• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Thủy Hử (1 Viewer)

  • Thủy Hử - Chương 36 - Phần 1

Hồi 36


Bến Tầm Dương canh khuya mắc nạn;


Nơi Giang Phủ đất khách rời chân.


Bấy giờ đại hán kia mắng Tống Giang, rồi giơ tay toan đánh, Tống Giang liền đáp lại rằng:


- Tôi có tiền thì tôi cho người ta, việc gì đến anh mà ...


Đại hán kia nghe nói tức giận, vội nắm lấy tay Tống Giang mà quát lên rằng:


- Thằng ăn cướp bị tù này còn dám đối lại với ta a?


Tống Giang ung dung đáp rằng:


- Can chi mà không dám nói lại?


Đại hán kia hăng máu, liền giơ quyền đánh vào mặt Tống Giang. Tống Giang né mình tránh về một bên. Đại hán kia lại xông vào, Tống Giang thấy vậy lại toan dùng sức để chống cự, chợt đâu thấy anh chàng bán thuốc cao đã đẩy rẽ đám người đứng đông mà sấn vào đằng sau, một tay nắm lấy khăn đại hán kia, và một tay nắm giữa thắt lưng, đẩy một cái thực mạnh đại hán ta ngã quay lơ xuống đất. Đại hán bị ngã, cố lóp ngóp bò dậy, lại bị anh chàng bán thuốc cao đá luôn cho cái nữa, lại ngã lăn xuống đó. Hai tên công sai thấy vậy thì túm lại giữ can anh chàng kia không cho đánh quá. Khi đó đại hán kia trở dậy được, bèn quay nhìn Tống Giang và anh chàng bán thuốc cao mà nói rằng:


- Được lắm! Giỏi lắm! Rồi chúng bay sẽ biết tay ta...


Nói xong cúi cổ chạy thẳng về phía Nam... Bấy giờ Tống Giang hỏi người bán thuốc cao rằng:


- Chẳng hay quí tánh cao danh là gì, ngài quý quân ở đâu?


Người kia đáp:


- Tôi người ở huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Tên là Tiết Vĩnh, ông tôi ngày trước làm thuộc viên cho quan Kinh Lược Trung, sau vì ác cảm với một số đông liêu nên không được thăng dụng nữa. Đến đời tôi chỉ nhờ nghề đánh gậy bán thuốc cao để kiếm ăn, đám giang hồ thường gọi tên là Bệnh Đại Trung (con cọp ốm) Tiết Vĩnh. Vậy chẳng hay quý tinh danh là gì?


- Tôi đây họ Tống tên Giang, người ở huyện Vận Thành ...


Tiết Vĩnh hỏi luôn rằng:


- Có phải ngài lá Sơn Đông Cập Thời Vũ Tống Công Minh không?


- Vâng, chính là tôi đó.


Tiết Vĩnh nghe dứt lời, thì cúi ngay xuống mà chào Tống Giang. Tống Giang vội đỡ dậy mà bảo rằng:


- Ta tìm chỗ nào uống vài chén rượu nói chuyện cho vui, ngài nghĩ sao?


Tiết Vĩnh đáp:


- Xin vâng. Chúng tôi đương muốn được gặp tôn nhan, thực là trời xui khiến vậy.


Nói đoạn lập tức thu thậïp các đồ hàng hóa rồi cùng Tống Giang đi vào hàng rượu ở gần đó. Khi vào tới nơi chủ hàng bảo hai người rằng:


- Nhà tôi có rượu có thịt, song không bán cho các ông được.


Tống Giang hỏi:


- Làm sao lại không bán cho chúng tôi?


Chủ hàng đáp:


- Vừa rồi các bác đánh nhau với một ông đại hán là một ông trùm ở đất Yết Dương đấy, ông ta đã dặn nếu bán hàng cho bọn bác là ông ta phá hàng ngay... thế thì còn ai dám bán nữa.


Tống Giang nói:


- Nếu vậy thì ta đi ngay cho rảnh, nếu không thì hắn tất đến đây lôi thôi lại thêm khó chịu.


Tiết Vĩnh nói:


- Tôi xin về tính trả tiền trọ rồi một vài hôm cũng đến Giang Châu, vậy xin bác cứ đi trước cho.


Tống Giang liền lấy mười lạng bạc đưa cho Tiết Vĩnh rồi từ giã ra đi.


Khi Tiết Vĩnh đi rồi Tống Giang cùng hại tên công sai lại tìm đến mấy hàng rượu khác, đều bị chủ hàng từ chối như trước, không hề bán cho chút gì để ăn uống cả. Ba người tức giận đi mãi đến một tiệm hàng con con ở chỗ chợ, định vào đây để trọ, bất đồ cũng bị chủ hàng từ chối mà không nhận chứa.


Tống Giang biết thế không ăn thua, đành phải bảo nhau kéo đi cho rảnh. Vừa đi ra được một lúc thì bóng khuất non tây trời đã gần tối. Tống Giang cùng hai tên công sai trông trước trông sau không có hàng nước nào ở gần đó, trong bụng lấy làm lo ngại cùng bàn với nhau không biết vào đâu mà trọ được.


Chợt đâu trông thấy ở quãng rừng xa xa có bóng đèn lấp ló. Tống Giang liền bảo với hai tên công sai rằng:


- Chỗ kia có ánh đèn sáng tất là có người ở đó, vậy ta đến đấy nói khó với người ta ở trọ một đêm rồi sáng mai sẽ cùng đi sớm.


Hai tên công sai đáp rằng:


- Chỗ đèn sáng hình như không thẳng đường cái đi đến thì làm thế nào cho tiện?


Tống Giang nói:


- Bây giờ lỡ bước phải chịu khó một tí, sáng mai đi rồi ra vài dặm đường cũng được chứ sao?


Nói đoạn ba người cùng rẽ xuống con đường nhỏ đi được hai ba dặm đường thì đến nơi một trang viện lớn ở đằng sau một đám rừng cây. Tống Giang cùng hai tên công sai lần vào cổng trang, gõ cửa mấy tiếng thì có người chạy ra mở cửa mà hỏi rằng:


- Các bác là người ở đau mà đêm hôm đến gọi cửa làm vậy?


Tống Giang cung kính đáp rằng:


- Chúng tôi là người phạm tội, đẩy sang ở Giang Châu, qua đây lỡ mất độ đường, xin vào quý trang trọ nhờ một tối rồi sáng mai nộp trả tiền phòng.


Người kia đáp rằng:


- Các ông hãy đợi đây để tôi vào hỏi chủ nhân đã...


Nói đoạn quay trở vào một lát, rồi lại trở ra bảo với ba người rằng:


- Thái Công mời các ông cứ vào.


Tống Giang cùng hai tên công sai đi vào đến trước thảo đường, vái chào trang chủ và nói chuyện lỡ đường xin nghỉ trọ một đêm. Thái Công nghe nói, liền gọi trang khách dọn phòng cho ba người nghỉ và lấy cơm nước cho ba người ăn uống. Trang khách vâng lời, dẫn ba người xuống một gian phòng, đốt cây đèn lên cho ba người ngồi nghỉ rồi dọn cơm nước lên mời ăn uống. Khi ba người ăn uống xong, trang khách lại thu dọn tất cả đem đi.


Bấy giờ hai tên công sai bảo với Tống Giang rằng:


- Bây giờ đêm hôm vắng vẻ, tôi hãy tháo gông cho Áp Ty dể ngủ, để sáng mai cho kịp dậy sớm.


Nói đoạn liền tháo gông cho Tống Giang, rồi cùng nhau ra ngoài phòng đi rửa, khi ra tới ngoài, ngửa trông lên thấy trời im sao sáng, cảnh vật như tờ, lại trông ra đằng mạn sau nhà, trong chỉ còn một ngõ hẹp con con, đi ngang qua đó. Ba người cùng đi rửa xong, rồi trở vào đóng cửa phòng đi ngủ. Tống Giang nói với hai tên công sai rằng:


- Quý hóa quá! Nay nếu không có cụ trang chủ tử tế, mà cho chúng mình trọ ở đây, thì thực là nguy hiểm không chơi ...


Đương khi nói chuyện, thì bỗng thấy phía ngoài có tiếng người qua lại, rồi thấy đóm đuốc sáng rực cả lên. Tống Giang dòm ra khe cửa nom thấy Thái Công dẫn hai người trang khách cầm đuốc đi soi khắp nơi. Liền quay vào bảo với hai tên công sai rằng:


- Trang chủ ở đây; cũng không khác gì phụ thân tôi, bao nhiêu công việc, đều phải tự mình soi xét lấy, chiều tối ban sáng, không hề bỏ chút việc nào thực là quý hóa.


Vừa nói đến đó thì lại thấy tiếng người gọi cửa ồn ào, có một tên trang khách ra mở cổng, rồi thấy một bọn năm bảy người đi vào. Trong đó có một người cầm thanh đao lớn đi trước, còn mấy người vác gậy đi theo.


Tống Giang nom kỹ, té ra anh chàng cầm đao, chính là người định đánh nhau với mình ở trấn Yết Dương lúc sớm.


Bấy giờ nghe thấy Thái Công hỏi người kia rằng:


- Tiểu Lang đi đâu về đấy? Đánh nhau với ai mà bây giờ còn vác dao vác gậy như thế?


Anh chàng kia đáp rằng:


- Việc này Gia Gia không biết, Ca Ca tôi có nhà không?


Trang chủ đáp rằng:


- Ca Ca uống rượu say, nằm ở hiên sau kia.


Anh chàng lại nói:


- Vậy tôi phải gọi Ca Ca dậy, để bắt đám này mới được!


Thái Công hỏi:


- Ngươi lại cãi nhau với ai mà gọi Ca Ca dậy. Nó dậy thì lôi thôi sinh sự chứ không chơi. Người hãy nói cho ta biết vì duyên cớ gì đã.


- Dám thưa Gia Gia: Ngày hôm nay có một anh bán thuốc cao, đến ở trấn Yết Dương, mà không vào chào anh em tôi, nên thế chúng tôi ngăn bảo các người trên trấn không ai được cho nó một đồng tiền nào. Dè đâu có một thằng tù tội ở phương nào mới đến, làm bộ ra mặt hảo hán, đưa cho anh kia năm lạng bạc, làm mất cả giá trị đất Yết Dương. Tôi tức mình toan đánh, lại bị anh hàng cao đá luôn mấy cái, đến giờ vẫn còn đau, căm tức không biết đâu mà kể. Tôi đã cho các người đi dặn các hàng rượu không được cho chúng nó ăn ngủ hôm nay, và đã cho người đi lùng bắt được anh bán thuốc, đánh cho một trận nên thân, hiện còn để tạm ở nhà Đô Đầu, rồi sáng mai sẽ trói nó lại mà lăn xuống sông cho nó mất tích. Còn hai thằng công sai với một thằng tù kia, không biết rằng nó đâu, tôi đương gọi Ca Ca lại để tìm bắt nó...


Thái Công gạt đi mà rằng:


- Con ơi! Chớ nên làm những việc tội ác như thế? Người ta có tiền thì người ta cho, việc gì đến mình mà lôi thôi sinh sự? Vả chăng nó đánh mình cũng chửa đau nào...? Con đừng nên nói với Ca Ca, rồi nó biết con bị đánh, nó lại lôi thôi giết hại người ta chứ không chơi. Con nghe lời ta đi vào buồng ngủ, đừng nên tìm Ca Ca nữa. Con cũng nên để lại một chút âm công mới được.


Anh chàng kia nghe nói mặc kệ, cứ phăm phăm vác đao đi vào hiên sau. Đoạn rồi Thái Công kia theo vào. Tống Giang nghe rõ ràng như vậy, bèn bàn với tên công sai rằng:


- Nguy lắm rồi làm thế nào được đây? Ta vào đây chính là nhà nó rồi, phải tháo chạy cho mau, không thì chêùt cả bây giờ. Dẫu cho ông lão ấy không nói ra, song đám người nhà đứa nào dám giấu...


Hai anh công sai cũng hoảng hốt mà rằng:


- Nếu vậy ta phải mau đi mới được.


Tống Giang nói:


- Ta không nên đi lối cửa trước, phải khoét một lối vách mà đi lối sau mới xong.


Nói đoạn hai tên công sai đều vác hành lí, Tống Giang cầm lấy gông, rồi khoét một quãng vách mà ra lối sau. Ba người dắt nhau, liền theo dưới bóng sáng mà đi vào con đường nhỏ trong đám rừng cây, không còn biết đến đất trời đâu hết thảy?


Đi đến một trống canh, đã đến bến sông Tầm Dương hai bên toàn là lau lách đìu hiu, ở giữa một giải trường giang trắng xóa, đằng sau lại nghe tiếng người kêu đuổi đến nơi, đèn đóm đi theo chẳng khác gì bọn người đi đánh cướp: Tống Giang thấy vậy, thì trong bụng nửa cảm thương lo sợ, kêu xin trời phật cứu cho rồi cùng nhau nấp vào lau lách. Được một lát thấy đóm đuốc đi theo đã gần tới đằng sau, bước người càng lấy làm hãi hùng kinh sợ, trông ra nước cuốn sông ngăn, đất hết trời cùng không còn lối nào mà chạy thoát được.


Tống Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:


- Nếu biết cơ hội này, thà rằng ở Lương Sơn cho rảnh chuyện. Ai ngờ tính mạng mà chôn lấp ở chốn này, thực là uổng quá...


Ngậm ngùi thay bến Tầm Dương,


Đìu hiu gió lạnh, mênh mang sóng cồn.


Ai về nhắn bạn Lương Sơn,


Tầm Dương nào phải đất chôn anh hùng.


Đươngkhi nguy cấp kinh hoàng, thì bỗng đâu trong đám ngàn lau bụi lách, có tiếng kẽo kẹt quai chèo rồi có một con thuyền ở đâu chở đến. Tống Giang thấy vậy, vội gọi người lái đò, mà nói lên rằng:


- Bác lái ơi! Bác làm phúc đức cứu ba chúng tôi, tôi sẽ trả bác nhiều tiền.


Người lái đứng trên thuyền nói rằng:


- Ba các bác là ai đi đâu bây giờ?


Tống Giang nói:


- Đằng sau có giặc đuổi, chúng tôi lạc bước đến đây, bác làm phúc cứu giúp, chúng tôi xin trả nhiều tiền lên.


Lái đò nghe nói, liền ghé thuyền vào, cho ba người bước lên, một anh công sai khăn gói bỏ vào trong khoang, còn một anh lấy gậy mà đẩy thuyền ra. Tên lái đò vừa bắt chèo lên để chèo, vừa lắng nghe thấy đồ hành lí để trong khoang thuyền có tiếng xủng xoẳng, thì trong bụng hớn hở mừng thầm, mà hết sức cho thuyền ra giữa dòng sông.


Bấy giờ bọn người đuổi theo đã đi gần tới bên cạnh bến sòng, có hai đại hán tay cầm thanh đao đi trước, và hơn mươi người cầm gậy giáo theo sau, đốt mười mấy bó đuốc Sở rực góc trời, kéo ùa đến đó. Khi bọn ấy đi tới bờ sông, liền gọi lái đò bảo cho thuyền vào bến.


Tống Giang cùng hai người công sai nấp vào một xó ở trong khoang, bảo với bác lái đò rằng:


- Bác đừng chở vào bến, rồi chúng tôi xin đãi tiền bác.


Anh lái đò gật đầu, rồi lẳng lặng mà kẽo kẹt chèo thuyền đi thẳng; mặc cho bọn trên bờ kêu gọi luôn mồm. Đám ở trên bờ thấy vậy quát lên rằng:


- Bớ lái đò kia không chở thuyền vào đây, ông cho là chết cả bây giờ.


Anh lái đò cười nhạt mấy tiếng, rồi cứ im lặng không trả lời sao cả.


Trên bờ lại quát lên rằng:


- Bớ lái đò! Anh là người ở đâu, dám to gan không chở vào đây...?


Lái đò cười nhạt đáp rằng:


- Lão gia là anh lái đò họ Trương đây, anh đừng lòe lão gia nữa.


Bấy giờ một đại hán ở trên bờ nói luôn lên rằng:


- Có phải Trương Đại Ca đấy à? Anh có trông thấy anh em tôi đây không?


Lái đò đáp:


- Ta có mù chột gì mà không nom thấy.


Đại hán lại nói:


- Nếu vậy anh hãy chở thuyền vào đây, tôi nói câu này đã.


- Có chuyện gì anh hãy để mai, thuyền bây giờ còn phải đi có việc vội.


- Anh em tôi chỉ muốn bắt ba người ở trong thuyền đó thôi.


- Ba người trong thuyền đều là cha mẹ nuôi nấng thân quyến nhà tôi, tôi mời đi xơi miếng dao phay đây.


- Anh hãy cứ chở vào đây chúng tôi nói câu này đã.


- Chịu thôi, cơm áo của tôi, bây giờ lại đem cho bác sung sướng hay sao?


Đại hán kia nghe vậy, thì nóng nảy mà rằng:


- Trương Đại Ca ơi! Chúng tôi không cần gì chuyện ấy đâu, bác cứ chở vào đây, cho tôi bắt mấy thằng tù kia thôi...


Lái đò cứ mần thinh, vừa chèo thuyền đi, vừa nói rằng:


- Ngày hôm nay mới tiếp được một việc, chả lẽ mang vào đấy cho anh phỗng mất hay sao? Thôi, hai anh tha lỗi cho, để hôm sau sẽ nói chuyện...


Tống Giang nghe thấy lái đò đối đáp như vậy, cũng không hiểu thâm ý sao, chỉ tắc lưỡi bàn với hai tên công sai mà khen rằng:


- Bác lái đò phúc đức quá, thực hết lòng cứu giúp chúng ta... Chúng ta không nên quên ơn những người như thế... Thực là trời đưa chiếc thuyền để cứu ta đó...


Bấy giờ thuyền đi đã xa, bọn trên bờ kia vẫn chịu phép cầm đuốc đứng vơ vẫn trên đám bờ lau, mà không làm gì được. Tống Giang thấy vậy liền lẩm bẩm bảo hai người kia rằng:


- Hú vía! Phen này thực là xa kẻ ác, gặp được người hay, không còn sợ hoạn nạn chi nữa!


Chàng đương nói chuyện, thì thấy anh lái ngoài kia vừa kẽo kẹt tay chèo, vừa cất tiếng véo von hát lên rằng:


"Lão đây sinh trưởng ở ven sông,


Chẳng thích giao du chỉ thích đồng.


Có phải đêm qua trời báo mộng,


Hôm nay được của rõ như không".


Tống Giang cùng hai tên công sai nghe thấy câu hát như vậy, thì kinh ngạc không hiểu ra sao? Tống Giang suy tưởng trong bụng:


- Chẳng hay họ hát chơi như vậy? Cũng không lấy gì làm quan hệ!


Ba người đương nửa sợ nửa mừng, chưa hiểu ra sao, thì ngoài kia chú lái đò đã gác chèo lên mà nói rằng:


- Thằng tù với hai thằng công sai kia binh nhật mày quen làm hại những kẻ ăn sương, ngày nay gặp tay lão gia đây, chúng bây thích ăn miếng đao phay, hay là muốn ăn bánh hỗn độn chăng.


Tống Giang nghe nói đáp lên rằng:


- Quan bác đừng nói bông làm gì thế. Thế nào là miếng dao phay, thế nào là bánh hỗn độn?


Anh lái đò trợn mắt ghê gớm lên mà nói rằng:


- Lão gia đùa gì với bây! Bây muốn ăn miếng dao phay, thì lão gia có một con dao sắc như nước, ở dưới gầm thuyền kia, không cần phải bốn nhát năm nhát gì cả, chỉ mỗi người một nhát rồi vứt xuống nước là xong. Bằng thích đánh hỗn độn, thì cởi mau quần áo trần truồng, mà nhảy xuống sông mà tự tử.


Tống Giang nghe nói níu lấy hai người công sai mà kêu rằng:


- Khổ lắm trời ơi! Thực là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí!


Lái đò lại quát lên rằng:


- Ba đứa bàn định mau mau, thế nào nói đi.


Tống Giang nói rằng:


- Bác lái ơi! Xin bác xét cho. Chúng tôi có gì đâu. Chúng tôi là kẻ phạm tội, đày sang đất Giang Châu, bình sinh khổ sở, xin bác thương mà tha thứ cho.


Lái đò gắt lên rằng:


- Bây nói gì thế? Tha cho ba chúng bây à? Ta, gọi là nửa đứa cũng không tha, ông đây tên là Câu Kiển Trương Gia Gia (ông cụ Trương mặt chó) đây, bố cũng không cần, mẹ cũng không cần, bây câm mồm đi, nhảy xuống nước đi thôi.


Tống Giang vật nài kêu rằng:


- Chúng tôi xin đưa hết các đồ kim ngân cùng áo xống trong gói để dâng ông, xin ông làm phúc tha mạng cho chúng tôi.


Lái đò lặng ngắt, đi vào dưới khoang thuyền, lấy con dao sáng nhoáng lên, rồi quát bảo với ba người rằng:


- Ba chúng bây muốn làm thế nào?


Tống Giang thấy vậy, thì ngửa mặt lên trời thở dài và bảo hai tên công sai rằng:


- Chỉ vì tôi không kính trời đất, bất hiếu với cha mạ, làm nên tội ác thế này, để liên lụy đến hai bác, thực là đau xót quá chừng!


Hai tên công sai cũng níu lấy gươm mà nói rằng:


- Áp Ty ơi! Thôi còn nói làm chi nữa! Ba chúng tôi cùng chết với nhau một chỗ này thôi!


Anh lái đò sốt ruột quát lên rằng:


- Ba anh cởi áo mau mau nhảy xuống sông, nếu không thì lão gia cho mỗi anh một nhát.


Tống Giang cùng hai tên công sai, nghe nói thì ôm nhau mà quay ra trông xuống dòng sông để nhảy. Chợt đâu trên sông có tiếng kẽo ca kẽo kẹt, rồi có một chiếc thuyền vun vút đi đến. Trên thuyền có ba người một đại hán cầm cây gậy móc, đứng ở mũi thuyền, và hai người lái chèo ở đằng sau. Khi thuyền gần đến nơi, thì đại hán cầm gậy móc kia mà quát lên rằng:


- Thuyền nào dám hành sự ở đây? Hàng hóa trong thuyền đã có chủ, sao các ngươi được làm liều như thế?
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom