da trời. Gò má thơ ngây tươi mát, cái cổ tròn khỏe như tượng Giuynông, cái gáy chắc và mềm mại. Hai vai như do bàn tay Cutxtu nhào nặn, giữa lõm một lúm đồng tiền đến là say sưa, có thể thấp thoáng trông thấy dưới lần áo mỏng. Một nét vui tươi pha chút mơ mộng. Nhìn chung, mọi vẻ đều như tạc và vô cùng ý nhị. Ấy, Phăngtin như thế đó. Dưới mớ quần áo vải vóc kia là một pho tượng và trong pho tượng là một tâm hồn.
Phăngtin đẹp nhưng không hề biết mình đẹp. Họa chăng có một đôi người hay suy tưởng, những đồ đệ âm thầm của cái đẹp, thường đem mọi vật ở đời so với cái tuyệt mỹ, thì mới hé thấy cô thợ bé nhỏ này, qua cái duyên dáng trong suốt của người con gái Pari, cái nét hài hòa thiêng liêng thời cổ. Cô gái hèn mọn này thế mà con nòi. Nàng đẹp ở hai phương diện: phong cách và nhịp điệu. Phong cách là hình thức lý tưởng còn nhịp điệu là sự vận động của lý tưởng ấy.
Chúng tôi đã nói Phăngtin là niềm vui, nhưng Phăngtin là sự trinh bạch.
Kẻ nào quan sát nàng một cách chu đáo sẽ thấy ở người nàng, từ tất cả cái say mê của tuổi xuân, của nắng hạ, của tình yêu, đều toát lên một vẻ dè dặt, khiêm tốn không gì thắng nổi. Nàng còn giữ chút ít ngạc nhiên. Chính cái ngạc chiên trong trắng ấy là chỗ phân biệt Pxisê và Vệ nữ. Phăngtin có những ngón tay trắng và thon của một đạo cô đang lấy trâm vàng cời tro giữ ngọn lửa thiêng. Dù nàng chẳng hề từ chối một cái gì đối với Tôlômiet - cái điều ấy sẽ rõ - gương mặt nàng lúc thảnh thơi vẫn muôn vàn băng tuyết. Đôi khi một thứ tự trọng nghiêm chỉnh và hơi khắc nghiệt, bỗng dưng chiếm lấy người nàng. Vẻ vui tươi tự nhiên biến mất, khuôn mặt đang rạng rỡ bỗng đổi sang trầm ngâm, rười rượi. Những lúc ấy trông nàng, người ta phải lấy làm lạ lùng và ái ngại. Cái dáng nghiêm trang đột ngột ấy, có khi nghiêm khắc rõ rệt, na ná như vẻ kiêu hãnh của một nữ thần. Vừng trán, sống mũi, cái cằm có sự cân đối của đường nét, khác hẳn với sự cân đối hình dáng, làm cho khuôn mặt nàng đều đặn, hài hòa. Ở quãng trống rất đặc biệt giữa mũi và môi, nàng hãy còn giữ cái nếp kín đáo rất dễ thương, cái dấu hiệu bí ẩn của sự tiết trinh. Chính cái nếp ấy đã từng khiến cho Bacbơrut đâm phải lòng một tượng nữ thần Đian tìm thấy trong di chỉ Icôn.
Tình yêu là tội lỗi: vâng - Nhưng Phăngtin lại là sự trong trắng nổi lên tội lỗi.
IV
TÔLÔMIET VUI QUÁ HÁT MỘT BÀI HÁT TÂY BAN NHA
Cả cái ngày hôm ấy từ đầu chí cuối chỉ có bình minh. Vạn vật vui như hội. Vườn cảnh Xanh Cơlu thơm ngát ngọn gió sông Xen nhẹ rung lá biếc, cành cây nhún nhảy múa may. Những con ong vàng xông lên cướp nhụy hoa nhài. Từng đàn bướm nô đùa trong cỏ dại. Trong cảnh vườn ngự tôn nghiêm có cả một lũ chim trời du đãng.
Bốn cặp thanh niên hòa mình trong ánh nắng, trong lúa đồng, trong hoa cỏ, cây lá và cùng đua khoe thanh sắc.
Trong khung cảnh thiên đường, họ nói, họ hát, họ chạy nhảy, họ săn bướm, họ hái hoa bìm, họ dầm những đôi chân mang bít tất hồng vào cỏ ướt. Tươi lành, điên dại, dễ dãi, các cô nhận đây đó những cái hôn của cả bọn, trừ Phăngtin, nàng vẫn giữ cái dáng phản kháng âm thầm, cái vẻ mơ màng cách biệt, vì nàng yêu! Phavurit bảo nàng: “Mày lúc nào cũng thế nào ấy!”
Họ vui như thế đó. Những lứa đôi đang yêu và sung sướng mà đi qua nơi nào thì ở đó thiên nhiên và sự sống dường như cũng bị lay động sâu xa và mọi vật đều sôi trào âu yếm và ánh sáng. Ngày xưa có một nàng tiên chỉ vì thương những người bạn tình mà làm ra cho họ bãi cỏ và chòm cây. Từ đó mà có cái trò muôn thuở “ngồi bụi cây” của những cặp tình nhân, cái trò luôn luôn diễn đi diễn lại cũng như trò “học trong bụi cây”[48] luôn tồn tại chừng nào trên đời còn có bụi cây và học trò. Cũng từ đó mà mùa xuân mới được các nhà tư tưởng mến yêu. Quý tộc cũng như dân đen, quận công cũng như không nhà, trong triều cũng như ngoài quận, tất cả đều làm tôi cho nàng tiên ấy. Người ta cười, người ta tìm nhau, trong không khí dường như có ánh sáng thần tiên rực rỡ. Chao ơi! Con người biến đổi biết bao khi người ta yêu! Một anh làm công quèn cũng tưởng mình như được lên tiên. Và những lúc đùa reo đuổi bắt nhau trên nội cỏ, bất thần tóm được lưng nhau; lời cục cằn thành điệu du dương, một ngữ khí, một âm thanh cũng tràn đầy yêu dấu; những lúc một quả anh đào mồm nọ cướp của mồm kia, tất cả các phút giây ấy đều rực sáng và đi vào cõi thần tiên chói lọi. Các cô thiếu nữ xinh tươi quả đã đem tất cả hương sắc của mình ra phung phí một cách say sưa. Cảnh tượng đó người ta tin là không bao giờ chấm dứt. Triết gia, thi sĩ, họa sĩ ngắm nhìn những cảnh mê ly ấy mà đành chịu bất lực vì chúng nó chói lóa cả mắt. Oattô kêu: đây là cảnh “Rủ nhau ra đảo tình yêu”; Lăngcơre, nhà họa sĩ bình dân, đành ngắm họ như bay bổng tận mây xanh; Điđơrô thì dang tay chào đón tất cả các cuộc tình duyên ấy, còn Đuyêchphê lại tả thêm vào cảnh đó mấy vị thầy mo.
[48] Nguyên văn: école buissonière, thành ngữ, có nghĩa là trường trong bụi
Cơm trưa xong cả bọn kéo nhau vào khu vườn ngự xem thứ cây lạ vừa mới đưa từ Ấn Độ sang. Cây tên gì ngày nay chúng tôi không nhớ ra, chỉ biết là hồi đó cả Pari đều đến Xanh Cơlu để xem. Giống cây kỳ dị ấy thân nhỏ, thong thong, trông rất xinh, chẳng có chiếc lá nào, toàn một mớ vô số là cành cây rối bù, nhỏ như sợi chỉ, phủ đầy một lượt không biết cơ man nào là hoa trắng li li, nom giống như một đầu tóc rắc phấn trắng. Ngày nào cũng khối người vây quanh trầm trồ ngắm nghía.
Xem cây xong, Tôlômiet vụt kêu lên: “Tớ cho các cậu đi lừa nhé!” Mặc cả với người cho thuê lừa đâu vào đấy, cả bọn ngồi lừa trở về theo lối Văngvơ và Itxi. Đến Itxi xảy ra một việc. Vườn cây, tài sản quốc gia, lúc ấy thuộc quyền sở hữu của người chủ thầu quân nhu Buốcganh, hôm ấy ngẫu nhiên cổng lại mở toang. Họ đi thẳng vào vườn, đến thăm hình nhà ẩn sĩ trong hang đá, vào phòng trưng bày các loại gương, thử chiếu để xem các hiện tượng, các sắc màu kỳ lạ. Cái phòng trưng bày khá nổi danh vì những hình ảnh khêu gợi dục tính này chẳng qua cũng là thứ cần câu tiền rất xứng với một tay làm tiền trở thành triệu phú hoặc một tên bất lương trở thành vị thần vườn tược. Họ cùng đến chơi đưa võng chỗ chiếc lưới căng giữa hai cây dẻ. Các cô gái lần lượt leo lên võng. Tôlômiet cũng lần lượt ru. Lưới võng đưa mạnh, chiếc váy cũng tung bay. Cả bọn phá lên cười. Cái cảnh quần hồng phấp phới này, giá có Gơrơdơ thì nhà họa sĩ chúng ta cũng chộp được một nếp xiêm trong quần thanh thú. Tôlômiet, cái anh chàng có ít nhiều máu Tây Ban Nha trong người, vì Tuludơ có họ với một thành phố bên Tây Ban Nha là Tôlôda, mà chàng thì là người Tuludơ, Tôlômiet vừa đưa võng vừa cất tiếng hát theo điệu buồn buồn một bài dân ca cổ mà cảm hứng chắc bắt nguồn từ hình ảnh một thiếu nữ xinh đẹp tung bay trên chiếc thừng chăng giữa hai hàng cây:[49]
Anh là người ở quê xa
Vì tình nên phải bôn ba với tình
Đu bay tung váy cô mình
Da em băng tuyết cho anh thẫn thờ
Hồn dâng trong mắt ước mơ
[49] Trong nguyên tác bài hát này lời bằng tiếng Tây Ban Nha
Riêng Phăngtin nàng từ chối không đu võng. Phavurit thầm thì giọng khá chua chát: “Tớ không thích kiểu làm điệu như thế”.
Họ bỏ lừa xuống thuyền. Lại một dịp vui mới. Họ ngồi thuyền qua sông Xen, rồi từ Patxi đi bộ về quảng trường Ngôi Sao. Mọi người còn nhớ, họ thức dậy từ năm giờ sáng, thế mà Phavurit cứ bảo: Mặc kệ, chủ nhật làm gì có mệt mỏi, ngày chủ nhật cái mệt cũng nghỉ việc. Vào quãng ba giờ chiều, bốn cặp tình nhân, say mềm hạnh phúc, còn chơi trò trượt dốc ở cái núi yên ngựa, một công trình xây đắp kỳ dị nằm trên ngọn đồi Bôgiông, mà đường nét vòng vèo nhìn thấy nhấp nhô trên các ngọn cây quảng trường Săng Êlidê.
Chốc chốc Phavurit lại kêu:
- Thế cái món bất ngờ đâu? Đây muốn xem cái bất ngờ ấy.
Tôlômiet bảo:
- Hãy đợi tí nữa!
V
Ở QUÁN BÔNGBACĐA
Chơi chán ở núi yên ngựa, họ nghĩ đến cơm chiều và cả bọn tám người xem chừng đã mệt giạt vào quán Bôngbacđa. Quán này là chi nhánh đặt ở Săng Êlidê của chủ hiệu ăn nổi tiếng Bôngbacđa có cửa hàng chính ở phố Rivôli bên cạnh ngõ Đơlócmơ.
Một căn buồng rộng, xấu xí, trong cùng có ngăn kê giường. Chủ nhật quán đông nghịt, cả bọn đành phải bằng lòng một chỗ nghỉ chân vậy. Buồng cũng có hai cửa sổ có thể đứng ngắm cảnh bến sông bên kia rặng cây. Ánh hè rực rỡ phớt qua khung cửa. Hai cái bàn, một cái để mũ nón đàn ông, đàn bà lẫn lộn với các bó hoa sặc sỡ chất cao như núi, một bàn bày loạn xạ nào thức ăn, nào đĩa không, nào chai cốc, nào cốc bia, hồ rượu. Bốn cặp ngồi chung quanh. Trên bàn hơi lộn xộn, dưới bàn cũng chút ít rối ren. Đúng như lời thơ Môlie
Dưới bàn ăn có tiếng gì kinh quá
Chân này đạp, chân nọ khoèo, loạn xạ!
Âu, tới bốn giờ rưỡi chiều thì cuộc vui diễn bắt đầu từ năm giờ sáng đã đưa đến chỗ đó. Trời về chiều, mọi người bụng đã no nê.
Quảng trường Săng Êlidê đầy nắng, người qua lại như mắc cửi, đúng là vinh quang, chỉ gồm có bụi và ánh sáng. Mấy con ngựa cẩm thạch của Mácli như đang hí và lồng lộn trong bụi vàng. Xe tứ mã qua qua lại lại. Một đội vệ binh quân phục rực rỡ, kèn đồng dẫn đầu, rẽ đường xuống đại lộ Nơidi. Lá cờ trắng, phơn phớt hồng trong ánh hoàng hôn, phấp phới trên vòm nóc cung Tuylơri. Quảng trường Hòa hợp nay lại lấy tên cũ là quảng trường Lui XV, người đi dạo đông nghịt. Nhiều người ra vẻ đắc chí, lủng lẳng chiếc hoa huệ bằng bạc dính vào một cái dải bằng sa trắng gợn vân. Cái dải trắng này mãi đến năm 1817 hãy còn thấy lác đác ở cúc áo một số người. Đây đó một nhóm người qua đường dừng lại, vây quanh một toán em gái nhỏ đang múa hát và vỗ tay tán thưởng. Các em gửi vào gió một điệu hát nổi tiếng hồi bấy giờ của người phái Buốcbông dùng để mạt sát cái chính quyền Bách nhật mà điệp khúc là:
Trả cho ta bố xứ Găng[50] của ta
Trả cho ta bố ta
[50] Bố xứ Găng tức là Lui XVIII. Trong thời kỳ bách nhật, Lui XVIII trốn ở Grand, một thành phố thuộc nước Bỉ.
Từng đám đông dân ngoại ô xúng xính quần áo ngày lễ, có người đeo cả hoa huệ như bọn thị dân, tản mát khắp các khu vườn hoa, chơi trò phi ngựa giật vòng hoặc ngồi quay trên lưng ngựa gỗ. Nhiều kẻ khác đang đánh chén. Một số là thợ nhà in đang học việc, mũ giấy đội đầu, từ xa đã nghe tiếng họ cười. Tất cả đều hớn hở. Thật là một đời thái bình thịnh trị. Chính hồi này quận trưởng cảnh sát Ăngơlet, trong bản mật tấu đặc biệt lên nhà vua về tình hình các vùng ngoại ô Pari, đã kết thúc bằng những lời lẽ như sau: “Xét cho kỹ, tâu bệ hạ, bọn người ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Chúng nó vô lo và uể oải như mèo. Bọn dân đen các tỉnh mới hay rầy rà chứ ở Pari thì không. Bọn chúng bé nhỏ quá thể. Tâu bệ hạ, phải hai đứa chồng lên nhau thì mới cao bằng một anh pháo thủ trong cấm binh. Chẳng phải lo ngại tí nào về phía bọn dân ngu của thủ đô. Rất đáng để ý là từ năm mươi năm nay, vóc người họ cứ thấp dần và ngày nay dân ngoại ô bé nhỏ hẳn đi so với hồi trước cách mạng. Chúng nó chẳng có gì nguy hiểm. Tóm lại cái lũ chó đẻ ấy mà ngoan”.
Các ngài quận trưởng cảnh sát thì làm sao mà tin được mèo có thể hóa thành sư tử! Ấy thế mà có thật và đó là phép màu của dân chúng Pari. Còn giống mèo mà bá tước Ăngơlet khinh bỉ đến nước ấy, thật ra lại được các nền cộng hòa thời đó tín nhiệm. Trong mắt họ, mèo là hiện thân của tự do và để cho tượng thần Minecvơ không cánh dựng ở Pari khỏi phải chơ vơ, họ dựng tiếp ở quảng trường Côranhtơ tượng một con mèo khổng lồ bằng đồng hun. Ngành cảnh sát của chính quyền phục hưng kể cũng ngây thơ, họ nhìn dân chúng Pari hơi quá “hồng”. Chẳng phải như họ tưởng, dân chúng Pari không hề là “lũ chó đẻ, mà ngoan”. Dân Aten có vai trò như thế nào trong người Hy Lạp thì dân Pari cũng có vai trò như vậy trong người Pháp. Chẳng ai ngủ bì họ, chẳng ai thật tình phù phiếm và lười biếng như họ, cũng chẳng ra vẻ hay quên bằng họ. Tuy vậy xin ai chớ tin vào đó: họ có vẻ sinh ra để chẳng thèm lưu ý đến bất cứ cái gì, ấy thế mà khi có vấn đề vinh quang nêu cao trước mắt thì họ có thể làm tất cả mọi việc hăng say, không ai sánh kịp. Đưa giáo cho họ, họ sẽ làm nên ngày 10 tháng 8; đưa súng cho họ, họ sẽ có Auxtéclít. Napôlêông lấy họ làm chỗ dựa. Đangtông coi họ là nguồn lực lượng. Tổ quốc lâm nguy ư? Họ sẵn sàng nhập ngũ. Tự do lâm nguy ư? Họ sẵn sàng cạy đường lấy đá. Coi chừng! Tóc họ có thể vì căm thù mà dựng ngược; chiếc áo lao động của họ có thể biến thành chiến bào. Hãy cẩn thận, bất kỳ phố xá ngõ ngách nào họ cũng có thể biến thành thiên la địa võng bắt quân thù phải hạ giáp. Cho nên đến lúc cần thì người dân ngoại ô ấy lại lớn lên, con người bé nhỏ ấy lại đứng dậy, mắt họ nhìn sẽ dữ tợn, hơi thở họ sẽ như bão táp và từ lồng ngực mỏng manh của họ sẽ tuôn ra đủ giông tố để xáo trộn từng dòng khe mạch của dãy Anpơ. Chính nhờ người dân ngoại ô Pari mà cách mạng, xen lẫn vào các đạo quân, chinh phục châu Âu. Họ hát, đó là họ vui. Cứ so điệu hát cho vừa tầm với bản chất họ mà xem! Chỉ được lặp đi lặp lại có bài Cácmanhôn thì họ chỉ lật đổ nổi Lui XVI, cho họ hát bài Mácxâyde họ sẽ giải phóng cả thiên hạ.
Xong mấy lời ghi chú trên đây bên lề bản báo cáo của Ănggơlet, xin trở lại với bốn cặp tình. Như trên đã nói, bữa cơm chiều vừa xong.
VI
THƯƠNG YÊU NHAU
Chuyện phiếm sau bữa cơm, chuyện phiếm về tình yêu đều như nhau, chẳng đâu vào đâu; chuyện tình yêu thì như mây, chuyện sau bữa cơm thì như khói.
Phamơi và Đalia khe khẽ hát; Tôlômiet tiếp tục uống rượu; Dêphin và Phăngtin kẻ cười thành tiếng, người chỉ cười nụ. Lichtôliê lôi cái kèn gỗ mua ở Xanh Cơlu ra thổi. Phavurit đưa mắt nhìn Blasơven một cách âu yếm và nói:
- Anh Blasơven, em mê anh.
Thuận đà Blasơven hỏi lại:
- Phavurit này, nếu anh không yêu em nữa thì em làm thế nào?
Phavurit kêu lên:
- Ấy, đừng nói thế, dù là nói đùa! Em ấy à? Anh mà không yêu em, thì em tóm lấy anh, em cấu này, em xé này, em thì trát tro vào mặt này và em gọi cảnh sát nhốt cổ anh lại.
Blasơven mỉm cười, cái cười khoái chí được nghe những lời nịnh nọt. Phavurit tiếp:
- Vâng, em nhất định kêu cứu vệ binh! Em lồng lên phải biết! Đồ chết tiệt!
Blasơven sung sướng quá, ngả hẳn người trên ghế, nhắm mắt, kiêu hãnh:
Đalia vừa ăn vừa nói nhỏ với Phavurit giữa tiếng ồn ào náo động:
- Mày sùng bái anh Blasơven của mày thật hở?
Phavurit vớ lại cái nĩa cầm lên, cũng đáp khe khẽ:
- Tao ghét nó. Nó kiệt. Tao thích cái thằng bé trước ở cửa nhà tao kia. Cậu ấy thế mà hay đáo để mày có biết cậu ta không? Trông có thớ diễn viên lắm. Tao rất thích bọn diễn viên. Động thấy cậu ta về là bà cụ kêu lên: “Trời! Còn làm sao mà ở yên được nữa hở trời! Nó lại sắp gào lên rồi kìa. Này con, con làm mẹ điếc tai nhức óc ơi!” - Thì ra cu cậu chui vào nhà trong, tìm cái xó cái xỉnh nào trên gác, leo lên được đến đâu là cứ leo, rồi thì hát hò, ngâm nga, ai còn biết làm cái thứ quỷ gì, nhưng mà dưới nhà thì nghe rõ mồn một! Cậu ta lại còn chép đơn chép từ gì cho một tay thừa lại mỗi ngày một phơrăng nữa kia. Bố cậu ta ngày xưa là chân hát lễ trong nhà thờ Xanh Giăccơ ấy mà. Cậu ấy thế mà hay ra phết. Một hôm thấy tao nhào bột làm bánh, cậu ta bảo: “Cô nàng ơi, cô nàng nhào luôn bít tất tay cô mà làm bánh, tớ cũng xin ăn”, mày tính thế thì cậu ta yêu tao biết chừng nào! Tao cho chỉ có nghệ sĩ mới nói được một lời như thế. Chà! Cậu ta hay thật. Tao đang mê mệt vì cái thằng bé ấy đây. Cũng chả sao, tao cứ nói Blasơven là tao sùng bái hắn ta. Tao nói dối tệ mày nhỉ! Dối thật!
Phavurit ngừng một chốc, rồi nói tiếp:
- Đalia, mày biết không, tao buồn lắm. Suốt hè chỉ có mưa, còn gió nữa, gió chẳng chịu thôi gào thét, làm tao phát bực. Anh chàng Blasơven thì kiệt chết cha chết mẹ, chợ búa gì khổ sở mới có chút ít bơtiboa, chả biết ăn cái gì. Tao buồn vô cớ mày ạ, tao lên cơn xplin[51] như bên Anh họ nói ấy. Bơ sao mà đắt thế! À này, mày xem, đáng tởm không? Chúng mình đi ăn uống ở một nơi có cái giường ngủ, kiểu này làm tao chán đời.
[51] Spleen tiếng Anh, có nghĩa là bệnh buồn chán vô cớ
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom