Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Ván bài lật ngửa - Phần III - Chương 01
Phần 3 - Chương 1
Phát súng trên cao nguyên
Khuôn viên rợp tàn cổ thụ êm ả đến nỗi từ gian phòng lớn – xưa kia, Toàn quyền Đông Pháp và Đại Nam Hoàng đế Bảo Đại vẫn ngự mỗi khi vào Sài Gòn. Tổng thống Ngô Đình Diệm nghe rõ cả tiếng lá rơi bên ngoài. Qua cửa sổ, Tổng thống mơ màng nhìn chiếc thảm cỏ sân trước trải rộng một màu xanh dịu dàng. Các chuyên gia quả không uổng công du học: thảm cỏ đã cho Tổng thống cảm giác là Dinh Độc Lập bồng bềnh giữa một thảo nguyên mênh mông.
Tổng thống thích đi bách bộ vòng quanh dinh, ông vừa làm xong việc đó mà ông muốn mọi người xem như thói quen của một Tổng thống – đi bách bộ để suy gẫm quốc gia đại sự. Dưới ánh nắng bình minh, lâu đài quét vôi màu vàng nhạt nổi lên với tất cả phong thái bệ vệ. Tổng thống thầm cảm ơn kiến trúc sư Hermitte, người thiết kế, phó đô đốc De La Grandière, người đặt viên đá đầu tiên, đã lưu lại một công trình thi công vỏn vẹn mười chín tháng – từ 23-2-1868 – góp vào vẻ đẹp của “Hòn ngọc Viễn Đông.” Đôi khi ông chợt so sánh dinh Norodom này – mà ông quyết định gọi là Dinh Độc Lập – với Viện Cơ mật ẩm ướt nằm trong Hoàng thành Huế, nơi có lúc ông giữ ấn đầu triều kiêm Thượng thơ bộ Lại. Lúc đó, ông chưa kịp đánh giá – đúng ra, ông hơi choáng ngợp, bởi dầu sao Viện Cơ mật vẫn đồ sộ hơn dinh Tuần Vũ Bình Thuận và dinh Tuần Vũ vẫn đồ sộ hơn chỗ làm việc của viên tri huyện Hải Lăng. Nhưung, thời gian giữ ngôi tể tướng quá ngắn ngủi – chưa được một năm – ông đã phải cay đắng bàn giao cho Phạm Quỳnh, cái gọi là “cuộc cách mạng cung đình” (nhằm đưa số trẻ vào nội các thay cho số già) xì hơi nhanh hơn bánh xe thủng ruột. Lí do thất sủng của ông được hiểu mỗi người một phách. Lúc đầu ông sợ nhưng về sau ông thấy hay hay về cái dư luận cho ông vì “chống Tây,” “chống vua bù nhìn” nên phải ra rìa. Cũng có lúc cái dư luận gán ông là “thân Nhật,” “muốn đem Cường Để về thay Bảo Đại” đe dọa đẩy ông vào khám, song khi Nhật nổ súng ở Lư Cầu Kiều, ông được an ủi ít nhiều và mơ mộng ít nhiều. Còn dư luận cho rằng ông quá trẻ - bấy giờ ông mới ba mươi hai tuổi – để đảm đương trọng trách tể tướng, ông thích thú. Nó mơn trớn tính tự phụ của ông. Gia tộc ông đều “Nhất phẩm đại thần” – cha từng là Phụ chính, anh ruột làm Tổng đốc nhưng chưa ai rút ngắn hoạn lộ bằng ông và chưa ai vừa đến tuổi “thành nhân chi mỹ” đã trèo lên ghế cực phẩm như ông. Một dư luận khác, có vẻ thâm thúy hơn, giúp ông tính toán bước đi sau này: những năm 1930, Pháp muốn thực hiện một chính sách phỉnh phờ ở Đông Dương, Phạm Quỳnh là nhà báo làm Thượng thư bộ Học thích hợp hơn ông – quá khứ của ông đánh dấu bằng những vụ sát phạt đẫm máu suốt dải Bình Trị Thiên, sẽ hữu dụng lúc khác. Vả lại, ông thuộc một gia đình đạo Thiên Chúa toàn tòng, khó mà thuận thảo với các đồng liêu hấu hết nếu không theo Khổng cũng là tín đồ đạo Phật.
Mười bảy năm – kể cũng khá dài – ông đứng ngoài lề chính sự. Đôi lúc, ông ao ước nhà vua hồi tâm. Nhưng, nhà vua làm gì có thể nhớ đến ông: vợ của Nguyễn Duy Quang, vợ của các viên quan sẵn sàng nhận ơn vũ lộ. Hoàng thượng bận rộn với những chương trình tính hằng đêm… Các người bạn Pháp – họ tiếp cận Toàn quyền, Khâm sứ khuyên ông cứ ẩn nhẫn chờ thời. Về mặt kinh tế, ông chẳng gặp một chút khó khăn nào. Ông đứng ngoài lề chính sự - nói theo nghĩa ông không đảm đương một chức vụ. Chẳng lẽ ông nài nỉ Hoàng đế xin một cương vị thấp hơn cái ông đã mất. Dù sao, ông không thể bắt chước Nguyễn Công Trứ một mực tuân phục ý chỉ của quân thượng, từ Thị lang tụt xuống làm tên lính thú sơn phòng, rồi bò lên Án sát… Chữ “Trung” trong ông không còn giữ nguyên chất. Trên tất cả, ông có Chúa Trời. Vả lại, vua nào chớ vua Bảo Đại thì khó mà cảm hóa ông thành lương tể được.
Ông tự an ủi: Ông Khương Tử Nha ngày xưa đến tám mươi mới nhận lời thỉnh của Võ Vương Cơ Phát, cầm búa Việt cờ Mao phạt Trụ, hà huống tuổi ông chưa bằng nửa ông Khương. Hơn thế, sau mấy năm đọc sách, quan sát và suy nghĩ, ông tự thấy không nên quá khiêm tốn, dừng ước vọng ngang mức ông Khương.
Từ khi ông thôi quan, tình hình trong và ngoài nước phát triển vùn vụt. Trong nước, Cộng sản lộng hành, ngay ở vùng ông trị nhậm xưa kia và ông đã trừng trị chúng với tất cả sự cứng rắn, vượt qua luật Gia Long hà khắc. Phong trào Mặt trận Bình Dân bên Pháp trực tiếp yểm trợ cho Cộng sản bản xứ và ông thắc mắc mãi vì sao nhà nước Pháp mềm yếu như vậy. Ngoài nước, Hitler lên nắm quyền ở Đức, chương trình Đại Đông Á của Thủ tướng Nhật Bản Đông Điều(1) gây bàn tán xôn xao trong các giới mà ông thân quen.
(1) Tức Hideki Tojo (1884-1945), quân phiệt hiếu chiến, Thủ tướng Nhật Bản 1941-1944, tội phạm chiến tranh, bị xử treo cổ năm 1948.
Ông đi lại luôn giữa Huế, Hà Nội, Sài Gòn. Ở Hà Nội, ông ngụ tại nhà luật sư Trần Văn Chương – sau này là bố vợ Ngô Đình Nhu, em ông. Ở Sài Gòn, ông quen bác sĩ Nguyễn Văn Nhã – người không che giấu lòng ngưỡng mộ đối với Chiêu Hòa Thiên hoàng(2), kế tục sự nghiệp vang dội của Minh Trị Thiên hoàng(3). Có thể nói là ông giao du rộng, được sự kính trọng của giới thượng lưu. Sống độc thân, nổi tiếng chính trực và thanh liêm, dám “bỏ ấn tể tướng” vào cái tuổi vừa hơn ba mươi, học rộng – ông thạo văn hóa Hán lẫn Tây phương – thuộc một đại thế gia: gia đình ông đi vào ca dao đương thời ở đất Thần Kinh với câu “Đày vua không Khả,”(4) ông hội đủ điều kiện để trở nên một chí sĩ mà tầng lớp quý tộc vẫn khao khát. Với tầng lớp này, lòng tin rạn nứt sau khi cụ Phan Sào Nam(5) bị giam lỏng, cụ Phan Tây Hồ(6) qua đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Nguyễn An Ninh không phải là mẫu người mà họ kì vộng bởi tư tưởng dân chủ quá gần gũi với nhóm Mác-xít, trong khi Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm, Trần Văn Khá thân Pháp quá lộ liễu. Cho nên ông nổi bật như là một điềm báo trước. Sự úy kị đối với tín ngưỡng của ông được giải tỏa dễ dàng: không bao giờ ông chen Đức Chúa Trời vào các buổi trao đổi thời cuộc – nhiều người ngỡ ông theo đạo Phật, đạo Khổng hơn là đạo Cơ Đốc. Nhưng, ở Phát Diệm, Xã Đoài, việc ngoan đạo của ông và của một gia đình toàn tòng từ xa xưa lại là một ưu thế khác của ông: các cha cố rao giảng về ông một cách rộng rãi, nhất là khi anh ông thụ phong Giám mục. Thân hào đất Nghệ hỗ trợ ông đắc lực. Sau này, khi Ngô Đình Nhu vào đời, ông hưởng thêm sự ủng hộ của lớp trí thức trẻ, bạn của Nhu và vợ Nhu.
(2) Tức Nhật hoàng Showa Hirohito (1901-1989), trị vì Nhật Bản 1926-1989
(3) Tức Nhật hoàng Meiji Mutsuhito (1852-1912), trị vì Nhật Bản 1867-1912
(4) Ngô Đình Khả (1857-1923), phụ chánh đại thần triều Nguyễn, cha của anh em Diệm-Nhu, người phản đối việc Pháp đày vua Thành Thái năm 1907.
(5) Tức Phan Bội Châu
(6) Tức Phan Chu Trinh
Chiến tranh thế giới bắt đầu. Theo ông, đó là cơ hội. Ông nghiễm nhiên thành một chính khách, tên tuổi gắn liền với giải pháp A hay B nào đó. Nhật đổ bộ vào Đông Dương, ông được hỏi ý kiến, bí mật, tất nhiên. Những người bạn Pháp lại cho ông lời khuyên quý báu: chưa phải lúc.
Đầu năm 1945, ông có mặt ở Hà Nội, ung dung đi nghe Trần Văn Giáp diễn thuyết về đạo Phật tại viện bảo tàng Finot, đọ tin về Hội nghị Yalta, giữa một mùa rét chưa từng có: 4 độ. Ông đi vào Sài Gòn được ít hôm, Nhật đảo chính Pháp, giới thượng lưu rộn ràng hẳn. Tuy nhiên, tuyên cáo của hoàng đế khiến ông buồn cười: Bảo Đại mà “đích thân” cầm quyền thì vui thật!
Suốt ngày, khách khứa đầy nhà, đủ loại dự đoán, đủ loại ước mơ, đủ loại “đường lối.” Ai cũng tin là ông sắp được vời ra Huế - ông cũng tin chắc như vậy. Ông chờ đợi. Ông suy tính sẽ lập ra một nội các như thế nào, gồm những ai…
Đùng một cái, nội các do Trần Trọng Kim làm tổng lí ra đời! Ông bị bỏ quên. Bực tức, ông ngã bệnh, phải vào bệnh viện. Điều an ủi ông ít nhiều là Phạm Quỳnh không còn được trọng dụng và nghe đâu đã bị Trần Đình Nam, Tổng trưởng Nội vụ tống giam.
Nằm trên giường bệnh, qua báo chí và bạn bè, ông lần lần thấm thía ông không “lai kinh” là không ngoan. Nội các Trần Trọng Kim như một màn hài kịch – loại kịch dở. Sau này, ông được biết Bảo Đại từng đánh điện vời ông – bấy giờ có một giải pháp gọi là “giải pháp Ngô Đình Diệm”: ông lập nội các với một ít bộ, coi như lát đường để chờ thời cuộc ngã ngũ. Người Nhật ỉm bức điện đó. Nhật không thích một người biết tính toán như ông.
Về sau, ông cho rằng ông may - thanh danh ấy không bị hoen ố - ông suy nghĩ như vậy.
Song cái lo lắng ghê gớm lại là Việt Minh. Việt Minh lù lù, đâu cũng có. Một số thuộc giới thượng lưu cảm tình với Việt Minh. Không thể ở Sài Gòn được. Ông lên Đà Lạt.
Cách mạng tháng Tám nổ bùng. Cái mà ông ghét nhất đã xảy ra. Chế độ Dân chủ Cộng hòa thiết lập với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vua Bảo Đại thoái vị. Anh Khôi của ông bị xử tội chết. Ông bị bắt. Gần đây, thiên huyền thoại về ông được tô vẽ đầy những nét li kì, ông thích thú với mọi sự tâng bốc. Song, ông không dám quá trớn vì một điểm: ông sống sót là nhờ Cụ Hồ tha ông… Hú hồn, chính Phạm Quỳnh đã thế mạng ông! Tốt nhất là lờ đi vậy.
Năm 1947, ông trở lại Đà Lạt. Lúc bấy giờ gia đình Nhu ở đó. Pháp móc với ông, nhưng chưa phải “giải pháp Ngô Đình Diệm.” Vẫn là Bảo Đại. Người Pháp chưa hiểu rằng họ đã trễ tàu.
Linh mục Huệ, như đấng tiên tri Gabriel trông kinh thánh, với nhiều sáng kiến đã lôi ông ra khỏi sự lãng quên và đã định giá ông trên thị trường: đánh tiếng với người Mỹ. Rồi linh mục Cao Văn Luận đưa ông sâu vào vòng tay cơ quan tình báo Mỹ, bấy giờ chưa gọi là CIA mà OSS(7). Một linh mục khác, Emmanuel Jaques Houssa – người Bỉ, từng sống ở Phát Diệm từ 1939 đến 1945, rất quen ông – sửa soạn với chính giới Mỹ. Cao Văn Luận làm con thoi nối Đà Lạt – Ba Lê – Nữu Ước.
(7) Office of Strategic Services: Cơ quan Tình báo Chiến lược
Mọi sự đến năm 1950 đã khá rõ ràng: Pháp chẳng những không thể quét sạch Việt Minh trong vòng vài tuần lễ, thậm chí vài năm như Leclerc cam đoan mà đang tự hỏi: bao giờ thì bỏ cuộc? Sau trận đại bại trên biên giới Việt Trung, Pháp mất năm nghìn quân tinh nhuệ và hai đại tá Lepage và Charton – những kẻ cuồng tín nhất về một nước Pháp gì thì gì chứ không thể thua bọn “Annamít” đã suy sụp tinh thần. Ván bài tuy chưa kết thúc, song triển vọng thì bi thảm. Cho nên, ván bài khác được hối hả xếp đặt. Mượn cớ đi dự năm Thánh bổn mạng, ông sang Mỹ. Fishell, một trong những chỉ huy trung tâm tình báo Mỹ cùng với linh mục Houssa và Cao Văn Luận thu xếp cho ông vào dòng tu Maryknoll ở bang New Jersey. Giám đốc tu viện Keagan bị ông lừa: ông ta nghĩ rằng Diệm sẽ suốt đời làm tông đồ của Chúa bởi không ai trong tu viện cần mẫn hơn ông – năm giờ sáng ông đã cầu kinh và kéo dài ba năm ròng rã. Giữa năm 1953, ông rời tu viện trước sự kinh ngạc của Keagan và mọi người: ông quả quyết khi vào và cũng quả quyết khi ra. Thế là giới chính trị Mỹ lần lượt quen ông. Fishell tổ chức cho ông đi diễn thuyết ở các trường đại học, nhiều trường như Cornell giữ vai trò chi phối dư luận xã hội Mỹ. Giải pháp về Đông Dương do ông trình bày trực tiếp bằng ngôn ngữ và tư tưởng Mỹ là đề tài lôi cuốn, bởi nước Mỹ đang chìm trong hỏa mù chiến tranh lạnh, đặc biệt sau khi Mao Trạch Đông giành quyền bính ở Hoa Lục và cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên còn nóng hổi. Ông trao đổi quan điểm với Tổng thống Mỹ Eisenhower, Phó Tổng thống Nixon, Ngoại trưởng Foster Dulles. Ông đánh bạn với các nhà báo, các nghị sĩ, các nhà doanh nghiệp. Còn hồng y Spellman thì là chỗ cố cựu, ông được Đức Hồng y chiếu cố ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ, coi ông như đứa con tinh thần. Linh mục Cao Văn Luận và Houssa thật có công to: từ những năm 1940, họ đã chăm sóc, đào tạo cán bộ cho ông, tiếp tục đều đặn như vậy – hàng mấy chục người được học bổng nay đã thành tài, ở Mỹ, ở Pháp, Tây Đức và các nước khác. “Một đường lối cổ truyền phương Đông phải do các trí thức tiêm nhiễm kĩ thuật phương Tây thực hiện” – chủ trương của ông được em ông – Ngô Đình Nhu, tán đồng. Đương nhiên, hai anh em ông đều hiểu: người Mỹ không quảng đại đến mức tình nguyện cung cấp vây cánh cho ông mà không đòi hỏi một chút gì “có đi có lại.” Fishell và Houssa chăm sóc cực kì tỉ mỉ các du học sinh do linh mục Cao Văn Luận gửi sang và chính linh mục Cao Văn Luận đã sàng lọc cẩn thận khi tuyển chọn.
Ông vốn rất tự cao, tự đại. “Thi ân bất cầu báo” của các hủ nho thời xa xưa, ông thích đọc chơi chứ không hề thích ý nghĩa của nó. Người Pháp nói khác: mỗi chiếc mề đay đều có bề trái. Bây giờ, ông thấy óc thực dụng Mỹ đáng noi theo hơn là sự bay bướm Pháp. Người Mỹ nói: không có cái gì gọi là cho không. Ờ, đúng vậy. Chẳng qua đây là cuộc đấu trí cuối cùng, ông sẽ làm chủ. Vấn đề then chốt là ông về nước, chấp chánh. Mọi thứ đều thứ yếu. Tuổi ông đã vượt con số năm mươi. Tất cả đã chín muồi…
Năm đó, ông sang Ba Lê, ở nhà của một hoàng tộc là Tôn Thất Cần. Người Mỹ khuyên ông giữ quan hệ với Bảo Đại, dù cho bằng sợi chỉ mỏng manh. Cần phải tạo thế hợp pháp trong giai đoạn đầu. Người Mỹ hạ quyết tâm thay chân Pháp ở vùng Đông Nam Á, nhưng thay chân từng bước.
Ông gặp Nguyễn Đệ - đổng lí văn phòng của “Quốc trưởng.” Gã lái buôn dốt đặc cán mai nầy – như ông đánh giá – chẳng vồn vã. Bởi người Pháp nghi ngờ ông. Tuy vậy, do một áp lực ở đâu đó, Quốc trưởng tiếp ông, tại Cannes. Bấy giờ, cựu hoàng sống chính thức với Mộng Điệp – thiên hạ gọi là thứ phi; còn ông, ông gớm ghiếc.
Khá lâu rồi, ông mới gặp nhà vua. Ông kính cẩn chào và bồi hồi trong khoảnh khắc. Gia đình ông đến ba đời phò các vua Nguyễn, ân sủng ấy vẫn chưa phai. Song trong khoảnh khắc ấy, ông lấy lại tư thế để khỏi cúi rạp người như thói quen trước mặt đấng kim thượng. Trước mặt ông chỉ là một cựu hoàng trác táng – nơi sân cỏ cạnh lâu đài Thorene dưới ánh nắng Địa Trung Hải, Mộng Điệp đang phơi mình và ông ngượng nghịu nhìn lên tường, khốn nạn thay: tường treo toàn những bức tranh giống hệt cảnh tắm nắng của “thứ phi.”
Quốc trưởng mỏi mệt. Buổi nói chuyện nhạt nhẽo. Bửu Lộc được chọn thay Nguyễn Văn Tâm chứ không phải Ngô Đình Diệm.
Trên đường trở về Ba Lê, ông hả dạ. Bảo Đại tiêu pha bừa bãi chút thông minh cuối cùng và rõ ràng ông ta nhập nhòa như cái bóng của quá khứ. Đối thủ của ông có lẽ không cần so găng cũng ngã.
Ông chỉ phiền là tình thế thì cấp bách mà cơn mặc cả Mỹ - Pháp lại nhùng nhằng. Việt Minh thừa thắng đánh mạnh, ông sẽ phải đương đầu với bao phức tạp.
Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn cử linh mục Cao Văn Luận sang thúc giục ông. Houssa và Fishell bảo ông hãy thong thả.
Hội nghị Genève khai mạc. Pháp gãy đổ ở Điện Biên Phủ. Và, như một công thức toán học mà Fishell trù liệu bốn năm trước, người ta vời ông ra gánh vác cái cơ ngơi hầu như chẳng còn gì để gánh.
Ông bắt tay vào việc…
*
Sáng nay, trong Dinh Độc Lập, ông muốn làm một cái gì đó cho vơi bớt niềm sung sướng đang hành hạ ông và tương xứng với khung cảnh mà ông bỗng phát hiện vẻ huy hoàng như chưa một lần ông cảm thấy.
Ngày nầy, năm ngoái, một ngày trọng đại. Sân trước Dinh Độc Lập đông nghịt. Mấy vạn người dự buổi công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Tổng trưởng Nội vụ Bùi Văn Thinh dõng dạc thông báo cho quốc nội và quốc ngoại các con số - đầy tin cậy vì có cả số lẻ - 5.838.907 người bỏ phiếu, 5.721.735 người tán thành truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm lên ngôi Tổng thống. Thật nực cười, một tuần lễ trước, chính Bảo Đại ra lệnh cách chức Thủ tướng của ông. Thay vì cãi vã, ông lấy nguyện vọng của dân để trả lời cho ý tưởng ngông cuồng và đần độn của ông vua cuối cùng triều Nguyễn. Hẳn là nhà vua phải hiểu: nửa thế kỉ ăn chơi là quá đủ.
Nền Đệ nhất cộng hòa khai sinh. Ông long trọng đọc bản hiếu ước tạm thời và, mặc dù lời lẽ nhuộm màu dân chủ, ông đón nhận sự hoan hô của công chúng như đón nhận lòng chiêm ngưỡng của thần dân. Tiếc là ông đăng quang nơi Dinh Độc Lập chứ không phải điện Thái Hòa. Rời Viện Cơ mật năm 1933, non phần tư thế kỉ sau, ông ngồi lên chiếc ghế bành lót nhung đỏ giữa gian phòng tràn ánh sáng. Một chút ân hận: chiếc ghế không chạm rồng.
Có tiếng người rón rén vào phòng.
- Thưa bác con với mẹ con đi dạo một lúc!
Ngô Đình Lệ Thủy đến gần ông. Con bé đã vào lứa nữ sinh, hội nét đẹp của cha và mẹ. Trần Lệ Xuân đứng ngoài cửa phòng, ngoan ngoãn như một cô em dâu mẫu mực.
- Ờ… Con đi với mẹ con đi, nhớ về kịp cơm trưa.
Ông vuốt tóc đứa cháu gái.
Chín năm trước, trên Đà Lạt, không phải sự thể êm đềm với ông như vầy. Bấy giờ, Trần Lệ Xuân đanh đá, ngay cả với ông. Cô ta chưa khám phá cái tiềm ẩn trong họ Ngô Đình vào buổi cả nhà điêu đứng. Chồng cô ta, một công chức giữ thư viện, không thể đáp ứng các khát vọng của cô. Còn ông, ông đang mai danh ẩn tích. Chỉ những chuyện bình thường, Trần Lệ Xuân cũng trút nỗi bất bình lên đầu Lệ Thủy. Cô mắng con – bằng tiếng Pháp – và đó là điệp khúc mà ông phải nghe suốt ngày, trước cái lắc đầu ngao ngán của em ông. Bây giờ, Lệ Xuân đang thập thò ở cửa.
Đúng ra, Lệ Xuân đã ngoan ngoãn từ khi cô ta sang Pháp, mùa xuân năm 1954. Nghe ông phàn nàn về chuyến gặp Bảo Đại vô ích, cô ta an ủi ông với những phân tích sắc sảo. Cô ta xuống Cannes và xin yết kiến cựu hoàng. Họ đi tắm biển. Ông nghe đồn và ông giận. Ngô Đình Luyện, em trai ông, được Bảo Đại bổ làm đại sứ lưu động, khuyên ông chớ nghe lời thị phi. Lệ Xuân ở Cannes ngót tuần lễ, cô ta rạng rỡ cho hay là ông sửa soạn về nước gấp.
Những tháng cuối năm 1954 thật đáng lo ngại. Tướng Nguyễn Văn Hinh chống đối ông quyết liệt. Binh mã của ông còn non yếu, làm sao chọi nổi với cả một đạo quân và nhất là đạo quân ấy dựa vào binh lính Pháp? Một lần nữa Lệ Xuân tự nguyện đi thương lượng. Lại đồn đãi, thậm chí, có người dám cam đoan với ông là bà vợ người Pháp của tướng Hinh dọa bắn Lệ Xuân và bà ta có trong tay những tấm ảnh khỏa thân của cả hai người. Ông nổi giận, Nhu khuyên ông chớ để lọt tai những điều nhảm nhí, ông yên lòng, vì ai hiểu vợ hơn chồng. Rồi tướng Hinh “đầu bò” riu ríu giao chức Tổng tham mưu trưởng cho tướng Tỵ, lên máy bay sang Pháp.
Nói thật công bằng, Lệ Xuân vất vả vì nhà chồng. Ông cảm động, quên những gì cô ta làm phiền ông trước kia.
Trần Lệ Xuân cung kính chào ông, khoác vai con gái, ra tiền sảnh. Ông lại chìm vào kí ức…
Thế là hai năm thử thách gay gắt đã qua. Trong vòng hai mươi sáu tháng kể từ ngày ông chấp chánh, ông đã xoay chuyển cả một tình thế. Suốt đời chưa bao giờ ông phải xử lí hàng loạt vấn đề lớn lao cỡ đó và ông làm trót lọt. Sau vụ tướng Hinh đến vụ Bình Xuyên rồi giáo phái – không ai đủ sức cự nổi với ông. Bảy Viễn lưu vong. Năm Lửa đầu hàng. Ba Cụt bị chém đầu – Phạm Công Tắc sợ quá trốn qua Nam Vang. Quốc hội lập hiến bầu xong. Quân đội được xây dựng lại. Người của ông nắm hết các ngành, các địa phương. Gần một triệu dân di cư đứng sau lưng, ông bảo họ nhảy vào lửa họ cũng không từ chối. Ông sang Băng Đung và xuất hiện như một nguyên thủ quốc gia cách tân và giàu ý chí. Từ Nam vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, giang sơn đang biến đổi theo chỉ thị của ông. Tất nhiên, góc nhỏ này còn quá chật chội. Ông sẽ là lãnh tụ cả nước, chuyện đó không có gì cần bàn cãi; toàn ông sẽ là lãnh tụ toàn bán đảo Đông Dương, chuyện đó cũng không có gì cần bàn cãi. Tại sao ông không thể là lãnh tụ tinh thần của cả Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Phi Luật Tân?
Ông tự hào – những binh lính Pháp cuối cùng đã rời Sài Gòn, sau ngót một trăm năm thống trị đất nầy. Chính ông chứng kiến lễ từ giã Việt Nam của tướng Jacquot và đô đốc Jozan. Từ nay không còn Toàn quyền, Cao ủy mà chỉ có đại sứ Pháp, Jean Fayart vừa trình ủy nhiệm thư – chứ không phải quốc thư – trong một không khí biết thân biết phận.
Đôi điều khiến Tổng thống chưa hài lòng. Tổng hội Phật giáo Việt Nam họp đại hội lần thứ hai, đặt trụ sở tại chùa Ấn Quang với các quyết định ẩn ý: xin Chính phủ công nhận ngày lễ Phật đản như ngày Chúa Giáng sinh, trong tinh thần chính sách bình đẳng tôn giáo. Mấy lão thầy chùa nầy muốn gì? Để xem. Quốc hội cứ loay hoay mãi mà không chọn được quốc kì, quốc ca, giữa ba trăm năm mươi mẫu cờ, năm mươi bài nhạc dự thi. Có kẻ phá chăng? Đại sứ Mỹ Rheinartd nhắc ông đến lần thứ mười: cố gắng mở rộng căn bản đoàn kết quốc gia. Những người như Phan Quang Đán phải đâu là của hiếm? Đại sứ Mỹ muốn ông trở thành viên thơ lại của Hoa Thịnh Đốn chăng?
Còn Việt Minh, cho đến giờ phút nầy, không đáng sợ như ông từng sợ. Chiến dịch tố Cộng thu kết quả. An ninh lần hồi khôi phục tận xóm ấp. Họ đã không nhân lúc ông và các giáo phái xung đột mà lấn đất thì bây giờ, họ chỉ có nước rút sâu vào chốn thâm sơn cùng cốc. Không phải chuyện Cộng sản ở Việt Nam Cộng hòa làm bận tâm ông. Xóa miền Bắc Cộng sản mới là điều mà mỗi bữa cầu kinh ông đều nhắn gửi với Thượng đế…
Hiệu kì “Tiết trực tâm hư”(8) đặt trước mặt ông. Thợ thêu khéo tay thật. Cặp ngà voi cực to bày giữa phòng. Ông lẩm bẩm:
- Phải bảo thằng tỉnh trưởng Đắc Lắk tìm cho vài cặp nữa, gửi biếu ông Lý Thừa Vãn, với ông Tưởng Giới Thạch!
(8) “Tiết thẳng lòng ngay”, hay Chính trực vô tư, chỉ cây tre, hiệu kì của Diệm.
Phát súng trên cao nguyên
Khuôn viên rợp tàn cổ thụ êm ả đến nỗi từ gian phòng lớn – xưa kia, Toàn quyền Đông Pháp và Đại Nam Hoàng đế Bảo Đại vẫn ngự mỗi khi vào Sài Gòn. Tổng thống Ngô Đình Diệm nghe rõ cả tiếng lá rơi bên ngoài. Qua cửa sổ, Tổng thống mơ màng nhìn chiếc thảm cỏ sân trước trải rộng một màu xanh dịu dàng. Các chuyên gia quả không uổng công du học: thảm cỏ đã cho Tổng thống cảm giác là Dinh Độc Lập bồng bềnh giữa một thảo nguyên mênh mông.
Tổng thống thích đi bách bộ vòng quanh dinh, ông vừa làm xong việc đó mà ông muốn mọi người xem như thói quen của một Tổng thống – đi bách bộ để suy gẫm quốc gia đại sự. Dưới ánh nắng bình minh, lâu đài quét vôi màu vàng nhạt nổi lên với tất cả phong thái bệ vệ. Tổng thống thầm cảm ơn kiến trúc sư Hermitte, người thiết kế, phó đô đốc De La Grandière, người đặt viên đá đầu tiên, đã lưu lại một công trình thi công vỏn vẹn mười chín tháng – từ 23-2-1868 – góp vào vẻ đẹp của “Hòn ngọc Viễn Đông.” Đôi khi ông chợt so sánh dinh Norodom này – mà ông quyết định gọi là Dinh Độc Lập – với Viện Cơ mật ẩm ướt nằm trong Hoàng thành Huế, nơi có lúc ông giữ ấn đầu triều kiêm Thượng thơ bộ Lại. Lúc đó, ông chưa kịp đánh giá – đúng ra, ông hơi choáng ngợp, bởi dầu sao Viện Cơ mật vẫn đồ sộ hơn dinh Tuần Vũ Bình Thuận và dinh Tuần Vũ vẫn đồ sộ hơn chỗ làm việc của viên tri huyện Hải Lăng. Nhưung, thời gian giữ ngôi tể tướng quá ngắn ngủi – chưa được một năm – ông đã phải cay đắng bàn giao cho Phạm Quỳnh, cái gọi là “cuộc cách mạng cung đình” (nhằm đưa số trẻ vào nội các thay cho số già) xì hơi nhanh hơn bánh xe thủng ruột. Lí do thất sủng của ông được hiểu mỗi người một phách. Lúc đầu ông sợ nhưng về sau ông thấy hay hay về cái dư luận cho ông vì “chống Tây,” “chống vua bù nhìn” nên phải ra rìa. Cũng có lúc cái dư luận gán ông là “thân Nhật,” “muốn đem Cường Để về thay Bảo Đại” đe dọa đẩy ông vào khám, song khi Nhật nổ súng ở Lư Cầu Kiều, ông được an ủi ít nhiều và mơ mộng ít nhiều. Còn dư luận cho rằng ông quá trẻ - bấy giờ ông mới ba mươi hai tuổi – để đảm đương trọng trách tể tướng, ông thích thú. Nó mơn trớn tính tự phụ của ông. Gia tộc ông đều “Nhất phẩm đại thần” – cha từng là Phụ chính, anh ruột làm Tổng đốc nhưng chưa ai rút ngắn hoạn lộ bằng ông và chưa ai vừa đến tuổi “thành nhân chi mỹ” đã trèo lên ghế cực phẩm như ông. Một dư luận khác, có vẻ thâm thúy hơn, giúp ông tính toán bước đi sau này: những năm 1930, Pháp muốn thực hiện một chính sách phỉnh phờ ở Đông Dương, Phạm Quỳnh là nhà báo làm Thượng thư bộ Học thích hợp hơn ông – quá khứ của ông đánh dấu bằng những vụ sát phạt đẫm máu suốt dải Bình Trị Thiên, sẽ hữu dụng lúc khác. Vả lại, ông thuộc một gia đình đạo Thiên Chúa toàn tòng, khó mà thuận thảo với các đồng liêu hấu hết nếu không theo Khổng cũng là tín đồ đạo Phật.
Mười bảy năm – kể cũng khá dài – ông đứng ngoài lề chính sự. Đôi lúc, ông ao ước nhà vua hồi tâm. Nhưng, nhà vua làm gì có thể nhớ đến ông: vợ của Nguyễn Duy Quang, vợ của các viên quan sẵn sàng nhận ơn vũ lộ. Hoàng thượng bận rộn với những chương trình tính hằng đêm… Các người bạn Pháp – họ tiếp cận Toàn quyền, Khâm sứ khuyên ông cứ ẩn nhẫn chờ thời. Về mặt kinh tế, ông chẳng gặp một chút khó khăn nào. Ông đứng ngoài lề chính sự - nói theo nghĩa ông không đảm đương một chức vụ. Chẳng lẽ ông nài nỉ Hoàng đế xin một cương vị thấp hơn cái ông đã mất. Dù sao, ông không thể bắt chước Nguyễn Công Trứ một mực tuân phục ý chỉ của quân thượng, từ Thị lang tụt xuống làm tên lính thú sơn phòng, rồi bò lên Án sát… Chữ “Trung” trong ông không còn giữ nguyên chất. Trên tất cả, ông có Chúa Trời. Vả lại, vua nào chớ vua Bảo Đại thì khó mà cảm hóa ông thành lương tể được.
Ông tự an ủi: Ông Khương Tử Nha ngày xưa đến tám mươi mới nhận lời thỉnh của Võ Vương Cơ Phát, cầm búa Việt cờ Mao phạt Trụ, hà huống tuổi ông chưa bằng nửa ông Khương. Hơn thế, sau mấy năm đọc sách, quan sát và suy nghĩ, ông tự thấy không nên quá khiêm tốn, dừng ước vọng ngang mức ông Khương.
Từ khi ông thôi quan, tình hình trong và ngoài nước phát triển vùn vụt. Trong nước, Cộng sản lộng hành, ngay ở vùng ông trị nhậm xưa kia và ông đã trừng trị chúng với tất cả sự cứng rắn, vượt qua luật Gia Long hà khắc. Phong trào Mặt trận Bình Dân bên Pháp trực tiếp yểm trợ cho Cộng sản bản xứ và ông thắc mắc mãi vì sao nhà nước Pháp mềm yếu như vậy. Ngoài nước, Hitler lên nắm quyền ở Đức, chương trình Đại Đông Á của Thủ tướng Nhật Bản Đông Điều(1) gây bàn tán xôn xao trong các giới mà ông thân quen.
(1) Tức Hideki Tojo (1884-1945), quân phiệt hiếu chiến, Thủ tướng Nhật Bản 1941-1944, tội phạm chiến tranh, bị xử treo cổ năm 1948.
Ông đi lại luôn giữa Huế, Hà Nội, Sài Gòn. Ở Hà Nội, ông ngụ tại nhà luật sư Trần Văn Chương – sau này là bố vợ Ngô Đình Nhu, em ông. Ở Sài Gòn, ông quen bác sĩ Nguyễn Văn Nhã – người không che giấu lòng ngưỡng mộ đối với Chiêu Hòa Thiên hoàng(2), kế tục sự nghiệp vang dội của Minh Trị Thiên hoàng(3). Có thể nói là ông giao du rộng, được sự kính trọng của giới thượng lưu. Sống độc thân, nổi tiếng chính trực và thanh liêm, dám “bỏ ấn tể tướng” vào cái tuổi vừa hơn ba mươi, học rộng – ông thạo văn hóa Hán lẫn Tây phương – thuộc một đại thế gia: gia đình ông đi vào ca dao đương thời ở đất Thần Kinh với câu “Đày vua không Khả,”(4) ông hội đủ điều kiện để trở nên một chí sĩ mà tầng lớp quý tộc vẫn khao khát. Với tầng lớp này, lòng tin rạn nứt sau khi cụ Phan Sào Nam(5) bị giam lỏng, cụ Phan Tây Hồ(6) qua đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Nguyễn An Ninh không phải là mẫu người mà họ kì vộng bởi tư tưởng dân chủ quá gần gũi với nhóm Mác-xít, trong khi Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm, Trần Văn Khá thân Pháp quá lộ liễu. Cho nên ông nổi bật như là một điềm báo trước. Sự úy kị đối với tín ngưỡng của ông được giải tỏa dễ dàng: không bao giờ ông chen Đức Chúa Trời vào các buổi trao đổi thời cuộc – nhiều người ngỡ ông theo đạo Phật, đạo Khổng hơn là đạo Cơ Đốc. Nhưng, ở Phát Diệm, Xã Đoài, việc ngoan đạo của ông và của một gia đình toàn tòng từ xa xưa lại là một ưu thế khác của ông: các cha cố rao giảng về ông một cách rộng rãi, nhất là khi anh ông thụ phong Giám mục. Thân hào đất Nghệ hỗ trợ ông đắc lực. Sau này, khi Ngô Đình Nhu vào đời, ông hưởng thêm sự ủng hộ của lớp trí thức trẻ, bạn của Nhu và vợ Nhu.
(2) Tức Nhật hoàng Showa Hirohito (1901-1989), trị vì Nhật Bản 1926-1989
(3) Tức Nhật hoàng Meiji Mutsuhito (1852-1912), trị vì Nhật Bản 1867-1912
(4) Ngô Đình Khả (1857-1923), phụ chánh đại thần triều Nguyễn, cha của anh em Diệm-Nhu, người phản đối việc Pháp đày vua Thành Thái năm 1907.
(5) Tức Phan Bội Châu
(6) Tức Phan Chu Trinh
Chiến tranh thế giới bắt đầu. Theo ông, đó là cơ hội. Ông nghiễm nhiên thành một chính khách, tên tuổi gắn liền với giải pháp A hay B nào đó. Nhật đổ bộ vào Đông Dương, ông được hỏi ý kiến, bí mật, tất nhiên. Những người bạn Pháp lại cho ông lời khuyên quý báu: chưa phải lúc.
Đầu năm 1945, ông có mặt ở Hà Nội, ung dung đi nghe Trần Văn Giáp diễn thuyết về đạo Phật tại viện bảo tàng Finot, đọ tin về Hội nghị Yalta, giữa một mùa rét chưa từng có: 4 độ. Ông đi vào Sài Gòn được ít hôm, Nhật đảo chính Pháp, giới thượng lưu rộn ràng hẳn. Tuy nhiên, tuyên cáo của hoàng đế khiến ông buồn cười: Bảo Đại mà “đích thân” cầm quyền thì vui thật!
Suốt ngày, khách khứa đầy nhà, đủ loại dự đoán, đủ loại ước mơ, đủ loại “đường lối.” Ai cũng tin là ông sắp được vời ra Huế - ông cũng tin chắc như vậy. Ông chờ đợi. Ông suy tính sẽ lập ra một nội các như thế nào, gồm những ai…
Đùng một cái, nội các do Trần Trọng Kim làm tổng lí ra đời! Ông bị bỏ quên. Bực tức, ông ngã bệnh, phải vào bệnh viện. Điều an ủi ông ít nhiều là Phạm Quỳnh không còn được trọng dụng và nghe đâu đã bị Trần Đình Nam, Tổng trưởng Nội vụ tống giam.
Nằm trên giường bệnh, qua báo chí và bạn bè, ông lần lần thấm thía ông không “lai kinh” là không ngoan. Nội các Trần Trọng Kim như một màn hài kịch – loại kịch dở. Sau này, ông được biết Bảo Đại từng đánh điện vời ông – bấy giờ có một giải pháp gọi là “giải pháp Ngô Đình Diệm”: ông lập nội các với một ít bộ, coi như lát đường để chờ thời cuộc ngã ngũ. Người Nhật ỉm bức điện đó. Nhật không thích một người biết tính toán như ông.
Về sau, ông cho rằng ông may - thanh danh ấy không bị hoen ố - ông suy nghĩ như vậy.
Song cái lo lắng ghê gớm lại là Việt Minh. Việt Minh lù lù, đâu cũng có. Một số thuộc giới thượng lưu cảm tình với Việt Minh. Không thể ở Sài Gòn được. Ông lên Đà Lạt.
Cách mạng tháng Tám nổ bùng. Cái mà ông ghét nhất đã xảy ra. Chế độ Dân chủ Cộng hòa thiết lập với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Vua Bảo Đại thoái vị. Anh Khôi của ông bị xử tội chết. Ông bị bắt. Gần đây, thiên huyền thoại về ông được tô vẽ đầy những nét li kì, ông thích thú với mọi sự tâng bốc. Song, ông không dám quá trớn vì một điểm: ông sống sót là nhờ Cụ Hồ tha ông… Hú hồn, chính Phạm Quỳnh đã thế mạng ông! Tốt nhất là lờ đi vậy.
Năm 1947, ông trở lại Đà Lạt. Lúc bấy giờ gia đình Nhu ở đó. Pháp móc với ông, nhưng chưa phải “giải pháp Ngô Đình Diệm.” Vẫn là Bảo Đại. Người Pháp chưa hiểu rằng họ đã trễ tàu.
Linh mục Huệ, như đấng tiên tri Gabriel trông kinh thánh, với nhiều sáng kiến đã lôi ông ra khỏi sự lãng quên và đã định giá ông trên thị trường: đánh tiếng với người Mỹ. Rồi linh mục Cao Văn Luận đưa ông sâu vào vòng tay cơ quan tình báo Mỹ, bấy giờ chưa gọi là CIA mà OSS(7). Một linh mục khác, Emmanuel Jaques Houssa – người Bỉ, từng sống ở Phát Diệm từ 1939 đến 1945, rất quen ông – sửa soạn với chính giới Mỹ. Cao Văn Luận làm con thoi nối Đà Lạt – Ba Lê – Nữu Ước.
(7) Office of Strategic Services: Cơ quan Tình báo Chiến lược
Mọi sự đến năm 1950 đã khá rõ ràng: Pháp chẳng những không thể quét sạch Việt Minh trong vòng vài tuần lễ, thậm chí vài năm như Leclerc cam đoan mà đang tự hỏi: bao giờ thì bỏ cuộc? Sau trận đại bại trên biên giới Việt Trung, Pháp mất năm nghìn quân tinh nhuệ và hai đại tá Lepage và Charton – những kẻ cuồng tín nhất về một nước Pháp gì thì gì chứ không thể thua bọn “Annamít” đã suy sụp tinh thần. Ván bài tuy chưa kết thúc, song triển vọng thì bi thảm. Cho nên, ván bài khác được hối hả xếp đặt. Mượn cớ đi dự năm Thánh bổn mạng, ông sang Mỹ. Fishell, một trong những chỉ huy trung tâm tình báo Mỹ cùng với linh mục Houssa và Cao Văn Luận thu xếp cho ông vào dòng tu Maryknoll ở bang New Jersey. Giám đốc tu viện Keagan bị ông lừa: ông ta nghĩ rằng Diệm sẽ suốt đời làm tông đồ của Chúa bởi không ai trong tu viện cần mẫn hơn ông – năm giờ sáng ông đã cầu kinh và kéo dài ba năm ròng rã. Giữa năm 1953, ông rời tu viện trước sự kinh ngạc của Keagan và mọi người: ông quả quyết khi vào và cũng quả quyết khi ra. Thế là giới chính trị Mỹ lần lượt quen ông. Fishell tổ chức cho ông đi diễn thuyết ở các trường đại học, nhiều trường như Cornell giữ vai trò chi phối dư luận xã hội Mỹ. Giải pháp về Đông Dương do ông trình bày trực tiếp bằng ngôn ngữ và tư tưởng Mỹ là đề tài lôi cuốn, bởi nước Mỹ đang chìm trong hỏa mù chiến tranh lạnh, đặc biệt sau khi Mao Trạch Đông giành quyền bính ở Hoa Lục và cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên còn nóng hổi. Ông trao đổi quan điểm với Tổng thống Mỹ Eisenhower, Phó Tổng thống Nixon, Ngoại trưởng Foster Dulles. Ông đánh bạn với các nhà báo, các nghị sĩ, các nhà doanh nghiệp. Còn hồng y Spellman thì là chỗ cố cựu, ông được Đức Hồng y chiếu cố ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ, coi ông như đứa con tinh thần. Linh mục Cao Văn Luận và Houssa thật có công to: từ những năm 1940, họ đã chăm sóc, đào tạo cán bộ cho ông, tiếp tục đều đặn như vậy – hàng mấy chục người được học bổng nay đã thành tài, ở Mỹ, ở Pháp, Tây Đức và các nước khác. “Một đường lối cổ truyền phương Đông phải do các trí thức tiêm nhiễm kĩ thuật phương Tây thực hiện” – chủ trương của ông được em ông – Ngô Đình Nhu, tán đồng. Đương nhiên, hai anh em ông đều hiểu: người Mỹ không quảng đại đến mức tình nguyện cung cấp vây cánh cho ông mà không đòi hỏi một chút gì “có đi có lại.” Fishell và Houssa chăm sóc cực kì tỉ mỉ các du học sinh do linh mục Cao Văn Luận gửi sang và chính linh mục Cao Văn Luận đã sàng lọc cẩn thận khi tuyển chọn.
Ông vốn rất tự cao, tự đại. “Thi ân bất cầu báo” của các hủ nho thời xa xưa, ông thích đọc chơi chứ không hề thích ý nghĩa của nó. Người Pháp nói khác: mỗi chiếc mề đay đều có bề trái. Bây giờ, ông thấy óc thực dụng Mỹ đáng noi theo hơn là sự bay bướm Pháp. Người Mỹ nói: không có cái gì gọi là cho không. Ờ, đúng vậy. Chẳng qua đây là cuộc đấu trí cuối cùng, ông sẽ làm chủ. Vấn đề then chốt là ông về nước, chấp chánh. Mọi thứ đều thứ yếu. Tuổi ông đã vượt con số năm mươi. Tất cả đã chín muồi…
Năm đó, ông sang Ba Lê, ở nhà của một hoàng tộc là Tôn Thất Cần. Người Mỹ khuyên ông giữ quan hệ với Bảo Đại, dù cho bằng sợi chỉ mỏng manh. Cần phải tạo thế hợp pháp trong giai đoạn đầu. Người Mỹ hạ quyết tâm thay chân Pháp ở vùng Đông Nam Á, nhưng thay chân từng bước.
Ông gặp Nguyễn Đệ - đổng lí văn phòng của “Quốc trưởng.” Gã lái buôn dốt đặc cán mai nầy – như ông đánh giá – chẳng vồn vã. Bởi người Pháp nghi ngờ ông. Tuy vậy, do một áp lực ở đâu đó, Quốc trưởng tiếp ông, tại Cannes. Bấy giờ, cựu hoàng sống chính thức với Mộng Điệp – thiên hạ gọi là thứ phi; còn ông, ông gớm ghiếc.
Khá lâu rồi, ông mới gặp nhà vua. Ông kính cẩn chào và bồi hồi trong khoảnh khắc. Gia đình ông đến ba đời phò các vua Nguyễn, ân sủng ấy vẫn chưa phai. Song trong khoảnh khắc ấy, ông lấy lại tư thế để khỏi cúi rạp người như thói quen trước mặt đấng kim thượng. Trước mặt ông chỉ là một cựu hoàng trác táng – nơi sân cỏ cạnh lâu đài Thorene dưới ánh nắng Địa Trung Hải, Mộng Điệp đang phơi mình và ông ngượng nghịu nhìn lên tường, khốn nạn thay: tường treo toàn những bức tranh giống hệt cảnh tắm nắng của “thứ phi.”
Quốc trưởng mỏi mệt. Buổi nói chuyện nhạt nhẽo. Bửu Lộc được chọn thay Nguyễn Văn Tâm chứ không phải Ngô Đình Diệm.
Trên đường trở về Ba Lê, ông hả dạ. Bảo Đại tiêu pha bừa bãi chút thông minh cuối cùng và rõ ràng ông ta nhập nhòa như cái bóng của quá khứ. Đối thủ của ông có lẽ không cần so găng cũng ngã.
Ông chỉ phiền là tình thế thì cấp bách mà cơn mặc cả Mỹ - Pháp lại nhùng nhằng. Việt Minh thừa thắng đánh mạnh, ông sẽ phải đương đầu với bao phức tạp.
Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn cử linh mục Cao Văn Luận sang thúc giục ông. Houssa và Fishell bảo ông hãy thong thả.
Hội nghị Genève khai mạc. Pháp gãy đổ ở Điện Biên Phủ. Và, như một công thức toán học mà Fishell trù liệu bốn năm trước, người ta vời ông ra gánh vác cái cơ ngơi hầu như chẳng còn gì để gánh.
Ông bắt tay vào việc…
*
Sáng nay, trong Dinh Độc Lập, ông muốn làm một cái gì đó cho vơi bớt niềm sung sướng đang hành hạ ông và tương xứng với khung cảnh mà ông bỗng phát hiện vẻ huy hoàng như chưa một lần ông cảm thấy.
Ngày nầy, năm ngoái, một ngày trọng đại. Sân trước Dinh Độc Lập đông nghịt. Mấy vạn người dự buổi công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Tổng trưởng Nội vụ Bùi Văn Thinh dõng dạc thông báo cho quốc nội và quốc ngoại các con số - đầy tin cậy vì có cả số lẻ - 5.838.907 người bỏ phiếu, 5.721.735 người tán thành truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm lên ngôi Tổng thống. Thật nực cười, một tuần lễ trước, chính Bảo Đại ra lệnh cách chức Thủ tướng của ông. Thay vì cãi vã, ông lấy nguyện vọng của dân để trả lời cho ý tưởng ngông cuồng và đần độn của ông vua cuối cùng triều Nguyễn. Hẳn là nhà vua phải hiểu: nửa thế kỉ ăn chơi là quá đủ.
Nền Đệ nhất cộng hòa khai sinh. Ông long trọng đọc bản hiếu ước tạm thời và, mặc dù lời lẽ nhuộm màu dân chủ, ông đón nhận sự hoan hô của công chúng như đón nhận lòng chiêm ngưỡng của thần dân. Tiếc là ông đăng quang nơi Dinh Độc Lập chứ không phải điện Thái Hòa. Rời Viện Cơ mật năm 1933, non phần tư thế kỉ sau, ông ngồi lên chiếc ghế bành lót nhung đỏ giữa gian phòng tràn ánh sáng. Một chút ân hận: chiếc ghế không chạm rồng.
Có tiếng người rón rén vào phòng.
- Thưa bác con với mẹ con đi dạo một lúc!
Ngô Đình Lệ Thủy đến gần ông. Con bé đã vào lứa nữ sinh, hội nét đẹp của cha và mẹ. Trần Lệ Xuân đứng ngoài cửa phòng, ngoan ngoãn như một cô em dâu mẫu mực.
- Ờ… Con đi với mẹ con đi, nhớ về kịp cơm trưa.
Ông vuốt tóc đứa cháu gái.
Chín năm trước, trên Đà Lạt, không phải sự thể êm đềm với ông như vầy. Bấy giờ, Trần Lệ Xuân đanh đá, ngay cả với ông. Cô ta chưa khám phá cái tiềm ẩn trong họ Ngô Đình vào buổi cả nhà điêu đứng. Chồng cô ta, một công chức giữ thư viện, không thể đáp ứng các khát vọng của cô. Còn ông, ông đang mai danh ẩn tích. Chỉ những chuyện bình thường, Trần Lệ Xuân cũng trút nỗi bất bình lên đầu Lệ Thủy. Cô mắng con – bằng tiếng Pháp – và đó là điệp khúc mà ông phải nghe suốt ngày, trước cái lắc đầu ngao ngán của em ông. Bây giờ, Lệ Xuân đang thập thò ở cửa.
Đúng ra, Lệ Xuân đã ngoan ngoãn từ khi cô ta sang Pháp, mùa xuân năm 1954. Nghe ông phàn nàn về chuyến gặp Bảo Đại vô ích, cô ta an ủi ông với những phân tích sắc sảo. Cô ta xuống Cannes và xin yết kiến cựu hoàng. Họ đi tắm biển. Ông nghe đồn và ông giận. Ngô Đình Luyện, em trai ông, được Bảo Đại bổ làm đại sứ lưu động, khuyên ông chớ nghe lời thị phi. Lệ Xuân ở Cannes ngót tuần lễ, cô ta rạng rỡ cho hay là ông sửa soạn về nước gấp.
Những tháng cuối năm 1954 thật đáng lo ngại. Tướng Nguyễn Văn Hinh chống đối ông quyết liệt. Binh mã của ông còn non yếu, làm sao chọi nổi với cả một đạo quân và nhất là đạo quân ấy dựa vào binh lính Pháp? Một lần nữa Lệ Xuân tự nguyện đi thương lượng. Lại đồn đãi, thậm chí, có người dám cam đoan với ông là bà vợ người Pháp của tướng Hinh dọa bắn Lệ Xuân và bà ta có trong tay những tấm ảnh khỏa thân của cả hai người. Ông nổi giận, Nhu khuyên ông chớ để lọt tai những điều nhảm nhí, ông yên lòng, vì ai hiểu vợ hơn chồng. Rồi tướng Hinh “đầu bò” riu ríu giao chức Tổng tham mưu trưởng cho tướng Tỵ, lên máy bay sang Pháp.
Nói thật công bằng, Lệ Xuân vất vả vì nhà chồng. Ông cảm động, quên những gì cô ta làm phiền ông trước kia.
Trần Lệ Xuân cung kính chào ông, khoác vai con gái, ra tiền sảnh. Ông lại chìm vào kí ức…
Thế là hai năm thử thách gay gắt đã qua. Trong vòng hai mươi sáu tháng kể từ ngày ông chấp chánh, ông đã xoay chuyển cả một tình thế. Suốt đời chưa bao giờ ông phải xử lí hàng loạt vấn đề lớn lao cỡ đó và ông làm trót lọt. Sau vụ tướng Hinh đến vụ Bình Xuyên rồi giáo phái – không ai đủ sức cự nổi với ông. Bảy Viễn lưu vong. Năm Lửa đầu hàng. Ba Cụt bị chém đầu – Phạm Công Tắc sợ quá trốn qua Nam Vang. Quốc hội lập hiến bầu xong. Quân đội được xây dựng lại. Người của ông nắm hết các ngành, các địa phương. Gần một triệu dân di cư đứng sau lưng, ông bảo họ nhảy vào lửa họ cũng không từ chối. Ông sang Băng Đung và xuất hiện như một nguyên thủ quốc gia cách tân và giàu ý chí. Từ Nam vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, giang sơn đang biến đổi theo chỉ thị của ông. Tất nhiên, góc nhỏ này còn quá chật chội. Ông sẽ là lãnh tụ cả nước, chuyện đó không có gì cần bàn cãi; toàn ông sẽ là lãnh tụ toàn bán đảo Đông Dương, chuyện đó cũng không có gì cần bàn cãi. Tại sao ông không thể là lãnh tụ tinh thần của cả Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Phi Luật Tân?
Ông tự hào – những binh lính Pháp cuối cùng đã rời Sài Gòn, sau ngót một trăm năm thống trị đất nầy. Chính ông chứng kiến lễ từ giã Việt Nam của tướng Jacquot và đô đốc Jozan. Từ nay không còn Toàn quyền, Cao ủy mà chỉ có đại sứ Pháp, Jean Fayart vừa trình ủy nhiệm thư – chứ không phải quốc thư – trong một không khí biết thân biết phận.
Đôi điều khiến Tổng thống chưa hài lòng. Tổng hội Phật giáo Việt Nam họp đại hội lần thứ hai, đặt trụ sở tại chùa Ấn Quang với các quyết định ẩn ý: xin Chính phủ công nhận ngày lễ Phật đản như ngày Chúa Giáng sinh, trong tinh thần chính sách bình đẳng tôn giáo. Mấy lão thầy chùa nầy muốn gì? Để xem. Quốc hội cứ loay hoay mãi mà không chọn được quốc kì, quốc ca, giữa ba trăm năm mươi mẫu cờ, năm mươi bài nhạc dự thi. Có kẻ phá chăng? Đại sứ Mỹ Rheinartd nhắc ông đến lần thứ mười: cố gắng mở rộng căn bản đoàn kết quốc gia. Những người như Phan Quang Đán phải đâu là của hiếm? Đại sứ Mỹ muốn ông trở thành viên thơ lại của Hoa Thịnh Đốn chăng?
Còn Việt Minh, cho đến giờ phút nầy, không đáng sợ như ông từng sợ. Chiến dịch tố Cộng thu kết quả. An ninh lần hồi khôi phục tận xóm ấp. Họ đã không nhân lúc ông và các giáo phái xung đột mà lấn đất thì bây giờ, họ chỉ có nước rút sâu vào chốn thâm sơn cùng cốc. Không phải chuyện Cộng sản ở Việt Nam Cộng hòa làm bận tâm ông. Xóa miền Bắc Cộng sản mới là điều mà mỗi bữa cầu kinh ông đều nhắn gửi với Thượng đế…
Hiệu kì “Tiết trực tâm hư”(8) đặt trước mặt ông. Thợ thêu khéo tay thật. Cặp ngà voi cực to bày giữa phòng. Ông lẩm bẩm:
- Phải bảo thằng tỉnh trưởng Đắc Lắk tìm cho vài cặp nữa, gửi biếu ông Lý Thừa Vãn, với ông Tưởng Giới Thạch!
(8) “Tiết thẳng lòng ngay”, hay Chính trực vô tư, chỉ cây tre, hiệu kì của Diệm.