• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Những người khốn khổ (4 Viewers)

  • Chương 109

Gavrốt không dùng thang, chú ôm cái chân nhám xì của con voi và chỉ trong nháy mắt đã leo lên đến chỗ trống. Chú chui vào như con rắn chui qua một kẽ hở. Chú lọt vào trong mình con voi và một lát sau thì hai đứa bé trông thấy cái đầu chú hiện ra lờ mờ trắng trắng ở miệng lỗ tối om. Chú gọi:
- Nào, trèo lên đi. Rồi các chú sẽ biết, sướng như gì ấy! Này, thằng lớn trèo lên nào. Tao đưa tay cho mà níu.
Hai đứa bé đẩy nhau. Chúng vừa sợ Gavrốt, vừa tin tưởng. Vả mưa to quá. Thằng lớn liều. Thằng nhỏ thấy anh leo lên thang, chỉ còn mình nó ở dưới chân con vật khổng lồ, đã toan khóc nhưng không dám.
Thằng anh leo lên từng nấc một, loạng choạng. Gavrốt reo hò khuyến khích nó như một thầy dạy võ khuyến khích học trò, hoặc như một bác tải là thúc giục la đi tới.
- Đừng sợ.
- Được đấy.
- Cứ lên nữa đi.
- Đặt chân chỗ này.
- Tay víu vào.
- Cố lên nào.
Khi thằng bé đến vừa tầm, Gavrốt đột nhiên nắm chặt cánh tay nó mà lôi ngược lên.
- Thế là xong.
Thằng bé đã qua chỗ hổng. Gavrốt bảo:
- Bây giờ thì đợi ta một lát. Ồ, thưa ông! Mời ông vui lòng ngồi chơi.
Gavrốt chui lỗ nẻ mà ra nhanh nhẹn như một con khỉ, chú ôm chân voi tụt xuống đất. Chân vừa chấm đất thì chú ôm xốc thằng bé em lên, đặt nó đứng ở giữa thang. Rồi chú leo theo sau và gọi thằng lớn:
- Tao đẩy ở dưới, ở trên mày lôi đấy nhé.
Thằng bé bị đỡ lên, bị đẩy lên, bị lôi lên, bị kéo lên, rồi bị ấn vào, bị nhét vào cái lỗ trống, chẳng kịp hiểu đầu đuôi ra làm sao. Gavrốt vào tiếp theo nó và lấy chân hất thang rơi xuống cỏ, xong rồi vỗ tay reo:
- Thế là ta về đến rồi. Đại tướng Laphaydét muôn năm!
Qua cơn khoái chá ồn ào ấy thì Gavrốt bảo hai đứa bé:
- Hai chú ạ! Đây là nhà của ta.
Quả thật đó là nhà của Gavrốt.
Ôi! Công dụng bất ngờ của những thứ vô dụng! Tình nhân đạo chứa chan trong một sự nghiệp hùng vĩ! Ôi! Từ tâm của những kẻ khổng lồ! Cái công trình vĩ đại chứa đựng tư tưởng của hoàng đế nay thành ra một cái hộp chứa một thằng bé lang thang. Con vật khổng lồ đã đón nhận và che chở đứa bé. Các anh tư sản diện bảnh lúc nào đi qua trước tượng con voi ở quảng trường Bátxti cũng giương cặp mắt ốc nhồi lên nhìn nó một cách khinh bỉ và nói: cái ấy dùng để làm gì?
- Cái ấy dùng để cứu một đứa bé không cha không mẹ, không cái ăn cái mặc, không nhà cửa, che đỡ cho nó khỏi bị những cơn lạnh, những cơn gió, cơn mưa, những cơn mưa đá, những trận heo may giày vò, làm cho nó khỏi lên cơn sốt vì phải ngủ trên bùn lầy, khỏi chết vì phải ngủ dưới mưa tuyết. Cái ấy dùng để thu nuôi một đứa bé vô tội mà xã hội xua đuổi. Cái ấy là một cái hang rộng mở để đón con người đi đến đâu cũng chỉ thấy cửa đóng then cài. Con voi già nua thảm hại ấy bị ghẻ lở, bị vứt xó, mình đầy mốc meo, nốt ruồi và mụn nhọt, khập khiễng, đổ nát như một vật bỏ đi; nó là một thứ khổng lồ đi hành khất, ngày ngày đứng giữa ngã tư cầu xin khách qua đường bố thí cho một cái nhìn thiện cảm, mà không sao được; ấy thế mà hình như con voi già nua thảm hại ấy, thứ khổng lồ đi xin ấy lại rủ lòng thương cái thằng ăn mày kia, cái thằng tí hon tội nghiệp không đi giầy, đầu không mái che mưa nắng, ăn những của người ta vứt đi, mặc toàn tã rách, buốt ngón tay chỉ biết thổi lên để đỡ cóng phút giây.
Con voi ở quảng trường Bátxti có công dụng như thế đấy. Cái sáng kiến của Napôlêông, người chê, nhưng trời dùng. Trước, nó chỉ mới lừng lẫy tiếng tăm, bây giờ nó có thiên uy rực rỡ. Muốn hoàn thành dự định, Hoàng đế còn phải cần đá hoa cương, đồng đen sắt, vàng, cẩm thạch. Đối với Chúa, mớ xà, ván và hồ ấy đã đủ rồi. Con voi kia là cái một tưởng biểu lộ thiên tài của Hoàng đế. Cái tượng voi vĩ đại được vũ trang, vòi cất cao và làm cho vô số nguồn nước vây quanh phun lên một cách vui vẻ, đầy sinh lực, cái tượng voi đó, trong ý Hoàng đế, là hiện thân của quần chúng nhân dân. Chúa còn vĩ đại hơn: Chúa đem làm chỗ trú cho một đứa trẻ phiêu giạt.
Cái lỗ hổng Gavrốt chui qua là một kẽ nứt đứng ngoài rất khó nom thấy, bởi vì khuất dưới bụng voi và hẹp lắm. Chỉ có mèo và trẻ con chui qua được.
Gavrốt nói:
- Trước hết, chúng mình phải dặn người gác cổng có ai hỏi thì bảo là chúng mình đi vắng.
Nói thế rồi chú đi trong tối chắc chắn như một ông chủ nhà quen thuộc mọi xó, chú lấy ra một mảnh ván đậy lỗ hổng lại.
Lần nữa, chú lại đi vào bóng tối. Hai thằng bé nghe tiếng xèo xèo của que diêm nhúng vào chai đựng lân tinh. Thuở ấy, diêm hóa học chưa ra đời, cái bật lửa kiểu Phuymát là kiểu tiến bộ nhất.
Lửa sáng lóe lên thình lình làm cho hai thằng bé nheo mắt. Gavrốt vừa thắp xong một mẩu dây nhúng nhựa. Cái dây nhựa tỏa khói nhiều mà ít sáng soi lờ mờ bụng con voi.
Hai vị khách của Gavrốt nhìn quanh mình và có cảm tưởng giống như cảm tưởng của Giônát khi ở trong bụng cá voi. Cả một bộ xương khổng lồ hiện lên bao bọc lấy chúng. Trên cùng có một cây đòn dong dài, màu nâu, ở hai bên cách từng quãng tua tủa ra những đòn khác khom khom. Đó là cái xương sống với các xương sườn xung quanh. Từ xương sống ấy thạch cao thõng xuống như nhũ đá, lòng thòng giống những khúc ruột; giữa các sườn, nhện chăng thành các hoành cách mô dính đầy bụi bặm. Trong các ngóc ngách, có những vệt đen to thảng thốt và vội vàng đi lại rất nhanh, trông như những vật sống.
Vôi gạch vụn từ trên lưng voi rơi xuống đã lấp bằng cái vùng trũng ở bụng voi, cho nên có thể đi lại như trên sàn gỗ.
Thằng em dịch sát vào người thằng anh, thầm thì:
- Tối lắm.
Tiếng ấy khiến Gavrốt phải thét lên. Chú nghĩ rằng hai đứa sợ hãi quá, cần phải lay mạnh chúng.
- Chúng mày lôi thôi cái gì đấy? Đùa đấy à? Hay là làm bộ ỏe ọe? Chúng mày đòi cung điện Tuylơri ư? Chúng mày là súc vật à? Có phải thế thì bảo tao. Tao nói cho chúng mày biết, tao không phải là hạng người ngu ngốc đâu nhé! Hừ! Hay chúng mày là những cậu ấm, con nhà quan?
Trong cơn hoảng hốt mà bị quát tháo cục cằn đôi tí là rất tốt. Cái ấy làm cho người ta đỡ sợ. Hai đứa bé nhích lại gần Gavrốt. Thấy chúng tin cậy mình như thế, Gavrốt động lòng như một ông bố, và đổi giọng nghiêm ra giọng dịu ngọt. Chú nói chuyện với thằng nhỏ, bắt đầu câu chuyện bằng một tiếng mắng yêu:
- Này chó con! Ở ngoài kia mới tối. Ở ngoài ấy mưa, ở trong này không mưa. Ở ngoài rét, ở đây không lọt vào một tí gió nào. Ở ngoài có khối người, ở đây không có ai cả. Ở ngoài trăng cũng không có, ở đây có ngọn nến của tao.
Hai đứa bé bớt sợ, bắt đầu đưa mắt nhìn quanh căn buồng. Nhưng Gavrốt không để cho chúng rỗi rãi thì giờ ngắm nghía. Chú giục:
- Nhanh lên thôi.
Rồi chú đẩy chúng vào phía trong, ở chỗ mà chúng tôi muốn gọi là phía trong cùng của phòng ngủ.
Giường Gavrốt đặt ở chỗ ấy.
Giường Gavrốt đầy đủ, nghĩa là có nệm, có chăn lại có màn che.
Nệm là một cái đệm rơm, chăn là một tấm áo khoác bằng len thô màu xám rất ấm, khá rộng và hầu như còn mới nguyên.
Còn cái chái thì như thế này:
Ba cái cọc khá dài cắm chặt xuống nền vôi gạch vụn ở lườn voi, hai đằng trước, một đằng sau, phía trên buộc túm lại với nhau, làm thành hình tháp. Một tấm lưới đồng thau được đặt nằm khéo léo trên mấy cây cọc, buộc bằng dây thép, trùm cả ba cây. Phía chân, một dày đá đè lên tấm lưới thau, chận nó xuống sát để cho không một vật gì có thể lọt vào được. Tấm lưới ấy nguyên là một tấm lưới chăng chuồng chim của các đoàn xiếc thú vật. Cái giường của Gavrốt ở trong tấm lưới ấy như ở trong lồng. Trông toàn bộ tựa như một cái lều của người Etxkimô.[187]
[187] Eskimo: thổ dân vùng cực bắc.
Lưới thau ấy là màn che cái chái của Gavrốt.
Gavrốt nhắc mấy viên đá chặn tấm màn lưới phía đằng trước rồi giở hai cánh màn gấp lên nhau mà bảo:
- Hai chú đi bốn chân nào.
Chú cẩn thận đưa hai vị khách vào lồng rồi chú bò vào sau, xong chú đậy kín màn lại và dằn đá xuống.
Ba đứa nằm dài trên chiếu.
Tuy ba đứa đều bé bỏng, vẫn không có đứa nào có thể đứng lên trong cái chái ấy. Gavrốt còn giữ ngọn đèn dây:
- Bây giờ thì giấc đi! Tao sắp tắt nến.
Thằng lớn chỉ tấm lưới thau hỏi:
- Thưa ông cái này là cái gì vậy?
- Cái ấy là đề phòng ông tí, Gavrốt nghiêm trang bảo: Giấc đi!
Tuy giục ngủ, chú vẫn thấy cần phải nói thêm đôi câu để huấn luyện cho hai chú bé quá nhỏ tuổi. Chú nói tiếp:
- Những thứ này là của vườn bách thảo. Dùng cho thú dữ. Có cả một kho kia. Chỉ việc trèo một bức tường, leo qua một cửa sổ, rúc dưới gầm một cửa lớn. Thế là tha hồ. Vừa nói chú vừa kéo chăn đắp cho thằng nhỏ. Thằng bé kêu lên khe khẽ:
- Ôi! Sướng quá! Ấm quá!
Gavrốt nhìn tấm chăn đắc ý:
- Cũng là của vườn bách thảo ấy. Tao vớ của lũ khỉ.
Rồi chỉ cho thằng anh xem chiếc đệm rơm rất dày và bện thật khéo, chú nói thêm:
- Cái này là của con hươu cao cổ.
Nghỉ một chút chú lại nói:
- Bọn thú vật có đủ các thứ ấy. Tao lấy đi, chúng chả giận đâu. Tao bảo chúng: lấy cho con voi đây.
Chú lại nghỉ một lát nữa rồi nói:
- Mình trèo tường vượt vách và mình bất chấp chính phủ. Như thế đấy chúng bay ạ.
Hai đứa bé nhìn Gavrốt với một vẻ khâm phục có lẫn cả kinh ngạc sợ hãi. Tuy cũng lang thang, cũng trơ trọi như chúng, bé bỏng như chúng, nhưng đây là một con người vừa khốn khổ, vừa hùng dũng, một con người siêu thường, trên nét mặt có những cái nhăn nhó của ông kép xiếc già lẫn nụ cười ngây thơ dễ mến nhất.
- Thưa ông, thằng lớn rụt rè thưa, thế ông không sợ các ông cảnh sát sao?
Gavrốt chỉ đáp gọn:
- Nhóc! Người ta không gọi các ông cảnh sát, người ta gọi bọn cớm.
Thằng bé mở mắt thao láo nhưng không nói gì hết. Vì nó nằm ngoài còn thằng lớn nằm giữa, nên Gavrốt kéo chăn ném xuống chiếu cho nó như một bà mẹ rồi nhét một mớ giẻ cho cộm chiếu để làm thành một cái gối cho nó gối. Xong chú quay sang thằng anh:
- Thế nào? Ở đây tốt chứ?
- Không còn phải nói.
Thằng anh vừa nói thế vừa liếc nhìn Gavrốt với vẻ mặt của một thiên thần được cứu nạn. Hai đứa bé ướt át thấy người ấm dần lại.
- Này! Sao lúc nãy chúng bay lại khóc?
Gavrốt trỏ thằng bé mà bảo thằng lớn.
- Thằng con nít này thì không nói làm gì. Còn lớn như mày mà vẫn khóc thì khỉ thật! Làm như con bê ấy!
- Vì lúc ấy chúng em không biết đi về đâu để có nhà ở.
- Nhóc ạ! Gavrốt nói, người ta không nói nhà. Người ta nói: xó.
- Vả lại chúng em sợ phải ở một mình qua đêm.
- Không ai nói đêm: người ta nói mò mò.
- Cám ơn ông.
- Nghe tao bảo này. Từ nay không được gặp việc gì cũng rên khóc. Tao sẽ chăm nom chúng mày. Chúng mày rồi sẽ thấy: chúng mình chơi đùa thích lắm. Mùa hè chúng ta đi Gơlaxie với thằng Nave bạn tao. Chúng mình tắm ở bến sông. Chúng mình cứ trần truồng mà chạy trên các đoàn thuyền đỗ trước cầu Auxtéclít làm cho mấy mụ thợ giặt phát cáu. Các mụ ấy la lối, mắng, chửi, tức sôi gan lên! Giá chúng mày biết họ buồn cười đến mức nào. Chúng mình rồi sẽ đi xem người xương. Hắn vẫn sống ở quảng trường Săng Êlidê. Gầy hơn ai hết. Rồi tao đưa chúng mày đi xem kịch, xem chính nghệ sĩ Lơmét đóng. Tao có vé vì tao quen với nhiều diễn viên. Có lần tao đã đóng trò trong một vở kịch. Bọn tao làm một lũ trẻ con như thế này, chạy dưới một tấm vải căng giả làm biển. Tao sẽ xin cho hai đứa mày vào đóng trò ở trong rạp ấy. Rồi chúng ta sẽ đi xem người rừng. Những người rừng đó không phải là thật đâu. Chúng nó mặc may ô hồng có nếp nhăn, ở khuỷu tay có vết mạng bằng chỉ trắng. Rồi thì chúng ta đi xem Nhạc kịch viện. Đi với bọn vỗ tay mướn. Ở Nhạc kịch viện bọn vỗ tay đều là những tay chiến cả. Tao không đi với bọn vỗ tay các hàng phố. Ở Nhạc kịch viện, mày phải biết, có đứa phải trả hai mươi xu để được vào ngồi vỗ tay, đã đành đó là những thằng ngốc. Người ta gọi chúng là bọn giẻ lau bát. Chúng mình cũng sẽ đi xem chém người bằng máy chém. Tao sẽ chỉ cho chúng mày xem lão đao phủ. Lão ở phố Mare. Tên là ông Xăngxông. Trước nhà lão có một cái hộp thư. Ôi chao! Anh em ta sẽ vui chơi như ngày hội!
Một giọt sáp nhỏ trên tay Gavrốt làm cho chú sực nhớ thực tế trước mắt.
- Chết chửa! Bấc hao quá. Phải coi chừng. Mỗi tháng mình không thể tiêu quá một xu về khoản ánh sáng. Nằm xuống là phải ngủ. Chúng mình không có thì giờ đâu để đọc truyện của ông Đờ Cốc. Với lại chong đèn thì ánh sáng có thể lọt qua khe hở ở cửa ra vào, tụi cớm dễ nhìn thấy.
Chỉ một mình thằng anh là dám chuyện vãn đối đáp với Gavrốt. Nó rụt rè góp một ý kiến:
- Với lại, tàn lửa có thể rơi xuống chiếu rơm, phải đề phòng không thì cháy nhà.
- Người ta không nói cháy nhà, người ta nói om xó.
Cơn dông càng thêm dữ dội. Giữa hai hồi sấm sét rề vang, người ta nghe rõ tiếng mưa rào đập chan chát vào lưng con quái. Gavrốt nói:
- Cứ mưa, tha hồ mưa đi! Không gì vui bằng nghe tiếng nước trong bình chảy dọc theo cột nhà. Mùa đông ngu lắm: mất công mất của mà chẳng ướt được ai. Cái lão già xách nước thấy mất công toi bèn tức tối làm ầm lên.
Gavrốt là một triết gia thế kỷ XIX nên thừa nhận hết hậu quả của sấm sét. Nó vừa nhắc đến sét thì một làn chớp dài lòe lên lóa cả mắt, do khe nứt mà vào tận bụng voi, tiếp theo ngay một tiếng sét dữ dội. Hai thằng bé kêu một tiếng và vùng dậy mạnh quá làm cho tấm màn suýt bật ra. Gavrốt quay cái mặt gan góc lại phía chúng và thừa dịp tiếng sét nổ mà cười lên khanh khách.
- Yên, lũ trẻ bay, yên. Đừng có giẫy khỏe quá mà đổ nhà. Sấm chính tông ấy, sấm thế mới là sấm chứ! Không phải là sấm chớp nhì nhằng. Hoan hô Chúa! Không kém sấm ở rạp Ăngbiguy là mấy!
Nói xong Gavrốt lo chữa lại màn, nhẹ tay đẩy hai đứa bé nằm xuống, rồi ấn lên đầu gối chúng để cho chúng duỗi thẳng chân ra.
- Trời đã thắp đèn lên thì ta có thể tắt đèn ta được. Ngủ đi, hai ông mãnh ạ. Nằm mà không ngủ là không tốt. Sáng ra lỗ mũi lỗ mồm của chúng mày sẽ nặng mùi, nói như bọn trưởng giả thì mồm chúng bay sẽ thối. Quấn chăn cho kín đi. Tao sắp tắt đèn đây. Xong chưa?
Thằng lớn đáp khe khẽ:
- Xong rồi. Chỗ tôi tốt lắm. Rất êm, như có độn lông chim ở dưới đầu.
- Ai lại gọi đầu. Phải nói sỏ.
Hai đứa bé ôm rịt lấy nhau. Gavrốt thu vén nốt cho chúng, kéo chăn lên tận tai chúng rồi đọc câu phù chú này lần thứ ba.
- Giấc thôi.
Rồi chú thổi nến.
Nến vừa tắt thì tấm lưới thau rung rung, một cách kỳ dị. Vô số cái gì cọ sát trên lưới, làm nên những tiếng đồng tiếng sắt lanh tanh, y như có răng có vuốt mài lên dây thau. Cùng với sự rung động ấy có những tiếng rỉ rích.
Thằng bé lên năm nghe thấy những tiếng động ấy trên đầu, suýt chết khiếp. Nó hích khuỷu tay vào sườn anh, nhưng anh nó theo lệnh Gavrốt đã “giấc” rồi.
Không dằn lòng được vì khiếp đảm quá, thằng nhỏ đành liều, gọi Gavrốt, nhưng rất sẽ, vừa gọi vừa nín hơi:
- Ông ơi!
- Gì? Gavrốt vừa chợp mắt, tỉnh dậy hỏi.
- Cái gì đó ạ?
- À! Đó là ông tí ở cống.
Gavrốt lại đặt đầu xuống chiếu.
Quả như chú nói, chuột cống nhung nhúc trong sườn voi. Đích chúng là những chấm đen động đậy chúng ta đã nói ở trước. Nếu còn sáng thì chúng còn nể, chỉ thấp thoáng ở xa. Nhưng cái động này là xứ sở của chúng. Khi động chìm trở lại vào bóng tối, chúng ngửi thấy mùi “thịt tươi” trong lều Gavrốt thì đổ xô đến, leo lên tận đỉnh mà gặm mà nhấm các mắt lưới để tìm cách chọc thủng.
Thằng bé vẫn không ngủ được. Nó lại gọi:
- Ông ơi!
- Gì?
- Thế ông tí là gì?
- Ông tí là chuột.
Cách giải thích làm thằng bé bớt sợ một phần. Nó đã từng trông thấy chuột bạch và nó không sợ chuột bạch. Tuy vậy nó hãy còn lên tiếng hỏi:
- Thưa ông?
- Gì đó?
- Sao ông không nuôi một con mèo?
- Trước tao có một con, tao mang lại đây, nhưng chúng ăn thịt mất.
Câu giải thích này thủ tiêu hiệu quả của câu thứ nhất. Thằng bé lại run sợ. Cuộc đối thoại giữa nó và Gavrốt diễn ra lần thứ tư.
- Thưa ông?
- Gì nữa?
- Ai bị ăn thịt?
- Con mèo.
- Ai ăn thịt con mèo?
- Ông tí!
- Chuột ấy à?
- Phải, chuột.
- Thằng bé chết khiếp về việc chuột ăn thịt mèo. Nó hỏi thêm:
- Thưa ông, nhưng con chuột ấy nó có ăn thịt được chúng mình không?
- Nó ăn đến đầu đấy chứ lị.
Nỗi kinh khủng của đứa bé lên đến tột độ. Nhưng Gavrốt nói:
- Bé chả sợ. Lũ nó không vào đây được đâu. Vả lại đã có tao. Nào, nắm lấy bàn tay tao rồi im đi mà ngủ thử nào!
Gavrốt với tay qua mình thằng anh để cầm tay thằng em. Thằng bé ôm siết bàn tay ấy vào người và thấy yên lòng. Cho biết lòng can đảm và sức mạnh có thể truyền cho người khác một cách mầu nhiệm.
Bây giờ quang cảnh chung quanh trở lại yên lặng bởi vì chuột nghe tiếng nói xì xào sợ đã lánh xa. Mấy phút sau chúng trở lại và làm nhặng lên, nhưng vô ích, ba đứa trẻ đã ngủ say, không nghe thấy gì nữa.
Đêm càng về khuya. Bóng tối phủ lên quảng trường Bátxti mênh mông. Gió đông thổi từng hồi lẫn với mưa. Các đoàn tuần tra lục lạo từng ngõ, từng lối, từng mảnh vườn hoang, từng xó tối hòng bắt những tên du đãng ăn gió nằm sương; chúng lẳng lặng đi qua trước tượng voi. Con quái vật đứng lặng yên, mắt mở nhìn vào bóng tối có vẻ như mơ màng đắc ý vì cái hành vi nhân đạo của mình: nó che chở cho ba đứa trẻ tội nghiệp đang ngủ để chúng khỏi lụy vì trời, vì người.
Muốn hiểu sự việc sắp xảy ra, phải nhớ rằng thuở ấy bốt canh quảng trường Bátxti đóng ở phía bên kia quảng trường cho nên dẫu có việc gì xảy ra bên cạnh con voi, tên lính gác cũng không nghe thấy.
Gần sáng, có một người từ phố Xanh Ăngtoan chạy ra, vượt qua quảng trường, đi vòng mảnh đất quanh Cột đồng Tháng Bảy,[188] len qua bao lơn và đứng dưới bụng voi. Nếu có ánh sáng chiếu lên mình người ấy, người ta thấy ướt sũng, chắc người ta sẽ đoán được ra là hắn ở ngoài mưa suốt đêm. Khi đến dưới bụng con voi, hắn kêu lên một tiếng kỳ dị, thứ tiếng kêu ấy không thuộc ngôn ngữ nước nào cả, chỉ có con vẹt là lặp lại được. Người mới đến lặp lại hai lần tiếng kêu ấy. Nếu muốn lấy chữ mà viết ra tiếng ấy để có một ý niệm xa xôi thì phải viết:
[188] Cột đồng kỷ niệm ngày nhân dân Pari đánh chiếm nhà ngục Bátxti 14/7/1789, công cụ chuyên chế của vua.
Kirikikiu!
Khi người lạ mặt gọi lần thứ hai thì có một giọng nói trong trẻo và non nớt từ trong bụng voi đáp lại:
- Có đấy.
Liền sau đó, tấm ván chắn lối ra bị đẩy đi và một thằng bé chui ra, theo chân voi tụt xuống đứng bên người mới đến. Thằng bé ấy là Gavrốt. Người mới đến là Môngpácnát.
Còn tiếng kêu Kirikikiu có lẽ nó có nghĩa là: Tôi hỏi thăm ông Gavrốt.
Khi nghe tiếng gọi, Gavrốt đã vùng dậy, hé tấm lưới nò ra ngoài rồi đậy lại cẩn thận, xong chú mở cái vỉ nhảy xuống.
Môngpácnát và Gavrốt yên lặng nhận mặt nhau trong đêm tối. Môngpácnát chỉ nói:
- Chúng tao cần mày, mày lại đằng này giúp bọn tao một tay.
Gavrốt chẳng đòi giải thích gì thêm nữa.
- Được, tớ đi đây.
Hai đứa nhắm đi đến phố Xanh Ăngtoan. Chúng len lỏi nhanh nhẹn giữa những đoàn xe dài chở hoa quả bắt đầu đi về chợ.
Các bác hàng rau ngồi xổm trên xe đương ngủ gật giữa mấy đống rau quả, áo tơi kéo lên tới mang tai vì mưa tạt nghiêng. Họ không buồn để ý đến hai ông khách qua đường lạ lùng ấy.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom