-
Đừng bỏ con lại
Hôm nay, mẹ của Nhím sắm sửa hoa quả cùng với chồng mình mang sang ngôi chùa biếu sư thầy để cảm ơn về việc đã giải tà cho cô bé con. Đây là một ngôi chùa nhỏ bé gồm năm gian nhà chính: gian chính giữa là để thờ cúng Phật Tổ và các vị bồ tát khác, gian thứ hai bên trái là để làm các lễ như cúng kiến, hay cầu siêu trong các ngày lễ, gian bên phải là nơi để di ảnh của những người đã khuất mà người thân đưa lên chùa, để họ luôn được ở bên cạnh Phật Tổ, gian ngoài cùng bên trái là để tiếp đón khách đặt làm lễ hoặc ngồi trò chuyện và gian ngoài cùng bên phải là bếp ăn để nấu đồ cúng kiến hoặc chuẩn bị cơm nước cho các tăng ni Phật tử.
Gặp được sư thầy, hai vợ chồng hết lòng cám ơn. Thầy cũng vui vẻ khi tiếp đón đôi vợ chồng trẻ và hỏi han tình hình bé Nhím. Khi được biết mọi việc đã bình thường trở lại, thầy mới thở phào nhẹ nhõm. Trong cuộc trò chuyện vui vẻ, bỗng mẹ Nhím bất giác nhớ ra điều gì đó, quay ra hỏi sư thầy:
- Thưa thầy, tuy là mọi việc đã êm xuôi. Song con và chồng con vẫn có một chút tò mò và thắc mắc. Hôm bữa, khi thầy đến nhà, con có để ý là khi nhắc đến oan hồn của đứa nhỏ ở nhà con mà mặt thầy có chút gì đó đắn đo. Con có cảm giác như là thầy vẫn giấu tụi con điều gì đó về cái vong này, vậy tụi con mong thầy chỉ bảo thêm được không ạ?
Sư ông chợt ngẩn người ra mấy giây, xong chỉ mỉm cười và bảo:
- Tôi không ngờ cô đây quả thật có con mắt nhìn người rất tinh tường.
Bố của Nhím cắt lời:
- Thưa thầy, chả lẽ còn có gì uẩn khúc gì đằng sau cái oan hồn đó ạ?
Sư thầy thở dài và nói:
- Âu cũng là cái duyên cái số cả mà thôi, mô Phật. Tôi quả thật có biết về cái oan hồn nhỏ tuổi đó…
Nghe đến đây, hai vợ chồng càng thêm tò mò và thúc giục sư thầy kể đầu cua tai nheo về sự việc trên. Sư thầy chỉ biết nhìn họ cười mỉm và bắt đầu kể câu chuyện.
Sư thầy còn nhớ, đó là vào ngày 25 tháng 10 năm 1987, khi thầy mới bước vào cửa Phật được hơn mười năm. Lúc đó thầy mới hơn hai mươi tuổi. Mọi người vẫn hay gọi sư thầy là Pháp Độ, thầy theo học và phụ giúp thầy San. Tuy thầy Pháp Độ còn trẻ, nhưng dường như thấu hiểu được mọi nỗi khổ của người trần tục, nên khi giúp ai thì thầy cố tận tâm giúp hết sức nên được rất nhiều người quý mến. Tuy nhiên, khi mới nhập môn, Thầy San sau khi nhìn thầy, xem chỉ tay, tướng mạo bảo với thầy rằng:
- Ta không muốn làm con sợ, nhưng từ trước đên nay, con có bao giờ tin vào cõi âm, ma quỷ, hay oan hồn không?
Thầy Pháp Độ nghe thế, trong lòng hơi thắc mắc:
- Dạ bẩm thầy, nếu quả thực trên đời này có ma quỷ, oan hồn thật thì xem ra họ chỉ vấn vương, luyến tiếc điều gì chưa thực hiện được chứ ắt không hại đến người.
Thầy San cười hài lòng và nói:
- Con nói thế tức là con tin vào chuyện đó đúng không? Vì ta xem tướng mạo con, ta biết con là người có vía rất nặng, nên con sẽ nhìn thấy những điều mà con không tưởng tượng được đâu.
Tuy không hiểu ý của Thầy San lắm, nhưng thầy Pháp Độ cũng gật đầu vâng dạ. Có một đợt, nhà nọ trong ngõ có người chết, nghe đâu chết bất đắc kì tử. Gia đình mời thầy San đến làm lễ cúng bái và siêu thoát. Thầy San liền chấp thuận và gọi thầy Pháp Độ đi cùng để phụ giúp cúng tế. Người chết là một thanh niên trẻ, tầm ngoài hai mươi tuổi, cơ thể vạm vỡ khỏe mạnh. Trong lúc làm lễ, thầy San ngồi đọc kinh gõ mõ, còn thầy Pháp Độ đứng đằng sau lo việc nhang đèn, hương khói, đồng thời cũng tụng kinh theo. Lễ được làm lúc 5 giờ chiều, chỉ sau 8 tiếng khi chàng trai kia chết. Lúc ngồi làm lễ, thầy Pháp Độ có cảm giác như có ai đó đang nhìn mình chăm chú. Thầy bỗng có cái cảm giác rờn rợn, quay người ra cửa thì thấy có một chàng trai vóc người vạm vỡ, đang đứng thập thò ngoài cửa, chăm chăm nhìn vào hai thầy. Thầy Pháp Độ bắt gặp ánh mắt đó, thì sợ hãi rùng mình. Thầy chợt nhận ra rằng đó chính là người trong ảnh, hay nằm trong chính cái quan tài ngay trước mặt thầy. Thầy nghĩ vô lý, đã nằm trong quan tài, thì làm sao có thể đứng ngoài cửa mà nhìn vào được nữa. Thầy pháp độ quay lại mặt vào trong, nhắm mắt, miệng lẩm bẩm tụng kinh theo thầy San trong sự run sợ.
Khi bài khấn vừa xong, mọi người đứng lên thu dọn đồ lễ. Thầy pháp độ mở mắt, quay lại nhìn về phía cửa thì không còn thấy chàng trai đó nữa. Về đến chùa, thầy Pháp Độ cứ đi ra đi vào, ngẩn ngơ, không nói năng gì. Thầy San thấy vậy, kêu thầy vô và hỏi:
- Con có chuyện gì hay sao mà sắc mặt như người mất hồn vậy?
Thầy Pháp Độ ấp úng thưa:
- Thưa thầy, con…Trong đám ma hồi chiều, con…
Thầy San cắt lời:
- Con thấy vong của người đã khuất đúng không nào?
Thầy pháp độ tròn mắt hỏi:
- Bẩm, sao thầy biết? Không lẽ thầy cũng nhìn thấy ạ?
Thầy San chỉ mỉm cười:
- Ta gặp cái vong này từ hồi sáng cơ.
Thầy Pháp Độ há hốc mồm ngạc nhiên. Thầy San cười mỉm rồi kêu thầy Pháp Độ ra bàn nước và nói chuyện.
Thầy kể là sáng hôm đó, khi đang ngồi thiền tại gian chính thì thầy nghe có tiếng gọi từ đâu vọng lại. Thầy nhìn ra cửa thì thấy một thanh niên đang đứng lấp ló ngoài đó. Thầy nói:
- Có chuyện gì, xin mời thí chủ vô đây, sao lại đứng thập thò ngoài đấy?
Người đó ấp úng vẻ sợ sệt nói:
- Thưa thầy… con không giám vào, vì ánh hào quang và sự oai nghiêm của Phật pháp quá lớn.
Như hiểu ra điều gì, thầy San đứng dậy, tiến ra cửa:
- Nếu đã là người của cõi khác, xin hỏi sao còn loanh quanh nơi đây? Phải chi có điều gì khuất tất?
Người thanh niên kia mới thật thà đáp:
- Bẩm thầy, con mới qua đời sáng nay, còn biết là thể nào người nhà cũng qua đây nhờ thầy làm ma chay, cúng kiến. Con chỉ xin thầy khi làm xong, đừng yểm bùa trước cửa để con còn được về thăm người thân.
Thầy San đáp:
- Phàm đã là người của cõi âm, thì tại sao còn luyến tiếc trần thế làm chi? Yểm bùa chẳng qua là tránh oan hồn về làm giữ thôi.
Người thanh niên kia khẩn khoản chắp tay nói:
- Con xin thầy, con không có ý quậy phá hay trêu chọc ai, chỉ là chưa đền đáp được gì cho cha mẹ cả, nay lại yểu mạng. Chỉ xin thầy đừng yểm bùa, thì con còn có thể về phù hộ giúp đỡ bố mẹ con ăn nên làm ra.
Thầy San nghe mủi lòng liền bảo với người này:
- Thôi được, nếu thí chủ đã thành tâm như vậy, thì bần tăng xin hứa sẽ không yểm bùa. Nhưng mong thí chủ nhớ cho, nếu tạo ác nghiệt, sẽ mãi mãi không được siêu thoát luân hồi. Mô Phật.
Nghe được những lời đó, người kia khóc nức nở rồi quỳ xuống, vái thầy San ba vái. Sau đó dần tan biến vào không gian. Quả nhiên chỉ hơn mười phút sau, có mấy người khóc lóc, chạy vào chùa, nhờ thầy San làm lề cầu siêu cho con trai họ vừa mới chết yểu. Đó chính là bố mẹ và người nhà của người thanh niên kia.
Có thể nói, đó cũng chính là sự khởi đầu cho một loạt những chuyện bí hiểm sau này mà thầy Pháp Độ bắt gặp, trong đó có một câu chuyện thương tâm hơn cả. Cuối mùa đông năm 1990, tiết trời lành lạnh. Dạo này, thầy thường thấy có đứa bé gái tầm chín, mười tuổi, hay lang thang trong ngõ cả tối, cứ thẩn thơ chơi một mình. Thầy Pháp độ thấy kì lạ, bèn hỏi chuyện. Cô bé đó nói là không có nhà, không có cửa, nên chả biết đi đâu về đâu. Nghe vậy thầy thương lắm, hay cho cô bé đó kẹo, bánh và đồ ăn trong chùa. Nhưng lạ ở chỗ, là chỉ từ 8 giờ tối trở đi mới thấy cô bé đó, còn đến ban ngày thì không thấy đâu. Rồi bất thình lình một hôm cầm tớ báo đọc, thầy Pháp Độ bỗng giật mình, mồ hôi toát ra đầm đìa. Thầy đọc đến mục tin hình sự, công an tìm thấy xác một bé gái mười tuổi, chết đuối trong bể nước được hơn một tháng. Mục tin tức có đề cả ảnh và đó chính là cô bé hay luẩn quẩn đầu ngõ hơn hai tuần nay. Vừa nhìn thấy bức ảnh, thầy Pháp Độ bỗng có cảm giác rờn rợn, đặt tờ báo xuống, thầy vừa sợ nhưng xen lẫn một chút buồn bã và thương hại cho cô bé kia. Nguyên đêm hôm đó, thầy ngồi tụng kinh niệm Phật, cầu mong cho linh hồn cô bé mau được siêu thoát, nhưng rồi thầy chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Thầy mơ thấy cô bé đó hiện ra, ngồi trước mặt thầy.
Cố bé kể mình tên là Hoa, bố tên An, còn mẹ tên Minh. An và Minh là đôi vợ chồng trẻ, họ cưới nhau năm 18 tuổi, bỏ ngang việc học hành, tuy hai gia đình kiên quyết phản đối. Nói là phản đối, chứ thật ra vì Minh đã có bầu với An được hơn 4 tháng. Không thể che giấu được nữa, bố An mua một căn nhà nhỏ có vườn cho đôi vợ chồng này ở và tự thân nuôi nhau. Hai vợ chồng sống cuộc sống tạm ổn, An thì làm nghề lái taxi, nhưng lại ham cờ bạc, lô đề. Còn Minh thì thêu thùa, may vá quần áo. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, khi Hoa chào đời, cuộc sống của gia đình An và Minh cũng xuống dốc từ đây. Hoa mắc bệnh câm bẩm sinh không thể nói được nên cũng chẳng được cho đi học. An thì càng ngày càng nghiện mấy trò đỏ đen, có bao nhiêu tiền cũng nướng vào đó sạch. Cuối cùng cũng khuynh gia bại sản. Không chịu đựng nổi An, Minh bỏ anh theo một lão nhà giàu hơn cô hai mươi tuổi, bỏ lại An một mình nuôi con. Càng ngày càng túng bấn, rồi dần dần An mất luôn việc làm, tối ngày chỉ ở nhà uống rượu, nhiều khi còn chửi bới, đánh đập Hoa. Nhiều kẻ xấu mồm, nói với An rằng Hoa là cái họa, là con quỷ, mang đến khổ đau và nghèo đói cho gia đình An. An cũng vì thế mà càng ngày càng cay ghét cô bé hơn. Rồi có một hôm, An được mấy thằng bạn rủ rê vào miền Nam làm ăn. Vì quá kẹt tiền nên An bán tháo đồ đạc trong nhà, gom tiền lại rồi tính theo thằng bạn vào Nam. Nhưng chợt nhớ tới Hoa, cái của nợ này phải gửi cho ai bây giờ? Bố mẹ An đã từ An lâu lắm rồi, cái nhà là món quà từ con mà bố tặng cho An.
Buồn rầu, chợt trong đầu An lóe lên điều gì đó. An thấy nhà mình ở chỗ vắng người, nhà nào biết nhà ấy tối ngày đóng cửa im lìm. An hí hửng vui mừng vì mình đã có một kế hoạch hoàn hảo. Tối đó, An làm mấy chai rượu đế, cho thật say. Khi rượu đã ngấm vào người, An gọi Hoa vào kêu ra bể múc nước cho An rửa mặt. Hoa vâng lời, đang hí hoáy múc nước, từ đằng sau, An lao tới xô cô bé xuống bể nước rồi đóng nắp lại. Hắn vào nhà xách túi quần áo chạy qua nhà bạn ngay trong đêm đó. Nghe đến đây, thầy Pháp độ nước mắt lưng tròng. Hoa bỗng hạ giọng, hỏi thầy Pháp Độ:
- Tại sao lại ra nông nỗi này hả thầy? Con đã làm gì nên tội, mà kiếp này, mọi việc đen đủi đều đổ dồn lên đầu con? Có ai thấu hiểu cái sự cô đơn, lạnh lẽo tột cùng trong cái bể nước đó không? Cái cảm giác chết dần chết mòn, lạnh lẽo từ từ thấm dần vào cơ thể? Thầy trả lời con đi! Tại sao lại như thế?! Tại sao?!
Thầy Pháp Độ chỉ biết thờ dài, thầy nói:
- Âu cũng là ý trời khó tránh khỏi. Thiện tai, thiện tai.
Hoa trợn mắt, tiếng nói như thét lên giữa bốn bề đêm vắng:
- Ý trời?! Vậy ông trời có mắt không tròng! Con không cam chịu chết tủi một mình đâu! Con sẽ trả thù! Còn sẽ bắt bố mẹ con chết không được, mà sống cũng không xong!
Thầy Pháp Độ cố nói bằng giọng bình tĩnh, khuyên can Hoa:
- Mô Phật, con à, đừng gây thêm nghiệp báo nữa, con sẽ không được siêu thoát đâu. Chi bằng con hãy phù hộ độ trì cho bố mẹ con. Lấy ân báo oán, như vậy có phải sẽ được thoát khỏi oán hận mà siêu thoát luân hồi sao?
Hoa giọng càng đay nghiến:
- Cái gì là lấy ân báo oán chứ? Con không cần phải siêu thoát, cũng chả cần đến luân hồi. Con sẽ cho chúng nó biết rằng, có những điều mà đáng sợ hơn cả chết, chúng nó sẽ ước rằng còn chưa bao giờ tồn tại trên đời này!
Thầy Pháp Độ đang định nói thêm, thì Hoa đã vụt tan đi trong không trung, để lại bồn bề vắng lặng.
Kể đến đây, mặt thầy Pháp Độ bỗng hiện lên một vẻ buồn man mác. Bố mẹ nhím cũng không khỏi bàng hoàng. Mẹ Nhím hỏi thầy:
- Như vậy, mọi chuyện là ở trong gia đình của cô bé Hoa đó, cớ gì lại chọc phá con của con hả thầy?
Thầy Pháp Độ thở dài:
- Biết là không liên quan, nhưng mà Hoa đã đưa được cả bố và mẹ về cõi bên kia rồi. Tuy là đã làm được việc mà mình mong muốn. Nhưng do oán khí tích tụ lâu ngày, nên giờ dù có thực hiện được việc mà mình muốn làm đi chăng nữa, oan hồn vẫn cứ lởn vởn như người vô định, vất vưởng tại chốn này mà không bao giờ siêu thoát.
Bố Nhím chen lời:
- Thầy cho con hỏi, sao thầy biết chắc là Hoa đã trêu chọc con gái con mà không phải là cái vong hay oan hồn nào khác?
Thầy Pháp Độ nhìn thằng vào mắt Bố của Nhím, chậm rãi nói:
- Tại sao ư? Vì khi thí chủ bế con xuống, bần tăng đã nhìn thấy bé Hoa đi lẽo đẽo theo sau thí chủ. Ngay cả khi bần tăng bế cháu Nhím, bé Hoa cũng đứng đó không rời nửa bước.