Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 6: Nhắc tới lâm gia
Hoành ca xem xét cẩn thận xong mới yên lòng, chuyển sang hỏi thăm Lâm Di đã khỏi bệnh chưa.
Lâm Di nhanh nhẹn đáp: “Đã khỏe nhiều rồi ạ.”
Nghe vậy Hoành ca giống như buông được khối đá trong lòng, thở phào một hơi rõ to.
Hoành ca theo cha đến thư viện nên ăn mặc hết sức nghiêm chỉnh, do vội vã chạy tới đây nên cổ áo đã ướt đẫm mồ hôi. Lâm Di bảo Linh Lung đưa khăn tới cho ca ca lau mồ hôi.
Hoành ca quyết định trở về phòng thay đồ mặc ở nhà với rửa mặt mũi chân tay rồi mới trở lại nói chuyện cùng Lâm Di.
Lâm Di cười hỏi thăm tình hình tới thư viện hôm nay của ca ca: “Thế nào? Có tốt hơn thư viện ở Phúc Ninh không ạ?”
Hoành ca vốn thẳng thắn, ở ngoài vừa ăn một bụng tức nên ngữ điệu cũng gắt gỏng hơn mấy phần, “Tốt cái gì, trong đó toàn một đám công tử thế gia suốt ngày chỉ biết vờ vịt ra vẻ, bất kỳ thư viện nào ở Phúc Ninh cũng tốt hơn chỗ này.”
Đây chỉ là mấy lời nói sẵng khi tức giận của Hoành ca mà thôi. Phúc Ninh có không ít tài tử, chẳng qua đều bị tính lười nhác ăn vào tận trong cốt tủy, cho nên không thích theo đuổi công danh, càng chẳng mộng đến thư viện làm tiên sinh dạy học. Cha một lòng muốn Hoành ca đi theo con đường khoa cử, nhưng khổ nỗi tìm mãi vẫn không được gia sư tốt cho ca ca.
Hoành ca vẫn còn chau mày tức tối, lần này cha dẫn cậu đến thư viện, một là để cậu mở mang tầm nhìn, hai là muốn tìm cho cậu một gia sư giỏi. Kết quả, gia sư không thấy đâu, cậu lại nghe thấy rất nhiều lời tán dương tổ mẫu… Nào là do cha dẫn vợ con trở lại mà Trần gia phải đổ tiền sửa chữa sân viện, cha ít về Kinh vì không chịu nhận Đổng thị là mẫu thân, có cả mấy lời như nếu cha trở về Trần gia rồi hay đi mời sẽ dễ hơn nhiều.
Cha cậu ngoài mặt không lên tiếng, nhưng trên đường trở về lại im lặng không nói câu nào.
Hai bá phụ và tổ mẫu đối xử với bọn họ đến cùng có tốt hay không, người ngoài làm sao biết được? Chẳng qua cũng đều chỉ nghe lời của một mình Đổng thị mà thôi, chưa kể Đổng thị vốn chẳng phải tổ mẫu ruột của bọn họ.
Hoành ca nhìn về phía Lâm Di, “Muội ráng chờ thêm mấy ngày nữa, đợi lễ mừng thọ của lão thái thái xong rồi, cả nhà chúng ta có thể trở về Phúc Ninh ngay.”
Hoành ca vừa dứt lời thì bên ngoài chợt vang lên tiếng bước chân, Tam thái thái Tiêu thị dẫn theo nha hoàn vào phòng.
Tiêu thị dẫn hai người vào buồng trong rồi tỉ mỉ xem xét cái chân bị thương của Lâm Di, “May mà không có chuyện gì lớn, thật sự làm mẫu thân giật cả mình.” Nói xong bà lấy ra hai tấm bùa bình an đưa cho Hoành ca và Lâm Di, “Bảo nha đầu để bùa bình an này vào hà bao* của các con.”
(*) Hà bao: túi tiền.
Hoành ca không khỏi bĩu môi.
Tiêu thị nhìn thấy cũng không tức giận, hiền từ kéo Hoành ca tới gần, tự tay nhét bùa bình an vào trong hà bao của cậu, “Miếu Dược vương hương khói nghi ngút, nếu có thể giữ bình an cũng tốt mà.” Rồi bà cũng nhét bùa bình an vào hà bao của Lâm Di.
Mẹ ruột của Lâm Di và Hoành ca đã qua đời, Tiêu thị một tay nuôi hai người nên bọn họ coi Tiêu thị như mẹ ruột.
Hoành ca nhớ tới chuyện không vui của hôm nay, nhanh chóng kể lại toàn bộ cho Tiêu thị nghe.
Thấy Tiêu thị trầm ngâm không nói, Hoành ca thẳng thừng hỏi luôn: “Mẫu thân, chẳng phải chúng ta sẽ trở về ngay sau lễ mừng thọ của tổ mẫu sao?”
Lâm Di cũng ngẩng lên nhìn Tiêu thị, Tiêu thị rõ ràng lộ vẻ do dự, “Chuyện này phải hỏi ý phụ thân hai con.” Bà dừng một chút mới hỏi: “Trước khi vào Kinh chẳng phải hai con từng rất háo hức ư, sao bây giờ lại như vậy?”
Kỳ vọng là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác.
Thấy hai đứa con không nói lời nào, Tiêu thị an ủi Hoành ca: “Ngày mai bảo phụ thân dẫn con ra ngoài dạo phố, thích cái gì thì bảo phụ thân mua cho.”
Nghe nói được đi mua đồ, hai mắt Hoành ca liền sáng lên, dù sao Kinh thành cũng là nơi phồn hoa bậc nhất, có rất nhiều thứ mới lạ mà ở Phúc Ninh không có.
Tiêu thị quay sang an ủi Lâm Di: “Thợ may ở Kinh thành có tay nghề rất tốt, mẫu thân sẽ mời về phủ may cho con thêm hai bộ mới, sắm thêm ít trang sức và trâm cài luôn. Một lát nữa thợ trang sức sẽ mang mẫu vào phủ, con cứ chọn kiểu con thích, để bọn họ đi làm bộ mới cho con.”
Nếu là trước khi sống lại, nàng nghe xong sẽ cực kỳ mừng rỡ, đáng tiếc…
Lâm Di cười bảo: “Trang sức con vẫn còn rất nhiều, không cần làm thêm đâu ạ. Chúng ta cũng mang theo không ít quần áo từ Phúc Ninh, vẫn còn hai bộ mới tinh con còn chưa mặc.”
Tiêu thị nói: “Đều là kiểu dáng của Phúc Ninh hết, không thịnh hành ở Kinh thành đâu. Con không thấy tỷ muội trong phủ đều mặc áo lụa, khoác sa mỏng sao? Ăn mặc như vậy ra ngoài trông mới trang nhã, cũng có thể diện.”
Thảo nào Tiêu thị ra ngoài dâng hương mà mất cả ngày, thì ra là vì đi tìm thợ làm trang sức cho nàng.
Nhưng có muốn sắm thêm ít trang sức cũng đâu cần gấp như vậy.
Là Đại bá mẫu đã nói gì đó với mẹ sao? Hay là lần này trở lại Kinh, cha mẹ có ý định khác?
Lâm Di cẩn thận suy nghĩ, “Mẫu thân từ nhỏ đã ở Kinh thành, lần này ra ngoài có gặp được người quen không ạ?”
Tiêu thị tươi cười, “Kinh thành lớn thế mà không ngờ lại khéo như vậy, mẫu thân gặp được vị tỷ muội bên nhà thông gia.”
Nhà mẹ đẻ của Tiêu thị từng ở Kinh thành một thời gian ngắn mới dời tới phủ Tuyên Hóa.
Tỷ muội bên nhà thông gia trong lời Tiêu thị chẳng lẽ là…
Từ trước đến nay Lâm Di chưa từng hỏi Tiêu thị những chuyện này, lại càng không biết trên đường đi thắp hương ở miếu Dược vương, bà đã gặp ai, nàng nhìn nụ cười trên mặt mẹ mình, chỉ có thể thử dò hỏi: “Chẳng lẽ là Tôn thái thái mà mẫu thân hay nhắc tới?”
Tiêu thị nâng chén trà trên bàn lên uống một hớp, “Không phải. Tôn thái thái đã theo nhà chồng đến Thịnh Kinh rồi.” Vừa nói bà vừa thở dài, “Nếu bà ấy còn ở Kinh thành thì mẫu thân và bà ấy có thể gặp gỡ ôn chuyện cũ rồi.” Tỷ muội thân thiết mấy thì sau khi lập gia đình thường đều đường ai nấy đi, có thể vô tình gặp lại người quen cũ khi còn bé thật sự khiến bà vừa mừng vừa ngạc nhiên.
Đương lúc xúc động, Tiêu thị cũng có hứng kể lại chuyện lúc còn thơ bé.
Hoành ca không thích nghe mấy chuyện này nên định đi, nhưng mới nghe được mấy câu đầu liền dừng bước.
“Ta chỉ biết bà ấy gả cho con cháu dòng dõi thư hương, lúc gặp lại, con trai bà ấy cũng đã đứng đầu kỳ thi Viện*, năm nay chuẩn bị thi Hương*. Bà ấy tới miếu Dược vương để cầu cho thằng bé được mạnh khỏe, thi cử thuận lợi.”
(*) Thi Viện, thi Hương là các kỳ khoa cử thời xưa. Thi Hương tương đương với thi tú tài ngày nay.
Đứng đầu cuộc thi Viện… Mấy chữ này khiến mày Lâm Di giật giật, quả nhiên là bà ta…
Lâm Chính Thanh đứng đầu kỳ thi Viện, sau đó cũng đỗ giải nguyên trong kỳ thi Hương. Mẫu thân của Lâm Chính Thanh chính là người quen cũ của Tiêu thị.
Đúng là chuyện nên tới vẫn phải tới.
Mắt Hoành ca liền sáng lên, “Người mẫu thân nói có phải là Lâm gia không ạ?”
Tiêu thị kinh ngạc nhìn Hoành ca, “Sao con biết?”
Hoàng ca nghiêng đầu, nói với vẻ mặt hâm mộ: “Người ở thư viện đều nói, mười hai tuổi đã đứng đầu kỳ thi Viện, mười lăm tuổi tham gia thi Hương, Lâm gia có một hậu bối như vậy đúng là nở mặt nở mày.”
Tiêu thị giơ tay chỉnh lại cổ áo cho Hoành ca, “Con cháu đời sau của thế gia danh môn nếu không có một hai thành tích thì đều sẽ bị coi thường. Thế nên phụ thân con mới muốn con chăm chỉ học tập, về sau tham gia khoa cử, kiếm công danh để làm rạng rỡ tổ tông.”
Hoành ca nghe vậy cũng không phản bác mà bắt đầu ngẫm nghĩ.
Lâm Di hít một hơi thật sâu để khiến trái tim mình đập bình thường trở lại, “Mẫu thân chuẩn bị đến Lâm gia chào hỏi sao ạ?”
Tiêu thị đáp như cho có lệ: “Lâm đại thái thái có mời chúng ta qua chơi một chuyến, nhưng mẫu thân nhớ con vẫn chưa khỏe hẳn nên đã từ chối rồi.”
Ba người đang nói chuyện thì Đàm ma ma hầu hạ bên cạnh Tiêu thị bước vào thưa: “Thợ may đến rồi ạ.”
Tiêu thị cười bảo: “Dẫn người vào đi.” Vừa nói bà vừa kéo Lâm Di và Hoành ca lại, “Không mất nhiều thời gian lắm đâu, để Đàm ma ma giúp các con chọn chất liệu và kiểu dáng hai đứa thích đi.”
Tam thái thái Tiêu thị sốt sắng đặt mua quần áo và trang sức như vậy là vì muốn dẫn nàng ra ngoài gặp gỡ nhiều người cho quen mặt. Kiếp trước nàng bệnh mãi không khỏi nên chưa từng cùng Tiêu thị ra ngoài. Bây giờ nếu “bệnh” của nàng đã khỏi, bất kể trưởng bối sắp xếp thế nào, ít nhất nàng cũng có thể tham gia vào đó, giành quyền chủ động cho mình.
…
Trong phòng của Trần lão thái thái, Đại thái thái Đổng thị khóc gần như chết đi sống lại, song Trần lão thái thái vẫn giữ nụ cười châm biếm trên mặt.
Năm đó, giữa biết bao khuê tú đại tộc, bà ta chọn đứa cháu gái tính tình dịu dàng này làm vợ cho con trai vì nghĩ rằng, dù sao cũng là người nhà, về già có thể dựa vào. Không ngờ con dâu cả vào cửa liền xem cái phủ này như cõi riêng của mình, ngày thường bà ta đã nhắm một mắt cho qua, song lá gan của đứa con dâu này lại càng lúc càng lớn.
“Lão thái thái.” Đại thái thái Đổng thị dùng khăn lau nước mắt, “Cô ma*,… Con là con dâu do người chọn, làm sao con có thể làm ra chuyện như vậy…” Vừa nói bà ta vừa chỉ ra ngoài cửa, “Bên ngoài có người muốn hãm hại con, chẳng lẽ người còn không rõ? Chuyện lớn chuyện nhỏ trong viện này đều do một tay con thu xếp, nhưng con được gì chứ? Cả nhà lão Tam từ Phúc Ninh trở về cũng do con chăm nom, Lục nha đầu ngã bệnh con liền dẫn Tam đệ muội đi cúng bái Dược vương gia, làm gì có thời gian đi hại Liễu di nương? Tại sao Liễu di nương gặp chuyện không may ngay vào lúc con ra ngoài? Rõ ràng là có người tính toán rồi sắp đặt sẵn.”
(*) Cô ma (cô mẫu): em gái hoặc chị gái của cha.
Lão thái thái cười khẩy, “Cô không ở nhà thì thế nào? Hạ nhân trong phủ chẳng phải đều là người của cô hết à? Chỉ cần cô ra lệnh, làm gì bọn chúng dám không làm theo.”
Nghe vậy Đại thái thái Đổng thị càng khóc lóc thê thảm hơn, “Bao năm qua con ở Trần gia này, chỉ vì không sinh được con trai mà làm gì cũng phải cẩn thận hơn ai hết, sợ bị người ta bắt lỗi. Lão gia cho thiếp thất ngừng uống thuốc con chẳng nói gì, thiếp thất mang thai con cũng tỉ mỉ chăm lo, không ai mong thiếp thất bình an sinh hạ đứa trẻ hơn con, bằng không một ngọn gió thổi cỏ lay cũng sẽ đổ hết lên đầu con.” Vừa nói Đại thái thái Đổng thị vừa cười buồn, “Lần trước người cũng lôi con tới tra hỏi, con đã bày tỏ hết nỗi lòng mà người vẫn không chịu tin tưởng.”
Lão thái thái nhướng mắt, “Chuyện tới nước này rồi mà cô còn không thừa nhận? Từ trước tới nay nhà bếp chung đều là do cô trông coi, còn ai có khả năng làm bậy nữa? Không chỉ hại Liễu di nương, cô còn bảo nhà bếp làm món Phúc Kiến đưa tới chỗ Lục nha đầu có đúng không? Muốn cho người nhánh cả chứng kiến cảnh Lục nha đầu ra tay đánh mắng hạ nhân.”
Nghe thấy những lời này, Đại thái thái Đổng thị mở to mắt, “Tối hôm qua người có nói với con, bên nhánh cả muốn đến thăm nhà Tam đệ, bảo con cẩn thận sắp xếp. Cho nên con mới bảo nhà bếp làm món Phúc Ninh, để người nhánh cả không bắt lỗi này nọ, tại sao lại thành hãm hại Lục nha đầu rồi… Nếu người không chịu tin thì cứ việc điều quản sự nhà bếp tới hỏi đi, xem có phải là có người âm thầm gây chuyện thị phi hay không.”
Gọi quản sự tới? Đám người đó thà bị đuổi ra khỏi phủ cũng sẽ không nói ra sự thật. Thủ đoạn kiểu này, bà ta đã thấy quá nhiều rồi.