• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full TỔ ẤM NƠI TẬN CÙNG THẾ GIỚI (2 Viewers)

  • Chương 1-9

Tôi tin rằng nó vẫn sẽ đứng trước mặt tôi nếu tôi không bảo nó đi về.



“Chúc ngủ ngon,” tôi nói lại lần nữa, và câu chào xã giao đó đáp lại tôi trong phiên bản của một giọng thiếu niên.



Sau khi nó về, tôi lên gác và gõ cửa phòng Jonathan.



“Dạ?” Nó nói.



“Mẹ đây. Mẹ vào được không?”



“Vâng.”



Nó nằm trên giường. Một giọng nam âm mũi, đệm bởi tiếng guitar thường, the thé phát qua những chiếc loa. Cửa sổ để mở dù lúc đó đã là đầu tháng Mười một và khắp nơi phủ đầy sương giá. Tôi nghĩ rằng mình ngửi thấy mùi gì đó ngòn ngọt và có vị khói, mà khí lạnh không xua tan hết được.



Tôi nói: “Tối nay con vui chứ?”



“Chắc chắn rồi ạ.”



“Bobby đã có một khoảng thời gian khó khăn, đúng không?” Tôi hỏi.



“Mẹ đừng nên thương hại cậu ấy.”



“Con có biết trước là mẹ cậu ấy đã mất không?”



“Có ạ,” Jonathan nói.



“Con có biết vì sao bác ấy mất không?”



“Một chút ạ. Ý con là, bác ấy đã uống quá nhiều thuốc ngủ. Nhưng mà bác ấy có toa thuốc và đã uống chúng hàng năm trời rồi. Con nghĩ có lẽ bác ấy đã bắt đầu phàn nàn rằng chúng không còn tác dụng nữa. Vì thế đó có thể chỉ là một tai nạn.”



“Bobby có một người anh cũng mất rồi đúng không?”



Jonathan gật đầu.



“Đó thực sự là một tai nạn. Hóa ra đó không phải là một vụ giết người. Đó là lúc mẹ cậu ấy bắt đầu dùng thuốc ngủ.”



Nó kể những chuyện này với một sự hãnh diện nào đó, như thể chúng đại diện cho những thành tựu vật chất của Bobby vậy.



“Chúa ơi. Sao lại có những chuyện như thế xảy ra với con người ta cơ chứ.”



Tôi đi đóng cửa sổ lại. Trời lạnh đến nỗi gần như có thể khiến bạn thở ra hơi trong căn phòng đó.



“Thế mà chưa từng có chuyện gì xảy ra với nhà mình cả,” Jonathan nói. “Chẳng có chuyện gì tồi tệ hết.”



“Chúng ta rất may mắn.”



Khi tôi quay lại từ cửa sổ, tôi thấy cái áo khoác da của Bobby vắt trên ghế. Con mắt thêu trên đó, to đùng, tròng mắt lớn như một quả bóng khúc côn cầu, nhìn tôi chằm chằm từ lớp da đã bị sờn.



“Bobby để quên áo kìa,” tôi nói.



“Cậu ấy cho con mượn đấy,” Jonathan nói. “Trước đây nó là áo của anh cậu ấy. Con đã cho cậu ấy mượn áo của con lúc ở trường hôm nay.”



“Cái áo gió “xịn” của con á? Con đã đổi nó lấy cái này à?”



“Vâng. Bobby đã kể cho con nghe rất nhiều về anh của cậu ấy. Ý con là, có vẻ anh cậu ấy khá thú vị. Khi anh ấy mất, gia đình cậu ấy gần như đã tan nát.”



“Con có biết cái áo gió đó giá bao nhiêu không?” Tôi hỏi.



Nó nhìn lại tôi theo một lối mới, hàm nghiến chặt thách thức và mắt tối sầm lại.



Tôi quyết định bỏ qua chuyện này. Tôi nghĩ tôi đã cho phép nó áp dụng điều này vào những thói quen của nó.



“Con nghĩ sao về món bê hầm cho bữa tối ngày mai?” Tôi hỏi. “Mẹ muốn thử một công thức nấu ăn mới, thịt bê với nấm và hành tây. Con thấy thế nào?”



“Con không quan tâm.” Nó nhún vai.



Tôi khoanh tay lại thật chặt. Căn phòng đó sao mà lạnh giá.



“Con muốn chơi một ván bài trước khi đi ngủ không?” Tôi hỏi. “Mẹ xấu hổ lắm, con biết đấy. Mẹ đã thua quá đậm mấy lần gần đây, mẹ khó mà ngẩng cao đầu được.”



“Không. Con mệt rồi.”



“Một ván ngắn thôi nhé.”



“Không đâu, mẹ ạ.”



“Thôi được rồi.”



Tôi đứng đó một lúc, dù rõ ràng đã đến lúc tôi để nó yên. Ánh đèn ngủ phòng nó, do tôi mua mười năm trước, chiếu lên mái tóc sáng màu và vẻ mặt như được điêu khắc tỉ mỉ của nó. Nó giống tôi, nhưng theo một kiểu lý tưởng hóa. Vẻ ngoài của tôi, vốn khá nghiêm khắc căn cứ vào mỗi lần tôi nhìn mình trong gương, đã trở nên dịu dàng hơn ở nó.



“Chúc mẹ ngủ ngon,” nó nói.



“Chúc con ngủ ngon.”



Tuy nhiên tôi vẫn nấn ná. Tôi không thể ngừng ngắm nó, dù nó rất ghét tôi làm thế. Nếu tôi có đủ can đảm tôi sẽ nói với nó: “Đừng làm thế. Đừng trở nên ghét mẹ. Con vẫn có thể có cả thế giới mà không cần gạt mẹ ra khỏi cuộc đời con cơ mà.”



Tôi lặng lẽ ra khỏi phòng, trong lòng nặng trĩu hình hài nó như lúc tôi mang thai.



Tôi mời Bobby và bố nó đến ăn tối vào thứ Ba tuần sau đó. Họ đến muộn chừng nửa tiếng, mang theo hai chai rượu. “Xin lỗi,” người bố nói. “Chúng tôi phải lái xe khắp thành phố để kiếm được một chai Chardonnay kha khá. Tôi hi vọng anh chị thích Chardonnay.”



Tôi bảo ông rằng chúng tôi rất thích nó.



Ông để một chòm râu dê và mặc cái áo khoác màu mù tạc với khuy bằng đồng lấp lánh. Khuôn mặt hồng hào của ông là một mớ mao mạch bị vỡ. Trông ông như một Bobby say xỉn và lớn tuổi.



Tên của người bố là Burton. Ông hiếm khi đụng vào thức ăn khi chúng tôi ngồi xuống dùng bữa tối. Ông cứ uống rượu, hút Pall Mall và thi thoảng ngừng những việc đó lại để xiên một chút cá bơn rim mà tôi đã làm, giơ lên một lát rồi nhét vào miệng mà không chú ý gì đến nó, hệt như thái độ của một tay thợ mộc khi đóng một cái đinh ba phân.



Ned hỏi ông ta: “Anh thấy bọn trẻ ở trường Rooselvelt thế nào?”



Burt Morrow nhìn anh vẻ khó hiểu. Tôi nhận ra vẻ mặt đó.



“Chúng có thể rất khó chịu,” ông nói với một giọng thận trọng. “Nói chung chúng không phải là những đứa trẻ hư, nhưng chúng có thể rất khó chịu.”



Một lúc sau, Ned gật đầu. “Tôi hiểu.”



“Chúng tôi cố gắng hòa thuận với nhau,” Burt nói. “Tôi cố gắng hòa thuận với chúng. Tôi cố gắng không xúc phạm chúng, và thường là thành công, tôi tin vậy.”



Ông quay sang Bobby và hỏi: “Con có nghĩ rằng nó vẫn thành công không?”



“Vâng, thưa bố,” Bobby nói. Nó nhìn bố mình với vẻ không ra yêu cũng không ra khinh khủng. Họ có chung một nét ngờ nghệch nào đó, một cách trả lời câu hỏi như thể nó được đặt ra bởi một giọng nói kì quái thì thầm vọng đến từ thinh không. Họ giống như những người anh em lớn tuổi ngốc nghếch, tốt bụng trong một câu chuyện cổ tích – những người mà sự quyến rũ và hấp dẫn đã bỏ qua họ. Jonathan ngồi giữa họ, đôi mắt xanh của nó ánh lên vẻ thông minh.



“Đó cũng là tất cả những gì bản thân tôi đang cố gắng làm,” tôi nói. “Không can thiệp vào mọi chuyện của Jonathan và để nó tự trải nghiệm cuộc sống. Chúa ơi, tôi không biết làm thế nào để rèn nó vào khuôn khổ. Đôi khi tôi vẫn cảm thấy mình giống như một đứa trẻ.”



Cả Bobby và bố nó đều nhìn tôi với khuôn mặt sửng sốt.



“Tôi đã kết hôn sớm, mọi người biết đấy,” tôi nói. “Lúc đó tôi chỉ nhỉnh hơn mấy thằng bé này vài tuổi, và chắc chắn tôi đã không nghĩ là mình sẽ yêu một người miền Bắc tên là Ned Glover, hay mình sẽ chuyển đến Ohio, với những cơn gió Canada thổi mưa tuyết từ vùng hồ tới. Grừ. Tôi không nghĩ là mình sẽ làm gì đó thật khác biệt như thế.”



Ned nháy mắt và nói: “Tôi gọi cô ấy là Helen[24] ở Louisana. Tôi vẫn đang chờ một đám người miền Nam để lại con ngựa gỗ trên bãi cỏ trước nhà đấy.”



[24] Trong thần thoại Hy Lạp, Helen là vợ của Melenaus xứ Sparta, nàng đã bị hoàng tử Paris của thành Troy cướp đi và từ đó đã gây ra cuộc chiến tranh thành Troy.



Burt châm thêm một điếu thuốc. Ông há miệng để nhả khói và ngắm nó uốn éo phía trên bàn ăn. “Có lẽ tôi nên làm gì đó khác biệt,” ông nói. “Tôi nghĩ anh chị nên khuyên tôi làm thế. Đúng vậy.”



Tôi không phải là người kém hiểu biết về tâm lý. Tôi biết Jonathan cần thoát khỏi bố nó và tôi, cần cắt đứt sự ràng buộc: giết chết chúng tôi, trong chừng mực nào đó, và rồi sau đó làm chúng tôi phục sinh, khi nó đã là một người đàn ông trưởng thành với cuộc sống riêng của nó, còn chúng tôi đã biến thành những người thừa, già cả. Tôi không mù quáng, cũng không ngốc nghếch.



Tuy nhiên, dường như chuyện đó đã xảy đến quá sớm, và Bobby có vẻ là một phương tiện sai lầm. Ở tuổi mười ba, chúng ta có rất nhiều lựa chọn mà không hề biết về những hậu quả có thể ảnh hưởng đến chúng ta qua nhiều thập kỉ. Khi tôi mười ba tuổi, tôi đã chủ định nói nhiều và lêu lổng một chút, để đảm bảo rằng những bữa tối trầm lặng và những buổi tối tẻ ngắt dài lê thê của bố mẹ tôi – chỉ được đánh dấu bằng tiếng chuông đồng hồ - sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến tôi. Tôi vừa mới mười bảy khi gặp Ned Glover, một người đàn ông đẹp trai, hài hước ở độ tuổi đôi mươi, chủ một chiếc Chrysler mui trần, với vô vàn những câu chuyện từ miền Bắc.



Đêm đó, khi ở trên giường, tôi nói với anh: “Chà, ít nhất thì bây giờ chúng ta cũng biết sao Bobby lại có thứ đó.”



“Có thứ gì?”



“Mọi thứ. Toàn bộ tính cách của nó. Hay đúng hơn là sự thiếu vắng bí ẩn cái tính cách riêng đó.”



“Em thực sự không thể chịu nổi thằng bé đó, đúng không?” Ned hỏi.



“Em không chịu được bất cứ tính xấu nào của nó,” tôi nói. “Em chỉ, ừm, đây là một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Jonathan. Em không chắc liệu nó có nên chơi cùng với một đứa như vậy không. Anh có nghĩ rằng Bobby hơi chậm phát triển không?”



“Em yêu, rồi sự ham mê sẽ mất đi thôi. Hãy tin vào con trai em hơn một chút. Chúng mình đã nuôi nấng nó mười ba năm rồi, chắc là chúng mình cũng đã dạy được cho nó ít nhiều.”



Tôi không nói gì. Điều tôi muốn nói là: “Em mới là người đã dạy cho nó ít nhiều, còn anh thì chỉ rúc vào cái rạp chiếu phim đó thôi.” Nhưng tôi im lặng. Chúng tôi nằm chờ giấc ngủ đến. Đêm đó chúng tôi sẽ không làm tình. Tôi cách xa khả năng đó hàng dặm. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng tôi còn nhiều thời gian.



Có lẽ tôi đã quá cố chấp khi vẫn muốn được là bạn của Jonathan. Đáng lẽ tôi nên tách mình ra xa hơn. Tôi hoàn toàn không thể tin rằng đứa con trai mà tôi thường chơi và chia sẻ những bí mật cùng – đứa trẻ yếu đuối vẫn hay kể cho tôi nghe bất cứ chuyện gì xảy ra trong đầu nó – đột nhiên cần được đối xử bằng những khuôn phép lịch sự mà người ta có thể áp dụng với một người khách trọ.



Những ván bài quen thuộc của chúng tôi, cũng như những chuyến đi mua sắm vào ngày thứ Bảy, đã đến hồi kết. Bobby vẫn tiếp tục mặc chiếc áo gió màu xanh của Jonathan, và bắt đầu mặc cả áo sơ mi của Jonathan nữa. Khi nó ở lại qua đêm, nó ngủ trên cái giường xếp trong phòng Jonathan. Nó vẫn thân mật với tôi theo kiểu dân hập cư bắt chước người khác của nó.



Một buổi sáng tháng Ba, tôi đang bổ quả bưởi chùm cho bữa sáng. Jonathan ngồi một mình ở bàn ăn, đó là một trong những buổi sáng mà Bobby không ở cùng chúng tôi.



Tôi nói: “Trông có vẻ như trời sắp mưa ấy.”



Một khoảnh khắc trôi qua. Jonathan nói: “Zâng, có zẻ thế.”



Nó đang nhại theo giọng miền Nam của tôi.



Đáng lẽ tôi nên bỏ qua sự chế nhạo đó. Đáng lẽ tôi chỉ nên lờ nó đi và dọn đĩa bưởi chùm ra. Nhưng thay vào đó, tôi quay lại và nhẹ nhàng nói: “Con nói gì vậy?”



Nó chỉ cười như thể vô cùng mãn nguyện.



Tôi hỏi lại: “Con nói gì vậy, con yêu? Mẹ không chắc mẹ có nghe đúng không.”



Nó đứng lne, nó ra khỏi nhà và nói: “Má nên tin rằng bửa mai con sẽ bõ ăn sáng, má êu à.” Khi nó bỏ đi, con mắt trên lưng áo khoác cứ nhìn tôi chằm chằm.



Điều đó xảy ra một lần nữa vào buổi tối, khi chúng tôi đang xem ti vi. Tối hôm đó, Bobby ở cùng chúng tôi. Ned đang ở rạp chiếu phim, còn chúng tôi, bao gồm tôi và hai thằng bé, đang xem một bộ phim chiếu lại tên là Chuyến du hành đến các vì sao. Tôi hỏi: “Ông Spock có lẽ không mấy hài hước ở các cuộc vui, nhưng mẹ thích ông ta nhất.”



Jonathan nói: “Ông ta đang thi hành nhiệm vụ năm năm trong vũ trụ đấy. Nếu mẹ cưới ông ta, mẹ sẽ cần một tá cậu con trai để làm bạn.”



Đáng lẽ tôi nên cười theo như một người bạn thật sự nhưng tôi vẫn quá ngạc nhiên bởi cái thói xấc xược thằng thừng mới mẻ này. “Mẹ phần nào nghĩ rằng chúng ta là bạn của nhau,” tôi nói.



“Đúng vậy,” nó nói. “Những đứa con trai chẳng thích gì khác ngoài việc đi mua sắm và nấu ăn.”



Bobby ngồi trên sàn, như thói quen thường lệ của nó. Không hiểu sao nó không thích ngồi ghế.



Nó nói: “Thôi đi, Jon.”



“Chỉ đùa thôi mà,” Jonathan nói.



“Ừ, nhưng dù sao cũng thôi đi.”



Và thế là Jonathan thôi thật. Nó xem chương trình đó và không bình luận gì thêm. Chân nó trông to và khá nặng nề trong đôi giày cao bồi màu đen mà nó đã đòi mua.



Bobby đã cắt móng tay và chịu chải tóc. Có vẻ nó đã thay đôi giày ống bằng đôi giày vải đơn giản màu đen.



Nó luôn lễ phép với tôi. Thực ra thì còn hơn cả lễ phép: nó rất cung kính, theo kiểu của nó. Nó hỏi tôi về tất cả những món ăn mà tôi đã nấu trong bữa tối, và hỏi thăm ngày hôm đó của tôi trải qua ra sao. Việc trả lời nó không phải lúc nào cũng là dễ dàng, vì tôi không bao giờ biết chắc mình đang nói chuyện với ai. Nó vẫn một mực giữ lấy cái phong cách nước ngoài của nó, dù dần dần nó đã tiến bộ hơn trong việc bắt chước chuẩn mực trong sáng của một nhân vật trên truyền hình. Những hành động của nó đã lịch sự hơn. Nó bắt đầu cắt tóc, và thậm chí còn mặc vài bộ quần áo mới mà không phải là đồ của Jonathan.



Một đêm tháng Năm, tôi đang đi qua phòng của Jonathan thì nghe thấy tiếng nhạc không gào rú và ồn ào như bọn chúng thường mở. Tôi đã quá quen với tiếng nhạc ầm ĩ không dứt của chúng, như kiểu người ta quen với một con chó hay sủa. Thế nên với tôi, những tiếng guitar điện tử và trống bass đã trở thành một loại yên tĩnh mới. Nhưng thứ âm nhạc đặc biệt này – với duy nhất một giọng ca nữ ngọt ngào được đệm tiếng dương cầm – rõ ràng vẫn là một âm thanh nghe thấy được.



Tôi ngập ngừng bên ngoài phòng Jonathan. Rồi tôi gõ cửa và ngạc nhiên trước âm thanh rụt rè khe khẽ phát ra khi những đốt ngón tay tôi gõ vào cánh cửa gỗ. Nó là con trai tôi, đang sống trong nhà tôi cơ mà. Tôi có quyền gõ cửa phòng nó chứ. Tôi gõ lại, mạnh hơn.



“Dạ?” Nó nói vọng ra từ bên trong.



“Mẹ đây,” tôi nói. “Mẹ vào một lát được không?”



Chỉ có sự im lặng, lấp đầy bởi những phím dương cầm tình tang. Một lát sau, Bobby mở cửa.



“Chào cô,” nó nói. Nó đứng đó, cười cười, trông khá kì cục – lúng túng – trong chiếc áo sơ mi kẻ sọc và chiếc quần jean. Tôi có thể thấy Jonathan ngồi ở phía trong, cau có trong đôi giày ống màu đen và chiếc áo phông.



“Mẹ không định làm phiền các con đâu,” tôi nói, và thấy bực mình với cái giọng hèn nhát của mình. Tôi giống như một người thân nghèo khổ, đến để ăn bữa tối trách nhiệm thường niên của cô ta.



“Không sao,” Bobby nói. “Không sao đâu ạ.”



“Cô chỉ, ừm, cô cứ thắc mắc không biết đó là loại nhạc gì. Nó nghe thật… lạ.”



“Cô thích nó à?” Bobby hỏi.



Đó có vẻ là một câu hỏi bẫy. Liệu tôi có nên nói thật để rồi bị giễu cợt? Sau đó, gạt qua một bên những e dè của mình, tôi trả lời như một phụ nữ ba mươi lăm tuổi. “Nghe hay lắm,” tôi nói. “Ai đang hát vậy?”



“Laura Nyro[25] ạ,” Bobby nói. “Vâng, cô ấy hát rất hay. Đĩa này cũng cũ rồi, cô có muốn vào nghe một lát không?”



[25] Laura Nyro (1947-1997): ca sĩ, nhạc sĩ, nhà soạn lời và nghệ sĩ dương cầm người Mỹ.



Tôi liếc sang Jonathan. Dĩ nhiên là tôi nên từ chối. Lẽ ra tôi nên đi làm những công việc thầm lặng của mình, gấp những cái khăn và ga trải giường. Nhưng tôi lại nói: “Có chứ, nhưng chỉ một lát thôi,” và bước vào căn phòng đó với vẻ cảm kích, nơi mà trước đây tôi được tự do ra vào. Từ năm ngoái, Jonathan gần như đã dán kín tường bằng những tấm áp phích của những ca sĩ nhạc rock tóc dài cau có. Giọng hát của nữ ca sĩ dó, cao vút và uyển chuyển, mong manh tràn ngập căn phòng, bị vây quanh giữa tất cả những ánh mắt nam giới gay gắt này.



Jonathan ngồi trên sàn, đầu gối áp sát vào ngực và tay ôm lấy ống chân. Nó đã ngồi kiểu đó từ khi lên bốn – một dáng vẻ hờn dỗi. Tôi bỗng thấy, có lẽ là lần đầu tiên, một người đàn ông mới lớn luôn ẩn mình bên trong một cậu bé như thế nào. Nó sẽ mang y chang những điệu bộ đó theo nó vào thế giới người lớn. Tôi thấy hơi ngạc nhiên, dù đó là điều dễ hiểu nhất. Trước đây không hiểu sao tôi cứ ngỡ rằng rồi Jonathan sẽ biến hẳn thành người lớn, bỗng một ngày trở thành một người xa lạ ân cần, tốt bụng. Tôi thấy rằng tôi vừa đúng vừa sai về điều đó.



Bobby nhấc bìa đĩa lên và giơ ra cho tôi, như thể tôi đến để xem xét việc mua đĩa. “Nó đây ạ,” nó nói. Khi tôi cầm lấy cái bìa đĩa, mặt nó đỏ bừng, vừa hãnh diện vừa ngượng ngùng.



Cái bìa đĩa có màu sô-cô-la sẫm. Nó được minh họa bằng hình ảnh một người phụ nữ khá giản dị với vầng trán cao, xanh xao và mái tóc đen mềm mại rẽ ngôi giữa. Có lẽ cô là một sinh viên mờ nhạt, không nổi bật ở một trường nữ sinh, một kẻ đáng thương hơn là đáng để chế nhạo. Tôi biết rõ những cô gái đó. Chính tôi cũng từng cảm thấy mình có nguy cơ trở thành một người như thế, do đó tôi đã ép mình phải thay đổi. Dám ăn nói mạnh dạn và liều lĩnh, dám hẹn hò với những anh chàng mà bạn không thể đem về nhà gặp mẹ mình. Ned Glover đã đến từ Michigan trong một chiếc xe mui trần màu xanh tia chớp, một người đàn ông hài hước, tinh tế, lớn hơn tôi nhiều tuổi.



“Hay quá,” tôi nói. “Giọng cô ấy hay thật.”



Nó nghe hệt như câu trả lời của một người phụ nữ trung niên đứng đắn. Tôi nhanh chóng đưa trả Bobby cái bìa đãi, như thể nó quá đắt so với mức chi trả của tôi.



“Cô ấy đã thôi hát,” Bobby nói. “Cô ấy đã lấy chồng và, ờ, chuyển đến Connecticut hay đại loại thế.”



“Cô rất tiếc,” tôi nói.



Chúng tôi đứng đó lúng túng, như những người lạ tại một bữa tiệc. Tôi có thể cảm thấy cái áp lực muốn tống tôi ra khỏi phòng của Jonathan. Nó như một vật hiện hữu, một áp lực trên trán và vai tôi.



“Chà,” tôi nói. “Cảm ơn vì đã để cho một bà già xâm nhập vào đây nhé.”



“Có gì đâu ạ,” Bobby nói. Một bài hát đã hết và bài khác bắt đầu, một bài có giai điệu nhanh hơn mà tôi nghĩ là mình nhận ra. Đúng rồi, Jimmy Mack, từng được Martha and the Vandellas[26] hát.



[26] Một trong những nhóm nhạc thành công nhất của công ty Motown từ năm 1963 đến năm 1967.



“Cô biết bài này,” tôi nói. “Ý cô là, trước đây cô đã từng nghe nó.”



“Thế ạ?” Bobby nói.



Và rồi nó làm một điều kì cục. Nó bắt đầu nhảy.



Tôi chỉ có thể nghĩ rằng nó dã mất khả năng ngôn ngữ và buộc phải dùng đến thứ mà nó quen thuộc. Nó làm thế một cách tự động, như thể đó là bước tiếp theo hợp lý của một cuộc đối thoại. Nó bắt đầu lắc hông, giậm chân nhún nhảy theo điệu nhạc. Đôi giày vải cả nó kêu rin rít trên sàn.



“Đúng, đúng nó rồi,” tôi nói. “Đây là một bài hát xưa lắm rồi.”



Tôi liếc sang Jonathan, nó có vẻ ngạc nhiên. Nó nhìn lại tôi, và trong một thoáng chúng tôi lại tìm thấy sự đồng lõa cũ của mình. Chúng tôi đều đang kinh ngạc trước những tập quán của người địa phương. Tôi phần nào mong rằng khi chúng tôi còn lại một mình bên nhau, nó có thể bắt chước Bobby – nhảy múa với đôi vai rộng và khuôn mặt ngờ nghệch – chỉ để làm cho tôi cười.



Nhưng rồi Bobby cầm lấy tay tôi và nhẹ nhàng kéo tôi về phía trước. “Cùng nhảy nào,” nó nói.



“Ôi, không. Tuyệt đối không được.”



“Không thể nói không,” nó vui vẻ nói. Nó không thả tay tôi ra.



“Không,” tôi lặp lại. Nhưng lời từ chối của tôi chẳng hề có uy lực. Có lẽ do tôi bị chi phối bởi nền giáo dục miền Nam của mình, bởi cái quyết tâm bẩm sinh phải luôn tránh điều khó chịu trong xã giao bằng bất cứ giá nào. Tôi khẽ mỉm cười khi nói lời từ chối mà không hề định thế.



Nó nhẹ nhàng cùng tôi xoay theo điệu nhạc. Nó nhảy giỏi hơn hẳn cái bộ dạng mà bình thường nó vẫn thể hiện. Khi còn trẻ, tôi đã nhảy rất khá – đó là một trong những quyết tâm mà tôi thực hiện được, một đặc điểm nổi bật của con người mà tôi muốn trở thành – và tôi đã nhận ra những dấu hiệu. Có những anh chàng mà bạn biết bạn có thể tin cậy vào họ trên sàn nhảy, bạn biết điều đó gần như ngay lập tức, nhờ vào cảm giác hơn là vẻ ngoài của họ. Có những người khiêu vũ truyền ra không khí một cảm giác tự tin và vững vàng. Họ có một vẻ duyên dáng, cởi mở khiến bạn bị thu hút, chỉ cần họ chạm tay vào bạn, bạn sẽ biết được rằng bạn không thể làm một động tác sai. Bobby là một người khiêu vũ như thế. Tôi sẽ không ngạc nhiên hơn nếu nó thả ra một đàn chim bồ câu còn sống từ dưới cổ tay áo kẻ sọc của nó.



Tôi hưởng ứng theo. Tôi cầm lấy bàn tay còn lại của nó và nhảy cùng nó, duyên dáng nhất có thể, trong căn phòng chật hẹp, trước đôi mắt bất đồng của con trai tôi và ánh nhìn hằn học của những ca sĩ nhạc rock. Bobby mỉm cười ngượng nghịu. Giọng của nữ ca sĩ vang lên qua từng nốt nhạc với sự phóng túng sầu não, như một người họ hàng nhút nhát thoát khỏi vỏ bọc e dè của mình một cách nhanh chóng và cuồng nhiệt.



Sau khi bài hát kết thúc, tôi rụt tay lại và vuốt tóc mình. “Chúa ơi,” tôi nói. “Hãy xem cháu đã dẫn dắt một bà già làm gì này.”



“Cô giỏi quá,” Bobby nói. “Hóa ra cô biết khiêu vũ.”



“Trước đây thôi. Từ đời nào đời nào rồi.”



“Đâu mà,” nó nói. “Tiết tục nào.”



Tôi lại nhìn sang Jonathan, và thấy đúng như những gì mình nghĩ: tất cả vẻ đồng lõa bùng ra trên mặt nó. Nó nhìn tôi chằm chằm, không hẳn là vẻ căm ghét mà là ẻ không nhận ra, như thể tôi chỉ là người nào đó giống mẹ nó mà thôi.



“Đã nửa đêm rồi,” tôi nói. “Cô rất muốn ở lại, nhưng cô còn phải gấp ga trải giường nữa.”



Tôi nhanh chóng ra khỏi phòng. Trong chưa đầy một phút, giọng nữ ca uyển chuyển đã bị thay thế bởi một giọng nam mạnh mẽ và tiếng guitar điện tử chói tai.



Đêm đó Ned về nhà muộn, sau khi tôi đã đi ngủ. Tôi thức giấc và thấy anh đang nằm cạnh tôi, hơi thở sâu và lông mày chau lại trong một giấc mơ. Tôi nằm ngắm anh một lúc. Ned đã từng là một cậu bé. Có lẽ tôi chưa bao giờ khắc ghi điều đó trong lòng, dù dĩ nhiên tôi đã thấy những bức ảnh của anh hồi đó: cậu bé Ned đang nhe răng cười dưới một cái mũ quả dứa quá cỡ, cậu bé Ned gầy gò với đôi bàn chân to bè trong đôi xăng đan ở bãi biển. Đích thân tôi đã đóng gói một thùng carton đựng những chiếc ô tô bằng sắt và những chú lính chì của anh để cất vào tầng áp mái. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ hoàn toàn hiểu rõ điều đó. Người đàn ông nằm đây đã từng là một đứa bé. Khi lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, anh mới hai mươi sáu còn tôi mười bảy, nhưng trong mắt tôi, ngay cả hồi đó anh cũng đã là một người trung niên. Có lẽ anh được sinh ra để làm người lớn. Những bức ảnh và những món đồ chơi kia có lẽ chỉ là di vật của một cậu bé đã mất sớm, người trước đây từng sống trong một ngôi nhà cũ, và đã mang theo ý thức về khả năng vô hạn ra khỏi thế giới cùng cậu khi cậu ra đi. Những gì còn lại là đồ sứ được cất đằng sau tủ kính và vẻ nhẫn nại của những bông hoa violet châu Phi – một cuộc đời già cả bình thản. Nhưng giờ đây, như thể là lần đầu tiên, nằm bên Ned, tôi có thể thấy đường cong trẻ trung của khuỷu tay anh lấp ló dưới gối, thấy bắp thịt trai tráng của bộ ngực đã trở nên rậm rạp và mệt mỏi. Con người tội nghiệp, tôi nghĩ. Cậu bé tội nghiệp.



Tôi giơ tay lên vuốt ve vai anh. Đáng lẽ tôi nên hôn anh. Đáng lẽ tôi nên lướt tay mình trên bộ ngực rậm rạp của anh. Nhưng cảm giác mới mẻ của tôi về vẻ đẹp ngây thơ của anh vẫn còn quá mong manh. Nếu anh tỉnh dậy và hôn tôi thật mãnh liệt, nếu anh siết chặt sườn tôi, nó có thể hoàn toàn sụp đổ. Vì thế tôi tạm bằng lòng với việc ngắm anh và vuốt ve bờ vai êm ái, mềm mại của anh.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom