Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 147
X
ĐỨA CON PHUNG PHÍ CUỘC ĐỜI NAY LẠI TRỞ VỀ
Mỗi lần xe gặp ổ gà, máu trên tóc Mariuytx lại nhỏ xuống một giọt.
Lúc xe đến ngôi nhà số 6 phố Phiơ đuy Canve thì đã tối mịt.
Giave nhảy xuống trước tiên; hắn liếc nhìn số nhà trên cổng lớn. Hắn nhắc một cái búa nặng bằng sắt lên, gõ một nhát thật mạnh. Cái búa này chạm theo kiểu xưa, một con dê đánh nhau với thần Xatia.[339] Cổng hé mở, Giave đẩy mạnh. Bác gác ló ra nửa người, miệng ngáp, bộ còn ngái ngủ, tay bác cầm một cây nến.
[339] Satyres là tên những thần hạ đẳng mình người, chân dê trong thần thoại Hy-La cổ.
Nhà đã ngủ cả. Ở khu Mare thường người ta đi ngủ sớm, nhất là những ngày bạo động. Cái khu phố cổ hiền lành này thấy cách mạng là hoảng sợ, nên lẩn trốn trong giấc ngủ, cũng như là trẻ con thấy nói ông ba bị đến là vội rúc đầu vào trong chăn.
Lúc ấy Giăng Vangiăng và bác đánh xe khiêng Mariuytx ra khỏi xe, Giăng Vangiăng nâng nách còn bác kia đỡ hai chân.
Vừa khiêng Mariuytx như vậy, Giăng Vangiăng vừa luồn tay dưới lần áo rách bươm của chàng sờ lên ngực, thấy tim vẫn còn đập. Tim có phần lại đập yếu hơn, hình như xe lăn đi khiến anh hồi tỉnh lại được một phần. Giave gọi giật bác gác lại, thật đúng giọng một viên chức nhà nước gọi người gác cổng nhà một tên phiến loạn:
- Ai ở đây là Gilơnócmăng không?
- Có. Ông hỏi gì ạ?
- Người ta mang con ông ta về đây này.
- Con à? Bác ngây ngô hỏi.
- Hắn chết rồi.
Giăng Vangiăng rách tả tơi, bẩn thỉu, đi sau Giave; dáng người ông làm cho bác gác cổng kinh tởm. Ông lắc đầu ra hiệu là không phải chết.
Bác gác hình như chẳng hiểu tí gì về câu nói của Giave và cũng không hiểu dấu hiệu của Giăng Vangiăng.
Giave nói tiếp:
- Hắn ta đã ra chiến lũy, và bây giờ thì hắn đây này.
- Chiến lũy ư! Bác gác kêu.
- Hắn đi tìm cái chết. Vào đánh thức bố hắn dậy đi.
Bác gác không động đậy. Giave bảo:
- Đi đi chứ!
Rồi nói thế:
- Mai nhà này có đám ma.
Đối với Giave, những việc xảy ra trên đường đất nhà nước bao giờ cũng phải phân loại rạch ròi; đó là bước đầu để phòng xa và kiểm soát; và mỗi việc xảy ra đều thuộc một ngăn riêng. Những việc đó có thể xảy ra, như được xếp trong những ô kéo và tùy lúc mà chui ra, nhiều hay ít. Việc ngoài phố thì có huyên náo, biến động, hội hè, đám ma.
Bác gác chỉ đánh thức lão Bátxcơ. Lão Bátxcơ đánh thức Nicôlét. Nicôlét đánh thức bà dì Gilơnócmăng. Còn lão Gilơnócmăng thì họ cứ để ngủ yên; mọi người đều nghĩ rằng lão biết sau cũng chẳng muộn gì.
Người ta khiêng Mariuytx lên tầng gác thứ nhất trong khi mọi người ở trong nhà không hề hay biết, rồi đặt anh trên một chiếc trường kỷ ở chái bên ngoài buồng ông Gilơnócmăng. Trong lúc lão Bátxcơ đi tìm thầy thuốc và Nicôlét mở tủ quần áo, Giăng Vangiăng thấy bàn tay Giave mó lên vai mình. Ông hiểu ngay, vội đi xuống nhà, Giave theo sau bén gót.
Bác gác nhìn hai người đi ra, cũng như lúc nãy nhìn hai người vào nhà, vẻ mặt vừa ngái ngủ, vừa kinh hoàng.
Hai người lại lên xe, bác đánh xe cũng trèo lên ghế.
- Thưa ông thanh tra Giave - Giăng Vangiăng nói - xin ông một điều nữa.
Giave gay gắt hỏi:
- Điều gì?
- Xin ông cho tôi ghé qua nhà một chốc. Sau đó ông làm gì tôi cũng xin nghe.
Giave im lặng một lát, cằm thụt vào trong cổ áo dài. Rồi hắn hạ cái cửa kính phía trước xuống và bảo:
- Bác xe, phố Lomácmê, nhà số 7.
XI
CÁI TUYỆT ĐỐI BỊ LUNG LAY
Suốt dọc đường, hai người tuyệt đối không hé răng nói một lời nào nữa.
Giăng Vangiăng muốn gì? Làm nốt công việc ông đã bắt đầu; báo tin cho Côdét, nói cho Côdét biết Mariuytx ở đâu; có lẽ bày cho cô điều gì khác có lợi và nếu có thể thì thu xếp mấy điều tối hậu. Còn về phần ông, về phần đối với riêng ông, thì xong rồi. Giave đã bắt được ông, ông không kháng cự lại. Một người khác, ở trong trường hợp này, chắc là có thể lờ mờ nghĩ đến cái dây thừng Tênácđiê đã cho mình và những chấn song trong nhà ngục mình sẽ bước chân vào. Nhưng từ ngày gặp giám mục, mỗi lần đứng trước một vụ mưu hại nào, dù là đối với bản thân mình, bao giờ Giăng Vangiăng cũng phân vân trong lòng, mối phân vân của kẻ ngoại đạo.
Tự vẫn, một sự xúc phạm bí mật vào huyền bí có thể giết chết linh hồn, Giăng Vangiăng không thể làm việc ấy.
Xe vừa rẽ vào phố Lomácmê thì dừng lại; phố này hẹp quá, xe không vào được. Giave và Giăng Vangiăng nhảy xuống đất.
Bác lái xe khúm núm trình với “quan thanh tra” là tấm nhung Uytơrếch trong xe bê bết những máu của người bị giết và lấm bùn của thằng giết người. Ấy, bác hiểu như thế. Bác nói thêm là phải bồi thường cho bác. Vừa nói, bác rút ra ở túi một quyển sổ con, xin ông thanh tra làm ơn biên cho bác “mấy chữ nhận thực làm bằng”.
Giave lấy tay gạt quyển sổ của bác đánh xe đưa bảo:
- Hết bao nhiêu kể cả lúc đợi và chuyến chở?
- Thưa, đi bảy giờ mười lăm phút, còn tấm nhung thì mới nguyên ạ. Thưa ông thanh tra tám mươi phơrăng.
Giave móc túi lấy bốn đồng Napôlêông đưa cho bác đánh xe rồi cho bác đi.
Giăng Vangiăng nghĩ bụng chắc Giave định dẫn bộ ông về đồn Bơlăng Măngtô hay đồn Ácsivơ ngay gần đấy.
Hai người đi vào trong phố. Cũng như thường ngày phố hôm nay vắng vẻ, Giave bước theo Giăng Vangiăng. Đến căn nhà số 7, Giăng Vangiăng gõ cửa. Cửa mở. Giave nói:
- Được, anh lên đi.
Rồi hắn nói thêm, giọng lạc hẳn đi, nghe rất lạ lùng, mà hình như phải gắng sức lắm mới nói được:
- Tôi chờ anh ở đây.
Giăng Vangiăng nhìn Giave. Cái lối làm như thế, thật ít khi Giave làm. Nhưng, ông nghĩ ví dụ bây giờ Giave đối với ông có một thứ tự tin ngạo mạn đi nữa, thứ tin cậy của con mèo thả con chuột tự do trong tầm móng vuốt của mình; thì ông cũng chẳng để ý làm gì, vì ông đã quyết tâm sẽ nộp mình cho Giave và không còn chờ mong gì nữa. Ông đẩy cửa bước vào trong nhà. Ông bảo bác gác đã buông màn đi ngủ: “Tôi đây mà”, rồi ông lên gác.
Đến tầng thứ nhất, ông dừng lại nghỉ. Con đường đau khổ nào mà không có những chỗ nghỉ chân. Cái cửa sổ ở chỗ ngoặt trên cầu thang, một kiểu cửa sập lúc ấy, mở. Trong những căn nhà lối cổ, cầu thang thường sát ngay đường cho sáng và để nhìn xuống phố. Cái đèn ngoài phố ở ngay trước mặt, soi một chút ánh sáng trên bậc thang, như thế đỡ tốn được món tiền dầu…
Giăng Vangiăng nhô đầu ra ngoài, không biết là để thở hay bất giác làm như thế. Ông cúi xuống phố. Phố thì ngắn, cái đèn rủ soi sáng từ đầu phố đến cuối phố. Giăng Vangiăng bỗng rất đỗi kinh dị, sửng sốt; không một bóng người.
Giave đã đi mất.
XII
NGƯỜI ÔNG
Lão Bátxcơ và lão gác cổng đã khiêng Mariuytx, vẫn nằm im bên cái ghế lúc nãy, sang bên phòng khách. Thầy thuốc, có người đi mời, đã đến.
Bà dì Gilơnócmăng đi đi lại lại, tâm thần khiếp đảm, hai tay chắp vào nhau và chỉ có biết kêu: “Trời ơi, có thể như thế được không?” Thỉnh thoảng bà lại nói: “Rồi máu dây khắp nhà”. Khi cơn ghê rợn ban đầu đã qua, bà mới thấy trong đầu óc nảy ra cái triết lý về tình thế này và bà kêu lên: đã thế thì phải ra cơ sự thế này chứ! Bà không nói hẳn: Tôi đã bảo mà, như người ta thường nói trong những trường hợp như vậy.
Theo lời của thầy thuốc, người ta kê một cái ghế vải bên cạnh tràng kỷ. Thầy thuốc khám cho Mariuytx; ông thấy mạch vẫn đập, ngực không có vết thương nào sâu lắm, máu đọng ở hai bên mép là ứa ở mũi ra; ông liền cho đặt chàng nằm thẳng trên giường, bỏ gối đi cho đầu không cao hơn người, lại thấp hơn một chút nữa, mình thì cởi trần cho dễ thở. Bà dì Gilơnócmăng thấy người ta lột áo Mariuytx thì lui ra. Bà vào buồng cầu kinh.
Các bộ phận trong người Mariuytx không bị chấn thương; một viên đạn vấp cái ví, đi chệch quanh ngực làm rách một miếng thịt trông gớm ghiếc, nhưng không sâu, vì thế không nguy hiểm gì. Xương đòn gánh bị vỡ, lại đi một thôi dài dưới cống ngầm nên bị trẹo hẳn đi, gây rắc rối nghiêm trọng. Hai cánh tay bị chém nát. Không có vết thương nào làm xấu xí mặt mày; nhưng đầu đầy những vết chém. Những vết ấy sẽ ra sao? Có phải chỉ sướt ngoài da đầu không? Có chạm đến sọ không? Chưa thể nói quyết ngay được. Một triệu chứng trầm trọng là người bị thương ngất đi; nhiều khi ngất như vậy không tỉnh lại được nữa. Máu lại chảy nhiều nên kiệt lực. Từ thắt lưng trở xuống, nửa phần dưới người có chiến lũy che đỡ.
Lão Bátxcơ và Nicôlét xé vải làm băng. Nicôlét khâu, lão Bátxcơ cuốn. Vì thiếu vải bó, thầy thuốc phải tạm lấy bông để cầm máu. Bên cạnh giường trên một cái bàn, thắp ba ngọn nến; hộp đựng đồ giải phẫu bày la liệt trên bàn. Thầy thuốc lấy nước lạnh rửa mặt, rửa tóc cho Mariuytx. Chỉ một lát là thùng nước đã đỏ ngầu. Bác gác cổng, tay cầm cây nến soi cho sáng.
Thầy thuốc có dáng buồn buồn suy nghĩ. Thỉnh thoảng ông lại lắc đầu, hình như để trả lời một câu hỏi đặt thầm trong bụng. Những câu chuyện bí mật người thầy thuốc trao đổi với chính mình như vậy là một dấu hiệu không tốt cho bệnh nhân.
Giữa lúc thầy thuốc lau mặt cho Mariuytx và lấy ngón tay nhẹ nhàng đặt lên mi mắt vẫn nhắm kín, thì cánh cửa ở cuối phòng khách chợt mở; một khuôn mặt dài và tái hiện ra.
Người ấy là ông ngoại Mariuytx.
Đã hai hôm nay, cuộc bạo động làm cho lão Gilơnócmăng bồn chồn, phẫn uất, lo lắng. Đêm trước lão đã mất ngủ, suốt ngày hôm nay lão lên cơn sốt. Chiều tối lão đi nằm rất sớm, dặn người nhà phải khóa tất cả các cửa lại, rồi mệt quá, lão thiếp đi.
Người già vốn rất tỉnh ngủ; buồng lão Gilơnócmăng kề liền sát phòng khách; mặc dù mọi người cố sức nhẹ chân nhẹ tay, nhưng lão cũng thức dậy. Lão ngạc nhiên thấy một vệt ánh sáng lọt qua khe cửa, lão liền trở dậy và lần ra ngoài.
Lão đứng ở ngưỡng cửa, tay vịn vào quả đấm mỏ vịt trên cánh cửa mở hé, đầu rung rung hơi cúi về đằng trước, mình mặc một cái áo ngủ màu trắng buông thẳng, không có nếp, trông như một tấm khăn liệm, vẻ mặt ngạc nhiên. Trông lão như một bóng ma đang nhìn vào nấm mộ.
Lão thấy cái giường, và trên đệm một người máu me đầm đìa, da trắng bệch như bạch lạp, mắt nhắm, miệng há hốc, môi tái nhợt, mình cởi trần, be bét những vết thương đỏ lòm; người ấy không động đậy, ánh sáng soi vào, trông chói cả mắt.
Lão rùng mình từ đầu đến chân, tuy chân tay lão chỉ có da bọc xương. Lòng đen con mắt đã ngả vàng thế mà bỗng long lanh một màu sáng đục. Chỉ trong khoảnh khắc, mặt lão trở thành góc cạnh, xám xịt, trông như đầu lâu một bộ xương. Tay lão thõng xuống như lò xo bị gãy. Lão sửng sốt hết sức, mấy ngón tay doãng ra trên hai bàn tay run lẩy bẩy; đầu gối khuỵu về đằng trước, để lộ giữa hai tà áo hai ống chân lởm chởm lông trắng. Lão nói khe khẽ:
- Mariuytx.
- Thưa cụ - Bátxcơ thưa - người ta mới khiêng ông về. Ông ấy ra ngoài chiến lũy, và…
Lão già hét lên, giọng khủng khiếp:
- Nó chết rồi! Chao ôi! Thằng tướng cướp!
Rồi như có một sức biến dạng yêu ma nào, ông già trăm tuổi bỗng đứng thẳng người dậy như một thanh niên. Lão nói:
- Thưa ông, ông là thầy thuốc. Ông nói ngay cho tôi biết điều này. Nó chết rồi, phải không?
Thầy thuốc vô cùng lo lắng, nín lặng không nói.
Lão Gilơnócmăng vặn hai tay, phá lên cười ghê rợn:
- Nó chết rồi! Nó chết rồi! Nó dẫn xác ra chiến lũy để cho người ta giết chết! Nó oán ghét tôi! Nó làm ra cơ sự này để trả thù tôi! Trời! Thằng khát máu! Mày trở về như thế này ư? Khổ thân tôi, nó chết rồi!
Ông đi ra cửa sổ, mở toang ra như sắp chết ngạt. Rồi đứng trước bóng tối, ông nói với đêm khuya ngoài phố:
- Người ta đâm nó, chém nó, cắt cổ nó, giết chết nó, xé tan xác nó. Trông thằng khốn nạn đây này! Nó thừa biết là tôi chờ đợi nó, tôi đã thu xếp cái buồng cho nó; tôi để cái ảnh của nó chụp ngày còn nhỏ trên đầu giường tôi. Nó thừa biết là nó cứ việc trở về nhà, là tôi thầm gọi nó hàng bao nhiêu năm nay, là cứ tối tối tôi ngồi bên ngọn lửa, hai tay đặt trên đầu gối, không biết làm gì, và hóa như người mất trí. Mày thừa biết như thế, mày cứ việc về và bảo: tôi về đây, thế là mày làm chủ cái nhà này, mày bảo gì ta cũng nghe, mày muốn làm cái gì thằng già gàn dở này thì mày làm cơ mà. Mày biết thế, nhưng mày bảo:Không, cái lão này là một thằng bảo hoàng, ta không về đâu. Thế rồi mày ra chiến lũy, thế rồi mày có ác ý để cho người ta giết chết mày, mày muốn trả thù câu tao nói về ông công tước Đơ Beri. Mày thật là nham hiểm! Thôi các người hãy đi nghỉ đi, cứ việc ngủ yên đi. Nó chết rồi. Tôi thức dậy như thế này đây!
Thầy thuốc bắt đầu thấy lo ngại cho cả hai người. Ông bỏ Mariuytx, lại gần lão Gilơnócmăng, cầm cánh tay lão, lão Gilơnócmăng quay lại, nhìn thầy thuốc bằng con mắt như mở to hơn và đỏ ngầu những máu. Lão bình tĩnh nói với thầy thuốc:
- Thưa ông, xin cảm tạ ông. Tôi bình tĩnh, tôi đã từng thấy vua Luy XVI chết; tôi chịu đựng được tất cả những biến cố xảy ra. Việc ghê gớm nhất là nghĩ rằng chính báo chí của các ông gây ra tất cả các tội ác. Các ông có những văn sĩ quèn, những thằng nói láo, những thầy kiện, những diễn giả, những diễn đàn, những cuộc thảo luận; rồi, nào là tiến bộ, nào ánh sáng, nào tự do, nào nhân quyền, nào tự do báo chí; thế rồi, đây này, người ta khuân con cái các ông về nhà như thế này đấy. Úi già! Thằng Mariuytx! Thật ghê tởm! Bị giết! Chết trước tôi! Cái chiến lũy! À, thằng cướp! Thưa bác sĩ, hình như ông ở khu phố này. Tôi biết ông lắm. Đứng ở cửa sổ, tôi thường thấy xe của ông đi qua. Để tôi nói cho ông nghe. Ông chớ tưởng lầm rằng tôi đang cơn giận dữ. Ai lại giận một người chết bao giờ! Giận thì thật là ngu ngốc. Tay tôi đã nuôi nó. Lúc nó hãy còn tí ti thì tôi đã già rồi. Dạo ấy nó hay chơi ở vườn Tuylơri, nó cầm cái xẻng với cái ghế. Nó lấy xẻng đào hố đến đâu là tôi theo đến đấy, lấy gậy lấp hố để các viên thanh tra khỏi mắng. Một hôm nó hét: Đả đảo Luy XVIII, rồi bỏ đi mất! Có phải lỗi tại tôi đâu. Da nó hồng hồng, tóc nó vàng óng. Mẹ nó chết rồi. Ngài có thấy mọi đứa trẻ, đứa nào tóc cũng vàng không? Tại sao vậy? Nó là một thằng tướng cướp sông Loa. Nhưng trẻ thơ thì tội tình gì, bố nó làm bố nó chịu chứ! Tôi nhớ dạo nó thấp bằng thế này này. Nó không nói rõ chữ “d”. Giọng nó nói êm ái, líu ríu như chim ấy. Tôi còn nhớ một hôm, ở trước pho tượng Ecquyn Phácne, mọi người xúm xít quanh nó trầm trồ khen ngợi cái thằng bé sao mà xinh thế! Thật y như trong tranh ấy. Tôi thường lớn tiếng mắng nó, tôi giơ gậy lên dọa nó, nhưng nó thừa biết là tôi đùa thôi. Cứ buổi sáng, nó vào buồng tôi, tôi càu nhàu, nhưng thấy như có mặt trời. Chả tài nào làm ngơ với bọn tí nhau ấy được. Chúng nó bám lấy mình, giữ rịt mình, đuổi cũng không đi. Sự thật thì chẳng đứa bé nào bằng thằng bé này. Bây giờ, ngài thử nghĩ xem, những người như Laphaydét, Bengiamanh Côngxtăng, Tirơquya đơ Coocxen của các ông, bọn ấy giết chết cháu tôi đây này. Không thể thế được.
Lão đến gần Mariuytx, Mariuytx vẫn nhợt nhạt, không nhúc nhích; thầy thuốc đã trở lại với Mariuytx. Lão lại vặn hai tay. Hai môi trắng bệch của lão Gilơnócmăng tự nhiên mấp máy thốt ra những tiếng chỉ nghe thấy loáng thoáng, như những hơi thở trong một cơn thở dốc: - Trời! Đồ bạc ác! Trời! Hội kín với hội hở! Trời! Đồ vô lại! Đồ phiến loạn!
Đó là những lời một kẻ hấp hối trách móc một cái thây ma.
Rồi cũng như những cuộc nổ ngầm trong lòng đất, thế nào cũng phải phụt ra ngoài, ông lại nói một thôi dài, nhưng bình tĩnh như ông không còn sức nữa. Giọng ông trầm đục, thầm thì như vang lại từ bên kia vực thẳm:
- Nhưng cũng không sao, tôi, tôi cũng sắp chết rồi. Thế mà nghĩ rằng cả cái đất Pari này không có một cô ả nào mà lại không sướng tơi đi nếu được kết duyên với thằng chết tiệt này. Thằng khốn kiếp này không chơi cho sướng đời, lại đi đánh nhau để rồi bị đạn lăn ra chết như một con vật. Chết cho ai? Để làm gì? Cho nền cộng hòa! Đáng lẽ đi nhảy ở tiệm Sômie, thanh niên nào lại không làm cái nhiệm vụ ấy! Sống phí cả cái tuổi hai mươi! Nền cộng hòa à? Một sự điên rồ ngu ngốc! Đấy, các bà mẹ cứ đẻ con cho kháu vào! Thôi nó chết rồi. Thế là sẽ có hai đám tang đi qua dưới cổng xe. Mày đã hành thân hoại thể mày ra thế để cho được lòng ông tướng Lamác. Ông ta đã cho mày ăn gì nào? Chẳng qua một tay băm thịt, một lão ba hoa thôi. Đi hy sinh cho một người chết, cứ nghĩ đến cũng đủ phát điên rồi! Các ngài phải hiểu cho! Mới hai mươi tuổi mới ức chớ! Lại không quay đầu thử nhìn xem có để lại gì trên đời này không. Thế cho nên bây giờ các cụ già tội nghiệp phải chịu chết cô đơn. Cứ héo đi trong xó của mày, hỡi chim cú ạ! Ừ, thực ra, thế càng hay, đó là điều ta mong mỏi, lần này thì ta đi đứt. Ta già quá rồi; ta đến trăm tuổi rồi, trăm nghìn tuổi rồi. Ta có quyền chết đã từ lâu. Qua cái vụ này thì xong đời! Thế là hết, sung sướng chưa! Cho nó ngửi amôniắc làm quái gì nữa! Cả đống thuốc này nữa! Công toi! Thầy thuốc gì mà ngu thế! Thôi, nó chết rồi, nó chết thật rồi! Tôi biết thừa đi chứ, tôi cũng chết rồi cơ mà. Nó có làm gì nửa vời đâu. Hừ, cái thời này thật kinh tởm, kinh tởm, kinh tởm quá sức. Cả các ngài nữa cũng thế, cả những tư tưởng của các ngài, những chủ nghĩa, những ông thầy, những lời sấm, những nhà bác học, những anh văn sĩ bất lương, những nhà triết lý khốn nạn của các ngài và tất cả những cuộc cách mạng đã làm khiếp đảm đàn quạ ở dinh Tuylơri từ sáu mươi năm nay. Mày chết thế này, là mày chả thương ai thế thì tao còn buồn phiền làm gì, quân giết người kia.
Giữa lúc ấy, Mariuytx từ từ mở mắt, con mắt anh vẫn như còn lạ lùng tê mê nhìn lão Gilơnócmăng.
- Mariuytx! Mariuytx! Ông già reo lên. Bé Mariuytx ơi, con ơi! Con yêu quý ơi! Con mở mắt rồi, con nhìn ông rồi, con còn sống, ơn trời!
Thế rồi lão lăn ra, bất tỉnh.
ĐỨA CON PHUNG PHÍ CUỘC ĐỜI NAY LẠI TRỞ VỀ
Mỗi lần xe gặp ổ gà, máu trên tóc Mariuytx lại nhỏ xuống một giọt.
Lúc xe đến ngôi nhà số 6 phố Phiơ đuy Canve thì đã tối mịt.
Giave nhảy xuống trước tiên; hắn liếc nhìn số nhà trên cổng lớn. Hắn nhắc một cái búa nặng bằng sắt lên, gõ một nhát thật mạnh. Cái búa này chạm theo kiểu xưa, một con dê đánh nhau với thần Xatia.[339] Cổng hé mở, Giave đẩy mạnh. Bác gác ló ra nửa người, miệng ngáp, bộ còn ngái ngủ, tay bác cầm một cây nến.
[339] Satyres là tên những thần hạ đẳng mình người, chân dê trong thần thoại Hy-La cổ.
Nhà đã ngủ cả. Ở khu Mare thường người ta đi ngủ sớm, nhất là những ngày bạo động. Cái khu phố cổ hiền lành này thấy cách mạng là hoảng sợ, nên lẩn trốn trong giấc ngủ, cũng như là trẻ con thấy nói ông ba bị đến là vội rúc đầu vào trong chăn.
Lúc ấy Giăng Vangiăng và bác đánh xe khiêng Mariuytx ra khỏi xe, Giăng Vangiăng nâng nách còn bác kia đỡ hai chân.
Vừa khiêng Mariuytx như vậy, Giăng Vangiăng vừa luồn tay dưới lần áo rách bươm của chàng sờ lên ngực, thấy tim vẫn còn đập. Tim có phần lại đập yếu hơn, hình như xe lăn đi khiến anh hồi tỉnh lại được một phần. Giave gọi giật bác gác lại, thật đúng giọng một viên chức nhà nước gọi người gác cổng nhà một tên phiến loạn:
- Ai ở đây là Gilơnócmăng không?
- Có. Ông hỏi gì ạ?
- Người ta mang con ông ta về đây này.
- Con à? Bác ngây ngô hỏi.
- Hắn chết rồi.
Giăng Vangiăng rách tả tơi, bẩn thỉu, đi sau Giave; dáng người ông làm cho bác gác cổng kinh tởm. Ông lắc đầu ra hiệu là không phải chết.
Bác gác hình như chẳng hiểu tí gì về câu nói của Giave và cũng không hiểu dấu hiệu của Giăng Vangiăng.
Giave nói tiếp:
- Hắn ta đã ra chiến lũy, và bây giờ thì hắn đây này.
- Chiến lũy ư! Bác gác kêu.
- Hắn đi tìm cái chết. Vào đánh thức bố hắn dậy đi.
Bác gác không động đậy. Giave bảo:
- Đi đi chứ!
Rồi nói thế:
- Mai nhà này có đám ma.
Đối với Giave, những việc xảy ra trên đường đất nhà nước bao giờ cũng phải phân loại rạch ròi; đó là bước đầu để phòng xa và kiểm soát; và mỗi việc xảy ra đều thuộc một ngăn riêng. Những việc đó có thể xảy ra, như được xếp trong những ô kéo và tùy lúc mà chui ra, nhiều hay ít. Việc ngoài phố thì có huyên náo, biến động, hội hè, đám ma.
Bác gác chỉ đánh thức lão Bátxcơ. Lão Bátxcơ đánh thức Nicôlét. Nicôlét đánh thức bà dì Gilơnócmăng. Còn lão Gilơnócmăng thì họ cứ để ngủ yên; mọi người đều nghĩ rằng lão biết sau cũng chẳng muộn gì.
Người ta khiêng Mariuytx lên tầng gác thứ nhất trong khi mọi người ở trong nhà không hề hay biết, rồi đặt anh trên một chiếc trường kỷ ở chái bên ngoài buồng ông Gilơnócmăng. Trong lúc lão Bátxcơ đi tìm thầy thuốc và Nicôlét mở tủ quần áo, Giăng Vangiăng thấy bàn tay Giave mó lên vai mình. Ông hiểu ngay, vội đi xuống nhà, Giave theo sau bén gót.
Bác gác nhìn hai người đi ra, cũng như lúc nãy nhìn hai người vào nhà, vẻ mặt vừa ngái ngủ, vừa kinh hoàng.
Hai người lại lên xe, bác đánh xe cũng trèo lên ghế.
- Thưa ông thanh tra Giave - Giăng Vangiăng nói - xin ông một điều nữa.
Giave gay gắt hỏi:
- Điều gì?
- Xin ông cho tôi ghé qua nhà một chốc. Sau đó ông làm gì tôi cũng xin nghe.
Giave im lặng một lát, cằm thụt vào trong cổ áo dài. Rồi hắn hạ cái cửa kính phía trước xuống và bảo:
- Bác xe, phố Lomácmê, nhà số 7.
XI
CÁI TUYỆT ĐỐI BỊ LUNG LAY
Suốt dọc đường, hai người tuyệt đối không hé răng nói một lời nào nữa.
Giăng Vangiăng muốn gì? Làm nốt công việc ông đã bắt đầu; báo tin cho Côdét, nói cho Côdét biết Mariuytx ở đâu; có lẽ bày cho cô điều gì khác có lợi và nếu có thể thì thu xếp mấy điều tối hậu. Còn về phần ông, về phần đối với riêng ông, thì xong rồi. Giave đã bắt được ông, ông không kháng cự lại. Một người khác, ở trong trường hợp này, chắc là có thể lờ mờ nghĩ đến cái dây thừng Tênácđiê đã cho mình và những chấn song trong nhà ngục mình sẽ bước chân vào. Nhưng từ ngày gặp giám mục, mỗi lần đứng trước một vụ mưu hại nào, dù là đối với bản thân mình, bao giờ Giăng Vangiăng cũng phân vân trong lòng, mối phân vân của kẻ ngoại đạo.
Tự vẫn, một sự xúc phạm bí mật vào huyền bí có thể giết chết linh hồn, Giăng Vangiăng không thể làm việc ấy.
Xe vừa rẽ vào phố Lomácmê thì dừng lại; phố này hẹp quá, xe không vào được. Giave và Giăng Vangiăng nhảy xuống đất.
Bác lái xe khúm núm trình với “quan thanh tra” là tấm nhung Uytơrếch trong xe bê bết những máu của người bị giết và lấm bùn của thằng giết người. Ấy, bác hiểu như thế. Bác nói thêm là phải bồi thường cho bác. Vừa nói, bác rút ra ở túi một quyển sổ con, xin ông thanh tra làm ơn biên cho bác “mấy chữ nhận thực làm bằng”.
Giave lấy tay gạt quyển sổ của bác đánh xe đưa bảo:
- Hết bao nhiêu kể cả lúc đợi và chuyến chở?
- Thưa, đi bảy giờ mười lăm phút, còn tấm nhung thì mới nguyên ạ. Thưa ông thanh tra tám mươi phơrăng.
Giave móc túi lấy bốn đồng Napôlêông đưa cho bác đánh xe rồi cho bác đi.
Giăng Vangiăng nghĩ bụng chắc Giave định dẫn bộ ông về đồn Bơlăng Măngtô hay đồn Ácsivơ ngay gần đấy.
Hai người đi vào trong phố. Cũng như thường ngày phố hôm nay vắng vẻ, Giave bước theo Giăng Vangiăng. Đến căn nhà số 7, Giăng Vangiăng gõ cửa. Cửa mở. Giave nói:
- Được, anh lên đi.
Rồi hắn nói thêm, giọng lạc hẳn đi, nghe rất lạ lùng, mà hình như phải gắng sức lắm mới nói được:
- Tôi chờ anh ở đây.
Giăng Vangiăng nhìn Giave. Cái lối làm như thế, thật ít khi Giave làm. Nhưng, ông nghĩ ví dụ bây giờ Giave đối với ông có một thứ tự tin ngạo mạn đi nữa, thứ tin cậy của con mèo thả con chuột tự do trong tầm móng vuốt của mình; thì ông cũng chẳng để ý làm gì, vì ông đã quyết tâm sẽ nộp mình cho Giave và không còn chờ mong gì nữa. Ông đẩy cửa bước vào trong nhà. Ông bảo bác gác đã buông màn đi ngủ: “Tôi đây mà”, rồi ông lên gác.
Đến tầng thứ nhất, ông dừng lại nghỉ. Con đường đau khổ nào mà không có những chỗ nghỉ chân. Cái cửa sổ ở chỗ ngoặt trên cầu thang, một kiểu cửa sập lúc ấy, mở. Trong những căn nhà lối cổ, cầu thang thường sát ngay đường cho sáng và để nhìn xuống phố. Cái đèn ngoài phố ở ngay trước mặt, soi một chút ánh sáng trên bậc thang, như thế đỡ tốn được món tiền dầu…
Giăng Vangiăng nhô đầu ra ngoài, không biết là để thở hay bất giác làm như thế. Ông cúi xuống phố. Phố thì ngắn, cái đèn rủ soi sáng từ đầu phố đến cuối phố. Giăng Vangiăng bỗng rất đỗi kinh dị, sửng sốt; không một bóng người.
Giave đã đi mất.
XII
NGƯỜI ÔNG
Lão Bátxcơ và lão gác cổng đã khiêng Mariuytx, vẫn nằm im bên cái ghế lúc nãy, sang bên phòng khách. Thầy thuốc, có người đi mời, đã đến.
Bà dì Gilơnócmăng đi đi lại lại, tâm thần khiếp đảm, hai tay chắp vào nhau và chỉ có biết kêu: “Trời ơi, có thể như thế được không?” Thỉnh thoảng bà lại nói: “Rồi máu dây khắp nhà”. Khi cơn ghê rợn ban đầu đã qua, bà mới thấy trong đầu óc nảy ra cái triết lý về tình thế này và bà kêu lên: đã thế thì phải ra cơ sự thế này chứ! Bà không nói hẳn: Tôi đã bảo mà, như người ta thường nói trong những trường hợp như vậy.
Theo lời của thầy thuốc, người ta kê một cái ghế vải bên cạnh tràng kỷ. Thầy thuốc khám cho Mariuytx; ông thấy mạch vẫn đập, ngực không có vết thương nào sâu lắm, máu đọng ở hai bên mép là ứa ở mũi ra; ông liền cho đặt chàng nằm thẳng trên giường, bỏ gối đi cho đầu không cao hơn người, lại thấp hơn một chút nữa, mình thì cởi trần cho dễ thở. Bà dì Gilơnócmăng thấy người ta lột áo Mariuytx thì lui ra. Bà vào buồng cầu kinh.
Các bộ phận trong người Mariuytx không bị chấn thương; một viên đạn vấp cái ví, đi chệch quanh ngực làm rách một miếng thịt trông gớm ghiếc, nhưng không sâu, vì thế không nguy hiểm gì. Xương đòn gánh bị vỡ, lại đi một thôi dài dưới cống ngầm nên bị trẹo hẳn đi, gây rắc rối nghiêm trọng. Hai cánh tay bị chém nát. Không có vết thương nào làm xấu xí mặt mày; nhưng đầu đầy những vết chém. Những vết ấy sẽ ra sao? Có phải chỉ sướt ngoài da đầu không? Có chạm đến sọ không? Chưa thể nói quyết ngay được. Một triệu chứng trầm trọng là người bị thương ngất đi; nhiều khi ngất như vậy không tỉnh lại được nữa. Máu lại chảy nhiều nên kiệt lực. Từ thắt lưng trở xuống, nửa phần dưới người có chiến lũy che đỡ.
Lão Bátxcơ và Nicôlét xé vải làm băng. Nicôlét khâu, lão Bátxcơ cuốn. Vì thiếu vải bó, thầy thuốc phải tạm lấy bông để cầm máu. Bên cạnh giường trên một cái bàn, thắp ba ngọn nến; hộp đựng đồ giải phẫu bày la liệt trên bàn. Thầy thuốc lấy nước lạnh rửa mặt, rửa tóc cho Mariuytx. Chỉ một lát là thùng nước đã đỏ ngầu. Bác gác cổng, tay cầm cây nến soi cho sáng.
Thầy thuốc có dáng buồn buồn suy nghĩ. Thỉnh thoảng ông lại lắc đầu, hình như để trả lời một câu hỏi đặt thầm trong bụng. Những câu chuyện bí mật người thầy thuốc trao đổi với chính mình như vậy là một dấu hiệu không tốt cho bệnh nhân.
Giữa lúc thầy thuốc lau mặt cho Mariuytx và lấy ngón tay nhẹ nhàng đặt lên mi mắt vẫn nhắm kín, thì cánh cửa ở cuối phòng khách chợt mở; một khuôn mặt dài và tái hiện ra.
Người ấy là ông ngoại Mariuytx.
Đã hai hôm nay, cuộc bạo động làm cho lão Gilơnócmăng bồn chồn, phẫn uất, lo lắng. Đêm trước lão đã mất ngủ, suốt ngày hôm nay lão lên cơn sốt. Chiều tối lão đi nằm rất sớm, dặn người nhà phải khóa tất cả các cửa lại, rồi mệt quá, lão thiếp đi.
Người già vốn rất tỉnh ngủ; buồng lão Gilơnócmăng kề liền sát phòng khách; mặc dù mọi người cố sức nhẹ chân nhẹ tay, nhưng lão cũng thức dậy. Lão ngạc nhiên thấy một vệt ánh sáng lọt qua khe cửa, lão liền trở dậy và lần ra ngoài.
Lão đứng ở ngưỡng cửa, tay vịn vào quả đấm mỏ vịt trên cánh cửa mở hé, đầu rung rung hơi cúi về đằng trước, mình mặc một cái áo ngủ màu trắng buông thẳng, không có nếp, trông như một tấm khăn liệm, vẻ mặt ngạc nhiên. Trông lão như một bóng ma đang nhìn vào nấm mộ.
Lão thấy cái giường, và trên đệm một người máu me đầm đìa, da trắng bệch như bạch lạp, mắt nhắm, miệng há hốc, môi tái nhợt, mình cởi trần, be bét những vết thương đỏ lòm; người ấy không động đậy, ánh sáng soi vào, trông chói cả mắt.
Lão rùng mình từ đầu đến chân, tuy chân tay lão chỉ có da bọc xương. Lòng đen con mắt đã ngả vàng thế mà bỗng long lanh một màu sáng đục. Chỉ trong khoảnh khắc, mặt lão trở thành góc cạnh, xám xịt, trông như đầu lâu một bộ xương. Tay lão thõng xuống như lò xo bị gãy. Lão sửng sốt hết sức, mấy ngón tay doãng ra trên hai bàn tay run lẩy bẩy; đầu gối khuỵu về đằng trước, để lộ giữa hai tà áo hai ống chân lởm chởm lông trắng. Lão nói khe khẽ:
- Mariuytx.
- Thưa cụ - Bátxcơ thưa - người ta mới khiêng ông về. Ông ấy ra ngoài chiến lũy, và…
Lão già hét lên, giọng khủng khiếp:
- Nó chết rồi! Chao ôi! Thằng tướng cướp!
Rồi như có một sức biến dạng yêu ma nào, ông già trăm tuổi bỗng đứng thẳng người dậy như một thanh niên. Lão nói:
- Thưa ông, ông là thầy thuốc. Ông nói ngay cho tôi biết điều này. Nó chết rồi, phải không?
Thầy thuốc vô cùng lo lắng, nín lặng không nói.
Lão Gilơnócmăng vặn hai tay, phá lên cười ghê rợn:
- Nó chết rồi! Nó chết rồi! Nó dẫn xác ra chiến lũy để cho người ta giết chết! Nó oán ghét tôi! Nó làm ra cơ sự này để trả thù tôi! Trời! Thằng khát máu! Mày trở về như thế này ư? Khổ thân tôi, nó chết rồi!
Ông đi ra cửa sổ, mở toang ra như sắp chết ngạt. Rồi đứng trước bóng tối, ông nói với đêm khuya ngoài phố:
- Người ta đâm nó, chém nó, cắt cổ nó, giết chết nó, xé tan xác nó. Trông thằng khốn nạn đây này! Nó thừa biết là tôi chờ đợi nó, tôi đã thu xếp cái buồng cho nó; tôi để cái ảnh của nó chụp ngày còn nhỏ trên đầu giường tôi. Nó thừa biết là nó cứ việc trở về nhà, là tôi thầm gọi nó hàng bao nhiêu năm nay, là cứ tối tối tôi ngồi bên ngọn lửa, hai tay đặt trên đầu gối, không biết làm gì, và hóa như người mất trí. Mày thừa biết như thế, mày cứ việc về và bảo: tôi về đây, thế là mày làm chủ cái nhà này, mày bảo gì ta cũng nghe, mày muốn làm cái gì thằng già gàn dở này thì mày làm cơ mà. Mày biết thế, nhưng mày bảo:Không, cái lão này là một thằng bảo hoàng, ta không về đâu. Thế rồi mày ra chiến lũy, thế rồi mày có ác ý để cho người ta giết chết mày, mày muốn trả thù câu tao nói về ông công tước Đơ Beri. Mày thật là nham hiểm! Thôi các người hãy đi nghỉ đi, cứ việc ngủ yên đi. Nó chết rồi. Tôi thức dậy như thế này đây!
Thầy thuốc bắt đầu thấy lo ngại cho cả hai người. Ông bỏ Mariuytx, lại gần lão Gilơnócmăng, cầm cánh tay lão, lão Gilơnócmăng quay lại, nhìn thầy thuốc bằng con mắt như mở to hơn và đỏ ngầu những máu. Lão bình tĩnh nói với thầy thuốc:
- Thưa ông, xin cảm tạ ông. Tôi bình tĩnh, tôi đã từng thấy vua Luy XVI chết; tôi chịu đựng được tất cả những biến cố xảy ra. Việc ghê gớm nhất là nghĩ rằng chính báo chí của các ông gây ra tất cả các tội ác. Các ông có những văn sĩ quèn, những thằng nói láo, những thầy kiện, những diễn giả, những diễn đàn, những cuộc thảo luận; rồi, nào là tiến bộ, nào ánh sáng, nào tự do, nào nhân quyền, nào tự do báo chí; thế rồi, đây này, người ta khuân con cái các ông về nhà như thế này đấy. Úi già! Thằng Mariuytx! Thật ghê tởm! Bị giết! Chết trước tôi! Cái chiến lũy! À, thằng cướp! Thưa bác sĩ, hình như ông ở khu phố này. Tôi biết ông lắm. Đứng ở cửa sổ, tôi thường thấy xe của ông đi qua. Để tôi nói cho ông nghe. Ông chớ tưởng lầm rằng tôi đang cơn giận dữ. Ai lại giận một người chết bao giờ! Giận thì thật là ngu ngốc. Tay tôi đã nuôi nó. Lúc nó hãy còn tí ti thì tôi đã già rồi. Dạo ấy nó hay chơi ở vườn Tuylơri, nó cầm cái xẻng với cái ghế. Nó lấy xẻng đào hố đến đâu là tôi theo đến đấy, lấy gậy lấp hố để các viên thanh tra khỏi mắng. Một hôm nó hét: Đả đảo Luy XVIII, rồi bỏ đi mất! Có phải lỗi tại tôi đâu. Da nó hồng hồng, tóc nó vàng óng. Mẹ nó chết rồi. Ngài có thấy mọi đứa trẻ, đứa nào tóc cũng vàng không? Tại sao vậy? Nó là một thằng tướng cướp sông Loa. Nhưng trẻ thơ thì tội tình gì, bố nó làm bố nó chịu chứ! Tôi nhớ dạo nó thấp bằng thế này này. Nó không nói rõ chữ “d”. Giọng nó nói êm ái, líu ríu như chim ấy. Tôi còn nhớ một hôm, ở trước pho tượng Ecquyn Phácne, mọi người xúm xít quanh nó trầm trồ khen ngợi cái thằng bé sao mà xinh thế! Thật y như trong tranh ấy. Tôi thường lớn tiếng mắng nó, tôi giơ gậy lên dọa nó, nhưng nó thừa biết là tôi đùa thôi. Cứ buổi sáng, nó vào buồng tôi, tôi càu nhàu, nhưng thấy như có mặt trời. Chả tài nào làm ngơ với bọn tí nhau ấy được. Chúng nó bám lấy mình, giữ rịt mình, đuổi cũng không đi. Sự thật thì chẳng đứa bé nào bằng thằng bé này. Bây giờ, ngài thử nghĩ xem, những người như Laphaydét, Bengiamanh Côngxtăng, Tirơquya đơ Coocxen của các ông, bọn ấy giết chết cháu tôi đây này. Không thể thế được.
Lão đến gần Mariuytx, Mariuytx vẫn nhợt nhạt, không nhúc nhích; thầy thuốc đã trở lại với Mariuytx. Lão lại vặn hai tay. Hai môi trắng bệch của lão Gilơnócmăng tự nhiên mấp máy thốt ra những tiếng chỉ nghe thấy loáng thoáng, như những hơi thở trong một cơn thở dốc: - Trời! Đồ bạc ác! Trời! Hội kín với hội hở! Trời! Đồ vô lại! Đồ phiến loạn!
Đó là những lời một kẻ hấp hối trách móc một cái thây ma.
Rồi cũng như những cuộc nổ ngầm trong lòng đất, thế nào cũng phải phụt ra ngoài, ông lại nói một thôi dài, nhưng bình tĩnh như ông không còn sức nữa. Giọng ông trầm đục, thầm thì như vang lại từ bên kia vực thẳm:
- Nhưng cũng không sao, tôi, tôi cũng sắp chết rồi. Thế mà nghĩ rằng cả cái đất Pari này không có một cô ả nào mà lại không sướng tơi đi nếu được kết duyên với thằng chết tiệt này. Thằng khốn kiếp này không chơi cho sướng đời, lại đi đánh nhau để rồi bị đạn lăn ra chết như một con vật. Chết cho ai? Để làm gì? Cho nền cộng hòa! Đáng lẽ đi nhảy ở tiệm Sômie, thanh niên nào lại không làm cái nhiệm vụ ấy! Sống phí cả cái tuổi hai mươi! Nền cộng hòa à? Một sự điên rồ ngu ngốc! Đấy, các bà mẹ cứ đẻ con cho kháu vào! Thôi nó chết rồi. Thế là sẽ có hai đám tang đi qua dưới cổng xe. Mày đã hành thân hoại thể mày ra thế để cho được lòng ông tướng Lamác. Ông ta đã cho mày ăn gì nào? Chẳng qua một tay băm thịt, một lão ba hoa thôi. Đi hy sinh cho một người chết, cứ nghĩ đến cũng đủ phát điên rồi! Các ngài phải hiểu cho! Mới hai mươi tuổi mới ức chớ! Lại không quay đầu thử nhìn xem có để lại gì trên đời này không. Thế cho nên bây giờ các cụ già tội nghiệp phải chịu chết cô đơn. Cứ héo đi trong xó của mày, hỡi chim cú ạ! Ừ, thực ra, thế càng hay, đó là điều ta mong mỏi, lần này thì ta đi đứt. Ta già quá rồi; ta đến trăm tuổi rồi, trăm nghìn tuổi rồi. Ta có quyền chết đã từ lâu. Qua cái vụ này thì xong đời! Thế là hết, sung sướng chưa! Cho nó ngửi amôniắc làm quái gì nữa! Cả đống thuốc này nữa! Công toi! Thầy thuốc gì mà ngu thế! Thôi, nó chết rồi, nó chết thật rồi! Tôi biết thừa đi chứ, tôi cũng chết rồi cơ mà. Nó có làm gì nửa vời đâu. Hừ, cái thời này thật kinh tởm, kinh tởm, kinh tởm quá sức. Cả các ngài nữa cũng thế, cả những tư tưởng của các ngài, những chủ nghĩa, những ông thầy, những lời sấm, những nhà bác học, những anh văn sĩ bất lương, những nhà triết lý khốn nạn của các ngài và tất cả những cuộc cách mạng đã làm khiếp đảm đàn quạ ở dinh Tuylơri từ sáu mươi năm nay. Mày chết thế này, là mày chả thương ai thế thì tao còn buồn phiền làm gì, quân giết người kia.
Giữa lúc ấy, Mariuytx từ từ mở mắt, con mắt anh vẫn như còn lạ lùng tê mê nhìn lão Gilơnócmăng.
- Mariuytx! Mariuytx! Ông già reo lên. Bé Mariuytx ơi, con ơi! Con yêu quý ơi! Con mở mắt rồi, con nhìn ông rồi, con còn sống, ơn trời!
Thế rồi lão lăn ra, bất tỉnh.