• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Búp sen xanh (3 Viewers)

  • Búp sen xanh - Phần 2 chương 15

15


Thu đã sang. Huế mơ màng...


Kết thúc chặng đường học tiểu học trường Đông Ba, lòng Tất Thành thảnh thơi, tĩnh lặng. Nhưng, chẳng mấy chốc tâm trí Thành lại bề bộn với bao hy vọng đợi chờ được gọi vào "Thiên đường trường học" của niên khóa 1906-1907. Và, cái mùa thu của năm 1906 này, anh càng bận tâm với không khí âm ỉ của cuộc vận động chống Pháp do các sĩ phu yêu nước nhen lên. Sôi nổi nhất là các giới đồng bào ở kinh đô Huế hưởng ứng Hải ngoại huyết thưcủa Phan Bội Châu. Các nhà hằng tâm hằng sản ủng hộ vàng bạc cho quỹ xuất dương. Những thanh niên trí thức có tâm huyết tìm cách trốn sang Trung Quốc, sang Nhật theo Phan Bội Châu. Phan Chu Trinh từ Nhật Bản về nước. Ông gửi thư cho toàn quyền Bô (Beau) đòi cải cách chính trị, nới rộng dân quyền...


Thành đang xốn xang với thời cuộc, cha và anh Đạt lại vào Bình Định thăm cụ Đào Tấn đã từ quan về quê nghỉ, bị ốm. Giữa lúc này Thành nhận được thư chị Thanh gửi qua Phạm Gia Cần nhân lúc anh về thăm quê.


Thành cầm lá thư của chị ra hồ Tịnh Tâm ngồi đọc. Những bông sen cuối mùa cúi gục xuống mặt hồ phẳng lặng. Thành tựa vào gốc cây, tán xòa như chiếc lọng xanh che đầu, trải lá thư của chị trên lòng bàn tay, mắt rơm rớm ướt vì cảm động trước những dòng "chữ mới" do bàn tay chị viết:


Phong thư viết vội


Chị gửi hai em


Giấy trắng mự


Thắm tình của chị.


Niềm thương như bể


Nỗi nhớ như non


Trăng khuyết trăng tròn


Lúc mưa lúc nắng


Lòng chị nỏ (chẳng) vắng


Một phút hình em


Thương cha ngày đêm


Một mình một bóng


Khác chi gà trống


Nặtư thóc nuôi con


Sầu nước héo gan


Thờ vua khô dạ...


Em ơi có rõ


Chị sống một thân


Giữ nếp thanh bần


Mà không dốt nát


Chị đã học được


Chữ mới như em


Nghe lời giải


Chị vô Hội kín...


Hai em đã lớn


Nhiều chữ, gần cha


Ắt là nhìn ra


Con đường cứu nước...


Thành đang ngẫm nghĩ về trang thư của chị thì từ phía sau, Kỳ ùa đến:


- Hầy! (Thành giật mình nhìn lên, cười với Kỳ) Đây rồi! Bắt gặp đây rồ i... Ấy! Thành đọc... Răng mắt... Thành khóc?


- Mình đọc thư của chị Thanh mới gửi vô.


- Thầy và anh Đạt về rồi. Còn có một vị khách cũng về với thầy nữa. Thầy cho mình đi tìm Thành về. Anh Đạt đang đun nước pha trà.


Thành và Kỳ đi sóng đôi dưới bóng hàng cây. Đi tới lối rẽ về nhà Thành, Kỳ trả cho Thành tập truyện "Không gia đình" bằng tiếng Pháp rồi đi thẳng ra phố.


Thành đi mé ngòai hàng cây hoa râm bụt, ghé mắt vào nhà thấy cha và ông khách đang ngồi đối diện nhau ở bộ ghế bành voi. Thành đi quành ra sau nhà, đưa cho anh Đạt lá thư của chị Thanh. Thành sửa lại quần áo ngay ngắn, vuốt mái tóc dày ốp mượt mà, tay vẫn ôm cuốn truyện "Không gia đình", đi lên nhà. Anh khoanh tay trước ngực:


- Con chào cha, - anh cúi đầu về phía khách: - cháu chào bác ạ.


Ông Huy chìa tay về phía trước:


- Thưa bác, cháu Nguyễn bác đó ạ.


Vị khách nhìn Thành với vẻ hiền từ, âu yếm. Ông chìa tay mời:


- Cháu ngồi vô ghế.


Thành nhấc chiếc ghế ra xa bàn để tránh ngồi ngang hàng với cha và với khách của cha. Vị khách gật đầu tán thưởng cái cử chỉ lễ phép ấy của Thành. Ông Huy giới thiệu với con:


- Cha xin phép được giới thiệu bác với con... Bác là thầy Lê Văn Miến.


Thành chớp chớp mắt, hơi nghiêng dầu nhìn thầy giáo Miến, một thầy giáo mà anh đã được cha nhiều lần nhắc tên và anh ước ao được học thầy. Anh lễ phép thưa:


- Dạ, thưa thầy, con được nghe danh thầy đã từ lâu, nay con lại vinh dự được gặp thầy...


- Cha cháu với chú là chỗ thân tình, cùng quê. Cháu cứ gọi là chú, vì chú ít tuổi hơn cha cháu. Nay mai anh em cháu vào học trường Quốc gia học đường, lúc bấy giờ là thầy trò thực sự ta sẽ gọi nhau đúng chức danh, cháu ạ.


- Thưa... dạ thưa chú, anh em cháu e khó vô nổi cửa trường Quốc học ấy ạ.


- Chú vừa mới báo tin với cha cháu đó. Hai anh em cháu đều đã có tên trong danh sách chính thức của niên khóa 1906-1907 cháu ạ.


Nguyễn Tất Thành hơi bối rối, những ngón tay anh cử động một cách vụng về trên bìa cuốn truyện "Không gia đình", hai bàn chân anh luôn xê dịch trên nền nhà. Thầy giáo Lê Văn Miến đã đọc được những tín hiệu xúc động ấy của Tất Thành. Ông nói:


- Chú hơi lo cháu Tất Đạt sức học có phần yếu một chút. Cháu Đạt phải cố gắng ngay từ đầu năm học, về sau mới đuổi kịp trình độ chung của trường. Còn cháu, - ông nhìn Thành, vẻ tin tưởng - cháu thuộc loại hiền đức tại tâm, anh hoa tọa mục"... (65)


(65) Đại ý: Đức lớn ở lòng, sự thông minh hiện lên trong mắt.


Nguyễn Tất Thành càng bối rối hơn. Ông Nguyễn Sinh Huy đỡ lời cho con:


- Cháu Thành được cái sáng dạ và hiếu học, ham hiểu biết. Cháu có thể mặc áo vá, để đầu trần, đi chân đất ăn cháo, ăn rau, nhưng cháu không thể nhịn học, nhịn xem sách, nhịn nghe những chuyện bổ ích.


Thầy Miến nhấp một ngụm trà và cầm gọn cái chén bạch định vào lòng bàn tay, giọng khoan thai:


- Các thầy chấm bài thi, từ lúc chưa ráp phách lại đã xôn xao về một số bài thi làm rất tốt. Các thầy đồng thanh cho điểm mười. Trong số bài đặc sắc ấy có bài cháu Nguyễn Tất Thành của quan bác.


Quan phó bảng Huy cảm động, tay hơi run, cầm cái ấm chuyên tiếp trà vào chén thầy Miến. Tất Thành hai má đỏ ửng. Thầy Miến nói với Thành:


- Những năm học trước đây, học sinh vào trường Quốc học không phải qua kỳ thi tuyển chọn mà lấy vào rặt con các vị mũ cao áo dài và những sinh viên trường Quốc tử giám có xu hướng học chữ mới và tự nguyện ra làm việc cho nhà nước bảo hộ. Phủ toàn quyền Đông Dương ra nghị định lập cái trường Quốc học này để thay thế cho trường Hành Nhơn của chính phủ Nam triều từ năm 1896. Cho nên, ai đậu bằng thành chung do trường Quốc gia học đường này đào tạo thì được trọng dụng ngang với người có bằng cử nhân nho học. Ngay cả khi còn đang là cậu học trò trường Quốc học thì người bên tòa khâm, có khi bản thân ông chánh sứ đến tận lớp học nhắn người để đưa về làm việc. Cho nên, dân kinh đô mới gọi là "Thiên đường trường học


Tất Thành, tay bóp chặt cuốn truyện "Không gia đình" mắt chớp chớp:


- Thưa chú, nếu luật lệ bắt buộc sau khi ở trường Quốc học ra phải đi làm thầy thông, thầy ký cho nhà nước bảo hộ thì... cháu sẽ xin phép cha cháu để tìm một trường học khác.


- Khá lắm. Hữu chí cánh thành (66) - ông hạ giọng: - Một người sớm có chí hướng như cháu thì chẳng có sức mạnh nào bắt cháu khuất phục được. Cho nên cháu cần vào trường Quốc học. Hiện nay, trên khắp xứ mình không có trường học nào đáng để cháu học bằng cái trường Quốc học này. Lớp trẻ các cháu, nhất là cháu, cần có vốn văn hóa tân tiến. Không phải bất cứ ai học chữ Tây rồi cũng ra làm tay sai cho người Tây đâu. Mà có những người ra làm việc cho Tây cũng chỉ vì kiếm sống, cháu ạ. Và không phải người Pháp nào cũng đều là thực dân đế quốc cả đâu. Chú sang Tây du học với Hoàng Trọng Phu và Thân Trọng Huề. Nhưng, về nước chú chỉ làm công việc truyền thụ cái tốt đẹp của văn hóa Pháp cho con em trong xứ sở mình. Vì chú không có đủ tài kinh bang tế thế (67). Còn Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề thì đang làm... “trọng trách" khác chú.


(66) Có chí thì nên


(67) Dựng nước giúp đời


Tất Thành áp cuốn truyện "Không gia đình" vào ngực, lễ phép nói:


- Những lời chú dạy, cháu thấy sáng ra nhiều lắm.


Thầy Lê Văn Miến trìu mến đặt tay lên vai Nguyễn Tất Thành:


- Ngày chú mới biết võ vẽ tiếng Pháp, chú lầm tưởng truyện "Không gia đình" là sách của trẻ con đọc. Nhưng nay thỉnh thoảng chú vẫn còn đọc đi đọc lại nó. Càng đọc chú càng biết thêm được những bài học làm người. Cháu đọc "Không gia đình" cháu thấy thế nào


- Thưa chú, cháu mới đọc được có hai lần, mà vốn chữ Tây của cháu còn ít ỏi lắm. Qua hai lần đọc, cháu thấm thía nhất là: trong lúc xã hội có chuyện người ăn hiếp người thì lại có chuyện con chó Ca-pi, con khỉ Giô-li-cơ của ông già xiếc Vi- ta-li, có tình, có nghĩa với chủ nó, và chúng sống có tình bạn, tình đồng đội, thương nhau như con một nhà...


Thầy Lê Văn Miến đứng dậy, cha con ông Nguyễn Sinh Huy cùng đứng lên. Thầy chắp hai tay ở trước ngực:


- Xin chúc mừng quan bác có một người con: Nguyễn Tất Thành - sẽ tất thành. Tôi sẽ có vinh dự được làm một người thầy học của trò Nguyễn Tất Thành.


- Cảm tạ, - ông Phó bảng Huy đáp - xin cảm tạ đại huynh đã dành cho cha con tôi những lời tốt đẹp.


Nguyễn Tất Thành giọng chân thành:


- Thưa chú, cháu được nghe các bậc cha anh tỏ lời thán phục chú là một người tiết kiệm từng lời, từng chữ, không bao giờ nói thừa, viết thừa. Hôm nay, lần đầu tiên cháu được vinh dự hầu chuyện chú, cháu vô cùng cảm động, chú đã dành đặc ân cho cháu...


Thầy Miến đỡ lời:


- Cháu ơi! Nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình vì nước là bất dũng. Chú là người đã phạm điều "tam bất" ấy thì phải tự biết xấu hổ với quốc dân, chứ sao còn nói nhiều, viết nhiều, liệu có ích gì? Còn chú nói với cháu nhiều là do chú đã gặp được từ âm. Các cháu tuy còn tuổi măng tơ nhưng sẽ là những cây tre cao hơn cả lũy tre...


Nguyễn Tất Thành bẽn lẽn bước theo cha tiễn Lê Văn Miến ra tận cửa thành...


*


* *


Cầu Thành Thái sau bao ngày gãy gục đã được dựng lại. Nó như chiếc đòn gánh, một đầu gánh những lâu đài nhà Nguyễn bên tả ngạn, một đầu gánh những dinh thự thực dân Pháp bên hữu ngạn sông Hương. Nguyễn Tất Thành trên đường đến trường Quốc học đi trên chiếc "đòn gánh" ấy, mắt nhìn đau đáu hai bờ sông Hương nặng trĩu hai đầu gánh. Anh bồi hồi nhớ về một câu hò của người chèo đò trên sông đã cất tiếng lên trong một đêm khuya vắng:


... Lập lên trường thi văn thi võ đua tài


Cớ mần răng cửa Thuận An, Tây đóng


Trấn Bình Đài, cờ Tây treo?


Nước sông Hương thơm nức


Dòng sông Hương trong veo


Cầu tên vua gãy nhịp khác chi thuyền gãy chèo giữa khơi...


Trước đây đã bao nhiêu lần Tất Thành đi với anh Tất Đạt, với bạn bè qua cổng trường Quốc học. Nhưng, Thành chẳng để ý tới cái "Thiên đường trường học" này làm gì. Giờ đây, khi anh đã là "sĩ tử” của cái "thiên đường" này, anh mới thấy hết, càng ngạc nhiên và lòng đầy ngờ vực khi nhìn kỹ nó. Cổng trường bằng gỗ lợp ngói, bên trên là cái gác chuông, kiểu kiến trúc cổ. Hai bên là hai con rồng nổi, ghép bằng mảnh sứ. Cổng trường nhìn đối diện cửa Ngọ Môn, ở bên tả ngạn sông Hương. Trên cổng trường gắn tấm biển nền đỏ, chữ vàng: "Pháp tự quốc học trường môn" bằng chữ Hán. Trên hàng chữ Hán này lại có hai chữ quốc ngữ đắp nổi: "Quốc học". Trong đầu anh hiện lên chồng chồng lớp lớp những dấu hỏi: Trường Quốc học? Chữ Pháp? Trường học lớn nhất của nước nhà sao lại lấy chữ Pháp làm chính? Phải chăng từ nay chữ Pháp là quốc tự của Việt Nam? Và Việt Nam đâu còn là tên của nước mình nữa, mà là "xứ Đông Pháp" rồi! Dưới bậc tiểu học họ đang còn mị dân mình bằng cái tên ghép: Trường Pháp - Việt. Lên bậc trung học, các quan thực dân Pháp không giấu mục đích thực dân của họ: Trường Quốc học chữ Pháp. Nghĩa là trường học của nước Pháp dạy tiếng Pháp, đào tạo người làm việc cho nước Pháp ở ngay trên xứ thuộc địa của nước Pháp... Anh lại tự nhủ: Thầy Lê Văn Miến được người Pháp đưa sang Pháp đào tạo với mục đích lúc về xứ sở sẽ là một tay sai đắc lực trong bộ máy cai trị, nhưng thầy Miến lại lựa chọn cho mình một hướng đi khác...


Tất Thành cảm thấy mỉa mai cho cái cơ ngơi "Thiên đường trường học" vốn là doanh trại đội lính thủy hoàng gia, với hai dãy nhà tranh, phên nứa. Mỗi dãy nhà ngăn ra làm nhiều phòng nhỏ làm lớp học và phòng các bộ môn: phòng từ hàn (văn phòng, phòng luyện võ), phòng diễn thuyết, phòng khách, phòng diễn ảo thuật. Phòng ông hiệu trưởng được tu bổ khang trang hơn hết...


Nguyễn Tất Thành ngồi vào lớp học. Học trò đã ngồi gần kín các dãy ghế. Nhưng, ngòai sân trường còn có những chiếc xe song mã, xe độc mã... tiếp tục đến... Có tiếng xì xào: "Chà! Chà! Các mệ, các mụ chừ mới đến... Con cháu nhà vua có khác! Đó... đó... mệ Hường Kiên, mệ Hường Đề, mụ Ưng Thuần, mụ Ưng Hóat, mụ Ưng Nghệ... Lại còn các cậu ấm con các quan đại thần cũng chừ mới đến trường!"


Trong lớp im bặt. Cả lớp đứng dậy khoanh vòng tay trước ngực. Một thầy giáo người Pháp bước vào lớp, nói tiếng Pháp, giọng mũi: "Các trò ngồi xuống". Ông điểm danh cả lớp. Thành ngồi ở hàng ghế gần cuối lớp, theo thứ tự A, B... Đạt ngồi ở hàng ghế vần Đ. Ông ghi số học trò có mặt và vắng mặt lên góc bảng đen. Ông giới thiệu cho học trò biết một số đặc điểm của lớp nhất trung học. Vẫn cái giọng mũi ồm ồm, ông nói:


- Lớp nhất trung học của niên khóa này có một mệ, hai mụ. Nhưng, học trò của nhà trường này đều bình đẳng, không phân biệt đối xử.


Trong lớp có tiếng xầm xì. Ông giáo người Pháp nhíu mày nhìn xuống, cả lớp im phăng phắc. Ông nói cao giọng hơn:


- Trong lớp nhất trung học này có hai trò đã đậu bằng cử nhân và sáu trò bằng tú tài nho học. Đặc biệt có trò Phan Kảai, quê tỉnh Quảng Nam, năm mười bảy tuổi đậu tú tài nho học.


Thành nhìn về phía vần K Lê Đình Thám ngồi cạnh Thành nói khẽ: "Phan Khải tuổi Mậu Tý (1888), đậu tú tài khoa thi 1905 vừa rồi". Tất Thành nói nhỏ với Lê Đình Thám: "Vậy ra anh Khải cùng tuổi với anh Võ Liêm Sơn và anh Tất Đạt của tôi".


- Võ Liêm Sơn quê Nghệ hay bên Tĩnh? - Lê Đình Thám hỏi rất khẽ.


Võ Liêm Sơn ngồi ngay ở hàng ghế trước nên cũng nghe được và quay đầu về sau nở nụ cười với Thành và Thám.


Ông giáo người Pháp vẫn tiếp tục nói về đặc điểm của lớp:


- ... Còn một đặc điểm nữa, tuy nhỏ nhưng đáng phải kể đến là, có hai cặp anh em ruột học cùng một lớp. Một là Lê Đình Dương, Lê Đình Thám, con quan tổng đốc Lê Đỉnh, quê Quảng Nam. Hai là Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành, con quan phó bảng Nguyễn Sinh Huy thừa biện Bộ Lễ, quê tỉnh Nghệ An...


Nguyễn Tất Thành hơi cúi nhìn xuống bàn, tránh những cái nhìn của các bạn trong lớp. Chân nh miết mạnh xuống đất. Đầu óc anh như một dòng sông chảy xiết: hình dáng ông thầy giáo người Pháp đang ở trước mặt anh lẫn trong bao nhiêu hình ảnh những tên thực dân Pháp với hành động dã man, kinh tởm mà anh đã gặp lúc tuổi thơ ở quê nhà, ở trên dọc đường thiên lý anh đi qua, ở tại kinh đô Huế.


Ông giáo người Pháp chuyển giọng nói vui vẻ:


- Trong lớp học khóa này có những cặp học trò là hai anh em ruột thì cũng có trường hợp ba anh em ruột cùng làm thầy giáo. Đó là thầy Hăng-ri Lơ Bơ-rít (Henri Le Bris), thầy Ơ-gien Lơ Bơ-rít (Eugène Le Bris) và cô giáo Y-von Lơ Bơ-rít (Yvonne Le Bris). Các trò còn có thể được học với thầy Lơ Bơ-rít Gơ-ri-phông (Le Bris Griffon), thầy Quai-nhắc (Queignac), thầy Lơ Bơ-rơ-tông (Le Breton). Nhưng các thầy thích được gọi bằng cái tên An Nam như là Lê Bá Tôn (Le Baston) - ông giáo Pháp cười khà khà. - Và thầy đây, - ông ta chỉ tay vào ngực mình - thầy đây cũng rất thích được gọi tên An Nam: Ngô Đế Mân, tức là No-đơ-măng (Nordeman). - Ông ta cười càng giòn hơn và giọng nói lại chuyển sang nghiêm trang: - Các trò còn có thể được học với các thầy người An Nam danh tiếng như thầy Lê Văn Miến, đã từng sang du học tại Pháp. Thầy Miến chẳng những là một sinh viên xuất sắc ở một trường lớn tại Pa-ri mà còn là một sinh viên giỏi, có tài của trường Mỹ thuật Pa-ri nữa. Rồi thầy Hoàng Thông, thầy Hồ Đắc Khải, thầy Nguyễn Đình Hòe... Thầy Hòe có biệt tài dịch thơ ngụ ngôn La Phông-ten (La Fontaine). Và nhiều thầy nổi danh khác nữa, các trò học lần lần sẽ biết...


Khi kết thúc buổi khai trường, ông giáo No-đơ- măng nói dõng dạc trước lớp: "Trường Quốc học chữ Pháp nhằm mục đích đào tạo nhân tài có lòng trung thành tuyệt đối với nước Đại Pháp và có tinh thần phụng sự cho công cuộc khai hóa của người Pháp..."


Từ "Thiên đường trường học" bước ra, Nguyễn Tất Thành lòng buồn man mác, anh gieo từng bước trên cái “đòn gánh” gánh hai bờ sông Hương>
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom