• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

New Liêu Trai Chí Dị (3 Viewers)

  • Chương 141

Truyện HỒ TỨ TƯỚNG CÔNG



Tặng kim đặc trọng cố nhân tình.



Dị loại hữu bằng thắng đệ huynh.



Nhất diện hữu duyên nan tái kiến.



Thần giao diệc túc úy bình sinh.



Huyện Lai Vu, tỉnh Sơn Ðông, có hai anh em nho sĩ họ Trương. Người em tên Ðạo Nhất, làm quan học sứ tỉnh Tứ Xuyên, gia tư khá giả. Người anh tên Hư Nhất, tính rất dũng cảm. Tai thì thường được nghe nhiều chuyện về chồn tinh ma quỷ, song mắt thì chưa từng được nhìn thấy bao giờ. Hư Nhất cư ngụ trong huyện thành Lai Vu, gia tư thanh bần.



Ở góc đông nam huyện thành có một căn nhà bỏ hoang. Huyện dân đồn rằng có một chồn đực có thuật tàng hình, dắt một lũ chồn tiểu yêu đến chiếm ngụ căn nhà nên chẳng ai dám bén mảng tới. Nghe tin đồn, Hư Nhất quyết tâm đến thăm, mong được gặp chồn một lần cho biết. Hư Nhất bèn bảo đứa tiểu đồng cùng mình chay tịnh một tuần.



Tuần sau, hai thày trò tắm gội sạch sẽ, mũ áo chỉnh tề, dắt nhau đến căn nhà. Tới nơi, thấy hai cánh cửa tự động mở ra, tiểu đồng kinh hãi, quay mình bỏ chạy. Hư Nhất gọi thế nào tiểu đồng cũng không dám trở lại. Hư Nhất bèn quyết tâm vào căn nhà một mình. Hư Nhất chỉnh lại mũ áo rồi bước vào nhà thì thấy đồ đạc được bày biện ngăn nắp song trong nhà vắng ngắt, chẳng một bóng người. Hư Nhất bèn chắp tay vái chào, khấn: “Ðệ thành tâm trai giới để đến đây xin gặp túc hạ. Vừa rồi đệ ở ngoài cửa, túc hạ đã chẳng cho gặp mặt, bây giờ đệ vào trong nhà, túc hạ vẫn chưa cho gặp mặt hay sao?” Chợt có tiếng đáp: “Ða tạ túc hạ đã giá lâm!” Rồi có hai chiếc ghế tự động di chuyển ra giữa phòng khách, quay mặt đối nhau. Sau đó, có tiếng nói: “Mời túc hạ ngồi chơi, đệ sẽ xin hầu chuyện!” Hư Nhất bèn mạnh dạn ngồi xuống ghế. Chợt có một chiếc bàn lớn trạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng, tự động di chuyển, len vào giữa hai chiếc ghế. Hư Nhất đưa mắt nhìn thì thấy trên bàn có hai chén trà nóng, khói bốc nghi ngút. Chợt lại có tiếng nói: “Mời túc hạ dùng trà” Hư Nhất nâng một chén lên thì thấy chén kia cũng được nâng lên rồi có tiếng miệng thổi cho trà bớt nóng song tuyệt nhiên chẳng thấy một bóng người. Hư Nhất lên tiếng hỏi: “Túc hạ có thể cho biết quý danh chăng?” Có tiếng đáp: “Ðệ họ Hồ song chẳng có tên!” Hỏi: “Thế thì thiên hạ thường xưng hô với túc hạ như thế nào?” Ðáp: “Thiên hạ thường gọi đệ là Hồ tứ tướng công vì đệ là người con thứ tư trong gia đình” Sau một tuần trà, lại có tiếng nói: “Chẳng mấy khi túc hạ giá lâm, xin túc hạ lưu lại dùng với đệ một bữa rượu lạt!” Hư Nhất nhận lời ngay, đáp: “Xin vâng”



Lát sau, Hư Nhất thấy trong phòng dường như có tiếng chân của nhiều tiểu đồng chạy ra chạy vào, rồi thấy có bình chén, bát đũa, nem chả, ba ba, khô nai, rau thơm được đem ra bày kín mặt bàn. Rồi có tiếng nghiêng bình rót rượu và tiếng mời: “Mời túc hạ nâng chén!” Hư Nhất chẳng khách sáo, nâng chén yến ẩm thì thấy rượu và thức ăn rất ngon, y như ở các tửu quán thượng đẳng vậy. Hai bên thù tạc, đàm đạo văn chương thế sự, rất mực tương đắc. Ðang yến ẩm, bỗng Hư Nhất thầm nghĩ giá bây giờ có một chén trà nóng mà uống thì thích quá. Lập tức có một chén trà nóng được đem tới đặt ngay trước mắt Hư Nhất. Thế rồi mỗi lần Hư Nhất thầm ước một vật gì thì vật ấy lập tức hiện ra ngay trước mắt. Hư Nhất rất lấy làm kinh ngạc song cũng rất lấy làm thích thú. Sau khi yến ẩm no say, Hư Nhất xin cáo biệt.



Từ đó, cứ ba ngày một lần, Hư Nhất lại tới thăm tướng công. Thỉnh thoảng, tướng công cũng tới đáp lễ Hư Nhất, song trước sau Hư Nhất cũng chỉ nghe thấy tiếng chân đi, tiếng miệng nói chứ chưa hề nhìn thấy hình dáng người bao giờ.



Một hôm, Hư Nhất cưỡi ngựa đến nhà tướng công dự tiệc. Trong lúc yến ẩm, Hư Nhất nói: “Ðệ có quen một bà đồng ở Nam Thành. Người ta đồn rằng bà ấy khoe là có nuôi được một chồn thày thuốc để sai đi chữa bệnh cho thiên hạ, kiếm được rất nhiều tiền. Theo ý túc hạ, có đúng thế chăng?” Tướng công đáp: “Lời đồn của thiên hạ thì đúng nhưng lời khoe của bà đồng thì sai!” Lát sau, Hư Nhất đứng dậy, xin phép ra ngoài đi tiểu thì chợt nghe thấy tiếng thì thầm bên tai: “Lũ tiểu nhân vừa được nghe tiên sinh nói chuyện với tướng công về bà đồng ở Nam Thành. Vậy lát nữa, xin tiên sinh nói với tướng công cho lũ tiểu nhân được theo tiên sinh tới Nam Thành một chuyến để xem mặt mũi bà ấy ra sao?” Biết là tiếng nói của lũ chồn tiểu yêu, Hư Nhất đáp: “Ðược!” Khi trở lại bàn tiệc, Hư Nhất nói với tướng công: “Xin túc hạ cho mấy tiểu đồng theo đệ tới Nam Thành một chuyến để xem lời khoe của bà đồng là đúng hay sai?” Tướng công cười, đáp: “Ðã biết lời khoe của bà ấy là sai rồi thì còn phải tới làm chi?” Hư Nhất năn nỉ: “Xin túc hạ cứ cho mấy tiểu đồng theo đệ tới đó một chuyến xem sao!” Tướng công cười, đáp: “Túc hạ đã muốn thế thì đệ xin vâng!”



Tiệc tan, Hư Nhất xin cáo biệt. Vừa toan ra tháo ngựa thì đã thấy ngựa đang chậm rãi bước tới trước cửa, tựa hồ như có người đang dắt tới vậy. Hư Nhất vừa leo lên lưng ngựa thì chợt nghe có tiếng tướng công sai bốn tiểu đồng đi theo mình tới Nam Thành.



Dọc đường, Hư Nhất thấy một làn gió nhẹ, thổi cát bụi bám vào vạt áo rồi có tiếng thì thầm bên tai: “Xin tiên sinh hiểu cho rằng khi nào tiên sinh đi đường mà thấy một làn gió nhẹ, thổi cát bụi bám vào vạt áo, tức là có lũ tiểu nhân đang theo hầu!” Hư Nhất gật đầu.



Tới nhà bà đồng, Hư Nhất gõ cổng. Bà đồng từ trong nhà bước qua sân, ra mở cổng. Thấy Hư Nhất, bà cười, hỏi: “Ngọn gió nào đưa quý nhân tới đây thế?” Hư Nhất đáp: “Bỉ nhân tự ý tới đây để hỏi thăm bà một chuyện!” Bà hỏi: “Chuyện chi mà quan trọng thế?” Hư Nhất đáp: “Người ta đồn rằng bà khoe là có nuôi được một con chồn thày thuốc để sai đi chữa bệnh cho thiên hạ, có đúng thế chăng?” Bà chợt nghiêm nét mặt, trách: “Quý nhân là người nho nhã, sao lại ăn nói khinh bạc như thế?” Hư Nhất hỏi: “Bỉ nhân ăn nói khinh bạc như thế nào?” Bà trách: “Sao quý nhân lại gọi Chị Hoa nhà lão thân là con chồn? Chị Hoa nhà lão thân mà nghe thấy thế thì buồn lắm đó!”



Bà vừa trách xong thì bỗng có một miếng gạch ném trúng cánh tay bà. Tưởng là Hư Nhất ném mình, bà tức giận, trách: “Sao quý nhân lại ném lão thân? Lão thân có xúc phạm chi tới quý nhân đâu?” Biết là lũ chồn tiểu yêu ném bà, Hư Nhất cười, đáp: “Bỉ nhân ném bà hồi nào? Bà thong manh rồi hay sao?” Nghe thấy thế, bà kinh hãi quá, cứ đứng suy nghĩ, chẳng hiểu là ai ném mình. Bỗng lại có một viên đá ném trúng đầu bà, làm bà té xuống đất. Bà chưa kịp nghĩ xem là ai ném thì lại có bùn nhơ ném trúng mặt bà, làm cho mặt bà trông tựa mặt quỷ. Bà kinh hãi quá, gào khóc, van xin: “Xin đừng ném nữa! Nếu lão thân có làm điều chi xúc phạm thì xin hãy tha tội cho!” Thấy thế, Hư Nhất cũng thương hại, bèn lớn tiếng quát lũ chồn tiểu yêu: “Không được ném nữa!” Lập tức bùn ngưng bay tới. Bà lồm cồm bò dậy, băng qua sân, chạy vào nhà, đóng chặt cửa, đi rửa mặt rồi ngồi ở trong nhà, chẳng dám ló ra ngoài. Hư Nhất chạy theo bà, tới gõ cửa, hỏi: “Chồn thày thuốc của bà có thể ném được gạch đá, bùn đất như chồn của bỉ nhân chăng?” Từ trong nhà, bà nói vọng ra: “Người ta đồn thế chứ lão thân có khoe là mình nuôi được chồn bao giờ đâu? Xin quý nhân đừng tin ở những lời đồn đại!” Hư Nhất ngửa mặt lên trời cười rồi quát lũ chồn tiểu yêu: “Cấm không được ném nữa!” Xong, lại quay ra nói với bà: “Bỉ nhân đã cấm lũ chồn không được ném nữa rồi! Bà đừng sợ! Hãy ra đây cho bỉ nhân dặn một điều!” Nghe thấy thế, bà mới dám hé cửa ra, hỏi: “Quý nhân muốn dạy bảo điều chi?” Hư Nhất đáp: “Chỉ muốn dặn bà một điều là từ nay trở đi, bà đừng lường gạt bệnh nhân nữa!” Bà nói: “Xin vâng!” Hư Nhất bèn cáo biệt.

Từ đó, mỗi lần Hư Nhất đi đâu mà thấy một làn gió nhẹ, thổi cát bụi bám vào vạt áo thì biết ngay là có lũ chồn tiểu yêu đang theo hầu. Thế rồi, mỗi lần đi xa, muốn có người đồng hành để đề phòng thú dữ, giặc cướp hoặc để nói chuyện cho vui, Hư Nhất chỉ cần lên tiếng gọi lũ chồn là lập tức chúng đáp lời ngay.



Thấm thoắt, Hư Nhất đã giao du với tướng công được hơn một năm. Hai bên chuyện trò rất tâm đầu ý hợp, chẳng hề trái ý nhau bao giờ.



Một hôm, Hư Nhất hỏi: “Năm nay, túc hạ bao nhiêu tuổi?” Tướng công đáp: “Ðệ quên mất rồi! Song mỗi lần nhớ tới việc mình chứng kiến vụ Hoàng Sào làm phản vào cuối triều Ðường thì đệ lại thấy tựa hồ như mới ngày hôm qua!” Nghe thấy thế, Hư Nhất kinh hãi quá, chẳng dám hỏi chi thêm.



Một trưa, Hư Nhất đến nhà tướng công dự tiệc. Chợt nghe thấy tiếng gà kêu quang quác ở hàng rào, Hư Nhất lấy làm lạ, hỏi: “Sao giữa ban ngày mà lại có tiếng gà kêu như thế?” Tướng công đáp: “Chắc là lại do Tam ca nhà đệ gây ra!” Hỏi: “Sao túc hạ chẳng mời lệnh huynh vào đây yến ẩm, đàm đạo cho vui?” Ðáp: “Gia huynh chẳng thích gặp đệ. Vả lại tư tưởng của gia huynh nông cạn lắm, biết lấy chi mà đàm đạo?” Hỏi: “Lệnh huynh ưa cuộc sống như thế nào?” Ðáp: “Gia huynh chỉ ưa cuộc sống đi bắt trộm gà để nhắm rượu. Thế nhưng, nghĩ cho cùng thì đối với gia huynh, cuộc sống như thế cũng đủ rồi, cần chi phải có tư tưởng cao siêu!” Hư Nhất bèn nói lảng sang chuyện khác. Lát sau, bỗng Hư Nhất nói: “Ðã hơn một năm nay, giao tình giữa chúng ta có thể nói là rất tốt đẹp song đệ thấy đệ vẫn còn một điều ấm ức, chưa giải tỏa được!” Tướng công cười, hỏi: “Ðiều ấy là điều chi?” Ðáp: “Ðiều ấy là điều túc hạ chưa cho đệ được nhìn thấy tôn nhan!” Cười, nói: “Giao du với nhau thì chỉ cần giữ được chân tình, thiện cảm chứ cần chi phải biết mặt nhau?” Hư Nhất lặng im, chẳng nói chi thêm.



Tháng sau. Một hôm tướng công bày tiệc rượu thịnh soạn, sai lũ chồn tiểu yêu đi mời Hư Nhất đến dự. Hư Nhất vội mặc quần áo đi theo.



Tới nơi, tướng công mời Hư Nhất nhập tiệc. Giữa tiệc, đột nhiên tướng công nói: “Hôm nay đệ mời túc hạ đến đây để chúng mình yến ẩm đàm đạo với nhau lần chót!” Hư Nhất kinh ngạc, hỏi: “Sao vậy? Túc hạ sắp đi đâu?” Ðáp: “Vì quê đệ ở Thiểm Tây nên nay đệ lại muốn hồi cư về đó!” Rồi cười, nói tiếp: “Trong hơn một năm qua, túc hạ cứ ấm ức là chẳng biết mặt mũi đệ ra sao. Nay sắp chia tay, đệ muốn để túc hạ nhìn thấy đệ một lần cho biết, kẻo sau này có dịp tái kiến, túc hạ lại chẳng nhận ra!” Hư Nhất quay đầu nhìn quanh song chẳng thấy ai, nên hỏi: “Túc hạ ở đâu?” Ðáp: “Ðệ ở trong phòng ngủ. Túc hạ hãy đến mở cửa ra thì thấy!” Hư Nhất bèn đứng dậy, bước tới phòng ngủ, mở cửa nhìn vào thì thấy quả có một thiếu niên anh tuấn, mặt đẹp như ngọc, y phục mới tinh, sang trọng lịch sự, đang ngồi trên giường, nhìn mình mỉm cười. Hư Nhất toan lên tiếng hỏi thì thiếu niên đã biến mất. Hư Nhất bèn khép cửa phòng ngủ, trở lại bàn tiệc. Nghe có tiếng chân người bước ở đằng sau, Hư Nhất quay đầu nhìn lại song chẳng thấy ai. Hư Nhất vừa an tọa thì nghe có tiếng cười, hỏi: “Phải chăng bữa nay đệ đã giải tỏa được điều ấm ức của túc hạ?” Hư Nhất chẳng đáp. Hai người lại tiếp tục yến ẩm, đàm đạo.



Tới khuya, thấy Hư Nhất vẫn chưa đứng dậy cáo biệt như mọi lần, tướng công biết là Hư Nhất còn lưu luyến tình bạn ở căn nhà này, nên cười, nói: “Mọi việc ở đời, kể cả hợp tan, đều đã có định số, túc hạ lưu luyến làm chi?” Hư Nhất lặng im, chẳng đáp. Tướng công bèn sai tiểu yêu đi lấy hai chén lớn, rồi tự tay rót đầy rượu, đưa một chén mời Hư Nhất, nói: “Ðây là ly rượu ly biệt” Hai bên cùng cạn chén. Thấy Hư Nhất đã say, tướng công bèn sai lũ tiểu yêu hộ tống về nhà.



Sáng sau, khi tỉnh rượu, Hư Nhất vội tắm gội sạch sẽ rồi cưỡi ngựa đến thăm tướng công. Tới nơi, Hư Nhất thấy căn nhà đã hoàn toàn vắng lặng, chẳng còn một tiếng động. Từ đó, căn nhà hết chồn.



Mười năm sau, Hư Nhất vẫn thanh bần như xưa.



Một hôm, Hư Nhất cưỡi ngựa từ Sơn Ðông xuống Tứ Xuyên thăm em. Tới nơi, thấy em mình có nhà cao cửa rộng, đồ đạc sang trọng, Hư Nhất cảm khái, thở dài. Ở chơi với em được hơn một tháng, Hư Nhất cáo biệt.



Dọc đường về, Hư Nhất buông cương cho ngựa bước tự do, còn mình thì ngồi trên lưng ngựa, suy nghĩ miên man về sự quý hiển của em, sót thương cho thân phận mình, rồi bất giác thở dài. Chợt nghe có tiếng vó ngựa ở đằng sau, Hư Nhất quay đầu nhìn lại thì thấy một thiếu niên anh tuấn, dáng vẻ phong nhã, mặc áo lông cừu, đang phóng một thanh câu đuổi theo mình. Hư Nhất bèn dừng cương, ghìm ngựa, đứng chờ. Khi thiếu niên tới gần, Hư Nhất gật đầu chào. Thiếu niên cung kính chắp tay đáp lễ. Hư Nhất hỏi: “Túc hạ đi đâu vậy?” Thiếu niên đáp: “Ðệ tới huyện thành ở gần đây!” Rồi hỏi lại: “Thế còn túc hạ đi đâu?” Hư Nhất đáp: “Ðệ từ Sơn Ðông xuống đây thăm người em ruột, bây giờ lại trở về Sơn Ðông” Thiếu niên nói: “Túc hạ xuống đây thăm lệnh đệ thì lẽ ra trông phải vui lắm mới đúng chứ sao trông lại buồn bã thế?” Hư Nhất thở dài, đáp: “Gia đệ thì quý hiển, nhà cao cửa rộng, còn đệ thì từ bao năm nay vẫn lận đận long đong. Vì nghĩ mình chẳng bằng em nên buồn!” Thiếu niên nói: “Trời sinh ra con người, cho mỗi người một phần số, túc hạ so sánh làm chi? Cứ an nhiên tự tại thì có phải là thanh thản hơn không?” Rồi nói lảng sang chuyện khác.



Rong ngựa cùng đi được hơn một dặm, tới ngã rẽ nhỏ, thiếu niên dừng cương, chắp tay nói: “Bây giờ thì đệ phải rẽ vào con đường này. Mong túc hạ tự bảo trọng!” Hư Nhất cũng chắp tay nói: “Xin cám ơn túc hạ!” Thiếu niên vừa dợm phóng thanh câu đi thì như chợt nhớ ra điều gì, lại dừng cương, nói: “Lát nữa đây, nếu túc hạ có gặp ai nhờ túc hạ đem một vật gì về Sơn Ðông trao cho một người quen của túc hạ thì xin túc hạ làm ơn nhận giùm cho!” Rồi vái chào, phóng thanh câu đi. Hư Nhất thắc mắc, toan lên tiếng hỏi thì thanh câu đã mất dạng trên con đường nhỏ. Hư Nhất bèn tiếp tục lên đường.



Ði được chừng ba dặm, quả nhiên Hư Nhất thấy một ông lão đứng ở bên đường, tay xách một giỏ trúc trông có vẻ nặng. Hư Nhất vừa rong ngựa tới thì ông lão đã vội chạy ra nắm lấy dây cương, nói:"Xin tiên sinh tha cho lão nô tội đường đột! Dám hỏi tiên sinh đang đi đâu đó?" Hư Nhất đáp:"Bỉ nhân đang trên đường về Sơn Ðông!" Ông lão nói:"Thế thì may cho lão nô quá! Bản chủ nhân cũng vừa sai lão nô đem chiếc giỏ này đi Sơn Ðông để trao cho một người quen của tiên sinh! Nay được biết tiên sinh đang trên đường về Sơn Ðông, lão nô dám mạo muội nhờ tiên sinh đem chiếc giỏ này về trao cho người ấy!" Hư Nhất đáp:"Ðược! Song phải nói rõ người ấy là ai vì bỉ nhân có nhiều người quen lắm!" Ông lão đáp:"Người ấy là Trương Hư Nhất tiên sinh! Ợ Hư Nhất kinh ngạc, nói: "Bỉ nhân chính là Trương Hư Nhất đây!" Rồi hỏi ông lão: "Quý chủ nhân là ai?" Ông lão đáp:"Bản chủ nhân là Hồ tứ tướng công!" Lúc đó Hư Nhất mới vỡ lẽ rằng thiếu niên mình vừa gặp chính là Hồ tứ tướng công và tướng công muốn tặng mình chiếc giỏ này. Ông lão trao giỏ. Hư Nhất giơ tay ra nhận. Hư Nhất toan lên tiếng hỏi thêm thì ông lão đã biến mất.



Mở giỏ ra coi, Hư Nhất thấy trong giỏ có một gói lớn, bọc bằng lụa đỏ, ngoài có dán một tấm giấy vàng, trên đề mấy chữ: “Hồ tứ tướng công kính tặng Trương Hư Nhất tiên sinh” Hư Nhất mở gói ra coi thì thấy toàn là vàng, ngọc.



Hư Nhất bèn buộc chặt chiếc giỏ trên mình ngựa rồi phóng về quê ở Lai Vu, Sơn Ðông.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom