• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Truyện dài : Ma quỷ dân gian kỳ truyện (2 Viewers)

  • ĐÊM TRĂNG THỨ 45: CHUYỆN VỀ “CÁI HUÔNG” / "CÁI DỚP"

1f479.png
HUYỀN TÍCH VÀM ĐÔI MA (CẦN ĐƯỚC- LONG AN):

Ở Cống Đôi Ma nằm bên sông Vàm Cỏ Đông, trên con rạch Đôi Ma thuộc xã Long Cang (huyện Cần Đước, Long An). Con rạch mang tên “Đôi Ma”, theo những người lớn tuổi ở đây, gắn với chuyện 2 người yêu nhau mà không thành, đã cùng tự vẫn trên con rạch này.

“Chuyện tình đẫm lệ trên được ghi rõ tại trang 63, sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Lục tỉnh Nam Việt, tập thượng do Nhà văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản năm 1959. Sách này viết: “Sông Song Ma: Ở phía Nam huyện Cửu An 22 dặm, có tên nữa gọi là sông Tình Trinh, là hạ lưu của sông Cửu An.
Tương truyền, xưa có người con gái nhà giàu vừa tuổi cập kê, ái mộ một cậu học sinh là Nguyễn Vi Nhân, nhưng vì hổ thẹn nên không tư ước cùng nhau. Còn cậu học sinh vì nhà nghèo chẳng dám mượn mai mối đến nói việc hôn nhân, nàng tương tư, uất hận mà chết.
Cha mẹ cô thương tiếc, không đem chôn ngay mới cất cái lều ở sau vườn làm nơi quàn cữu (chỗ để quan tài). Cậu học sinh nghe cô chết bèn đến thắt cổ chết ở bên, nhân đó, người ta quàn cả hai một chỗ, âm khí kết tụ lâu thành ma quỷ.”

Từ huyền tích này, người xưa sinh sống xung quanh con sông Song Ma vẫn lưu truyền những câu chuyện ma mị về đôi trai gái cùng thiên tình sử bi thương. Có người kể, sau khi đôi tình nhân ấy chết, đêm đến có một cặp thiên nga đen cùng nhau kiếm ăn ở đoạn sông nơi từng để áo quan của họ.
Một số khác lại khẳng định, đêm về ai đi ngang qua đoạn sông này cũng nghe thấy tiếng khóc của đôi tình nhân. Thậm chí nhiều người còn đồn đoán việc nhiều cặp tình nhân đuối nước chết cùng lúc tại cống Đôi Ma là do “oan hồn” của đôi tình nhân năm xưa tác động…” - Thông tin trích ra từ bài báo Tình sử bi thương trên khúc sông nhiều người gặp nạn ở Long An của Vietnamnet.

♦️
Câu chuyện về những cặp tình nhân yêu nhau rồi cùng quyên sinh khi gia đình cấm cản xuất hiện trong nhiều câu chuyện, điển tích dân gian (đồi thông hai mộ ĐL…). Có câu chuyện là kết thúc đẹp đi vào thơ ca, có chuyện trở thành truyền thuyết liêu trai gây ám ảnh khi kéo theo đó là nhiều cái chết tương tự như câu chuyện trên. Dân gian ta gọi những nơi như vậy có HUÔNG.

♦️
Nhiều người ngày nay khi nghe người lớn trong nhà nói về “CÁI HUÔNG” cũng hơi khó hiểu và còn lạ lẫm, nhất là các bạn trẻ. Ví như: nhà đó có huông bệnh tật liên miên, cung đường này có cái huông lấy đi mấy mạng người, cái huông trộm cắp, cái huông chết chóc. Đủ thứ cái “huông” mà cũng chẳng mấy khi ai ngồi đó giải thích. Nhưng đa phần người ta dùng từ này để nói về những cái không tốt, không may, thậm chí mang màu sắc chết chóc, tâm linh.

1️⃣
ĐỊNH NGHĨA:

1f4d6.png
Từ CÁI HUÔNG phổ biến ở miền Tây Nam Bộ hay từ “CÁI DỚP” theo cách gọi người Bắc, được xem là một nhận thức dân gian có từ lâu đời. Tuy khá mập mờ về ngữ nghĩa nhưng ý chỉ sự ràng buộc trong vòng luẩn quẩn (lặp đi lặp lại) và không thể thoát ra được. Sự lặp đi lặp lại tạo cho con người cảm giác đáng sợ bởi những điều ma quái khó giải thích.

1f4d6.png
Huông dt. (truyền): Vận xấu truyền nối: Nhà đó có huông, ai mới dọn về ở cũng bệnh; Bến đò có huông, năm nào cũng có người hụt chân chết chìm.
(Theo từ điển Lê Văn Đức)

2️⃣
CÁI HUÔNG TRONG DÂN GIAN:

♦️
Cái huông mà nhiều người gặp nhất có thể là huông đường.

Khi đi qua một đoạn đường vắng, đoạn đường từng xảy ra tai nạn chết người. Một số người sẽ cảm thấy chóng mặt, tối sầm mặt mũi, chân tay run rẩy không rõ lí do.
Nhiều người còn có cảm giác nghe được những tiếng khóc, rên rỉ, tiếng nói trong đầu kêu họ phải làm theo lời họ. Hay tạo ra vật cản để nạn nhân phải lạc tay lái, hay không nhìn thấy được người trước mặt.
Mạnh hơn nữa là tác động vật lý trực tiếp gây té ngã.
Những trường hợp rơi vào huông bị ma quỷ tác động thường gây ra những vết thương chí mạng.

Tuỳ vào may mắn hay ông bà gánh mà nạn nhân sẽ vượt qua hay mất mạng.

Những nơi đó nhận biết khi thấy có nhiều miếu âm hồn, cần giảm tốc độ khi di chuyển.

♦️
Phổ biến thứ 2 có thể là huông nước. Ở một đất nước nhiệt đới, nhiều ao hồ sông suối, đường bờ biển dài như Việt Nam thì việc mất do bơi lội khá phổ biến. Có một số nơi vì có nhiều người mất sẽ tạo nên cái huông. Như câu chuyện ở đầu bài viết. Có quan niệm huông đó tạo ra từ việc ma da, Hà Bá bắt người tại khu vực đó.

♦️
Ngoài ra còn một số cái huông khác ví dụ như: Khu vực có người mất do tai nạn lao động, sự cố cầu đường. Huông nhà có người mất do Th.ắt cổ, nhảy lầu, tự vẫn, sự cố thang máy. Một số cái huông về tang ma khi gia đình xảy ra trùng tang trùng phục.

1f4cc.png
Kết luận:
Chỉ cần là một sự việc được lặp đi lặp lại theo chiều hướng tiêu cực, ma quái không thể giải thích thì đã có thể gọi là huông. Cái huông có thể hiểu như một lời nguyền mà người chết trước đặt ra để vào một thời điểm nào đó “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cái chết tương tự lại tiếp diễn.

3️⃣
NGUỒN GỐC

♦️
Theo Tâm Linh dân gian:

“ Lời nguyền” từ người chết oan tại những địa điểm có huông: do mất trong oan ức sinh ra oán hận và luôn tìm cách phá hoại, trả thù. Khi gặp nạn nhân đủ điều kiện sẽ xui khiến họ làm điều tương tự.
Nhiều vong hồn khi mất không người nhang khói cúng kiến trở nên đói khát, họ ra dấu hiệu để mọi người thờ cúng. Số khác cho rằng bắt càng nhiều người họ sẽ sớm siêu thoát, có người bầu bạn như ma da, ma đường tàu, ma chết đường chết chợ. Khi một sự việc lặp đi lặp lại tạo thành cái huông tại khu vực đó.
Khu vực đoạn đường, khúc sông, nhà có Quỷ hay Con Tinh trú ngụ, muốn dụ dỗ bắt nhiều hồn để tu luyện.

♦️
Theo Khoa Học:

Do hiệu ứng tâm lý từ những lời đồn đại cộng thêm vào vị trí có huông rơi vào nơi địa thế, khí đất không tốt tác động xấu đến sức khoẻ tâm lý con người. Nhiều trường hợp sinh ra ảo giác.
Một số khúc sông có vực cát sâu, hay xoáy nước, khúc cua gắt khó quan sát cũng tạo ra những nguy hiểm tiềm tàng.
Do xác suất thống kê, trong một thời gian dài vô tình “ứng” vào tạo ra những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Dễ tạo nên lời đồn không có thật. Gây tâm lý hoang mang.

4️⃣
XỬ TRÍ DÂN GIAN:

Một số cách khắc chế:
Huông là một vòng lẩn quẩn khó thoát nhưng không phải không có cách khắc chế. Những cách sau là theo dân gian có phần tâm linh, người xem cũng nên chọn lọc. Cơ bản là giữ cho mình an toàn và tỉnh táo khi tới những nơi không sạch sẽ cũng như giữ sự tôn trọng với người đã mất.

Giữ cho tinh thần tốt không để rơi vào trạng thái tiêu cực trong thời gian dài. Vì dễ thành miếng mồi ngon cho ma quỷ dụ dỗ. Thường rơi vào những người chán nản cuộc sống có ý định tự sát. Khi họ đi tới những nơi không sạch sẽ hay dễ nghe thấy tiếng nói trong đầu hối thúc họ chết.
Hạn chế đi đêm, qua những cung đường vắng nguy hiểm phải giảm tốc độ, bấm kèn báo hiệu. Niệm kinh theo tôn giáo của mình. Thường người ta hay niệm” Nam mô A Di Đà Phật” trong suốt quãng đường đi đó.
Đường nếu thấy có nhiều vạch sơn kẻ, hay nhiều miếu thờ thì nên chạy một cách cẩn trọng, bấm 3 hồi kèn để tĩnh tâm, xin đường. Không bàn tán tai nạn hay trêu ghẹo, báng bổ các gian thờ. “ Có thờ có thiêng có kiêng có lành” là vậy.
Không tắm ở ao hồ sông suối vào giữa trưa, hay sau 6 h chiều. Không lai vãng ở những nơi có hàng rào, biển báo nguy hiểm, cấm bơi lội.(Chưa tính tới “huông” nó có thể là nơi có cát lún, hố sâu hay xoáy rất nguy hiểm)
Nơi có người mất cần được trang trọng, không làm ô uế, cải tạo hay chuyển đổi công năng để tránh vào vận xui của huông. Cũng tránh được cái nguy hiểm mà người trước từng mắc phải.

Trên đây là những gì mình biết về thứ gọi là cái huông trong dân gian. Có thể nhiều nhận định khác nhau nhưng nhìn chung mọi người cũng nên có sự hiểu biết đơn thuần về những hiện tượng trong đời sống để có cách xử lý cho phù hợp. Nếu bạn biết thêm kiến thức nào hay có gì cần đính chính cứ bình luận bên dưới cho bọn mình rõ nhé.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom