Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Bỉ Vỏ - Chương 05
Chương 5
Hai hôm nay mưa phùn không ngớt, mây trời cứ xám ngắt, nên phố Hạ Lý càng vắng càng buồn.
Những chõng và những ghế của sáu, bảy hàng nước ở vỉa hè xếp đống cả lại, nhường chỗ cho tụi trẻ con bán "phá xa", bán bánh ế, cho những phu xe nghiện ngập nhỡ tầm thuê xe và mấy gã chuyên nghề "ma cô" và bảo vệ con em của các nhà chứa tụ họp, giở "bất", "đố mười" ra sát phạt nhau. Tụi khách ở các "siệng" lên và nghỉ việc ở Sáu kho về cũng cờ bạc. Nhưng không bệ rạc quá như bọn trên kia, bọn y tụm năm tụm ba trong những hàng vừa bán cà phê, phở, bánh trái, vừa bán cá mặn, mắm muối, gạo, củi, vừa có cả thợ may, thầy lang, thầy tướng số.
Lớn bé đều chúi mũi vào những quân bài đỏ, những mẫu gỗ, bóng nhẫy, và, vẻ mặt đều bừng bừng. Khác hẳn, những kẻ qua đường bước rất gấp, nhăn mặt nhổ bọt luôn. Vì gió rét thổi mạnh tạt vào mũi họ những mùi tanh tởm của rác bẩn chất thành đống ở các khoảng đất hoang, ở các cống rãnh ứ bùn trộn lẫn với mùi hôi hám của suốt hai dãy nhà chật hẹp nhớp nháp đưa ra mà dân phố đã quen rồi. Hơn nữa, vì họ sợ cái sinh hoạt tối tăm ở phố "mãi dâm" này.
Bính nhân lúc vắng khách, vào buồng riêng nằm cho đỡ mệt.
Đã hai tháng, sau khi ở nhà "lục xì" ra, Bính được mụ Tài-sế-cấu nhận đem về nuôi. Mụ đã có bảy con em, Bính là thứ tám, người ta gọi Bính là Tám Bính. Cái tên kép không thể nào không có được của gái giang hồ.
Mới có hai tháng thôi, mà Bính coi dài bằng hai năm. Các nỗi đau đớn trong lòng Bính mỗi ngày một nhiều. Người Bính mỗi ngày một héo hắt, ốm yếu thêm. Bính không thể tiếp khách được nữa.
Khốn nạn! Khách có ra hồn khách. Người nhiều tiền thì đã đi cô đầu gái nhảy nên chỉ có rặt những lưu manh thất nghiệp bê tha, rửng mỡ hay may mắn lắm, ông "bồi", ông bếp, bác "tài", bác "ét" là vào chốn này.
Được vài ba hào của họ thật mướt mồ hôi trán. Có khi xong xuôi đâu đấy, họ còn kéo dài giờ ra bằng những câu chuyện đểu cáng xen vào những cái cấu véo cháy cả đùi non. Họ hành đủ thứ cho đáng món tiền tiêu mà họ vất vả và đủ cách mánh lới, xoay giở mới kiếm được. Và họ lấy làm sướng mắt trước sự rã rời nhục nhã của người nhận tiền mà họ cho rằng chẳng còn biết những gì nữa.
Trong bọn con em của mụ Tài-sế-cấu, Tám Bính thường được họ thưởng thêm vài hào vì Bính đẹp, ngoan ngoãn, lẳng lặng hàng giờ như súc gỗ dưới những thân thể nặng gần bằng súc gỗ, chịu đựng mọi sự vày vò, hành hạ.
Nghĩ đến đấy, Tám Bính rùng mình, đưa cặp mắt ám khói trông gian buồng chật hẹp, ngăn cách buồng bên bằng những ván gỗ ghép liền đã mục nát và nhơ nhớp những vệt quệt trầu như máu đọng, có một chiếc mành sơn trắng chằng chịt mạng nhện ở lối ra vào, và một ngọn đèn vách lù mù vì thông phong chẳng bao giờ trong sáng ở góc tường.
Gian buồng tối tăm đó với tấm phản thấp lè tè sực mùi gỗ mọt và mùi chăn gối, màn chiếu hôi hám ấy sẽ ám ảnh mãi mãi đời các gái giang hồ. Và tất cả những đồ vật không hề thay đổi dù cũ nát chừng nào trong những gian buồng nọ như có một sức mạnh lôi giữ người làm đĩ không cho trở về sự sống sáng sủa nữa. Nó làm u ám tâm trí người ta, và, khi cái tươi sáng bình tĩnh của tinh thần đã mất thì người ta còn đâu ý muốn vượt mình lên?
Bính đau xót úp mặt xuống cái gối bông vuông. Gương mặt Bính trong bóng tối lẫn với màu vải hoen ố mồ hôi vàng. Bính thở lừ khừ. Phải, Bính mệt và ốm lắm rồi.
Dưới cái làn không khí bao giờ cũng nặng nề khí đất ẩm ướt và chăn chiếu bẩn thỉu, không yếu đau là một sự lạ chưa từng thấy. Huống chi Bính lại lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày, và ăn uống kham khổ hết sức, bữa nào không vài miếng đậu phụ om, đĩa rau muống luộc thì lại cá vụn kho, dưa muối xổi, cà giầm tương, hỏi còn sức nào để chiều theo lòng ham muốn vô chừng của các khách mua vui.
Mãi đến hôm kia, sau sáu mươi đêm ròng rã ít khi chợp mắt, Bính chẳng còn thể ăn uống gì được, người lúc nào cũng hâm hấp như sốt và gầy rộc hẳn đi. Thấy Bính thế bất đắc dĩ mụ Tài-sế-cấu phải cho Bính nghỉ ngơi dăm ba buổi.
Song đêm qua, Bính còn phải thức đến ba giờ đêm để tiếp chuyện một ông cai xe cho ông khỏi phật lòng vì xưa nay ông vẫn lui tới nhà này và có tiếng là "sộp" hơn cả.
... Bính tê mê chua xót rồi chợp mắt thiu thiu ngủ. Tâm trí Bính lạc vào một cảnh mộng rất khủng khiếp. Một hôm Bính ho ra máu, cách ít lâu, thuốc thang không có, Bính kiệt quá rồi chết. Bính cũng nằm trong gian buồng này, dưới ánh sáng ngọn đèn vách tù mù và cái không khí hôi hám này, cũng gối đầu trên cái gối vàng mồ hôi, và cũng không ai ngồi bên mình hết. Mụ Tài-sế-cẩu bỏ Bính đi, không đả động gì đến việc ma chay. Mỗi ngày thây một rữa ra, mãi khi bốc hơi thối và nhung nhúc ròi bọ, hàng xóm mới biết. Người ta vội thuê vài người phu chợ đùm Bính trong chiếc chăn cũ rồi đem đi chôn.
Tấm áo quan bằng gỗ mỏng đu đi đu lại, cọ vào chiếc thùng treo lủng lẳng ở đầu đòn ống làm thành những tiếng kẽo kẹt thay cho tiếng khóc viếng.
Bấy giờ bố mẹ Bính đang tíu tít đong bán ở nhà quê. Hai em Bính và đứa con thơ thản nhiên không hay biết. Còn người chồng bội bạc kia thì đương vui thú với ai chẳng bợn nghĩ tới người vợ đọa đày.
Cái chết của Bính thật giống hệt cái chết của hạng người ăn mày khốn cùng không thân thích chết đường chết chợ...
Bỗng, qua khe ván, gió rét lùa vào buồng, đánh tan giấc mộng. Bính mở choàng mắt ướt đẫm. Bính trở lại với sự hiện tại. Nhưng nó chẳng kém vẻ thảm khốc, trái lại càng làm Bính đau đớn ghê sợ hơn. Bính cực lòng khóc nức nở, Bính chán nản vô cùng. Bính hết hy vọng, hết cả mọi hy vọng.
Sực nhớ đến chai dấm mua ban sáng để chế với nước mắm chấm rau dần, Bính bưng mặt, ngẫm nghĩ, đoạn lắc đầu nức nở khóc vừa mon men lại đằng mặt hòm gần cuối giường lục tìm cóng thuốc phiện hôm qua người cai xe hút bỏ lại trên bàn đèn.
Chợt mành mành vén lên, Hai Liên bước vào cười gọi Bính:
- Chị Tám Bính làm gì đấy? Buồn định tìm thuốc để hút phải không. Tốt! Em tiêm cho nhé!
Bính hốt hoảng quay lại, tay hất phải chụp đèn, phao dầu lạc đổ vũng cả mặt hòm. Hai Liên vội trèo lên giường, kéo Bính vào lòng hỏi:
- Kìa sao mà mặt chị nhợt nhạt thế kia?
Bính rũ người ra không đáp. Hai Liên hỏi dồn:
- Hay chị cảm đấy? Chết! Thế mà không gọi, định vớ vẩn tìm cái gì ở bàn đèn ấy?
Bính càng nức nở rồi bật nói lên:
- Em chỉ muốn chết thôi!
- Chị muốn chết?!
Bính mím môi lại nhìn Liên, nức mãi lên. Hai Liên ái ngại, ngắm nét mặt buồn rầu xanh xám của Tám Bính và cái thân hình gầy rạc đi, ngực kẹp lép, chân tay khẳng khiu, thì nghĩ ra ngay được nguyên nhân. Đồng thời cả một quãng đoạn trường chua xót mà Liên đã trải qua hiện ra rất rõ trong trí nhớ Liên. Hai Liên chạnh lòng nhẹ vuốt mái tóc Bính:
- Em thương chị quá!
Bính thổn thức:
- Em biết lắm! Trong nhà này chỉ có chị là thương em, còn ai cũng ghen ghét em, xúi giục mụ Tài-sế-cấu bắt em ngày đêm tiếp khách. Họ coi em như một kẻ đã cướp mất miếng ăn, manh áo sự sung sướng của họ, mà nào em có thế và có bao giờ muốn thế đâu?!
Dứt lời Bính gục chằm mặt xuống đùi Hai Liên, nước mắt nóng đẫm cả một mảng quần Hai Liên. Hai Liên nắm chặt lấy tay Bính, ủ vào ngực khẽ nói:
- Đàn bà với nhau đấy!
Bính nuốt ừng ực sự nghẹn ngào:
- Mà sao trong cùng cảnh khổ lại như chỉ chực ăn thịt lẫn nhau?
Hai Liên lắc đầu, giọng nói lại cao hơn:
- Thôi! Chị nghĩ đến những điều ấy làm gì cho nẫu ruột! Đừng buồn nữa chị ạ. Chị mà tự tử chỉ thiệt thân thôi. Bố mẹ anh em ai biết đấy là đâu! Mồ mả mình ai thăm viếng? Chị nên gắng gượng ăn uống cho lại người rồi năm bảy tháng, một năm quen dần đi, cái cảnh bán trôn nuôi miệng này sẽ không đến nỗi khó chịu lắm đâu.
Bính xanh mắt:
- Quen được cơ à, chị?
Hai Liên cười nhạt:
- Hẳn chứ lại, nếu không sao có người ở với đời.
Dứt câu ấy, Hai Liên thẫn thờ nâng cằm Bính lên:
- Vậy em đố chị năm nay em bao nhiêu tuổi và đã ở đây bao nhiêu lâu?
- Chị ngoài ba mươi là cùng, còn cái ở đây bao nhiêu lâu thì em xin chịu!
Hai Liên lại mỉm cười:
- Bà chị tôi muốn tôi già như thế ư? Tôi hơn chị có bốn tuổi mà chị năm nay hai mươi phải không?
Hai Liên mặc Bính trừng trừng nhìn mình thong thả nói tiếp:
- Đấy chị xem, em khổ biết là chừng nào, có lẽ hơn chị nhiều lắm, nhưng em vẫn cố gắng chịu. Mới có ba năm thôi, em sa vào chốn này mà em già hẳn đi. Trước kia em cũng đã có định tự tử vì nhục nhã quá, song, khi nghĩ đời mình, cái nghề này có gì là xấu, mình cũng phải vã mồ hôi rơi nước mắt để kiếm miếng ăn cơ mà.
Hai Liên ngừng lại một giây, chấm những giọt nước mắt ứa ra ròng ròng xuống gò má:
- Vả lại thiên hạ còn chán vạn người cơ cực điêu đứng hơn ta, mà họ vẫn mong có ngày mở mày mở mặt; ta được như thế này cũng chưa đến nỗi nào vậy ta không được hủy cái thân ta đi.
Hai Liên muốn nói nữa thì Bính hổn hển ngắt lời:
- Nhưng cứ ở đây cho đến ngày trọn đời sao?
Hai Liên ái ngại; cau mày ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Bính:
- Chị muốn rời bỏ chốn này lắm phải không? Thôi được, chị chịu khó nấn ná ít lâu nữa để em thuốc thang cho, khi nào thật khỏe mạnh em sẽ đánh mối giúp chị một người có thể xé giấy(1) lấy chị, hoặc em sẽ giúp chị số tiền để chị tự xé giấy mà ra khỏi cái nơi sầu khổ nhục nhã này.
Bính ứa nước mắt, run rẩy hỏi Hai Liên:
- Nhưng sao chị không xé giấy cho chị?
Hai Liên cười nhạt đáp:
- Em không cần, ở đây quen rồi!
- Chị thích ở đây?
- Phải, chị ạ!
Bính ngạc nhiên hết sức, không hiểu Liên có thực tình giúp mình hay chỉ nói lấy lòng trong chốc lát. Vì có đời nào một người đàn bà lại chịu mãi được cái cảnh bán trôn nuôi miệng này.
ý nghĩ ngờ vực ấy lộ hẳn trên nét mặt Bính, Liên cảm thấy ngay liền bảo Bính:
- Em không lừa dối chị đâu tuy em thường "khấu bộp" mọi người để lấy tiền. Chị tính một người hiền lành nhu mì, lại cũng là đàn bà chung một số phận khốn nạn với em, em làm thế sao đang tâm!
Bính vội hỏi:
- Nhưng tiền nào mà chị sẵn thế? Và chị không muốn xa lánh nơi này để lấy chồng rồi sinh nở mà nhờ chồng con sao?
Nỗi cay đắng bất tuyệt vì câu hỏi chất phác ấy phút chốc bừng cả lên trong lòng Hai Liên. Liên bùi ngùi trông Bính, đôi mắt càng long lanh:
- Em chỉ nhờ thiên hạ thôi.
- Mãi được ư?
- Hẳn chứ, cho đến khi hai tay buông xuôi!
Bính toan hỏi, Hai Liên đã nói luôn:
- Em chẳng cần gì con cái cả vì như em còn hòng gì sinh nở được nữa. Còn chồng hễ ai có tiền bước vào nhà này là chồng. Em chỉ yêu tiền, yêu người có tiền thôi! Em sống là sống được ngày nào hay ngày nấy, đâu như chị đã có một đứa con trai tuy chị phải xa nó và chị lại còn có thể sinh nở, còn có thể có cái sung sướng với cảnh xum họp bầu bạn chồng con.
Hai Liên và Tám Bính đều im lặng, mỗi người một cảm giác tê mê và đau xót.
Hai Liên tuyệt vọng, nhìn thấy tất cả mọi cái trống trải cằn cỗi của đời mình. Trái lại, Tám Bính lại hy vọng. May ra Bính sẽ thoát cảnh này và trở về với con làm ăn xum họp. Bàn tay Bính nóng ran lên giữa bàn tay Hai Liên giá ngắt, run bần bật. Bính ngây ngất trong lòng. Hai mắt Bính chói rực dưới cặp mắt Hai Liên lờ đờ như theo tìm một ngày tươi sáng đã qua.
_
1. Tờ giấy này có tên tuổi quê quán, và cả hình ảnh cả điểm chỉ của người làm đĩ, giấy đó có hai bản sao, một ở sở cẩm chính, một ở tay chủ chứa. Ai muốn lấy người đàn bà đó phải đưa tiền cho chủ chứa để họ rút bản sao trong tay họ, và dẫn lên cẩm rút bản sao ở sở cẩm ra.
Hai hôm nay mưa phùn không ngớt, mây trời cứ xám ngắt, nên phố Hạ Lý càng vắng càng buồn.
Những chõng và những ghế của sáu, bảy hàng nước ở vỉa hè xếp đống cả lại, nhường chỗ cho tụi trẻ con bán "phá xa", bán bánh ế, cho những phu xe nghiện ngập nhỡ tầm thuê xe và mấy gã chuyên nghề "ma cô" và bảo vệ con em của các nhà chứa tụ họp, giở "bất", "đố mười" ra sát phạt nhau. Tụi khách ở các "siệng" lên và nghỉ việc ở Sáu kho về cũng cờ bạc. Nhưng không bệ rạc quá như bọn trên kia, bọn y tụm năm tụm ba trong những hàng vừa bán cà phê, phở, bánh trái, vừa bán cá mặn, mắm muối, gạo, củi, vừa có cả thợ may, thầy lang, thầy tướng số.
Lớn bé đều chúi mũi vào những quân bài đỏ, những mẫu gỗ, bóng nhẫy, và, vẻ mặt đều bừng bừng. Khác hẳn, những kẻ qua đường bước rất gấp, nhăn mặt nhổ bọt luôn. Vì gió rét thổi mạnh tạt vào mũi họ những mùi tanh tởm của rác bẩn chất thành đống ở các khoảng đất hoang, ở các cống rãnh ứ bùn trộn lẫn với mùi hôi hám của suốt hai dãy nhà chật hẹp nhớp nháp đưa ra mà dân phố đã quen rồi. Hơn nữa, vì họ sợ cái sinh hoạt tối tăm ở phố "mãi dâm" này.
Bính nhân lúc vắng khách, vào buồng riêng nằm cho đỡ mệt.
Đã hai tháng, sau khi ở nhà "lục xì" ra, Bính được mụ Tài-sế-cấu nhận đem về nuôi. Mụ đã có bảy con em, Bính là thứ tám, người ta gọi Bính là Tám Bính. Cái tên kép không thể nào không có được của gái giang hồ.
Mới có hai tháng thôi, mà Bính coi dài bằng hai năm. Các nỗi đau đớn trong lòng Bính mỗi ngày một nhiều. Người Bính mỗi ngày một héo hắt, ốm yếu thêm. Bính không thể tiếp khách được nữa.
Khốn nạn! Khách có ra hồn khách. Người nhiều tiền thì đã đi cô đầu gái nhảy nên chỉ có rặt những lưu manh thất nghiệp bê tha, rửng mỡ hay may mắn lắm, ông "bồi", ông bếp, bác "tài", bác "ét" là vào chốn này.
Được vài ba hào của họ thật mướt mồ hôi trán. Có khi xong xuôi đâu đấy, họ còn kéo dài giờ ra bằng những câu chuyện đểu cáng xen vào những cái cấu véo cháy cả đùi non. Họ hành đủ thứ cho đáng món tiền tiêu mà họ vất vả và đủ cách mánh lới, xoay giở mới kiếm được. Và họ lấy làm sướng mắt trước sự rã rời nhục nhã của người nhận tiền mà họ cho rằng chẳng còn biết những gì nữa.
Trong bọn con em của mụ Tài-sế-cấu, Tám Bính thường được họ thưởng thêm vài hào vì Bính đẹp, ngoan ngoãn, lẳng lặng hàng giờ như súc gỗ dưới những thân thể nặng gần bằng súc gỗ, chịu đựng mọi sự vày vò, hành hạ.
Nghĩ đến đấy, Tám Bính rùng mình, đưa cặp mắt ám khói trông gian buồng chật hẹp, ngăn cách buồng bên bằng những ván gỗ ghép liền đã mục nát và nhơ nhớp những vệt quệt trầu như máu đọng, có một chiếc mành sơn trắng chằng chịt mạng nhện ở lối ra vào, và một ngọn đèn vách lù mù vì thông phong chẳng bao giờ trong sáng ở góc tường.
Gian buồng tối tăm đó với tấm phản thấp lè tè sực mùi gỗ mọt và mùi chăn gối, màn chiếu hôi hám ấy sẽ ám ảnh mãi mãi đời các gái giang hồ. Và tất cả những đồ vật không hề thay đổi dù cũ nát chừng nào trong những gian buồng nọ như có một sức mạnh lôi giữ người làm đĩ không cho trở về sự sống sáng sủa nữa. Nó làm u ám tâm trí người ta, và, khi cái tươi sáng bình tĩnh của tinh thần đã mất thì người ta còn đâu ý muốn vượt mình lên?
Bính đau xót úp mặt xuống cái gối bông vuông. Gương mặt Bính trong bóng tối lẫn với màu vải hoen ố mồ hôi vàng. Bính thở lừ khừ. Phải, Bính mệt và ốm lắm rồi.
Dưới cái làn không khí bao giờ cũng nặng nề khí đất ẩm ướt và chăn chiếu bẩn thỉu, không yếu đau là một sự lạ chưa từng thấy. Huống chi Bính lại lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày, và ăn uống kham khổ hết sức, bữa nào không vài miếng đậu phụ om, đĩa rau muống luộc thì lại cá vụn kho, dưa muối xổi, cà giầm tương, hỏi còn sức nào để chiều theo lòng ham muốn vô chừng của các khách mua vui.
Mãi đến hôm kia, sau sáu mươi đêm ròng rã ít khi chợp mắt, Bính chẳng còn thể ăn uống gì được, người lúc nào cũng hâm hấp như sốt và gầy rộc hẳn đi. Thấy Bính thế bất đắc dĩ mụ Tài-sế-cấu phải cho Bính nghỉ ngơi dăm ba buổi.
Song đêm qua, Bính còn phải thức đến ba giờ đêm để tiếp chuyện một ông cai xe cho ông khỏi phật lòng vì xưa nay ông vẫn lui tới nhà này và có tiếng là "sộp" hơn cả.
... Bính tê mê chua xót rồi chợp mắt thiu thiu ngủ. Tâm trí Bính lạc vào một cảnh mộng rất khủng khiếp. Một hôm Bính ho ra máu, cách ít lâu, thuốc thang không có, Bính kiệt quá rồi chết. Bính cũng nằm trong gian buồng này, dưới ánh sáng ngọn đèn vách tù mù và cái không khí hôi hám này, cũng gối đầu trên cái gối vàng mồ hôi, và cũng không ai ngồi bên mình hết. Mụ Tài-sế-cẩu bỏ Bính đi, không đả động gì đến việc ma chay. Mỗi ngày thây một rữa ra, mãi khi bốc hơi thối và nhung nhúc ròi bọ, hàng xóm mới biết. Người ta vội thuê vài người phu chợ đùm Bính trong chiếc chăn cũ rồi đem đi chôn.
Tấm áo quan bằng gỗ mỏng đu đi đu lại, cọ vào chiếc thùng treo lủng lẳng ở đầu đòn ống làm thành những tiếng kẽo kẹt thay cho tiếng khóc viếng.
Bấy giờ bố mẹ Bính đang tíu tít đong bán ở nhà quê. Hai em Bính và đứa con thơ thản nhiên không hay biết. Còn người chồng bội bạc kia thì đương vui thú với ai chẳng bợn nghĩ tới người vợ đọa đày.
Cái chết của Bính thật giống hệt cái chết của hạng người ăn mày khốn cùng không thân thích chết đường chết chợ...
Bỗng, qua khe ván, gió rét lùa vào buồng, đánh tan giấc mộng. Bính mở choàng mắt ướt đẫm. Bính trở lại với sự hiện tại. Nhưng nó chẳng kém vẻ thảm khốc, trái lại càng làm Bính đau đớn ghê sợ hơn. Bính cực lòng khóc nức nở, Bính chán nản vô cùng. Bính hết hy vọng, hết cả mọi hy vọng.
Sực nhớ đến chai dấm mua ban sáng để chế với nước mắm chấm rau dần, Bính bưng mặt, ngẫm nghĩ, đoạn lắc đầu nức nở khóc vừa mon men lại đằng mặt hòm gần cuối giường lục tìm cóng thuốc phiện hôm qua người cai xe hút bỏ lại trên bàn đèn.
Chợt mành mành vén lên, Hai Liên bước vào cười gọi Bính:
- Chị Tám Bính làm gì đấy? Buồn định tìm thuốc để hút phải không. Tốt! Em tiêm cho nhé!
Bính hốt hoảng quay lại, tay hất phải chụp đèn, phao dầu lạc đổ vũng cả mặt hòm. Hai Liên vội trèo lên giường, kéo Bính vào lòng hỏi:
- Kìa sao mà mặt chị nhợt nhạt thế kia?
Bính rũ người ra không đáp. Hai Liên hỏi dồn:
- Hay chị cảm đấy? Chết! Thế mà không gọi, định vớ vẩn tìm cái gì ở bàn đèn ấy?
Bính càng nức nở rồi bật nói lên:
- Em chỉ muốn chết thôi!
- Chị muốn chết?!
Bính mím môi lại nhìn Liên, nức mãi lên. Hai Liên ái ngại, ngắm nét mặt buồn rầu xanh xám của Tám Bính và cái thân hình gầy rạc đi, ngực kẹp lép, chân tay khẳng khiu, thì nghĩ ra ngay được nguyên nhân. Đồng thời cả một quãng đoạn trường chua xót mà Liên đã trải qua hiện ra rất rõ trong trí nhớ Liên. Hai Liên chạnh lòng nhẹ vuốt mái tóc Bính:
- Em thương chị quá!
Bính thổn thức:
- Em biết lắm! Trong nhà này chỉ có chị là thương em, còn ai cũng ghen ghét em, xúi giục mụ Tài-sế-cấu bắt em ngày đêm tiếp khách. Họ coi em như một kẻ đã cướp mất miếng ăn, manh áo sự sung sướng của họ, mà nào em có thế và có bao giờ muốn thế đâu?!
Dứt lời Bính gục chằm mặt xuống đùi Hai Liên, nước mắt nóng đẫm cả một mảng quần Hai Liên. Hai Liên nắm chặt lấy tay Bính, ủ vào ngực khẽ nói:
- Đàn bà với nhau đấy!
Bính nuốt ừng ực sự nghẹn ngào:
- Mà sao trong cùng cảnh khổ lại như chỉ chực ăn thịt lẫn nhau?
Hai Liên lắc đầu, giọng nói lại cao hơn:
- Thôi! Chị nghĩ đến những điều ấy làm gì cho nẫu ruột! Đừng buồn nữa chị ạ. Chị mà tự tử chỉ thiệt thân thôi. Bố mẹ anh em ai biết đấy là đâu! Mồ mả mình ai thăm viếng? Chị nên gắng gượng ăn uống cho lại người rồi năm bảy tháng, một năm quen dần đi, cái cảnh bán trôn nuôi miệng này sẽ không đến nỗi khó chịu lắm đâu.
Bính xanh mắt:
- Quen được cơ à, chị?
Hai Liên cười nhạt:
- Hẳn chứ lại, nếu không sao có người ở với đời.
Dứt câu ấy, Hai Liên thẫn thờ nâng cằm Bính lên:
- Vậy em đố chị năm nay em bao nhiêu tuổi và đã ở đây bao nhiêu lâu?
- Chị ngoài ba mươi là cùng, còn cái ở đây bao nhiêu lâu thì em xin chịu!
Hai Liên lại mỉm cười:
- Bà chị tôi muốn tôi già như thế ư? Tôi hơn chị có bốn tuổi mà chị năm nay hai mươi phải không?
Hai Liên mặc Bính trừng trừng nhìn mình thong thả nói tiếp:
- Đấy chị xem, em khổ biết là chừng nào, có lẽ hơn chị nhiều lắm, nhưng em vẫn cố gắng chịu. Mới có ba năm thôi, em sa vào chốn này mà em già hẳn đi. Trước kia em cũng đã có định tự tử vì nhục nhã quá, song, khi nghĩ đời mình, cái nghề này có gì là xấu, mình cũng phải vã mồ hôi rơi nước mắt để kiếm miếng ăn cơ mà.
Hai Liên ngừng lại một giây, chấm những giọt nước mắt ứa ra ròng ròng xuống gò má:
- Vả lại thiên hạ còn chán vạn người cơ cực điêu đứng hơn ta, mà họ vẫn mong có ngày mở mày mở mặt; ta được như thế này cũng chưa đến nỗi nào vậy ta không được hủy cái thân ta đi.
Hai Liên muốn nói nữa thì Bính hổn hển ngắt lời:
- Nhưng cứ ở đây cho đến ngày trọn đời sao?
Hai Liên ái ngại; cau mày ngẫm nghĩ một lát rồi bảo Bính:
- Chị muốn rời bỏ chốn này lắm phải không? Thôi được, chị chịu khó nấn ná ít lâu nữa để em thuốc thang cho, khi nào thật khỏe mạnh em sẽ đánh mối giúp chị một người có thể xé giấy(1) lấy chị, hoặc em sẽ giúp chị số tiền để chị tự xé giấy mà ra khỏi cái nơi sầu khổ nhục nhã này.
Bính ứa nước mắt, run rẩy hỏi Hai Liên:
- Nhưng sao chị không xé giấy cho chị?
Hai Liên cười nhạt đáp:
- Em không cần, ở đây quen rồi!
- Chị thích ở đây?
- Phải, chị ạ!
Bính ngạc nhiên hết sức, không hiểu Liên có thực tình giúp mình hay chỉ nói lấy lòng trong chốc lát. Vì có đời nào một người đàn bà lại chịu mãi được cái cảnh bán trôn nuôi miệng này.
ý nghĩ ngờ vực ấy lộ hẳn trên nét mặt Bính, Liên cảm thấy ngay liền bảo Bính:
- Em không lừa dối chị đâu tuy em thường "khấu bộp" mọi người để lấy tiền. Chị tính một người hiền lành nhu mì, lại cũng là đàn bà chung một số phận khốn nạn với em, em làm thế sao đang tâm!
Bính vội hỏi:
- Nhưng tiền nào mà chị sẵn thế? Và chị không muốn xa lánh nơi này để lấy chồng rồi sinh nở mà nhờ chồng con sao?
Nỗi cay đắng bất tuyệt vì câu hỏi chất phác ấy phút chốc bừng cả lên trong lòng Hai Liên. Liên bùi ngùi trông Bính, đôi mắt càng long lanh:
- Em chỉ nhờ thiên hạ thôi.
- Mãi được ư?
- Hẳn chứ, cho đến khi hai tay buông xuôi!
Bính toan hỏi, Hai Liên đã nói luôn:
- Em chẳng cần gì con cái cả vì như em còn hòng gì sinh nở được nữa. Còn chồng hễ ai có tiền bước vào nhà này là chồng. Em chỉ yêu tiền, yêu người có tiền thôi! Em sống là sống được ngày nào hay ngày nấy, đâu như chị đã có một đứa con trai tuy chị phải xa nó và chị lại còn có thể sinh nở, còn có thể có cái sung sướng với cảnh xum họp bầu bạn chồng con.
Hai Liên và Tám Bính đều im lặng, mỗi người một cảm giác tê mê và đau xót.
Hai Liên tuyệt vọng, nhìn thấy tất cả mọi cái trống trải cằn cỗi của đời mình. Trái lại, Tám Bính lại hy vọng. May ra Bính sẽ thoát cảnh này và trở về với con làm ăn xum họp. Bàn tay Bính nóng ran lên giữa bàn tay Hai Liên giá ngắt, run bần bật. Bính ngây ngất trong lòng. Hai mắt Bính chói rực dưới cặp mắt Hai Liên lờ đờ như theo tìm một ngày tươi sáng đã qua.
_
1. Tờ giấy này có tên tuổi quê quán, và cả hình ảnh cả điểm chỉ của người làm đĩ, giấy đó có hai bản sao, một ở sở cẩm chính, một ở tay chủ chứa. Ai muốn lấy người đàn bà đó phải đưa tiền cho chủ chứa để họ rút bản sao trong tay họ, và dẫn lên cẩm rút bản sao ở sở cẩm ra.
Bình luận facebook