Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Ván bài lật ngửa - Phần IV - Chương 10 phần 2
Gần như cùng lúc Luân suy tư, ở Bình Dương, Thiếu tướng Mai Hữu Xuân đang nói chuyện với Ngô Đình Diệm tại Dinh Độc Lập, nội dung quanh thí nghiệm lập dân vệ của Luân...
... Mai Hữu Xuân quyết định nói thẳng với Ngô Đình Nhu những nhận xét của ông ta về chiến dịch “Cơn hồng thủy.” Từ sau chiến dịch Trương Tấn Bửu do ông chỉ huy, mặc dù được thăng hàm thiếu tướng, Mai Hữu Xuân ngửi thấy mỗi ngày họ Ngô mỗi xa lánh ông. An ninh quân đội không còn do ông điều khiển nữa, Tổng thống điều ông về bộ Tổng tham mưu với chức danh không rõ ràng. Đại khái ông chịu trách nhiệm theo dõi công cuộc bình định nhưng không có trong tay một tên lính quèn, trừ mấy vệ sĩ dành cho cấp tướng. Phải nói là Mai Hữu Xuân nhẫn nại. Ông đi gõ cửa, làm quen với James Cassey. William Porter lịch sự nghe ông và “nghe qua rồi bỏ.” Còn James Cassey thích đi nhậu với ông song câu chuyện chưa bao giờ vượt quá đề tài Whisky, Cognac, Vodka, Ngũ gia bì và rượu đế Chợ Đệm thứ nào ngon hơn hết. Con người thông minh như Mai Hữu Xuân làm sao không hiểu cái ngăn trở ông chính là quá khứ dính líu sâu của ông với Phòng nhì Pháp, dù cho ông đã hi sinh không ít chiến hữu và nộp cho CIA một lô danh sách tình báo của Pháp để CIA sử dụng. Mỹ chưa cho điểm ông: ông còn giấu nhiều chủ bài kể cả cấp tướng, bộ trưởng, tỉnh trưởng. Không thể được! Ông không phải là đứa đần độn, giá cả còn do thị trường chính trị. Ai dám cam đoan, họ Ngô “thiên niên trường trị” ở Nam Việt? Savany há chẳng từng thư từ nói lóng với ông: “Hatez vouz lentement”(4) đó sao? Thế cờ chưa ngã ngũ. Ông chẳng phải là hạng người trọng tình bạn - cái gì bán được, ông bán ráo – song mua chức thiếu tướng bằng chừng ấy con tin là quá nhiều. Giả sử ông làm Tổng tham mưu trưởng, “hàng hóa” nhất định tương ứng. Và, nếu địa vị cao hơn... Người Mỹ chưa chọn ông – họ dừng ở mức xài ông như một chuyên gia chiến thuật tình báo, một tên sai vặt.
(4) Hãy nhanh lên một cách chậm chạp
Tất cả vì Nhu. Nợ nào rồi cũng có lúc phải thanh toán. Ông dặn lòng như vậy. Tuy không thạo chuyện cổ lắm, ông cũng biết bên Tàu thời Hán, có mưu sĩ trên Trần Bình đồng liêu với Hàn Tín, khi Hàn Tín bị Lữ Hậu sát hại, Trần Bình không khóc mà còn lớn tiếng thóa mạ vị phá Sở đại công thần nầy, nhờ đó được Lữ Hậu yêu dùng. Rồi khi Lữ Hậu chết, việc đầu tiên của Trần Bình là tru lục cả nhà họ Lữ, phơi xác bà ta giữa chợ cho diều tha quạ mổ, làm đại lễ tế Hàn Tín...
Thông báo tình hình của chiến dịch “Cơn hồng thủy” như bêu riếu ông. Dù sao, Mai Hữu Xuân cũng từng làm công việc đó trước Nguyễn Thành Luân. Những chủ đồn điền cao su người Pháp đã cám ơn ông. Phạm Văn Bời vốn là bộ hạ của ông, ông giúp cho gã tạo thế lực. Bất kể bây giờ Bời do ai nắm cũng không thể để rã cánh trước thằng Cộng sản Nguyễn Thành Luân. Phải thuyết phục Ngô Đình Diệm chấm dứt chiến dịch “Cơn hồng thủy.”
Mai Hữu Xuân xin gặp Nhu và được phép.
- Thưa ông cố vấn, tôi rất lo ngại về chiến dịch “Cơn hồng thủy.” Chủ trương của Thiếu tá Nguyễn Thành Luân có cái gì đó chưa ổn, nếu không nói là nguy hiểm...
Nhu lắng nghe Xuân. Anh ta vốn ngại viên tướng lắm mưu mẹo và vi cánh này. Tuy nhiên, điều mà Xuân nêu ra lại chính là điều Nhu từng nghĩ tới.
- Tôi kính trọng thiếu tá Luân và bao giờ cũng đánh giá cao tài năng của ông. Song, giữa phương pháp mà ông đeo đuổi với đường lối của Chính phủ vẫn chưa phải hoàn toàn ăn khớp. Những rối rắm do các nhóm sống ngoài vòng luật lệ khiến nhiều thôn xã mất an ninh, ví như bệnh ngoài da. Nó khác hẳn mưu đồ của Cộng sản. Nhiệm vụ của chiến dịch không nên quá nặng về phía trừng trị bọn cướp hoặc một số hành động xằng bậy của quân đội hay chức việc nhà nước ở hạ tầng. Thiếu tá say sưa lao vào những râu ria mà bỏ sót cái chính yếu. Phương pháp đó vừa làm nản lòng cấp dưới vừa tạo điều kiện cho Cộng sản ngóc đầu dậy. Đặc biệt, tôi lưu ý ông cố vấn về việc thiếu tá tỏ ra quá rộng rãi phân phối súng cho dân vệ.
Nhu tán thành lập luận của Mai Hữu Xuân, nếu ông ta dừng lại ở chỗ đó. Nhu đã nghĩ thoáng trong đầu, cách kềm chế Luân – “Ta cử Mai Hữu Xuân lên làm đốc chiến cho Nguyễn Thành Luân, có lẽ hay.”
Nhưng những cái gật đầu đệm từng chập của Nhu đã đẩy Xuân đi lố:
- Tôi biết thiếu tá Luân đang theo dõi và sẽ tung một đòn chí tử vào đảng Rừng Xanh. Tất nhiên, một nhóm cướp khó mà sống sót trước đòn sấm sét của thiếu tá. Đảng Rừng xanh của Phạm Văn Bời thật sự không đe dọa chúng ta mà là mối nguy đối với Cộng sản. Họ là người địa phương, thông thạo từng lối mòn nhỏ trong rừng. Nếu có chính sách đúng họ hợp tác với Chính phủ và sẽ là thế lực chống Cộng sản rất hiệu quả, yểm trợ đắc lực cho chương trình dinh điền của ông Cố vấn...
“Hóa ra thằng cha nầy thuyết tràng giang đại hải rốt cuộc là vì sợ Luân đánh tan đảng Rừng Xanh. Nhất định là y ăn chịu với hắn. Tạm thời cứ để Luân đánh tan đảng Rừng Xanh, sau đó – sẽ cử thằng cha này lên làm một thứ ‘giám quân’...” - Nhu nghĩ thầm.
- Rất hoan nghênh thiếu tướng! – Nhu kết thúc - Tôi sẽ theo dõi chặt chẽ chiến dịch và cũng mong thiếu tướng làm như vậy...
Mai Hữu Xuân hiểu rằng câu nói tống khách của Nhu hoàn toàn theo phép xã giao. Còn vì sao Nhu vừa tán thành vừa từ chối ông ta thì quả Mai Hữu Xuân không nghiệm ra. Bởi gì, Mai Hữu Xuân không biết Nhu đã đọc nhiều lần lời khai của Đại úy Phùng Quốc Tri và càng không thể biết trong ý thức Nhu cái họa Cộng sản và cái họa bị Mỹ đâm sau lưng, theo thời gian và bằng các thực tế sống động bỗng trở nên ngang nhau hay ít nhất đều đe dọa triều đình nhà Ngô.
*
Mùa mưa bắt đầu, công việc mở các trục lộ giữa rừng tạm ngưng.
Bộ tư lệnh hành quân tiếp tục công việc theo một nhịp độ trái ngược: Thiếu tá Nguyễn Thành Luân đã thành lập lực lượng dân vệ đến cấp tổng khắp tỉnh Bình Dương và lần lượt đi dự lễ ra quân các quận. An ninh ba tỉnh nói chung là tốt - như thông báo tổng kết hằng tháng của bộ Tổng tham mưu và Tổng nha Cảnh sát. Điều đó được các chuyên viên ở bộ Tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống phân tích như là vì Thiếu tá Nguyễn Thành Luân trực tiếp làm Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Bình Dương, nghĩa là có xu hướng muốn đề nghị Tổng thống giao cho Luân kiêm nhiệm chức vụ Tỉnh đoàn trưởng Bảo an các tỉnh miền Đông. Nhu không đồng ý mà không nói lí do.
Giữa lúc đó, một người được báo chí nhắc đến: Tỉnh trưởng Định Tường Nguyễn Trân.
Nguyễn Trân, quê miền Trung, xuất thân công chức, tùng sự ở Tổng nha Công vụ - bấy giờ do Kiều Công Cung phụ trách. Cung từng đi kháng chiến, là thủ lãnh Thanh niên tiền phong và sau đó là sư trưởng Cộng hòa vệ binh, trước khi đầu hàng Tây. Trân thừa hưởng kinh nghiệm của Cung và do đó, được Diệm bổ nhậm tỉnh trưởng Định Tường, nơi nổi tiếng ổ Cộng sản với con kênh Tổng Đốc Lộc bị cải danh thành kênh Nguyễn Văn Tiếp – tên một lãnh tụ Cộng sản - với Vĩnh Kim từng chịu bom trong bạo loạn Nam Kỳ năm 1940. Vừa đặt chân đến Mỹ Tho, Trân lập tức thực hiện một pha ngoạn mục: tổ chức đấu lí giữa một số cán bộ cộng sản bị bắt, mười bốn Việt Cộng đưa trong khám ra tranh luận với tỉnh trưởng trước hai nghìn người. Kể ra đó là một sáng kiến có giá trị nếu những người bị bắt không phải trải qua hằng tháng trời lấy khẩu cung cực kì thô bạo ở ty cảnh sát. Sáng kiến mau chóng biến thành màn dàn dựng và Nguyễn Trân, đạo diễn kiêm diễn viên. Báo chí tường thuật từng câu đối đáp và ai cũng biết kết quả: Cộng sản không có chính nghĩa.
Nhu tiếp nhận kết quả đó và anh ta không cần đọc. “Lố bịch!” - Nhu hạ một câu sát rạt. Cho nên, khi Nguyễn Trân lên báo cáo với Nhu, hí hửng lúc bước vào và tiu nghỉu khi bước ra.
- Ông làm cái trò tốn tiền, tốn công mà báo chí nước ngoài cười chúng ta. - Nhu bốp chát – Ông coi đây...
Nhu vứt trước mặt Trân bản tin télex của phóng viên hãng Thông tấn Mỹ UPI: “Đấu lí hay xưng tội? Trò đùa nhạt nhẽo nầy được một quan chức đầu tỉnh thuộc lưu vực sông Cửu Long trưng ra với dư luận như là một cách tân trang phương pháp chống cộng về mặt ý thức hệ. Mười một kí giả và ba trí thức được mệnh danh là Cộng sản đứng trước hai nghìn người chọn lọc - ông tỉnh trưởng cưỡng ép hai nghìn người cho có vẻ công chúng – trả lời các câu hỏi của chính tỉnh trưởng. Cuộc đấu lí tất nhiên phải đi vào quỹ đạo mà tỉnh trưởng muốn: những người Cộng sản còn thú tội để được một ân huệ; tối thiểu là khỏi bị tra tấn. Liệu rằng nước Mỹ có nên đứng sau lưng những tay phù thủy tập sự này không?”
- Ông nên để đầu óc lo công việc khác vừa sức ông hơn. – Nhu mắng mỏ Nguyễn Trân.
Nhu hằn học với Nguyễn Trân không phải chỉ vì màn kịch “đấu lí” thất bại mà vì Trân thuộc nhóm Đại Việt Hà Thúc Ký, nhờ khéo luồn lách nên khỏi tội vụ Ba Lòng.
“Thằng cha thích làm lãnh tụ này toan kiếm chác vốn liếng chính trị để rao hàng với CIA đây!”
Đầu tháng tám, Nhu sang Nam Vang. Chuyến đi này nhằm làm dịu lập trường hai nước càng lúc càng đối chọi. Thông cáo Việt Nam tố cáo Miên xâm lấn biên giới. Thông cáo Miên tố cáo Việt Nam thọc qua đất Miên...
Nam Vang đón Ngô Đình Nhu không mấy nồng nhiệt. Tuy vậy cuộc tiếp xúc Sihanouk – Nhu vẫn mang lại đôi kết quả: hai bên hứa trừng phạt cấp dưới gây rối ở biên giới. Shihanouk bằng lòng viếng Sài Gòn theo lời mời của Nhu...
Không ai tiết lộ thái độ thật sự của Sihanouk sau hội đàm. Phần Nhu, anh ta, trong một lần trao đổi với Luân, đã hé:
- Trung lập của Cambốt có nhiều cái hay. Phải chi Việt Nam ta có điều kiện như Sihanouk...
... Trần Vĩnh Đắt bước vào văn phòng của Luân không báo trước. Thái độ của Đắt khác hẳn khi ông ta làm tổng giám đốc cảnh sát, Đắt tự chọn ghế nồi và bắt tay Luân lỏng lẻo.
- Sao? - Đắt hất hàm, hỏi Luân.
- Tôi chưa rõ đại tá hỏi việc gì?
- Chẳng lẽ tôi hỏi thiếu tá về giá gạo Sài Gòn hay giá thị trường chứng khoán Hồng Kông?
Luân sa sầm mặt:
- Về các loại giá cả đó, đại tá là một chuyên gia cỡ lớn!
- Anh đừng có xỏ xiên! Tôi đến để xem anh làm ăn thế nào? Từ khi lên đây, anh không thèm chào tôi. Tôi hỏi: Anh định trao cho du kích Cộng sản bao nhiêu súng?
- À, hóa ra đại tá quan tâm việc đó. Số súng mà các đội dân vệ có thể chuyển cho du kích là bao nhiêu, tôi chưa có cơ sở để nghĩ đến một con số. Song số súng mà các cơ quan tỉnh Bình Dương do đại tá phụ trách khi còn là tổng giám đốc cảnh sát quốc gia đã trao cho du kích lẫn bọn cướp thì có con số: không tính bằng khẩu mà phải tính bằng kho! – Luân phản kích giọng châm chọc.
Trần Vĩnh Đắt ngao ngán:
- Tôi không hiểu tại sao Tổng thống lại giao thiếu tá trọng trách bình định ở một vùng nhạy cảm như thế này. Từ khi thiếu tá bắt tay vào công việc, lực lượng quốc gia trong tỉnh sa sút, ai cũng thấy, còn Việt Cộng thì lên vùn vụt. Theo báo cáo chính thức, cả chục trung đoàn cộng sản làm mưa làm gió ở đây..
- Đại tá đã quá đề cao tôi rồi đó! – Luân tiếp tục cười cợt - Trong vòng sáu tháng, tôi xây dựng được cho Cộng sản cả chục trung đoàn! Để xem, tôi có nên nhận sự khen tặng như vậy hay không?
- Thiếu tá cần nhớ đây không phải là nhận xét riêng của tôi!
- Tôi hiểu, đại tá có bao giờ có nhận xét riêng!
- Tôi hỏi thiếu tá đã xin ý kiến của Sài Gòn chưa?
- Thưa đại tá, ông có cần đọc một lần nữa quyết định của Tổng thống về nhiệm vụ của tôi không?
Đắt cười nửa miệng:
- Tôi muốn nói đến ý kiến khác, trên cả Tổng thống kia!
Luân cau mày:
- Tôi nhớ trước đây đại tá một vâng hai dạ với Tổng thống và ông bà cố vấn. Bây giờ thì... tôi thành thật thương hại đại tá. Đại tá ngỡ che bằng một cây dù khác thì tránh được sét sao? Ngỡ như vậy là quá sớm, thưa đại tá...
- Anh biết cóc rác gì mà nói! - Đắt tỏ ra cứng song giọng nói đã tỏ ra bớt sẵng.
- Vốn trước đây tôi với đại tá quen biết nhau. Vợ tôi có lúc tòng sự dưới quyền đại tá. Tôi thích sòng phẳng. Việc đại tá thôi chức tổng giám đốc cảnh sát quốc gia và không được thăng cấp tướng, phải giam mình ở chức cai ngục không liên can gì đến tôi nếu không nói là tôi đã làm hết sức mình để giữ nguyên hoa mai trên cầu vai đại tá. Cái mà đại tá cần rút kinh nghhiệm là nên chuyển ngân như thế nào cho kín đáo chứ không phải là sừng sộ với tôi. Còn bây giờ, đại tá nên giữ gìn: “phàm làm gián điệp nước đôi phải tinh vi.”
- Anh định vu khống tôi hả? Tôi cho anh tâu rỗi với Ngô Đình Nhu đó! – Đắt lên gân bằng giọng yếu xìu.
- Tôi không vu khống cho bất kì ai! Tôi cũng không cần phải tâu rỗi với ông Nhu. Tiếp xúc thẳng với Đức Chúa trời vẫn lợi hơn gặp các thánh như người ta nói. Chắc đại tá cho rằng quan hệ với ông Fishell là độc quyền của đại tá? Đại tá muốn thử không?
Luân bước lại máy nói:
- Thôi mà! Ông kĩ sư...
Đắt đột ngột thay đổi thái độ, giọng gần như van vỉ
- Tôi lỡ nóng nói bậy... Ông kĩ sư đừng chấp.
Luân vẫn quay máy.
- Ông kĩ sư! - Đắt kêu lên tuyệt vọng.
- Alô! - Luân nói vào máy. Đắt tái mặt
- Alô, trung úy Vi đó hả, cho hai chai nước giải khát…
Đắt không kềm nổi tiếng thở phào.
- Tôi biết trong trại giam Phú Lợi có một khu dành huấn luyện biệt kích Mỹ. Đó là việc làm phi pháp. - Luân ngồi xuống và bây giờ đến lượt anh lên lớp Đắt - Phi pháp với Chính phủ Việt Nam và cũng phi pháp với đại sứ quán Mỹ. Không cẩn thận, báo chí Mỹ ngửi ra, làm rùm beng thì chính đại tá là vật hi sinh của SSI.
Trần Vĩnh Đắt ngọ nguậy mãi trong ghế. Đôi mắt đờ đẫn chứng tỏ ông ta không nghĩ rằng Luân biết nhiều như vậy.
- Dân vệ Phú Hòa Đông bắt được hai biệt kích đang toan làm tiền Sở Cao su ông Huyện Huyên. Họ đã khai.
Tới đây thì Đắt hoàn toàn bị đánh gục:
- Tôi mong ông kĩ sư nghĩ tình..
Luân giả như không nghe nói tiếp:
- Còn đảng Rừng Xanh, đại tá quan hệ với chúng nó quá chặt. Gần đây chính đại tá kí giấy cho Pô Xường Thài lợi dụng việc đi lại mang gạo thóc tiếp tế cho đảng Rừng Xanh... Tôi đã bắt được nguyên xe cam nhông... và tất nhiên thêm lời khai nữa, ngoài lời khai của Đại úy Phùng Quốc Tri... Tôi còn biết đại tá định cho nổ mìn phá hủy các xe ủi của công binh, vì căn cứ Bình Chánh của Phạm Văn Bời nằm trong vùng sẽ xẻ đường. Đại tá bạo gan thật!
Trần Vĩnh Đắt không nói ra câu, ông ta rên rỉ...
- Ông kĩ sư ơi…
- Còn nữa, giữa đại tá và cô Yến Thu... Chính đại tá bảo tình nhân đến đây ngăn tôi không lên xóm Bầu Mây... Tôi không can thiệp vào sinh hoạt cá nhân của đại tá. Đại tá nên đề phòng Trung tá Vũ Thành Khuynh.
Luân nói hai sự kiện sau cùng là hoàn toàn là đòn tâm lí. Anh chưa có bằng cớ. Nhưng Đắt thú nhận:
- Tôi khốn khổ vì mụ Yến Thu...
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
Luân mời Đắt uống nước.
- Dầu sao, trong phạm vi trách nhiệm của mình, tôi cố giúp đại tá... Tôi đảm bảo các lời khai sẽ không có một chữ nào dính đến đại tá.
Trần Vĩnh Đắt vồ lấy tay Luân, cảm ơn líu lưỡi:
- Ông ra ơn cho tôi, tôi phải đền ơn. – Đắt nói - Có một việc liên quan đến Đại úy Phùng Quốc Tri...
Đắt nói thật nhỏ...
... Mai Hữu Xuân quyết định nói thẳng với Ngô Đình Nhu những nhận xét của ông ta về chiến dịch “Cơn hồng thủy.” Từ sau chiến dịch Trương Tấn Bửu do ông chỉ huy, mặc dù được thăng hàm thiếu tướng, Mai Hữu Xuân ngửi thấy mỗi ngày họ Ngô mỗi xa lánh ông. An ninh quân đội không còn do ông điều khiển nữa, Tổng thống điều ông về bộ Tổng tham mưu với chức danh không rõ ràng. Đại khái ông chịu trách nhiệm theo dõi công cuộc bình định nhưng không có trong tay một tên lính quèn, trừ mấy vệ sĩ dành cho cấp tướng. Phải nói là Mai Hữu Xuân nhẫn nại. Ông đi gõ cửa, làm quen với James Cassey. William Porter lịch sự nghe ông và “nghe qua rồi bỏ.” Còn James Cassey thích đi nhậu với ông song câu chuyện chưa bao giờ vượt quá đề tài Whisky, Cognac, Vodka, Ngũ gia bì và rượu đế Chợ Đệm thứ nào ngon hơn hết. Con người thông minh như Mai Hữu Xuân làm sao không hiểu cái ngăn trở ông chính là quá khứ dính líu sâu của ông với Phòng nhì Pháp, dù cho ông đã hi sinh không ít chiến hữu và nộp cho CIA một lô danh sách tình báo của Pháp để CIA sử dụng. Mỹ chưa cho điểm ông: ông còn giấu nhiều chủ bài kể cả cấp tướng, bộ trưởng, tỉnh trưởng. Không thể được! Ông không phải là đứa đần độn, giá cả còn do thị trường chính trị. Ai dám cam đoan, họ Ngô “thiên niên trường trị” ở Nam Việt? Savany há chẳng từng thư từ nói lóng với ông: “Hatez vouz lentement”(4) đó sao? Thế cờ chưa ngã ngũ. Ông chẳng phải là hạng người trọng tình bạn - cái gì bán được, ông bán ráo – song mua chức thiếu tướng bằng chừng ấy con tin là quá nhiều. Giả sử ông làm Tổng tham mưu trưởng, “hàng hóa” nhất định tương ứng. Và, nếu địa vị cao hơn... Người Mỹ chưa chọn ông – họ dừng ở mức xài ông như một chuyên gia chiến thuật tình báo, một tên sai vặt.
(4) Hãy nhanh lên một cách chậm chạp
Tất cả vì Nhu. Nợ nào rồi cũng có lúc phải thanh toán. Ông dặn lòng như vậy. Tuy không thạo chuyện cổ lắm, ông cũng biết bên Tàu thời Hán, có mưu sĩ trên Trần Bình đồng liêu với Hàn Tín, khi Hàn Tín bị Lữ Hậu sát hại, Trần Bình không khóc mà còn lớn tiếng thóa mạ vị phá Sở đại công thần nầy, nhờ đó được Lữ Hậu yêu dùng. Rồi khi Lữ Hậu chết, việc đầu tiên của Trần Bình là tru lục cả nhà họ Lữ, phơi xác bà ta giữa chợ cho diều tha quạ mổ, làm đại lễ tế Hàn Tín...
Thông báo tình hình của chiến dịch “Cơn hồng thủy” như bêu riếu ông. Dù sao, Mai Hữu Xuân cũng từng làm công việc đó trước Nguyễn Thành Luân. Những chủ đồn điền cao su người Pháp đã cám ơn ông. Phạm Văn Bời vốn là bộ hạ của ông, ông giúp cho gã tạo thế lực. Bất kể bây giờ Bời do ai nắm cũng không thể để rã cánh trước thằng Cộng sản Nguyễn Thành Luân. Phải thuyết phục Ngô Đình Diệm chấm dứt chiến dịch “Cơn hồng thủy.”
Mai Hữu Xuân xin gặp Nhu và được phép.
- Thưa ông cố vấn, tôi rất lo ngại về chiến dịch “Cơn hồng thủy.” Chủ trương của Thiếu tá Nguyễn Thành Luân có cái gì đó chưa ổn, nếu không nói là nguy hiểm...
Nhu lắng nghe Xuân. Anh ta vốn ngại viên tướng lắm mưu mẹo và vi cánh này. Tuy nhiên, điều mà Xuân nêu ra lại chính là điều Nhu từng nghĩ tới.
- Tôi kính trọng thiếu tá Luân và bao giờ cũng đánh giá cao tài năng của ông. Song, giữa phương pháp mà ông đeo đuổi với đường lối của Chính phủ vẫn chưa phải hoàn toàn ăn khớp. Những rối rắm do các nhóm sống ngoài vòng luật lệ khiến nhiều thôn xã mất an ninh, ví như bệnh ngoài da. Nó khác hẳn mưu đồ của Cộng sản. Nhiệm vụ của chiến dịch không nên quá nặng về phía trừng trị bọn cướp hoặc một số hành động xằng bậy của quân đội hay chức việc nhà nước ở hạ tầng. Thiếu tá say sưa lao vào những râu ria mà bỏ sót cái chính yếu. Phương pháp đó vừa làm nản lòng cấp dưới vừa tạo điều kiện cho Cộng sản ngóc đầu dậy. Đặc biệt, tôi lưu ý ông cố vấn về việc thiếu tá tỏ ra quá rộng rãi phân phối súng cho dân vệ.
Nhu tán thành lập luận của Mai Hữu Xuân, nếu ông ta dừng lại ở chỗ đó. Nhu đã nghĩ thoáng trong đầu, cách kềm chế Luân – “Ta cử Mai Hữu Xuân lên làm đốc chiến cho Nguyễn Thành Luân, có lẽ hay.”
Nhưng những cái gật đầu đệm từng chập của Nhu đã đẩy Xuân đi lố:
- Tôi biết thiếu tá Luân đang theo dõi và sẽ tung một đòn chí tử vào đảng Rừng Xanh. Tất nhiên, một nhóm cướp khó mà sống sót trước đòn sấm sét của thiếu tá. Đảng Rừng xanh của Phạm Văn Bời thật sự không đe dọa chúng ta mà là mối nguy đối với Cộng sản. Họ là người địa phương, thông thạo từng lối mòn nhỏ trong rừng. Nếu có chính sách đúng họ hợp tác với Chính phủ và sẽ là thế lực chống Cộng sản rất hiệu quả, yểm trợ đắc lực cho chương trình dinh điền của ông Cố vấn...
“Hóa ra thằng cha nầy thuyết tràng giang đại hải rốt cuộc là vì sợ Luân đánh tan đảng Rừng Xanh. Nhất định là y ăn chịu với hắn. Tạm thời cứ để Luân đánh tan đảng Rừng Xanh, sau đó – sẽ cử thằng cha này lên làm một thứ ‘giám quân’...” - Nhu nghĩ thầm.
- Rất hoan nghênh thiếu tướng! – Nhu kết thúc - Tôi sẽ theo dõi chặt chẽ chiến dịch và cũng mong thiếu tướng làm như vậy...
Mai Hữu Xuân hiểu rằng câu nói tống khách của Nhu hoàn toàn theo phép xã giao. Còn vì sao Nhu vừa tán thành vừa từ chối ông ta thì quả Mai Hữu Xuân không nghiệm ra. Bởi gì, Mai Hữu Xuân không biết Nhu đã đọc nhiều lần lời khai của Đại úy Phùng Quốc Tri và càng không thể biết trong ý thức Nhu cái họa Cộng sản và cái họa bị Mỹ đâm sau lưng, theo thời gian và bằng các thực tế sống động bỗng trở nên ngang nhau hay ít nhất đều đe dọa triều đình nhà Ngô.
*
Mùa mưa bắt đầu, công việc mở các trục lộ giữa rừng tạm ngưng.
Bộ tư lệnh hành quân tiếp tục công việc theo một nhịp độ trái ngược: Thiếu tá Nguyễn Thành Luân đã thành lập lực lượng dân vệ đến cấp tổng khắp tỉnh Bình Dương và lần lượt đi dự lễ ra quân các quận. An ninh ba tỉnh nói chung là tốt - như thông báo tổng kết hằng tháng của bộ Tổng tham mưu và Tổng nha Cảnh sát. Điều đó được các chuyên viên ở bộ Tham mưu biệt bộ Phủ Tổng thống phân tích như là vì Thiếu tá Nguyễn Thành Luân trực tiếp làm Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Bình Dương, nghĩa là có xu hướng muốn đề nghị Tổng thống giao cho Luân kiêm nhiệm chức vụ Tỉnh đoàn trưởng Bảo an các tỉnh miền Đông. Nhu không đồng ý mà không nói lí do.
Giữa lúc đó, một người được báo chí nhắc đến: Tỉnh trưởng Định Tường Nguyễn Trân.
Nguyễn Trân, quê miền Trung, xuất thân công chức, tùng sự ở Tổng nha Công vụ - bấy giờ do Kiều Công Cung phụ trách. Cung từng đi kháng chiến, là thủ lãnh Thanh niên tiền phong và sau đó là sư trưởng Cộng hòa vệ binh, trước khi đầu hàng Tây. Trân thừa hưởng kinh nghiệm của Cung và do đó, được Diệm bổ nhậm tỉnh trưởng Định Tường, nơi nổi tiếng ổ Cộng sản với con kênh Tổng Đốc Lộc bị cải danh thành kênh Nguyễn Văn Tiếp – tên một lãnh tụ Cộng sản - với Vĩnh Kim từng chịu bom trong bạo loạn Nam Kỳ năm 1940. Vừa đặt chân đến Mỹ Tho, Trân lập tức thực hiện một pha ngoạn mục: tổ chức đấu lí giữa một số cán bộ cộng sản bị bắt, mười bốn Việt Cộng đưa trong khám ra tranh luận với tỉnh trưởng trước hai nghìn người. Kể ra đó là một sáng kiến có giá trị nếu những người bị bắt không phải trải qua hằng tháng trời lấy khẩu cung cực kì thô bạo ở ty cảnh sát. Sáng kiến mau chóng biến thành màn dàn dựng và Nguyễn Trân, đạo diễn kiêm diễn viên. Báo chí tường thuật từng câu đối đáp và ai cũng biết kết quả: Cộng sản không có chính nghĩa.
Nhu tiếp nhận kết quả đó và anh ta không cần đọc. “Lố bịch!” - Nhu hạ một câu sát rạt. Cho nên, khi Nguyễn Trân lên báo cáo với Nhu, hí hửng lúc bước vào và tiu nghỉu khi bước ra.
- Ông làm cái trò tốn tiền, tốn công mà báo chí nước ngoài cười chúng ta. - Nhu bốp chát – Ông coi đây...
Nhu vứt trước mặt Trân bản tin télex của phóng viên hãng Thông tấn Mỹ UPI: “Đấu lí hay xưng tội? Trò đùa nhạt nhẽo nầy được một quan chức đầu tỉnh thuộc lưu vực sông Cửu Long trưng ra với dư luận như là một cách tân trang phương pháp chống cộng về mặt ý thức hệ. Mười một kí giả và ba trí thức được mệnh danh là Cộng sản đứng trước hai nghìn người chọn lọc - ông tỉnh trưởng cưỡng ép hai nghìn người cho có vẻ công chúng – trả lời các câu hỏi của chính tỉnh trưởng. Cuộc đấu lí tất nhiên phải đi vào quỹ đạo mà tỉnh trưởng muốn: những người Cộng sản còn thú tội để được một ân huệ; tối thiểu là khỏi bị tra tấn. Liệu rằng nước Mỹ có nên đứng sau lưng những tay phù thủy tập sự này không?”
- Ông nên để đầu óc lo công việc khác vừa sức ông hơn. – Nhu mắng mỏ Nguyễn Trân.
Nhu hằn học với Nguyễn Trân không phải chỉ vì màn kịch “đấu lí” thất bại mà vì Trân thuộc nhóm Đại Việt Hà Thúc Ký, nhờ khéo luồn lách nên khỏi tội vụ Ba Lòng.
“Thằng cha thích làm lãnh tụ này toan kiếm chác vốn liếng chính trị để rao hàng với CIA đây!”
Đầu tháng tám, Nhu sang Nam Vang. Chuyến đi này nhằm làm dịu lập trường hai nước càng lúc càng đối chọi. Thông cáo Việt Nam tố cáo Miên xâm lấn biên giới. Thông cáo Miên tố cáo Việt Nam thọc qua đất Miên...
Nam Vang đón Ngô Đình Nhu không mấy nồng nhiệt. Tuy vậy cuộc tiếp xúc Sihanouk – Nhu vẫn mang lại đôi kết quả: hai bên hứa trừng phạt cấp dưới gây rối ở biên giới. Shihanouk bằng lòng viếng Sài Gòn theo lời mời của Nhu...
Không ai tiết lộ thái độ thật sự của Sihanouk sau hội đàm. Phần Nhu, anh ta, trong một lần trao đổi với Luân, đã hé:
- Trung lập của Cambốt có nhiều cái hay. Phải chi Việt Nam ta có điều kiện như Sihanouk...
... Trần Vĩnh Đắt bước vào văn phòng của Luân không báo trước. Thái độ của Đắt khác hẳn khi ông ta làm tổng giám đốc cảnh sát, Đắt tự chọn ghế nồi và bắt tay Luân lỏng lẻo.
- Sao? - Đắt hất hàm, hỏi Luân.
- Tôi chưa rõ đại tá hỏi việc gì?
- Chẳng lẽ tôi hỏi thiếu tá về giá gạo Sài Gòn hay giá thị trường chứng khoán Hồng Kông?
Luân sa sầm mặt:
- Về các loại giá cả đó, đại tá là một chuyên gia cỡ lớn!
- Anh đừng có xỏ xiên! Tôi đến để xem anh làm ăn thế nào? Từ khi lên đây, anh không thèm chào tôi. Tôi hỏi: Anh định trao cho du kích Cộng sản bao nhiêu súng?
- À, hóa ra đại tá quan tâm việc đó. Số súng mà các đội dân vệ có thể chuyển cho du kích là bao nhiêu, tôi chưa có cơ sở để nghĩ đến một con số. Song số súng mà các cơ quan tỉnh Bình Dương do đại tá phụ trách khi còn là tổng giám đốc cảnh sát quốc gia đã trao cho du kích lẫn bọn cướp thì có con số: không tính bằng khẩu mà phải tính bằng kho! – Luân phản kích giọng châm chọc.
Trần Vĩnh Đắt ngao ngán:
- Tôi không hiểu tại sao Tổng thống lại giao thiếu tá trọng trách bình định ở một vùng nhạy cảm như thế này. Từ khi thiếu tá bắt tay vào công việc, lực lượng quốc gia trong tỉnh sa sút, ai cũng thấy, còn Việt Cộng thì lên vùn vụt. Theo báo cáo chính thức, cả chục trung đoàn cộng sản làm mưa làm gió ở đây..
- Đại tá đã quá đề cao tôi rồi đó! – Luân tiếp tục cười cợt - Trong vòng sáu tháng, tôi xây dựng được cho Cộng sản cả chục trung đoàn! Để xem, tôi có nên nhận sự khen tặng như vậy hay không?
- Thiếu tá cần nhớ đây không phải là nhận xét riêng của tôi!
- Tôi hiểu, đại tá có bao giờ có nhận xét riêng!
- Tôi hỏi thiếu tá đã xin ý kiến của Sài Gòn chưa?
- Thưa đại tá, ông có cần đọc một lần nữa quyết định của Tổng thống về nhiệm vụ của tôi không?
Đắt cười nửa miệng:
- Tôi muốn nói đến ý kiến khác, trên cả Tổng thống kia!
Luân cau mày:
- Tôi nhớ trước đây đại tá một vâng hai dạ với Tổng thống và ông bà cố vấn. Bây giờ thì... tôi thành thật thương hại đại tá. Đại tá ngỡ che bằng một cây dù khác thì tránh được sét sao? Ngỡ như vậy là quá sớm, thưa đại tá...
- Anh biết cóc rác gì mà nói! - Đắt tỏ ra cứng song giọng nói đã tỏ ra bớt sẵng.
- Vốn trước đây tôi với đại tá quen biết nhau. Vợ tôi có lúc tòng sự dưới quyền đại tá. Tôi thích sòng phẳng. Việc đại tá thôi chức tổng giám đốc cảnh sát quốc gia và không được thăng cấp tướng, phải giam mình ở chức cai ngục không liên can gì đến tôi nếu không nói là tôi đã làm hết sức mình để giữ nguyên hoa mai trên cầu vai đại tá. Cái mà đại tá cần rút kinh nghhiệm là nên chuyển ngân như thế nào cho kín đáo chứ không phải là sừng sộ với tôi. Còn bây giờ, đại tá nên giữ gìn: “phàm làm gián điệp nước đôi phải tinh vi.”
- Anh định vu khống tôi hả? Tôi cho anh tâu rỗi với Ngô Đình Nhu đó! – Đắt lên gân bằng giọng yếu xìu.
- Tôi không vu khống cho bất kì ai! Tôi cũng không cần phải tâu rỗi với ông Nhu. Tiếp xúc thẳng với Đức Chúa trời vẫn lợi hơn gặp các thánh như người ta nói. Chắc đại tá cho rằng quan hệ với ông Fishell là độc quyền của đại tá? Đại tá muốn thử không?
Luân bước lại máy nói:
- Thôi mà! Ông kĩ sư...
Đắt đột ngột thay đổi thái độ, giọng gần như van vỉ
- Tôi lỡ nóng nói bậy... Ông kĩ sư đừng chấp.
Luân vẫn quay máy.
- Ông kĩ sư! - Đắt kêu lên tuyệt vọng.
- Alô! - Luân nói vào máy. Đắt tái mặt
- Alô, trung úy Vi đó hả, cho hai chai nước giải khát…
Đắt không kềm nổi tiếng thở phào.
- Tôi biết trong trại giam Phú Lợi có một khu dành huấn luyện biệt kích Mỹ. Đó là việc làm phi pháp. - Luân ngồi xuống và bây giờ đến lượt anh lên lớp Đắt - Phi pháp với Chính phủ Việt Nam và cũng phi pháp với đại sứ quán Mỹ. Không cẩn thận, báo chí Mỹ ngửi ra, làm rùm beng thì chính đại tá là vật hi sinh của SSI.
Trần Vĩnh Đắt ngọ nguậy mãi trong ghế. Đôi mắt đờ đẫn chứng tỏ ông ta không nghĩ rằng Luân biết nhiều như vậy.
- Dân vệ Phú Hòa Đông bắt được hai biệt kích đang toan làm tiền Sở Cao su ông Huyện Huyên. Họ đã khai.
Tới đây thì Đắt hoàn toàn bị đánh gục:
- Tôi mong ông kĩ sư nghĩ tình..
Luân giả như không nghe nói tiếp:
- Còn đảng Rừng Xanh, đại tá quan hệ với chúng nó quá chặt. Gần đây chính đại tá kí giấy cho Pô Xường Thài lợi dụng việc đi lại mang gạo thóc tiếp tế cho đảng Rừng Xanh... Tôi đã bắt được nguyên xe cam nhông... và tất nhiên thêm lời khai nữa, ngoài lời khai của Đại úy Phùng Quốc Tri... Tôi còn biết đại tá định cho nổ mìn phá hủy các xe ủi của công binh, vì căn cứ Bình Chánh của Phạm Văn Bời nằm trong vùng sẽ xẻ đường. Đại tá bạo gan thật!
Trần Vĩnh Đắt không nói ra câu, ông ta rên rỉ...
- Ông kĩ sư ơi…
- Còn nữa, giữa đại tá và cô Yến Thu... Chính đại tá bảo tình nhân đến đây ngăn tôi không lên xóm Bầu Mây... Tôi không can thiệp vào sinh hoạt cá nhân của đại tá. Đại tá nên đề phòng Trung tá Vũ Thành Khuynh.
Luân nói hai sự kiện sau cùng là hoàn toàn là đòn tâm lí. Anh chưa có bằng cớ. Nhưng Đắt thú nhận:
- Tôi khốn khổ vì mụ Yến Thu...
- Tôi cũng nghĩ như vậy.
Luân mời Đắt uống nước.
- Dầu sao, trong phạm vi trách nhiệm của mình, tôi cố giúp đại tá... Tôi đảm bảo các lời khai sẽ không có một chữ nào dính đến đại tá.
Trần Vĩnh Đắt vồ lấy tay Luân, cảm ơn líu lưỡi:
- Ông ra ơn cho tôi, tôi phải đền ơn. – Đắt nói - Có một việc liên quan đến Đại úy Phùng Quốc Tri...
Đắt nói thật nhỏ...