• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Trong thoáng xuân Hà Nội (2 Viewers)

Hà Nội, 10. 9. 1987

Nhàn, Trà thân mến,

Mình viết cho hai bạn khi đám đi Gorki sắp lên đường. Lại nhớ những hôm thoáng qua ở bên đó. Còn bây giờ, thôi, xin vào chuyện. Vẫn linh tinh, theo lối bọn ta.

Tình hình bên nhà, nổi nhất từ khi mình về là chuyện báo chí tố cáo các vụ việc. Tôi tiếc là các ông không được đọc Tuần tin tức, [1] vì chắc nó là bản tin, bên ấy không cho mua. Nhưng qua một số các báo khác, chắc các ông cũng ít nhiều hình dung ra. Thôi khỏi kể lại các chuyện ấy. Ý nghĩa của nó mới đáng nói. Ý nghĩa ấy là dân chủ. Tất nhiên là một thứ dân chủ còn kèm theo quá nhiều điều kiện. Dẫu vậy cũng tốt hơn.

Giới báo chí hăng hẳn lên, dũng cảm hẳn lên. Lắm khi, cái đáng nghe nhất trong ngày lại là các buổi phát thanh thời sự, phần bản tin, vì nó xông vào các vụ việc. Giá báo đắt lên mà không ế… Nhưng người ta thích và muốn chặn tay báo chí ghê lắm. Ông Nguyễn Văn Linh thì coi báo chí là chiến hữu, thực chất là thế. Nhưng nhiều lực lượng ngăn cản lắm. Nghe nói sau một loạt vụ việc được báo chí tung ra, trên Tuyên huấn thông qua Cục Báo chí gì đấy, có triệu tập một cuộc họp những nhà báo đã viết các vụ tiêu cực. Họ khen, rồi trách là đã để thiếu chính xác chi tiết này chi tiết kia, và đề nghị những người dự thông qua một thứ “Tuyên bố chung”, trong đó cam kết là không viết về tiêu cực từ cấp thứ trưởng trở lên, không viết về các ngành an ninh, quân đội. Vậy là những người dự phản đối. Không xong, vài tuần sau, họ họp hội nghị các Tổng biên tập các báo. Họ trách các Tổng biên tập không chỉ huy nổi quân mình, để viết tùm lum… Chính một số Tổng biên tập phản đối, mà găng nhất lại là ông ở tờ Tiền phong. Cái tờ báo gần thành lá cải này, nay được mua, là vì nó tố các vụ việc liên quan đến lợi ích thanh niên các giới… Bảo họ “ngoan” trở lại thì tức là bảo họ trở về thứ lá cải như xưa chứ gì? Thế là cuộc này (chủ trò là L.X.Đồng và Ph.Quang) không thành nốt. Sau rốt, khi ông Đào Duy Tùng ở Sài Gòn ra, trả lời: bất cứ cấp nào, giới nào cũng đều bình đẳng trước dư luận. Vậy là hơi ổn. Nhưng cái chiến dịch chống tiêu cực (mà thực ra phải gọi là chiến dịch dân chủ hóa dư luận xã hội) này nay cũng đang bớt hào khí. Hội nghị TW.3 không thỏa mãn những chờ đợi. Việc chống tiêu cực bắt đầu có vẻ “do nhà nước làm”, các ngành triển khai, các ông thủ trưởng đứng ra phân xử. Cứ đọc Nhân dân thì thấy. Hình như người ta phê ông Ng.V.Linh trong hội nghị TW.3 về chuyện này, bảo là không làm cái chính… Cái hào khí đã hơi nhụt này bây giờ đang tác động… Kể ra cũng đúng thôi, vì các dân tộc khác người ta dân chủ vì người ta đổ máu để giành lấy nó. Còn ta? Dân chủ nếu chỉ do ban phát mà có, tất không bền và rất dễ biến tướng, trở thành công cụ kiểu khác…

Đời sống vẫn là thứ rất nóng bỏng. Giá cả tăng phát sợ. Bơm một lốp xe đạp là 5 đồng. Một gia đình như tôi, ăn rau, một tháng cũng tốn hơn chục ngàn tiền đi chợ. Chỉ những ai có vàng, có ngoại tệ mạnh mà tiêu lúc này là sướng, vì cái gì cũng rẻ đi so với tốc độ tăng giá vàng. Nhưng lũ chúng ta, thì tiền giấy, dù có sắp thành giấy lộn, cũng cứ là khó kiếm. Vất vả lắm. Vợ mình vừa bị một trận đau cột sống gần 1 tháng. Thằng con lớn dạo hè ham đi bơi nên bị viêm phế quản hơi nặng, soi thấy rốn phổi đậm, giờ vào lớp 12 mà cứ phải tiêm kháng sinh suốt. Rất đáng lo. Có bao nhiêu thứ đáng lo nữa…

Thôi, bây giờ nói đôi ba chuyện “văn giới”. Chuyện đại hội, có vẻ gần mà lại xa. Nó thiết thân với lớp người dưới 50, vì mấy năm nay thấm cái đau của đại hội trước. Còn với lớp già, “sau ta là hồng thủy” – họ thiết gì cái đại hội mà phần chắc là họ bị cắt mất quyền. Nhưng lớp trẻ đổ đốn không ít, vì lợi ích riêng, vì tham lam. Ông có nghe chuyện C. L. đến hành hung N. Ngọc tại nhà vì chuyện cậu ta không đủ “điểm” đi Gorky không? Đấy là một “vụ” mà người ta có định hướng đấy. Ông phải hứa là sẽ quan sátviết thật cho tôi những cảm tưởng của ông về cái bọn đến Gorky ấy nhé. Tôi nghĩ hơi sớm rằng cái vụ Gorky này sẽ là một đám thính (mồi) người ta đã rắc đúng lúc cho một đàn cá mương để làm chúng tan rã, tan đàn, tan ý chí chống đối. Những tâm lý hàm ơn đã được cho đi, những xung khắc khi được nhốt chung chuồng này… đều là một cú đánh rất hiểm rất ngọt để lớp người dưới 50 này lại bại một lần nữa trong cuộc tranh đua tại đại hội tới cho mà xem. Chao ôi, thế hệ đồng niên tiên thiên bất túc! Ông phải để tâm nghe và kể cho tôi nghe chi tiết của những cuộc đi săn Capaтoв [Saratov = tên loại tủ lạnh Liên Xô] này nhé. Tôi không dám làm bộ đạo đức đâu, vì cả chúng ta nữa, cũng thèm có thêm một chút của cải cho đỡ cực. Nhưng hãy để mắt đến cái cuộc tung lưới này. Đám già kia vừa may mắn, vừa láo xược thật đấy.

Nếu ông được thấy tờ tạp chí số 1 “Tác phẩm Văn học”, hẳn ông sẽ xác định lại cái cách gọi của tôi. Tập hợp quanh đó là cả
một lô những thây ma văn học, những kẻ đã mất giá và những kẻ chưa đủ giá. T.Đ. nhờ công đã biên tập mấy quyển sách dày cho chị Tú nên được về đây làm biên tập. Ông Thi đuổi một cô đánh máy hợp đồng để đưa con dâu về làm hợp đồng đánh máy… Khi tôi thấy cha Quyền (đánh máy ở báo “Văn nghệ” xưa, có chơi với các cụ Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài…) xuất hiện làm hợp đồng đánh máy đến làm việc thường xuyên ở tờ tạp chí này, tôi tức mình vì không có ông Nhàn ở cạnh để bắt ông chứng cho cái câu định nghĩa ác khẩu của tôi. Hàng tuần, cứ thứ hai cả tạp chí họp ngay từ sáng, đông đúc ồn ào, trà ngon, thuốc Bông Sen hẳn hơi (Tác Phẩm Mới họp cơ quan may lắm thì có Sông Cầu). [2] Sếp Thi vung tay, cái đầu bạc trên khuôn mặt xì xị nhợt nhạt viền một hàng râu trắng xén theo kiểu Hemingway của H.T.Th. rung rung, cặp kính Th.Rèn rung rung đắc ý… B.B.Thi trực tạp chí có lẽ đến 9-10/24 giờ mỗi ngày, rất mẫn cán, rất ưng ý cái chức Thư ký tòa soạn vốn đã bị bác bỏ trong hệ thống báo chí Việt Nam bây giờ. Thế mà lỗi biên tập, lỗi in đầy rẫy. Chỉ thương cụ K.Lân lọc lõi phải phụng sự cái đám rất ít tâm huyết với văn chương này. Đúng hơn, chung quanh nó là một thế lực cũ, đang khuếch trương thế lực để “làm một cái gì đó” theo ý đồ của mấy người cầm đầu…

Có lẽ tôi hơi ác cảm với “Tác phẩm văn học” chăng. Thôi vậy.

Giới phê bình cũng có vài ba chuyện. Bài ông Mạnh, chắc ông sẽ đọc, cũng là “hô ứng” với ý kiến của tôi. Nhưng đám Đệ, Đức, P. Lê, H. Tr. không vừa lòng đâu. H. Trinh bảo với Th. Mai: cónhững ý trong bài ông Độ (Đổi mới và văn nghệ, văn nghệ đổi mới) không thể tán thành, cần tranh luận, nhưng không chịu viết bài; cũng H. Trinh bảo Tr.Đ.Sử: bài Ân rất láo. Đệ thì đưa lập luận: có những ý kiến phủ nhận thành tựu phê bình. Đệ nói trong lớp phê bình: đánh giá văn nghệ tiên phong chống đế quốc tức là có thành tựu phê bình trong đó, phủ nhận tức là phủ nhận đánh giá của một đại hội Đảng! Ph.Lựu sau đó bảo tôi: ý kiến của Đệ là có sự hậu thuẫn đấy. Tôi hỏi ai hậu thuẫn thì Ph.Lựu không nói. Một lời nhắn răn đe chăng?

Không biết tôi có kiếm được tờ Thể thao Văn hóa có bài Phan Hồng Giang viết về Những dịch giả văn học Việt Nam ở Liên Xô gửi cho ông không, vì có một tờ cho bà Inna [tên gọi tắt Inessa Zimonina] cũng hay. Cái “hay” tôi muốn ông thấy là cái lối viết nó tố con người tác giả. Ở đoạn cuối ấy, khi y muốn “tiện thể” chê bôi nhà văn trong nước, nào những “gì cũng cho mình là nhất, chủ nghĩa ao chuôm chòm xóm…”. Tôi bảo: sao không viết thành một bài riêng đàng hoàng nói cái yếu của văn học ta nhỉ. Nhưng chất PHG. là thế. Khinh người, nhưng không dám nói thẳng mặt. Lũ ta cũng có cái hèn tiềm năng như thế chăng?

Ông Mạnh đi dạy ở Campuchia ít ngày, chắc sắp về. Sử đi Nga làm tiến sĩ. Nguyễn Văn Long cũng đi thực tập. Cả hai sắp lên đường. Tôi bảo Long tập hợp bài vở xem, có khi làm cho Long một tập ra trước Vũ Quần Phương cũng nên. Tập của Ngô Thảo, tôi đưa vào kế hoạch 88, không khéo sẽ là “mối tình cuối” của Thảo với văn học, nếu không phải thế cũng chả sao. Thảo được đưa vào làm thư ký thường trực cho Hội đồng kịch bản sân khấu của Hội Nhà văn; Thảo đưa lập luận: Hội đồng này chỉ gồm các người sáng tác kịch bản, còn những người phê bình sân khấu phải đưa sang Hội đồng phê bình. Tức là Thảo muốn sang đối mặt với Phan Cự Đệ đấy, con người “từ cuộc đời chiến sĩ” mà! Nếu được thế thì càng hay.

Mình hay buồn vì lẻ loi. Sử thì bận, lại sắp đi. Thỉnh thoảng tối mình sang N.V.Bình, được nghe ít chuyện bên “Văn nghệ quân đội”, nhưng Bình nó không say chuyện lắm. Nhìn nó ngồi nhổ râu, mình lại sực nhớ đã làm phiền thời gian nghỉ ngơi của nó. Quay về nhà, đầy việc mà chẳng thấy thích làm việc, chỉ thích tìm người chuyện gẫu mà tìm không ra. Tự thấy có lẽ mình chả là cái thá gì, chả làm nên chuyện gì cả. Thế mà lại trót dính vào văn chương rồi.

Trong mọi chuyện làng văn, lắm lúc mình tin vào ý N.Thảo: các thứ Ban chấp hành, Ban thư ký chẳng là gì hết. Cái chính là anh em họ viết được gì đọc được, giữ được chút gì gọi là chất văn của một thời. Bao giờ có nền văn học ra trò của đất nước này? Chắc khi ấy, chúng ta đã là cát bụi từ lâu. Những mớ giấy lộn mà hôm nay ta hăm hở tự coi là tâm đắc, sẽ bị lãng quên hết. Ở đất nước này, bị lãng quên là một hình phạt đồng hạng giành cho cả những người ưu thời mẫn thế lẫn những kẻ xu thời kiếm chác trong cơn đục nước béo cò…

Chuyện cải tổ từ Nga dội về nghe sao mà hào hứng, háo hức, như ở xa có hội, không được đến xem thì ra ngõ mà ngóng nhìn, rồi dò hỏi người qua kẻ lại… Nhưng quay về chuyện xóm ngõ thì sao mà ngao ngán. Không ngại xắn tay lên làm điều có ích đâu, nhưng sẽ nghĩ gì khi người hàng xóm bảo: vô duyên, xắn tay lên làm gì, ai khiến, đã có chuyện gì ghê gớm lắm đâu mà nhắng xị lên… Mình tự bảo: mình chưa có lúc nào học được cái điều biết sợ, vẫn còn nhơn nhơn lắm, thế mà cũng thấy nản. Nản chứ không phải là sợ đâu.

Thôi, bây giờ sang chuyện cơ quan. Anh Kiên yếu luôn nên anh Nam vẫn làm nhiều việc hơn thường lệ. Hôm nọ nghe nói ông
Tr.Độ thông qua Ng.Khải giao cho Tác Phẩm Mới chuẩn bị tăng quy mô ra sách lên gấp đôi, lại chuẩn bị ra tờ tạp chí Văn học nước ngoài thành tạp chí hàng tháng. Anh Nam đang chuẩn bị. Việc thì nhiều, người làm thì e chừng vắng, thiếu nhiều. Ý Nhi sẽ đi Sài Gòn, vào chi nhánh trong ấy, chị Tâm Trung cũng sẽ vào. Phú điều hành kinh doanh. Quỳnh sang biên tập thơ (giới làm thơ lo Quỳnh về sẽ kéo theo một lối biên tập khác, chọn khác, khó chấp nhận những kiểu thơ đổi mới; tất nhiên thơ L.Q.Vũ sẽ được in ngay thôi). Thư đi học 3 năm từ tháng 9 này. S. Hồng hay đau yếu, vài lần sảy thai rồi, chuyện con cái nghe chừng sẽ lận đận. T.B.Tân ra liền mấy tập truyện ngắn, đang xin rút không làm phó phòng nữa. Đi Tbilisi vừa về Tân đã có điện mời sang dự kỷ niệm 150 năm sinh ông Chavchavadze. Thật là một học trò lỗi lạc của B.V. trong nghệ thuật ngoại giao móc nối. B.V. có sang Tác Phẩm Mới vài lần, như đi đường mệt ghé chơi gốc cây, nói chơi vài chuyện, thở những bê bối lặt vặt trong Hội Hà Nội và bảo: tôi thấy con người xấu quá nên đếch thèm làm thơ nữa; các ông xem từ lâu nay tôi có thơ đăng báo đâu. Anh chàng Tân đang học cách đi từ nghề biên tập sang nghề văn chuyên nghiệp để nổi tiếng hơn nữa đây. Trước đây thì mình, sau có thêm Nhi, Quỳnh, hay chất vấn: sao Tác Phẩm Mới thường chỉ in văn học loại 2 – 3 của thế giới? Nhưng tác dụng chả mấy. Sách bây giờ cứ phải kinh doanh, cả sách phê bình cũng cứ phải xấu hổ khi xuống đến phòng quản lý xuất bản. Cái nghề của ông Nhàn và tôi xem ra cũng chả chắc chắn gì.

Thôi, vài nét về công việc liên quan đến bài vở của hai bạn.

Bài của Nhàn, “Văn nghệ” đã in đến bài thứ 2,[3] một bài còn lại mình đưa sang Đại đoàn kết, không rõ số phận thế nào. Nhưng ông thấy đấy, bài đăng được cả. Vậy thì ông cứ liệu mà viết đều đều gửi về. Điều tôi nói trong vài thư trước là điều nói “trong xưởng”. Khi hàng ra khỏi xưởng, phải quảng cáo cách khác, không đánh giá thấp đâu. Bài của Trà, sau khi Sử và mình cắt cúp (có đau không Trà?) đã đăng[4] và dư luận khen nhiều, coi như bài lý luận “tầm cỡ” nhất trong thời gian vừa qua ở Việt Nam. Thế là mừng quá chứ. Trà có duyên hơn Ân và Nhàn nhiều đấy. Đáng lẽ tao phải nhìn dáng đi của mày để nhận ra điều đó sớm hơn kia! Chắc đang bận lắm hả? Không ép đâu, nhưng có bài “cơ bổn” nào đang tâm đắc, nên tranh thủ
viết gửi về. Sắp tới, mày chẳng còn trường thi nào để thử sức nữa đâu ngoài trường thi dư luận. Tao và Nhàn ưng cái trường thi nói sau này hơn. Mày cũng nên nhập cuộc hẳn. Cho nó vui thôi đã. Có đồng bạn hô ứng là vui. Chỉ sợ cái bằng sẽ đưa mày vào các chức vụ, giành đi nhiều thì giờ, cột thêm vào mày những cái tinh ý, dè giữ…

Thôi, đã viết quá dài. Đăng ra được cả hai trang báo “Văn nghệ” mất. Tao kể Nhàn nghe cuộc gặp ông Đông Hoài sáng qua. Điều đáng nói là cái ông… như thế mà, bây giờ cũng lắm ý “đổi mới”. Ông ấy bảo: tình hình mới rồi, phải nghĩ mới, phải duyệt lại. Ông ấy nói: Cái Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam vang dội khi xưa, hay ngược nữa, cái Đề cương 43 với 3 khẩu hiệu, bảo nó là sáng tạo, là nay vẫn đúng thì đấy là vì người nói thế chính là người thảo ra nó 40 năm trước. Nhưng đừng quên trước đó mấy năm, Mao đã đưa ra 3 khẩu hiệu này ở Diên An. Bây giờ không duyệt lại thì thế hệ sau sẽ duyệt lại, phán xét… Đấy, một ông sắt đá thế cơ mà. Đúng là công cuộc đổi mới, làn gió đổi mới cũng có những tác động đáng kể. Thế là mừng rồi.

Chúc Nhàn khỏe, đừng quên hứa và làm như nói trên. Chúc Trà khỏe, gặp nhiều thuận lợi trong kỳ bảo vệ. Hẹn gặp lại ở Hà Nội và Sài Gòn.

Tạm biệt

LẠI NGUYÊN ÂN


Chú thích


[1] “Tuần tin tức”
báo ra hàng tuần do Thông tấn xã Việt Nam xuất bản và phát hành, số đầu
tiên ra ngày 14/5/1983; báo do Đào Tùng, Tổng biên tập Thông tấn xã
Việt Nam trực tiếp làm Tổng biên tập (theo Đỗ Phượng: Tuần Tin tức, cơn địa chấn 25 năm trước // Nội san nghiệp vụ thông tấn, Hà Nội, s. 3/2008).


[2] Bông Sen, Sông Cầu: tên các nhãn thuốc lá phổ biến ở Hà Nội đương thời.


[3] Các bài tiểu luận của Vương Trí Nhàn đăng tuần báo “Văn nghệ” dưới đề mục “Thư Mát-xcơ-va”, mở đầu là bài Sự trở lại chính mình. Văn học Xô-viết và công cuộc cải tổ ở Liên Xô hiện nay (V.N., s. 30, ngày 25. 7. 1987), tiếp đó là bài: Đối mặt với quá khứ (V.N., s. 36, ngày 5. 9. 1987).


[4] Đó là bài Tư tưởng lý luận của nhà văn và sáng tác văn học, tiểu luận của Lê Ngọc Trà, đăng “Văn nghệ” s. 34 (22. 8. 1987)
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom