• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

New Liêu Trai Chí Dị (3 Viewers)

  • Chương 143

Truyện TIÊU THẤT



Phấn nhị chi hương tập ỷ diên.



Ôn nhu hương diệc hữu tiền duyên.



Tiêu lang vị ẩm tâm tiên túy.



Tụ đắc lăng cân cánh diểu nhiên.



Huyện Lâm Chuy, tỉnh Sơn Ðông, có nho sinh họ Từ, tên Kế Trường, có vợ họ Ðiền. Ðiền thị đẹp lắm, đã hiền lành vui vẻ, chẳng biết ghen tuông, lại hay chiều chồng và ưa bỡn cợt với chồng. Kế Trường đi thi hương mãi không đậu nên bỏ học, đi làm chủ bạ.



Một buổi sáng mùa hè, Kế Trường đi dự tiệc ở xa. Chiều về, dọc đường khát nước, Kế Trường đảo mắt kiếm một ngôi nhà để vào xin nước uống thì thấy hai bên đường chỉ toàn là đồng ruộng, với vài ba ngôi cổ mộ rải rác đó đây. Khi miệng đã khô, Kế Trường mới thấy một biệt thự ở đằng xa. Mừng quá, Kế Trường vội rảo bước chạy tới thì thấy một ông lão đang ngồi hóng gió ở ngoài cổng. Kế Trường chắp tay vái chào, nói: “Bỉ nhân khát quá, xin lão trượng làm ơn cho ngụm nước!” Ông lão liền đứng dậy, nói: “Xin mời lang quân hãy đi theo lão phu!”



Sau khi dẫn Kế Trường vào sảnh đường ngồi, ông lão gọi tì nữ bưng trà lạnh lên. Chờ cho Kế Trường uống hết bình trà, ông lão mới nói: “Xin lang quân cho lão phu được biết quý danh!” Kế Trường đáp: “Bỉ nhân họ Từ, tên Kế Trường!” Rồi ngồi nói chuyện với ông lão.



Lát sau, Kế Trường đứng dậy cám ơn, xin cáo biệt. Ông lão nói: “Trời tối rồi, khó thấy đường đi, lang quân ở lại đây mà nghỉ, sáng mai hãy về!” Ðang bị say rượu, thân thể mỏi nhừ, được mời ở lại, Kế Trường liền đáp: “Xin vâng” Ông lão bèn sai tì nữ đi dọn phòng cho khách rồi quay qua nói với Kế Trường: “Lão phu đã sai dọn phòng để lang quân đi nghỉ, song giờ này còn sớm, mời lang quân ngồi đây nói chuyện với lão phu thêm một lát nữa đã!” Kế Trường đành phải ngồi lại.



Tới nửa đêm, đột nhiên ông lão gọi gia nhân lên, sai bày tiệc rượu cho tám thực khách. Kế Trường ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao giữa nửa đêm còn đi bày tiệc rượu, song cũng chẳng dám hỏi tới việc riêng của chủ nhà. Bỗng ông lão hỏi Kế Trường: “Lang quân có gia thất chưa?” Kế Trường đáp: “Thưa lão trượng, đã!” Ông lão nói: “Lão phu có chuyện riêng muốn thưa cùng lang quân!” Kế Trường vội hỏi: “Thưa lão trượng, chuyện gì?” Ông lão đáp: “Xin chớ chê là lão phu đường đột! Nguyên lão phu có bảy con gái, đã gả chồng hết sáu, chỉ còn đứa út năm nay mười sáu. Nay thấy lang quân là người xứng đôi với nó nên lão phu muốn gả nó cho lang quân làm trắc thất, chẳng hay ý lang quân thế nào?” Kế Trường lúng túng, chẳng biết trả lời ra sao. Bỗng ông lão sai gia nhân sang hàng xóm mời khách sang dự tiệc rồi sai tì nữ vào nhà trong giục cô Bảy trang điểm và trình với phu nhân đưa cô Bảy ra chào khách.



Lát sau, có bốn lão khách từ ngoài cửa bước vào, rồi phu nhân từ nhà trong bước ra, theo sau là hai tì nữ dìu một nữ lang, tư dung diễm lệ, xiêm y sang trọng. Nữ lang cúi đầu chào mọi người. Ông lão bèn đứng dậy giới thiệu mọi người với Kế Trường rồi chỉ Kế Trường mà nói: “Lang quân đây họ Từ, húy Kế Trường. Lão phu vừa quyết định đêm nay làm lễ vu quy cho con gái út sánh duyên cùng lang quân đây! Nửa đêm mà còn đi làm phiền quý vị tới đây chứng giám, mong quý vị thứ lỗi cho!” Mọi người đều nói lời chúc tụng rồi cùng nhập tiệc.



Kế Trường say rượu, thân thể mỏi nhừ, đầu óc rối loạn, chỉ muốn được đi nằm, nhưng trong tình cảnh ấy, cũng phải miễn cưỡng ngồi vào bàn. Rượu được vài tuần, Kế Trường say quá, chẳng còn kham nổi nên đứng dậy xin đi nghỉ. Ông lão cố ép ngồi lại song Kế Trường cương quyết chối từ. Ông lão đành sai tì nữ dẫn khách cùng con gái vào chung phòng. Tì nữ dắt hai người vào căn phòng mới dọn, rồi khép cửa, bỏ đi.



Vào phòng, Kế Trường ngồi xuống giường, còn nữ lang thì đến ngồi trên chiếc ghế đặt ở góc phòng, cạnh ngọn đèn. Kế Trường hỏi: “Nàng họ chi?” Nữ lang đáp: “Thiếp họ Tiêu!” Hỏi: “Nàng tên chi?” Ðáp: “Thiếp không có tên!” Hỏi: “Không có tên thì lấy chi mà gọi?” Cười, đáp: “Ai cũng gọi thiếp là cô Bảy vì thiếp là con gái thứ bảy trong gia đình!” Hỏi: “Gia thế nàng ra sao?” Ðáp: “Gia thế thiếp thì nghèo hèn thô lậu, chẳng có gì đáng khoe. Tuy nhiên, nay thiếp đã được cha đem gả cho một chủ bạ thì thiếp nghĩ gia thế nhà mình cũng chẳng đến nỗi làm nhục cho gia thế nhà chồng. Do đó, thiếp thiết tưởng chàng cũng chẳng nên căn vặn nữa!” Kế Trường ngượng quá, chẳng dám hỏi chi thêm. Bỗng cô Bảy hỏi: “Bây giờ chàng định đưa thiếp về đâu đây?” Kế Trường hỏi lại: “Ta muốn xin ở rể tại đây có được không?” Nữ lang đáp: “Không được!” Hỏi: “Tại sao?” Ðáp: “Vì chàng còn chánh thất ở nhà. Ðại nương hiền lành vui vẻ, chẳng biết ghen tuông, sao chẳng dắt thiếp về chung sống?” Thấy Kế Trường ngần ngại, cô Bảy nói tiếp: “Sáng mai, một mình chàng về trước, xin đại nương cho thiếp về ở chung. Nếu đại nương ưng thuận thì xin cho thiếp một phòng riêng. Tối mai thiếp sẽ tự tới, khỏi phải đón rước!” Kế Trường gật đầu. Cô Bảy bèn tắt đèn rồi lên giường vui vầy với Kế Trường. Lát sau, Kế Trường mệt quá, nằm lăn ra ngủ.



Sáng ra, khi ánh nắng rọi vào mắt, Kế Trường tỉnh giấc thì thấy cô Bảy đã biến mất. Kế Trường vội vùng dậy coi thì thấy mình đang đứng dưới một gốc cổ thụ, trên một đống cỏ dày. Kinh hãi quá, Kế Trường vội chỉnh lại mũ áo rồi ra về.



Tới nhà, Kế Trường thuật lại câu chuyện cho vợ nghe. Ðiền thị chẳng tin, rũ ra cười, nói: “Chắc là tại chàng say rượu, ngã xuống đường mà ngủ rồi nằm mơ thấy thế chứ gì?” Tuy nhiên, vì muốn bỡn cợt chồng, Ðiền thị vẫn đi dọn một phòng riêng, kê giường nệm gối chăn mới, rồi ra nói: “Thiếp đã dọn xong phòng riêng rồi! Tối nay chàng vào đó mà ngủ với cô dâu mới!” Nói xong, lại rũ ra cười, làm cho Kế Trường cũng phải cười theo.



Tối ấy, cơm nước xong, Ðiền thị muốn bỡn cợt chồng, bèn đến cạnh chồng, nắm tay lôi tới căn phòng mới dọn, rồi mở cửa phòng, lên tiếng hỏi đùa: “Tân giai nhân đã tới đó ư? Còn chờ gì mà chẳng ra dắt tân lang vào ngủ?” Nói xong, lại rũ ra cười. Chợt thấy ngọn đèn trong phòng loé sáng, Ðiền thị kinh ngạc, tắt hẳn tiếng cười. Rồi thấy có người từ trên giường tụt xuống đất, xỏ chân vào giày, chạy ra phía cửa. Ðiền thị đưa mắt nhìn thì thấy một nữ lang xinh đẹp, điểm trang sang trọng như cô dâu ngày cưới. Nữ lang chắp tay vái chào Ðiền thị. Ðiền thị gật đầu chào lại rồi hỏi: “Hiền muội tới từ hồi nào?” Nữ lang đáp: “Thiếp vừa mới tới!” Ðiền thị chỉ Kế Trường, nói: “Bây giờ hiền muội cứ giữ lang quân ở lại đây, để ngu tỉ đi lấy rượu vào cho hai người làm lễ hợp cẩn!” Rồi bước ra khỏi phòng. Nhận ra nữ lang là cô Bảy đêm qua, Kế Trường mừng lắm còn cô Bảy thì chỉ che miệng mà cười. Lát sau, Ðiền thị đem rượu vào phòng rồi trở ra. Ðêm ấy, Kế Trường ngủ lại phòng cô Bảy.



Sáng sau, cô Bảy dậy sớm, tự ý lau chùi dọn dẹp nhà cửa. Khi Ðiền thị ngủ dậy, thấy nhà cửa sạch sẽ tươm tất thì thích lắm, chẳng ngớt lời khen. Từ đó, ba người chung sống hòa thuận, vui vẻ dưới một mái nhà.

Tháng sau. Một sáng, đột nhiên cô Bảy nói với Kế Trường: “Tối nay, sáu tỉ tỉ của thiếp muốn tới đây ăn uống để xem nhà cửa của chàng ra sao” Kế Trường nói: “Nhà ta nghèo lắm, lấy chi mà đãi khách?” Ðáp: “Chàng khỏi lo! Vì biết nhà chàng nghèo nên họ sẽ cho người đem thức ăn tới. Chỉ nhờ chàng nói với đại nương tối nay giúp thiếp hâm nóng lại thức ăn một chút mà thôi!” Kế Trường bèn ra nói với vợ. Ðiền thị vui vẻ nhận lời. Trưa ấy, quả nhiên có người gánh hai thúng đầy rượu thịt vào đặt ở giữa sân nhà rồi bỏ đi. Ðiền thị liền ra lấy, đem vào nhà bếp.



Tối ấy, khi thấy sáu chị tới, cô Bảy chạy ra mời vào phòng mình rồi giới thiệu từng người với Kế Trường. Kế Trường thấy cô Cả cũng chỉ chừng bốn mươi trở lại, còn cô Sáu thì chỉ chừng mười tám. Cô Sáu có vóc người thon nhỏ, mảnh mai yểu điệu, dáng vẻ vui tươi, ăn nói dí dỏm, chỉ mặc một bộ đồ trắng chứ không trang điểm gì vì mới góa chồng. Ðiền thị vào bếp hâm nóng thức ăn. Cô Bảy xuống bếp mời Ðiền thị lên dự tiệc. Ðiền thị từ chối, nói đã ăn rồi. Cô Bảy bèn bưng thức ăn lên phòng. Mọi người nhập tiệc, chuyện trò vui vẻ. Trong tiệc, Kế Trường ưa nói chuyện với cô Sáu nhất. Lát sau, mọi người cùng say sưa, cười nói ầm ĩ. Thấy tiếng ồn ào trên phòng cô Bảy, Ðiền thị bèn chạy lên dòm qua cửa sổ để xem có bao nhiêu người thì thấy chỉ có chồng mình với cô Bảy nhưng tai thì vẫn nghe thấy tiếng cười nói của nhiều người. Cả bọn ngồi dự tiệc tới gần sáng mới đứng dậy cáo biệt. Cô Bảy bèn tiễn sáu chị ra về.



Ðiền thị vào phòng cô Bảy nói chuyện với chồng. Thấy bát đĩa trên bàn nhẵn nhụi, Ðiền thị cười, hỏi: “Lũ nhỏ đói lắm phải không?” Kế Trường hỏi: “Sao nàng biết?” Ðiền thị cười, đáp: “Vì bát đĩa nào cũng sạch trơn như chó liếm!” Rồi thu dọn bát đĩa, đem xuống bếp rửa.



Tiễn khách về rồi, cô Bảy trở vào phòng thì thấy bát đĩa đã được thu dọn, liền hỏi Kế Trường: “Ai dọn dẹp thế này?” Kế Trường đáp: “Chị ấy dọn, đem xuống bếp rửa rồi!” Cô Bảy vội chạy xuống bếp, giằng lấy bát đĩa trong tay Ðiền thị mà rửa, giục Ðiền thị lên nhà đi nghỉ.



Ðiền thị lên phòng cô Bảy, nói với chồng: “Chàng mời khách tới nhà dự tiệc mà lại để cho khách phải đem thức ăn tới thì thực là kỳ cục, thế nào rồi họ cũng cười cho! Hôm nào chàng gắng kiếm chút tiền để thiếp làm cho một bữa tiệc mà mời khách!” Kế Trường trầm ngâm, chẳng đáp. Lát sau, Ðiền thị nói: “Tối nay chàng cứ ở lại đây mà ngủ!” Rồi về phòng mình.



Tháng sau. Một sáng, Kế Trường đưa tiền cho vợ, nhờ làm tiệc, rồi bảo cô Bảy về nhà mời sáu chị sang dự. Ðến tối, Ðiền thị làm tiệc xong, bày hết lên bàn trong phòng cô Bảy. Lát sau, khách tới. Kế Trường bảo cô Bảy ra mời khách vào phòng nhập tiệc. Khách ngồi vào bàn, ăn uống tự nhiên, chẳng khách sáo chi, song chừa lại bốn bát thức ăn, chẳng đụng đũa tới. Kế Trường lấy làm lạ, hỏi: “Sao các tỉ tỉ chẳng dùng mấy món này?” Khách nhìn nhau mỉm cười, đáp: “Bữa trước phu nhân nói chúng tôi ăn uống thô tục, bát đĩa sạch trơn như chó liếm, nên hôm nay chúng tôi phải chừa lại bốn món, để phần nhà bếp!”



Trong tiệc, cô Sáu cứ buông lời chọc ghẹo Kế Trường làm cho Kế Trường phải đỏ mặt. Thấy thế, bọn chị em liền đặt ra một luật chơi, gọi là tửu lệnh, hẹn rằng hễ ai nói câu gì chọc ghẹo Kế Trường thì bị phạt một ly rượu. Cô nào thì cũng chỉ bị phạt một vài chén, riêng cô Sáu thì bị phạt tới mười hai chén. Vì thế, cô Sáu say lảo đảo, mặt đỏ gay, phải giả vờ đi rửa mặt rồi xuống bếp kiếm chỗ ngả lưng. Kế Trường chờ mãi chẳng thấy cô Sáu trở lại bàn tiệc, bèn thắp đèn đi tìm. Xuống bếp, thấy cô Sáu đang nằm ngủ vùi ở xó bếp, tay nắm chặt một chiếc khăn lụa mỏng, Kế Trường vội cúi xuống gỡ trộm chiếc khăn, cất vào túi áo, rồi trở lên bàn tiệc, nói cô Sáu say quá, đang nằm ngủ ở dưới bếp, xin cứ để yên cho cô ấy ngủ.



Ðêm ấy, bữa tiệc kéo dài tới gần sáng. Lúc tiệc tan, thấy năm chị lớn đã sửa soạn ra về mà chị Sáu vẫn chưa trở lên phòng tiệc, cô Bảy liền chạy xuống bếp đánh thức. Cô Sáu dụi mắt, uể oải vươn vai, song vẫn còn ngái ngủ, chưa chịu ngồi dậy. Cô Bảy phải giục mãi, cô Sáu mới chịu đứng dậy lên nhà trên, cùng năm chị ra về. Lần này, cô Bảy bảo Kế Trường đi tiễn khách. Ðược lời, Kế Trường liền đi tiễn một quãng thực xa. Khi trở về, Kế Trường cứ ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Lát sau, Kế Trường lẻn ra vườn sau, móc túi lấy chiếc khăn ra coi thì thấy chiếc khăn đã mất. Kế Trường vừa kinh hãi vừa tiếc rẻ, nghĩ rằng mình đã đánh rớt chiếc khăn ở dọc đường khi đi tiễn khách nên vội thắp đèn đi tìm, song tìm mãi chẳng thấy. Thấy Kế Trường trở về, vẻ mặt buồn rầu, cô Bảy mỉm cười, hỏi: “Ði đâu về thế?” Kế Trường đáp: “Ði đóng cổng!” Hỏi: “Ði đóng cổng thì việc gì mà phải buồn thế?” Chối: “Có buồn chi đâu?” Nói: “Chối làm chi nữa! Khăn của người ta thì người ta lấy lại rồi, tìm làm chi cho mất công vô ích!” Kế Trường kinh hãi quá, đành thú thực: “Ta mê chị Sáu lắm!” Cô Bảy nói: “Thiếp biết chứ! Nhưng chị Sáu với chàng hết duyên nợ rồi!” Hỏi: “Sao nàng biết?” Ðáp: “Vì kiếp trước chàng là nho sinh còn chị Sáu là con gái nhà nông. Chàng gặp chị Sáu thì mê song cha mẹ chàng không cho chàng cưới. Vì thế, chàng ốm tương tư, phải nằm liệt giường, nhờ người báo tin cho chị Sáu biết, xin chị Sáu tới thăm và cho chàng nắm tay một lần để lỡ chàng có thác thì cũng đã được toại nguyện. Chị Sáu ưng thuận song cứ chần chờ. Ðến tối, khi chị Sáu tới thì chàng đã thác. Vì thế, chị Sáu chỉ nợ chàng có một cái nắm tay thôi. Hôm nay chàng đã được nắm tay chị Sáu để gỡ trộm khăn rồi thì nợ đã hết. Vì thế, hai người khó lòng mà tiến xa hơn được!”



Tháng sau, Kế Trường lại đưa tiền cho vợ, nhờ làm tiệc để mời các cô chị của cô Bảy. Thế nhưng lần này, chỉ có năm cô tới còn cô Sáu không tới. Kế Trường nghi là cô Bảy ghen, không cho cô Sáu tới nên rất oán hận cô Bảy. Cô Bảy phân trần: “Thấy chị Sáu không tới, chàng nghi là thiếp ghen, không cho chị ấy tới. Thực ra thì tại chị ấy không muốn tới chứ chẳng phải là tại thiếp ghen!” Kế Trường vẫn chẳng tin. Cô Bảy bèn tìm đủ cách cho Kế Trường gặp lại cô Sáu nhưng cô Sáu nhất định chẳng chịu gặp lại Kế Trường. Lúc đó Kế Trường mới bớt nghi cô Bảy.



Tám năm sau.



Một sáng, đột nhiên cô Bảy nói với Kế Trường: “Chiều nay, thiếp xin vĩnh biệt chàng!” Kế Trường kinh hãi, hỏi: “Sao lại vĩnh biệt?” Ðáp: “Vì duyên nợ với chàng đã hết nên thiếp phải về ở với cha mẹ!” Hỏi: “Nàng chẳng thể ở lại đây được nữa hay sao?” Ðáp: “Chẳng thể được! Song trước khi vĩnh biệt, thiếp muốn giúp chàng một việc!” Hỏi: “Việc gì?” Ðáp: “Việc gặp lại chị Sáu! Trong tám năm qua lúc nào chàng cũng nhớ tới chị Sáu và oán hận thiếp! Bây giờ, thiếp muốn giúp chàng gặp lại chị Sáu để cho chàng được toại nguyện. Chị Sáu góa chồng, về ở với cha mẹ. Chàng mời chị ấy tới đây dự tiệc thì chị ấy có quyền từ chối, song chàng theo thiếp về thăm cha mẹ thiếp thì chị ấy đâu có quyền cấm cản chàng? Bây giờ chàng cứ đi theo thiếp, biết đâu chị ấy chẳng đổi ý, chịu ra gặp chàng! Xưa nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều!” Kế Trường mừng lắm, thuận đi theo cô Bảy.



Chiều ấy, cô Bảy vào chào vĩnh biệt Ðiền thị rồi cùng Kế Trường ra cổng. Cô Bảy vừa nắm tay Kế Trường thì cả hai cùng bay bổng lên không trung. Lát sau, khi đáp xuống cổng nhà Tiêu lão, Kế Trường thấy ngôi nhà vẫn nguyên như cũ. Thấy Tiêu lão cùng phu nhân đang đứng ở cổng, Kế Trường vội chắp tay vái chào. Tiêu lão cùng phu nhân khẽ gật đầu đáp lễ rồi bảo cô Bảy dẫn Kế Trường vào phòng khách. Vào phòng, phu nhân gọi tì nữ pha trà rồi quay qua nói với Kế Trường: “Con Bảy nhà lão thân được hưởng hạnh phúc với hiền tế trong tám năm qua, lão thân rất cám ơn hiền tế. Vì lão thân già yếu, chẳng tới nhà hiền tế được lần nào, mong hiền tế hiểu cho!” Sau đó, quay qua bảo gia nhân: “Tối nay, hãy bày tiệc rượu cho năm thực khách!” Gia nhân vâng dạ.



Tối ấy, khi gia nhân bày tiệc xong, phu nhân sai tì nữ thắp đèn rồi mời Tiêu lão, Kế Trường và cô Bảy cùng ngồi vào bàn dự tiệc với mình. Cô Bảy hỏi mẹ: “Các chị con đâu? Sao chẳng thấy ai ra dự tiệc?” Phu nhân đáp: “Hôm qua chúng nó kéo nhau về đây đông đủ cả song sáng nay đứa nào cũng theo chồng về nhà rồi! Chỉ còn con Sáu ở lại đây thôi!” Rồi sai tì nữ vào nhà trong mời cô Sáu ra dự tiệc. Kế Trường hồi hộp chờ cô Sáu ra song chờ mãi chẳng thấy. Cô Bảy bèn đứng dậy, chạy vào nhà trong lôi chị ra, kéo ghế ép ngồi, rót rượu ép uống. Kế Trường đưa mắt nhìn thì thấy nét mặt cô Sáu có vẻ trầm ngâm chứ chẳng được vui tươi như trước.



Rượu được vài tuần, Tiêu lão và phu nhân cùng đứng dậy, nói lời cáo từ rồi vào nhà trong. Còn lại ba người ở bàn tiệc, cô Bảy lên tiếng: “Chị cứ khủng khỉnh làm cao để người ta nghi oan cho em mà oán hận em!” Cô Sáu mỉm cười, nói: “Em thử nghĩ coi! Gần gũi với con người khinh bạc, gỡ trộm khăn tay, để làm gì?” Nghe thấy thế, Kế Trường mới tin là mình đã nghi oan cho cô Bảy. Ðột nhiên cô Bảy đứng dậy, gỡ hai ly rượu ở tay hai người, đổi lẫn cho nhau, rồi ép hai người phải uống hết. Thấy hai người còn e dè, cô Bảy nói: “Uống hết đi chứ! Còn ngượng ngập nỗi gì?” Hai người bèn cùng nâng chén, uống cạn. Cô Bảy đứng dậy, đi vào nhà trong.



Thấy trong phòng chỉ còn có cô Sáu với mình, Kế Trường vội xô ghế đứng dậy, chạy tới nắm lấy cổ tay cô Sáu. Ðột nhiên, ở phía ngoài phòng có tiếng la hét ầm ĩ rồi có ánh đèn chiếu vào cửa phòng. Cô Sáu hoảng hốt giựt tay lại, la lên: “Chết rồi! Tai họa tới bất thần, biết làm sao bây giờ?” Kế Trường còn đang luống cuống thì cô Sáu đã biến mất. Kế Trường buồn bã, ngồi bệt xuống sàn thì bỗng thấy nhà cửa, lầu gác, đèn nến đều biến mất cả, duy chỉ còn mình đang ngồi giữa một bãi tha ma, chung quanh toàn là đồng ruộng, trên đầu là bàu trời đầy sao.



Chợt Kế Trường thấy từ xa có ánh đèn rọi tới rồi có một bọn thợ săn chừng hơn chục người, lưng đeo cung, tay cầm đao, ầm ầm chạy đến. Nhìn thấy Kế Trường, bọn thợ săn kinh hãi, hỏi: “Bằng hữu là ai? Sao đêm khuya lại tới đây mà ngồi?” Kế Trường đáp: “Bỉ nhân làm chủ bạ ở Lâm Chuy! Sáng qua tới nhà bạn dự tiệc, đến tối ra về thì bị lạc đường nên phải ngồi tạm xuống chỗ này nghỉ chân!” Bọn thợ săn hỏi: “Tụi tôi đang đuổi theo một con chồn. Nó vừa chạy qua đây, bằng hữu có thấy không?” Ðáp: “Bỉ nhân chẳng thấy chi cả!” Rồi đưa mắt nhìn quanh thì nhận thấy mình đang ngồi cạnh một ngôi cổ mộ thuộc gia đình họ Vu. Bọn thợ săn ra về. Kế Trường buồn bã đứng dậy, về theo. Tới nhà, Kế Trường thuật lại câu chuyện cho vợ nghe, làm Ðiền thị cũng phải kinh ngạc. Kế Trường thầm mong cô Bảy trở lại một lần song trước sau cô Bảy vẫn tuyệt vô âm tín.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom