• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG vietwriter.co TỪ NGÀY 18/11

Full Thủy Hử (3 Viewers)

  • Chương 99

Nói đoạn liền gọi Lưu Đường, Hô Duyên Chước, Nguyễn Tiểu Ngũ, Yến Thuận, Nguyễn Tiểu Thất, Tiểu Thiên, Bạch Thắng, Tống Vạn, chỉnh điểm nhân mã, đợi chiều hôm đó đến cướp trại. Đêm hôm đó trời vừa sẩm tối, cơm nước xong rồi, ba quân đều ngậm tăm im phắc, ngựa tháo nhạc ra, rồi cùng hai người thầy chùa, mà kéo vào chùa Pháp Hoa. Khi tới nơi, Tiều Cái xuống ngựa đi vào, thấy quả nhiên là một khu chùa cổ, mà không có sư mô ở đó, liền hỏi hai người sư kia rằng:
- Đây là một nơi chùa lớn, mà sao không có pháp sư ở đây?
Nhà sư đáp rằng:
- Nhân vì mấy đứa súc sinh nhà họ Tăng quấy nhiễu, nên các sư đều sợ hãi mà bỏ đi cả, duy còn có sư phụ và mấy người đồ đệ thì ở tháp viện trong kia... Xin Đầu Lĩnh tạm nghỉ nhân mã đây, rồi canh khuya tôi sẽ đưa tới trại chúng.
- Trại chúng ở chỗ nào?
- Chúng nó có bốn trại, song bên bắc là chỗ anh em họ Tăng đóng binh, nếu đánh được chỗ đó, thì trại bên kia phá dễ như chơi.
- Đợi lúc nào thì đi?
- Bây giờ mới canh hai, xin đợi đến canh ba sẽ đi.
Khi đó Tiều Cái nghe trống canh ở chợ Tăng gia đã điểm hai tiếng, sau nghe mãi vào khoảng giữa trống canh ba, thì thấy phăng phắc không có trống canh nào nữa.
Hai người nhà chùa bảo với Tiều Cái rằng:
- Có lẽ bây giờ chúng ngủ kĩ rồi, ta nên kéo quân đi thôi…
Nói đoạn liền dẫn đoàn đi trước, Tiều Cái cùng các đầu lĩnh lên ngựa kéo quân đi theo sau. Đi được năm dặm đường, đến chỗ tối tăm mù mịt bỗng không thấy hai lão sư đâu, quân mã liền đứng dừng lại mà không dám tiến.
Nom đến đường, thì toàn là đường ngang lối tắt rất nhiều, mà không có nhà cửa nào ở đó. Chúng thấy vậy cả kinh báo cho Tiều Cái biết. Hô Duyên Chước nghe báo, bèn truyền quân kéo về đường cũ.
Đi được độ hơn trăm thước, bỗng thấy bốn bên chiêng trống vang trời tiếng kêu dậy đất, rồi có một dãy đóm đuốc kéo ra. Tiều Cái cả kinh liền dẫn các tướng cùng ba quân cướp đường để chạy.
Chạy được hai khúc đường, lại gặp một toán nhân mã, bắn tên đạn rào rào chắn ngang trước mặt. Tiều Cái cùng các tướng xông đột tìm đường, bất đồ bị một mũi tên bắn ngay vào mặt. Tiều Cái ngã lăn xuống ngựa. Ba anh em họ Nguyễn cùng Lưu Đường, Bạch Thắng thấy vậy, đều liều thân lăn vào cứu Tiều Cái lên ngựa, rồi đánh tháo lấy đường đi ra. Khi ra tới cửa thôn, có đám quân của Lâm Xung tiếp ứng, đánh nhau với bọn Tăng gia mãi đến khi trời sáng, mới thu quân về trại.
Bấy giờ Lâm Xung điểm lại nhân mã, hơn hai nghìn, chỉ còn xót lại hơn nghìn, các đầu lĩnh đều liều chết thoát được về cả.
Các đầu lĩnh đến thăm Tiều Cái, thấy mũi tên bắn ngay vào má rất sâu, khi nhổ mũi tên ra, thì máu lai láng như là suối chảy vậy. Chúng xem mũi tên, thì thấy mũi tên có tẩm thuốc độc, trên đề ba chữ “Sử Văn Cung”. Lâm Xung bèn lấy thuốc kim sang dán cho Tiều Cái. Khi đó Tiều Cái bị thuốc độc ngấm ra, không nói năng được nữa. Lâm Xung bèn sai vực lên xe, rồi cho Lưu Đường cùng ba anh em họ Nguyễn, và Đỗ Thiên, Tống Vạn đưa về sơn trại trước. Đoạn rồi mười bốn vị đầu lĩnh bàn với nhau rằng:
- Phen này Tiều Thiên Vương hành binh, không ngờ thất bại đến như thế, thực là ứng với điềm gió thổi gãy cờ hôm trước… Anh em chúng ta rồi đây cũng phải rút quân trở về, song hãy đợi lệnh Tống Công Minh xem sao sẽ quyết.
Hôm đó vào khoảng canh năm, trời chưa rạng sáng, mười bốn vị đầu lĩnh đương ngồi than thở với nhau, bỗng thấy tiểu lâu la vào báo rằng:
- Phía trước có bốn, năm toán quân kéo đến, đóm đuốc rực rỡ, đông đúc không biết đâu mà kể…
Lâm Xung nghe nói liền cùng các vị đầu lĩnh lên ngựa ra xem, quả thấy ba mặt đều đóm đuốc sáng như ban ngày. Tiếng hò reo vang trời dậy đất, chàng liền hạ lệnh cho các tướng sĩ lập tức mà chạy. Bọn quân mã Tăng gia đuổi đến đánh, Lâm Xung vừa đánh vừa lùi, mãi đến ngoài năm sáu mươi dặm mới chạy thoát được. Bấy giờ kiểm lại nhân mã, thì thiệt hại đến năm bảy trăm người, các đầu lĩnh phải kéo quân mà trở về Lương Sơn Bạc.
Khi về đến sơn trại, thấy Tiều Cái đã li bì mê mệt, cơm cháo không ăn, toàn thân sũng bủng beo, rất chiều nguy hiểm. Tống Giang ngồi luôn trước giường Tiều Cái, mà khóc than rất là thảm thiết. Các đầu lĩnh cũng đều ở đó mà hầu hạ trông nom.
Đêm hôm đó vào khoảng canh ba, Tiều Cái nghe trong mình trầm trọng khác thường, bèn quay đầu ra Tống Giang mà dặn rằng:
- Hiền đệ ơi! Xin hiền đệ chớ nên trách lời nói của tôi, tôi chỉ xin sau này, nếu ai giết được kẻ thù bắn tôi, thì cho làm chủ Lương Sơn Bạc ở đây…
Nói đoạn nhắm mắt buông tay, mà hồn về chín suối.
Bấy lâu nổi tiếng giang hồ,
Một phen phó mặc cơ đồ cho ai?
Hết thân chưa dứt chuyện đời,
Gươm thù còn gửi lại người nước non...
Bấy giờ Tống Giang thấy Tiều Cái mất, thì trong lòng lấy làm thảm thiết, cất tiếng khóc nức nở, không khác gì cha mẹ mất vậy.
Các Đầu Lĩnh thấy vậy đều dìu Tống Giang ra để chủ trương các việc.
Ngô Dụng cùng Công Tôn Thắng khuyên Tống Giang rằng:
- Ca Ca chớ nên phiền não cho lắm người ta sống chết bởi tại mệnh trời, dẩu than khóc cũng không làm chi được nữa. Vậy xin Ca Ca hãy lý hội việc lớn là hơn.
Tống Giang nghe nói liền gạt nước mắt, rồi sai lấy nước hương hoa tắm cho Tiều Cái, khâm liệm áo xiêm tử tế, mà đưa ra Tụ Nghĩa Sảnh.
Các Đầu Lĩnh đều đến đó mà khóc lóc làm lễ, rồi sai đóng quách, chọn ngày lành tháng tốt mà đưa ra chính sảnh, đặt linh sàng viết bài vị mấy chữ "Lương Sơn Bạc Chủ, Thiên Vương Tiều Công Thần Chủ" để thờ.
Các vị Đầu Lĩnh trong sơn trại cùng Tống Giang trở xuống; đều ăn mặc đại tang, còn các tiểu đầu mục cùng các tiểu lâu la cũng chít khăn để tang.
Lâm Xung đem mũi tên thề ở trước linh sàng Tiều Cái, rồi sơn trại dựng cành phan, thỉnh các sư ở chùa gần đó, về làm chay siêu thoát cho Tiều Thiên Vương.
Từ đó hàng ngày Tống Giang lại dẫn các vị Đầu Lĩnh đến trước linh sàng khóc lóc, không có bụng nào nghĩ đến việc sơn trại. Lâm Xung cùng Ngô Dụng, Công Tôn Thắng và các vị Đầu Lĩnh bàn nhau tôn Tống Giang lên làm chủ, để coi giữ hiệu lệnh trong sơn trại.
Sáng hôm sau thiết bày vị hương hoa đền nến, rồi Lâm Xung dẫn các Đầu Lĩnh mời Tống Giang ra ngồi ở Tụ Nghĩa Sảnh mà nói rằng:
- Dám bẩm Ca Ca, trong nước không thể một ngày không có vua, trong nhà không thể một ngày không có chủ. Nay Tiều Đầu Lĩnh đã hết mệnh chầu trời, công việc ở trong sơn trại, không thể không có người chủ trương được. Vậy Ca Ca là một người đại nghĩa anh tài trong thiên hạ không ai là không biết tiếng, vậy chúng tôi xin chọn ngày lành tháng tốt, để mời Ca Ca lên làm chủ sơn trại, cho anh em được cùng theo hiệu lệnh của Ca Ca mới được.
Tống Giang từ chối mà rằng:
- Khi Tiều Thiên Vương sắp nhắm mắt có dặn lại rằng: "Ai bắt được Sử Văn Cung thì cho làm chủ Lương Sơn Bạc"Điều đó các Đầu Lĩnh ai ai cũng biết. Vậy nay tên thề vẫn còn để kia, có lẽ nào đã quên được hay sao?, vả chăng chưa ai báo cừu rửa hận cho xong, có khi nào đã ở ngôi ấy được?
Ngô Học Cứu nói rằng:
- Đã đành Tiều Thiên Vương nói vậy, song việc sơn trại không thể một ngày không có chủ được, nếu Ca Ca không nhận ngôi ấy, thì các Đầu Lĩnh toàn là những kẻ dưới, cọn ai dám nhận mà làm? Vả chăng anh em đây phần nhiều toàn thị tâm phúc của Ca Ca, chắc cũng không ai dám dị nghị vào đó, vậy xin Ca Ca hãy tạm quyền ít lâu, rồi sau này sẽ liệu.
Tống Giang nói rằng:
- Quân sư dạy thế cực phải, nay tôi xin quyền tạm ở đây, ngày sau ai bắt được Sử Văn Cung, thì xin nhường vào vị đó.
Bấy giờ Hắc Toàn Phong Lý Quỳ đứng bên cạnh kêu lên rằng:
- Ca Ca làm Đại Tống Hoàng Đế cũng được, cử gì chủ một Lương Sơn Bạc này.
Tống Giang cả giận quát lên rằng:
- Thằng đen lại đến đó mà nói nhắng... còn nói câu nữa thì ta cắt lưỡi đó.
Lý Quỳ nói:
- Tôi có bảo Ca Ca đừng làm đâu? Tôi mời Ca Ca làm Hoàng Đế mà cũng cắt lưỡi..?
Ngô Học Cứu nói rằng:
- Ca ca là một người không biết thời thế, nói làm chi ta hãy xong việc lớn đã.
Nói đoạn Tống Giang đốt hương xong, rồi Lâm Xung, Ngô Dụng mời Tống Giang lên ngồi ghế chính giữa, phía trên có Ngô Dụng, phía dưới có Công Tôn Thắng; dãy bên tả có Lâm Xung làm đầu, dãy bên hữu có Hô Duyên Chước làm đầu, còn các thủ lĩnh theo thứ tự mà ngồi. Khi các thủ lỉnh vái chào cùng ngồi yên vị rồi Tống Giang nói rằng:
- Ngày nay tôi tạm quyền chủ vị ở đây, dám xin anh em hết lòng hết sức ràng buộc lấy nhau, để cùng thay trời làm Đạo. Trong sơn trại hiện nay, nhân mã đông đúc, công việc bộn bề, không phải tầm thường như ngày trước. Vậy xin anh em chia ra làm sáu trại để đóng. Tụ Nghĩa Sảnh lại đổi là Trung Nghĩa Đường, trước sau tả hữu xin đặt bốn trại trên bộ, sau núi làm hai trại con, trước cửa núi ba toà quan ải, dưới núi một trại thủy quân, hai bên có hai trại nhỏ, cùng chia nhau canh giữ các nơi, Trung Nghĩa Đường thì tôi tạm giữ ngôi chủ, rồi thứ nhì đến quân sư Ngô Ngọc Cứu, thứ ba đến pháp sư Công Tôn Thắng, thứ tư đến Hoa Vinh, thứ năm đến Tần Minh, Thứ sáu đến Lã Phương, thứ bảy đến Quách Thịnh; trong tả trại thứ nhất thì Lâm Xung, thứ nhì Lưu Đường, thứ ba Sử Tiến, Thứ tư Dương Hùng, thứ năm Thạch Tú, thứ sáu Đỗ Thiên, thứ bảy Tống Vạn; Trong trại hữu quân thứ nhất Hô Duyên Chước, thứ nhì Chu Đồng, thứ ba Đới Tung, thứ tư Mục Hoằng, thứ năm Lý Quỳ, thứ sáu Âu Bằng, thứ bảy Mục Xuân; Tiểu trại thứ nhất Lý Ứng, thứ nhì Từ Ninh, thứ ba Lỗ Trí Thâm, thứ tư Võ Tòng, thứ năm Dương Chi, thứ sáu Mã Lân, thứ bảy Tri An; Hậu trại thứ nhất SÀi Tiến, thứ nhì Tôn Lập, thứ ba Hoàng Tín, thứ Tư Hàn Thao, thứ năm Bàng Dĩ, thứ sáu Đặng Phi, thứ bảy Tiếc Vĩnh. Trong trại thủy quân thứ nhất Lý Tuấn, Thứ nhì Nguyễn Tiểu Nhị, thứ ba Nguyễn Tiểu Ngũ, Thứ Tư Nguyễn Tiểu Thất, thứ năm Trương Hoành, thứ sáu Trương Thuận, thứ bảy Đồng Uy, Đồng Mảnh. Sáu trại cộng bốn mươi ba viên Đầu Lĩnh.
Tước cửa quan lần thứ nhất do Lôi Hoành Phàn Thụy Giữ. Cửa quan thứ hai do Giả Trân, Giải Bảo giữ, cửa quan thứ ba do Hạng Sung, Lý Cổn giữ. Tiểu trại ở bến Kim Sa sai Yến Thuận, Trịnh Thiên Thọ, cùng Khổng Minh, Khổng Lượng coi, tiểu trại ở bến Áp Chủy giao cho Lý Trung, Chu Thông, Trâu Uyên, Trâu Thuận giữ. Hai tiểu trại đằng sau núi có Dương Nuỵ Hổ, Nhất Trượng Thanh và Tào Chính, bên hữu có Chu Vũ, Trần Đạt Dương Xuân coi giữ. Trong Trung Nghĩa Đường về dãy phòng bên tả có Tiêu Nhượng coi việc văn thư, Bùi Tuyên coi việc thưởng phạt, Kim Đại Kiện coi việc ấn tín, Tưởng Kinh coi việc tính toán tiền nong; Dãy bên hữu có Lăng Chấn coi việc tiền nong, Mạnh Khang coi việc đóng thuyền, Hầu Kiện coi việc chế mũ giáp. Đào Tôn Vương coi việc xây dựng thành quách. Còn các người ở Trung Nghĩa Đường, thì có Lý Vân coi việc dựng nhà cửa, Thăng Long đốc thúc thợ rèn, Chu Quý coi việc chế rượu chè, Tống Thanh coiviệc cỗ bàn yến tiệc. Đỗ Hưng Bạch Thắng coi sóc các đò vặt vãnh. Ngoài núi làm bốn ngôi tữu điếm nguyên giao cho bọn Chu Quý, Nhạc Hoà, Thời Thiên, Lý Lập, Tôn Tân, Cố Đại Tẩu, Trương Thanh, Tôn Nhị Nương chia giữ, còn Dương Lâm Thạch Dũng, Đoàn Cảnh Trụ thì chuyên việc mua lừa ngựa về phía bắc.
Khi cắt đặt xong rồi, các Đầu Lĩnh lớn nhỏ ở Lương Sơn Bạc, đều nhất làm theo lệnh Tống Giang, mà không hề có điều chi ngang trái.
Sáng hôm sau Tống Giang lại họp các vị Đầu Lĩnh mà bàn rằng:
- Lẽ ra ta nên vì Tiều Thiên Vương mà đem quân đi đánh Tăng Đầu Thị để báo thù ngay lập tức. Song hiện nay trong lúc cư tang, ta kinh động như thế, thì là bất tiện. Vậy xin để ra ngoài trăm ngày, rồi sẽ cử binh đi đánh, cũng không lấy gì làm chậm trễ...
Các Đầu Lĩnh nghe lời đều lui ra coi giữ sơn trại, và ngày ngày lại đón thầy làm chay niệm phật để tịnh độ siêu sinh cho Tiều Cái.
Một hôm có một vị có pháp danh là Đại Viên, Nguyên là pháp chủ trong chùa Long Hoa, tại phủ Đại Danh Thành Bắc Kinh, nhân đi vân du qua mạn Lương Sơn, bọn Lương Sơn liền đón và để làm chay, cúng Phật.
Trong khi trò chuyện Tống Giang hỏi đến nhân vật cùng phong thổ ở Bắc Kinh.
Nhà sư hỏi Tống Giang rằng:
- Đầu Lĩnh không biết ông Ngọc Kỳ Lân ở đất Hà Bắc hay sao?
Tống Giang nghe nói, chợt nghĩ ra, liền nói với nhà sư rằng:
- Ngài nom chúng tôi chưa già, có bao giờ quên được việc ấy. Trong thành Bắc Kinh Viên Ngoại họ Lư tên Tuấn Nghĩa, biệt hiệu là Ngọc Kỳ Lân, đứng vào hạng Tam Kiệt ở Bắc Hà đấy... Ông ta võ nghệ cao cường, côn quyền không ai địch nổi, nếu ở Lương Sơn Bạc có được ông ấy, thì trong bụng tôi không lo nghĩ một điều chi nữa.
Ngô Dụng nghe nói cười mà rằng:
- Ca Ca can chi nói những câu bất đắc chi như vậy? Nếu muốn được người ấy lên núi, thì có khó gì?
Tống Giang nói rằng:
- Ông ta là một trưởng giả bậc nhất ở Bắc kinh. Xưa nay tôi vẫn nghĩ đến luôn, vì dạo này bận rộn nên lãng quên đi mất... tôi chỉ thi hành một kế cỏn con thì khả dĩ đưa được người ấy lên đây ngay có ngại gì?
Tống Giang nghe vậy, khen ngợi Trí Đa Tinh, và hỏi xem kế sách ra sao? Mới hay:
Anh hùng đứng giữa trần ai,
Tri âm đâu dể lọt ngoài mắt xanh?
Nặng lòng kẻ tử người sinh,
Nước bèo tan hợp chút tinh dể quên.
Mong cho chung thủy vẹn tuyền,
Thắt dày liên lạc làm duyên giang hồ.
Máu riêng chung đúc một lò,
Ra tay gánh lấy cơ đồ xem sao?
Lời bàn của Thánh Thán.
Đọc Thủy Hử theo tục bản, đến chỗ này, thấy bỗng đâu hết ý, không hiểu rõ ra, tới khi đọc đến cổ bản, mới ngậm ngùi than: Hỡi ôi khéo thay; văn chương hay đến bậc này!
Xét từ trước Tiều Cái muốn đi đánh Chúc Gia Trang thì Tống Giang đón lấy, can rằng: Ca Ca là chủ sơn trại, không động; Tiều Cái muốn đánh Cao Đường, Tống Giang cũng lại khuyên rằng: Ca Ca là chủ sơn trại, không nên khinh động; cho tới đánh Thanh Châu, đánh Hoa Châu, Tống Giang đều một điệu nói ấy, đón lấy mà đi.
Sao đến đánh Tăng Đầu Thị, thì Tiều Cái quyết đi, Tống Giang lặng im không nói câu nào, Tống Giang chẳng ngăn, mà Tiều Cái đã chết vì việc đó, ta đây cũng chẳng biết sự thực ra sao? Song theo quân tử mà xem thư pháp, suy đến tình trạng, dẫn chuyện Hứa Thế Tử chẳng nếm thuốc qua để đoán việc ngục, thì Tống Giang đã giết Tiều Cái, quyết không dung thứ, đó chẳng phải mũi tên của Sử Văn Cung, mà thực ra chết ở trên tay Tống Giang vậy, cũng chẳng phải là Tống Giang biết rõ năm hổ ở chợ Tăng Đầu, có thể giết chết Tiều Cái mà chẳng đem binh cứu viện, vì Tiều Cái chết chẳng phải Tống Giang nghĩ biết tới, song lẽ Tiều Cái chết thì hay cho Tống Giang, chẳng phải chỉ ngày ấy mà nghĩ tới. Ta biết đó vì sao? Vì Tiều Cái mỗi khi muốn hạ sơn, Tống Giang lại đón ngăn đi, Tống Giang không muốn Tiều Cái hạ sơn kia, là chẳng muốn Tiều Cái có sơn trại nữa, lại chẳng muốn mọi người coi có Tiều Cái nữa, đã chẳng muốn Tiều Cái còn sơn trại nữa, thì sơn trại phải một sớm sẽ không còn của Tiều Cái, Tống Giang cả mừng; lại chẳng muốn mọi người coi có Tiều Cái, thì Tiều Cái tuy chưa chết ở trong tay Sử Văn Cung, song đã chết ngay ở trên tay mọi người trên sảnh dưới sảnh không hưởng ứng lời, đâu phải chỉ một ngày mà thôi vậy, như thế, ngày nay Tiều Cái chết ở tay Sử Văn Cung đã dư cái chết từ trước, cái chết của Tiều Cái vốn lâu rồi, thế mà Tiều Cái đến chết mới kinh hoảng, là thấy ở trên tay Sử Văn Cung của Tăng Gia Ngũ Hổ, vì Tống Giang thấy Tiều Cái ra đi, rồi đến chết, mà đành vậy. Cho nên từng khuyên đừng đánh Chúc Gia Trang, đừng đi đánh Cao Đường, đừng đi đánh Thanh Châu, Hoa Châu... thì đủ biết rằng đi đánh Tăng Gia thì cũng phải khuyên rồi, thế mà tác giả đối với những trận trước thì chép ra Tống Giang khuyên, đến lần này, chép bỏ sự khuyên đi, cho rõ cái ác tâm của Tống Giang để định tội vậy. Đó là thâm ý của tác giả, dùng ngòi bút kỳ quan chép sử, cho rõ cong ngay, nếu không đọc cổ bản, thì không thấy rõ. Suốt thiên này đều dùng ngòi bút tả ra, cho rõ tội Tống Giang, muốn giết Tiều Cái, như gió thổi gãy cờ, chỉ một Ngô Dụng can thôi, đó là một tội; Đới Tung đi thám thính, giấu chuyện về báo, hai tội vậy; Năm tướng cứu chết, còn mọi người chỉ biết mình, ba tội vậy; Sao chủ soái sa, mọi người chẳng đổi về, bốn tội vậy; chỉ biết khóc lóc, không lo thuốc thang, năm tội vậy; Tiều Cái để lại lời thề, mà rằng chẳng quái, sáu tội vậy; Vội lên ngôi lớn, sắp đặt khác đi, bảy tội vậy; Bỏ mặc tang chế chẳng báo thù ngay, tám tội vậy; Thù lớn chưa xong, gặp thầy tăng rỗi bàn, chín tội vậy; Bỏ chết Thiên Vương, bắt sống Kỳ Lân, mười tội vậy.
Hồi thứ hai tả Thiếu Hoa Sơn, hồi thứ tư tả Đào Hoa Sơn, hồi mười sáu tả Nhị Long Sơn, hồi ba mươi mốt tả Bạch Hổ Sơn, đến hồi này tóm thâu hết lại, thực là kỳ bút, thế mà còn hiềm rằng cùng giống nhau, cùng giống nhau như sao? Như bày tất cả con cờ, đến kết cục cùng thu lại cả. Sau đọc đến thiên này, lại có thêm một Hỗn Thế Ma Vương, trước chưa từng có, bỗng đâu nảy ra, gặp một sự hư này, cùng với bốn sự thực kia, vậy sau biết đến văn chương có phép tương cứu vậy.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom