• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Búp sen xanh (1 Viewer)

  • Búp sen xanh - Phần 2 chương 13

II - THỜI NIÊN THIẾU


13


Những ngày sửa soạn theo cha lên đường vào kinh đô Huế lần thứ hai, Côn bận rộn với nhiều thứ việc không lường trước được.


Côn theo cha đi đắp đất, thắp hương ở mộ ông bà nội, mộ ông bà ngoại. Anh Khiêm và Côn bưng trầu, rượu đi với cha cúng thần ở đền, cúng tổ họ bên nội, họ bên ngoại. Hai anh em Côn còn đến chào thầy Vương Thức Quý. Thầy cử Quý đã tặng cho hai người học trò giỏi này bộ sách "Nhất nhật tam tỉnh ngô thân" (58). Ông nói:


(58) Mỗi ngày tự kiểm điểm mình ba lần


- Sách này là của thầy soạn ra và chép thành nhiều bản để cho con cháu dùng. Nay hai trò đi xa quê, xa thầy theo cha vô kinh đô, thầy không có thứ chi đáng giá để tặng, xét thấy tập sách này là tâm huyết của thầy thầy đem tặng hai trò. Tập sách sẽ thay thầy nói tiếng nói của lòng thầy với hai trò.


Lúc thầy cử Quý tiễn hai anh em Khiêm ra tới gốc cây đào trước vườn ông cầm tay Côn nói, lòng ấm áp:


- Chuyến đi xa quê lần này của con, thầy tin là con sẽ được thành đạt như con đã làm một vế đối vượt cả cái vế thầy ra cho cả lớp. Con còn nhớ vế câu đối ấy chứ?


- Thưa thầy con vẫn nhớ ạ.


- Dù con chưa quên vế câu đối của mình làm ra, nhưng thầy muốn ôn lại kỷ niệm của buổi dạy học hôm ấy - ông đặt tay lên vai Khiêm, nói: - Hẳn là trò Khiêm còn nhớ lúc thầy rót dầu vào đĩa đèn, vì vô ý để dầu vương ra đế đèn, thầy đã ra cho các trò một vế câu đối: "Thắp đèn lên dầu vương ra đế"...


Khiêm đáp:


- Con đã đối: “Đốt nhang rồi gió quạt bay tàn". Nhưng thầy biểu: "Đối được, nhưng nghĩa còn hẹp, ý còn cạn. Các bạn khác cũng đối được tương tự như con". Riêng vế đối của Côn được thầy khen hơn cả...


- Quả thật - ông cử Quý dặt dặt bàn tay vào vai Khiêm mà mắt vẫn không rời Côn - con đã để lại trong trí thầy một vế câu đối sẽ không bao giờ phai mờ: “Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường" (59). Hôm nay con lên đường, thầy chúc con "thẳng tấn" đến đích lớn mà con mơ ước.


(59) Tấn là tiến màcó nghĩa đời nhà Tấn. Đường ở đây cũng còn có nghĩa nhà Đường. Nhà Tấn lập ngôi vua, Đường lập ngôi đế.


Ở nhà thầy học về, hai anh em Côn đến chào bác Thuyết. Vợ chồng ông Thuyết đã làm mâm cỗ to cúng gia tiên cầu yên cho việc đi của cha con quan phó bảng Sắc được “chân cứng đá mềm". Trong bữa ăn sum họp này, bà Thuyết đã kể lại với ba cháu, vẻ hối hận, về sự cư xử của mình không đúng với em chồng - quan phó bảng Sắc - hồi còn bé. Nhưng, quan phó bảng Sắc với thái độ của một người đại lượng, nở nụ cười đôn hậu, nói:


- Hồi còn nhỏ tôi cũng có những việc dại dột, bác nổi nóng lên thì mắng, khi lặng lại thương chớ chả có chi là quá cả. Việc chi đã qua rồi là ta bỏ quá đi, bác ạ.


Côn bâng khuâng nhiều trong buổi chiều đi cùng cha sang làng Sài, quê của bà nội.


Côn không được biết mặt bà nội nhưng hình ảnh bà nội như từ trong tranh tố nữ hiện ra đang cùng đi với con, cháu trên đường làng rợi tiếng ve. Tiếng ve trên quê hương bà nội lại đánh thức những kỷ niệm tuổi thơ trong tâm trí của Côn. Càng gần tới ngày lên đường, Côn càng thấy nao nao. Côn đến từ giã các bạn học, bạn chơi diều giấy, bạn đi săn chim chóc, đánh khăng, đánh vật, đánh đáo. Xin phép cha, Côn đón các bạn về nhà ngủ chung mấy tối cuối cùng. Côn trải chiếu xuống sân. Trăng giữa tháng mập mạp đính vào nền trời mờ ảo. Đám bạn của Côn nằm chéo ngang, chéo dọc gối đầu lên nhau, ngửa mặăng, miệng nhai ngô rang. Câu chuyện của họ cũng giòn như ngô nổ... Côn và Khiêm vẻ bận rộn chạy ra chạy vào, đem nước, đem các món ăn ra tiếp bạn. Chị Thanh quý bạn của em như quý bạn của mình. Cô lo việc rang ngô, rang nhộng, bổ dừa giúp em. Thấy chị ngồi trước bếp, mồ hôi ướt áo, Côn ái ngại:


- Vì chúng em mà chị mang lấy cái mệt vào thân, chị nhể?


Thanh cười hiền:


- Mai kia hai em đi với cha, nhà lại vắng tanh vắng ngắt, còn đâu có những cái đêm vui như đêm nay.


- Chị Thanh ơi, - bạn của Côn gọi - chúng em sẽ “làm giặc” ở cái nhà ni còn hơn cả lúc hai em trai chị ở nhà, chỉ sợ lúc ấy chị lại mắng bọn em về "tội" đến luôn mòn đường chết cỏ thôi.


- Nhớ nhá, - Thanh nói - các em nhớ nhá. Mặt trăng còn đó, chị còn đây để coi lúc Khơm, Côông vắng nhà, các em có giữ đúng lời đã hứa không?


Sân trăng đầy tiếng cười. Côn và các bạn lại xoắn xuýt với nhau trong dòng chuyện dưới ánh trăng. Thanh tắt bếp định lên võng nằm thì một bà hàng xóm khua gậy, đánh tiếng từ đầu ngõ:


- Cô chiêu (cách gọi con gái nhà quan) còn thức hay ngáy (ngủ) rồi?


Nghe tiếng gọi quen thuộc, Thanh đứng ở cửa bếp đáp:


- Mời cố vô nhởi (chơi), cháu chưa đi nghỉ mô.


Bà hàng xóm ngồi ở cái chõng tre, tựa vào vách, lối cửa ra vào. Thanh đưa cho bà một miếng trầu, bà cụ lần dải lưng lấy cái cối giã trầu, tay ngóay ngóay giã, giọng bà nói, miệng không còn kín hơi, phều phào:


- Nghe tin quan sắp trnh. Hai cậu ấm cũng trẩy theo. Chờ lúc ni quan vắng nhà tui mới dám sang, tui nhờ cô chuyển tới quan và hai cậu ấm sự biết ơn của tui.


- Ấy chết! Cố dạy quá lời chứ cha cháu và chúng cháu chỉ có cái bụng ăn ở với xóm giềng cho phải chả giúp đỡ cho ai việc chi đáng kể cả.


- Dân làng ni đã được hưởng lộc của quan phó bảng ngay cái dịp quan vinh quy bái tổ. Ai lại quên được cái ơn ấy cô! Bà cụ giọng xúc động: - Cô ơi! Từ đời xửa đời xưa thì tui không rõ. Nhưng, từ lúc tui có mắt để nhìn, có tai để nghe thì tui chưa từng thấy, chưa từng nghe ở xứ mình có người từ chối bổng lộc, đem phần bổng lộc của mình chia cho người đói khát trong làng như quan phó bảng ta. Mà nhà quan cũng nghèo chứ đâu giàu có chi kia chứ!


Bà cụ vừa nhai trầu vừa nhìn ra sân. Dưới ánh trăng ngà, các bạn nhỏ vẫn đang nằm gác chân lên nhau và đang dốc vốn chuyện ra "đãi" nhau đêm vui cuối cùng rồi ra chưa biết ngày nào anh em Côn mới có dịp về thăm quê. Bà nói, giọng dè dặt:


- Cô ơi! Tui thưa với cô cái việc kín ni, vì cậu ấm Côông đã dặn tui không được để đến tai quan phó bảng, cũng không được nói lại với cô và cậu ấm Khơm.


Cô Thanh hơi sửng sốt:


- Có việc chi... hệ trọng rứa cố?


- Nói giấu chi cô. Cậu Côông làm phúc cho người nghèo. Hồi tháng tám năm ngóai và dịp giêng, hai vừa qua, tui bị đứt bữa... đã mấy ngày không đỏ lửa bếp, bụng đói cồn cào, mắt mờ, chóng xoay mặt mày... Cậu ấm Côông gặp tui đang moi một cây chuối tơ ăn cầm hơi. Cậu đã về xúc gạo, khoai lát khô cho tui. Cậu dặn tui là không được cho ai biết.


Cô Thanh ngồi duỗi hai chân ra thềm nhà thoải mái


- Cháu ngỡ là cái việc chi chớ việc nó xúc gạo, ngô, khoai của nhà đưa giúp những người đứt bữa lỡ nồi, cha cháu đã biết cố ạ... Vừa qua cũng có mấy người đến "mách" với cháu việc hai em cháu thường xúc trộm gạo cho họ lúc đói giáp hạt. Lần đầu cháu cũng rầy la hắn, nhưng cha cháu biểu: "Nếu nó lấy trộm của trong nhà đi đánh bạc, hoặc làm điều vô lương thì phải ngăn cản, còn nó đem giúp những người đói là tốt".


- Rõ là - bà cụ thở phào, nói - con nhà tông, giống lông giống cả cánh. Cái đức của quan phó bảng sáng như ngọc nên chi con gái, con trai của quan đều "thương người như thể thương thân". Mới rồi, tui sang làng Chùa thăm một người bà con. Tui gặp bà em họ. Bà nớ cứ siếc sẩm với tui về chuyện năm nọ, cậu ấm Côông trêu chọc bầy chó, chúng nó sủa dai quá, bà đã nổi nóng nói lời phũ phàng và lời nói nớ đã thấu tai quan phó bảng. Quan đã phạt cậu ấm và quan còn đến nhà xin lỗi cho con. Bà càng hối tiếc trước sự nhún nhường của quan phó bảng. Mà bà cứ nghĩ là cậu ấm Côông bị cha phạt nặng vậy, chắc óan bà lắm. Nỏ hay, hôm bà đi gánh rạ ngòai đồng về, bị đứt chạc, xổ tung giữa đàng. Vừa lúc cậu ấm Côông đi tới. Cậu ấm đã dừng lại bốc rạ và bó giúp cho bà. Bà em họ của tôi càng ngượng với cậu ấm. Bà định phân bua với cậu ấm về cái chuyện cũ, nhưng cậu ấm đã nói chặn ngay: "Cháu đã nghịch quá trớn. Bà có mắng cháu nặng lời lúc bà còn quá giận cũng đúng lắm. Cháu đã nhận ra cái sai của mình rồi, bà ạ". Cậu ấm còn gánh rạ giúp bà về tận ngõ...


Đêm yên tĩnh. Một vài tiếng chó sủa phía bìa làng. Thanh đưa chân bà cụ ra ngõ và khép cánh cổng tre lại ánh trăng như tấm lụa khóac lên mọi cảnh vật. Thanh đi rón rén, sợ làm dở giấc của hai em đang êm gối trên đùi bạn dưới ánh trăng khuy


Gió sớm đưa hương sen vào cửa sổ. Quan phó bảng Sắc ngồi trước án thư bên song cửa uống trà mạn sen, vẻ mặt ưu phiền.


Đã mấy ngày liền, ông phải ngồi tiếp bà con xa gần đến vừa để chào trước lúc ông đi xa quê, vừa để xin đơn thuốc bổ, thuốc giữ nhà. Sáng nay ông dành thì giờ dặn dò con gái việc nhà. Tay ông cầm chén trà, hương trà thoang thoảng lan khắp nhà. Mắt ông đăm chiêu nhìn mọi vật trong nhà, ngòai sân, ngòai vườn... Con gái ông, cô Thanh, đang dọn dẹp và sửa soạn bữa sáng. Nhìn con gái đã vào thời hai mươi, ông càng thấy nó giống mẹ. Giống từ mái tóc đen mượt mà, rẽ đường ngôi thẳng, dài quá gót chân, phải cuốn một vòng ngòai khăn mà vẫn còn thừa một gang tay vắt va vắt vẻo như đuôi ngựa. Cả đến dáng đi mềm mại, cách nói năng thùy mị, nết ăn ở thảo hiền cũng giống mẹ. Nhìn con, ông càng thương nhớ vợ. ông cố nén không để cho các con biết ông khóc. Nỗi đau góa vợ, nỗi lo bươn về con gái chưa chịu lấy chồng cứ xô lấn trong lòng ông. Ông vội vàng nhìn ra cửa sổ. Ông thầm nghĩ: Con gái đã hai mươi tuổi. Ngày trước, mẹ nó vào cái tuổi ấy đã có hai con. Mọi người trong làng đã gọi là chị nho... Rồi gọi là chị cử, bà cử... Còn con gái mình bây giờ lại chưa chịu làm vợ, càng chưa muốn làm mẹ. Tùy ở con, ta không muốn ép con theo ý ta. Nhưng, với cái tuổi hai mươi này, con nó sẽ sống một mình? Ngôi nhà, khoảnh vườn vắng vẻ này sẽ một mình một bóng con gái ta! Ai mặt đại ư cô miên! (ý nói: còn gì buồn bằng cái giấc ngủ của người con gái muộn chồng?) Nhưng... ta biết con gái ta. Ta rất tin nó có bản lĩnh, giàu nghị lực. Nó là con gái, nhưng dám chết ở biển cả chứ không chịu sống nơi đĩa đèn...


Qua giây phút xao động trong tâm hồn về chuyện xa nhà, về con gái phải gánh vác việc nhà, ông đi quanh nhà, đi dạo sân, vườn. ông cảm thấy một cái lá rụng trong vườn buổi sáng này cũng là một cử chỉ của cây cối từ giã ông. Những giọt sương long lanh trên từng chiếc lá là những giọt lệ của cảnh vật khóc đưa chân ông. Ông đinh ninh chuyến đi kinh đô Huế lần này chưa biết ngày nào sẽ quay về quê cha đất tổ. Trước mặt ông, hai con đường hiện ra: làm dân - làm quan? Con dường làm dân là ý nguyện của ông và của người gây dựng sự nghiệp cho ông. Dân vi quý. Còn con đường làm quan là bất đắc dĩ. Ông đã từng nói với mọi người: Tôi học để làm người hiểu biết chứ không học để làm quan. Nhưng, ngay lúc này ông chưa thể từ chối hẳn việc làm quan được. Ông đành tặc lưỡi vào kinh đô. Và ông đã để lại vườn, nhà và hai sào ruộng cho con gái làm ăn sinh sống, còn tất cả số ruộng của làng, của ông Thuyết biếu dịp ông thi đậu đại khoa, ông bán lấy tiền giúp các gia đình có người bị bắt đi phu làm đường Trấn Ninh.


Thấy cha đứng lặng giữa vườn, Côn ghé tai anh:


- Đến sáng mai đã phải xa quê nhà nên cha buồn nhiều, phải không anh?


- Đêm qua cha ngồi bên cửa nhìn ra trời trăng, chẳng ngủ chi cả!


- Để em nói với chị Thanh hẵng khoan dọn cơm. Cha đang cần sự yên tĩnh. Anh đi cho lợn ăn. Em đi gánh nước đổ đầy vại. Mai anh em mình đi rồi, chẳng còn dịp giúp đỡ chị Thanh nữa...


Đường làng Sen ngào ngạt hương. Những bông sen trong đầm xòe cánh lụa mượt mà dưới ánh nắng mai dìu dịu.


Ba cha con quan phó bảng Sắc bước từng bước bịn rịn, chốc chốc ngóai về phía sau. Những người thân và dân làng đi tiễn đứng rải rác dưới bóng tre nhìn theo cha con ông đang đi xa dần. Thanh đứng chơi vơi bên bờ đầm sen như hòn đá.


Từ dưới cánh đồng, bóng hai cậu con trai đang chạy tắt bờ ruộng đuổi theo. Biết là hai cậu bạn thân còn có việc gì cần gặp, Côn xin phép cha quay trở lại gặp bạn. Côn gặp hai người bạn ngay giữa đám ruộng khoai mới dỡ. Một bạn đưa cho Côn một cái gói bọc bằng lá sen no


- Mình luộc khoai vừa chín thì Côn đã đi. Mình gói vội mấy củ chạy theo với Thuyến để đưa cho Côn ăn đường.


- Điền có khoai, - Thuyến nói - còn mình có mấy gương sen luộc. Côn ăn với khoai, bùi lắm. Còn đây là búp sen xanh, mình thấy nó cao vóng lên giữa đầm, mình lội ra hái đưa cho Côn mang theo để nhớ hương sen quê nhà: Nó thơm dịu hơn các búp sen loại khác.


Cầm những gói quà của bạn, Côn đi theo cha, mắt vẫn đăm đăm ngóai nhìn lại bạn và ngắm búp sen xanh ngan ngát hương quê.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom