• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Truyện dài : Ma quỷ dân gian kỳ truyện (3 Viewers)

  • ĐÊM TRĂNG 49: TƯỚNG QUÂN CỤT ĐẦU

(Bài viết lấy cảm hứng từ huyền tích có thật trong lịch sử.)

1️⃣
Hồn ma cưỡi ngựa, cụt đầu

Tại vùng đất Khu Trung Lộc, thuộc tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn), từng truyền tai một câu chuyện ma mị về hồn ma vị tướng cụt đầu, thường xuất hiện trước những ngày mưa lớn.
Câu chuyện như sau : Trong làng ấy, khi đêm buông xuống, thỉnh thoảng người ta nghe thấy tiếng vó ngựa đập mạnh trên đường, cứ nhịp nhàng từng tiếng “lộc cộc”. Mọi người biết rằng đó là thời khắc “vị tướng” đi tuần.

Các cụ già thì lụp xụp thắp hương cúi lạy như cầu khấn điều gì đó, có chút tiếc thương. Đám trẻ nhỏ thì lẳng lặng chạy sà vào lòng người lớn hoặc chui tọt vào chăn, im lặng dõi theo tiếng ngựa mà thở dốc. Những người thanh niên mạnh dạn hơn còn cố tình hé mắt dòm qua khe cửa. Ngoài đường làng, dưới ánh trăng sáng vằng vặc họ nhìn thấy một bóng hình người cưỡi trên con ngựa đen tuyền lướt qua cửa nhà. Một vị tướng, mặc bộ chiến giáp cổ xưa, cầm trên tay một cây giáo dài. Nhưng điều đáng sợ nhất là, vị tướng ấy không có đầu!

1f4d6.png
Theo tìm hiểu, câu chuyện lấy cảm hứng từ hình tượng ông Hồng Lô Nguyễn Hiệu (Nguyễn Duy Hiệu), có thật trong lịch sử. Ông là một lãnh tụ quyết liệt trong phong trào Cần Vương tại khu vực Quảng Nam. Ông cùng nghĩa quân lập chiều chiến công khiến quân Pháp khiếp sợ, nhân dân hết mực tin yêu. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thất bại khi có kẻ tạo phản chỉ điểm. Ông rơi vào tay giặc và cuối cùng bị người Pháp xử trảm tại kinh thành Huế vào năm 1887. Từ đó dân trong vùng Trung Lộc truyền tai nhau câu chuyện đáng sợ trên như một sự tưởng nhớ, cảm thương cho vong hồn vị tướng.

2️⃣
Tướng mất đầu nhưng vẫn cưỡi ngựa quay về quê hương.

⭕️
Trong các huyền tích trong lịch sử về các anh hùng dân tộc xuất hiện một Motip truyện ghê rợn về sự sống vẫn tồn tại sau khi chết. Họ ra trận vì lý tưởng bản thân, không màn nguy hiểm, đến khi bị “mất đầu” vẫn phải chết trên quê hương mình. chúng ta cùng tìm hiểu nhé:

1f40e.png
Truyền thuyết về Lữ Gia (191 TCN – 110 TCN), là Thừa tướng của ba đời vua nhà Triệu nước Nam Việt. Truyện này được ghi trong "Thiên Bản lục kỳ", là một trong sáu truyện kỳ lạ của vùng đất Thiên Bản xưa (nay là Vụ Bản, Nam Định)
Sau khi bị quân Hán chém đầu nhưng chưa đứt hẳn, ông phóng ngựa chạy về vùng đất Vụ Bản, Nam Định. Khi chạy đến thị trấn Gôi bây giờ thì gặp một bà hàng nước. Lữ Gia hỏi là người bị chém mất đầu có sống được không, bà hàng nước cười nói người mất đầu thì làm sao sống được, tức thì đầu của Lữ Gia lìa khỏi thân. Dân vùng Vụ Bản chôn và lập đền thờ ở nhiều nơi trong huyện. Tương truyền đầu, thân và chân của ông được thờ ở ba làng khác nhau.

1f40e.png
Kế đó là truyền thuyết về Thánh Lưỡng: tên là Lê Hữu, con út của Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc dưới thời Tùy Đại nghiệp.

Ông lập căn cứ ở làng Đồng Pho/Đường Sơn, Thanh Hóa, chống lại nhà Đường, vào thế kỷ thứ VII. Ông bị giặc chém đứt đầu, liền nhặt đầu chắp lại chạy về hóa ở bờ sông Lãng, cạnh núi Mưng. Mỗi “giọt máu rơi” của ông được dân làng lập đền thờ. Đó là đền Mưng (thuộc Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) là đền chính và được thờ nhiều nơi ở Thanh Hóa. Lê Hữu có duệ hiệu “Tham xung tá quốc tôn thần”, dân gian còn gọi là “Chàng Út đại vương”.

1f40e.png
Lý phục Man (thời Lý Nam Đế- Lý Bí)

Lý Phục Man (vị tướng dưới thời Lý Nam Đế), bị chặt mất đầu trong một trận đánh với quân Lâm Ấp ( Chiêm Thành). Vị tướng ấy liền tự đặt lại đầu lên thân, ngồi trên lưng ngựa, ung dung chạy về phía quê hương, đến cổng Làng Cổ Sở (ngày nay là Yên Sở, Hà Nội ) thì gặp một bà lão, ông hỏi đầu mình còn không? Bà lão sợ hãi nói rằng người đã bị chặt đầu làm sao có thể sống được. Sau đó, tướng quân cưỡi ngựa rời đi, đến khi đầu rơi xuống thì ngài cũng đổ gục. Nhân dân cảm thương lập đền thờ, tôn ông làm Thành Hoàng, đền thờ ông Lý Phục Man gọi là đền Quán Giá (Hoài Đức, Hà Nội )

1f40e.png
Đinh Điền ( Cuối thời nhà Đinh)

Tương tự câu truyện trên câu chuyện kể trên ta có huyền tích về tướng Đinh Điền, một trong những dũng tướng dưới thời Đinh Bộ Lĩnh. Trong trận đánh với quân Lê Hoàn trước hoạ nhà Đinh đến bờ diệt vong. Ông bị tướng Phạm Cự Lượng chém, đầu gần đứt lìa, máu nhuộm thắm chiến bào và lưng ngựa. Đinh Điền chạy đến Kỳ Vĩ (Ninh Thất-Ninh Bình) cũng gặp 1 bà lão hàng nước. Sau khi nhận được câu trả lời đầu rơi thì không sống được nữa. Ông dùng hết 1 vò rượu rồi gục mất ở 1 gốc cây cổ thụ gần đó, nơi ông mất dùn lên một cái ổ mối to bao lấy xác… Nơi đó dân lập 1 đền thờ. Chính Lê Hoàn lên ngôi vẫn cảm phục Đinh Điền, sắc phong ông làm: "Tế thế Hộ quốc Hiển ứng Linh quang Đại vương. Vua Lê Thái Tổ sau này sắc phong cho Đinh Điền là "Thượng đẳng Vạn cổ Phúc thần Trung thánh Đại tư đồ Bình chương sự Khai quốc Công đức Văn Đại vương".
Đinh Điền được phong làm thành hoàng của nhiều làng ở miền Bắc, đền thờ ông có ở nhiều nơi như: Ninh Bình, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình và Hưng Yên.

1f40e.png
Vũ Thành thời nhà Trần: Trong (Truyền thuyết làng Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang) - Cao Huy Đỉnh, sđd, tr.38. có đoạn:

Xưa có một vị tướng đi đánh giặc bị địch chém đầu lủng lẳng trên vai không chịu chết cứ để đầu như vậy, phi ngựa về làng. Đến cổng làng gặp một bà lão, vị tướng nhấc đầu lên gắn lại và nói: “Thưa bà, đầu tôi chưa rơi xuống đất”. Bà lão bảo: “Đầu rơi thì chết”. Vị tướng không giữ đầu được nữa liền ngã ngựa chết, máu chảy ra khắp cả miền. Nơi nào có máu chảy đến là nơi đó dân lập đền thờ.

1f40e.png
Đoàn Thượng (Thời nhà Trần)

Vào năm 1225, Trần Thủ Độ bắt ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vị hoàng đế cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Đoàn Thượng, tức là Đoàn Thượng Vương, tức nguyên thủy là một quan lại quan trọng của triều đình Lý, rất tức giận với việc này. Ông chiếm giữ một vùng đất riêng và tự xưng là Đông Hải Vương, lập lực lượng và lên kế hoạch để khôi phục cơ nghiệp nhà Lý.
Tuy nhiên, Đoàn Thượng đã bị Trần Thủ Độ lập mưu để đánh bại. Trong cuộc chiến, ông bị một nhát đao chém từ phía sau vào cổ, đầu gần như bị tách ra. Mặc dù vết thương nặng, ông cởi thắt lưng và quấn lấy cổ, sau đó phóng ngựa về phía Đông.
Trên đường đi, Đoàn Thượng đến làng An Nhân (huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, ngày nay là Hải Hưng) và gặp một cụ già áo mũ nghiêm chỉnh đứng bên đường. Người cụ chắp tay và vái hỏi: "Đức Thượng Đế biết rằng tướng quân là người trung thành và nghĩa khí, đã chọn cho tướng quân một gò đất bên kia là nơi có đất ngàn năm hương lửa. Xin tướng quân đừng bỏ qua nơi đó."

Đoàn Thượng đến nơi gò đất đó và xuống ngựa, nằm gối trên đầu ngọn giáo. Các loài côn trùng xung quanh đào đất và phủ lên thi thể của ông, tạo thành một ngôi mộ lớn. Dân làng sau đó lập miếu và tạc tượng để thờ phụng ông. Thánh Lưỡng Đoàn Thượng thờ ở phía Nam huyện Tĩnh Gia ( Thanh Hoá)

1f40e.png
Uy Minh vương Lý Nhật Quang, còn gọi là Đức Thánh Mượu. Ghi trong sách Việt Điện U Linh Tập (biên soạn vào thế kỷ XIV)

Truyền thuyết kể rằng: Hồi ấy, quân nước Lão Qua thường sang cướp phá vùng biên giới phía Tây, Nghệ An. Vương từng nhiều lần thân chinh đánh dẹp. Trong lần hành quân cuối cùng, gặp thế giặc mạnh, quân ta thất trận. Vương bị tướng giặc chém ngang cổ. Nhưng lạ thay đầu không rơi, người vẫn trên ngựa, men theo tả ngạn sông Lam, phi nước đại về đến xã Bạch Đường thì dừng ngựa, ghé vào quán nước sát bờ sông thì được cô hàng nước bảo: “Ngài bị tử thương khó qua khỏi, Trời đã dành ngôi âm phần tại chân núi Quả… Đó là đất huyết thực ngàn thu”. Ngựa chở Vương đến đó thì trời vừa sụp tối: Người và ngựa liền quỵ xuống bãi cỏ bằng phẳng dưới chân núi Quả. Kỳ diệu thay, trong phút chốc, hằng hà sa số con mối xúm nhau đùn đất, lấp kín thi thể Vương thành ngôi mộ to. Ngài được thờ tự chính ở đền Quả (núi Quả Sơn, Đô Lương, Nghệ An) .
(Theo bài viết Sứ mệnh cuối cùng của chiến mã- báo Giác Ngộ)

3️⃣
Gió “Ông Cụt”

Gió cát, gió bão là một hiện tượng tự nhiên khi đòng khí lưu di chuyển đột ngột từ nơi có áp suất cao sáng thấp. Nhưng trong dân gian đôi khi chúng được mô tả một cách ma mị, có phần liên đới tới hình ảnh vị tướng vong trận trở về.

1f4cd.png
Vùng Nghệ An có câu chuyện Ma Cụt Trốc, xuất hiện trong xoáy cát, cũng mang hình tượng vị tướng cụt đầu như truyện ở Quảng Nam.
*Trốc = đầu (tiếng địa phương Nghi Lộc – Nghệ An)
Theo tạp văn của Đỗ Anh Thơ: bài viết Ma Cụt Trốc.
Trích đoạn:
“Trời đứng gió là “ma cụt trốc” hay hiện về. Nó bốc lên một cột cát cao, xoay tròn, múa may, lừng lững đi từ cánh đồng cát này sang đồng cát khác… như một kỵ sĩ không đầu mặc áo choàng trắng.
Mẹ tôi kể, đó là hồn của ông giáo Thụ, chiến sĩ của phong trào Văn Thân, bị Pháp bắt chém ở góc chùa Vảy mấy chục năm về trước, đúng giữa trưa hè. Ngày ông bị chém, bà còn nhỏ, cùng các bạn có đi xem. Bà thấy ông tóc búi tó sau gáy, miệng thản nhiên nhai trầu. Một tên đao phủ múa đao sáng loáng trước mặt ông. Bỗng cái đầu ông lăn xuống cát. Té ra người đứng sau khai đao. Bà thấy máu phọt lên cao và cùng bạn ù té chạy. Tên đao phủ túm tóc ông giơ lên. Có tiếng loa, tiếng trống. Miệng ông vẫn đỏ nước trầu, nhoẻn cười, mắt nhìn lũ trẻ.
Từ đó, ông thường hiện về trong gió cát. Mẹ tôi còn kể, có lần bà và các bạn lấy nón úp được con “ma cụt trốc”. Nó biến mất, để lại cho họ một cái gương và cái lược…”

1f4cd.png
Trên báo Văn Nghệ Quân đội, tản văn của Sương Nguyệt Minh ( Quê quán Yên Mĩ, Yên Mô, Ninh Bình ). có giới thiệu về một nhân vật tên Gió Ông Cụt, xuất hiện tại vùng quê tác giả, tương tự như câu chuyện phần 1. Ông Cụt ở đâu mỗi lần xuất hiện là để đi tuần, quật ngã những tên lưu manh, trộm cắp.
Trích đoạn:
“ Ngoài kia, tiếng vó ngựa cộp cộp vẫn vang lên bồn chồn dẳng dai.
Giá là ngày xưa tôi đã sợ hãi ôm chầm lấy mẹ. Còn bây giờ, sau khi tôi đã qua sông dài biển rộng, len lỏi vào cả những xó rừng hoang vắng, đầu đội bom rơi..., thì nỗi hốt hoảng, sợ hãi gió ông Cụt không còn nữa. Nhưng, tôi vẫn giữ nguyên vẹn nỗi ám ảnh (bây giờ thêm cả lòng thành kính) tiếng gió lướt đêm tối trời và tiếng vó ngựa gõ ngày xưa ấy. Hình ảnh ông Cụt mặc áo giáp, không đầu, tay cầm đại đao, cưỡi ngựa cứ hiện lên rõ mồn một, có thể đứng xa chiêm ngưỡng, đứng gần chiêm ngắm được. Lòng tin về một tín ngưỡng dân gian nhiều hơn hay chỉ là ảo giác? Tôi chưa lí giải được. Chỉ biết rằng gió ông Cụt hằng đêm vẫn hiện hữu trong câu chuyện mỗi nhà, là câu cửa miệng để dọa trẻ con khóc “Mày có nín đi không! Ông Cụt đi tuần đến cổng nhà ta kìa.” Ông Cụt cũng len vào giấc mơ trẻ nhỏ làm chúng thảng thốt, vã mồ hôi. Không sợ làm sao được khi mà trong làng vào những lúc trời lọ lem tối, có những người đang đi, nghe tiếng gió lướt cùng tiếng ngựa gõ móng đã giật mình ngã lăn nhào vào hàng rào.
Lạ kì thay, những người bị hẩy ngã trên đường, dúi dụi vào bờ tre, bụi gai mây, sứt đầu bươu trán hoặc vỡ đầu thành tâm thần ngớ ngẩn... đều là các ngữ khoét vách đục tường thó gà, lén câu chó, trộm trâu bò hoặc là kẻ sống ác trên đời. Nghe có vẻ hoang đường, nhưng sự thật thì vẫn cứ là sự thật, bởi chẳng có người dân lành, lương thiện, tử tế nào bị ngựa ông Cụt xô ngã.”

1f4cd.png
Ở một số vùng quê ở Nam Bộ gió Ông Cụt lại gắn lền với tên gọi và huyền thích khác là Gió Trốt, hay Ông Trốt. Theo những người Khmer Nam Bộ , gió Ông Trốt gắn liền với một linh vật trong văn hoá bản địa Reahu tự cao tự đại. Câu chuyện này MQDGK sẽ chia sẻ ở một bài viết khác. (Trốt = xoáy/ lốc theo phương ngữ)

4️⃣
Kết luận và ý nghĩa

Qua những câu chuyện trên, ta nhận ra một giá trị không thể phủ nhận trong văn hoá dân tộc, đó là tôn thờ những người có công với đất nước, những anh hùng dân tộc và những bậc trượng nghĩa. Những vị tướng này trở thành nguồn cảm hứng cho những câu chuyện mang tính thần thích, dù có một chút sắc thái ma mị, nhưng chúng thể hiện được "thần" và sự bất khuất của các vị tướng trước cái chết. Dù đã mất đi, họ vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình, cưỡi ngựa và đi tuần để giữ bình yên cho xóm làng.

Đồng thời, những câu chuyện này cũng thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người xưa trong việc giải thích các hiện tượng thiên nhiên. Chúng giúp chúng ta có cái nhìn thú vị và khám phá về văn hoá tâm linh xưa, và đồng thời giúp chúng ta tiếp cận sự việc với một thái độ phù hợp. Những câu chuyện này là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa dân tộc, nó mang đến sự hiểu biết và truyền thống cho thế hệ sau này.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom