• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

TÙY ĐƯỜNG DIỄN NGHĨA (3 Viewers)

  • Chương 8: Cầm giản phường Tam Nghĩa, nếm miếng tân toan, Bán ngựa trang Nhị Hiền, gặp người hào kiệt.

Thơ rằng:
Tuấn mã đen, tuấn mã vàng
Ấy tài thiên lý rõ ràng, ai hay
Tôn Dương vắng khách cao tay 1
Nghìn vàng xương ngựa, xưa nay mấy người 2
Trong tàu, nghểnh cổ than dài
Tít mây xanh, động đất trời, hí vang
Vó câu khấp khểnh dặm tràng
Hiên ngang leo núi Thái Hàng cao cao.
Theo điệu "Điểm giáng thần"
Kiếm quý dù sắc bao nhiêu cũng không làm được nhà văn thích thú, ngựa giỏi bao nhiêu, người cày ruộng cũng chả mừng. Anh hùng tuy có ôm mưu cơ mở nước, yêu dân, nhưng mấy ai biết đến mà quý trọng, không những thế mà còn bị chế giễu, lăng nhục. Hai tay trai tráng, vái chào Vương Tiểu Nhị rồi hỏi:
- Đây có phải Tần quý khách không?
Tiểu Nhị đáp:
- Đúng rồi!
Hai tay cùng níu:
- Xin mời quý khách đi theo chúng tôi!
Thúc Bảo cũng chẳng hiểu ra sao, theo ra đến nhà ngoài, chào hỏi xong, hai người ngồi xuống ghế. Thúc Bảo ngồi bên, Tiểu Nhị mang lại ba chén trà, mọi người uống cạn. Thúc Bảo lên tiếng trước:
- Hai anh có điều gì chỉ giáo.
Một người đáp:
- Chúng tôi cũng làm công sai ở phủ đường đây. Nghe tiếng Tần quý khách, muốn đến hỏi một vài câu.
Thúc Bảo giục:
- Có gì xin hai anh cứ hỏi.
Người kia tiếp:
- Bác Vương Tiểu Nhị đây mở quán trọ trước cổng phủ đường đã lâu năm, vốn có tiếng là người trung hậu, cũng từng biết đến chuyện nghìn ngày là dài, một ngày là ngắn, có lỗi gì với quý khách, mà quý khách nỡ làm tình làm tội Tiểu Nhị, chúng tôi chỉ hỏi quý khách có thế.
Thúc Bảo đáp:
- Thật không có chuyện ấy. Không biết ai nói với các anh vậy?
Một người đáp:
- Ai cũng nói quý khách đánh lừa chủ quán, kiếm chuyện không trả tiền ăn ngủ. Nếu quả như thế, cũng chẳng có gì khó, chúng tôi sẽ làm cho ra chuyện ngay thôi!
Thúc Bảo vốn cũng từng trải, thấy chuyện trắng đen cũng lắm, nên hiểu ngay hai người này là do Tiểu Nhị mời đến, dùng miệng người khác để hăm dọa mình, bèn đáp:
- Không hề có chuyện như thế. Xin thành thật nói với hai anh, tôi không hề lừa dối gì vợ chồng bác Vương Tiểu Nhị, chỉ bởi trong túi không còn một đồng, có bao nhiêu tiền đi đường thì người bạn họ Phàn mang theo cả. Anh ta đi công cán ở Trạch Châu, chẳng sớm thì muộn sẽ quay lại đây, lúc ấy sẽ thanh toán cho nhà hàng đầy đủ.
Lại một người nói:
- Quý khách Sơn Đông ơi! Bác tính toán thế nào đây, cho là có chờ bạn nữa, thì vẫn phải ăn bánh, ăn cơm, mới chờ được. Tiểu Nhị đây mở hàng ăn, quán trọ đi nữa thì cũng khó mà phục dịch như thế, tiền của đâu mà bù vào. Nhược bằng hắt hủi quý khách, tai tiếng đồn vang, Vương Tiểu Nhị thể tình ấm lạnh, thì con ma nào dám tới hàng, thôi thì dẹp quách quán trọ cho xong. Người ta thường nói: "Cậy người không bằng cậy mình", cầm bằng họ Phàn một năm qua đi vẫn không tới, phủ đường Tế Châu không thấy quý khách trở về giao công văn, lại không truy tìm cho ra, chuyện thành ầm ĩ ngay. Mọi chuyện tự mình phải tính toán vậy thôi!
Thúc Bảo nghe như tĩnh cơn say, nói với hai người:
- Được hai anh chỉ giáo. Đúng là không thể nào chờ anh bạn họ Phàn cho được. Có hai cây giản đây, đem bán quách, lấy tiền trả cho chủ quán, còn thừa bao nhiêu làm tiền ăn đường trở về.
Một người gọi Vương Tiểu Nhị lại, bảo:
- Bác Vương Tiểu Nhị ơi! Tần quý khách không định lừa bác đâu. Bán được đôi giản này, quý khách sẽ thanh toán bác đầy đủ. Hãy phục dịch quý khách như cũ đi!
Rồi cũng chẳng xưng họ tên, hai người vái chào ra đi. Chẳng khác nào:
Nhốt lồng chim quý im không hót

Mắc cạn rồng thiêng kẹt khó bay.
Vương Tiểu Nhị nghĩ thầm: "Cái lão họ Tần này thật gian trá, có hai thanh giản quý như vậy, mà vẫn không chịu bán ngay, phải đợi ta thuê hai thằng này dọa ột hồi, mới nói chuyện bán. Có lẽ không nên để lão bán ra ngoài, sợ chúng nó sẽ mua rẻ mất. Ta phải nói lão cầm quách cho hiệu cầm đồ Long Mậu ở Lộ Châu này. Trả tiền cho hết bao nhiêu, còn thì sáng cho lão về. Ta kiếm thêm ít tiền, trả ngay cho hiệu cầm đồ, lấy đôi giản về, bóc hết lớp vàng mạ, đánh thành vòng cho vợ đeo, còn thì đem bán quách cả. Biết đâu vợ chồng mình phát to cũng nhờ đôi giản này đây". Nghĩ thế, mặt mày Tiểu Nhị rạng rỡ, quay vào nhà trong.
Thúc Bảo ngồi trên đống rơm, đặt đôi giản ngang đùi, nhìn mặt giản đã lên nước xanh lóng lánh. Đôi giản này không phải là đồng thường mà vốn là đồng hun, bên ngoài mạ một lớp vàng, từ ông nội Tần Húc, truyền lại cho cha Thúc Bảo là Tấn Di, đến Thúc Bảo nữa là ba đời. Thường treo bên yên ngựa, nên lớp mạ bên ngoài mòn đi gần hết, đến nỗi có chỗ lõm sâu, sáng loáng, đặt trên đống rơm, màu xanh lại càng nổi rõ. Thúc Bảo vò một nắm rơm chùi kỹ thêm nữa, màu sắc lại càng rực rỡ. Bỗng thấy Tiểu Nhị đứng sững trước cửa, nói lấp lửng:
- Tần quý khách! Đôi giản này chẳng cần phải bán nữa.
Thúc Bảo hỏi:
- Sao lại không bán nữa?
Tiểu Nhị đáp:
- Ở Lộ Châu này có một hiệu cầm đồ là hiệu Long Mậu, sẵn sàng cầm mua bán bất kỳ đồ đạc gì. Nhưng chỉ một mình quý khách đem đôi giản này đến, thì chúng sẽ bắt nạt, trả chẳng khác gì củi mục. Chi bằng lâu nay tiểu nhân vốn đã phục dịch quý khách, xin đi theo cùng quý khách để cầm cho họ lấy được ít nhiều. Chờ họ Phàn ở Trạch Châu về, ta sẽ kiếm ít tiền chuộc lại, quý khách thấy thế có được không?
Thúc Bảo vốn không muốn bán đôi giản cho người khác, nên bằng lòng ngay:
- Ý bác chủ cũng hợp ý tôi, thế là xong nhé!
Bèn cùng nhau kéo đến phường Tam Nghĩa, tìm đến một ngôi nhà vừa cao vừa rộng, ở cửa treo biển đề: "Hiệu cầm đồ Long Mậu". Thúc Bảo bước vào, cầm đôi giản ném lên bàn cân, nghe hai tiếng inh tai. Chủ hiệu liền tức tỏ ý giận dữ, càu nhàu:
- Ha! Chẳng cần phải phá cái cân đòn của ta làm gì!
Thúc Bảo đáp:
- Ta muốn cầm hai thanh giản này!
Chủ quán đáp:
- Cái đồ này dùng làm gì được, bán làm đồng nát vậy thôi?
Thúc Bảo cãi:
- Vũ khí của ta đấy, sao lại bảo là đồng nát được!
Chủ hiệu phán:
- Anh cầm nó mà múa máy được, thì mới gọi là vũ khí. Còn chúng ta, cầm không nổi, thì làm sao mà dùng nó. Chỉ có cách nấu chảy đúc nồi mà bán thôi. Thế không phải đồng nát là gì?
Thúc Bảo nói:
- Thôi thì đồng nát cũng được!
Rồi xách những quả cân to lại cân, cả hai thanh giản được một trăm hai mươi tám cân. Chủ hiệu lên tiếng kỳ kèo:
- Anh bạn, phải trừ hao ít nhiều chứ?
Thúc Bảo đáp:
- Lớp vàng tráng bên ngoài này đã không tính rồi, còn trừ nỗi gì nữa!
Chủ hiệu dè bỉu:
- Chẳng qua bôi tí cho đẹp, tính toán cái gì. Lại còn hai cái cán gỗ này nữa, làm sao mà tính bằng giá đồng được. Có cho vào lò nấu cũng thành than chứ ích gì, lại đen như sắt đóng chuồng ngựa, càng nặng!
Thúc Bảo dễ dãi:
- Thôi thì trừ quách tám cân lẻ. Còn lại vừa tròn một trăm hai mươi cân.
Chủ hiệu tính:
- Đồng này không phải đồng ở vùng Lộ Châu này nấu ra, nên giá mỗi cân là bốn phân. Cầm thì trừ đi năm lạng hai tiền. Thêm một phân đây cũng chẳng lấy.
Thúc Bảo nhẩm tính được bốn mươi lăm lạng, trả được mấy tuần tiền cơm, rồi vẫn không còn tiền về quê, nên lại cầm giản quay ra. Tiểu Nhị thấy vậy không bằng lòng ra mặt. Thúc Bảo về quán, ngồi buồn bã một mình trong phòng.
Gầm trời toàn mắt thịt
Ai kẻ biết trân châu
Thương bấy bao hào kiệt
Nổi chìm mấy lao đao.

Tiểu Nhị lại tìm vào bức bách Thúc Bảo:
- Ông anh làm thế nào có tiền trả cho tôi bây giờ đây?
Thúc Bảo phân bua:
- Bác chủ này, sao bác ngớ ngẩn vậy. Ta đi công cán thế này trừ vũ khí tùy thân, còn có mang theo cái gì đáng giá nữa đâu?
Tiểu Nhị vẫn lằng nhằng:
- Ông anh thử nghĩ kỹ xem?
Thúc Bảo đáp:
- Ta còn con ngựa hoàng phiêu nữa. Có người nào cần đến nó không?
Tiểu Nhị trách móc:
- Ông anh ở đây với tiểu nhân bao lâu rồi, mà chưa từng nghĩ tới chuyện này. Nói tới đôi giản đồng, thì người vùng Lộ Châu tiểu nhân còn chẳng biết thế nào là giả, thế nào là thật, chẳng biết dùng cái của ấy làm gì. Chứ còn nói đến ngựa, thì vùng Lộ Châu này vốn là vùng đất núi, nhà giàu, nhà nghèo đều cần đến đôi chân. Tiểu nhân xem ra con hoàng phiêu của ông chạy có vẻ khỏe đấy, nếu bằng lòng bán, thì có thể sớm về được. Việc công việc tư đều xong ngay!
Thúc Bảo hỏi:
- Liệu có được tiền không?
Tiểu Nhị đáp:
- Ngựa ra khỏi cửa, tiền lập tức vào nhà.
Thúc Bảo lại hỏi:
- Ở đây có chợ bán ngựa không? Chợ ở đâu?
Tiểu Nhị đáp:
- Chợ ngựa ở đường lớn phía cửa tây.
Thúc Bảo hỏi:
- Họp vào lúc nào?
Tiểu Nhị đáp:
- Canh năm đã bắt đầu có người, sáng rõ là đã tan rồi!
Tiểu Nhị gọi vợ dọn bữa cho Thúc Bảo ăn cơm nghỉ ngơi độ sáng mai đi bán ngựa. Đêm hôm ấy Thúc Bảo thao thức không ngủ được chỉ sợ ngủ quên, lỡ mất phiên chợ, thì phải đợi thêm một ngày dài nữa, khác nào ngồi trên chăn có cắm kim. Mới sang canh năm, Thúc Bảo đã trở dậy, dội nước lạnh rửa mặt, chải đầu. Tiểu Nhị soi đèn, dắt ngựa ra khỏi chuồng, Thúc Bảo nhìn đến ngựa, thì thất kinh:
- Lại đến nỗi gầy đói thế này sao?
Chỉ còn nhìn tình cảnh con hoàng phiêu này, cũng đủ thấy thể tình ấm lạnh. Từ khi tính toán tiền nong, thì đừng nói thức ăn tinh, ngay cả cỏ khô, hoàng phiêu cũng chẳng được ăn, đói hí vang trong chuồng mãi, thấy vậy Liễu Thị thương hại, vụng chồng ột ít cỏ khô, vừa già vừa đắng, ăn được thì ăn, không ăn được cũng chẳng ai lo cho. Vì thế từ một con tuấn mã ngày đi ngàn dặm, trở thành một con ngựa gầy, chân xoạc như que, mũi rộng toác, bụng ỏng, lông xù ra. Thúc Bảo giận vô cùng nhưng không đám to tiếng, chỉ mới phàn nàn thế đã sợ Tiểu Nhị sừng sộ, ngay đến người còn không có mà ăn nữa là. Nên Thúc Bảo đành nín thinh dắt ngựa ra.
Tiểu Nhị mở cửa, Thúc Bảo ra trước, nhưng hoàng phiêu nhất định không chịu ra, là biết chủ nhân có ý bán nó. Bình thường thì giống vật làm sao mà biết dược điều đó, nhưng nó là một con vật rất nhạy cảm. Lúc này là đầu canh năm, nếu là lên đường về, thì ngay từ canh ba đã phải lo yên cương cho nó, treo buộc hành lý vào. Dắt ra khỏi chuồng lúc này, thì hoặc là uống nước, hoặc là gặm cỏ xanh, nhưng có uống nước lẫn gặm cỏ thì không phải giờ này, vì vậy hoàng phiêu hai chân trước trụ chặt ở bực cửa, hai chân sau như muốn khuỵu xuống nhất định không chịu ra. Với sức lực của Thúc Bảo, chả nói đến ngựa gầy, ngay hổ dữ cũng có thể lôi băng, nhưng giờ ấy hoàng phiêu gầy giơ xương, Thúc Bảo cũng không còn lòng nào co kéo với nó, chỉ nhẹ nhàng vỗ về gọi nó. Tiểu Nhị vốn là kẻ ác nghiệt, thấy ngựa nhất định không chịu ra, cầm ngay then cửa lại, cứ nơi chân sau gầy chỏi xương mà nện liên tiếp, đau quá, ngựa phải nhảy khỏi cửa. Tiểu Nhị đóng cửa lại, miệng nói theo:
- Không bán được, thì đừng có mà quay về nữa nhé!
Thúc Bảo dắt ngựa tới khu chợ cửa tây, chợ ngựa đã bắt đầu họp. Mua ngựa rồi bán ngựa đều là bọn công tử, vương tôn giàu có, áo gấm, quần lụa đi lại rối rít, khách xem, lượn đi lượn lại kể không hết.
Có mấy tay thấy thúc Bảo dắt hoàng phiêu đến, bảo nhau:
- Các ngài ơi! Lại mà xem, có một tay khố rách dắt một con ngựa ốm đến đây này. Ngựa này thì chả cần xô cũng ngã à xem!
Thôi thì mỗi đứa mỗi câu, đều thuộc loại mồm năm miệng mười cứ loạn xị cả lên. Thúc Bảo cố len được vào trong chợ, đi mấy vòng, nhưng chẳng ai thèm hỏi một câu, chỉ còn nhìn ngựa mà than thở:
- Hoàng phiêu ơi! Lúc ở Sơn Đông đi đuổi cướp thì mày tiếng tăm đến thế, dũng mãnh đến thế, sao hôm nay đầu mày gục xuống, chí khí đi đâu mất cả. Ta làm sao mà có thể oán trách mày được. Đến như chủ mày đây, thiếu mấy đồng bạc của chủ quán cũng đến thân tàn ma dại, huống hồ gì mày!
Thật đúng là:
Người nghèo vụng nói vụng bày
Giơ xương, ỏng bụng, ngựa gầy còm nhom

Ăn no mèo khỏe như hùm
Cắt lông, nhổ cánh thì vẹt nom không bằng gà.
Lúc đầu thì người dắt ngựa, về sau thì ngựa kéo người. Thúc Bảo suốt đêm không ngủ, đầu canh năm đã đậy, bụng không ra khỏi quán trọ, vào chợ không ai thèm nhìn ngó, toàn những kẻ châm chọc, chế giễu cả người cả ngựa. Trời đã sáng rõ, chợ ngựa đã tan, cửa thành đã mở rộng, dân quê lũ lượt gánh củi vào thành bán. Lộ Châu vốn thuộc tỉnh Sơn Tây, mùa gặt vừa qua đi, nhìn ra chi còn trơ gốc rạ, vài mảnh ruộng tốt lúa mạ gặt rồi nhưng mầm cỏ xanh đã kịp nhú lên. Đó thật là thức ăn hấp dẫn với ngựa, hoàng phiêu thích thú, cắm cúi gặm mãi đến nỗi làm đổ cả gánh củi một ông lão dựng ở ngay ruộng. Thúc Bảo vội chạy lại dựng lên, ông lão trông vẫn quắc thước, kéo tay Thúc Bảo lại, từ tốn:
- Anh bạn trẻ ơi! Chả việc gì mà vội vàng, đổ thế, củi cũng chả sao đâu!
Lúc này nhìn rõ hoàng phiêu yên cương không có, ông lão hỏi:
- Anh dắt ngựa mà không cưỡi, lững thà lững thững, đem bán sao?
Thúc Bảo đáp:
- Đúng là đem bán, nhưng cả chợ chẳng ai thèm nhìn đến hai thầy trò.
Ông lão an ủi:
- Con ngựa vàng này tuy gầy ốm, nhưng nếu đóng yên cương cẩn thận vào, vẫn còn có dáng lắm!
Thúc Bảo đang lúc ảo não, thấy ông lão nói thế, lòng cũng dịu ít nhiều.
Mừng thay gặp Bá Nhạc
Bỗng trội hơn cả chuồng.
Thúc Bảo hỏi:
- Lão chống gậy đi như thế, liệu có phải thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho ngựa không?
Ông lão đáp:
- Đây chẳng phải gậy, ta cũng chẳng phải thầy thuốc. Lão năm nay tròn sáu mươi, nhà ở cách thành mười lăm dặm, bốn đoạn củi này khoảng một trăm cân 3, lão gánh vào thành, mà chẳng cần đổi vai. Cứ nhìn cách ngựa của anh gặm cỏ, ta thấy ngay ngựa tốt lắm. Chỉ tiếc anh tìm bán không đúng chỗ, đem ngựa đến chợ mà bán, thì chỉ gặp bọn không cùng chẳng khổ thôi!
Thúc Bảo hỏi:
- Thế nào là bọn không cùng chẳng khổ?
Ông lão giảng giải:
- Đại phàm bọn công tử giàu có, chúng nó có phải là đi mua ngựa đâu. Việc trước tiên là chúng sai đầy tớ vác theo một bộ yên cương, cứ chọn con ngựa nào có vẻ ngoài tạm được, đặt bộ yên cương của chúng lên, cưỡi thử vài vòng, vừa ý, thế là mua, thế thì đời nào chúng nó chịu mua ngựa gầy này của anh để về chăm. Từ xưa đã có nói rồi: "Bán vàng phải tìm người biết vàng". Đến giữa chợ này mà bán con ngựa này, thì anh có ngồi đến mấy phiên nữa, cũng chẳng có ma nào hỏi đến đâu!
Thúc Bảo lại hỏi:
- Cứ như lão nói, thì ngựa này phải đem đi đâu bán mới được? ông lão đáp:
- Ta còn phải đi bán củi, nếu không, ta sẽ dẫn anh đến một nơi, thì con ngựa này có người mua ngay.
Thúc Bảo bàn:
- Bán củi là chuyện nhỏ. Lão dẫn ta đi bán con ngựa này, mọi chuyện xong xuôi, ta sẵn sàng biếu lão vài lạng ngay.
- Cách cửa tây này khoảng mười lăm dặm, có một trang chủ, tên kép là Hùng Tín, con thứ hai của họ Đơn, mọi người đều gọi ông ta là Nhị viên ngoại. Ông ta chuyên kết giao với các bậc hào kiệt khắp nơi, thường mua sẵn ngựa tốt để cho bạn bè.
Thúc Bảo lại một lần nữa như tỉnh cơn say, thầm tự trách mình: "Ta lại lầm lỡ một lần nữa rồi. Ở nhà đã thường nghe bạn bè nói: Nhị Hiền trang của Đơn Hùng Tín ở Lộ Châu là nơi chiêu nạp hào kiệt. Làm sao ta đến đây lâu nay, không nghĩ đến chuyện lại thăm ông ta. Nay quần áo rách rưới thế này, chẳng khác gì cò rù gặp bão, mới tìm đến gặp, thì đã quá muộn rồi, chẳng khác nào lúc khát mới nghĩ đến chuyện đào giếng, hối thì đã không kịp!.Nhưng nếu không tới Nhị Hiền trang thì làm sao mà qua được đoạn này, tìm cách nào bây giờ? Thôi thì cứ đến, chỉ bán ngựa thôi, chả cần phải xưng ra một tiếng Đơn Hùng Tín mà đến là được. Ông già ơi! Ông cứ dẫn ta đi, nếu quả bán được con ngựa này, ta xin thành thực biếu ông già vài lạng."
Ông lão tham mấy lạng bạc Thúc Bảo hứa, đem củi gửi ở trước cửa hàng đậu hủ, nhắc di nhắc lại người bán đậu hủ quen thuộc:
- Bác trông cẩn thận cho lão với nhé!
Ở đầu đòn càn của ông lão, còn có buộc một cái túi vải xanh, trong túi đựng ít đậu tương, định đem vào thành đổi lấy trà uống, nay thấy ngựa đói, ông lão dốc cả túi đậu vào máng, vơ thêm một nắm cỏ non vào cho ngựa ăn. Xong xuôi, ông lão chống đòn càn đi trước dẫn đường, Thúc Bảo dắt ngựa theo sau, ra khỏi cửa tây. Đi được khoảng mười dặm, quả thấy một trang trại lớn, nhìn khắp chỉ thấy:
Nước xanh quanh quất
Cây biếc um tùm
Nước xanh quanh quất, ngược xuôi cá lượn tung tăng
Cây biếc um tùm, trên dưới chim ca ríu rít
Cong cong cầu uốn, cảnh sắc thanh u
Ngất ngất nhà cao, quy mô tề chỉnh
Không dòng lệnh tộc
Cũng bậc vinh môn.
Ông lão chống đòn càn, qua cầu vào cửa, còn Thúc Bảo buộc ngựa dưới một gốc cây phía ngoài cầu. Nhìn lại con ngựa của mình, vừa gầy vừa bẩn, Thúc Bảo thầm nghĩ: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân 4. Ta nhìn còn thấy không xong, bảo sao người khác mua cho được?" Cũng bởi lâu nay ngựa chẳng mấy khi thấy chủ, cũng chẳng ai dắt đi uống nước gặm cỏ gì, bờm đuôi đều không được chải, bết lại thành từng túm, Thúc Bảo xăn tay áo phải lên, vuốt vuốt lưng ngựa, tay trái lần nhẹ bờm ngựa mà chải nhẹ, chỉ sợ ngựa bị đau. Ngựa quay đầu lại, nhìn chủ mà cánh mũi phập phồng, mắt gần như rơi lệ.
Thúc Bảo lòng đau như cắt, chỉ lặng lẽ vuốt ve, vỗ nhẹ vào cổ ngựa, thủ thỉ:
- Hoàng phiêu ơi! Hoàng phiêu với ta một thầy một tớ. Hồi ở sáu phủ Sơn Đông, ai cũng biết tiếng, một phần cũng ở công mày. Nay ta gặp lúc mạt vận, đến nỗi phải đem mày bán ở trang trại này, mày lưu luyến không muốn rời ra, thế mà ta nhẫn tâm bán mày. Thật ta không bằng mày vậy!
Hoàng phiêu thấy chủ vừa vuốt ve vừa to nhỏ, cũng như muốn nói thành lời, bốn vó dậm liên tiếp, hí vang, Thúc Bảo càng rầu rĩ hơn. Chính là:

Hèn kém sá chi loài
Hàng nghìn dặm trổ tài
Thẹn không người trau chuốt
Cất tiếng hí bi ai.
Lại nói Hùng Tín vốn giàu có, mùa màng xong xuôi, ngồi nhàn trước cửa, thấy ông lão chống đòn càn đứng bên cửa, chắp hai tay thưa :
- Lão giờ này vào thành bán củi, thấy một người ở Sơn Đông, dắt một con hoàng phiêu muốn bán, ngựa tuy gầy ốm, nhưng dáng vóc rất đẹp. Hiện đang đứng chờ ngoài cổng trang trại. Xin mời viên ngoại ra xem!
Hùng Tín hỏi:
- Chính thị hoàng phiêu.
Hùng Tín đứng dậy, cùng ông lão ra cổng.
Thúc Bảo nhìn qua suối thấy người cao hơn một trượng, mặt mày phương phi, đầu chít khăn chữ vạn bằng lụa tím óng ánh; mặc áo dài bằng nhiễu nhỏ sợi rất đẹp chân đi hài trắng. Nhìn lại mình, Thúc Bảo thấy quá tiều tụy nên vội nép sau gốc cây, xốc lại quần áo, phủi sạch tay, chùi sạch ngấn nước mắt. Hùng Tín qua cầu, chỉ nhìn ngựa, không để ý đến người. Hùng Tín vốn rất giỏi xem tướng ngựa, xắn tay áo lên, tay phải đặt lên lưng ngựa. Sức Hùng Tín tuy khỏe, nhưng gân cốt hoàng phiêu cũng không vừa nên không hề thấy động đậy suốt từ đầu tới đuôi dài hơn một trượng, từ chân lên tới bờm cũng đủ tám thước, khắp thân lông vàng như tơ, không hề pha một màu nào khác, cái hay chính là chỗ này.
Tung vó đường xa nổi bụi hồng
Ký kỳ than mã phải hay không?
Cương tơ, chuông ngọc, yên thêu bạc
Cao chín từng mây, vốn ngựa rồng.
Hùng Tín xem xong ngựa, mới quay lại hỏi Thúc Bảo:
- Ngựa này bác lái bán bao nhiêu?
Hùng Tín tin chắc đây là một tay lái ngựa nào đó, nên chỉ xưng hô gọn gàng thế thôi. Thúc Bảo không nhận là lái ngựa chỉ nhận bán ngựa, nên đáp:
- Tiểu nhân không phải lái ngựa. Nhưng gặp lúc cùng đường, phải bán ngựa đó thôi.
Hùng Tín đáp:
- Ta cũng chẳng cần biết bác mua ngựa để cưỡi hay để bán. Chỉ cần bác bán bao nhiêu là đủ rồi?
Thúc Bảo đáp:
- Nhân bần vật tiện, không dám nói giá, chi xin năm mươi lạng, đủ tiền đi đường.
Hùng Tín đáp:
- Con ngựa này mà đổi năm mươi lạng cũng không phải là nhiều, chỉ phải gầy quá, có thức ăn tốt cho nó, chăm sóc chu đáo, thì tha hồ ngang dọc, nếu không sẽ là đồ bỏ đi. Nay nghe bác nói ta cũng thương tình, ta trả bác ba mươi lạng, cũng đủ tiền để đi đường rồi?
Hùng Tín nói thế, rồi quay lại, qua cầu sang cổng trang trại, cũng không cần biết ý người bán thế nào. Thúc Bảo đành qua cầu trả lời:
- Viên ngoại muốn trả bao nhiêu xin tùy ý!
Hùng Tín vào nhà, đứng trên hè, thấy vậy, Thúc Bảo bèn lên đứng cạnh sân bán nguyệt. Hùng Tín sai người nhà dắt ngựa vào tầu, đem thức ăn cho ngựa ăn thử xem thế nào. Một lúc sau, tên người nhà quay lại, nói nhỏ vào tai Hùng Tín:
- Con ngựa này dữ tợn lắm, cắn nát cả tai con Nhân Chi của ông chủ rồi. Ăn hết cả một đấu đậu tương nấu chín, vẫn còn ăn tiếp cỏ nước ở trong chuồng ấy, không lúc nào chịu ngơi hàm.
Hùng Tín vui vẻ nói với Thúc Bảo:
- Này bác, bọn đầy tớ vừa nói ngựa bác vẫn chưa chịu ăn bột ngon, nhưng vì đã nói với bác, tôi vẫn trả bác ba mươi lạng nhé.
Thúc Bảo cũng chẳng biết rõ ngựa có ăn hay không ăn, chỉ đáp:
- Xin tùy lượng chủ nhân.
Hùng Tín đi vào nhà trong lấy tiền. Thúc Bảo bước vào nhà ngồi chờ. Hùng Tín chỉ mất ba mươi lạng, được tuấn mã ngày đi ngàn dặm, nên mặt mày hớn hở, còn Thúc Bảo đã lâu không thấy lạng bạc, thấy Hùng Tín mang ra một bọc nặng, cho nên so với cái mừng được ngựa tốt của Hùng Tín cũng kẻ tám lạng, người nửa cân. Thúc Bảo cũng chẳng cần các đỉnh bạc dày mỏng thế nào, nhưng vốn là một người con có hiếu, nấn ná mãi ở đất khách, nhớ mẹ già; ngày đêm lòng không yên, nay thấy mấy lạng bạc, sắp được trở về, mừng như thấy mẹ già, bất giác.
Mát lòng, tít mắt gật
Thích chí hé môi cười.
Thúc Bảo hai tay đỡ gói bạc, Hùng Tín thì việc mua bán đã xong xuôi tiền đã giao, ngựa đã dắt, nên lúc này mới vui vẻ hỏi Thúc Bảo:
- Bác ở Sơn Đông, ở phủ nào kia?
Thúc Bảo đáp:
- Tiểu nhân ở phủ Tế Châu.
Hùng Tín bỗng buông ngay gói bạc, rơi tọt xuống vạt áo Thúc Bảo, làm trũng hẳn xuống như một cái giỏ, Thúc Bảo giật mình, không hiểu tại sao. Chính là:
Cách mặt nên khó tỏ lòng
Tay cam vàng sợ bỗng không rơi vàng.
Không rõ ý tứ Hùng Tín thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom