• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (1 Viewer)

  • Chương 149

Thật ra hắn vẫn luôn luôn có ý định giao Giăng Vangiăng cho luật pháp. Giăng Vangiăng là kẻ tù nhân của luật pháp. Còn hắn, Giave, hắn là nô lệ của pháp luật. Lúc còn nắm Giăng Vangiăng trong tay, chưa bao giờ hắn thấy rằng hắn có ý định thả Giăng Vangiăng. Hình như vô tình mà bàn tay hắn đã mở ra và buông thả tên tù.
Đủ mọi điều mới lạ bí hiểm hé mở trước mắt hắn. Hắn tự đặt những câu hỏi rồi tự trả lời; những câu trả lời càng làm hắn thêm ghê sợ. Hắn tự hỏi: Cái tên tù khổ sai ấy ta săn đuổi nó, khủng bố nó, tên tù ấy đã giẫm chân lên lưng ta, nó có thể báo thù, báo thù cho hả giận và để cho yên thân, thế mà nó lại tha cho ta sống, nó đã làm gì vậy? Nhiệm vụ chăng? Không. Có cái gì hơn thế nữa. Thế còn ta, đến lượt ta tha cho nó, ta đã làm gì? Nhiệm vụ chăng? Không. Hơn thế. Thế ra còn cái gì hơn cả nhiệm vụ? Đến đây, hắn hoảng sợ. Cái cân của hắn rã rời, một đĩa cân rơi xuống vực thẳm, một cái bay bổng lên trời. Giave thất kinh nhìn cả hai cái, cái trên cao và cái dưới thấp. Hắn chẳng như những đồ đệ của Vônte, hoặc là những triết nhân hay là những người chẳng tin gì hết; trái lại, tự bản năng hắn, hắn rất kính cẩn đối với cái nhà thờ chính thống; cái nhà thờ ấy, hắn coi như là một bộ phận uy nghiêm của toàn thể xã hội; trật tự là giáo lý của hắn; và chỉ có thế. Từ khi trưởng thành và ra làm một viên chức, hắn coi sở cảnh sát như cả một tôn giáo. Hắn làm mật thám cũng như người ta làm cố đạo vậy; ở đây chúng tôi dùng danh từ không chút mỉa mai, dùng với cái nghĩa rất đúng đắn của nó. Hắn có một cấp trên là ông Gixkê; cho đến nay hắn chưa hề nghĩ đến một đấng bề trên khác, là Chúa.
Đấng thủ lĩnh mới này, tức là Chúa, nay bỗng nhiên hắn cảm thấy và lòng hắn sinh ra bối rối.
Thấy Thượng đế, hắn như lạc mất phương hướng.
Hắn không biết phải làm gì đối với cấp trên này, trong khi hắn biết thừa cấp dưới phải luôn luôn phục tùng, không nên cãi lệnh, không nên chỉ trích, không nên thảo luận; đối với một cấp trên làm cho ta quá đỗi kinh ngạc thì chỉ có cách xin từ chức.
Thế nhưng làm thế nào mà xin Chúa cho từ chức?
Dù sao thì cái sự kiện nổi lên hàng đầu và khiến hắn luôn luôn nghĩ tới là hắn vừa vi phạm kỷ luật một cách kinh khủng. Hắn vừa nhắm mắt bỏ qua một tên tù tái phạm vượt ngục. Hắn vừa thả một tên trọng phạm. Hắn vừa đánh cắp của pháp luật một người ở trong tay pháp luật. Hắn đã làm như thế. Hắn không hiểu mình nữa. Không biết hắn có còn là hắn không. Ngay cả những lý do hành động của hắn, hắn cũng không nhớ, hắn chỉ mường tượng thấy rất hỗn loạn. Từ trước đến nay, hắn chỉ sống với một lòng chính trực trong hũ nút, kết quả của một lòng tin mù quáng. Bây giờ, lòng tin đã mất, lòng chính trực cũng không còn nữa. Tất cả những cái gì hắn đã tin, nay tiêu tan đi. Những sự thật hắn không ưa cứ ám ảnh hắn hoài, rất khốc liệt. Từ nay, phải biến thành một người khác. Lương tâm hắn như con mắt bỗng nhiên phải cắt màng, hắn đau đớn quá chừng. Hắn phải trông những cái hắn kinh tởm. Hắn thấy mình kiệt lực, vô dụng, tách rời hẳn cuộc đời cũ, bị bãi chức, bị hủy bỏ đi. Trong hắn, con người nhà nước đã chết. Hắn không còn lý do tồn tại nữa.
Xúc động là một tâm trạng khủng khiếp!
Rắn như sắt đá, mà lại hoài nghi! Hắn là hiện thân của hình pháp, như đúc nguyên khối trong khuôn luật pháp, thế mà nay bỗng nhiên lại thấy ở trong ngực đồng đúc của mình một cái gì phi lý, nghịch mệnh, na ná như một trái tim! Hắn lại lấy đức báo đức, cái đức ấy, bấy nay hắn vẫn coi là một cái tội! Là một con chó giữ nhà mà lại đi liếm tay! Là một khối nước đá lạnh buốt mà lại tan! Là cái kìm bỗng hóa ra bàn tay! Mà những ngón tay tự nhiên lại buông ra! Buông tay, rõ khủng khiếp chưa!
Con người như viên đạn phóng ra mà nay không biết con đường mình đi, và lùi lại!
Phải thú nhận điều này: cái không thể sai lầm vẫn có thể sai lầm; trong giáo lý vẫn có lầm lỗi; cái gì đã nói trong bộ luật cũng chưa phải là đã xong; xã hội không phải là hoàn hảo, quyền thế cũng có chỗ lung lay, cái bất biến có thể nứt rạn, quan tòa cũng chỉ là người, luật pháp có thể lầm lẫn, tòa án có thể sai chệch! Trên nền trời xanh như tấm kính, trông thấy có vết rạn.
Điều xảy ra trong người Giave là sự ngả nghiêng của một lương tâm vốn thẳng tắp, sự chệch đường của một tâm hồn, sự bẹp dí của một bản chất trung thực lao theo con đường thẳng nhưng lại va phải Chúa. Quả là lạ! Một người đốt lò trật tự, một người thợ máy của quyền lực nhà nước cưỡi con ngựa sắt mù, chạy trên đường thẳng, mà đột nhiên một tia sáng làm cho ngã ngựa! Cái bất dịch, cái thẳng thắn, cái đúng đắn, cái hình học, cái hoàn hảo lại càng nao núng đi! Đầu máy xe lửa mà lại chạy trên con đường ánh sáng!
Chúa luôn luôn ở bên trong chúng ta; Chúa là lương tâm chân chính chống lại lương tâm giả dối, là lệnh cấm tắt đối với đốm lửa, là lời phán truyền cho tia sáng phải nhớ vầng dương, là chỉ thị cho linh hồn phải nhận ra tuyệt đối chân chính khi nó đối diện với tuyệt đối hư ảo; Chúa là nhân loại bất diệt, là nhân tâm vĩnh cửu, cái hiện tượng huy hoàng, cái điều kỳ diệu đẹp nhất bên trong chúng ta đó, Giave có hiểu không? Hắn có nhận thức thấu đáo không? Hắn có thấy rõ không? Tất nhiên không. Tuy nhiên dưới áp lực của cái hiển nhiên không thể hiểu, hắn cảm thấy trí não hắn mở ra.
Hắn là nạn nhân của điều kỳ diệu ấy hơn là người được biến cải. Hắn chịu đựng một cách căm phẫn. Hắn chỉ thấy khó sống trong cảnh này. Hắn cảm thấy từ nay trở đi sẽ khó thở.
Giave chưa hề biết trên đầu mình còn có cái huyền bí.
Xưa nay, bên trên hắn, hắn chỉ thấy một mặt phẳng, giản đơn, trong suốt; ở đấy, chẳng có gì là bí mật, tối tăm; cái gì cũng rõ ràng, ăn khớp, dính chặt với nhau, chính xác, đúng đắn, tiếp giáp nhau, có ranh giới, có hạn định. Cái gì cũng thấy trước được; nhà nước là một mặt bằng phẳng; ở đây không có cái gì sụt xuống; cũng không có cái gì nhô lên cao ngất. Chỉ ở bên dưới hắn, mới có cái khó hiểu. Cái bất thường, cái bất ngờ, cái lỗ hổng mở vào cảnh ngổn ngang, cảnh phức tạp, nơi có thể trượt chân ngã xuống vực thẳm, đó là chuyện của những khu vực bên dưới, khu vực của những kẻ phiến loạn, những kẻ gian tà, những kẻ khốn khổ. Bây giờ Giave ngửa ra đằng sau, thì mới hoảng hồn nhận thấy một vực thẳm bất chợt xuất hiện trên đầu.
Chao ôi! Hắn bây giờ như cả một thành trì san bằng từ móng tới đỉnh. Hắn vô cùng bối rối! Biết trông cậy vào đâu? Điều hắn tin tưởng nay đã sụp đổ.
Thế nào! Hóa ra một tên khốn khổ cao thượng đã tìm thấy chỗ yếu trong cái vỏ xã hội. Thế nào! Hóa ra một người đầy tớ trung thành của luật pháp bỗng nhiên bị kẹt giữa hai trọng tội: tội thả một người và tội bắt giữ người ấy lại. Thế ra mệnh lệnh của nhà nước giao cho người viên chức cũng không phải là đúng cả! Trong nhiệm vụ, vẫn còn có những lối nghẽn tắc! Thế nào! Tất cả những cái ấy là sự thật cả ư! Có phải rằng một thằng kẻ cướp đã còng lưng dưới bao tội tình, nay lại có thể đứng ngay dậy và thắng lý không? Có thể tin được như thế không? Vậy ra có những trường hợp luật pháp phải lùi bước trước tội ác được cải tạo và ấp úng mấy câu xin lỗi!
Đúng, quả đúng như thế. Chính mắt Giave đã trông thấy! Chính tay Giave đã sờ thấy! Không những hắn không thể chối cãi, hắn còn là người đã tham dự vào việc ấy. Đấy là những sự thật hiển nhiên. Có điều ghê sợ là tại sao những việc hiển nhiên lại có thể dị kỳ quái gở đến thế!
Nếu sự kiện làm chứng nhiệm vụ của mình thì sự kiện chỉ là những bằng chứng của luật pháp; sự kiện do Chúa gửi xuống. Phải chăng ngày nay rối loạn lại tự trên trời xuống?
Sự hoảng loạn thường phóng đại sự việc, sự kinh hoàng thường làm cho ta bị ảo thị, cho nên cái gì có khả năng giảm nhẹ và chỉnh đốn cảm giác của Giave đều lu mờ, và xã hội, và nhân quần, và vũ trụ, từ nay dồn tóm thành một nét vẽ giản đơn và dị hợm. Thế là hình phạt, hình án, quyền lực của luật pháp, án quyết của tòa chung thẩm, quan tòa, chính phủ, việc giam cứu, việc trấn áp, sự sáng suốt của chính quyền, sự đúng đắn của luật pháp, nguyên tắc quyền lực, tất cả những giáo lý làm chỗ dựa cho nền an ninh công cộng, quyền uy, công lý, lôgic của hình bộ luật, cái tuyệt đối xã hội, chân lý công khai, tất cả những cái ấy đã đổ nát ngổn ngang, vung vãi, lộn xộn hay sao? Bản thân hắn, Giave người canh gác trật tự, hiện thân của liêm chính phục vụ sự nghiệp an ninh, thần gác cửa của xã hội, hắn đã bị thua, đã đo đất. Trên cảnh hoang tàn đổ nát ấy, có một người đứng đắn, mũ xanh trên đầu, hào quang quanh trán. Đấy, hắn đã lâm vào cảnh đảo lộn đó. Đầy cái hình ảnh ghê gớm đã hiện lên trong tâm hồn hắn.
Cái điều đó có thể chịu được không? Không.
Một tình trạng quyết liệt. Chỉ có hai lối thoát. Một là về ngay nhà Giăng Vangiăng, mang tù nhân trả lại cho nhà tù. Hai là…
Giave rời bỏ thành cầu, đầu ngẩng cao, quả quyết bước về phía đồn cảnh sát, nhờ có một cái đèn ở góc công viên Satơlê nên nhận thấy.
Đến nơi, nhìn qua cửa kính thấy một viên cẩm. Hắn bước vào đồn. Cứ xem cách mở cửa đồn, bọn cảnh binh cũng đủ biết là người cùng bọn. Giave xưng tên, đưa thẻ cho viên cẩm, rồi ngồi ở một cái bàn có thắp cây nến. Trên bàn có một cái bút, một lọ mực bằng chì, và giấy má để làm biên bản khi bất thần và ghi những nhận xét trong các cuộc tuần tra ban đêm.
Đồn cảnh sát nào cũng có cái bàn này, kèm theo một cái ghế rơm. Đó là một thể lệ. Giave cầm lấy cây bút và một tờ giấy rồi đặt bút viết. Hắn viết như sau:
“Mấy nhận xét để công việc nhà nước tiến hành được tốt.
Thứ nhất: xin ông thị trưởng cảnh sát chú ý.
Thứ hai: những người bị giam cứu từ phòng dự thẩm về thường phải cởi giầy ra, đi chân không để người ta khám xét. Nhiều người vì thế bị ho khi vào nhà pha. Như thế hao tốn cho quỹ bệnh xá.
Thứ ba: việc theo dõi kẻ phạm pháp bằng cảnh sát đặt từng chặng thì tốt, nhưng trong những trường hợp quan trọng, cần phải có hai cảnh sát ở gần nhau, trông thấy được nhau, để khi một người khiếm khuyết vì một cớ gì đó thì người kia có thể kiểm tra và thay thế.
Thứ tư: không hiểu tại sao nội quy riêng của ngục Mađơlonnét lại cấm tù nhân không được có ghế, dù họ có chịu trả tiền cũng không.
Thứ năm: ở ngục Mađơlonnét, căng tin chỉ có hai chấn song, nên chị bán hàng có thể để tù nhân sờ tay mình được.
Thứ sáu: những tù nhân có trách nhiệm gọi những tù nhân khác ra phòng tiếp, bắt người ta phải trả hai xu mới gọi rõ tên, như thế là một sự đánh cắp.
Thứ bảy: trong xưởng dệt, cứ mỗi sợi chỉ bung, tù nhân phải chịu khấu mười xu; như thế là người thầu khoán đã lạm dụng, bởi vì vải không vì thế mà kém phẩm chất.
Thứ tám: để những người khách thăm quan ở ngục La Phoócxơ phải qua sân trẻ con mới đến được phòng tiếp của ngục Xanh Mari Lêgipxiêng là điều bất lợi.
Thứ chín: ngày nào người ta cũng nghe thấy ở sân thị sở những viên sen đầm kháo nhau chuyện quan tòa hỏi cung bị cáo. Một viên sen đầm đáng lẽ phải nghiêm túc, mà kể lại những chuyện đã nghe được ở phòng dự thẩm thì là một sự mất nề nếp nghiêm trọng.
Thứ mười: bà Hăngri là một người ngay thẳng; căngtin của bà ấy khá sạch sẽ; nhưng để một người đàn bà giữ cửa của cái bẫy chuột bí mật thì không tốt. Điều ấy không đáng tồn tại ở nhà Khám lớn của một nước văn minh”.
Giave viết những dòng chữ trên rất bình tĩnh và rất đúng thể cách, không bỏ sót một dấu phẩy; hắn kéo ngòi bút chạy sàn sạt trên mặt giấy. Bên dưới dòng cuối cùng, hắn ký:
“Giave,
Thanh tra hạng nhất
Làm tại đồn quảng trường Satơlê,
Ngày 7 tháng sáu 1832, khoảng một giờ sáng”
Giave thấm mực ướt trên giấy, gấp như một phong thư, dán lại rồi đề ở ngoài: “Công văn gửi cơ quan quản lý”. Hắn để bức điện trên bàn rồi đi ra ngoài. Cái cửa kính có song sắt khép lại sau lưng hắn.
Hắn lại đi chéo qua quảng trường Satơlê, ra bến, rồi chính xác như cái máy, hắn trở lại đúng nơi cách đây mười lăm phút hắn vừa bỏ đi. Cũng cùng một dáng điệu y hệt lúc nãy, hắn tì vào bao lơn, vẫn ở hòn gạch lát ấy. Trông tưởng như từ lúc nãy hắn chưa hề nhúc nhích.
Đêm đã tối hẳn, lúc này là lúc quá nửa đêm, trời ảm đạm. Mây như bức trần nhà che lấp cả sao xa. Trời giống như một khoảng dày đặc ghê hồn. Nhà cửa trên đảo Xitê đã tắt ngấm đèn. Không một người qua lại. Từ phố xá, từ bến tàu trông ra, chỉ thấy vắng lặng. Nhà thờ Đức Bà và Tòa án trông như những nét phác họa của đêm khuya. Một cái đèn chiếu màu đỏ trên thành bến. Bóng những cái cầu lệch lạc trong sương mù, cái nọ xếp sau cái kia. Con sông tràn nước mưa.
Nơi thành bến mà Giave đứng tựa chính là nơi bên trên thác nước trong dòng sông Xen, như ta còn nhớ, ở ngay trên xoáy nước kinh người ta cứ xoăn lại, rồi lại mở ra như một cái đanh vít không cùng.
Giave cúi đầu xuống nhìn. Đen ngòm. Không thấy gì hết. Nghe thấy tiếng bọt, nhưng trông không thấy sông. Thỉnh thoảng, dưới cái vực sâu thăm thẳm, một vệt ánh sáng mờ mờ hiện ra, trườn trong bóng tối. Trong khoảng đêm tối mịt mù, không hiểu dòng sông lấy ánh sáng ở đâu mà biến thành hình rắn nước. Ánh nước tắt, lại chẳng trông thấy gì hết. Hình như đây là nơi đi vào mênh mông. Bên dưới chúng ta, không phải là nước, mà là vực thẳm. Thành bến dốc đứng, lờ mờ trong sương mù, bỗng biến đi, tưởng như là cái dốc dựng ngược của vô cùng vô tận.
Không trông thấy gì, nhưng như cảm thấy cái giá buốt hằn thù của nước lạnh và mùi đá ẩm ướt nhạt tanh. Một cơn gió gay gắt từ dưới vực bốc lên. Nước đang lên trong dòng sông chỉ đoán thấy chứ không trông rõ, tiếng sóng rầm rì thê thảm, bóng các nhịp cầu to lù lù dễ sợ, cái dòng thác có thể tưởng tượng trong khoảng không mờ mịt, tất cả bóng tối ấy thật là kinh khủng.
Giave đứng im như tượng mấy phút, mắt nhìn vào cái hố tối om ấy. Hắn đăm đăm nhìn vào cái khoảng vô hình với sự tập trung chú ý. Nước vẫn rì rào. Bỗng hắn bỏ mũ ra, đặt xuống bao lơn. Một lát sau, nếu có khách đêm khuya khoắt đi qua, ắt trông thấy một bóng người cao lớn, đen ngòm, như một bóng ma đứng trên bao lơn bến, cúi xuống sông Xen, rồi thẳng đứng người lên và rơi thẳng xuống vực thẳm. Một tiếng tõm đùng đục. Chỉ có bóng tối biết những cơn quằn quại của cái bóng mờ mờ chìm dưới dòng nước.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom