• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (1 Viewer)

  • Chương 123

QUYỂN XII: CÔRANH
I
LỊCH SỬ CÔRANH TỪ NGÀY ĐƯỢC XÂY DỰNG
Ngày nay những người Pari đi từ phía chợ vào phố Răngbuytô thường để ý về bên phải, ở trước phố Môngđêtua, một hiệu làm đồ mây dùng làm bảng hiệu một cái giỏ mang hình dáng Napôlêông đại đế, với những chữ khắc:
NAPÔLÊÔNG LÀM TOÀN BẰNG MÂY
Những người ấy không mảy may ngờ rằng tại đây đã diễn ra những cảnh tượng kinh hồn cách mới ba mươi năm thôi.
Nơi đây ngày xưa là phố Săngvrơri[228] mà giấy mực cũ viết là Săngverơri,[229] có cái quán rượu nổi tiếng gọi là quán Côranh.
[228] Chanvrerie
[229] Chanverrerie
Bạn đọc còn nhớ những điều đã nói về cái chiến lũy dựng lên ở đây, chiến lũy này vốn bị chiến lũy phố Xanh Meri át đi. Chúng tôi sẽ rọi một ít ánh sáng vào cái chiến lũy phố Săngvrơri lừng danh ngày nay đã hoàn toàn bị lãng quên đó. Bạn đọc hãy cho phép chúng tôi dùng lại cái phương pháp giản đơn đã dùng khi nói về trận Oatéclô, để cho câu chuyện càng sáng tỏ. Những ai muốn hình dung một cách khá đúng đắn những khối nhà thuở ấy ở gần mũi Xanh Oxtasơ, góc đông bắc chợ Pari, nơi ngày nay là đầu phố Răngbuytô, thì hãy tưởng tượng ra một chữ N. Chữ N đó đầu giáp phố Xanh Đơni, chân tựa khu chợ, hai nét đứng là hai phố Grăngđơ Tơruyăngđri và Săngvrơri, nét huyền là phố Pơtit Tơruyăngđri. Phố Môngđêtua cũ kỹ cắt ngang các phố kia những góc khúc khuỷu nhất. Tất cả bốn đường phố chằng chịt rối rắm đó đủ để tạo nên bảy cụm nhà cửa cách biệt nhau như bảy hòn đảo nhỏ, trong một khoảng đất không rộng quá bốn mẫu, giữa một bên là khu chợ và phố Xanh Đơni, một bên là phố Xinhơ và phố Prêsơ. Bảy cụm nhà đó lớn nhỏ khác nhau, hình thù kỳ dị, xếp đặt ngang ngửa như là ngẫu nhiên hình thành và cách nhau chỉ bằng những kẽ hẹp y như các tảng đá trong một công trường.
Chúng tôi nói những kẽ hẹp là để bạn đọc có một ý niệm chính xác về những đường phố tối tăm, chật hẹp đầy góc cạnh, hai bên có những ngôi nhà ọp ẹp tám tầng. Những ngôi nhà ấy già nua mục nát đến nỗi các mặt tiền quay ra phố Săngvrơri và phố Pơtit Tơruyăngđri từ nhà này sang nhà khác đều có những cây đòn dài chống đỡ. Đường phố hẹp mà lòng lại rộng cho nên người đi đường cứ phải luôn giẫm trên nền đá ẩm ướt, đi sát những hiệu hàng giống các buồng hầm. Những trụ bọc niềng sắt. Những đống rác quá cỡ, những cổng có cửa sắt to lớn và cũ kỹ.
Cái tên Môngđêtua[230] nói được tài tình cái cảnh khúc khuỷu của các đường phố đó. Xa hơn một chút, người ta còn thấy cảnh ấy được diễn tả thần tình hơn nữa với cái tên phố Piruét,[231] phố này đổ ra phố Môngđêtua.
[230] Mondétour viết lời (mondéteur) có nghĩa là khúc quanh co, khúc ngoặt của tôi.
[231] Pirouette: con quay, một vòng xoay người.
Người đi đường đi từ phố Xanh Đơni vào phố Săngvrơri thấy nó hẹp dần lại như đi vào một cái phễu sâu. Đường phố rất ngắn, đến cuối phố sẽ thấy một dãy nhà cao chắn lối về phía khu chợ. Người khách tưởng mình đã đi vào một ngõ cụt nếu không thấy ở hai bên có hai lối đi như đường hầm. Đó là phố Môngđêtua, phía bên này thì dẫn đến phố Xinhơ và phố Pơtit Tơruyăngđri. Ở đây cái thứ ngõ cụt đó, nơi góc đường hầm rẽ phải, người ta để ý đến một ngôi nhà thấp hơn các cái khác và nhô ra đường.
Cái nhà có hai tầng gác đó chính là nơi từ ba trăm năm nay chễm chệ một cái quán bất hủ. Cái quán ấy là một nốt nhạc vui ở chính cái nơi mà ông bạn Têôphin[232] đã chỉ ra trong hai câu thơ:
Nơi đây đu đưa bộ xương gớm ghiếc
Của một chàng trai tội nghiệp treo cổ vì tình.
Chỗ này thuận lợi, chủ quán cha truyền con nối dọn hàng ở đây.
Thời Matuyranh Rênhiê,[233] cái quán ấy lấy tên là Lọ-hoa-hồng.[234] Và thời ấy có cái mốt lấy hình đoán chữ, cho nên bảng hiệu của nó là một cái cọc sơn hồng. Thế kỷ trước, họa sĩ Natoa, một bậc thầy về lối hiếu kỳ ngày nay bị trường phái cứng nhắc khinh thị, đã từng ngồi uống say khướt ở cái bàn xưa kia Rênhiê cũng đánh chén bí tỉ. Để tỏ lòng biết ơn, Natoa đã vẽ một chùm nho xứ Côranhtơ trên cái cọc hồng. Anh chủ quán thích thú thay bảng hiệu cũ bằng cái bảng hiệu mới đó và thuê người ta khắc vào thiếp vàng mấy chữ: Quán nho Côranh ở dưới chùm nho. Do đó mà có tên Quán Côranh. Bọn say sưa lược bớt tiếng bớt chữ là thường. Phép lược từ làm cho câu trở nên ngoằn ngoèo. Côranh dần dà truất vị Lọ-hoa-hồng. Người đại diện sau cùng của dòng họ chủ quán đó, bác Huysơlu, đã sơn lại cái cọc bằng màu xanh, bởi vì ông không hề biết lai lịch truyền thống của nó. Một phòng dưới có đặt quầy thu tiền, một phòng ở tầng một có đặt bàn bi-a, một cầu thang gỗ xoáy trôn ốc chọc trần, rượu vang trên các bàn, muội khói trên tưởng, nến thắp giữa ban ngày, đó là cảnh tượng cái quán. Một cầu thang có nắp ở dưới dẫn xuống căn hầm. Chỗ ở của gia đình Huysơlu ở tầng hai. Họ leo lên tầng hai bằng một cầu thang, có vẻ một chiếc thang gỗ hơn là một cầu thang đi vào phải qua một cái cửa khuất ở phòng lớn tầng một. Áp mái cả hai buồng làm ổ cho các chị ở gái. Ngoài hai tầng gác thì tầng nền làm chỗ đặt quầy thu tiền và nhà bếp.
[232] Théophile Gautier: nhà thơ, nhà văn lãng mạn Pháp thế kỷ XIX sinh sau Vichto Huygô độ mười năm.
[233] Mahurin Régnier: nhà thơ trào phúng thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII.
[234] Poaux roses (lọ cắm hoa hồng). Theo các âm tiết đó, có thể viết cách khác là Poteau rose (cọc hồng).
Bác Huysơlu chắc sinh ra là một nhà hóa học: thực tế bác là một người nấu bếp. Ở quán bác, không chỉ có uống rượu, mà có cả cái ăn nữa. Huysơlu đã phát minh ra một món tuyệt ngon, chỉ ở quán bác mới có: đó là món cá chép nhồi mà bác gọi là mónchép lớn béo. Người ta ăn món đó dưới ánh một ngọn nến mỡ bò, hoặc một cây đèn nhỏ thời Lui XVI, trên những bàn phủ vải dầu đóng đanh vào mặt bàn, thay khăn bàn. Khách từ xa đến. Bác Huysơlu một sớm mai nọ bỗng nảy ra cái ý kiến hay ho là phải báo cho khách qua đường biết món "đặc sản" của mình. Ông ta nhúng cây bút lông vào một lọ hắc ín, và vì có một lối viết của mình ông ta đã ứng tả trên tường quán những chữ đáng chú ý này:
CARPES HOGRAS
Một mùa đông nọ, mưa và tuyết đã trớ trêu xóa mất chữ S ở cuối từ đầu và chữ G ở đầu từ thứ ba, còn lại những chữ:
CARPE HO RAS[235]
Thời gian và mưa móc đã phụ giúp vào để biến một hàng chữ thực đơn khiêm tốn thành một lời khuyên đời sâu sắc như thế đó.
Thế là bác Huysơlu dù không biết tiếng Pháp vẫn biết latinh, bác đã đem triết học từ nhà bếp ra và chỉ muốn vượt Carêm[236] thôi, bác đã thực sự tỏ ra thiên tài như Horaxơ.[237]
[235] Carpes au gras (cá chép rán béo), Huysơlu viết sai thành carpes hogras, rồi vì mưa tuyết lại thành Carpe ho ras: đọc như Carpe Horace và có thể hiểu: Châm ngôn “Tận hưởng” (carpe) của Hônraxơ (xem thêm chú thích về Horace). Những lối chơi chữ này không chuyển ra tiếng Việt được.
[236] Carême: một đầu bếp Pháp có tài, đã viết nhiều sách dạy nấu ăn (thế kỷ XIX).
[237] Horace: nhà thơ La Mã nổi tiếng, đã khuyên người ta sống hưởng thụ với châm ngôn Carpe diêm: Hãy tận hưởng cái ngày hôm nay.
Tất cả những cái ấy ngày nay đều không còn gì. Cái khu bàn cờ Môngđêtua đã bị xê ra và mở toác từ năm 1847 và chắc là hôm nay đã mất hẳn. Đường phố Săngvrơri và đường phố Côranhtơ đã lấp dưới đá lát đường phố Tăngbuytô.
Chúng tôi đã nói, quán Côranh là nơi họp mặt, cũng là nơi liên lạc của Cuốcphêrắc và các bạn anh. Chính Gơrăngte đã phát hiện ra nơi đó vì châm ngôn "Tận hưởng" của Horaxơ và trở lại đó vì những con "cá chép rán béo". Ở đây, họ uống, họ ăn, họ la hét, họ trả tiền ít, họ trả không ra sao, họ chẳng trả gì cả, thế mà họ vẫn được tiếp đãi ân cần. Bác Huysơlu là một người tốt bụng.
Huysơlu, chúng tôi vừa nói, con người tốt bụng, là một ông chủ quán có râu mép. Một loại chủ quán buồn cười. Bác luôn có vẻ như cau có, tuồng như muốn dọa nạt khách hàng, càu nhàu với họ, và trông như sẵn sàng kiếm chuyện gây gổ với họ hơn là dọn xúp cho họ ăn. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, ai đến đó cũng được tiếp đãi ân cần. Cái điều kỳ khôi này làm cho bác đắt khách, nhiều thanh niên thấy vậy đổ đến, bụng bảo dạ: Đến xem bác Huysơlu "làm nghề tay trái". Bởi vì bác xưa kia là thầy dạy kiếm thuật. Bỗng nhiên bác cười oang oang. Tiếng to là tốt tính. Ở ông bên trong là hài bên ngoài là bi, ông không thích gì hơn là làm cho anh khiếp giống như những hộp thuốc lá làm theo hình khẩu súng ngắn. Nó nổ thành tiếng hắt hơi.
Bà vợ ông, bà Huysơlu là một bà có râu, xấu xí.
Vào khoảng năm 1830, bác Huysơlu qua đời. Bác mất, bí quyết cá chép rán béo cũng mất. Bà vợ góa rầu rĩ vì chồng, vẫn tiếp tục mở quán. Nhưng món ăn mất phẩm chất và trở nên đáng ghét, còn rượu vang từ trước vẫn kém, đến nay thì quá tệ. Tuy vậy Cuốcphêrắc và các bạn anh vẫn đến quán Côranh - vì thương hại, như Bốtxuyê nói.
Bà góa Huysơlu hình thù dị hợm, luôn luôn thở dốc. Bà có những kỷ niệm về đồng quê. Kỷ niệm nhạt phèo, nhưng cách phát âm của bà khiến cho nó có đôi phần ý nhị. Khi nhắc những chuyện thôn dã trong tuổi xuân, bà có cách nói làm cho nó mặn mà. Bà nói ngày xưa, bà rất thích nghe "con chim đỏ ức hót trên chùm-xuân".
Phòng ở tầng gác một, nơi khách ăn, là một phòng rộng và dài ngổn ngang những ghế đẩu, ghế tựa, ghế dài, bàn và một cái bàn bi-a cũ khập khiễng. Người ta đến đó bằng cái cầu thang xoáy trôn ốc, nó đưa đến góc phòng qua một cái lỗ vuông giống cửa lên boong tàu.
Cái phòng ấy chỉ có một cửa sổ hẹp và một đèn cồn luôn luôn thắp soi sáng. Những bàn ghế có bốn chân đều ọp ẹp như chỉ có ba chân. Tường quét nước vôi trắng không được trang trí gì ngoài bài thơ tứ tuyệt đề tặng bà Huysơlu.
Cách nàng mười bước ta kinh ngạc, cách hai ta kinh sợ,
Một nốt ruồi ngự trị trên cái mũi phiêu lưu
Lúc nào ta cũng run, chỉ sợ nàng khịt ra nó
Và có ngày, mũi nọ nhằm mồm kia chui vào.
Bài thơ đó được viết bằng than lên tường.
Bà Huysơlu khá giống người trong thơ, sớm chiều đi lại trước bài tứ tuyệt kia một cách tuyệt đối ung dung. Hai ả tớ gái không có tên gì khác ngoài tên Matơlôt và Gibơlôt, giúp bà Huysơlu đặt lên bàn những vò rượu xanh và dọn cho khách đói lòng những món canh, xúp linh tinh đựng trong đĩa đất nung. Matơlôt to, tròn, tóc hung, mồm xoen xoét, nguyên là ái phi của bác Huysơlu quá cố, là một người đàn bà xấu xí, xấu hơn bất cứ con quái vật huyền thoại nào. Tuy nhiên, vì theo lẽ thì người ở phải đứng sau chủ nhà, ả còn có phần đỡ hơn bà Huysơlu. Gibơlôt thì dài thườn thượt, mảnh khảnh, trắng nhợt như người bị bệnh máu trắng, mắt có quầng, mi sập xuống, luôn luôn mệt mỏi kiệt sắc như người có thể nói là mắc chứng uể oải kinh niên, thức dậy trước mọi người và đi ngủ sau mọi người, ả phục vụ tất cả mọi người, kể cả người tớ gái kia, một cách dịu dàng, lặng lẽ, miệng có nụ cười mơ hồ của người mỏi mệt đang ngủ thiếp đi.
Trên bàn thu tiền có một tấm gương.
Trước khi bước vào phòng ăn, khách hàng đọc trên tấm cửa câu thơ Cuốcphêrắc viết bằng phấn sau đây:
Thết bạn đi nếu được, ăn đi nếu anh dám.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom