• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full TỔ ẤM NƠI TẬN CÙNG THẾ GIỚI (2 Viewers)

  • Chương 2-5

BOBBY



Đó là sự khởi đầu cho cuộc đời thứ hai mới mẻ của tôi, trong một thành phố có vòng quay riêng của chính nó – một quỹ đạo hối hả hơn bên trong vòng quay xanh thẳm điềm tĩnh của trái đất. New York không chào đón những kẻ tuyệt vọng và sống không mục đích vốn vẫn hay quanh quẩn ở những nơi nhỏ bé hơn. Ở đây, người ta thường lái xe vượt đen đỏ. Họ còn vừa đi bộ vừa chửi rủa ngay trước mũi những chiếc ô tô.



Tôi không tìm được việc ngay. Tôi thừa nhận rằng mình cũng không nhiệt tình lắm với việc đó. Jonathan hầu như ngày nào cũng đến văn phòng. Thi thoảng cậu ở lại đó đến tận nửa đêm. Cậu gọi sự nổi tiếng của tờ báo là một thảm họa tự nhiên – một ngọn núi lửa không ngừng phun trào khiến cho ngôi làng dưới chân núi không có thời gian để tự xây dựng lại. Người thợ xếp chữ biên tập lại bản thảo, nhân viên lễ tân bị quá tải với công việc sắp xếp, có sáu cuộc gọi đang chờ và ba nhà quảng cáo đang kiểm tra đồng hồ trong căn phòng đón tiếp mới trắng tinh. Cùng với chuyên mục hàng tuần của mình, Jonathan còn trình bày những trang giải trí và viết bài bình về những bộ phim mà cậu chưa hề xem, dưới một cái tên giả. Có những sáng, cậu uống hai tách cà phê, lao ra khỏi cửa, và khoảng mười sáu tiếng sau mới quay về.



Cuộc sống của Clare thanh thản hơn. Nàng là một trong những người có nhiều tiền hơn ta tưởng, nếu căn cứ vào những gì họ đang làm. Nhưng tôi cũng chẳng lấy đó làm thắc mắc. Tôi thấy mừng vì có bầu có bạn.



Tôi luôn thức dậy cùng lúc với Jonathan. Tôi pha cà phê trong khi cậu tắm. Chúng tôi nói chuyện và mở nhạc khi cậu mặc lên người bộ đồ màu đen của ngày hôm đó. Khi đã chuẩn bị xong xuôi, cậu hôn lên má tôi. Cậu cũng hôn Clare, nếu nàng có mặt lúc đó. Cậu thường nói: “Tạm biệt các cưng” và rời đi, tay vẫn cầm nửa chiếc bánh vòng.



Khi cậu đi làm rồi, buổi sáng chuyển sang một nhịp thanh bình hơn. Cuộc sống nội trợ ban ngày của nó. Clare và tôi ngồi ở bàn trong phòng khách với những tách cà phê thứ hai và thứ ba. Chúng tôi xem qua mục rao vặt trên báo. Có lúc nàng sơn màu mới cho móng tay của nàng. Có lúc chúng tôi xem chương trình “Hãy chọn giá đúng.”



Nàng đi làm lúc mười một giờ kém mười lăm. Tôi dọn dẹp nhà cửa, mua đồ ăn cho bữa tối. Ngày nào tôi cũng đến cửa hàng băng đĩa. Tôi không mua đĩa. Tôi chỉ đứng nghe bật cứ bài hát nào mà cửa hàng chọn làm nhạc nền cho việc mua sắm của khách hàng. Tôi ngắm nhìn những người khác, phán đoán xem mẫu người như họ sẽ muốn nghe loại nhạc gì.



Clare về nhà lúc bảy giờ. Tôi luôn dọn sẵn bữa tối. Jonathan tối nào cũng đi ăn ngoài để viết bài cho mục ẩm thực. Clare nói trước đây nàng vẫn thường gặp cậu ở bất cứ đâu và ăn cùng cậu, còn bây giờ nàng thấy vui vì không phải ăn độc một món trong cả tuần. Đôi khi sau bữa tối nàng thường đi chơi cùng bạn bè, có lúc nàng lại ở nhà với tôi, nghe nhạc và xem ti vi. Nàng nói việc đi chơi bắt đầu có vẻ giống với đi làm hơn là công việc hiện tại của nàng. Những đêm nàng ở nhà, chúng tôi làm bỏng ngô và uống Coke cho người ăn kiêng. Đôi lúc nàng sơn lại móng tay lần thứ hai trong ngày. Và vào một đêm thứ Tư của tháng Sáu, nàng bắt tay vào một công việc lâu dài, đó là khiến tôi thay đổi.



Việc đầu tiên nàng làm là cắt tóc cho tôi. Lúc đó Jonathan vẫn ở văn phòng, còn Clare và tôi vừa đi xem phim về. Nàng đã dẫn tôi đi xem bộ phim Tất cả mọi điều về Eve, và ngạc nhiên khi biết tôi chưa từng nghe nói về nó. Hóa ra đó là một bộ phim hài đen trắng cũ, được chiếu ở một rạp chiếu phim, nơi một con chuột chạy ngang qua chân chúng tôi, mau lẹ và nhẹ nhàng như một thôi thúc xấu.



Chúng tôi đã về nhà, ngồi giữa căn phòng khách lòe loẹt. Tôi bắt đầu mở băng của Van Morrison, và nàng nói: “Này, anh đã nghe Steve Reich chưa?”



Tôi nói chưa. Tôi bảo nàng rằng trước giờ tôi vẫn sống bên ngoài vùng phủ sóng của âm nhạc, bắt lấy bất cứ thứ gì bất chợt bay ngang qua. Nàng nói: “Tôi sẽ mở băng của ông ta ngay bây giờ.” Và nàng làm thế.



Nhạc của Steve Reich giống như tiếng mạch đập, với những biến tấu nho nhỏ. Nó là loại nhạc điện tử không phát ra từ nhạc cụ - mà có vẻ được tạo nên từ không khí nhiễu động. Steve Reich giống như một người nói lắp bình thản, không bao giờ phát ra từ đầu tiên và không quan tâm liệu ông có làm thế không. Bạn phải thật chăm chú mới hiểu được ông, nhưng một khi đã hiểu được, bạn sẽ thấy vẻ đẹp giản dị của điều mà ông đang làm – sự lặp đi lặp lại thong thả đáng yêu của nó. Nó nhắc tôi nhớ đến thời thanh niên của tôi ở Cleveland, những biến tấu nho nhỏ ấy như đang khơi gợi lại những điều xưa cũ.



Lúc đó, Clare đã hiểu tôi quá rõ nên nàng để yên cho tôi nghe nhạc. Nàng không nói về những vấn đề không liên quan trong khi nghe Steve Reich giống như lúc xem phimTất cả mọi điều về Eve. Khi cuốn băng đã hết, tôi nói: “Chà chà!”



“Tôi đã nghĩ là anh sẽ thích ông ấy mà,” nàng nói.



“Ôi, đúng vậy. Ông ta thật tuyệt. Ông ta thật, chị biết đấy…”



Tôi cố kết thúc câu nói bằng cách dùng bàn tay ước lượng hình thù của âm nhạc. Tôi không biết liệu nàng có hiểu tôi đang cố nói gì với nàng không.



Nàng chỉ lắc đầu và nói: “Bobby.”



“Ừm?”



“Chẳng có gì. Anh thực sự là một kẻ cuồng tín, phải không?”



Tôi nhún vai. Tôi không biết sự cuồng tín của tôi đặt tôi nằm đâu trong quan điểm của nàng về thế giới này. Tôi không biết liệu tôi có nên thừa nhận hay phủ nhận nó. Tôi nhìn xuống mẫu hoa văn của tấm thảm giữa hai bàn chân mình.



“Anh có biết tôi nghĩ gì không?” Nàng nói. “Tôi có thể hoàn toàn thành thực với anh không?”



“Có chứ,” tôi nói, tò mò về sự thành thực hoàn toàn đó và thực lòng thấy e ngại.



“Điều mà tôi nghĩ chính là: Tôi thấy anh cần phải cắt một kiểu tóc mới.”



Đó chỉ là một gợi ý về vẻ ngoài, một vấn đề làm đẹp chứ không phải về khiếm khuyết của bản thân. “Thật sao?” Tôi nói.



“Tôi nói thật đấy. Thành thực mà nói, trông anh không giống anh lắm. Và nếu anh đi ra ngoài mà trông giống như ai đó chứ không phải bản thân anh, thì kết cục là anh có thể nhận được một công việc sai lầm, kiếm được những người bạn không thích hợp, và ai biết còn có những điều gì nữa. Anh còn có thể dính vào ai đó suốt cả cuộc đời.”



Tôi lại nhún vai và mỉm cười. “Đây là cuộc sống của tôi,” tôi nói. “Nó không có vẻ gì là sai lầm cả.”



“Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu thôi. Anh không thể chỉ quanh quẩn trong căn hộ này để nấu nướng và lau dọn suốt được.”



“Đúng vậy,” tôi nói, dù thực ra tôi đã phần nào tin chắc rằng mình sẽ làm y hệt thế.



“Và, cưng ạ, kiểu tóc Bee Gees đó sẽ chỉ làm cho người ta lạc lối mà thôi. Anh có hiểu tôi đang nói gì không?”



“Ừm. Được rồi. Có lẽ ngày mai tôi sẽ đến, chị biết đấy, một tiệm cắt tóc.”



Bụng tôi sôi lên. Tôi có cần có một mái tóc như một anh hề để hợp với cuộc sống ở New York hay không? Nếu tôi làm thế, tôi sẽ không hợp với Cleveland hay với ngôi nhà ở Arizona của chú Ned và cô Alice nữa. Tôi sẽ không còn đường quay lại.



“Tôi có thể cắt tóc cho anh,” nàng nói. “Miễn phí.”



“Thật không?”



Tôi có thể nhận ra qua tiếng cười của nàng rằng tất cả mọi nỗi nghi ngờ của tôi đã được bùng phát ra qua đúng hai từ đó.



“Tôi từng học làm tóc mà, nếu anh thấy tin được,” nàng nói. “Tôi vẫn còn giữ đôi kéo đấy, tôi có thể tạo choa một vẻ ngoài mới ngay bây giờ. Anh nghĩ sao?”



Tôi ngập ngừng. Rồi tôi quyết định. Đó chỉ là mái tóc thôi mà. Tôi có thể nuôi nó dài trở lại như bây giờ và quay lại với công việc ở Ohio của tôi. Đâu phải là tôi đang đánh mất cuộc sống cũ.



“Được,” tôi nói. “Chắc chắn rồi.”



Nàng bảo tôi cởi áo ra. Đó là điều gây bối rối đầu tiên. Tôi không có dáng vóc săn chắc hay vạm vỡ. Trông tôi quả đúng là một người làm việc trong tiệm bánh. Nhưng Clare đã chuyển sang tác phong nhanh nhẹn của một thợ cắt tóc, và không để sự chú ý của nàng đi lạc xuống phía dưới xương đòn của tôi. Với giọng chuyên nghiệp, dứt khoát, nàng bảo tôi thò đầu xuống dưới vòi nước trong bếp. Rồi nàng vắt một cái khăn lên vai tôi và bảo tôi ngồi trên một cái ghế giữa sàn phòng khách.



Tôi bảo nàng: “Thợ cắt tóc tại gia chỉ luôn tỉa một chút ở hai bên thái dương thôi.”



“Chà, tôi đang chuẩn bị cho một cuộc phẫu thuật nghiêm trọng đây,” nàng nói. “Anh có tin tôi không?”



“Không,” tôi nói, trước khi nhận ra là mình nên nói dối có thiện ý.



Nàng cười. “Ồ, sao lại không? Nhưng hãy cố thư giãn đi, được chứ? Hãy để Gái già này lo liệu.”



“Được rồi,” tôi nói. Tôi cố không nghĩ tới việc trông mình sẽ như thế nào. Khi nàng bắt đầu với chiếc kéo, tôi tự nhủ rằng cuộc đời chúng ta được tạo nên từ những thay đổi mà chúng ta không thể kiểm soát được. Việc để cho những điều nho nhỏ xảy ra cũng là một thói quen tốt. Cây kéo cắt sát vào tai tôi. Những nhúm tóc ướt của tôi, trông tách rời và chẳng còn sức sống, rơi xuống sàn nhà xung quanh tôi.



“Chị cứ làm cho đến khi nào xong nhé!” Tôi nói. “Ý tôi là, tôi sẽ không nhìn cho đến khi chị làm xong đâu.”



“Được thôi,” nàng nói. Nàng dừng cắt trong một phút và mở băng của Van Morrison lên để giúp tôi bình tĩnh.



Nàng cắt tóc cho tôi mất gần bốn mươi lăm phút. Tôi cảm thấy hơi ấm và mùi hoa nhài thoang thoảng tỏa ra từ người nàng, và những ngón tay thoăn thoắt, thành thạo của nàng lướt trên da đầu tôi. Hơi thở nàng khiến tôi thấy nhồn nhột. Từ lúc nàng bắt đầu, tôi đã mong việc cắt tóc sẽ diễn ra suốt cả đêm – để tôi không bao giờ thấy kiểu đầu mới, mà cứ mãi ngồi nửa mình trần giữa một đống tóc rụng đang dày thêm lên của chính mình, bị vây quanh bởi tiếng tanh tách đem lại từ sự tập trung của Clare.



Nhưng cuối cùng, nàng cũng xong. Với một tiếng thở phào và nhát cắt cuối cùng ở thái dương tôi, nàng nói: “Xong rồi đây. Hãy vào phòng tắm và xem kết quả nào.”



Tôi để nàng dẫn đi, dù vẫn biết rõ đường vào phòng tắm. Tôi muốn ở trong trạng thái hợp tác này lâu thêm chút nữa, với tình trạng mái tóc và tương lai của tôi đang nằm ngoài tầm tay. Nàng dẫn tôi vào phòng tắm, để tôi đứng trước gương, và bật cái đèn gắn cố định trên trần.



“Tèn ten,” nàng nói. Và tôi trông thấy chính mình, đang lấp lánh trong ánh đèn.



Nàng đã húi cua cho tôi. Hai bên thái dương được cắt quá sát đến nỗi làm lộ cả da đầu, và trên đỉnh là một đám tóc dựng lởm chởm. Với mái tóc này, lần đầu tiên tôi được thấy rõ vẻ ngoài của mình. Đôi tai tôi nhỏ xíu. Đôi mắt tôi bé long lanh, và cái mũi to bị chẻ, như thể nó định tách ra thành hai cái mũi nhỏ hơn. Những đặc điểm này vẫn luôn có vẻ quá quen thuộc. Nhưng giờ đây tôi mới thấy chúng đặc biệt như thế nào. Khi ngắm nhìn khuôn mặt mình trong ánh sáng chói mắt, phía sau là nền gạch trắng, tôi có cảm giác mình giống như một người thân được gọi đến để nhận dạng một thi thể. Nếu linh hồn chúng ta bay ra khi cơ thể ngừng hoạt động, thì có lẽ đây sẽ là cách mà chúng ta trông thấy chính cái thể xác trống rỗng của mình – với sự hứng thú và nỗi sợ hãi tương tự như khi chúng ta trông thấy một nạn nhân bị tai nạn.



“Chà,” tôi nói.



“Trông anh thật tuyệt,” nàng bảo tôi. “Hãy chờ thêm tí nữa. Tôi biết ban đầu sẽ rất sốc. Nhưng tin tôi đi. Anh sẽ bắt đầu ngó nghiêng cái đầu mới ngay thôi.”



Tôi cứ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt trong gương. Nếu tôi được coi là người như thế này, tôi không biết phải cư xử thế nào cho thích hợp. Như thể Clare đã đưa tôi đến một bốt điện thoại công cộng và bảo tôi ấn số gọi lên Sao Mộc.



Nàng nói chúng tôi phải chờ Jonathan về, để cho cậu thấy hình ảnh mới của tôi. Tôi không thích tự khoe mình trước mặt Jonathan lắm. Thói tự mãn đó quả là ngớ ngẩn, và sự bằng lòng thay đổi của tôi cũng thế. Tuy nhiên, tôi vẫn đồng ý. Như tôi đã nói, Clare gây tác động lên tôi giống như âm nhạc vậy. Nàng đi vào trong não tôi. Tôi thấy bản thân không chỉ làm theo những gì nàng muốn mà còn không biết những khát vọng của tôi đã bị dừng lại ở đâu và bắt đầu bị thay thế bằng những khát vọng của nàng ở chỗ nào.



Trong khi chờ đợi Jonathan, chúng tôi làm những việc vốn đã trở thành thông lệ. Chúng tôi làm bỏng ngô và uống sáu lon Coke cho người ăn kiêng. Chúng tôi nghe lại băng Steve Reich, và xem một bộ phim chiếu lại của Mary Tyler Moore[49]. Tôi nhận thấy rằng mái tóc mới của tôi không làm thay đổi kiểu ngồi của tôi trong một căn phòng, cũng không ngấm vào trong những ý nghĩ mơ hồ cũ của tôi. Tôi thấy nhẹ nhõm và thất vọng.



[49] Mary Tyler Moore (sinh ngày 29 tháng 12 năm 1936): diễn viên người Mỹ, nổi tiếng trong các loạt phim sitcom.



Jonathan về nhà lúc hơn một giờ. Khi chúng tôi nghe thấy tiếng chìa khóa của cậu, Clare bắt tôi trốn vào trong bếp. “Tôi sẽ ngồi đây như bình thường,” nàng thì thào. “Tôi sẽ giữ chân cậu ấy trong phòng khách. Sau vài phút, anh hãy bất ngờ bước ra nhé.”



Tôi không muốn làm theo cách đó. Không muốn thu hút sự chú ý về phía mình. Nhưng Clare quá to lớn và nhanh nhẹn so với tôi. Tôi lờ mờ nhớ lại một bữa tiệc sinh nhật khi một ông già có cái mũi đỏ và bộ tóc giả màu rau diếp lôi ra những đồng xu từ tai tôi và lấy ra một bó hoa giấy từ bên trong áo sơ mi của tôi. Đúng, tôi đã giả vờ ngạc nhiên và thích thú một cách tỉnh bơ.



Vì thế tôi đi vào căn bếp tối om khi Jonathan bước qua cửa. Tôi nghe thấy tiếng bản lề rống lên, và cuộc đối thoại đơn giản của cậu với Clare. “Chào cưng.” “Chào cưng.” “Mọi chuyện thế nào?” “Thảm họa. Như thường lệ.” Cách họ nói chuyện nghe giống hệt như một cặp vợ chồng, hơn cả bất cứ cặp đôi nào tôi từng gặp. Tôi hiểu vì sao việc họ cùng nhau sinh con có thể được coi là một bước tiếp theo hợp lý.



Tôi lắng nghe họ trò chuyện. Ánh sáng yếu ớt của lỗ thông gió lọt vào qua cửa sổ như sương mù. Những lọ thủy tinh đựng đầy thảo mộc của Clare tỏa ra một thứ ánh sáng dịu nhẹ trên ngưỡng cửa sổ. Tên chúng được viết bằng lối viết tay nhỏ và sắc nhọn trên những cái nhãn bằng giấy: cây hoa mũ hề, hồi sao, tầm ma.



Tôi nghe Jonathan hỏi: “Bobby đâu rồi?”



“Ồ, anh ấy ở đâu đó thôi,” nàng trả lời.



Đó sẽ là ám hiệu cho tôi. Đã đến lúc tôi bước ra như thể chẳng có gì bất thường xảy ra cả. Tuy nhiên, tôi vẫn ở nguyên trong bếp. Tôi bị thu hút bởi bóng tối lờ mờ, tiếng ro ro của tủ lạnh và những lọ gia vị để chữa bệnh đau đầu, mất ngủ, và xua đuổi những điều không may. Tôi giống như một thi thể bị chôn trong bức tường gạch, đang nghe trộm những vấn đề đời thường của người sống. Tôi chợt nhận ra rằng bản thân cái chết có thể là một hình thái tham gia mơ hồ hơn trong lịch sử vẫn đang tiếp diễn của thế giới. Cái chết có thể là như thế này, một sự hiện diện đồng thời với vắng mặt, trong khi bạn bè của bạn vẫn tiếp tục tán gẫu giữa những ngọn đèn và đồ đạc trong phòng về ai đó không còn là bạn nữa. Lần đầu tiên trong bao năm qua, tôi bỗng cảm thấy sự hiện diện của anh trai mình. Tôi thực sự cảm thấy thế, không thể nhầm lẫn – tính quả quyết và một điều gì đó ở anh ấy, nét đặc trưng của Cartlon vẫn còn vương lại sau khi giọng nói, da thịt và tất cả những bộ phận cơ thể khác đều đã tan biến. Tôi cảm thấy anh có mặt trong căn bếp đó một cách rõ ràng như trong buổi chiều lạnh lẽo tuyết rơi trắng xóa ở nghĩa địa nhiều năm trước, khi tương lai tươi sáng đang rạng rỡ phía trên những tấm bia mộ và lấp lánh nơi chân trời. Anh ấy đang ở đây, tôi tự nhủ, và tôi biết đó là sự thật. Từ lâu rồi tôi không còn thói quen nghĩ về anh, và tôi coi mình như đã được sinh ra dưới mái nhà của chú Ned và cô Alice sau khi bố tôi mất. Giờ đây, tôi nghĩ về tất cả bọn họ, những con người đã nằm lại ở Cleveland. Ngay lúc này, những bông cúc dại có lẽ đang nở trên bia mộ họ, và những cây bồ công anh chắc đã trổ bông. Chiếc kèn harmonica mà tôi nhét vào túi áo ngực của Cartlon trong đám tang ở nhà, có lẽ đã lọt qua những rẻ xương xườn của anh và rơi leng keng xuống đáy quan tài. Tôi đang sống cho cả tương lai của tôi lẫn tương lai đã mất của anh trai tôi. Tôi đại diện cho anh ở đây cũng như anh đang thay mặt tôi ở một nơi vô định nào đó. Việc anh bước vào cõi chết có lẽ cũng giống như khi tôi bước vào trong bếp – vào sự mông lung êm đềm và tiếng ro ro mơ hồ của nó. Tôi hít thở thứ không khí tối tăm. Nếu lúc đó tôi có cảm giác về một cái chết nhẹ nhàng điềm tĩnh trong khi tim vẫn đập và phổi vẫn nở rộng, thì có lẽ anh cũng đang mang cảm giác tương tự về sự sống giữa nơi cái chết đang diễn ra. Bên ngoài, một dây phơi quần áo được chăng qua lỗ thông gió. Những cái tay áo rỗng cứ phấp pha phấp phới. Tôi nhận thấy rằng khi tôi và anh trai kết hợp lại – trong cái tên của cả hai chúng tôi – tôi có thể theo đuổi một cuộc sống và một tương lai đầy ngạc nhiên. Tôi có thể nuôi sống anh trong thế giới bên kia bằng cách vừa là tôi vừa là anh trong một cơ thể. Tôi cứ đứng trong căn bếp đó khi Clare liên tục ra hiệu cho tôi bước vào phòng khách. Tôi mải ngắm một cái áo sơ mi màu trắng đang nhẹ nhàng đung đưa cách mặt bê tông sáu tầng cầu thang.



Cuối cùng, nàng đành tiến đến chỗ tôi. Nàng hỏi xem tôi có ổn không, và tôi bảo nàng rằng tôi vẫn bình thường. Tôi bảo nàng rằng tôi cảm thấy rất ổn. Khi nàng hỏi tôi chuyện gì đang diễn ra, tôi bất lực chỉ về phía đám quần áo đang treo trên dây phơi. Nàng chậc lưỡi, nghĩ rằng tôi chỉ đơn giản là đang xấu hổ, và dắt tôi ra ngoài.



Jonathan rú lên trước kiểu tóc của tôi. Cậu nói trông tôi thật nguy hiểm. “Một Bobby của những năm tám mươi,” Clare tự hào tuyên bố, và tôi không phản đối nàng. Dù Jonathan đã mệt lả, nhưng chúng tôi vẫn giễu mái tóc của tôi đi quanh Village. Chúng tôi đi uống ở một quán đồng tính trên quảng trường Thánh Marks và cả ba người cùng nhau nhảy nhót. Dường như tôi đã lao qua một tấm kính và đến được bữa tiệc, sau nhiều năm ngồi trong nghĩa địa và nghĩ rằng mình còn sống. Khi chúng tôi đã nhảy nhót chán chê, tôi đòi đến cầu tàu trên sông Hudson, để ngắm giọt cà neon đang rơi ra từ một tách cà phê neon to bự. Rồi Clare và Jonathan bắt taxi về nhà, còn tôi vẫn đi bộ. Tôi đi khắp New York. Tôi đến công viên Battery, nơi Nữ thần Tự do đang giơ cao ngọn đuốc nhỏ bé bên bến cảng, và đi lên phía dãy xe ngựa đang mong ngóng chờ đợi kẻ quá say xỉn và những người lãng mạn bên ngoài Plaza. Khi trời hửng sáng, tôi đang ở trên đại lộ Năm trong khu phố Hai mươi. Một chiếc xe tải giao bánh đi ngang qua, người tài xế đang hát vang bài Crazy của Patsy Cline với giọng ca lạc điệu, và tôi hát theo ông ta suốt nửa dãy nhà. Ban đầu tôi cho rằng chính kiểu tóc mới của tôi đã khiến tôi làm thế, nó đã phá vỡ trật tự thông thường của mọi thứ và chỉ cho tôi thấy những khả năng vẫn luôn sẵn có. Hồi trước, chúng tôi từng dùng ma túy vì những lý do ít nhiều tương tự như thế.



Sau đó, những thay đổi đến thật dễ dàng. Tôi không nhất thiết phải mãi gắn bó với những thứ quen thuộc nữa. Clare có một sở thích là làm tôi thay đổi. Nàng dẫn tôi đi mua quần áo trong những cửa hàng đồ cũ trên đại lộ Một, nơi nàng quen tất cả những nhân viên bán hàng và một nửa số khách hàng. Khi đi mua sắm, Clare có vẻ chăm chú của một con chim đại bàng mẹ đang kiếm mồi. Nàng có thể sà xuống một thùng carton đựng đầy quần áo cũ bằng vải polyester sáng màu – những món đồ bị phai màu của cửa hàng Woolworth khi còn mới trông đã thật kinh khủng và ngán ngẩm – và lôi ra một cái áo sơ mi lụa chi chít những con cá vàng lanh lợi. Nàng có tính ưa lòe loẹt nhưng chịu khó tìm tòi, bạn biết được qua đôi mắt nàng rằnhg những thứ nàng muốn sẽ tỏa ra một ánh sáng rực rỡ mà những người mua sắm khác không nhìn thấy được. Tôi để nàng chọn lựa, và sau hai tuần tôi đã có một tủ quần áo tuy toàn là đồ cũ rẻ tiền nhưng lại là mới với tôi. Tôi có những cái quần thụng hồi những năm bốn mươi, và những cái áo sơ mi lòng thòng bằng tơ nhân tạo có màu thuốc là và mát tít. Tôi có những cái quần jean màu đen cũ, một cái áo khoác da khi đi mô tô, và một cái áo khoác vai vuông màu đen với những sợi thiếc thòi ra lung tung. Tôi thậm chí còn có cả giày của những người xa lạ: một đôi Oxford màu nâu và mũi được làm từ lưới da, một đôi giày quân đội màu đen và một đôi giày vải màu đen bị vấy sơn.



Tôi cũng có thêm cả một chiếc khuyên tai nữa. Clare đã kéo tôi vào một cửa hàng trang sức trên phố Tám, và chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi chưa đủ để bạn kịp nói “thay đổi”, một người đàn ông Trung Đông đã bấm một cái khuyên bằng bạc vào dái tai trái của tôi bằng súng thủy lực. Nó không đau hơn vết cắn của một con rệp vừng. Clare hứa sẽ làm cho tôi một chiếc khuyên tai thật hoàn hảo. Người đàn ông Trung Đông mỉm cười. Dường như rằng ông ta được tạc từ một mẩu gỗ.



Trong những ngày đó, mỗi lần nhìn thấy bóng phản chiếu của mình qua các tủ kính bày hàng, tôi lại thấy ngạc nhiên. Có vẻ như tôi chỉ là người anh em sinh đôi lỗ mãng của chính mình, từ một nơi tồi tàn đến đây để gây chuyện với những người lao động bình thường. Người đàn ông với khuôn mặt mà tôi nhìn thấy thấp thoáng trên các tủ kính bày hàng đó sẽ không viết “Chúc mừng sinh nhật” lên mười nghìn cái bánh. Anh ta sẽ không bằng lòng khi phải sống trong một căn phòng ngủ trên gác với cửa sổ trông ra cái khung chơi leo trèo cho trẻ em của nhà hàng xóm.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom