-
ĐÊM TRĂNG THỨ 48: LINH HỒN TRONG CÁNH BƯỚM.
Không biết từ bao giờ, người Việt ta luôn tâm niệm rằng: hễ chim cú hay quạ đậu trước nhà kêu 7 tiếng thì có nam mất, kêu 9 tiếng thì nữ qua đời. Cũng không biết tự bao giờ người ta đồn rằng hễ linh miêu nhảy qua xác người chết thì có quỷ nhập tràng, chó sủa “một tiếng là ma, ba tiếng là người”... và còn đó những vô số những quan niệm có sự liên quan giữa thế giới vô hình với các loài động vật.
Đêm trăng kỳ này, mời bạn cùng MQDGK tìm hiểu về một hiện tượng thú vị khác liên quan tới động vật - loài Bướm. Chúng ta sẽ vén bức màn bí ẩn xung quanh quan niệm "Bướm bay vào nhà chính là người chết trở về".
Hiện tượng dân gian:
Theo những câu chuyện dân gian truyền miệng, nhiều gia đình sau khi mất đi người thân đã từng có những trải nghiệm kỳ lạ. Trong lúc cúng cơm hoặc khi con cháu tụ tập trước bàn thờ, bất thình lình một con bướm trắng xuất hiện bay vào nhà. Con bướm lớn này bay lượn, đậu lên vai, tóc của những người hiện diện. Nó còn đậu rất lâu lên di ảnh của người đã khuất sau đó mới rời đi.
Ngoài ra, có những con bướm chỉ xuất hiện trong các dịp trọng đại của gia đình, sau đó biến mất một cách bí ẩn. Điều kì lạ là số lượng bướm bay vào nhà thường tương ứng với số người đã khuất trong gia đình trong khoảng thời gian đó.
Những người đi qua những khu vực vắng vẻ đôi khi cũng gặp những cảnh tượng kỳ lạ liên quan đến bướm. Bắt gặp một đàn bướm lạ (có thể là đen hoặc trắng) cuộn thành hình người hay những con bướm khổng lồ mang mặt người trên cánh. Họ cảm thấy sợ hãi và cho rằng đó là dấu hiệu của sự hiện diện ma quỷ.
Những sự kiện này gợi cho chúng ta những cảm giác không thể giải thích hết, đồng thời tạo nên một mảng sắc thái kỳ bí trong tâm linh và văn hoá dân gian.
Định nghĩa hiện tượng:
Theo quan niệm dân gian, bướm chính là sự hoá thân của linh hồn người chết, một cầu nối tâm linh giữa hai miền hư thực. Khi ai đó mất, linh hồn của họ có thể mượn hình tượng con bướm để trở về thăm con cháu. Đôi khi, bướm cũng có thể hiện hình để cảnh báo một cái chết hoặc một sự kiện không may.
Nguồn gốc quan niệm:
- Bướm bay chập chờn, không rõ ràng và xuất hiện mơ hồ giống như một linh hồn.
- Vòng đời của bướm, từ khi nở ra dưới dạng ấu trùng, sâu, qua giai đoạn nằm trong kén rồi lột xác thành bướm, tương ứng với vòng đời của con người từ khi sinh ra cho đến khi già, bị bệnh và qua đời.
- Bướm có xu hướng xuất hiện ở những nơi có ánh đèn hoặc ánh sáng, vô tình bay vào các dịp như lễ tang, cưới hỏi. Nhiều loài bướm không ngại ngần đậu lên người, khiến con người liên tưởng đến hình ảnh của người thân đã khuất đến thăm viếng.
XỬ TRÍ DÂN GIAN:
Vì bướm được cho là linh hồn của người đã mất, người ta thường không xua đuổi chúng như cách mà ta làm với cú heo hay quạ. Thậm chí, một số người còn cố gắng trò chuyện và chia sẻ tâm tư như đang nói chuyện với người thân của mình. Điều này thể hiện lòng kính trọng và tương tác tình cảm giữa con người và linh hồn bướm.
BƯỚM TRONG VĂN HÓA CÁC NƯỚC KHÁC
(Tham khảo)
Trong văn hóa của các quốc gia từ Tây sang Đông, hình ảnh loài bướm không chỉ được sử dụng trong nghệ thuật trang trí bằng tô vẽ, điêu khắc, mà còn có một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được coi là liên quan đến LINH HỒN:
Người Ai Cập cổ đại tin rằng bướm là biểu tượng của sự tốt đẹp dành cho người đã mất, đồng thời là dẫn dắt họ đến cuộc sống vĩnh hằng hay thế giới bên kia.
Truyền thống Hy Lạp cũng coi bướm là biểu tượng của "linh hồn," cho tới khi từ "bướm" (ψυχή) bắt đầu chỉ có nghĩa là "linh hồn."
Trong văn hóa La Mã, hình ảnh bướm bay ra từ miệng người đã mất thường được dùng để tượng trưng cho việc linh hồn đã rời khỏi thể xác. Nữ thần Psyche, biểu tượng của tâm trí và linh hồn, cũng được miêu tả mang đôi cánh bướm trên lưng.
Người Ireland tin rằng bướm trắng là hình tượng của các linh hồn trẻ con trở về, vì vậy đã từng có đạo luật cấm giết bướm trắng vào thế kỷ 17.
Văn hóa dân gian người Đức cũng coi bướm là linh hồn của những đứa trẻ.
Ở Châu Mỹ, bướm thường được xem là biểu tượng của linh hồn người đã khuất. Người Aztec tin rằng không nên ngửi hoa từ phía trên, vì nơi đó là để chờ đón bướm - linh hồn đến. Người Navaho ở Bắc Mỹ coi bướm là sự hạnh phúc và hồi sinh. Các bộ tộc khác ở Nam Mỹ thì tin rằng bướm mang theo những điều ước và đưa linh hồn tới thiên đàng.
Trong Thiên Chúa Giáo, quá trình biến đổi của bướm qua ba giai đoạn hình ảnh được dùng để ám chỉ sự biến đổi tâm linh từ sống, chết đến hồi sinh. Cánh bướm xinh đẹp và bay lượn cũng là biểu tượng của sự phục sinh trong lễ Phục Sinh (Easter).
Người Trung Quốc coi bướm là biểu tượng của điềm lành và sự bất tử.
Người Nhật tin rằng bướm trắng là linh hồn của con người, cho dù đang còn sống, ở ngưỡng cửa cái chết hoặc đã khuất. Khi bướm bay vào phòng khách phía sau cây tre kiểng, đó được coi là dấu hiệu của sự gặp gỡ của người thân yêu.
Bướm còn tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu. Ví như truyện Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài khi cả 2 mất đi hoá thành cặp Bướm quấn quýt nhau, ấy là cái kết của sự hạnh phúc viên mãn.
Ý NGHĨA HÌNH TƯỢNG
Ý nghĩa tâm linh hình tượng bươm bướm trong văn hóa các nước thường liên quan đến linh hồn và sự hồi sinh.
1. Linh hồn và sự tái sinh: Trong nhiều văn hóa, bươm bướm được coi là biểu tượng của linh hồn và sự tái sinh sau khi mất mạng. Điều này liên quan đến quan niệm rằng sau khi người sống qua đời, linh hồn của họ sẽ tiếp tục tồn tại trong dạng của một loài bướm.
2. Sự thay đổi và biến đổi: Quá trình phát triển của bướm từ giai đoạn sâu bướm đến bướm con trưởng thành có thể được coi là một biểu tượng cho sự thay đổi và biến đổi trong cuộc sống con người. Hình ảnh này thường được dùng để tượng trưng cho sự phát triển tâm linh, sự trưởng thành và sự thay đổi tích cực trong cuộc sống.
3. Sự hạnh phúc và tự do: Bướm bướm thường được cho là biểu tượng của sự hạnh phúc và tự do, vì chúng có thể bay lượn tự do trong không gian. Nhìn thấy một bươm bướm bay thường được xem là điềm báo của niềm vui và hạnh phúc trong tương lai.
4. Tượng trưng cho tình yêu và tình nhân: Trong một số nền văn hóa, bươm bướm cũng được liên kết với tình yêu và tình nhân. Nó có thể biểu thị tình yêu mãnh liệt, sự tôn trọng, và quan tâm chân thành giữa hai người.
5. Điều kỳ diệu và linh thiêng: Bướm bướm thường được xem là một hiện tượng kỳ diệu, đặc biệt là khi chuyển từ trạng thái sâu bướm thành bướm con trưởng thành. Điều này làm cho nó trở thành một biểu tượng linh thiêng và được coi là mang đến điều may mắn và điều tốt lành.
Tóm lại, hình tượng bươm bướm trong văn hóa các nước mang nhiều ý nghĩa tâm linh và tượng trưng khác nhau, nhưng chủ yếu liên quan đến linh hồn
KẾT LUẬN
Dù cho việc động vật bay vào nhà chưa được giải thích khoa học rõ ràng, nhưng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng tập tính của chúng là nguyên nhân. Khi có những đám tang, lễ, nhiều đèn nhang bướm có thể bị cuốn hút vào những nơi này. Điều tương tự đã xảy ra với chim Cú heo khi bị hiểu lầm là “thần chết” vì bay vào nhà do tập tính đánh hơi được tử khí từ người sắp mất. Chúng ta không thể biết hết sự thật ẩn chứa sau bức màn tâm linh nhưng việc tạo niềm tin tích cực không bao giờ là vô nghĩa. Đó thể hiện sự kính trọng của ông cha ta đối với những người đã mất và tưởng nhớ về họ bằng những hình ảnh đẹp đẽ.